Tri ân TPB VIỆT NAM CỘNG HÒA năm 2016
GNsP (27.12.2016)– Từ sáng sớm khi mặt trời chưa ló rạng, sân Hiệp Nhất (sân sau nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – DCCT SG) đã rộn ràng tiếng cười nói, những bước chân vội vã của các linh mục và các TNV chương trình Tri Ân TPB VNCH.
Hôm nay, 27.12.2016, ngày đầu tiên trong đợt 4 ngày họp mặt, trao quà xuân cho các ông TPB VNCH thuộc SG và các vùng phụ cận, được biết số lượng người gần 3000 được phân chia thành 4 ngày, mỗi ngày 2 buổi.
Cùng với những chuẩn bị tất bật trong ánh sáng vàng vọt của những ánh đèn đêm, người ta cũng thấy sự xuất hiện của những ông TPB già yếu, tật nguyền, dù chương trình sẽ bắt đầu lúc 8 giờ, nhưng sự nông nóng muốn được gặp gỡ anh em đồng đội cũ được kể lại cho nhau nghe những câu chuyện một thời binh lửa, được nhắc lại với nhau những chiến tích hào hùng, được ngậm ngùi nhớ đến những người bạn đã nằm xuống.
Các ông đã vượt qua nỗi khó khăn của tình trạng sức khỏe mà vội vã đến điểm hẹn như đã mời.
Không chỉ những người TPB có tên trong danh sách được mời vào buổi sáng nhưng tình đồng đội họ gọi cả những người TPB khác, ban tổ chức đã không lường được hết họ là bạn của nhau nên đã phân phối tên sang ngày khác.
Những ông được gọi vào ngày khác mà đến ngày hôm nay có cả những ông ở những tỉnh thành không nằm trong danh mục của 4 ngày này nghe tin cũng đến, các cha vẫn cố gắng giải quyết bổ sung vào danh sách những người lãnh quà hôm nay, dù việc bổ sung này cũng làm xáo trộn những công việc đã được chuẩn bị từ trước như làm bảng tên, sổ xố Tombola, quà, kể cả phần bánh và phần tiếp nước, nhưng tình thương là chính, có dịp được gặp lại đồng đội để hàn huyên tâm sự là chính, được hát với nhau và vui đùa với nhau là chính.
Các ông được điểm danh bằng tên của mình, kiểm tra bằng cách chính mỗi ông khi được gọi tên dù thương tật không thể đứng lên được nhưng vẫn cất cao giọng hô to số quân của mình. Bao nhiêu năm rồi mới được dịp đọc to số quân. Các ông thường tâm sự có nhiều cái bị quên nhưng số quân không bao giờ quên. Họ hô to số quân là niềm tự hào của người TPB VNCH.
8 giờ kém 15 phút, nhóm giúp vui văn nghệ đã cùng với các ông TPB VNCH hát bài “Việt Nam Việt Nam” của Phạm Duy, một bài hát với điệu March hùng tráng, chuyên chở những lời hát đầy tính nhân từ và lòng yêu nước, một tấm lòng yêu nước quảng đại, vị tha, một trái tim nhân từ, cương nghị, ước mơ “quê hương sáng ngời”, một niềm tin Việt Nam độc lập, tự do, hùng cường, muôn đời. Không khí đại lễ Giáng sinh lại ùa về với buổi họp mặt qua bài hát “Mừng Chúa Ra Đời” của nhạc sĩ Hải Linh, một bài hát “bất hủ” mà mọi người lương giáo đều biết.
Sau hai bài hát mở đầu, linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, DCCT, Trưởng phòng Công lý và Hòa Bình DCCT Sài Gòn, chia sẻ khai mạc buổi họp mặt. Cha Antôn nói về tâm tình tri ân và yêu mến các ông TPB VNCH. Ngài nhấn mạnh về sự hoàn thành, trách nhiệm công dân của quý ông trong một thời đất nước tao loạn, cho dù người ta, cho dù một ai nào đó không công nhận mà còn vùi dập loại trừ các ông thì những can thiệp thô bạo ấy cũng không thể đánh mất niềm tự hào và sự bình an lương tâm của những con người đã cống hiến tuổi xuân, thân thể, sức khỏe của mình cho đất nước, cho dân tộc.
Cha Antôn cũng thông tin về hoạt động của chương trình Tri Ân TPB VNCH do phòng Công lý và Hòa bình DCCT SG thực hiện, không liên đới và không thuộc bất kỳ một tổ chức nào ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Chương trình Tri Ân thuần túy là của các cha DCCT thực hiện cho các ông TPB VNCH được xuất phát bởi sự thúc đẩy Tin Mừng của Chúa Kitô và của mục đích DCCT: đến với những người nghèo khổ và bị bỏ rơi hơn cả nhằm bày tỏ tình yêu thương, phục hồi danh dự và nói một lời tri ân với quý ông.
Chương trình được tiếp nối bằng những bài ca tiếng hát của chính các ông TPB VNCH. Tiếng hát của người TPB không còn mạnh mẽ, không còn trong trẻo, không còn trầm bổng như một thời trai trẻ, nhưng tràn đầy cảm xúc, cảm xúc của những con người đã đi qua những năm tháng khổ đau, tật nguyền, bị phế bỏ, miệt thị và loại trừ. Những khuôn mặt già nua, nhăn nheo đầy khuyết tật, nhăn nhó thả những làn hơi nặng nhọc nhưng chứa đựng hạnh phúc, hân hoan. Có những ông đã phải dựa lưng vào tường sân khấu để hát lại những bài tình ca một thời mình đã yêu, câu được câu không, câu đúng câu sai, lắp ráp đầu đuôi lộn xộn nhưng vẫn hát, hát như chưa bao giờ được hát.
Thời giờ có hạn, nhiều ông đã buồn bã vì chưa đến lượt mình đã phải chấm dứt chương trình.
Bài Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương đã đánh dấu sự kết thúc buổi họp mặt, xúc động làm sao khi hát những lời “sáng cuộc đời lành, mừng người vì nước quên thân mình”, hôm nay, những người làm chương trình muốn gửi đến những người “vì nước quên thân mình” những lời chúc “sáng cuộc đời lành”. Các cha và các bác sỹ đã trao tận tay mỗi ông một phong bì quà tiền mặt 1 triệu đồng, một gói bánh đem về làm quà cho con cháu ngày ông nội, ông ngoại đi gặp bạn bè thời đi lính cũ.
Các ông TPB VNCH ra về, các TNV lại lao đầu vào xếp ghế, vệ sinh sân nhà thờ, chuẩn bị bảng tên, quà, sổ xố cho buổi họp mặt buổi chiều.
Buổi sáng có 438 quý ông TPB VNCH tham dự và nhận quà.
Buổi chiều chương trình được thực hiện tương tự cho 320 ông TPB tham dự và nhận quà.
Giữa mỗi buổi có sinh hoạt xổ số Tombola, mỗi buổi 10 phần quà cho 10 giải thưởng, cuộc xổ số đã mang lại những tiếng cười ngất ngây cho các ông, những giây phút trẻ trung, hồn nhiên và vô tư.
Cám ơn trời, cám ơn đời, cám ơn mọi người, cám ơn những ai “đã mang tình thương đến với lính”. Ước gì có nhiều buổi họp mặt tiếp tục để những con người đang “đi nốt cuộc đời” mình cảm nhận được sự đồng hành bên nhau đầy yêu thương.
Pv.GNsP
Bài giảng đầu năm 2017 của Lm Nguyễn Ngọc Nam Phong tại Giáo xứ Thái hà, Hà nội.
Tháo cầu treo mục nát,
bỏ mặc trẻ em lội suối đến trường
Các em nhỏ phải lội qua con suối mỗi ngày để tới trường. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
HÒA BÌNH (NV) – Sau khi bị tố cầu treo mục nát không biết sập lúc nào mà vẫn để dân đi, chính quyền huyện Tân Lạc vội vàng tháo bỏ mà không có kế hoạch thay thế, khiến hàng trăm học sinh hàng ngày phải lội suối đi học.
Theo mô tả của phóng viên báo Tuổi Trẻ, ngày 27 Tháng Mười Hai, mới gần 6 giờ sáng giá rét mà hai bên bờ của con suối Cái, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, có hàng trăm học sinh từ mẫu giáo tới trung học bì bõm vượt qua dòng suối rộng gần 100 mét để tới trường.
Cách đó vài chục mét là chiếc cầu treo hoen gỉ, xuống cấp nghiêm trọng đã bị tháo dỡ toàn bộ các thanh sắt và mặt cầu, vốn là phương tiện duy nhất mà suốt hơn 3 năm qua các em nhỏ ở Lỗ Sơn vẫn phải liều mình đi qua để tới trường vừa bị chính quyền huyện Tân Lạc thực hiện sau khi những hình ảnh các em học sinh liều mình nối nhau đi trên cây cầu xuống cấp xuất hiện trên truyền thông.
Tuy nhiên, tháo cầu xong lại không có bất kỳ một phương tiện hay cách nào khác thay thế, để giúp học sinh và hàng trăm hộ dân di chuyển sang bên kia suối. Và thế là bây giờ học sinh lại tiếp tục liều mình lội suối để tới trường, còn người dân vượt suối sang bờ kia đi làm.
Vừa cõng đứa cháu nhỏ, tay dắt đứa cháu lớn hơn, bà Bùi Thị Đậu, ở xóm Đồi Mới cho biết, do nhà xa mà cầu treo đã bị dỡ, không có đường khác đi nên bà cháu phải lội suối đi sớm để tới lớp cho kịp.
Thế nhưng nói với phóng viên báo Tuổi Trẻ, ông Bùi Tiến Lâm, chánh văn phòng ủy ban huyện Tân Lạc cho biết, huyện đã đề xuất đến Bộ Giao Thông đầu tư xây cầu mới và được chấp thuận nhưng đến giờ vẫn chưa được cấp vốn.
“Hướng giải quyết của huyện là sẽ cho sửa chữa điểm trường bên kia suối để dồn ghép học sinh sang học khỏi phải lội suối. Song, khi nào thực hiện thì chưa có kế hoạch cụ thể,” ông Lâm nói. (Tr.N)
December 27, 2016
http://www.nguoi-viet.com
_____________
Trường Huấn luyện Biệt kích Thiếu nhi tại VN
Trần Kim Điệp
Trường Huấn luyện Biệt kích Thiếu nhi được thành lập sau năm 75 và vẫn còn đang tiếp tục huấn luyện. Chứng tỏ nhà nước ta muốn đào tạo mầm non sau này trở thành những công dân khỏe mạnh không sờn gan, sẵn sàng chịu đưa lưng để hứng gót giầy của đảng.
Đúng là đỉnh cao trí tuệ của đảng cao ngất trời, chẳng nước nào sánh kịp.
Dùng 14000 tỷ đồng dựng tượng Hồ ở Sơn La, thì xây được bao nhiêu cây cầu cho các trẻ em đi học, bao nhiêu nhà thương, bao nhiêu giường bệnh ???
Quảng Nam: Ngư dân không thể ra khơi
vì cửa biển bị bồi lấp
Thuyền du lịch “nằm bờ,” chỉ có thuyền thúng mới ra vào nhưng rất nguy hiểm. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
QUẢNG NAM (NV) – Hàng trăm mét bờ biển Cửa Đại – Hội An tiếp tục sạt lở. Hàng ngàn ngư dân quanh vùng lân cận không thể ra khơi vì cửa biển Cửa Đại đã bị cát bồi lấp sắp nổi lên mặt nước.
Theo mô tả của phóng viên báo Tuổi trẻ, sáng 22 Tháng Mười Hai, đã chứng kiến tận mắt cảnh hàng trăm tàu thuyền nằm bờ, cả ngàn người dân cù lao Chàm bị kẹt trong đất liền nhiều ngày qua vẫn chưa thể ra đảo.
Ông Trần Xá, ngư dân phường Cửa Đại, thành phố Hội An lo lắng: “Bồi lấp hết, dân chúng tôi đi ra đi vô không được. Còn bên kia có chỗ lở, chạy tàu rất nguy hiểm, khiến gần 3,000 người dân nhiều ngày qua không thể vào đất liền cũng như ra đảo,” ông Xá nói.
Nói với phóng viên báo Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Ba, trưởng Đồn Biên phòng Cửa Đại cho biết, sáng 20 Tháng Mười Hai, tàu vận chuyển hành khách trọng tải 80 khách cùng gần 10 tấn hàng hóa của hợp tác xã vận tải Hội An phải quay trở lại đất liền vì cửa biển quá cạn. Cũng do nước quá cạn và sóng lớn nên một thuyền thúng của ngư dân đã bị lật ngoài cửa biển, đồn đã điều phương tiện ra ứng cứu.
“Cùng với hàng trăm mét bờ biển du lịch bị sạt lở thêm, có đoạn ăn sâu vào đất liền 10 mét thì cửa biển Cửa Đại đã bị bồi lấp nặng nề. Phường có 125 tàu, thuyền hành nghề biển và gần 600 ngư dân không thể ra khơi được,” ông Lê Công Sỹ, phó chủ tịch phường Cửa Đại nói.
Trước thực trạng này, ngày 21 Tháng Mười Hai, ngành chức năng của thành phố Hội An đã lập đoàn khảo sát trực tiếp. Kết quả khảo sát cho thấy, cửa biển Cửa Đại rộng cả cây số nhưng hiện cát đã bồi từ hướng Bắc ra phía cù lao Chàm. Chiều ngang cửa biển rộng từ Hội An qua huyện Duy Xuyên đã bị bồi lấp 200 mét. Khi nước cạn, mực nước sâu từ đáy cửa biển trở lên chưa tới 1 mét, thủy triều lên cao nhất cũng chưa tới 2 mét.
Mời độc giả xem video: Động đất là một ẩn họa khác của hệ thống thủy điện ở miền Trung
Cùng với đó, chỉ cách cửa biển Cửa Đại gần 300 mét, sau đợt lũ từ ngày 14 đến 17 Tháng Mười Hai, bờ biển đã bị xé toạc và mở ra một cửa lạch mới. Lượng bùn cát mở rộng lên phía Hội An hơn 150 mét, khiến lượng cát lở dịch chuyển ra ngoài, bồi ngang biển Cửa Đại, cách cửa biển về hướng cù lao Chàm gần 1 cây số. (Tr.N)
December 22, 2016
VN "tuy vẫn bước nhưng không biết đi đâu"
Một người nghèo lượm rác kiếm sống trên đường phố Hà Nội. Mức độ nghiêm trọng của các thảm trạng xã hội càng ngày càng lớn vì chính quyền Việt Nam vẫn loay hoay chưa biết làm thế nào để xây dựng “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.” (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Đó là điều mà ông Nguyễn Chí Dũng, thứ trưởng của Bộ Kế hoạch-Đầu tư Việt Nam, thú nhận tại hội thảo về xây dựng thể chế “kinh tế thị trường.”
Hội thảo vừa kể do Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Việt Nam đồng tổ chức tại Hà Nội.
Tại hội thảo đó, ông Dũng tâm sự thêm rằng ông nghĩ mãi mà vẫn chưa thông là nếu tiếp tục bước tới khi không rõ sẽ đi đến đâu, đi bằng cách nào và bao giờ đến… thì làm sao Việt Nam có thể đi nhanh và kinh tế có thể phát triển bền vững (?).
Cho đến giờ giới lãnh đạo chính quyền CSVN vẫn khăng khăng sẽ hướng Việt Nam vào con đường “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên giới này vẫn chưa phác họa được diện mạo của “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” ra sao, có những điểm gì khác với nền kinh tế kế hoạch theo kiểu cộng sản và kinh tế thị trường thuần túy.
Theo ông Dũng, thể chế đang được cải cách thông qua cải cách luật pháp, tái cơ cấu đầu tư công, cải cách lề lối quản trị doanh nghiệp nhà nước nhưng hình như chưa đủ nên lại tiếp tục cải cách thể chế.
Ông Dũng thú thật là cải cách liên tục nhưng cảm giác ở đâu đó vẫn thiếu cái gì đó chưa đúng, chưa đủ, chưa yên tâm vẫn còn nên vẫn thấy cần phải tiếp tục cải cách. Nếu cứ loay hoay cải cách thì rõ ràng sẽ để vuột mất cả thời gian lẫn cơ hội.
Thứ trưởng của Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam tự vấn, cuộc sống giống như một dòng chảy, việc đặt định cách thức giám sát từng giống như đắp đập khiến dòng chảy bị nghẽn, giờ phá đi thì gọi là gì? Chẳng lẽ đắp đập rồi dỡ bỏ là cải cách? Không như nhiều quốc gia khác – chọn được đường ngay từ đầu, trước đây, Việt Nam đi theo một hướng giờ chuyển sang hướng khác trong bối cảnh điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế. Vậy thì làm sao để kinh tế Việt Nam có thể tiếp cận với các chuẩn mực tốt mà các quốc gia khác phải mất vài trăm năm mới định hình được?
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Việt Nam, góp ý: Chúng ta hay nói Việt Nam thì khác, Việt Nam có “đặc thù”! Tuy nhiên theo ông Cung, không nên nhấn mạnh điều đó, vì nếu cứ nhấn mạnh sự khác biệt thì Việt Nam tự đẩy mình sanh bên lề tiến trình toàn cầu hóa. Có “đặc thù” thì phải tự nắn để hòa vào dòng chảy chung theo chuẩn mực quốc tế.
Ông Cung dẫn Nam Hàn để chứng minh. Trước đây Nam Hàn cũng có nội chiến, cũng nghèo. Hồi thập niên 1960, Nam Hàn cũng như Việt Nam nhưng đến thập niên 1980, Nam Hàn đã bước vào giai đoạn hai của quá trình phát triển còn Việt Nam ở giai đoạn một. Nay, Nam Hàn bước vào giai đoạn ba thì Việt Nam cũng vẫn còn loay hoay ở giai đoạn một. Nam Hàn và Việt Nam rõ ràng có khác biệt nhưng việc chú trọng vào sự khác biệt đó là để tự thay đổi chứ không phải để du di, chần chừ.
Ông Raymond Mallon, một cố vấn cho dự án có tên “Hỗ trợ tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam” do chính phủ Úc tài trợ, bảo rằng, dẫu liên tục cải cách, các vấn nạn chính của Việt Nam vẫn là sự chuyển đổi của nền kinh tế rất chậm, doanh nghiệp tăng trưởng chậm, kinh doanh thiếu sáng tạo, nhờ quan hệ mật thiệt với các viên chức, các nhóm tài phiệt tiếp tục giàu nhanh nhờ có đặc quyền tiếp cận vốn, đất đai và thị trường.
Ông Jeong Ho Kim, một giáo sư của trường Chính Sách và Quản Trị tại Nam Hàn, cho biết, ba điểm chính giúp Nam Hàn thịnh vượng như hiện nay là: Chính trị đa nguyên, xã hội dân sự, sử dụng các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức và sáng tạo cao làm trụ cột.
Ông Jeong Ho Kim lưu ý, Nam Hàn thành công còn vì vừa cảnh giác với các Chaebol (những tập đoàn do các gia tộc điều hành), vừa dùng nhiều cách để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gỡ bỏ sự bảo hộ các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực công ích như vận tải, tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, tăng phúc lợi xã hội. (G.Đ)
December 27, 2016
http://www.nguoi-viet.com
2017: Năm mới, quyết tâm mới!
Thủ đô London của Anh bắn pháo bông mừng năm mới 2016. (Hình minh họa: Ben Pruchnie/Getty Images)
Mỗi lần bước sang năm mới, khởi đầu cho những sự việc mới, chúng ta lại có những quyết tâm mới (New Year Resolution).
Năm nào, khi tổng kết thành tích trong năm qua, nhà nước lại không đề ra những quyết tâm cho năm mới. Ðảng thì quyết tâm coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, liên quan đến sự tồn vong của đảng. Chính phủ thì quyết tâm phục vụ dân, tinh giản biên chế, bài trừ tham nhũng. Thuế khóa thì quyết tâm tận thu thêm thuế. Công an thì quyết tâm bài trừ tội phạm. Ngoại giao thì tìm ra phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của đất nước.
Giáo dục thì quyết tâm đủ thứ, như là quy hoạch cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng nhà giáo và cán bộ, định hướng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh… Ngành y tế thì quyết tâm xây dựng một nền y tế với phương châm “công bằng, hiệu quả và chất lượng.”
Năm mới, càng quyết tâm, dân càng chết. Ðảng tồn mà chưa vong thì đất nước sao khá! Chính phủ phục vụ dân hay dân phục vụ chính phủ? Quyết tâm chống tham nhũng thì sao tham nhũng ổn định. Thuế thu mau cho theo tinh thần “giết, giết nữa bàn tay không chút nghỉ, cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong.” Uy thế ngoại giao cao đến mức được thế giới công nhận là sát thủ của báo chí, truyền thông! Chất lượng dạy học càng ngày càng cao đến nỗi học sinh lớp 6 mà chưa biết mặt chữ, đặc biệt nâng cao chất lượng tiếng Anh loại B, cỡ Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc chưa đọc nỗi chữ “made,” loại chữ ghi trên hàng hóa mà quý bà buôn bán ở chợ Ðồng Xuân vẫn nói mỗi ngày. Ngành y tế càng ngày càng chết tiệt, trẻ con chết lềnh khênh vì chích ngừa, mỗi giường bệnh nằm chung năm ba người để dành tiền xây dựng… đảng!
Thế mà năm nào cũng hội thảo, thi đua, hội nghị, báo công, tặng hoa, trao bằng khen, năm nào cũng tiến nhanh, tiến mạnh, mà năm nào cũng đi vay, năm nào cũng có người quỵt nợ trốn ra nước ngoài, năm nào cũng lỗ bạc tỷ, mà tỷ đô la. Cán bộ, đảng viên, công an nào cũng quyết tâm trong năm mới, nhịn ăn, không bia rượu cho cái bụng nhỏ lại, nhưng nói dễ mà làm khó, nội thấy cái “bầy sâu” mặc quần “xà lỏn” kéo nhau xuống tắm biển, ăn hải sản, biểu diễn thì mới thấy cái quyết tâm ấy càng ngày càng to.
Bây giờ năm cũ (2016) đã qua, năm mới (2017) sắp đến, đảng và chính phủ lại hội họp – chỉ có hai việc họp và ăn cũng hết một đời – để đề ra quyết tâm mới.
“Lẳng lặng mà nghe chúng quyết tâm!”
Thì ra cái quyết tâm năm nay, lấy một ví dụ của thành phố Hà Nội, được mệnh danh “lương tri của nhân loại,” là “tập trung nâng cao văn hóa ứng xử của công chức,” năm 2017 là “năm kỷ cương hành chính,” nghĩa là dạy cho cán bộ, đảng viên đối xử với dân (đảng là đày tớ của dân) cho có văn hóa.
“Thủ đô với quyết tâm nâng cao trật tự, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức.”
Thì ra lâu nay, đảng viên, công chức không xứng đáng là đày tớ dân, cư xử hỗn xược như côn đồ, thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với dân, như lối công an đánh người thường ngày. Bí thư Hà Nội lấy hai ví dụ, một là cán bộ thanh tra Sở Giao Thông Vận Tải xô xát với nữ nhân viên hàng không tại sân bay Nội Bài, hai là cán bộ Sở Ngoại Vụ đánh cụ già 76 tuổi. Ðúng là “trẻ không tha, già không chừa!” Thì ra lâu nay đảng không hề dạy lối cư xử với quần chúng, tay chân của đảng chuyên dùng luật rừng đã quen.
Bí thư Hà Nội giải thích, lựa chọn chủ đề này nhằm nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, thái độ, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức thủ đô tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng. “Lấy đó là cốt lõi để lan tỏa, nhân rộng ra các tầng lớp nhân dân, từng bước xây dựng trật tự, kỷ cương trong xã hội.”
Bao nhiêu năm, bây giờ mới nghe nói đến chuyện chấn chỉnh tác phong lối sống cán bộ công chức.
Hà Nội sẽ ấn hành “bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội” gồm có sáu chương, 16 điều, có nghĩa là sẽ một loại cẩm nang, quy định các đày tớ dân phải làm gì, nói năng, đối xử với dân ra sao.
Từ đây, cán bộ đảng viên không được hút thuốc, uống rượu, không hát karaoke, không đeo ống nghe, không nghe nhạc, xem TV, nghe radio, chơi game… trong giờ hành chính.
Không gợi ý để nhận quà biếu. Không được uy hiếp, tấn công người dân.
Không nói tục. Không tụ tập riêng trong và ngoài cơ quan.
Quy tắc ứng xử còn đi vào chi tiết như ở ngoài đường, nơi công cộng, nơi bến ga cán bộ công chức phải có tác phong như thế nào! Rõ ràng là dạy dỗ như dạy dỗ một đứa con nít.
Chuyện ấy mà đến bây giờ, không dạy đứa trẻ lúc nó mang khăn quàng đỏ hồi nẫm, nay măng đã thành tre, là ông lãnh đạo mà còn phải in cẩm nang, dặn dò như thế, cũng là điều hơi trễ.
Nhân dịp năm mới 2017, đảng quyết tâm làm cho công chức, cán bộ trở thành người tử tế, tôi xin đề nghị thay vì in cẩm nang, chính phủ nên cho in lại mấy cuốn Luân Lý Giáo Khoa Thư và Quốc Văn Giáo Khoa Thư, lớp Ðồng Ấu và Lớp Sơ Ðẳng do các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Ðặng Ðình Phúc, Ðỗ Thuận hợp soạn, xuất bản năm 1941.
Trong cuốn Luân Lý Giáo Khoa Thư lớp Ðồng Ấu có các bài học như “phải làm lụng, phải chăm học, tính khoe khoang và hợm mình, tính nhát sợ, tính nói dối, tàn bạo, tính độc ác,…” Trong cuốn lớp Sơ Ðẳng, cao hơn, thì có các bài về “Bổn phận với xã hội” có các bài “Công bình và nhân ái, trọng tính mệnh người ta, trọng của người, trọng danh giá người, sự nói vu, lễ phép, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào, nghĩa hữu ái, lòng thí xả…”
Trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Ðồng Ấu thì có “Ðói cho sạch, rách cho thơm.” Trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ Ðẳng và Dự Bị thì có: “Không tham của người, không vì tiền mà làm điều phi nghĩa, một ông quan thanh liêm, cần phải giữ tính hạnh của mình, kính trọng người già cả, thương yêu kẻ tôi tớ, ông vua có lòng thương dân, ông già khuân tảng đá…”
Và đề nghị ngành giáo dục bắt buộc trong các nhà trường dùng cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng,” nguyên tác của Edmond De Amicis, bản dịch của Hà Mai Anh, làm sách giáo khoa để trồng lại người, thì may ra đất nước 20 năm nữa, đạo đức mới khá lên được.
Ðó là chuyện ở Hà Nội.
Ở Sài Gòn thì có một thứ quyết tâm khác, là quyết tâm giữ ghế, như lời tuyên bố “sâu sắc” của một cái tên tiền định, như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch Hội Ðồng Nhân Dân, nói: “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc!”
December 24, 2016
http://www.nguoi-viet.com
Người ta nói, ở Việt Nam...
http://cafekubua.com/2016/12/21/viet-nam-10h30-toi-theo-harward-4h30-sang/
1. Bức hình này đã được lan truyền trên mạng, nó bình thường đến nỗi người ta nhìn vào nó rồi sẽ hỏi:”Rồi sao nữa ? Bức hình này có vấn đề gì à ? Mấy đứa này bạn mày hả ? Chúng nó bị ung thư gan chết hết rồi à ?”
2. Người ta nói, ở Việt Nam, đâu đâu cũng thấy đầy rẫy những chỗ nhậu nhẹt. Người ta vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, đám cưới cũng nhậu, đám ma cũng nhậu, thậm chí không biết làm gì cũng phải nhậu. Bởi thế cho nên chẳng mấy ngạc nhiên khi lượng rượu bia ở Việt Nam lại nằm trong tốp những nước tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Tôi đã nghe ai đó đã nói, rượu bia, thuốc lá và ma túy là những thứ mà ngày xưa những nước thực dân khi đi xâm chiếm các thuộc địa đã sử dụng những thứ này để làm suy yếu nội lực, tinh thần phản kháng của dân tộc đó. Việt Nam mình có lẽ cũng đang may mắn và tình cờ bị như thế ? Ai đang cố làm suy yếu dân tộc ta ?
3. Người ta nói, có một câu châm ngôn ở Việt Nam mà ai cũng thuộc và làm theo “Vì cuộc sống là không chờ đợi”. Đúng, chúng tôi không quen chờ đèn đỏ chuyển qua xanh để được đi. Chúng tôi không đủ kiên nhẫn xếp vào hàng để chờ đến lượt mua đồ ăn hay tấm vé xem một chương trình nào đó. Khi chúng tôi xảy ra va vẹt xe trên đường, chúng tôi không đợi người có thẩm quyền đến giải quyết, mà chúng tôi sẽ rút dao, mã tấu xông vào đối phương quyết một phen sống mái, để mọi ân oán được giải quyết bằng máu và nước mắt cho thỏa chí nam nhi, đầu đội trời chân đạp đất ung dung tự tại chả khác gì các vị hảo hán anh hùng Lương Sơn bạc.
4. Người ta nói ở Việt Nam người ta đi làm gái nhiều lắm. Ừ thì không làm gái thì biết làm gì bây giờ. Rừng đã mất, biển đã chết, sông đã cạn thì lấy gì làm để mà nuôi thân.
5. Người ta nói ở Việt Nam để được nổi tiếng dễ lắm. Chỉ cần bạn có mông to và ngực bự thì bạn đã có được 50% cơ hội được nổi tiếng rồi. 50% còn lại thì phụ thuộc vào độ chai của da mặt bạn, và sản phẩm make up mà bạn đang tin dùng để che đi lớp da mặt bị chai đó.
6. Người ta nói ở Việt Nam làm quan dễ lắm. Bạn chỉ cần có bố hoặc mẹ đang là quan, hoặc cô dì chú bác, hoặc thậm chí là ông hàng xóm là tình cũ của mẹ bạn cũng có thể giúp bạn trên con đường quan lộ. Xin vào làm quan mới khó, chứ đã là quan rồi thì dễ í mà. Chức cao thì ăn cái to, chức nhỏ thì ăn nhỏ, quan trọng là có “vẽ” thì mới có ăn, và ăn chia sòng phẳng lúc nào cũng phải là điều kiện tiên quyết. Thành công thì chia cho trên, sẻ ở dưới. Thất bại thì rút kinh nghiệm, kiểm điểm, cảnh cáo thôi cũng đã đủ nghiêm khắc rồi.
7. Người ta nói, sống ở Việt Nam vui lắm. Ừ thì suốt ngày trên tivi ra rả đủ chương trình thi hài, game show hài này nọ thì bảo sao không vui. Ở một đất nước, mà những diễn viên hài với những câu nói “hài là phải nhảm, phải xàm, càng nhảm càng xàm thì càng vui, thì mới là hài”. Tôi chưa thấy ở một đất nước nào, mà diễn viên hài lại được tôn vinh, được là thần tượng, là lấy làm mẫu chân lý sống cho giới trẻ như ở Việt Nam. Họ, những diễn viên hài đâu biết rằng hài là môn nghệ thuật lên án và châm biếm những mặt xấu xa của xã hội, và qua đó đằng sau những tiếng cười là để lại sự trăn trở về xã hội trong lòng người xem. Thay vì chúng ta tổ chức các chương trình kích thích sự tự học, rèn luyện sức khoẻ, ý chí vươn lên trong cuộc sống hay giúp các bạn trẻ khởi nghiệp thì chúng ta lại tổ chức các chương trình thi tuyển trở thành diễn viên hài. Dường như cái hài nhảm, hài xàm nó đang giúp người dân Việt quên đi cái nghèo, cái đói cái tủi nhục khi sống dưới cái xã hội này ? Cái đất nước này vốn đã là một sân khấu hài lớn, và dường như cả xã hội ai cũng muốn được là một diễn hài trong cái sân khấu lớn đó ?
8. Người ta nói làm giới trẻ ở Việt Nam sướng lắm. Chỉ có “ăn, ngủ, phịch, ị”. Trong khi, giới trẻ các nước khác như Hong Kong, Hàn Quốc…ừ thì mà là…trong khi giới trẻ chúng ta…là mà thì ừ.
9. Người ta nói…ừ thì cứ kệ người ta nói đi mà. Biết thì biết thế thôi chứ mình có thay đổi được gì đâu. Kệ đi!
10. Việt Nam chúng ta luôn tự hào là Con Rồng, Cháu Tiên thông minh xuất chúng, minh chứng hùng hồn nhất là chúng ta chiến thắng được mọi kẻ thù xâm lược. Ừ thì giỏi đó, nhưng hậu thế lại biết đến những trận đánh là những cuộc nướng quân “quân địch chết ba, quân ta chết hết” hoặc qua những kế hoạch mang đậm dấu ấn cá nhân của anh Tám, chị Chín, thím Sáu nào đó: “chúng ta đã làm tiêu hao sinh lực địch đáng kể”, nhưng thật ra là những trận khủng bố kinh hoàng chẳng khác gì IS với “quân địch chết ba dân ta chết tá”. Ngoài những chiến tích đó ra, dường như chúng ta không có một thành công nào để minh chứng chúng ta là một dân tộc thông minh, không một công trình khoa học hay phát minh sáng chế nào đóng góp cho nhân loại. Nếu tổ tiên ta thông minh, thì ngày xưa ba Quân mẹ Cơ đã ngồi xuống cùng giải quyết vấn đề, hoà hợp hoà giải chứ không phải phải đi đến quyết định ly thân, gia đình chia cắt kẻ dắt 50 con lên rừng, người dẫn 50 con xuống biển. Nếu vua Hùng thông minh, thì khi nghe câu nói của Mai An Tiêm thay vì sẽ ngồi suy nghĩ đúng sai về câu nói đó chứ không cố chấp đày chàng trai trẻ ra biển. Nếu An Dương Vương thông minh, thì đã không nhận đứa con của kẻ thù về làm rể, chứ không để con gái rượu cuối cùng phải thốt lên “Trái tim lầm lỡ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc”. Tuy đã là quá khứ, dân tộc nào cũng có sai lầm, nhưng chúng ta cần phải nhìn nhận, đối diện sự thật rằng dân tộc Việt Nam chúng ta không thông minh, và khi đã nhận thức được điều đó chúng ta cần phải mở mang đầu óc, tăng cường học hỏi những điều mới mẻ từ bên ngoài. Nhưng tiếc là thay vì chịu nhận ra điểm yếu và chịu khó học hỏi thì chúng ta lại cố chấp giữ gìn cái cũ với những sân si, hoang tưởng. Điều này thực sự là một bất hạnh cho dân tộc Việt. Tôi và bạn, chúng ta là những kẻ đần độn ở một đất nước thất bại !
Kỳ Anh
Phẫn nộ dâng trào
Ngô Nhân Dụng
Nếu không được ai nhắc, nhiều người Việt chắc không biết ngày kỷ niệm một biến cố quan trọng trong lịch sử cận đại mới đi qua: Ngày 19 tháng 12. Những người ở lớp tuổi 80-90 có thể không quên. Nhưng lớp tuổi 50 trở xuống có thể không biết có chuyện gì xẩy ra.
Một nhà trí thức ở Sài Gòn, trên 80 tuổi, mới nhắc lại ngày kỷ niệm này, là Giáo sư Tương Lai. Ông coi chương trình ti vi về biến cố lịch sử ngày 19 tháng 12 năm 1946, ngày bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của người Việt Nam. Nhưng coi xong, Giáo sư Tương Lai lại nhớ đến bài thơ của Thâm Tâm: “Đưa người ta không đưa qua sông. Sao có tiếng sóng ở trong lòng!” Trong lòng ông, có những cơn sóng dào dạt khi nhớ lại những thanh niên Việt Nam đã quyết hy sinh mạng sống trong cuộc chiến đấu kéo dài hai tháng ở Hà Nội sau ngày “Toàn quốc kháng chiến” đó. Nhưng ông cũng cho thấy nổi lên một cơn sóng “phẫn nộ” vì “Một sự nghiệp bị phản bội, thì gợi nhớ lại những trang hào hùng của sự nghiệp ấy sẽ càng làm cho sự phẫn nộ dâng trào!”
Ông Tương Lai nhắc đến tài liệu hướng dẫn công tác tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho công tác kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến. Nếu tò mò, quý vị có thể đọc nguyên văn những lời “hướng dẫn” này, được đưa trên mạng từ tháng Tám năm 2016. Các ông bà tuyên giáo chỉ thị cho các đảng viên cộng sản làm công việc tuyên truyền về ngày 19 tháng 12, với các mục tiêu tóm tắt như sau: “…1) nhằm ôn lại truyền thống yêu nước và lịch sử vẻ vang, ý chí độc lập tự do, khí phách quật cường của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm…; 2) khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân …; 3) Tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ và cảnh giác trước âm mưu ‘diễn biến hòa bình’ của các thế lực thù địch …; 4) Tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước …”
Cơn sóng phẫn nộ dâng trào trong lòng ông Giáo sư Tương Lai vì “bộ máy tuyên truyền lừa bịp của hệ thống tuyên giáo các cấp” thuộc Đảng Cộng sản “nói vậy mà không phải vậy!” Như ông viết “…trong tâm thế Việt Nam, xưa cũng như nay, tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, lòng tự hào tự tôn dân tộc thường đi liền với chống Tàu”. Nhưng trong lúc “bộ máy tuyên truyền lừa bịp” đưa ra các hướng dẫn trên đây thì ngày 8 tháng 12 năm 2016, Hải Quân Trung Quốc “ngang ngược” tổ chức kỉ niệm 70 năm thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa” của quân Trung Cộng! Người Việt Nam còn lương tâm không thể nao không nổi giận! Ai cũng phải thấy như ông Tương Lai: “lờ tịt chuyện ngang ngược đó đi để rồi kêu gào “khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc” thì quả là trơ tráo!”
Nhờ Giáo sư Tương Lai nhắc, chúng tôi mới biết người tổng chỉ huy cuộc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 là Hứa Thế Hữu. Rồi chính ông Tướng Tàu này cũng chỉ huy Chiến tranh Biên giới 1979, khi Đặng Tiểu Bình muốn “dậy cho Lê Duẩn một bài học” vì Duẩn xu phụ Liên Xô, chống Trung Cộng. Cũng nhờ ông Giáo sư kể, chúng tôi mới biết Hứa Thế Hữu là cháu chắt của Đề Đốc Hứa Thế Hanh, viên võ tướng theo Tôn Sĩ Nghị sang chiếm nước ta rồi bị quân Vua Quang Trung cho một trận đại bại, năm 1789. Theo “Việt–Thanh Chiến Dịch” của Nguyễn Duy Chính, mới xuất bản năm 2016, thì Hứa Thế Hanh chỉ huy các đạo quân Quảng Đông và Quảng Tây, và ông ta đã chết đuối khi tranh nhau chạy trốn trên chiếc cầu phao bắc qua sông Nhị Hà khiến cây cầu gẫy sập!
Năm 2016, Hứa Thế Hữu lại cho Nguyễn Phú Trọng một bài học, ngang nhiên cho làm lễ kỷ niệm vụ cướp Hoàng Sa và Trường Sa năm 1974, hơn một tháng trước ngày gây chiến, 19 tháng Giêng! Nhưng hệ thống tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam không dám mở một chiến dịch tuyên truyền phản bác hành động khiêu khích ngang ngược đó!
Họ chịu khuất phục Tàu quen rồi!
Từ năm 1990 đến nay, sau khi Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười và đồng bọn cúi đầu quy phục thiên triều, cả hệ thống báo đài của Đảng Cộng sản không được nhắc đến cuộc chiến “trừng phạt” tàn bạo của Đặng Tiểu Bình. Sách giáo khoa môn lịch sử không được phép viết đến. “Táng tận lương tâm hơn”, ông Tương Lai viết, “để làm vừa lòng kẻ thù, chúng đã dám cho đục bỏ những bia liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu chống quân thù,…” Thay vì “khơi dậy lòng tự hào tự tôn dân tộc” thì bọn tuyên giáo cộng sản đang nhồi nhét vào đầu người dân Việt “bốn cái tốt” và “16 chữ vàng oan nghiệt và bịp bợm” theo đuôi quan thầy Bắc Kinh!
Đọc bản Bản đề cương tuyên truyền về kỷ niệm 70 ngày Toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 của Ban Tuyên giáo, điểm thứ ba chứng tỏ họ không muốn nhắc đến kẻ thù truyền kiếp phương Bắc mà lại nhắm đến những người dân Việt Nam! Khi họ viết “Tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ và cảnh giác trước âm mưu ‘diễn biến hòa bình’ của các thế lực thù địch …” thì ai cũng hiểu họ đang nhắm vào những người như ông Giáo sư Tương Lai, những Nguyễn Văn Đài, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thị Minh Hạnh, vân vân, là những nhà trí thức muốn dân Việt Nam được sống trong tự do dân chủ. Kẻ thù của Đảng Cộng sản không phải là nhưng “đồng chí anh em” như Tập Cận Bình, Hứa Thế Hữu, mà là những bạn trẻ Việt Nam yêu nước đi biểu tình chống Trung Cộng xâm lược!
Điều trâng tráo nhất trong bản “đề cương” này là Ban Tuyên giáo ra lệnh thuộc cấp kỷ niệm ngày 19 tháng 12 bằng cách kể công những “thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước” của Đảng Cộng sản.
Tất cả mọi người trên 35 tuổi sống ở Việt Nam đều biết rằng “đường lối đổi mới đất nước” của đảng chỉ là chịu thua, từ bỏ những chủ trương và chính sách do Đảng Cộng sản áp đặt trên dân tộc Việt Nam. Cái “ý nghĩa lịch sử” của 30 năm qua là cộng sản khắp thế giới đã quay đầu 180 độ chạy theo chủ nghĩa tư bản, mà lại là thứ tư bản thời sơ khai thế kỷ 18, 19 ở Âu Mỹ!
Còn những “thành tựu to lớn” của đảng nó to như thế nào? Có thể nói suốt lịch sử, nước Việt Nam chưa bao giờ bất công và thối nát như vậy!
Trong tuần qua, ký giả Mặc Lâm, đài RFA mới viết về ông Nguyễn Phúc Gia Huy, biệt hiệu là Dưa Leo, một nhà hài hước đã thu góp các tin tức trên báo, trên đài trình bày lại trên trang mạng của anh. Dưa Leo nhận xét về tình trạng truyền thông, hoàn toàn trong tay Đảng Cộng sản nắm: “Báo chí chúng ta tập trung có hai vấn đề: vú và tiền. Những bài viết về đất nước thì phần lớn tập trung ở hai tờ báo dành cho mấy ông già coi đó là Tuổi Trẻ và Thanh Niên. Còn tuổi trẻ thật thì tụi nó đọc Kênh 14. Kênh 14 thì kiếm đỏ con mắt cũng không ra một bài viết về đất nước nữa…”.
Đó là một “thành tựu” trong công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng Cộng sản: “kiếm đỏ con mắt cũng không ra một bài viết về đất nước!”
Vì thế, ngày trong gia đình cha mẹ cũng không nói chuyện đất nước trước mặt con cái, mà họ chỉ bàn chuyện phim ảnh nhập cảng hoặc chuyện ăn nhậu. Dưa Leo viết: “…bản chất con nít thì nó bắt chước người lớn. Hồi còn nhỏ nó thấy ba má ông bà nó gặp nhau là nhậu thì khi lớn lên nó cũng nhậu. Nó bị cấm đoán nói về đất nước riết nó không thèm quan tâm luôn, nó chỉ quan tâm chuyện nhậu, nhậu, nhậu và nhậu!”
Dưa Leo có lúc cũng nêu thắc mắc: Thí dụ, “ngày 4 tháng 12 chúng ta chọn làm ngày quốc tang ông Fidel Castro. Oh! Lạ nha, Việt Nam để quốc tang ông Cuba còn dân Cuba thì lại ăn mừng cái chết của ổng. Tại sao ở Việt Nam mình người chết một đống. Lũ lụt thiên tai vừa rồi ở miền Trung chết quá trời người luôn. Rồi thêm ảnh hưởng Formosa cũng chết nữa tới bây giờ sao không thấy quốc tang nào hết vậy!”
Nếu thực dân Pháp sống lại được chứng kiến cảnh Đảng Cộng sản “tuyên truyền và giáo dục” trẻ em và người lớn ở Việt Nam thì chắc họ bái phục! Nếu đám thực dân biết làm những trò “tuyên giáo” của Cộng sản thì chắc không có cảnh ngày 19 tháng 12 năm 1946, khi dân Việt nổi lên chống Pháp.
Cuộc kháng chiến của toàn dân Việt Nam đã bị Đảng Cộng sản cưỡng đoạt và lợi dụng. Một dân tộc đã bị đánh lừa đi vào đường suy vong, tụt hậu hàng nửa thế kỷ so với các nước chung quanh họ không mắc tai nạn cộng sản.
Giáo sư Tương Lai “nghe thấy tiếng sóng ở trong lòng”. Ông đã làm nghề dậy học nhiều năm. Bây giờ ông tự hỏi, cũng như nhà thơ Chế Lan Viên đã tự hỏi chính mình. Nhân ngày 19 tháng 12, ông viết, “Với tôi, đó là gợi lại trong suy tư và tự nhìn lại mà tự vấn, liệu có phải từ trên bục giảng, mình đã ‘xui dại’ một thế hệ ‘cả tin’ để rồi họ chưng hửng, ngơ ngác trước những sự thật phũ phàng của cuộc đời đầy bụi bặm và không thiếu lừa lọc, dối trá rồi vỡ ra rằng: ‘cách mạng’ không ‘cách mạng’ như người ta tưởng, và tệ hơn, như người ta nói!” Chúng ta hiểu vì sao bao nhiêu người Việt Nam chỉ cảm thấy nhớ lại một ngày lịch sử chỉ “càng làm cho sự phẫn nộ dâng trào!”
N.N.D.
Đăng ngày 07 tháng 01.2017