Bắc thuộc lần thứ 5
Nhà nước và đảng cộng sản VN thẳng tay đàn áp tôn giáo
CHÙA LIÊN TRÌ CÓ QUYẾT ĐỊNH GIẢI TOẢ
CỦA UBND Q2
Vào lúc 13h ngay 08/7/2016, nhan dịp ghé thăm Hoà Thượng Thích Không Tánh, đồng Chủ Tịch HĐLTVN, Viện Chủ Chùa Liên Trì thì thấy trước cửa chánh điện có dán tờ Thông Báo Quyết Định của nhà cầm quyền Q2 vè việc cưỡng chế chùa Liên Trì.
Sau khi gặp Hoà Thượng Thích Không Tánh và Thượng Toạ Thích Đồng Minh, Trụ trì chùa thì được biết vào lúc 9h sáng nay, một phai đoàn tren 20 người của nhà cầm quyền Q2 và phường An Khánh đã đến gặp Hoà Thượng trao quyết định cưỡng chế và sẽ bồi thường cho chùa 9 tỷ7 và yêu cầu Hoà Thượng ký tên, nhưng Hoà Thượng Thích Không Tánh và Thượng Toạ Thích Đồng Minh khong đọc, không nhận và không ký tên, và nói rằng chúng tôi không chấp nhận việc đi dời, chúng tôi quyết giữ chùa, chúng tôi khong bán chùa, nhà cầm quyền cứ việc dùng vũ lực để giải tỏa chúng tôi khong đi đâu hết.
Trước quyết tâm của các vị chức sắc chùa Liên Trì, phai đoàn của nhà cầm quyền Q2 đã dán tờ Quyết Định trước cứa Chánh Điện và ra về.
Trước sự việc như trên, chúng tôi xin Thông Báo Khẩn đến các vị Chức Sắc thuộc HĐLTVN , các thành viên HĐLKQNHNVN, các tổ chức XHDS, hội CTNLTVN, các thân hữu trên khắp thế giới được biết và xin hiệp thông cầu nguyện cho chùa Liên Trì vượt qua được cơn đạo nạn này.
Kinh,
LÊ QUANG HIỂN
Tổng Thư Ký Hội Đồng Liên Tôn VN
Giẫm đạp Thánh giá:
Chính quyền Huế muốn tuyên chiến với cả thế giới Công giáo!
Hình ảnh cán bộ chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế thẳng chân giẫm đạp lên cây thánh giá và tượng Chúa Jesus vào ngày 20/6/2016 xứng đáng là một trong những bằng chứng khủng khiếp về xâm phạm đức tin tín đồ và vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Cán bộ giẫm đạp lên thánh giá tại Đan Viện Thiên An. Hình SBTN
Hình ảnh trên phát lộ khi chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đưa 200 người cùng máy ủi vào san lấp trong nội vi Đan viện Thiên An, ngang ngược cấm cản các Đan sĩ xây dựng đường trong khuôn viên tu viện.
Hành động giẫm đạp Thánh giá của cán bộ chính quyền rất có thể khiến người ta nhớ lại một hình ảnh tê thảm đức tin khác mà đã làm chấn động lương tri loại người: Linh mục Nguyễn Văn Lý bị công an thẳng tay bịt miệng ngay tại tòa, ngay trước vành móng ngựa.
Nhiều năm qua, hàng loạt vụ gây hấn của chính quyền với giáo dân Cồn Dầu ở Đà Nẵng, Cầu Rầm, Con Cuông và Mỹ Yên ở Nghệ An đã trở thành những bằng chứng sống động về tâm trạng máu trào khỏi họng những giáo dân không còn muốn nuốt máu trở vào trong, về những người kéo đi đòi trả tự do cho những kitô hữu bị bắt giữ khuất tất, kêu gọi lập lại công bằng cho quan hệ công giáo – chế độ và công lý cho những con chiên của Chúa trên chính mảnh đất này.
Trong những đợt trấn áp vũ trang của chính quyền ở Nghệ An và Quảng Bình trong thời gian qua, vài chục giáo dân đã lâm vào cảnh bị bạo hành. Máu đã đổ và trạm xá chật cứng. Ở phía bên kia, lực lượng cảnh sát cơ động với đồng bộ khiên giáp từ đầu đến chân như được chuẩn bị cho một cuộc chiến sống mái…
Rõ ràng là sau rất nhiều cuộc chiến với người Công giáo, chính quyền mang danh cộng sản vẫn chẳng rút ra được bài học đáng giá nào.
Não trạng và lề thói hành xử phi văn hóa của “một bộ phận không nhỏ” trong ngành công an đã biến ranh giới giữa chính quyền và cộng đồng Công giáo trở thành một chiến tuyến tiệm cận với xung đột và đối kháng. Ý thức hệ chủ quan đến mức cực đoan về quyền lực càng làm các viên chức chính quyền sa đọa vào tâm thế mà người đời cho là không còn biết đến trời cao đất dày là gì nữa.
Mồi lửa Công giáo lại có cơ rực đốt trong lòng chế độ. Thay cho cái nhìn khoan dung giữa những người cùng dòng máu Lạc Hồng và quê cha đất tổ, lại là truyền thống thâm thù “công giáo – cộng sản” có nguy cơ tái hiện…
Não trạng tự tôn và ngu dốt đến khó tưởng tượng của những cán bộ cưỡng chế Thừa Thiên Huế đã đổ dầu vào lửa. Cuộc cưỡng chế đã qua, tu sĩ và giáo dân phải lùi bước, nhưng hình ảnh dạng háng của cán bộ chính quyền ngay trên đầu Chúa Jesus sẽ mãi mãi khắc sâu vào đáy lòng tang thương của lịch sử Việt.
Lê Dung / SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam
Công an cho côn đồ vào đập phá Tượng Thánh Giá tại Đan Viện Thiên An, Huế
Huế: Công an tạo hiện trường giả, đóng giả các đan sĩ Đan viện Thiên An chặt phá cây thông
HOÀNG SA NỘ KHÍ PHÚ
Kha Tiệm Ly
Ngựa cũ quen đường,
Đĩ già lậm nết.
Việc phế hưng mỗi thuở khác nhau,
Mộng bá chủ bao đời y hệt!
Ta thấy ngươi,
Từ Đông Chu bị họa Thất Hùng,
Đến Hậu Hán bị xiềng Tam Quốc.
Đất Trường An thây chất chập chùng,
Bờ Vô Định xương phơi chất ngất!
Đã biết,
Hễ gieo chinh chiến là kín đất đau thương,
Nếu động can qua thì mịt trời tang tóc.
Vậy mà sao,
Chẳng lo điều yên nước no dân,
Lại quen thói xua quân chiếm đất?
Như nước ta,
Một dải non sông, nam bắc chung giềng,
Trăm triệu anh em, trước sau như nhất.
Hoàng Liên, Tam Đảo, Hồng Hà, Cửu Long là máu là xương,
Phú Quốc, Côn Sơn, Trường Sa, Hoàng Sa là da là thịt.
Máu xương đâu lẽ tách rời,
Thịt da dễ gì chia cắt?
Mà là liền tổ quốc phồn vinh,
Mà là khối giang sơn gấm vóc.
Người trăm triệu nhưng vốn một lòng,
Tim một trái dẫu nhiều sắc tộc!
Nữ nhi chẳng thiếu bậc anh hùng,
Niên thiếu cũng thừa người kiệt xuất.
Mười năm phục quốc, gươm Lê Lợi thép vẫn sáng ngời,
Ba lượt phá Nguyên, sông Bạch Đằng cọc còn nhọn hoắt.
Thùng! Thùng! Thùng! Liên hồi giục, trống Ngọc Hồi hực bước tiến quân.
Đánh! Đánh! Đánh! Luôn miệng thét, điện Diên Hồng, vang lời sát Thát.
Ải Chi Lăng, Liễu Thăng chết còn lạc phách kinh hồn,
Sông Nhị Hà, Sĩ Nghị chạy còn đứng tim vỡ mật.
Thoáng thấy vó câu Thường Kiệt, Khâm Châu ngàn dặm, không còn bóng quỉ bóng ma,(1)
Chợt nghe tiếng sét Đống Đa,Quảng Đông toàn tỉnh chẳng tiếng con gà con vịt. (1)
Hùng khí dù dậy trời Nam,
Nghĩa nhân lại tràn đất Bắc:
Thương ngươi binh bại, tàn quân về còn cấp xe ngựa rình rang (2)
Trọng kẻ trung can, hổ tướng chết vẫn được khói hương chăm chút.(3)
Mạc Cửu đem quân lánh nạn, chúa ta vẫn mở dạ đón người,
Hoa kiều mượn đất ở nhờ, dân ta vẫn chia cơm sẻ thóc.
Phúc cùng hưởng khi mưa thuận gió hòa,
Họa cùng chia lúc sóng vùi gió dập.
Giúp các ngươi như kẻ một nhà,
Thương các ngươi như người chung bọc!
Thế mà nay,
Ngươi lại lấy oán trả ơn,
Ngươi lại lấy thù báo đức!
Ăn đàng sóng, nói đàng gió, y như đĩ thúi già mồm.
Lộn bề ngược, tráo bề xuôi, khác chi điếm già bịp bạc.
Kéo neo tuần hạm, ào ào đổ bộ Hoàng Sa,
Quay súng thần công, ầm ỉ tấn công Đá Bắc.
Chẳng chấp hải qui,
Chẳng theo công ước.
Quen nết xưa xấc láo, giở giọng hung tàn,
Lậm thói cũ nghênh ngang, chơi trò bạo ngược.
Nói cho ngươi biết; dân tộc ta:
Từng đánh bọn ngươi chỉ với ngọn giáo dài,
Từng đuổi bọn ngươi chỉ bằng thanh kiếm bạc.
Từng đánh Tây bằng ngọn tầm vông,
Từng đuổi Nhật với thanh mác vót!
Vì khát tự do mà uống nước đìa,
Vì đói độc lập mà ăn cơm vắt.
Sá chi tóc gội sa trường,
Đâu quản thây phơi trận mạc.
Hãy liệu bảo nhau,
Nhìn thây Gò Đống mà liệu thắng liệu thua,
Thấy cọc Bạch Đằng mà nghĩ sau nghĩ trước!
Đừng để Biển Đông như Đằng Giang máu nhuộm đỏ lòm,
Đừng để Hoàng Sa là Đống Đa xương phơi trắng xác!
Nếu ngươi dựa vào hỏa tiển, phi cơ,
Thì ta cũng có tuần dương, đại bác.
So vũ khí, thì kẻ nhược người cường,
Đọ trái tim, coi ai gang ai sắt?
Thư hãy xem tường,
Hoàng Sa hạ bút.
KHA TIỆM LY
Thăm hai biểu tượng của phong trào dân chủ ở Huế
Nguyễn Tường Thụy
Hội BBTT thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý và Phan Văn Lợi ngày 21/7/2016
Ở Huế có hai linh mục nổi tiếng là cha Tađêô Nguyễn Văn Lý và Phêrô Phan Văn Lợi. Cả hai ông đều là những linh mục đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho dân chủ, nhân quyền. Tuy nhiên, xét về thành tích đi tù thì cha Lý “hoành tráng” hơn, còn cha Lợi chỉ có nhõn… 7 năm.
7 năm tù mà chưa là “cái đinh” gì so với cha Lý, đủ biết ông “ra tù, vô khám” tới mức như thế nào. Ông đi tù 4 lần với tổng cộng 21 năm ngoài ra được “khuyến tù” 14 năm quản chế. Đó là tính thời gian ở tù, còn nếu cứ xét theo tòa án tuyên thì còn nhiều hơn nữa. Có vụ án ông bị khởi tố bởi rất nhiều tội danh cùng lúc: "phá hoại chính sách đoàn kết”, "tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCNVN", "không chấp hành án". “Sự nghiệp” đi tù của ông bắt đầu từ năm 31 tuổi, khi vừa sang chế độ mới được 2 năm. Nói thế để biết ông rất “có duyên” đi tù dưới chế độ cộng sản. Nếu “giải phóng” miền Nam sớm hơn thì chắc ông cũng đi tù sớm hơn nữa.
Linh mục Nguyễn Văn Lý là một trong những người sáng lập Phong trào 8406, tiền thân của Đảng Thăng Tiến ra đời 5 tháng sau đó. Cùng với linh mục Nguyễn Văn Lý, nhiều người trong khối 8406 bị bắt tù như Vũ Hoàng Hải, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Công Chính, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trần Anh Kim…
Ông là nhân vật bị công an bịt miệng trong trong bức ảnh nổi tiếng cắt từ video ở phiên toà ngày 30/3/2007 tại Huế. Tại phiên tòa này, ông đạp vào vành móng ngựa hô: “Đả đảo cộng sản Việt Nam”. Bức ảnh nhanh chóng được lan truyền đi khắp thế giới như một biểu tượng đáng xấu hổ của nền tư pháp Việt Nam.
Ông là biểu tượng nổi bật về tinh thần bất khuất trong cuộc đấu tranh giành lại tự do, dân chủ ở Việt Nam. Theo Wikipedia thì “tờ The Wall Street Journal, trong một bài xã luận, đã nhắc đến Linh mục Nguyễn Văn Lý như một trong những người xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình năm 2007 hơn Al Gore” (Al Gore là phó tổng thống Mỹ dưới thời Bill Clinton được trao giải Nobel Hòa bình năm 2007).
Linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trong phiên tòa ngày 30/3/2007
Ở Huế, Linh mục Phan Văn Lợi là người rất gần gũi với Linh mục Nguyễn Văn Lý. Ông là người đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền rất kiên định.
Ông vào Tiểu chủng viện từ năm 1961 khi mới 10 tuổi, vào đại chủng viện năm 1969 và hoàn tất chương trình năm vào năm 1976. Ngày 21-5-1981, tại Sơn Tây, ông được Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận (đang bị quản thúc tại giáo xứ Giang Xá, giáo phận Sơn Tây) truyền chức linh mục trong bí mật. Cũng năm 1981, ông bị kết án 4 năm tù vì sáng tác vở kịch ngắn “Dâng con cho mẹ” mang nội dung nói xấu chế độ. Hết 4 năm, ông bị giam tiếp 3 năm nữa thành 7 năm vì nhà cầm quyền phát hiện ra ông là một linh mục chịu chức không có phép nhà nước, được cho là thụ phong linh mục chui. Ông nhiều lần bị công an gọi đi thẩm vấn vì in ấn, viết và phổ biến nhiều tài liệu được cho là phản động. Với nhà cầm quyền, ông được coi là “cứng đầu”, “vô phương cải tạo”.
Linh mục Phan Văn Lợi còn làm thơ. Thơ ông bi tráng, uất nghẹn thể hiện cuộc đời gian khổ, cay nghiệt mà ông nếm trải, đồng thời, ông luôn luôn gửi gắm tâm nguyện của mình cho Thiên Chúa, luôn theo đuổi cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho quyền sống của con người.
Để hiểu thêm về cuộc đời hoạt động đầy gian khổ và bi kịch của cha Lợi, mời bạn đọc xem bài VÀI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI LINH MỤC PHAN VĂN LỢI
Dù chưa gặp nhưng tôi và cha Lợi đã biết nhau qua những hoạt động và qua các bài viết. Tôi và cha Lợi thường xuyên liên lạc với nhau qua Internet. Tôi với ông còn là thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam. Ông hay động viên, cổ vũ tôi mỗi khi tôi viết được bài nào mà ông tâm đắc. Tôi cũng hoạt động trong Hội Bầu bí tương thân nên ông thường nhờ tôi chuyển hộ quà tới các gia đình tù nhân lương tâm.
Có điều này không phải ai cũng biết. Linh mục Phan Văn Lợi là người soạn thảo nhiều bản lên tiếng hoặc tuyên bố chung của các tổ chức xã hội dân sự mỗi khi có sự kiện chính trị, xã hội lớn. Những bản tuyên bố do ông soạn, kịp thời, lời lẽ đanh thép, mạnh mẽ, đi thẳng vào bản chất của sự việc mà không hề né tránh.
*
Bàn bạc, nêu ý tưởng đã từ lâu, Hội Bầu bí tương thân chúng tôi lần này quyết định đi Huế thực hiện một số công việc đồng thời thăm cha Lý và cha Lợi. Chúng tôi dự định đến Nhà Chung thăm cha Lý rồi sau đó thăm cha Lợi tại nhà riêng. Nhưng khi vào đến sân Nhà Chung, chúng tôi đã thấy cha Lợi đứng trước cửa phòng làm việc của cha Lý tươi cười vẫy gọi. Ông ôm chặt lấy từng người chúng tôi như thể đón người thân yêu nhất từ lâu không gặp. Khi gặp ông, thấy ông trẻ hơn rất nhiều so với xem hình ông trên mạng (năm nay ông 65 tuổi). Ông luôn luôn tươi cười, phong cách còn nhanh nhẹn, khỏe khoắn lắm.
Phòng làm việc của cha Lý bài trí đơn giản, phần lớn là sách về giáo lý, ngoài ra có những cuốn từ điển khá đồ sộ. Chúng tôi vào phòng, thấy bên trong cha Lý đang trả lời phỏng vấn của một hãng truyền thông nào đó. Chúng tôi đứng ngoài nghe rõ mồn một. Giọng ông khúc chiết, mạch lạc, không hề vấp váp hay có những âm tiết thừa như thể ông đang đọc sách vậy. Ngồi với Cha Lợi chừng 5 phút thì thấy ông xin phép kết thúc phỏng vấn ra tiếp khách.
Thấy chúng tôi, ông vui mừng lắm. Nhìn ông, tôi không thấy gì khác so với hình dung qua ảnh chụp ngày ông ra tù cách đây đúng 2 tháng. Ông đi lại khá vất vả, dáng lòng khòng, chân run rẩy bước từng bước nặng nhọc nhưng mặt thì tươi với cặp mắt sáng. Trong chiếc áo cộc tay màu trắng, ông toát lên một phong thái ung dung, tự tại. Ông bắt tay từng người, rồi chợt reo lên khi chúng tôi giới thiệu Ngô Duy Quyền là chồng Lê Thị Công Nhân - người bạn chiến đấu trong khối 8406 và Đảng Thăng Tiến ngay từ những ngày đầu tiên với ông.
Thỉnh thoảng, có những giáo dân vào gặp cha có việc, đồng thời thông báo đang có sự theo dõi từ bên ngoài. Chúng tôi biết, vào gặp cha Lý ở Huế là một việc mạo hiểm vì ngoài sự nguy hiểm đối với nhà cầm quyền, cha còn đang thời gian quản chế. Ngay tại Hà Nội, chúng tôi đã từng bị sách nhiễu khi đến thăm Phạm Văn Trội trong thời gian anh bị quản chế. Đã có tới 3 đoàn bị cưỡng bức về công an phường Chương Dương, thậm chí có người bị đánh trọng thương phải cấp cứu ở bệnh viện như trường hợp anh Huỳnh Ngọc Tuấn.
Trong khoảng 2 giờ, câu chuyện xoay quanh những vấn đề về dân chủ, nhân quyền mà Linh mục Nguyễn Văn Lý quan tâm. Ông trăn trở, làm thế nào để chuyển hóa đất nước theo hướng dân chủ bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động. Ông không tán thành bạo lực vì sẽ gây tổn thất rất lớn trong khi nhà cầm quyền còn đủ mạnh để dập tắt mọi sự chống đối. Ông cùng chúng tôi đánh giá về phong trào đấu tranh hiện nay. Ông cũng quan tâm đến các góc nhìn của giới đấu tranh đối với Đảng Việt Tân.
Nói chuyện với cha Lý, chúng tôi phát hiện ra rằng, ông còn có tính cách khôi hài, dí dỏm mà sâu sắc. Mặc dù vào tù ra tội, cuộc đời đầy trầm luân cay đắng nhưng trong câu chuyện, ông không hề nói tới sự hận thù.
Câu chuyện chắc hẳn sẽ kéo dài nếu tôi không để ý cha Lý có cuộc hẹn vào lúc 11 giờ. Chúng tôi tặng quà cho hai ông đồng thời cũng nhận lại những món quà ân nghĩa. Cuộc chia tay thật là bịn rịn. Tôi chỉ tiếc sao bây giờ mới gặp hai ông mà không thể sớm hơn, như thời gian cha Lý được tạm hoãn thi hành án về chữa bệnh chẳng hạn?
Chiều hôm đó, khi chúng tôi đang trên tàu ra Hà Nội rồi, cha Lý gọi điện hỏi chúng tôi có bị làm sao không. Thì ra, sau khi chúng tôi thăm ông rồi ra về, có một người anh em cảm tình đến gặp ông, nhưng bị bắt đi luôn, vì thế ông lo lắng cho chúng tôi. Chúng tôi nhủ nhau, thế là mình may mắn. Và rủi có bị bắt ở Huế thì có sao đâu, đây là điều chúng tôi đã tính từ trước khi đến Huế.
Nơi đây, phong trào dân chủ còn yếu nhưng xuất hiện hai vị linh mục kiên cường, mạnh mẽ, uy vũ không thể khuất phục, điều đó thật quý. Tất nhiên ở Huế, không chỉ có hai ông. Với Cha Lý, khi ra tù lần gây nhất, ông đã 70 tuổi. Không biết rồi với tuổi này, họ còn bắt ông đi tù nữa không nhưng tôi hiểu, nếu điều ấy lại xảy ra, ông vẫn sẵn sàng.
24/7/2016
Đăng ngày 27 tháng 07.2016