Đảng tai: Xả lũ diệt Nam
Thiên-tai chưa đủ gây khốn khổ cho đồng bào miền Trung thì Đảng-tai lại chồng lên đầu người dân tại nhiều tỉnh khi các quan chức cộng sản lại một lần nữa xả lũ vô tội vạ. 12 hồ thủy điện tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã được xả ra vào ngày 14/12/2016 khiến nhiều nơi bị lũ ngập nặng nề.
Lại một lần nữa, các quan chức đã không thông báo trước đủ thời gian, không có biện pháp giúp dân dự phòng khiến toàn bộ dân miền Trung trở tay không kịp và không có một phương án đối phó nào.
Tại Quảng Nam, hàng chục tuyến đường và vùng rau ven sông Thu Bồn, Vu Gia chìm trong biển nước. Đây là kết quả của việc xả lũ đồng loạt bởi thủy điện A Vương, thủy điện Đắk Mi 4, Thủy điện Sông Tranh 2, Thủy điện Sông Bung 4.
Thành phố Hội An
Tại Huế, các hồ thủy lợi, thủy điện như Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền, A Lưới, A Roàng, Thượng Lộ đã đồng loạt xả lũ làm cho các vùng hạ du ở các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Lộc bị ngập lụt lớn. Một khoảng Quốc lộ 1A qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, các tuyến đường tỉnh lộ trên địa bàn huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền ngập sâu 0,3-0,6m. Ngay tại trung tâm thành phố Huế, nhiều tuyến đường nước ngập lên đến nửa bánh xe.
Tại Quãng Ngãi, vùng hạ du cũng bị ngập nặng sau khi các hồ chứa nước Nước Trong, hồ thủy điện Đắkđrinh, Diên Trường, Núi Ngang đồng loạt xả lũ.
Tại Phú Yên, Thủy điện Sông Ba Hạ, Thủy điện Sông Hinh cũng đã làm nhiều vùng như Bình Ngọc, Hòa Thành chìm trong biển nước.
Tại Lâm Đồng, người dân đã trở tay không kịp khi đập chứa nước Kala xả lũ khiến khu dân cư, những đồn điền cà phê, hoa màu tại các xã Gung Ré, Bảo Thuận, Hòa Ninh, Đinh Trang Hòa... bị thiệt hại trầm trọng.
Hệ luỵ của việc đồng loạt xả lũ kéo dài đến tận Nha Trang. Mực nước sông Cái là con sông lớn nhất của Khánh Hòa đã dâng cao do các hồ chứa xả lũ đã biến nhiều đường phố Nha Trang thành những con sông nhỏ.
Chỉ trong vòng 2 tháng, hiện tượng xả lũ đồng loạt lại được tái diễn. Tất cả vẫn được diễn giải là đúng quy trình. Toàn bộ các công ty thủy điện cũng theo đúng quy trình muôn thuở là chờ mưa dâng ta xả lũ mà không có một đề án gì để cải thiện. Toàn bộ các quan chức địa phương cũng theo đúng quy trình mưa lớn, gió to, xả lũ, ngập, báo cáo, rút kinh nghiệm, rồi mưa lớn, gió to... Và người dân năm này qua tháng khác vẫn phải chịu trận với quy trình nước đến chân rồi mới biết và biết rồi thì chỉ đành bó gối chấm còm.
Bạn Đọc Dân Làm Báo
http://danlambaovn.blogspot.com/
Nha Trang: Bể mương thoát lũ,
người dân hoảng loạn
Người dân khốn khổ vì bể mương thoát lũ. (Hình: Báo Người Lao Động)
KHÁNH HÒA (NV) – Mương thoát lũ Tây Đường Đệ bể, nước ào ạt như thác gây lũ quét khiến người dân hoang mang, yêu cầu di dời nhà cửa.
Theo báo Người Lao động, sáng 19 Tháng Mười Hai, nước từ đoạn mương thoát lũ Tây Đường Đệ phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, bể vẫn ào ạt như thác. Đoạn mương bể dài khoảng 40 mét, thòi những thanh thép nhỏ chưa bằng ngón tay út. Mương nằm phía trên khu dân cư, cao tương đương tầng 3 của nhiều nhà dân.
Trước đó, rạng sáng 13 Tháng Mười Hai, mương bể, nước như trận lũ quét kinh hoàng đổ xuống làm ít nhất 4 căn nhà của dân và kho vật tư của công ty Điện Lực Khánh Hòa hư hỏng nặng, hàng chục căn nhà khác bị ảnh hưởng.
Điều đáng nói đây là hệ thống thoát lũ khu dân cư Đường Đệ được tỉnh Khánh Hòa giao Trung Tâm Phát Triển Quỹ Đất Khánh Hòa làm chủ đầu tư với số tiền hơn 20 tỷ đồng để dẫn nước tránh khu dân cư hồi năm 2004 và giữa năm 2015 vừa “khắc phục sự cố rò rỉ với kinh phí 1 tỷ đồng.”
Nói với phóng viên báo Người Lao Động, ngày 19 Tháng Mười Hai, ông Nguyễn Văn Danh, chủ tịch thành phố Nha Trang, cho biết, trước mắt sẽ hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ dân bị thiệt hại nặng, đồng thời kiến nghị ủy ban tỉnh Khánh Hòa xem xét nguyện vọng của người dân di dời đến vị trí khác và chỉ đạo Trung Tâm Phát Triển Quỹ Đất Khánh Hòa sớm khắc phục, gia cố mương thoát lũ nhằm bảo đảm an toàn cho dân.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Lưu, giám đốc Trung Tâm Phát Triển Quỹ Đất Khánh Hòa, cho rằng, việc xây dựng lại mương nếu đúng trình tự sẽ rất mất thời gian. Do đó, trung tâm đề xuất có cơ chế rút ngắn thủ tục. (Tr.N)
(Mời độc giả xem video: Người chết gia tăng vì thủy điện xả lũ ở Việt Nam)
Việt Nam: Sáu ngày, thủy điện làm chết 15 người tại miền Trung
HÀ NỘI (NV) – Chưa đầy một tuần lễ, các đập thủy điện tại miền Trung Việt Nam xả lũ hối hả đã làm chết 15 người và rất nhiều sự thiệt hại về tài sản trong khi sự thiếu đói nhìn thấy trước mặt.
Theo tin tức từ cơ quan phòng chống lụt bão trung ương Việt Nam, từ ngày 12 đến ngày 17 Tháng Mười Hai, các địa phương từ Thừa Thiên-Huế kéo dài xuống phía nam miền Trung, đã có 15 người thiệt mạng vì lũ lụt. Tỉnh Thừa Thiên-Huế có ba người chết, Bình Định có 11 người, Khánh Hòa một người. Đó là chưa kể đến ba người mất tích mà tính ra tỉnh Bình Định có hai người, Thừa Thiên-Huế có một người.
Sự thiệt hại vật chất ước tính khoang hơn 608 tỷ đồng chỉ với sáu ngày lũ lụt do 14 đập thủy điện xả lũ ở miền Trung Việt Nam với 130 ngôi nhà bị sập, hư hỏng 72 nhà. Khi lũ lụt ập đến, 127,194 hộ dân ngập nước mà chắc chắn thiệt hại cho căn nhà và đồ vật, thực phẩm không hề nhỏ. Mùa lúa năm nay ở khu vực được thấy mô tả là thiệt hại 12,140 ha, mạ bị thiệt hại 3,441 ha, ngập úng 9,483 ha hoa màu, 526,500 chậu cây cảnh. Mưa lũ còn làm chết 1,180 con gia súc và 60,860 gia cầm.
Nếu tính từ đầu năm đến nay, thiên tai và nhân tai thủy điện hợp sức đã làm 235 người chết và mất tích, ước tính thiệt hại vật chất khoảng trên 37,650 tỷ đồng (tương đương $1.7 tỷ).
Sợ vỡ đập, các nhà máy thủy điện xả lũ ồ ạt làm cho các khu vực hạ lưu bị ngập lụt nhanh chóng, người dân không kịp trở tay. Hôm Thứ Sáu tuần trước, báo chí trong nước đưa tin 14 đạp thủy điện ở cả vùng cao nguyên Trung Phần và các tỉnh miền Trung xả lũ hết công suất liên tiếp nhiều ngày. Hàng triệu người dân chỉ cố gắng giữ lấy mạng sống.
Hiện các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện đã đầy nước và đang tiếp tục xả lũ gây ngập lụt nghiêm trọng ở tất cả các tỉnh, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt do ngập lụt, sạt lở, sản xuất bị đình trệ, đời sống người dân trong vùng thiên tai gặp vô cùng khó khăn và tổn thất nặng nề, theo tờ Tiền Phong.
Các nhà máy thủy điện do chính quyền xây dụng bán điện kiếm tiền. Nhưng xả lũ làm thiệt hại tài sản và nhân mạng thì không thấy nói gì đến bồi thường mà chỉ chống chế là “đúng quy trình.”
Nếu chỉ kể hai tháng cuối năm 2016, các tỉnh miền Trung liên tiếp gánh năm đợt mưa lũ lớn dẫn đến việc các đập thủy điện xả lũ làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương, mà bị nặng nhất là tỉnh Bình Định. (TN)
Ngư dân Việt loay hoay tự cứu mình
vì nhà nước rất bận!!!
Những con tàu mắc cạn trên cát gần cửa biển Đề Gi. (Hình: Tiền Phong)
BÌNH ĐỊNH (NV) – Miền Trung Việt Nam tan hoang vì năm đợt lũ lụt trong vòng một tháng. Giới lãnh đạo Việt Nam thi nhau chỉ đạo trợ giúp nhưng cuối cùng, dù đã kiệt sức, dân vẫn phải tự cứu mình.
Tờ Tiền Phong vừa có một phóng sự về thảm cảnh của ngư dân xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định – nơi có cửa biển Đề Gi.
Giữa đêm 15 Tháng Mười Hai, lũ từ thượng nguồn đột ngột đổ xuống, tống hàng loạt tàu đánh cá trong vùng ra biển. Ra tới cửa biển, có sáu tàu bị sóng đánh thành những đống gỗ vụn, hai tàu bị chìm, bảy tàu khác bị sóng hất ngược trở lại lên bãi cát.
Tờ Tiền Phong mô tả trên một đoạn bờ biển dài chừng ba cây số ở xã Cát Khánh hiện có hai nghĩa địa tàu. Một nghĩa địa gồm những xác tàu đã nát và một bao gồm những tàu bị sóng, gió đánh giạt lên bờ.
Bởi ngư nghiệp là sinh kế chính, tàu đánh cá là cần câu cơm, ngư dân xã Cát Khánh đang tìm mọi cách để vớt vát, cứu tương lại của họ.
Ở nghĩa địa gồm những xác tàu đã nát và tàu chìm, ngư dân cố gắng vớt từng mảnh xác tàu để thu hồi ván, gỡ máy tàu, thu hồi ngư cụ và các phương tiện hỗ trợ hải hành. Một số đang chìm dưới nước, số khác bị sóng, bị gió vùi sâu dưới bãi cát ven bờ. Biển sắp động, nếu không vớt, gỡ, thu hồi kịp, sóng biển sẽ cuốn sạch mọi thứ.
Còn tại nghĩa địa với những con tàu bị sóng, gió đánh giạt lên bờ, ngư dân mướn cẩu, mang máy tàu ra khỏi tàu. Dù chỉ cách mép nước chừng 20 thước nhưng ngư dân không đủ sức đưa tàu trở lại biển. Thuê phương tiên nâng tàu lên, chêm con lăn, lót ván, mướn phương tiện kéo tàu xuống nước trở lại nhưng chưa đâu vào đâu thì sóng đã tràn vào, vít con tàu lún sâu hơn trong cát.
Giải pháp còn lại mà họ có thể thực hiện là đóng cọc vây tàu, dồn cát vào bao rồi dựng thành một hàng rào chắn sóng. Ít ai tin giải pháp này hữu hiệu vì loại hàng rào chắn sóng vừa kể khó mà có thể ngăn được tác động của sóng biển khi biển động. Rồi những con tàu mắc cạn cũng sẽ chung số phận với nhưng con tàu đã thành những đống gỗ vụn!
Nhiều ngư dân tâm sự với phóng viên tờ Tiền Phong rằng họ đã làm tất cả những gì có thể nhưng họ biết chắc là không hiệu quả. Không ít người ứa nước mắt vì kiệt sức và bất lực. Họ khẩn khoản nhờ báo giới kêu giúp với nhà nước. Họ tin rằng các chuyên gia sẽ có cách trước khi sóng biển phá hủy tất cả.
(Mời độc giả xem video: Sau lũ lụt là sạt lở khắp nơi ở miền Trung)
Tuy nhiên nhà nước đang có “trăm công, nghìn việc.” Tổng bí thư đảng CSVN đang bận làm việc với tổng cục tình báo của Bộ Quốc Phòng để nhắc nhở cơ quan này phải “tuyệt đối trung thành,” phải “nắm chắc âm mưu, ý đồ, kế hoạch, biện pháp, thủ đoạn nhằm thực hiện chiến lược ‘diễn biến hòa bình,’ bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch,” rồi phải “gương mẫu, đi đầu trong cuộc đấu tranh chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa.”
Chủ tịch nhà nước thì đang bận chỉ đạo “70 năm Ngày Toàn Quốc Kháng Chiến.”
Còn thủ tướng thì đang bận thăm các doanh nghiệp của Bộ Quốc Phòng để nhắc nhở những doanh nghiệp này phải “kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng.” !!! (G.Đ-NV)
Đăng ngày 20 tháng 12.2016