banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Người Tàu là tổ tiên của người Việt?


Fb Nguyễn Tuấn

Tôi nghĩ nhiều người Việt nghĩ như thế: tổ tiên chúng ta (người Việt) là người Tàu. Họ không hẳn là thuộc nhóm "thân Tàu" hay Lê Chiêu Thống hiện đại đâu, mà có thể là những người có tinh thần dân tộc tốt và có học thức khá. Nhưng chứng cứ khoa học mới nhất cho thấy ngược lại: Người Tàu có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Có thể nhiều bạn cảm thấy sốc với phát biểu đó, nhưng đó chính là bằng chứng về di truyền học chứ không phải của cá nhân tôi. Xin nhắc lại để nhấn mạnh: Người Đông Nam Á là tổ tiên của người Tàu.

Hôm kia, khi bàn về Tố Hữu là nhà văn hoá dân tộc, có một bạn đọc gửi tôi một bài thơ của thi sĩ này. Bài thơ có tựa đề là "Nhớ người chị phương Bắc" do Tố Hữu viết vào năm 1946 để ca tụng giặc Tàu. Bài thơ chẳng có gì đặc sắc, nhưng có những câu làm tôi chú ý và do đó làm động cơ để viết cái note này:
"Cả Trung Hoa đứng dậy thét vang lừng
và Nam Việt em cũng nghe chừng nôn nả
Chị đây rồi Trung Hoa người chị cả
Mấy nghìn năm Đông Á mái che chung
Mà biên cương không xé được đôi lòng ...
...
Trong máu em có dòng máu của chị
Núi sông em rên siết đã bao lần
Dưới vó ngựa bạo tàn quân Nguyên
Những lúc ấy chị cũng đau lòng huyết thống"

Phải công nhận là một cây bút nịnh bợ có hạng, mà Lê Chiêu Thống nếu có sống lại chắc phải chào thua. Thi sĩ tự nhận Việt Nam là "em", còn Tàu là "chị". Em có sau, chị có trước. Vì nhận chị em như thế, nên ông xem hai dân tộc này có cùng huyết thống. Tuy Tố Hữu không viết ra, nhưng tôi đoán rằng trong đầu ông lúc đó nghĩ rằng người Tàu là tổ tiên của ông, của người Việt.

Nhưng công bằng mà nói, ông không phải là người đầu tiên nhận bừa như thế (nếu có), nhiều người Việt Nam cũng tự nhận một cách thành kính rằng họ có nguồn gốc từ người Tàu. Chẳng hạn như mấy năm trước có một cô tên là Đỗ Ngọc Bích viết một bài mà trong đó có câu “Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha… từ Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, hay Lý Công Uẩn, rồi các gia tộc họ Trần, Lê, Nguyễn,v.v…”

Nhưng đó là một nhận định chủ quan, thiếu chứng cứ khoa học. Chứng cứ khoa học thuyết phục nhất là gen, là chất liệu di truyền. Đã có nhiều nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc và văn minh Đông Nam Á, và tôi có lần tổng kết trong một bài báo cũng khá lâu rồi. Một trong những tác giả đi tiên phong về lĩnh vực nghiên cứu này là Bác sĩ Stephen Oppenheimer, người Anh và nay làm việc ở ĐH Oxford (sau này là chỗ quen biết của tôi). Trong cuốn sách nổi tiếng "Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia" (tạm dịch là "Địa đàng ở phương Đông: Lục địa chìm đắm của Đông Nam Á) (1), qua những dữ liệu dồi dào được thu thập một cách công phu từ nhiều ngành nghiên cứu khác nhau, Oppenheimer đi đến kết luận rằng Đông Nam Á là cội nguồn của văn minh hiện đại, và người Đông Nam Á chính là tổ tiên của người Tàu. Đó là một thách thức ghê gớm với quan điểm chính thống, nhưng cho đến nay khó ai có thể bác bỏ dữ liệu của Oppenheimer.

Gần đây, một nghiên cứu hết sức công phu về nguồn gốc dân tộc chứng minh rằng nhận định của Oppenheimer có thể đúng. Đó là công trình nghiên cứu qui mô lớn gọi là HUGO Pan Asian SNP Consortium công bố trên tập san Science (2) người Đông Á có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Nghiên cứu này phân tích khoảng 50,000 SNP trên 2000 người thuộc 73 sắc tộc, và họ đi đến kết luận:
• Người Đông Á và Đông Nam Á có cùng nguồn gốc;
• Người Đông Á chủ yếu xuất phát từ cư dân vùng Đông Nam Á.
Xin nhắc lại Đông Á ở đây là Tàu, Hàn Quốc, Mông Cổ, và có thể kể cả Nhật. Nên nhớ rằng ngày xưa không có người Thái, Việt, Mã Lai, v.v. mà chỉ có Đông Nam Á nói chung. Do đó, nói Đông Nam Á ở đây tôi muốn nói đến người Thái, Mon-Khmer, Tạng-Miến, Mã Lai, hay gọi chung là Bách Việt.

Đây là một nghiên cứu có thể nói là "final say" - lời phát biểu sau cùng về nguồn gốc dân tộc. Thật ra, trước đó cũng đã có một vài nghiên cứu cho thấy người Đông Nam Á chính là tổ tiên của người Đông Á. Dĩ nhiên, cũng có nghiên cứu cho thấy kết quả ngược lại, nhưng do phương pháp chưa tốt nên cũng khó thuyết phục. Tôi thì thấy chứng cứ trên (Đông Nam Á có trước Đông Á) rất thuyết phục. Thuyết phục là vì nhiều dữ liệu ngoài di truyền cũng cho thấy Đông Nam Á là một trung tâm văn minh thế giới cổ.

Trước hết, hãy nói về trồng lúa nước. Nhiều sách vở Việt Nam (và thế giới) cho rằng Tàu là dân tộc đầu tiên thuần hoá và phát triển kĩ thuật trồng lúa nước. Sách sử Tàu còn viết rằng mấy quan thái thú Tàu như Nhâm Viên và Tích Quang dạy người Việt làm lúa nước (3). Nhưng bây giờ thì chúng ta biết rằng quan điểm này SAI. Người Đông Nam Á mới chính là chủ nhân của kĩ thuật này. Hạt lúa lâu đời nhất được tìm thấy trong một hang động ở Thái Lan. Điều này có lí vì nghề trồng lúa nước đòi hỏi người dân phải nắm vững và thích nghi với thời tiết, môi trường sông nước, rất thích hợp với người Đông Nam Á.

Thứ hai là thuần hoá gia cầm. Nghiên cứu di truyền gần đây cho thấy tất cả các loài gia cầm như gà, chó, heo, v.v. trên thế giới đều có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Trong cuốn “Origin of species”, Darwin cũng từng khẳng định rằng tất cả các giống gà nuôi trên thế giới đều có nguồn gốc từ gà rừng Đông Nam Á. Trong một bài viết cho Tập san National Geographic, W. G. Solheim II nhận xét rằng Đông Nam Á là nơi phát triển nền chăn nuôi đầu tiên trên trái đất. Điều này phù hợp với giả thuyết Đông Nam Á là một cái nôi văn minh nông nghiệp đầu tiên của con người, và cư dân tại đây rất là những người phát minh ra kĩ thuật trồng lúa nước, chăn nuôi, và truyền các kĩ thuật này lên phía Bắc (tức miền Nam của Tàu ngày nay).

Câu chuyện người Đông Nam Á là tổ tiên người Đông Á khá dài dòng và phức tạp, nên tôi hẹn các bạn một bài sau để nói chi tiết hơn. Câu chuyện chúng ta nói ở đây xảy ra gần 10 ngàn năm trước, và xảy ra trong bối cảnh di dân từ Phi châu. Nói tóm lại, một nghiên cứu mới nhất và qui mô lớn nhất công bố trên Science cho thấy người Đông Nam Á chính là tổ tiên của người Đông Á, kể cả người Tàu. Phát hiện này giúp chúng ta suy nghĩ lại nguồn gốc dân tộc, mà cũng khẳng định câu của Nguyễn Trãi
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Đúng quá!
Nghiên cứu mới nhất công bố trên Science và lời Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi còn là một lời nhắc nhở cho những ai còn ảo tưởng rằng tổ tiên của chúng ta là người Tàu.

* * *
(1) Cuốn sách "Eden in the East" do tôi giới thiệu lần đầu ở VN khoảng 10 năm trước, và đã được dịch sang tiếng Việt. Tôi có viết lời giới thiệu cho cuốn sách ở đây: http://www.vanhoanghean.com.vn/…/nhu…/dia-dang-o-phuong-dong
(2) http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20007900
(3) Sách Hậu Hán thư (tức sử của Trung Quốc) chép: "Phàm đất thuộc bộ Giao Chỉ, tuy đã đặt quận, huyện, nhập vào lãnh thổ Trung Quốc, nhưng ngôn ngữ vẫn khác nhau, phải có thông ngôn mới hiểu. Người như cầm thú, không phân biệt trưởng ấu (tức không có tôn ti trật tự), búi tóc ở gáy, đi chân không, lấy vải quấn qua đầu làm áo. Sau đó những người tội phạm Trung Quốc đến ở lẫn với họ, mới biết ngôn ngữ dần dần thấy hóa theo lễ. Đến thời Quang Vũ Trung Hung, Tích Quang làm thái thú Giao Chỉ, Nhâm Diên làm thái thú Cử Chân, bấy giờ mới dạy cho dân biết cày cấy, biết đội mũ đi giày, đặt mối lái, dân mới biết hôn nhân, dựng học hiệu dạy lễ nghĩa …"

https://www.facebook.com/drtuanvnguyen/


Phát hiện cuốn sách cổ của nhà Thanh, in đời vua Quang Tự (1875-1909) khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông là của Việt Nam.

Trong quá trình điền dã tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình, tại gia đình anh Phan Văn Luyện (xã Vũ Chính, Thành phố Thái Bình) chúng tôi đã tiếp cận được cuốn sách cổ, in vào đời Vua Đức Tông (Tải Điềm) – nhà Thanh (niên hiệu Quang Tự, 1875-1909). Sách in thạch bản (in đá) bằng chữ Hán).
Anh Luyện đã vui vẻ trao quyển sách này cho chúng tôi sở hữu và nghiên cứu với hi vọng có thêm những cứ liệu để công bố trước công luận và làm bằng chứng để khẳng định chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.

Cuốn sách này có tên “Danh hoàn Chí lược” (Sách ghi chép về địa lý Thế giới), có khổ 20cm x 14,5cm, người giám định sách là hai tiên sinh Bích Tinh Tuyền và Lưu Ngọc Ba. Sách do Nhà xuất bản Hòe Lý Đường in.

alt

Nhà Hán học Nguyễn Tiến Đoàn dịch sách Danh hoàn Chí lược

Ở trang 2 của sách ghi: “Quang Tự Mậu Tuất Mạnh Thu” (Tháng 7, năm Mậu Tuất, niên hiệu Quang Tự, triều vua Đức Tông (Tải Điềm -1898). Cũng ngay ở trang 2 ghi: Thượng Hải Thư Cục Đại Ấn (Thư cục Thượng Hải được cho quyền in sách này). Bộ sách này được biên soạn vào năm thứ 28 (Kỷ Dậu, 1849), niên hiệu Đạo Quang, triều vua Thanh Tuyên Tông (Mân Ninh, 1821-1851).

Ở trang 3, 4 và trang 5 của sách có ghi bài tựa của Lưu Vận Kha, soạn vào năm Kỷ Dậu (1849), mùa hạ tháng 4 – triều vua Thanh Tuyên Tông, niên hiệu Đạo Quang. Bài tựa thứ 2 cũng viết vào năm Đạo Quang thứ 28, triều vua Thanh Tuyên Tông, do Bành Uẩn Chương soạn. Bộ sách này từ khi soạn (vào năm 1849, thời vua Thanh Tuyên Tông) phải mất 49 năm sau mới được in (vào năm 1898), triều vua Đức Tông (Nhà Thanh) – niên hiệu Quang Tự.

Bộ sách gồm nhiều tập. Chúng tôi chỉ chú tâm tới các tập 3, 4, 5 (vì 3 tập này đóng gộp thành 1 quyển) và có ghi các đảo thuộc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

alt

Sách Danh hoàn chí lược. Dòng chữ nhỏ bên phải ghi người giám định Bích Tinh Tuyền, Lưu Ngọc Ba. Dòng chữ nhỏ bên trái ghi Hòe Lý Đường Bản

alt

Dòng chữ bên phải ghi Quang tự Mậu tuất Mạnh Thu. Dòng thứ hai bên trái ghi Thượng Hải thư cục đại ấn
Nội dung của sách chủ yếu tóm lược vị trí địa lý, lịch sử… của các nước trên thế giới. Sách còn vẽ bản đồ của các nước trên thế giới: từ Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia … cho đến Ả Rập.

Đặc biệt, ở trang 24, 25 của tập sách này có in tấm bản đồ Trung Quốc, mang tên “Hoàng Thanh nhất thống dư địa toàn đồ” (Bản đồ toàn quốc thống nhất đời nhà Thanh). Trên bản đồ này đều có vẽ các nước có chung đường biên giới với Trung Quốc, như: Việt Nam, Mông Cổ, Ấn Độ, Triều Tiên…

Đáng chú ý, ở phần biển đảo, Trung quốc chỉ vẽ đảo Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam), Đảo Đài Loan (của Trung Quốc)… sau đó ghi chú là biển nhưng không hề vẽ và ghi chú đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc. (Bản đồ thứ 1, có ghi chú: Hoàng Thanh Nhất thống dư địa toàn đồ).

alt

Bản đồ Hoàng Thanh nhất thống dư địa toàn đồ (chưa dịch)

alt

Bản đồ của nhà Thanh không có đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chỉ ghi đảo Quỳnh Châu (Hải Nam) và đảo Đài Loan

Đặc biệt hơn nữa, ở tấm bản đồ in tại trang 40, 41 của cuốn sách này thì bên cạnh việc vẽ bản đồ đường biển Trung Quốc lại có vẽ eo biển Quảng Nam (và ghi rõ là Nam Việt – tức Việt Nam). Bên cạnh eo biển Quảng Nam, bản đồ này còn vẽ đảo Thất Châu Dương – biển Thất Châu (cả khu vực biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa – Vạn lý Trường Sa. Nếu theo bản đồ Trung Quốc thì Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc biển Thất Châu Dương – một cách gọi tên khác mà người Trung Quốc xưa thường dùng và ghi chú trên bản đồ để chỉ khu vực biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam (không có ghi khu vực biển Thất Châu Dương này thuộc địa giới của Trung Quốc).

alt

Bản đồ đã chú thích trong đó có Trường Sa, Hoàng Sa thuộc địa phận biển Việt Nam

Ở tấm bản đồ trang 55 và 56 – chủ yếu vẽ về biển, đảo và các nước giáp Trung Quốc: biển Ấn Độ Dương (Trung Quốc gọi là Tiểu Tây Dương) và có cả ghi chú về Ấn Độ Dương. Trên bản đồ này còn cho biết về biển và đảo Trường Sa của Việt Nam giáp với đảo Quỳnh Châu (Hải Nam – thuộc Quảng Châu, Trung Quốc). Vẽ cả hình tượng bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Trên bản đồ này còn vẽ khu vực biển đảo Quảng Nam: Trong đó vẽ và ghi Thất Châu Dương (Hoàng Sa, Trường Sa), vẽ cả cửa biển Lộc Nại của Quảng Nam và vẽ đảo Côn Lôn của Việt Nam.

alt
Bản đồ Hoàng Thanh nhất thống dư địa toàn đồ (chưa chú thích)

Đáng chú ý ở trang 88, 89 giúp cho người đọc hiểu về luồng lạch, hướng gió và các bãi đá ngầm ở trên các đảo Trường Sa, Hoàng Sa và phương hướng, độ dài (tính theo cách tính canh giờ của người xưa) đi trên biển để tới được các nước khác nếu xuất phát từ cửa biển: đảo Trường Sa của Việt Nam.

Phần phiên âm của sách được nhà Hán học Nguyễn Tiến Đoàn dịch như sau: “…Sách Hải quốc văn kiến lục có nói: Vùng Nam Dương (biển phía nam) là nơi thuyền buôn của vùng Mân Việt thường đến. Đường biển nơi đây nhiều chỗ nguy hiểm. Người chỉ huy thuyền đi qua biển này cần phải cẩn thận. Nguy hiểm nhất là nơi có hòn đảo Áo Khí. Thủy trình đi khoảng 7 canh giờ từ đảo Áo Khí đến đảo Lạc Tế. Đảo này nhỏ mà bằng phẳng. Ven đảo có nhiều đá ngầm ngổn ngang, thuyền không đến được; thu hút không khí, dòng chảy ở bốn phía. Trên đảo có nhiều cây cỏ mọc cao hơn một trượng, có núi Đông Sư Tượng, nếu muốn đến thì phải theo dòng nước mà đi. Không thể đi ngược lên phía Bắc vì nhiều doi cát nổi chìm, dài khoảng 200 dặm. Đi lên phía bắc thì có đảo và trên đảo có núi Sa Mã Kỳ. Hai ngọn núi này đối mặt vào nhau (ngọn núi Sa Mã Kỳ và Đông Sư Tượng).

alt
Toàn trang chữ Hán (đã dịch trong bài viết)

Theo đường thủy trình trên biển là phải đi bốn canh giờ mới tới địa đầu Sa Mã Kỳ, lại có những doi cát liên tục ở phía nam đến Việt hải (biển Việt) gọi là Trường Sa đầu (địa đầu Trường Sa). Cứ đi về phía nam thì lại thấy nhiều doi cát nổi lên, theo đó mà đi thì đến Vạn Lý Trường Sa. Phía nam Trường Sa có nhiều bãi đá ngầm lởm chởm, đi tiếp là đến biển Thất Châu, gọi là Thiên Lý Thạch Đường.

Đây là đất nguy hiểm của vùng Nam Dương, hay có gió bão lớn ở ngoài biển, thuyền đi biển đậu ở ngoài này thường gặp bão gió. Có những thuyền đi lạc đường mà gặp phải nơi đó thì rất nguy hiểm. Một cửa Trường Sa nằm ở phía tây bắc cùng với đảo Nam Áo. Ở phía tây nam là đảo Đại Tinh (Biển bình lặng¬) tạo thành thế chân vạc ở cửa nam bắc, ước rộng phải đi chừng khoảng ngũ canh (đơn vị đo lường thời cổ thường tính theo giờ). Thuyền buôn của người Việt thường đậu ở đó; phía Nam là đảo Lã Tống (Lucson – Philipin), Văn Lai, Tô Lập. Thuyền buôn thường qua mấy nước đó để trao đổi buôn bán, khi xuất phát đều từ cửa Trường Sa mà đi. Nếu gặp gió bắc thì lấy chuẩn từ đảo Nam Áo. Gặp gió Nam, lấy đảo Đại Tinh làm chuẩn để tới Giang Tô, Triết Giang, Phúc Kiến (Quảng Đông). Nếu đi về phía Nam của Nam Dương phải đi từ cửa Sa Mã Kỳ (Đài Loan) đến các nước ở Lữ Tống (Philipin), giáp phía Tây Dương. Muốn đến Chiết Giang, Mân Việt… Nhật Bản phải đi theo hướng phía Tây biển Thất Châu, Côn Lôn rồi đến Vạn Lý Trường Sa ngoại (ngoài Vạn lý Trường Sa), qua cửa biển đảo Sa Mã Kỳ – đi theo đường thẳng dây cung mới an toàn. Từ Trung Quốc mà đến nước Indonesia phải đi phía ngoài Vạn lý Trường Sa. Nơi đây biển mờ mịt, không lấy gì làm chuẩn được cho nên muốn đi phải theo những doi cát ở biển Việt rồi mới đến Thất Châu Dương và từ đó đi tới Indonesia; Vùng biển này nước mênh mông nên giới hạn cũng mênh mông…”. (Trích sách “Danh hoàn Chí lược”).

alt
Bản đồ chưa chú thích trong đó có ghi eo biển Quảng Nam và đảo Thất Châu Dương cùng bản đồ Việt Nam

alt
Bản đồ đã chú thích trong đó có ghi eo biển Quảng Nam và đảo Thất Châu Dương cùng bản đồ Việt Nam

Thông qua tư liệu đã nêu ở cuốn sách này, giúp chúng ta có thêm những bằng chứng quý giá để góp phần khẳng định ngay từ thời nhà Thanh, các bản đồ của Trung Quốc đã vẽ các đảo trên vùng biển của họ chỉ có đảo Hải Nam, Đài Loan là gần với khu vực biển Việt Nam. Điều đó khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa (biển Thất Châu Dương, theo tên gọi trên bản đồ Trung Quốc thời nhà Thanh) là thuộc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.*

 http://vietbao.vn/


Lực lượng dân quân biển của Trung cộng


Trung cộng đang xây dựng hạm đội tàu cá mới trên Biển Đông nhằm phục vụ cho lực lượng dân quân biển, hành động này có thể đẩy căng thẳng khu vực leo thang.

Tàu cá Trung Quốc rầm rộ chuẩn bị ra Biển Đông. Hàng chục nghìn tàu cá Trung cộng chuẩn bị đổ ra Biển Đông


Hàng chục nghìn tàu cá Trung cộng ra Biển Đông hôm 1/8, sau khi lệnh cấm đánh bắt nước này đơn phương đưa ra hết hiệu lực. Ảnh: Hinews

Lực lượng dân quân biển - một trong những ẩn số về sức mạnh trên đại dương của Trung cộng - thực tế sử dụng tàu cá dân sự trong nhiều nhiệm vụ như giải cứu các tàu mắc cạn hay thậm chí hỗ trợ đổ bộ lên các vùng đảo tranh chấp.

Dù nhiều ý kiến trong nội bộ Trung cộng từ lâu yêu cầu đưa dân quân biển vào hoạt động chính thức, nhưng đây là lần đầu tiên lực lượng này có một hạm đội tàu cá riêng, tăng cường sức mạnh đáng kể cho nhà sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ cá lớn nhất thế giới.

Trong cuộc hội thảo về sức mạnh hải quân Trung cộng, Zhang Hongzhou, nghiên cứu viên của trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Singapore trình bày "dường như Trung cộng đang xây dựng hạm đội tàu đánh cá quốc doanh nhằm phục vụ lực lượng dân quân trên Biển Đông".

Vai trò quan trọng của dân quân biển Trung cộng trong hoạt động đánh bắt cá không quá mới. Từ năm 2013, trong một chuyến thăm làng chài ở tỉnh Hải Nam, Tập Cận Bình nói với dân quân ở đây rằng họ không nên chỉ dẫn đầu việc đánh cá mà còn cần thu tập thông tin và hỗ trợ xây dựng các đảo, rạn san hô vì lợi ích của Trung cộng trên Biển Đông. Bài phát biểu của Tập Cập Bình đã tạo đà cho sự phát triển lực lượng dân quân biển, nhiều thành phố ven biển thành lập những đơn vị dân quân mới, kêu gọi nguồn lực, tài nguyên cung cấp cho hoạt động đào tạo người đánh cá và xây dựng tàu mới.

Tuy nhiên hành động xây dựng hạm đội tàu cá quốc doanh cho dân quân trên biển Đông là "một hiện tượng mới", Zhang nói. Khi có hạm đội riêng, họ sẽ hoạt động mà không phải phụ thuộc vào việc thuê tàu cá của ngư dân hay các công ty khác.

Theo quan điểm của Zhang, sự thay đổi này của chính phủ Trung cộng phản ánh sự bất lực của Bắc Kinh trong công tác quản lý ngư dân. Sau một loạt vấn đề, trong đó có việc ngư dân khiếu nại mức chi trả thấp cho các việc mà họ làm theo lệnh chính phủ, chính quyền trung ương dường như đã quyết định rằng họ cần lực lượng riêng để tiện kiểm soát và chỉ huy,Zhang nói.

Ông cũng không hề hoài nghi việc Trung cộng sử dụng hạm đội tàu cá mới này để củng cố vị trí của mình ở Trường Sa. Theo nghiên cứu, có hơn 1,8 triệu tấn tài nguyên hải sản trong vùng biển gần quần đảo với số lượng khai thác hàng năm có thể có thể lên đến 500.000 đến 600.000 tấn.

"Hạm đội tàu cá tất nhiên sẽ được hoạt động ở Trường Sa", ông phân tích.
Tuy nhiên Zhang cũng cảnh báo việc tăng cường sử dụng lực lượng dân quân biển có thể gây leo thang tranh chấp trong khu vực và làm phá hoại quyền lợi của chính Trung cộng . Zhang cho rằng dân quân biển có thể lợi dụng "vỏ bọc" lòng yêu nước để hành động bất hợp pháp gồm khai thác trộm san hô, rùa biển và các loài quý hiếm khác, điều này có thể ảnh hưởng đến uy tín Trung cộng trên trường quốc tế. Họ cũng có thể hoạt động trên vùng biển tranh chấp, làm leo thang căng thẳng với các quốc gia láng giềng.

"Điều này thực tế có thể gây ảnh hướng đến chính sách đối ngoại của Trung cộng và phá hoại mối quan hệ với các nước láng giềng", Zhang kết luận.

Việc Trung cộng sẽ giải quyết những rủi ro trước mắt này như thế nào vẫn còn là ẩn số, khi chi tiết về số lượng và thời gian phát triển của hạm đội mới này vẫn chưa rõ ràng. Tỉnh Hải Nam đã ra lệnh xây dựng với 84 tàu dân quân biển cho cái gọi là "thành phố Tam Sa". 10 tàu cá sẽ được giao trong năm 2015. Hiện tại, hạm đội chỉ có 4 tàu. Ông Zhang cho rằng sẽ phải mất vài năm để hoàn thiện cả hạm đội.

Tuấn Vũ

 

Đăng ngày 09 tháng 11.2015