banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Trung quốc và một phiên bản nhỏ hơn

Mạnh Kim

Báo chí thế giới vẫn tràn ngập tin tức về Trung Quốc. Không ưa Trung Quốc đến mấy cũng phải thừa nhận Bắc Kinh đang tiến rất nhanh trên con đường cạnh tranh quyền lực với Mỹ. Các cảnh báo về thủ đoạn và âm mưu Trung Quốc trên con đường ngoi lên vị trí cường quốc vẫn không làm cho doanh nghiệp phương Tây ngưng hợp tác với Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp Mỹ lẫn châu Âu phải nhượng bộ rất nhiều trước những yêu cầu và luật lệ trói buộc khi làm ăn tại Trung Quốc.
Nhìn lại sự trỗi dậy Trung Quốc, có thể rút ra vài điểm:

1/ Trung Quốc đang chi cực mạnh cho các thương vụ đầu tư khắp thế giới, đặc biệt Mỹ và châu Âu. Theo hãng nghiên cứu tài chính Rhodium Group, chỉ trong năm 2016, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mỹ là 45,6 tỷ USD (gấp ba so với năm 2015); và FDI của họ vào châu Âu là 35,1 tỷ euro.

2/ Trung Quốc đang thiết kế nhiều mô hình cùng lúc, từ “Một vành đai, Một con đường” đến Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), để từng bước tạo ra một trật tự thế giới mới mà họ là trung tâm.

3/ Trung Quốc xây dựng “nhuyễn lực” (quyền lực mềm) bằng công cụ truyền thông rộng khắp thế giới và bằng các chương trình “viện trợ” cho những quốc gia mà thời điểm hiện tại có thể phục vụ lợi ích chính trị của họ (Campuchia chỉ là một ví dụ rất nhỏ). Họ cũng đầu tư mạnh vào sản phẩm văn hóa, như điện ảnh, để xuất khẩu và truyền bá “tư tưởng Trung Quốc” và “tinh thần nhân bản Trung Quốc”.

4/ Trung Quốc áp dụng chính sách ngoại giao gây hấn và lấn chiếm biển Đông không chỉ để thỏa mãn và đạt được tham vọng bành trướng muôn thuở mà còn để lấy lòng người dân trong nước như một trong những phương thức trị an.

5/ Trung Quốc làm mạnh các chiến dịch lobby ở các nước thông qua các tổ chức lobby chuyên nghiệp trong đó có Mỹ (đề tài này xin được viết riêng thành một bài khác), để đánh bóng hình ảnh Trung Quốc cũng như tìm được đúng cửa để gõ cho các dự án đầu tư vào quốc gia bản địa.

6/ Trung Quốc tổ chức một hệ thống “dư luận viên cấp cao”, gồm nhiều giáo sư, học giả, nhà báo…, để giao chiến trên mặt trận truyền thông (bằng tiếng Hoa lẫn tiếng Anh), thậm chí ngay trên các chuyên san ngoại giao uy tín của Mỹ (như Foreign Policy) hoặc trên các tờ báo chính trị khu vực quen thuộc như The Diplomat.

7/ Trung Quốc đầu tư mạnh vào kỹ thuật quân sự và hiện đại hóa quân đội không chỉ cho tham vọng bá chủ tương lai mà còn để hù dọa các nước khu vực thời điểm hiện tại.

8/ Trung Quốc đầu tư mạnh vào một số kỹ thuật như công nghệ robot và các lĩnh vực liên quan trực tuyến chẳng hạn điện toán đám mây, viễn thông và không gian, để tạo ra sức mạnh riêng (trong khi nhiều lĩnh vực khác họ bỏ lỏng vì không đủ thực lực và nền tảng kiến thức lẫn kinh nghiệm, chẳng hạn kỹ thuật y học).

9/ Trung Quốc áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch để củng cố sức mạnh doanh nghiệp bản địa.

10/ Trung Quốc tiếp tục ủng hộ (ngầm) chủ trương ăn cắp công nghệ-kỹ thuật thế giới để tiếp cận và sở hữu công nghệ tiên tiến một cách nhanh nhất.

Có thể còn nhiều điểm chưa nêu hết nhưng nhìn chung vẫn phải thừa nhận “mô hình” mà Trung Quốc đang theo đuổi đã giúp họ trở nên mạnh và mạnh hơn rất nhiều lần so với chính họ cách đây chỉ một thập niên. Trung Quốc đang chứng minh, ít nhất với người dân họ, rằng mô hình chính trị và phát triển kinh tế của họ, là "thành công". Tuy nhiên, sẽ còn rất lâu Trung Quốc mới có thể bắt kịp các nước tiến bộ, về an sinh xã hội, tự do báo chí, giáo dục, lẫn môi trường. Không có mô hình phát triển nào là toàn bích tuyệt đối và mô hình Trung Quốc càng rất bất toàn. Trung Quốc đã phải trả giá rất đắt cho sự chọn lựa giới hạn bắt buộc trong các mục tiêu phát triển của họ.

Có thể liệt kê một danh sách dài về mặt trái phát triển Trung Quốc: môi trường tan nát, giáo dục nhếch nhác, dịch vụ công tồi tệ, tham nhũng tràn lan, đạo đức xuống cấp, và cả chính trị phe nhóm. Sau nhiều năm “bùng nổ phát triển”, thành phố Bắc Kinh từng có lúc như phải “đóng cửa” trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng; người Trung Quốc phải sống trong sự khủng hoảng an toàn thực phẩm; giới có tiền phải đưa con đi tỵ nạn giáo dục; công nhân bị đối xử như tầng lớp thấp nhất xã hội; đất nước vẫn như một nhà tù khổng lồ đối với những người hoạt động lên tiếng đòi hỏi một xã hội liêm chính và một nền chính trị cởi mở…

Thật trớ trêu là tất cả mặt xấu của tấm huy chương phát triển Trung Quốc đều có một bản sao gần như không sai chệch một ly ở một phiên bản nhỏ hơn: Việt Nam - dù sự phát triển Việt Nam còn lâu mới có thể so với Trung Quốc; bất chấp rằng mô hình chính trị Việt Nam là một phiên bản sao y của Trung Quốc. Có những câu chuyện xảy ra ở hai nước giống nhau đến mức chỉ khác biệt ở tên người và địa danh, từ chuyện đầu độc thực phẩm; xếp hàng tranh chỗ vào lớp một; thi cử rối ren; bệnh nhân đánh bác sĩ; sự lộng hành của nhân viên trật tự đô thị (Trung Quốc gọi là “thành quản”); mua bằng bán cấp; mua quan bán tước; con ông cháu cha; hối lộ quan chức; công an đánh chết dân; hình thức chủ nghĩa; trưởng giả làm sang; đến cả các phương pháp theo dõi, bắt bớ và “xét xử” những bản án dành cho giới hoạt động xã hội. Điều gì khiến Trung Quốc và Việt Nam trở thành một ngoại lệ hiếm hoi trong lịch sử thế giới trong đó hai quốc gia giống gần như hệt nhau, trừ ngôn ngữ?

Yếu tố địa lý có thể là nguyên nhân. Địa lý là một trong những lý do gần như luôn được nêu lên đầu tiên trong các bài viết phân tích và lý giải về sự khó khăn trong việc “thoát Trung”. Cùng với địa lý là văn hóa, với những tương đồng trong văn hóa hai nước. Tuy nhiên, cả địa lý lẫn văn hóa, dù mang lại ít nhiều ảnh hưởng, vẫn không phải là thủ phạm. Nhật Bản vẫn là Nhật Bản dù văn hóa Nhật có nguồn gốc ít nhiều từ Trung Quốc; và Kanji là một trong những chữ viết có nguồn gốc Hán tự nhiều nhất thế giới – nói về văn hóa và ảnh hưởng văn hóa. Singapore vẫn là Singapore dù 74,3% dân số nước này là người gốc Hoa. Nói về địa lý, đã có một Do Thái biết cách tạo ra được một “căn cước dân tộc” đủ mạnh để không bị đồng hóa và chịu ảnh hưởng văn hóa của khối Arab vây kín gần như bít bùng. Địa lý và văn hóa không là thủ phạm. Chính trị và mô hình chính trị tương đồng mới là yếu tố chính, trong trường hợp Trung Quốc và Việt Nam.

Nếu Việt Nam được lãnh đạo bởi một mô hình chính trị và được điều hành bởi một mô hình kinh tế như Singapore hay Hàn Quốc thì liệu Việt Nam có còn giống Trung Quốc nữa không? Câu hỏi này xin nêu ra như một gợi mở chứ không phải kết luận. Dù vậy, như được thuật trong “Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty” (tác giả Daron Acemoglu), vai trò điều hành và cách thức điều hành mới là yếu tố quyết định cho phát triển, bất chấp địa lý lẫn văn hóa. Ví dụ được nêu trong “Why Nations Fail” là thành phố Nogales được ngăn chỉ bởi một cái hàng rào – một bên thuộc Santa Cruz, bang Arizona, Mỹ; bên kia thuộc bang Sonora, Mexico. Nogales-Mỹ có thu nhập hộ dân trung bình khoảng 30.000 USD/năm; đa số người trưởng thành tốt nghiệp trung học, người dân được hưởng nhiều dịch vụ phúc lợi, đời sống an toàn, xã hội không trộm cắp, tham nhũng, và họ được bầu thị trưởng, nghị sĩ địa phương…

Trong khi đó, hầu hết người trưởng thành tại Nogales-Mexico không có bằng trung học, nhiều thiếu niên bỏ trường, các bà mẹ lo lắng tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, cướp bóc giật dọc nhan nhản… Giữa cái hàng rào, không có khác biệt gì về địa lý, văn hóa, khí hậu hoặc thậm chí các loại dịch bệnh vì vi trùng chẳng phải đối mặt với rào cản hay biên giới nào để gây bệnh. Sự "thiếu may mắn” của người Nogales-Mexico là họ không được sống trong một thể chế chính trị ổn định và quốc gia không được điều hành bằng một nền chính trị minh bạch (Mexico là một trong những nước có tình trạng tham nhũng tồi tệ nhất thế giới). Rõ ràng yếu tố địa lý lẫn ảnh hưởng văn hóa không hẳn là nguyên nhân của vấn đề, khi nói đến Trung Quốc và Việt Nam. Hãy thử nhìn sự khác biệt trong văn hóa sống của người Hong Kong với người Hoa lục sẽ có thể thấy thêm không ít điều.

Trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) trong chuyến đi Quảng Tây giữa tháng 9-2017, Trương Hòa Bình (phó thủ tướng) nói: “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi…, mối tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các thế hệ tiền bối dày công gây dựng…, đã trở thành tài sản chung quý báu của hai đất nước, hai dân tộc…”.

Những phát biểu tương tự lặp đi lặp lại, năm này qua năm kia, như được rã ra từ một cuộn băng ghi âm sẵn, đã gần như xác quyết mối quan hệ bất di dịch giữa hai nước. Tuy nhiên, khi Hà Nội “kiên định” với con đường và lựa chọn của họ, có bao giờ họ tự hỏi tại sao họ “chọn đúng” nhưng đất nước vẫn “đi sai” và không thể phát triển theo cách tương tự Trung Quốc; rằng trong khi mô hình Trung Quốc đang lớn dần nhưng phiên bản nhỏ hơn của nó lại ngày càng èo uột, và tệ hơn, ngày càng bị hút mạnh vào sự lệ thuộc kinh tế Trung Quốc? Lý do là gì? Phiên bản nhỏ hơn bị lỗi nhiều hơn, kém chất lượng hơn, hay bị cố tình làm cho hỏng nhiều hơn? Và ai là thủ phạm?

Không người dân nào có thể biết chính xác đằng sau quan hệ Việt-Trung hiện tại là gì, nhưng gần như ai cũng thấy rằng sự chọn lựa của Hà Nội đang mang lại cái giá quá đắt cho đất nước và cho nhiều thế hệ.

https://www.facebook.com/nguyen.manhkim



Hậu tháng tư đen


"Ngày mai chắc gì còn gặp lại!"

Cha Vinh sơn Phạm Trung Thành

“Hôm nay chúng ta gặp nhau đây và ăn với nhau một bữa cơm là quý lắm rồi, vì không biết ngày mai có còn cơ hội gặp nhau không!” Cha Vinh sơn Phạm Trung Thành, linh mục điều phối chương trình Tri Ân TPB VNCH, mở lời như trên trong buổi khám sức khỏe tổng quát lần thứ 10 trong năm 2017 dành cho các ông TPB VNCH vào sáng thứ Hai 11/09/2017 tại DCCT Sài Gòn.

Bữa cơm nghĩa tình, hội ngộ, chắc gì ngày mai ta còn gặp lại nhau Cha Vinh sơn Thành có lý để nói điều đó vì trong tháng qua, có nhiều ông TPB đã từ giã cõi trần. Ngoại lệ, có trường hợp khi nhân viên văn phòng gọi điện mời ông về Sài Gòn để khám chữa bệnh thì mới hay ông đã vĩnh viễn ra đi! Phận người quá mong manh. Với các ông TPB vốn đã thương tật và mang đủ thứ bệnh trong người thì sự sống lại càng mong manh như mành treo trước gió.


ông TPB Vũ Văn Đại

Con số TPB ghi danh tại văn phòng CLHB – nơi phụ trách chương trình Tri ân TPB – VNCH- đã hơn 5.500 người. Dù đã cố gắng một tháng khám chữa bệnh tổng quát hai lần, với mỗi lần khoảng 130 người thì cũng phải hơn 2 năm các ông mới quay lại phiên của mình. Đã có nhiều TPB không còn cơ hội quay lại lần hai, nên mỗi dịp còn gặp mặt nhau là một cơ hội quý báu. Được ngồi với nhau ôn chuyện xưa, chia sẻ với nhau một bữa ăn huynh đệ là những phút giây hạnh phúc. Bữa cơm đạm bạc nhưng chất chứa nghĩa tình, vì chính những người làm chương trình này đã đặt mục đích phục hồi phẩm giá, danh dự của người lính VNCH mà trong mấy chục năm ròng đã bị xã hội lãng quên hay thậm chí loại trừ. Việc cố gắng chăm sóc y tế, chia sẻ một chút vật chất, hay trao cho phương tiện di chuyển, muốn diễn tả rằng đây là những người lính đáng trân trọng, đáng tri ân vì chính họ đã hy sinh một phần thân thể để bảo vệ sự yên bình cho nền chính thể VNCH.
Ròng rã những năm trường sau cuộc chiến, đâu cần ai tri ân, đâu cần ai biết đến, các ông vẫn “lê lết” phận người đi qua giữa thị phi cuộc đời đó sao! “Lê lết” là từ đúng nghĩa dành cho hai ông TPB Trần Trọng Đa và ông Vũ Văn Đại mà chúng tôi được gặp gỡ sáng nay.
Hình ảnh ông Vũ Văn Đại, cụt cả hai chân, “lê” đến với chương trình sáng hôm nay khiến những ai bắt gặp không khỏi chạnh lòng. Dù trải qua cuộc sống nghiệt ngã, nhưng nụ cười vẫn không hề tắt trên môi ông. Bằng nụ cười hiền hòa ông nói: “Còn sống được là hạnh phúc rồi!” Với ông sự sống là điều quý giá nhất. Sau ngày 30/4/75, ông bị ném ra đường khi đang điều trị vết thương tại quân y viện. Ông tự lê lết về nhà, tự băng bó vết thương và giành giật sự sống từng ngày. Khi vết thương đã khô và lành, ông lại lê từ vỉa hè này lết sang vỉa hè khác hát rong xin ăn. Khi đã có một số vốn, ông chuyển qua nghề sửa xe đạp. Khi nghề sửa xe đạp không còn sống được nữa, ông lại “đi” bán vé số. Lê lết thương tật, vá víu cuộc sống, nhưng ông không hề oán hận hay than trách cuộc đời. Cười vẫn tươi và đời vẫn vui là triết lý sống nơi người TPB này.

Còn TPB Trần Trọng Đa là một tín hữu Công Giáo thì nói rằng: “Tạ ơn Chúa vì đã cho mình được sống đến ngày hôm nay!” Lời tạ ơn của ông rất đơn sơ nhưng chất chứa cả niềm tín thác vào Thượng Đế. Với ông, cuộc sống dù giàu hay nghèo, sướng hay khổ điều ấy không quan trọng. Quan trọng là mỗi ngày ta sống trọn vẹn với nó trong lời tạ ơn... Ông chia sẻ rằng, khi cưới vợ chưa được bao lâu thì bị thương cụt cả hai chân. Người vợ vẫn đón nhận ông và trong chừng ấy năm chung sống, đã cùng ông vượt qua gian khổ để nuôi dạy con cái nên người. Đến hôm nay, những người con của ông đã yên bề gia thất. Hai vợ chồng già sống với nhau những ngày êm đẹp ở cuối chặng đường đời…

Hai ông TPB trên trong số gần 120 ông đến khám chữa bệnh sáng nay là điển hình cho triết lý sự sống nơi những người TPB còn lại này. Xin được một lần nữa nói lời tri ân đến các ông, xin được gói ghém trong bữa cơm trưa này: bữa cơm gắn kết tình thân, sẻ chia nghĩa tình, là một cơ hội quý giá, vì chắc gì ngay mai ta còn dịp gặp lại.

Vũ Hoàng Trương

http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog


Xác hai ngư dân Việt Nam bị Philippines bắn

chưa ai nhận về

Image
Những ngư dân Việt Nam vẫy tay trong buổi lễ tiễn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ở thị trấn Sual, hôm 2/11/2016.

Vì ai mà nhân dân Việt Nam có hơn 3200km đường bờ biển, đến giờ phải đi đánh bắt cá trộm để bỏ xác nơi đất khách. Chính phủ Việt Nam ăn cơm dân sao lại tệ bạc với mạng dân như vậy. Nhưng dù sao lần này cũng hơn nhiều lần trước, họ mặc kệ nhân dân gặp nạn và cấm các báo chí nhà đảng đưa tin để họ chối bỏ trách nhiệm cho dễ dàng.
Nhật báo Philippine Inquirer loan tin vào ngày 30 tháng 9 là sau khi nhận xác hai ngư dân Việt Nam Phan Ngọc Liêm và Lê Văn Reo từ hôm 24 tháng 9 đến nay, ngày nào chủ nhân Nhà quàn Bani cũng phải tiếp những viên chức từ phía quân đội, cảnh sát và truyền thông Philippines, cũng như người từ Đại Sứ Quán Việt Nam ở Philippines.
Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có thân nhân nào của hai ngư dân xấu số đến tại Nhà quàn Bani.
Vào tối ngày 30 tháng 9, Đài RFA gọi điện hỏi chuyện bà Quyên, vợ của ngư dân Lê Văn Reo, thì được bà này cho biết là vẫn đang chờ đợi; chứ chưa có cơ quan chức năng nào của phía chính quyền Việt Nam nói với gia đình là xác chồng bà sẽ được đưa về nước bằng cách gì và vào thời điểm nào.
Trong khi đó thì tin nói những người bị bắt trên chiếc tàu đánh cá gồm thuyền trưởng Phạm Tô, và 4 ngư dân khác là Phan Lâm, Nguyễn Thanh Chi, Phan Nết, Nguyễn Văn Trọng hiện đang bị giữ cùng chiếc tàu đánh cá neo tại cảng thị trấn Sual, tỉnh Pangasinan.
Cũng vào ngày 30 tháng 9, hãng tin ABS-CBN của Philippines dẫn nguồn tin thân cận cuộc điều tra vụ hai ngư dân Việt bị bắn chết trong vùng biển của Philippines hôm 23 tháng 9 vừa qua, rằng Hải Quân Philippines có lỗi về cái chết của hai người xấu số đó.
Các điều tra viên dẫn chiếu một phán quyết mà Tòa Quốc Tế về Luật Biển năm 1999 nêu rõ “Trong hành xử bắt giữ, việc sử dụng vũ lực quá mức và không hợp lý như bắn đạn thật bằng súng máy tự động nòng lớn phải được tránh; còn trong tình huống không thể tránh sử dụng vũ lực, cũng không được vượt quá giới hạn hợp lý và cần thiết.”
Nguồn tin còn cho biết thêm là Lực Lượng Tuần Duyên Philippines, hiện đang điều tra vụ bắn chết ngư dân Việt như vừa nêu, nhận thấy vụ việc xảy ra cách thị trấn Bolinao, tỉnh Pangasinan 39 hải lý; tức nằm trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của Philippines.
Và chiếu theo Công ước Luật Biển thì trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế, Philippines không có chủ quyền mà chỉ có Quyền Chủ Quyền đối với mục đích thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên trong khu vực đó. Điều này có nghĩa là Philippines không có thể buộc thực thi luật của mình, gồm có Bộ Luật Hình sự Sửa đổi, ngoại trừ luật và qui định liên quan đến đánh bắt cá và bảo tồn môi trường biển.
Chuyên gia biển Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Luật Biển và Hàng Hải Sự Vụ thuộc Đại học Philippines, nói với hãng tin ABS-CBN rằng vẫn còn quá sớm để có thể đi đến kết luận là Hải Quân Philippines có thể bị kỷ luật trong vụ việc này hay không.
Ông này cho rằng việc Hải quân Philippines thực thi pháp luật trong vùng đặc quyền kinh tế của nước mình là ‘hợp lý’.
Luật sư Romel Bagares, Giám đốc Điều Hành của Trung Tâm Luật Quốc Tế tại Philippines, cũng chỉ ra rằng những viên chức liên quan trong vụ việc đều là viên chức Nhà nước và họ được hưởng quyền miễn trừ.
Vụ việc chỉ có thể được một tòa hình sự Philippines thụ lý khi mà chính phủ Manila công khai bãi bỏ quyền miễn trừ như thế.
Theo RFA

https://www.tinhthantranvanba.com


Những vết thương trong chiến tranh

Anh mất hai tay trong một lần giặc pháo,
Người lính bị thương đã trở về nhà,
Những đêm buồn bỗng nhớ chiến trường xa,
Hai cánh tay đã từng ôm thép súng..

Nhưng bây giờ hai cánh tay rất vụng,
Cưa gần sát vai những vết sẹo buồn,
Không còn bàn tay cầm bát ăn cơm,
Không còn bàn tay lau dòng nước mắt.

Anh mất hai chân trong một lần truy kích,
Đạp trúng mìn một tiếng nổ tang thương,
Bước chân người lính ngừng lại giữa đường,
Đường chinh chiến các bạn còn tiếp nối.

Hai chân anh bây giờ là đầu gối,
Anh lết đi thay cho bước chân dài,
Ai chẳng có thời chân sáo thơ ngây,
Ai chẳng có lúc lang thang đâu đó...

Hai chân anh từ ngày vào quân ngũ,
Lên dốc, xuống đèo, lội suối, qua sông,
Anh băng qua thôn xóm hay cánh đồng,
Những lần hành quân bước chân không mỏi.

Mất hai chân khi anh còn trẻ tuổi,
Chân nào đi tiếp những nẻo đường đời?
Chuyện áo cơm vất vả một kiếp người,
Ai nâng đỡ lúc trở trời nắng gío?

Người lính bị thương đạn bom réo nổ,
Anh hôn mê. Sống chết qúa mong manh,
Và bây giờ anh là một thương binh,
Hai mắt anh không còn nhìn thấy nữa.

Không còn chỗ để cho giọt lệ ứa,
Hai hố mắt khô vẫn biết khóc thầm,
Trong chiến tranh súng đạn vốn vô tình,
Với con người như trò đùa tàn nhẫn.

Người lính ấy đã bị mù hai mắt,
Hai mắt anh từng một thuở nhìn đời,
Hai mắt anh từng mộng ước xa xôi,
Nhìn đăm đắm cuối trời mây phiêu lãng.

Nhiều cảnh không may, nhiều thương binh khác,
Một phần máu xương anh đã hi sinh,
Một phần đời anh vất vả tội tình,
Những mất mát không thể nào đếm được.

Và có người chưa bao giờ là lính,
Sống cùng thời với đất nước điêu linh,
Bao nhiêu năm qua, tàn cuộc chiến chinh,
Vết thương vô hình còn trong ký ức.

Nguyễn Thị Thanh Dương
( July 20, 2011 )

 

Những người lính năm xưa

Tao bị thương hai chân
Cưa ngang đầu gối ! Vết thương còn nhức nhối.
Da non kéo chưa kịp lành...
Ngày "Giải phóng Miền nam"
Vợ tao "ẵm" tao như một đứa trẻ sơ sanh!
Ngậm ngùi rời "Quân-Y-Viện"
Trong lòng tao chết điếng
Thấy người lính miền Bắc mang khẩu súng AK
Súng "Trung cộng" hay súng của "Nga" ?
Lúc này tao đâu cần chi để biết
Tao chiến đấu trên mảnh đất tự do miền Nam- Nước Việt
Mang chữ "NGỤY" thương binh
Nên "Người anh em phía bên kia..."
Đối xử với tao không một chút thân tình.

Mày biết không
Tao tìm đường về quê nhìn không thấy ánh bình minh
Vợ tao: như " Thiên thần" từ trên trời rơi xuống
Nhìn hai đứa con ngồi trong căn chòi gió cuốn
Bụi đất đỏ mù bay
Tao thương vợ tao yếu đuối chỉ có hai tay
Làm sao "ôm" nổi bốn con người trong cơn gió lốc
Cái hay là: vợ tao dấu đi đâu tiếng khóc
Còn an ủi cho tao, một thằng lính què.
Tao đóng hai cái ghế thấp nhỏ bằng tre
Làm "đôi chân" ngày ngày đi lại
Tao quét nhà, nấu ăn, giặt quần, giặt áo...
Cho heo ăn thật là "thoải mái" !
Lê lết ra vườn: nhổ cỏ, bón phân
Đám bắp vợ chồng tao trồng xanh tươi
Bông trổ trắng ngần
Lên liếp trồng rau, thân tàn tao làm nốt
Phụ vợ đào ao sau vườn, rồi thả nuôi cá chốt.
Đời lính gian nan sá gì chuyện gío sương...
Xưa, nơi chiến trường
Một thời ngang dọc.
Cụt hai chân.
Vợ tao hay tin nhưng không buồn khóc
Vậy mà bây giờ...
Nhìn tao...nuớc mắt bả...rưng rưng !

Lâu lắm, tao nhớ mầy qúa chừng.
Kể từ ngày, mày "được đi cải tạo"!
Hàng thần lơ láo - Xa xót cảnh đời...
Có giúp được gì cho nhau đâu khi:
Tất cả đều tả tơi !
Rồi đến mùa "H.O"
Mầy đi tuốt tuột một hơi. Hơn mười mấy năm trời
Không thèm quay trở lại
Kỷ niệm đời Chiến binh
Một thời xa ngái
Những buổi chiều ngồi hóng gió nhớ...buồn hiu !

Mai mốt mầy có về thăm lại Việt nam
Mầy sẽ là "Việt kiều"!
Còn "yêu nước" hay không - Mặc kệ mầy
Tao đếch biết !
Về, ghé nhà tao.Tao vớt cá chốt lên chưng với tương...
Còn rượu đế tự tay tao nấu
Cứ thế, hai thằng mình uống cho đến...điếc !

Trang Y Hạ

 

 * * *

 Cộng sản tàn độc dã man với đồng loại còn hơn cả loài cầm thú

Cụ ông 80 tuổi sống chết giành lại xe cá viên chiên từ tay ông Đoàn Ngọc Hải.

 


Cán bộ đá bay thau cá của người dân khi dẹp vỉa hè  


 

Thuê máy bơm nửa triệu đô mỗi năm

chỉ để chống ngập một con đường


Máy bơm ly tâm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

SÀI GÒN (NV) – Báo Thanh Niên hôm 2 Tháng Mười nói nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đã quyết chi 12 tỷ đồng ($528,000)/năm để thuê thiết bị gọi là “siêu máy bơm” nhằm chống ngập chỉ ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh.
Hợp đồng thuê được Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố ký với Tập Đoàn Công Nghiệp Quang Trung.
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Trần Vĩnh Tuyến: “Bây giờ nói đến hiệu quả ngay thì còn quá sớm, nhưng với những gì đã cùng phối hợp thử nghiệm, hy vọng giải quyết được vấn đề ngập nước tại vị trí thí điểm sử dụng dịch vụ chống ngập theo công nghệ mới.”
Tờ báo cho hay, “Mỗi khi đường này [Nguyễn Hữu Cảnh] ngập nước do mưa lớn, hệ thống siêu máy bơm sẽ được vận hành, bơm nước từ đường ra sông Sài Gòn.”
Tờ báo thuật lại lời một quan chức nói “bước đầu thử nghiệm thấy có hiệu quả” và dẫn chứng hai lần vận hành thử nghiệm hệ thống bơm chống ngập: “Lần đầu tiên có mưa vũ lượng 20mm, Trung Tâm Điều Hành Chương Trình Chống Ngập Nước mở van ngăn triều cho nước từ sông Sài Gòn chảy vào làm ngập khá sâu đường Nguyễn Hữu Cảnh, khi vận hành hệ thống bơm khoảng 20 phút thì hút hết nước.”
“Lần mới nhất vào ngày 30 Tháng Chín, lượng mưa khoảng 100mm kết hợp triều cường dâng, đường ngập sâu khoảng 0.65m, sau khi khởi động hệ thống bơm khoảng hơn một giờ thì hút hết nước.”
Báo Người Lao Động cùng ngày viết: “Dù máy bơm chỉ là giải pháp chống ngập tình thế nhưng lãnh đạo thành phố [Sài Gòn] cho rằng rất cần thiết và sẽ nghiên cứu áp dụng cho các khu vực tương tự.”

 
Cảnh ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh ở quận Bình Thạnh. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

Trước đó, báo điện tử VNExpress tường thuật: “Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố giao Sở Tài Chính cùng quận Bình Thạnh vận động chủ đầu tư các dự án bất động sản tại đường Nguyễn Hữu Cảnh – được hưởng lợi trực tiếp từ công trình chống ngập bằng hệ thống bơm công suất cao – đóng góp chi phí cùng thành phố triển khai dự án. Hiện có rất nhiều dự án chung cư cao cấp với hàng chục ngàn căn hộ đã và đang hoàn thành trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Trong đó, khu vực trước tòa nhà The Manor và Sài Gòn Pearl thường xuyên bị ngập nặng khiến người dân rất bức xúc.”
Phóng viên Đỗ Văn Khanh của báo Lao Động viết trên Facebook: “20 năm qua, thành phố [Sài Gòn] đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng để chống ngập. Kết quả từ hàng chục điểm ngập, giảm xuống chỉ còn một điểm ngập duy nhất là… toàn thành phố. Giờ chỉ phải chi 12 tỷ đồng/năm cho siêu máy bơm chống ngập một điểm – đường Nguyễn Hữu Cảnh, kể cũng là siêu rẻ! Không có triều cường, Sài Gòn mưa lớn chiều 30 Tháng Chín vẫn ngập! Điều này thấy rõ dự án ngăn triều 10,000 tỷ đồng ($440 triệu) đã thất bại từ trong trứng nước. Hồ điều tiết thông minh 1,000 tỷ đồng ($44 triệu) cũng thất thủ. Chỉ còn siêu máy bơm 100 tỷ ($4.4 triệu) nhẫn nại đổ nước ra sông!”
Một nhà báo có nick Ngọc Bảo Châu thường xuyên bình luận về các vấn đề thời sự trên mạng xã hội viết: “Chỉ một trận mưa chiều hôm qua [1 Tháng Mười] mà nhiều con đường của thành phố đều biến thành sông. Con đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập ngang háng. Thành phố định thuê cái siêu máy bơm chống ngập 12 tỷ đồng/năm chỉ để chống ngập cho một con đường vài km. Mà hôm qua, siêu máy bơm này hì hục bơm cả tiếng đồng hồ mới giải cứu ngập. Cả thành phố có mấy chục con đường như thế, mỗi con đường thuê 12 tỷ đồng/năm. Nội tiền chi hoa hồng không thôi cũng đủ mua mấy căn biệt thự.”
“Chống ngập mà một tiếng đồng hồ sau khi mưa mới xử lý được nước mưa thì thôi để nước tự rút cho rồi, khỏi tốn 12 tỷ đồng/năm/con đường, vô duyên thúi. Tưởng là có siêu máy bơm, có 12 tỷ đồng tráng miệng, thì con đường Nguyễn Hữu Cảnh không còn ngập nữa chứ,” theo Facebook Ngọc Bảo Châu.
Theo báo Tuổi Trẻ hồi Tháng Sáu, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh dài 3.2 km, rộng khoảng 30m, có sáu làn xe được đưa vào sử dụng năm 2003.
Tuy nhiên từ năm 2004, tuyến đường này đã xảy ra sụt lún và ngập nước. Khu Quản Lý Giao Thông Đô Thị Số 1 của Sài Gòn đã thuê đơn vị tư vấn kiểm tra và xác định tuyến đường này lún nặng, trong đó có những đoạn lún đến hơn 1m. “Mười mấy năm qua, tuyến đường này thường xuyên bị ngập nặng mỗi khi mưa và triều cường, ảnh hưởng đến xe cộ và cuộc sống, sinh hoạt của người dân,” báo này viết. (T.K)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam

 

Đăng ngày 04 tháng 10.2017