banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh

1.  Thông báo thưc hiện “Một ngày vì môi trường” vào Chúa Nhật 7 tháng 8 năm 2016.
2.  Kiến nghị ngày 27.7.2016 của Ban Công Lý và Hòa Bình về thảm họa ô nhiễm biển Miền Trung do Formosa gây ra.
(Gồm 5 yêu cầu, trong đó có yêu cầu đóng cửa vĩnh viễn Formosa để bảo vệ môi trường sống ổn định lâu dài cho người dân).

cong ly hoa binh

cong ly hoa binh
cong ly hoa binh


Ôm tiền ra ngoại quốc,

cuộc tháo chạy mới ở Việt Nam

Tập đoàn Kinh Đô đã bán phần lớn cổ phiếu cho nước ngoài. (Hình: Văn Lang/Người Việt)Tập đoàn Kinh Đô đã bán phần lớn cổ phiếu cho nước ngoài. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Văn Lang/Người Việt

SÀI GÒN (NV) – Cái thời mà người ta nói “Cái cột đèn có chân mà đi được nó cũng đi,” tuy đã xa, nhưng bây giờ Việt Nam đang bắt đầu một cuộc tháo chạy khác.
Đầu tiên phải kể tới sự triệt thoái vốn của các công ty “đại gia” tư nhân, cũng như nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân của người Hoa vùng Chợ Lớn. Dưới chính thể cộng sản, họ bị “chà” đi, “xát”lại không biết bao nhiêu lần. Cho tới khi, tập đoàn bánh kẹo Kinh Đô, vốn xuất thân từ một lò bánh của gia đình, vươn lên thống lĩnh hoàn toàn thị trường Việt Nam. Nó trở thành niềm tự hào của người Hoa, trong giai đoạn làm ăn sau thời “mở cửa.”
Nhưng trong năm 2015, tập đoàn Kinh Đô đã bán tới 80% cổ phần cho tập đoàn Mondele’z International có trụ sở chính nằm tại Hoa Kỳ. Và cũng theo lời của một doanh nhân người Hoa, trong tương lai, cuộc triệt thoái vốn có thể lên tới… 97%.
Vị doanh nhân người Hoa này, lắc đầu ngao ngán, cho biết: “Khi Kinh Đô đã bán cho nước ngoài, thì khó có doanh nghiệp Việt Nam nào còn có thể trụ lại được.”
Hàng loạt công ty tư nhân Việt Nam “phất” lên sau mở cửa. Nay hoặc đã phá sản, hoặc đang đứng trên bờ vực của sự phá sản,với số nợ chồng chất trong ngân hàng. Một số ít còn lại,lặng lẽ âm thầm bán công ty (hoặc đa số cổ phần) cho các công ty nước ngoài.
Người Thái Lan, tuy không ồn ào, nhưng đã mua hầu hết các siêu thị ở Sài Gòn. Và cũng đã lên tiếng sẵn sàng mua lại tập đoàn bia Sài Gòn, niềm tự hào còn sót lại của người Việt.
Trong bối cảnh đó, nhà nước Việt Nam ra quyết định triệt thoái vốn khỏi các tập đoàn mà lâu nay nhà nước là “ông chủ,” tức nắm từ 51% cổ phiếu trở lên.
Trong số danh sách triệt thoái vốn của nhà nước, có cả những tập đoàn lâu nay vốn là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân sách.
Hai cái tên “cộm cán” trong đợt rút vốn này phải kể tới tập đoàn sữa Vinamilk và tập đoàn Viễn Thông FPT (FPT Telecom).
Câu hỏi đặt ra là, tại sao lúc này nhà nước lại rút vốn? Mà lại khuyến khích bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài để thu ngoại tệ. Như Vinamilk được khuyến cáo là sẵn sàng để nước ngoài sở hữu 100% cổ phiếu.
Phải chăng nhà nước cộng sản đang cần tiền để trả nợ công (vay của nước ngoài) đã tới thời kỳ phải đáo hạn? Hay là do sức ép đã cam kết khi gia nhập WTO và hiệp định TPP sắp tới?
Nhưng câu trả lời nghiêng về phía cả doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân ở Việt Nam, đều thấy họ không có khả năng cạnh tranh khi thị trường mở ra thực sự. Nên “khôn hồn” là bán trước, trong khi còn được giá hơn là để phá sản, mất trắng. Tư nhân vẫn tiếp tục điều hành công ty cho ông chủ nước ngoài. Nhà nước thì chỉ việc thâu thuế công ty mới, không quan tâm sợ nó phá sản như khi nhà nước vẫn quản lý.
Nhưng cuộc triệt thoái vốn của phe nhà nước gặp cản trở, vì Bộ Tài Chánh, cũng như Tổng Công Ty Đầu Tư và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước (SCIC – State Capital and Investment Corporation) nơi được giao việc quản lý các tập đoàn trên, nay lại được giao việc thoái vốn. Nhất định không chịu nhả miếng “mồi ngon” ra.
Một lo ngại khác, là lợi ích phe nhóm, sẽ định giá cổ phiếu thấp hơn thị trường nhiều lần. Sau đó mua bán, giao dịch “nội bộ” lòng vòng với nhau, bán tài sản quốc gia, thực chất là chia tài sản – mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân, cho những nhóm tư bản thân hữu, bọn tư bản đỏ.
Một cuộc tháo chạy khác,là các công ty khởi nghiệp của giới trẻ có học thức ở Việt Nam trong lãnh vực IT và kinh doanh Internet đều chạy qua Singapore. Vì ở đó họ được hưởng chính sách ưu đãi. Còn về thủ tục thì họ chỉ mất có một ngày, trong khi ở Việt Nam phải mất từ 6 tháng tới 1 năm .Chưa kể các khoản “bôi trơn.”

Khi các doanh nhân tháo chạy
Diễn biến mới nhất, một cựu CEO của tập đoàn FPT, đã đem gia đình vợ con đi định cư ở Hoa Kỳ theo diện EB-5.
Theo như bà Kim Hạnh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết là hiện có một làn sóng người ra đi theo diện EB-5.
Bà Kim Hạnh đồng thời là người trong nhóm sáng lập tờ Sài Gòn Tiếp Thị, từng giữ chức Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại thành phố và hiện nay, điều hành tổ chức tư nhân mang tên “Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Doanh và Hỗ Trợ Doanh Nghiệp” quy tụ nhiều CEO đã thành danh ở Sài Gòn và miền Nam nói chung và cũng là người thường xuyên tiếp xúc với giới doanh nhân.
EB-5 là chương trình đầu tư để nhận thẻ xanh ở Hoa Kỳ.

Trụ sở của tập đoàn sữa Vinamilk tại Phú Mỹ Hưng, quận 7, Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Trụ sở của tập đoàn sữa Vinamilk tại Phú Mỹ Hưng, quận 7, Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Có hai mức đầu tư để có thẻ xanh. Mức 500 ngàn Mỹ kim là đầu tư được chỉ định và mức 1 triệu Mỹ kim (không chỉ định). Tối thiểu phải tạo ra việc làm cho 10 người bản địa, được cấp thẻ xanh trong 2 năm, và sau hai năm “tái thẩm” công việc đầu tư hiệu quả tạo công việc lâu dài cho người bản địa sẽ được cấp thẻ xanh… lâu dài.
Tiền đầu tư theo diện EB-5 chỉ cần chứng minh là hợp pháp. Nhưng không phân biệt là tiền đầu tư của cá nhân hay nhà nước. Vì vậy, khá nhiều quan chức Việt Nam và Trung cộng tận dụng tiền đầu tư của công ty nhà nước để tháo chạy sang Hoa Kỳ.
Một doanh nhân trẻ trong làn sóng ra đi diện EB-5,viết trên Facebook cho biết là một du học sinh, trở về nước kinh doanh và thành đạt. Dù thừa nhận là được hưởng “ơn mưa móc” từ chế độ. Nhưng anh ta vẫn quyết dắt gia đình, vợ con ra đi, chỉ vì không muốn con cái của mình suốt đời phải sống trong sự dối trá!
Trong một diễn tiến khác,mới đây quốc hội cộng sản Việt Nam đã bãi miễn tư cách của một nữ đại biểu đương nhiệm. Vì bà này đã dùng tiền đầu tư vào đảo quốc Malta để kiếm quốc tịch Malta. Một cách để lo… tương lai cho mình và con cái sau này.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, thì trong năm 2014 chỉ có 6,418 trường hợp đi định cư ở nước ngoài theo diện đầu tư. Thì trong năm 2015,con số đi định cư bằng tiền đầu tư đã tăng vọt lên tới 17,662 trường hợp.
Cũng theo một thống kê, thì trong vòng 5 năm (2008-2013), số tiền từ Việt Nam “đội nón” ra đi là 33 tỷ Mỹ kim. Trong đó có tiền đầu tư để được định cư ở nước ngoài và tiền cho du học sinh một đi không trở lại.
Một doanh nhân trẻ trong làn sóng ra đi, cho rằng nhà nước Việt Nam đang “chảy máu” không chỉ rất nhiều tiền. Mà quan trọng hơn cả là nguồn nhân tài đầy nhiệt huyết kinh doanh cũng đang lần lượt ra đi.
Điều đó giống như sân khấu về khuya, mà còn chỉ toàn đào kép già nua bệnh hoạn. Khán giả ngáp dài, trong khi nhà đèn lại “rung chuông” cảnh báo sắp tới giờ… cúp điện.
July 31, 2016

http://www.nguoi-viet.com/

 


Nhiều quan chức VN đang lên kế hoạch

đi "tị nạn" ở nước ngoài?

Phạm Chí Dũng

Ảnh minh hoạ.

Đây là một câu hỏi rất xứng đáng được đặt lên bàn cờ chế độ vào lúc điểm giao thời chuyển tiếp chính trị đang dần lộ diện.

Từ Hồ sơ Panama đến đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường
Mặc dù từ lâu đã có nhiều dư luận về hiện tượng các quan chức Việt âm thầm tẩu tán tài sản ra nước ngoài, nhưng chỉ đến năm 2016 lần đầu tiên mới bật ra thông tin theo một cách “chẳng giống ai”: sự rò rỉ bất ngờ và sau đó là tiết lộ của vụ Hồ sơ Panama đã lôi ra ánh sáng việc Việt Nam có tới 189 cá nhân và tổ chức với 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài, chủ yếu là tại các “thiên đường trốn thuế”. Tổng cộng có đến 92 tỉ USD được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài trong những năm qua.
Nhưng sau vụ Hồ sơ Panama, mọi chuyện lại trở về khoảng lặng êm đềm trong quá khứ của nó. Không một cơ quan và quan chức nào của Việt Nam muốn tự vạch áo cho người xem lưng. Vì thế đã chẳng có một cuộc điều tra nào, dù chỉ cho có, đối với “Hậu Hồ sơ Panama”.
Chỉ đến tháng 7/2016, ngay trước thời điểm thông qua lần cuối tư cách của gần 500 đại biểu Quốc hội, Việt Nam mới “bỗng dưng” phát hiện một chuyện cười ra nước mắt: nữ đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch ở… Cộng hòa Malta - một quốc gia chỉ rộng có 300 cây số vuông, nằm ở một xó của châu Âu, tạo ấn tượng nổi bật nhất nhờ vào hai việc: trở thành rổ đựng bóng trong các trận cầu quốc tế, và dễ tránh thuế đánh vào tài sản cá nhân.
Hẳn nhiên với lý do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã vi phạm điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam về việc công dân Việt Nam không được có hai quốc tịch, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã phải họp đột xuất để bỏ phiếu không xác nhận tư cách đại biểu của bà Hường.
Tuy nhiên, vấn đề có lẽ không chỉ nằm ở chỗ tư cách đại biểu quốc hội xen kẽ tư cách “công dân Malta” của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, mà từ vụ việc của bà Hường, người dân đã có hẳn một bằng chứng xác thực về chuyện đến cả đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng chuẩn bị “ra đi tìm đường cứu nước” như thế nào, thay vì trước đây chỉ nghe đồn đoán về “một bộ phận không nhỏ” đã chuẩn bị nhảy lên máy bay chuồn ra nước ngoài nếu Tổ quốc “có biến”.

‘Đặt vé chưa?’ và nhìn từ Trung Quốc
Thật thế, trong những năm gần đây, một số đại gia và quan chức khi gặp nhau trên bàn nhậu thường nháy mắt đầy ngụ ý “Đặt vé chưa?”. Trước đó là một câu hỏi khác “Có thẻ xanh chưa?”.
Cũng đã từ lâu, trong giới đại gia và quan chức, đặc biệt ở khu vực Hà Nội, khá phổ biến kinh nghiệm cần một khoản chi phí 500.000 đô la để được nhập tịch Canada. Ngay trước Đại hội XII của đảng cầm quyền, một đơn thư gửi đến Bộ Chính trị đã tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, con gái thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, có quốc tịch Mỹ…
Dù chẳng ai dám nói trắng ra, nhưng nhiều quan chức và thương gia đều ngầm hiểu với nhau là việc có thêm một quốc tịch nước ngoài mà do đó vi phạm luật Việt Nam là “chẳng có gì xấu trong tình hình hiện nay”. Mà tình hình hiện nay lại là một núi lửa đang chực chờ phun trào, bao gồm những biến động chính trị nội bộ không thể lường trước, làn sóng phản kháng xã hội của các tầng lớp nhân dân ngày càng dữ dội, trong đó phải kể đến tâm lý “hồi tố tài sản tham nhũng” và sự trả thù của người dân một khi chế độ không còn nằm trong tay lớp quan lại nhũng nhiễu.
Tuy không có số liệu thống kê nào, nhưng bầu không khí ở Việt Nam là khá gần gũi với “người anh em Trung Quốc”.
Theo số liệu của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc, riêng trong năm 2011, các chính phủ nước ngoài đã giúp bắt giữ 1.631 người Trung Quốc chạy trốn vì “các hành động tội phạm liên quan đến công việc” và thu hồi 7,8 tỉ nhân dân tệ (1,2 tỉ USD) tài sản nhà nước bị đánh cắp. Phần lớn đối tượng phạm tội đều là quan chức và nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước.
Hiện tượng các quan tham Trung Quốc chuyển tài sản cho các thành viên trong gia đình mang ra nước ngoài và họ không giữ gì trong tay, sau khi gia đình định cư an toàn ở nước ngoài những quan tham này mới lên kế hoạch thoát thân, đang trở thành phổ biến ở Trung Quốc.
Điểm đến hàng đầu cho các dòng tiền Trung Quốc chảy ra nước ngoài phi pháp là Mỹ, Châu Âu, Australia, Canada... Tại Mỹ, Los Angeles là điểm đến ưa thích nhất của các quan tham Trung Quốc.
Vụ bê bối chính trị của gia đình Bạc Hy Lai - Cốc Khai Lai bị phanh phui khiến dư luận kinh ngạc về mức độ tham nhũng và cách tẩu tán tiền kiếm được từ tham nhũng của các ông quan tham Trung Quốc. “Xách tay” hàng nghìn tỷ USD ra khỏi đất nước, mua bất động sản cao cấp ở nước ngoài, tiêu tiền cho gái, đánh bạc… là những cách thức tẩu tán tiền ra nước ngoài phổ biến của các quan tham Trung Quốc.
Một bản báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chỉ ra những cách mà các tham quan Trung Quốc thường sử dụng để chuyển tiền ra nước ngoài:
- Một vài người dùng cách đơn giản là tự mình hoặc cho người xách những vali lớn đựng đầy tiền qua biên giới.
- Một số khác sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng hiệu với khối lượng lớn ở nước ngoài, sau đó dùng tiền biển thủ công quỹ hoặc tiền hối lộ để bù vào thẻ tín dụng.
- Trong một số trường hợp, tham quan nhận tiền hối lộ ở nước ngoài và dùng tiền đó mua bất động sản cũng ở nước ngoài, hoặc chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản ở nước ngoài.
- Ly dị giả cũng là một cách để các quan tham Trung Quốc tẩu tán tài sản ra nước ngoài.
- Nếu tinh vi hơn, tham quan sẽ thành lập công ty ở những nơi như British Virgin Islands song song với một công ty trong nước. Kế đó, họ cho công ty trong nước mua nguyên vật liệu từ công ty ở nước ngoài với mức giá “trên trời” rồi để công ty trong nước bán hàng cho công ty nước ngoài với giá dưới mức giá thị trường. Công ty ở trong nước sau đó sẽ phá sản theo một kịch bản có sẵn, rồi công ty ở nước ngoài sẽ thâu tóm công ty phá sản này.
- Một kênh rửa tiền phổ biến khác là các sòng bạc ở “thiên đường casino” Macao. Do quy định kiểm soát chuyển tiền ra nước ngoài, các sòng bạc Macau cho phép khách hàng từ đại lục để Nhân dân tệ trong nhà băng ở đại lục rồi chuyển bằng thẻ tín dụng tới Macao, thường là với số lượng lớn hơn nhiều so với số lượng tiền gửi ban đầu tại ngân hàng. Người thắng bạc có thể được trả bằng đô la Hồng Kông và chuyển số tiền này đến một địa chỉ khác, nhưng cũng có lúc tham quan thắng bạc cầm thẳng số tiền này mang đi…

Thế giới thu hồi tài sản tham nhũng ra sao?
Chỉ đến gần đây mới xuất hiện vài số liệu cho biết số ngoại tệ được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài có năm đã lên đến 19 tỷ USD. Con số này cho thấy rất nhiều quan chức và thương gia đã âm thầm chuyển tiền bạc ra các nước, bất chấp kỷ luật đảng. Nếu quan chức Trung Quốc “thích” những nước như Canada, Mỹ, Anh, Pháp…, thì quan chức Việt Nam có lẽ cũng như vậy.
Không khó để hình dung rằng số tiền từ 500.000 đến 1 triệu bảng Anh mà đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường bỏ ra để nhập quốc tịch Malta có thể chẳng là gì so với những quan chức giàu có ở Việt Nam.
Nhưng cho tới nay, cơ sở pháp lý của Việt Nam, công cụ phòng chống tham nhũng và nhất là thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán vẫn hoàn toàn chưa có biện pháp chế tài. Việc chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài vẫn rất dễ thực hiện thông qua các giao dịch điện tử ngầm hoặc đội lốt hợp tác đầu tư thông qua các công ty bình phong ở nước ngoài.
Năm 2014, trong một bài viết cho đài VOA, nhà báo Bùi Tín đã cung cấp một số thông tin đáng chú ý về cơ chế nhằm thu hồi tài sản tham nhũng từ các chế độ độc tài. Một kinh nghiệm từng có là khi chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các chế độ mới đã không kịp thời xử lý nghiêm những tài sản phi pháp của hệ thống cầm quyền cũ, nên tài sản chung đã bị tẩu tán, phân tán, lọt lưới pháp luật, tạo nên một số “tỷ phú mafia đỏ hậu cộng sản,” những phe nhóm lợi ích thuộc gia tộc các quan chức cầm quyền cũ; nhờ thế số người này vẫn chế ngự và lũng đoạn nền kinh tế và tài chính quốc gia, mặc dù lịch sử đã sang trang.
Tháng 3 năm 2007, cuộc họp liên tịch giữa Tổ chức chống buôn lậu và tội ác của LHQ (UNODC) và một nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã lập ra một cơ chế mang tên Stolen Asset Recovery Initiative (StAR– Chương trình thu hồi tài sản phi pháp) nhằm hướng dẫn và giúp đỡ các nước thực hiện việc thu hồi các tài sản phi pháp bị mất bởi nạn hối lộ, tham nhũng, buôn lậu cấp quốc gia và nộp các tài sản được thu hồi đó vào ngân sách nhà nước hoặc vào các quỹ từ thiện quốc tế nhằm giúp các nước đói nghèo trên thế giới.
Trước đó ở châu Âu đã có tổ chức Serious Organized Crime Agency (SOCA – Cơ quan chống tội ác có tổ chức nghiêm trọng) mang tính chất nghiệp vụ pháp lý chuyên giúp đỡ việc truy tìm những người phạm tội ác nghiêm trọng trong đó có tội tham nhũng ở mọi nơi, mọi nước, cũng như tổ chức Financial Crimes Enforcement Network (FICEN - Mạng luới chống tội ác về tài chính), hay tổ chức Agence Gestion et Recourement des Avoirs Confisqués (AGRAC - Cơ quan quản lý và giải quyết tài sản bị tịch thu). Chính những tổ chức này đã tham gia có hiệu quả vào việc giúp cho Indonesia và Philippines thu hồi một số tài sản phi pháp khá lớn của 2 cựu Tổng thống Suharto và Ferdinand Marcos sau khi 2 ông này bị lật đổ và truy tố. Riêng tài sản phi pháp của vợ chồng Marcos đã được thu về cho ngân sách nhà nước là 4 tỷ USD trong tổng số 10 tỷ họ đã tước đoạt của công quỹ và nhân dân.
Các tổ chức trên đã giúp cho chính quyền mới ở Libya thu về hơn 1 tỷ USD của nhà độc tài Gaddafi để trao cho Hội đồng Chuyển tiếp sung vào ngân sách quốc gia; ngoài ra các ngân hàng ở Thụy Sỹ cũng đã tự nguyện trao trả cho chính quyền mới ở Tunisia 60 triệu Francs Thụy Sỹ, cho chính quyền mới ở Ai Cập 410 triệu Francs Thụy Sỹ và cho chính quyền mới ở Libya 650 triệu Francs Thụy Sỹ là tiền ký gửi của các nhà độc tài tham ô Ben Bella, Mubarak và Gaddafi…
Còn với trường hợp Việt Nam thì sao?
Nếu không gấp rút có được một cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng, hệ lụy chắc chắn sẽ xảy ra là sau khi đã có “vé”, đến một thời điểm nào đó lớp quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” sẽ nhảy lên máy bay để “chuồn”, bỏ lại một đất Việt cạn kiệt tài nguyên, khủng hoảng chính trị và xã hội tan hoang.
29.07.2016
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

16x9 Image
Phạm Chí Dũng
Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'.
http://www.voatiengviet.com
 

Dòng người ra đi chưa bao giờ dừng lại...

Song Chi

Chỉ trong một ngày, chat với người quen, bạn bè qua facebook, viber…cả 3 câu chuyện đều cùng một chủ đề: ra đi khỏi Việt Nam.
Một người quen qua facebook báo tin sắp đến Na Uy, quốc gia nơi tôi đang sinh sống, định cư theo diện hôn nhân. Một người quen trong nghề, thuộc thế hệ đàn em trong giới truyền hình, hỏi ý kiến tôi vể việc có nên bỏ tất cả công việc, sự nghiệp ra đi bây giờ theo diện đầu tư kinh doanh ở nước ngoài hay vài năm nữa liệu có còn kịp. Và một chị bạn thân đang tính liều đến mức trước hết là đi Mỹ theo diện du lịch, rồi sang đó tìm đường tính tiếp.
Cả ba đều không phải là những người nghèo hay đang có cuộc sống khó khăn, thất bại ở VN, trái lại, họ có tiền, có công việc, cuộc sống vật chất phải nói là khá thoải mái.
Nhưng họ muốn ra đi trước hết vì môi trường sống ở VN ngày càng tệ khiến con người luôn ở trong cảm giác bất an, lo lắng. Từ thực phẩm không an toàn, cho tới nguồn nước, không khí, biển…nhiều nơi bị ô nhiễm/nhiễm độc nặng nề; đạo đức xã hội xuống cấp, những vụ án cướp giết hiếp ngày nào cũng xảy ra với mức độ ngày càng dã man, con người dễ dàng bức hại nhau, lừa lọc nhau, giết nhau chỉ vì một lý do vặt vãnh; chế độ an sinh xã hội không có để bảo đảm cho người dân một sư hỗ trợ khi cần thiết, lúc ốm đau, tai nạn, thương vong; pháp luật không bảo đảm cho con người được xét xử công bằng, công lý được thực thi, những quyền lợi tối thiểu về tự do, dân chủ, nhân quyền không có, không được tôn trọng v.v…
Quan trọng hơn, họ ra đi vì không tin rằng chế độ này, nhà nước này sẽ tốt đẹp hơn hoặc sẽ đưa đất nước, dân tộc đến một tương lai sáng sủa-thời gian đảng cộng sản cầm quyền đã quá lâu đủ để chứng minh điều đó.
Đây không phải là lần đầu, ngược lại, rất nhiều lần, tôi chứng kiến những người quen, bạn bè, họ hàng chuẩn bị rời bỏ VN. Nhưng có vẻ như càng ngày số người tính chuyện ra đi càng nhiều hơn, thành phần đa dạng hơn, tạo cảm giác đất nước như một con thuyền đang đắm!
Thực tế, kể từ sau khi chiến tranh VN kết thúc, người Việt bắt đầu bỏ nước ra đi, và trong suốt 40 năm qua, dù có khi ồ ạt, có khi lặng lẽ, nhưng dòng người ra đi chưa bao giờ dừng lại.
Giai đoạn 1976-1980s, chủ yếu là người miền Nam, chủ yếu vì lý do chính trị, tạo nên một trong những cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử nhân loại ở thế kỷ XX, rúng động thế giới với những bi kịch thương đau của bao phận người bị chết đuối, bị giết, bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, gia đình tan đàn xẻ nghé…trên hành trình tìm đến tự do. Và hai chữ “thuyền nhân” (boat people) gắn liền với giai đoạn đau thương đó. Đến khi chính phủ Hoa Kỳ làm việc với nhà nước VN, mở ra những con đường ra đi chính thức theo diện HO, con lai, đoàn tụ gia đình, và các trại tỵ nạn ở các nước Đông Nam Á lần lượt đóng cửa không tiếp nhận người Việt tỵ nạn nữa, thì dòng người ra đi theo con đường vượt biển mới dần dần chấm dứt (trong vài năm gần đây lại có hiện tượng vượt biển sang Úc nhưng thường là bị chính phủ Úc trả về, không chấp thuận cho ở lại).
Nhưng người Việt lại tìm được cho mình những con đường khác. Bây giờ thành phần ra đi đa dạng hơn, ở cả ba miền đất nước, chủ yếu vì lý do kinh tế, nhưng rải rác cũng có những trường hợp ra đi vì lý do chính trị. Người ta đi bằng con đường xuất khẩu lao động, ban đầu là “xuất khẩu lao động” sang các nước XHCN sau đó mở rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ từ Đông Âu, Đông Á, Đông Nam Á, Trung Đông, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Kuwait, cho tới châu Phi…Thực chất là một kiểu buôn người công khai, được nhà nước cho phép. Cho đến nay thì VN có khoảng trên dưới 600, 000 lao động ở nước ngoài, hàng năm đẹm lại một nguồn ngoại tệ không nhỏ cho VN. Người ta đi bằng con đường hôn nhân, làm việc, đầu tư kinh doanh, du học rồi tìm cách xin việc và ở lại, đi du lịch và trốn ở lại bất hợp pháp trên nước người…
Bài báo “Mỗi năm, gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài” (Vietnam Finance) viết:
“Phần lớn người Việt di cư sang các nước phát triển trên thế giới. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tính đến năm 2013.
Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài.
… Theo một báo cáo của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam, chưa có thời kỳ nào trong lịch sử nhân loại di cư lại diễn ra với quy mô lớn như hiện nay. Quy luật cung - cầu về sức lao động, dịch vụ, chênh lệch về mức sống và thu nhập, các điều kiện về an sinh xã hội,…đã thúc đẩy các luồng di cư từ Việt Nam ra nước ngoài. Số lượng người Việt Nam đang lao động, học tập và sinh sống ở nước ngoài hiện đã lên đến con số nhiều triệu người. Các hình thái di cư của công dân Việt Nam ngày càng đa dạng và phức tạp, quy mô di cư ngày càng gia tăng.”
Không chỉ dân thường bỏ nước ra đi, những năm sau này, số lượng người thành đạt, có chức vụ trong xã hội, kể cả quan chức cũng ra đi ngày càng nhiều. Người dân ra đi vì không có niềm tin vào chế độ, vào nhà cầm quyền. Quan chức ra đi để bảo vệ tài sản tham nhũng, ăn cắp được sau bao nhiêu năm. Chất xám, trí tuệ, và tiền bạc, tài sản của dân của nước bị các quan tham và những kẻ lừa đảo mang theo, ồ ạt chảy sang nước khác.
Đó là chưa kể số quan chức vẫn còn ở lại trong nước, vẫn tiếp tục làm việc, hưởng lợi, vơ vét nhưng đã “chân trong chân ngoài”, âm thầm chuẩn bị đường rút cho mình bằng cách cho vợ con hoặc người thân đi trước, mua nhà cửa cơ sở vật chất, làm ăn sẵn hoặc đã mua quốc tịch ở một quốc gia tư bản phát triển.
Câu chuyện bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, tỷ phú bất động sản, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của VID Group, Chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng Maritime Bank vừa bị bác tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV vì bị phát hiện có 2 quốc tịch VN và Malta (chồng bà Hường, ông Trần Anh Tuấn-Chủ tịch Hội đồng MaritimeBank nhiệm kỳ 2012-2016 cũng đã có quốc tịch Malta) chỉ là một ví dụ. Còn bao nhiêu quan chức, doanh nhân thành đạt đã mua quốc tịch nước khác mà không ai biết. Hay câu chuyên cựu Ceo FPT Trương Đình Anh, người đặt nền móng và xây dựng FPT Telecom, FPT Online, mới đây cũng đưa cả nhà sang Mỹ sinh sống, làm việc.
Với những người tài ra đi, là nỗi buồn chảy máu chất xám. Với những quan chức tham nhũng, đại gia lừa đảo ra đi, là nỗi lo số tài sản tiền bạc của nhân dân bị thất thoát không biết làm sao lấy lại.
Hiện tượng người dân vẫn tiếp tục bỏ đất nước ra đi, dù với bất kỳ lý do nào, điều đó chứng tỏ một sự thật chua chát là trong suốt hơn 40 năm qua, tuy thống nhất được quê hương và giành được độc quyền lãnh đạo, đảng cộng sản VN đã thất bại trong việc điều hành quản lý đất nước. Thất bại trong việc xây dựng VN trở thành một quốc gia độc lập-tự do-hạnh phúc đúng với câu khẩu hiệu có khắp nơi và trên mọi giấy tờ hành chính, nơi mà người dân cảm thấy gắn bó, muốn cống hiến và muốn sống từ đời này sang đời khác. Thất bại trong việc tạo nên niềm tin cho người dân vào năng lực của nhà cầm quyền và tương lai của đất nước dưới sự lãnh đạo của họ.
Điều đó cũng chứng tỏ sự thất bại của cuộc “cách mạng tháng Tám 1945” với mục đích lật đổ chế độ phong kiến thực dân, xây dựng chế độ mới XHCN hay cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm với danh nghĩa “chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam”; đồng nghĩa với sự hy sinh xương máu của hàng triệu con người là lãng phí, khi thành quả lại là một chế độ độc tài, bán nước hại dân, một đất nước bị tụt hậu về mọi mặt, bị tàn phá đến cạn kiệt, còn người dân thì phải bỏ nước tha hương.

songchi's blog

Đăng ngày 04 tháng 08.2016