RẠCH GẦM - XOÀI MÚT

Trần Khánh

Bần gie đóm đậu sáng ngời
Rạch Gầm - Xoài Mút muôn đời oai linh.

Từ tỉnh lỵ Mỹ Tho ngược dòng sông Tiền theo dòng nước 14 km, ta gặp một con rạch tên là Sầm Giang. Rạch này bắt nguồn từ xã Long Tiên chảy quanh các làng Mỹ Phong, Bàn Long, Vĩnh Kim rồi đổ ra sông Tiền, chiều dài đo được 25 km. Từ vàm rạch Sầm Giang vô 11 km được gọi là rạch Gầm, giữa hai đầu vàm khoảng 50 m và từ ngoài miệng sông cái đi vô phải đi qua các chi lưu nhỏ hơn có tên toàn là nhân vật theo thứ tự: rạch Bà Hào, rạch Bà Lung, rạch Ông Hổ, rạch Bà Nhan, rạch Cả Cấm, rạch Bà Tét. Nguồn rạch Ông Hổ từ Long Hưng đổ ra là nơi Tả Quân Lê văn Duyệt thuở ấu thời bơi lội đùa nghịch cùng lũ mục đồng.

Con rạch Sầm Giang chảy qua địa phận Vĩnh Kim, nơi đây có ngôi chợ lớn trong vùng người ta gọi chợ này là chợ Giữa vì chợ nằm trong trung tâm các xã Kim Sơn, Song Thuận, Long Hưng, Bình Trưng, Bàn Long, Phú Phong. Cũng từ tỉnh lỵ Mỹ Tho dọc theo thủy trình 7 km đến làng Bình Đức, ta thấy một con rạch là chi lưu cũng thuộc tả ngạn sông Tiền có tên là rạch Xoài Mút, hai bên bờ vàm khoảng 30 m, chiều dài 8 km. Đôi bờ của hai con rạch Gầm, Xoài Mút cây cối dầy đặc với nhiều loại: cây sọp, cây săng máu, mù u…và nhứt là dừa nước, bần ven bãi rạch, chèo thuyền từ rạch nhìn lên thấy hàng hàng lớp lớp dừa nước, cây lá xanh tươi quanh năm, giúp cho dân địa phương dùng để làm vách, lợp nhà che mưa gió. Và có những cây bần (có tên hoa mỹ thủy liễu do Nguyễn Ánh đặt sau khi được Trần văn Hạc cho ăn trái bần với mắm sống ở vàm sông Hàm Luông, Bến Tre). Tàng bần che rợp bóng nước, vào hè hoa nở trắng rồi kết trái đong đưa khi gió lướt, về đêm là tổ ấm của hàng triệu con đom đóm đậu. Xuất xứ địa danh này đã có từ mấy trăm năm rồi, khi xưa ông bà ta đến đây khẩn hoang lập ấp chỉ thấy toàn là rừng rậm, cây cối chằng chịt, nhiều dã thú sống như nai, khỉ, rắn, trăn, sấu…, đủ loại chim muông…, đáng kể hơn hết là cọp, sống một cách hoang dã. Nơi xứ lạ: Xứ đâu là xứ lạ lùng, Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp đua mà không biết địa danh này gọi là gì, ngày đêm nghe tiếng kêu gầm của cọp vang dậy khắp vùng. Để dễ nhớ tổ tiên ta gọi chỗ này là rạch Cọp Gầm, dần dần nói tắt là rạch Gầm cho gọn. Một sự tích khác xuất phát từ Bến Tre, xã Phú Túc là rạch Gầm ở đôi bên bờ sông Cửu Long, có một đêm mưa gió lớn, sấm chớp ầm ầm, trời đất mịt mù, hôm sau trời quang đãng từ ngày hôm đó dân chúng làm ăn phát đạt, cây cối tươi tốt. Để ghi nhớ cái đêm trời gầm thét dữ dội, tiếng sấm vang dội từ bên nây sông qua bên kia sông rồi như được đáp lại, người ta mới đặt tên là rạch Ông Gầm, sau gọi tắt là rạch Gầm. Còn bên kia sông thuộc cù lao An Hóa làng Phú Túc có con rạch tên là rạch Bà Hét. Bên nây gầm, bên kia hét.

Tên rạch Xoài Mút cũng do nhóm ông bà đi tiên phuông tìm đất sống đặt ra, với từ ngữ của Miên khó đọc khó nhớ, đến đây thấy một rừng xoài, loại xoài rừng trái nhỏ, cơm (thịt) ít, hột trưu trứu (lớn), nếu dùng dao gọt vỏ thì còn gì thịt để mà ăn. Mùi vị xoài rừng này thơm, chua chua ngọt ngọt, không có chi ăn thì ăn cũng ngon mà cũng dễ nhớ dễ thèm khi ăn đã quen rồi, cho nên vô rừng xoài chỉ cần hái, cắn ăn lừa vỏ ra bỏ rồi tay cầm hột mà mút, tay có ẩm rít thì mút tay hay chùi vào quần áo, xứ ta ngày nào cũng tắm giặt quần áo. Thế là ông bà ta đặt tên vùng rạch này là rạch Xoài Mút và có một cái chợ nằm ở xã Bình Đức và xã Thanh Phú gọi là chợ Xoài Hột. Ở đây vẫn còn vài cây xoài khi xưa còn sống sót thân to và cằn cỗi lắm. Theo tài liệu của ông Trương Vĩnh Ký thì rạch Gầm tiếng Miên gọi là Prêk Kh là trầm và rạch Xoài Mút là Prêk Svay. Còn tên Mỹ Tho nhiều sách viết theo nghĩa của Miên là Me So không hiểu là nghĩa gì. Có người nói là cô gái đẹp.

Vùng rạch Gầm được mệnh danh là địa linh nhân kiệt, một địa danh làm khiếp đảm quân Xiêm, nơi đây sản xuất bao vị anh tài về quân sự, chánh trị, âm nhạc…nhất là vị khai quốc công thần nhà Nguyễn Tả Quân Lê văn Duyệt. Ở Kim Sơn có ông cả Dám là người cương trực nhất mực, sau khi chết thành thần rất hiển linh, dân chúng quanh vùng đều cữ tên ông mà nói trại là "diếm". Người dân ở đây có đi xa cũng dễ nhận diện vì khi nói "không diếm, diếm nói, diếm làm, diếm chịu", cũng như ông hội đồng Hoài ở cù lao Minh, Bến Tre người dân cũng cữ tên nói chữ Hoài thành huời. Ở đây có một gia đình âm nhạc, lấy Trần văn Khê, Trần văn Trạch làm chuẩn thì trên có ông nội, ông ngoại, bà cô, tới anh em họ rồi con cháu cũng giỏi âm nhạc.

Cũng quanh vùng này còn có cây vú sữa nổi danh, vú sữa Lò Rèn. Vào dịp giáp Tết là mùa vú sữa rộ. Từ Tây Hoà ra chợ Giữa, qua Đông Hoà tới quốc lộ, kẻ gánh người chờ nườm nượp thật là vui lạ. Ở đây vú sữa đưa về Sài Gòn phân phối cho cả nước mà còn xuất cảng nữa. Và nơi đây cũng trải qua một chiến trận long trời lở đất: Nguyễn Huệ chiến thắng Xiêm binh vào đầu năm 1785.
Theo lời cầu viện của Nguyễn Ánh, vua Xiêm (Thái Lan) sai hai danh tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương mang mấy vạn quân và 300 chiến thuyền vào nước ta ngày 25-07-1784, thời đó vương quốc Xiêm có binh đội hùng mạnh nhất là thủy quân. Sang nước ta đi tới đâu cũng sách nhiễu dân tình, cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ, ngay Nguyễn Ánh cũng đã than và hối hận mà thố lộ với Bá Đa Lộc: "Nay thời Xiêm binh đại tứ lỗ lược, dâm nhơn phụ nữ, lược nhơn tài vật, túng sát bất dung lão thiếu". Tháng 8 năm 1784 quân Xiêm chia nhau đồn trú ở Ba Vác, Trà Ôn, Mang Thít, Sa Đéc. Tháng 11 năm 1784 quân Xiêm đến sông Tiền, đóng quân từ Trà Lọt đến Trà Tân thuộc quận Cái Bè và Cai Lậy tỉnh Định Tường, với cách bày binh bố trận chặt chẽ, bộ binh trên bờ, thủy binh ở dưới sông rạch để tạo thế ỷ dốc yểm trợ lẫn nhau. Với ý định chiếm thành phố Mỹ Tho để làm bàn đạp tiến lên đánh lấy Sài Gòn.
Từ Qui Nhơn, Nguyễn Huệ được tin cấp báo, ông tức tốc điều quân tiến vô Nam, đến đầu tháng giêng năm 1785 thủy quân đến cửa Tiểu rồi đến đóng quân ở thị xã Mỹ Tho phía tả ngạn Bảo Định giang (phía Chợ Cũ). Tại đây ông đặt kế hoạch phá địch. Sau khi tìm hiểu thế trận và lực lượng đôi bên, ông quyết định chọn địa thế từ rạch Gầm đến rạch Xoài Mút để làm trận mai phục tiêu diệt địch. Có sách chép rằng lúc Nguyễn Huệ mới vô, đụng với kẻ địch lạ tay mấy trận không thắng, định rút quân về, nhưng có một hàng tướng của Nguyễn Ánh tên là Lê Xuân Giác bày kế phục binh cho Nguyễn Huệ. Qua sự việc này có thể Lê Xuân Giác là người am tường địa hình vùng này hiến kế dấu quân, chớ chuyện lui binh thì không hợp với khí phách anh hùng của vị tướng áo vải cờ đào từ lúc cầm quân cho đến ngày mãn số.
Chọn được địa hình hết sức thuận lợi cho việc phục kích từ cách bố trí thuyền bè và mai phục trên bờ được giữ bí mật, rạch Gầm-Xoài Mút lại nằm giữa Mỹ Tho là nơi đóng quân của Nguyễn Huệ và quân Xiêm ở Trà Lọt, khoảng cách mỗi nơi khoảng 7-8 cây số, thật là vừa tầm, vì nếu ở xa thì di chuyển quân không kịp, gần quá thì địch theo dõi biết rõ ý định mà phòng bị trước. Đó là chiến thuật "xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị" theo binh pháp. Thêm nữa, đoạn sông Tiền từ rạch Gầm đến Xoài Mút có cù lao Thới Sơn giống như mõm chó sói hả ra, thích hợp cho sự bao vây và khóa bít gọng kềm, lùa địch vào trong hai rạch không thể chạy ra sông cái để thoát ra biển cả về nước. Bên cù lao Thái Sơn cũng được bố trí thuyền bè và trọng pháo y như bên đất liền rạch Gầm-Xoài Mút khi có phát súng lệnh thì ba bên phóng pháo cùng lượt để đánh phủ đầu lùa thuyền địch vào trận địa đã phục sẵn, nghĩa là Nguyễn Huệ đã chọn sẵn chiến trường để nhử và lùa địch vào ổ phục binh theo ý muốn.
Hai lần Bạch Đằng nổi sóng của Ngô Quyền đuổi quân Nam Hán và Trần Quốc Tuấn diệt quân Nguyên Mông được lập lại ở rạch Gầm-Xoài Mút.
Vào đêm 19 rạng 20 tháng 1 năm 1785, nhân lúc thủy triều lên, Nguyễn Huệ cho thuyền nhẹ đến nơi đóng quân Xiêm ở Trà Lọt tấn công, đánh cầm chừng đợi cho đến lúc nước đứng (bắt đầu ròng) chiến thuyền Tây Sơn giả thua chạy về hướng rạch Gầm. Quân Xiêm muốn tiêu diệt quân Tây Sơn một lần cho gọn, nên dốc hết toàn lực truy đuổi. Toàn bộ quân Xiêm với 300 chiến thuyền lọt hết vào trận địa mai phục thì các chiến thuyền Tây Sơn từ rạch Gầm xông ra khóa đuôi bít kín lòng sông. Dù biết đã lọt vô ổ phục kích quân Xiêm hết đường không thể quay trở lại được, nhưng tin rằng với một lực lượng lớn đã từng chiến thắng nhiều nơi thì không thể bị tiêu diệt dễ dàng được. Từ rạch Xoài Mút hướng Mỹ Tho và từ cù lao, quân Tây Sơn tiến ra chận địch trong thế bao vây. Cùng lúc pháo binh Tây Sơn ba phía nổ ran làm đội ngũ Xiêm binh rối loạn, lực lượng binh thuyền Tây Sơn ùa ra giáp chiến với tất cả vũ khí sẵn có kể cả gươm giáo, dao mác nhứt là súng hỏa hổ cực kỳ lợi hại (giống như súng phun lửa) đốt hết thuyền địch tan tác, cả bọn tìm cách thoát thân lên bờ tìm đường bộ chạy trối chết về xứ. Chiều hôm đó thu dọn chiến trường, 300 chiến thuyền địch hoàn toàn bị tiêu hủy, xác giặc ngổn ngang, chỉ còn sống sót vài ngàn trong số 20 ngàn quân. Đó là trận Xích Bích được diễn lại, một trận hỏa công trên sông Tiền đoạn rạch Gầm-Xoài Mút.
Từ đó quân Xiêm sợ quân Tây Sơn như cọp và cũng từ đó quân Xiêm không một lần nào đem quân sang nước ta nữa (không kể sư đoàn Mãng xà vương thuộc lực lượng đồng minh sang giúp Việt Nam).

Có một giả thuyết khác cho rằng cách đây 2-3 trăm năm trước, đồng bằng đất đai miền này còn thấp lắm nhứt là vào mùa nước nổi, cả vùng đều ngập như biển cả, Nguyễn Huệ có thể dẫn hạm đội Tây Sơn đi từ Sài Gòn xuống băng ngang Đồng Tháp Mười đổ ra rạch Gầm. Con đường này hợp với sở trường hành binh thần tốc và yếu tố bất ngờ của Nguyễn Huệ. Về sau, ở vùng địa phương này có nhiều huyền thoại được loan truyền. Tại rạch Bà Hào và rạch Mút vào những đêm không trăng sao, người ta nghe những tiếng nói lạ, nhiều bóng người đi chập chờn xuất hiện, người dân địa phương khẳng định là hồn ma bóng quế của giặc Xiêm. Ở đây còn có nghĩa địa Xiêm, mồ chôn tập thể, người dân địa phương không nỡ để mười mấy ngàn xác thân hôi thúi, trôi nổi lềnh bềnh. Vì ảnh hưởng tinh thần nên cả tháng sau người ta mới dám xài nước trên đoạn sông rạch vì sợ dùng nước thây ma (thằng chổng). Về lâu người ta còn tìm thấy xác thuyền lạ chìm sâu dưới nước, súng ống, gươm giáo, ấm chén trà…do những người sống nghề hạ bạc gặp phải ở khúc sông rạch này. Ở ấp Tây làng Kim Sơn còn dấu vết đá hàn, đây là chướng ngại vật để ngăn địch quân. Có lẽ từ đó về sau nghĩa quân đã dùng ghe chài nhận chìm, hạ cây ngăn dòng kinh Bảo Định, rạch Chanh để giảm bớt sự tiến quân của giặc Pháp nên có hai câu ca dao:
Chẻ tre bện sáo cho dầy,
Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp nhau.

Một truyền thuyết nữa, quân Tây Sơn dùng những trái dừa khô vẽ mặt người, kết bè thả vô chỗ đóng quân của địch, họ thấy đầu người lặn hụp nhấp nhô dưới nước tưởng là đặc công đến đục thuyền, nên quân binh họ bắn tràn xuống sông mất một số lớn đạn dược. Ở đầu vàm rạch Gầm còn dấu tích cây đa cổ thụ là nơi phát tín hiệu để thông báo với rạch Xoài Mút và cồn Thái Sơn và ở vàm rạch Xoài Mút quân Tây Sơn có dựng một chòi cao làm đài chỉ huy, Nguyễn Huệ đã đứng trên cao nơi đây để quan sát chiến trận gọi là "chòi Mong", nay gọi là "chòi Gác" ở Bình Đức.

Đến đây, người viết nghĩ đất nước, dân tộc mình bất hạnh quá, chuyện địa danh và trận đánh mới có mấy trăm năm mà bị chìm vào quên lãng, không có tài liệu chính xác. Cũng vì hay thù cá nhân mà dìm đi những đoạn sử hiển hách của dân tộc. Và với ý đồ xâm lăng tiêu diệt, đồng hóa dân tộc, đối phương tịch thu tiêu hủy hết cả nền văn hóa ta như thời Minh sang nước ta chở về Kim Lăng biết bao nhiêu sách quí của ta. Vì chiến tranh triền miên nên kho tàng văn hóa gần như tiêu hủy. Nhìn lại lịch sử Pháp, trước đó và vào thời đại đó, cách mạng 1789 được ghi rõ từng chi tiết và hình ảnh. Nghĩ như thế, nên mỗi người chúng ta cố vùng lên để đi theo cho kịp người. Phan Bội Châu viết:
Anh em ai nấy xin thêm gắng
Công nghiệp ngàn thu há một ngày!

 Trần Khánh

(Trích: "Nhìn về quê hương đất tổ")