banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Từ vô thần dẫn đến vô cảm ở Việt Nam

Nguyễn Hưng Quốc


Nạn vô cảm ở Việt Nam

Câu chuyện liên quan đến cái chết của bé Duyệt Duyệt (Yue Yue) ở Trung Quốc được truyền bá khá rộng ở Việt Nam. Đó cũng là một điều hay: Nó khiến nhiều người giật mình nhìn lại chính mình. Trung Quốc thì thế; còn Việt Nam thì sao?



Bé Duyệt Duyệt bị xe cán chết rồi bỏ đi

Câu trả lời hình như không lấy gì đáng vui cho lắm: Ở Việt Nam, căn bệnh vô cảm cũng tràn lan khắp nơi. Chỉ liếc sơ qua vài bài báo về sự vô cảm ở Việt Nam vào cuối tháng 10 vừa qua, chúng ta cũng thấy có vô số ví dụ. Cũng tai nạn giao thông và người bị thương ngay giữa đường và cũng hàng chục hay hàng trăm người đứng nhìn, không ai ra tay cứu giúp cả. Cách đây hai năm, ở Thủ Đức có một thanh niên bị xe tải tông, cán nát nửa người.
Anh kêu cứu, nhờ những người chung quanh gọi điện thoại báo tin giùm cho gia đình. Không ai có phản ứng gì cả. Sau đó, anh chết. Mới đây, vào ngày 7 tháng 10, một chiếc “xe điên” do một bác sĩ lái tông hết người này đến người khác, khiến 2 người chết và 17 người khác bị thương.



Nhiều người không những không cứu mà còn xông vào hôi của, cướp ví tiền và nữ trang của các nạn nhân. Có nạn nhân bị chết nhưng mãi đến ba ngày sau gia đình mới biết. Lý do: toàn bộ túi xách gồm tiền bạc và giấy tờ tùy thân của chị đã bị cướp mất nên bệnh viện không thể biết chị là ai và ở đâu để liên lạc với gia đình. Báo chí gọi đó là những “kẻ hôi của máu lạnh”
Đó là chuyện ở Sài Gòn. Ở Hà Nội cũng thế. Ngày 23 tháng 7, hai cha con anh Nguyễn Công Vinh bị bọn cướp móc ví tiền và đánh đập ngay ở trạm xe buýt. Cả hàng trăm người chung quanh đứng nhìn. Chỉ đứng nhìn. Không ai có phản ứng gì cả. Báo chí gọi đó là thái độ “sống chết mặc bay”.
Thái độ “sống chết mặc bay” và “máu lạnh” như thế cũng xuất hiện nhan nhản trong các bệnh viện, nơi bác sĩ và y tá, theo truyền thống, vẫn thường được ví như “từ mẫu”. Các “từ mẫu” hiện nay thì theo một nguyên tắc rất đơn giản: Trả tiền trước, chữa bệnh sau. Mà tiền trả thì qua nhiều chặng lắm. Muốn khám bệnh? – Trả tiền! Muốn có giường nằm trong bệnh viện? – Trả tiền! Muốn thay ra giường mỗi ngày? Trả tiền! Muốn chích thuốc? – Trả tiền! Mấy tháng vừa qua, ở Cà Mau, dân chúng phẫn nộ về việc cô Dương Thị Thu Huyền (16 tuổi) bị thương nằm bất tỉnh ngoài đường và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Câu đầu tiên bác sĩ hỏi là: Có tiền không? Những người chở Huyền vào bệnh viện đều không có tiền. Mãi đến khi thân nhân của Huyền biết tin, chạy đến bệnh viện, làm giấy tờ cam kết trả tiền xong, các bác sĩ mới bắt đầu ngó đến bệnh nhân. Tuy nhiên lúc ấy đã quá muộn. Mấy tiếng sau, cô gái mới 16 tuổi đầu ấy chết.



Bệnh vô cảm ngày càng nặng, vì sao?
Tất cả những chuyện vừa kể, thật ra, không mới. Cách đây mấy năm, các trang mạng xã hội tại Việt Nam từng tung lên đoạn phim ngắn cảnh một số nữ sinh nhào đến đánh đập tàn nhẫn một nữ sinh khác. Điều khiến người xem kinh ngạc đến sững sờ không phải chỉ là cảnh bạo động mà là thái độ dửng dưng của các nữ sinh khác chung quanh. Các em cũng chỉ đứng nhìn. Không có phản ứng gì cả. Hoàn toàn dửng dưng. Rồi một bức ảnh khác, chụp cảnh bố chồng trói ké người con dâu vất ra đường. Cô nằm như một con thú, quằn quại, đau đớn. Ngay giữa đường. Mọi người, từ hàng xóm đến công an, cũng đều dửng dưng.
Hàng xóm dửng dưng. Công an dửng dưng. Ngay giới lãnh đạo cũng dửng dưng trước nỗi khổ của đồng bào. Điển hình nhất là chuyện, cũng cách đây mấy năm, Hà Nội bị ngập lụt nghiêm trọng. Có đến mấy chục người chết hoặc do bị điện giật hoặc do bị nước cuốn trôi. Hàng ngàn gia đình lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí, không có cả thực phẩm để ăn. Ông Phạm Quang Nghị, bí thư Thành ủy Hà Nội, không những không làm gì mà còn lên tiếng trách dân là quen thói ỷ lại, không biết chủ động tự cứu mình. Lúc ấy (năm 2008), nhiều người, trên các trang mạng xã hội, lên tiếng mắng ông Nghị là vô cảm.

Sự vô cảm của giới lãnh đạo Việt Nam đã được nhiều người ở Việt Nam nói đến. Hàng chục ngàn người Việt Nam lao động xuất khẩu ở nước ngoài bị bóc lột, thậm chí, bị đánh đập tàn nhẫn ư? Ai lên tiếng thì lên tiếng, giới lãnh đạo vẫn im lặng, xem đó như không phải việc của mình. Hàng chục ngàn cô gái Việt Nam bị bán ra nước ngoài làm điếm ư? Chính quyền vẫn im lặng. Ngư dân Việt Nam bị “tàu lạ” đe dọa, tấn công, cướp bóc, giết hại ư? Ai lên án “tàu lạ” thì lên án, họ vẫn im lặng. Ai đau xót thì đau xót, họ vẫn im lặng. Không có dấu hiệu gì chứng tỏ có sự đồng cảm giữa giới lãnh đạo và những khổ đau mà dân chúng đang gánh chịu.
Mà đâu phải bây giờ mới có sự vô cảm ấy. Nhớ cuốn phim tài liệu “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy cách đây mấy chục năm. Máy quay phim cứ quét đi quét lại những sự đối lập đến khủng khiếp: Trong khi cán bộ thì đi xe xịn, bước xuống có người mở cửa, gót giày bước lộp cộp trên những chiếc thảm đỏ sang trọng thì ở các bến xe, hàng ngày người ta chen chúc xô lấn nhau mua vé, dành cho được một chỗ ngồi trên những chiếc xe đò cũ kỹ, chật chội, hôi thối. Trong khi một số người có tiền và có quyền ăn uống phủ phê thì trên đường phố bao nhiêu người nghèo đói, ốm yếu, quặt quẹo. Có chút thương cảm nào không? – Không. Cái gọi là “tử tế” chỉ là một giấc mơ xa vời dù ở đâu người ta cũng nói đến đạo đức cách mạng, đến khẩu hiệu “mình vì mọi người và mọi người vì mình”, đến câu thơ của Tố Hữu “Có gì đẹp trên đời hơn thế / Người với người sống để yêu nhau”.

Chốn thị thành, đất chật người đông nhưng các mối quan hệ lỏng lẻo và sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt.
Nhìn vấn đề một cách bao quát, từ dân chúng đến giới lãnh đạo, từ hiện tại đến quá khứ, như vậy, chúng ta sẽ thấy ngay những cách lý giải của một số nhà giáo dục và tâm lý học trên báo chí ở Việt Nam về tình trạng vô cảm là không chính xác. Nói chung, họ nêu lên hai lý do chính: Một là sự “yếu kém của lực lượng chức năng”, ví dụ: "Như trong vụ tai nạn, nếu lực lượng cảnh sát, dân phòng dẹp ngay thì làm gì có chuyện hôi của”. Hai là do sự “khủng hoảng niềm tin”.
Sự khủng hoảng ấy xuất phát từ hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất là do “tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, lối sống theo kiểu "đèn nhà ai nấy sáng", hàng xóm sát vách cũng không biết mặt nhau; đi cùng với nó là sự phân hóa giàu nghèo, sự lên ngôi của chủ nghĩa vật chất, tính vị kỷ, khiến mọi người chỉ chăm chăm lo cho hạnh phúc của bản thân hoặc gia đình mình”. Đô thị đất chật người đông "Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều", trong khi lực lượng an ninh không đủ để có mặt kịp thời khi xảy ra sự cố.
Thứ hai là "Những vụ tham nhũng, hối lộ, tiêu cực của một bộ phận quan chức nơi này nơi kia cũng khiến người dân càng mất lòng tin vào cộng đồng. Rồi ngay cả trong ngành giáo dục cũng có những tiêu cực học giả, bằng giả, tiến sĩ giấy... nên người dân không còn biết đặt niềm tin vào đâu”.
Trong hai nguyên nhân tạo nên “khủng hoảng niềm tin” và dẫn đến sự vô cảm nêu trên, có vẻ như nhiều người muốn tập trung vào nguyên nhân thứ nhất nhiều hơn. Họ xem sự vô cảm như một hậu quả không thể tránh được của sự phát triển. Mà ngay chính ở Trung Quốc, trong các cuộc thảo luận liên quan đến bé Yue Yue vừa rồi cũng vậy. Nhiều người cũng đổ lỗi cho quá trình hiện đại hoá và đô thị hóa.
Tuy nhiên, nếu theo cách nhìn và cách giải thích như vậy thì nước nào càng phát triển bao nhiêu lại càng trở nên vô cảm bấy nhiêu.
Liệu cách nhìn như vậy có đúng không?

Vô cảm đến từ đâu?
Trong bài trước, tôi cho nguyên nhân của sự vô cảm không đến từ sự phát triển kinh tế và xã hội. Vậy chúng đến từ đâu?
Trước khi trả lời câu hỏi ấy, chúng ta cần phân biệt ba cấp độ vô cảm khác nhau trong đời sống hàng ngày.
Thứ nhất, vô cảm trước người khác - hiểu theo nghĩa là một hay nhiều người cụ thể, ở ngay trước mặt, như người thân trong gia đình, hàng xóm hay bất cứ ai đó gặp tai nạn ngoài đường.
Thứ hai là vô cảm trước đất nước hiểu theo nghĩa một cộng đồng mà mỗi người là một thành viên.
Thứ ba là vô cảm trước đồng loại, bao gồm cả những người ở xa, xa xôi và xa lạ, thuộc một đất nước khác hay một lục địa khác.
Tạm thời, chúng ta gác loại vô cảm thứ ba lại. Chỉ tập trung vào hai loại vô cảm thứ nhất và thứ hai. Lý do: một, đó là những vấn đề bức xúc nhất hiện nay; hai, sự vô cảm thứ ba chỉ khắc phục được nếu người ta đã vượt qua được hai loại vô cảm đầu tiên: Không hy vọng có người biết xúc động trước nỗi đau khổ của ai đó, ở châu Phi chẳng hạn, nếu người ta cứ dửng dưng trước những đau khổ ngay trước mặt và trước mắt mình. Nếu có, đó chỉ là chút cảm xúc mang mùi lãng mạn chủ nghĩa, nó thoáng qua, rồi tắt, chứ chắc chắn sẽ không dẫn đến bất cứ một hành động cụ thể nào cả.
Trong hai loại vô cảm trên, xin phân tích loại vô cảm trước đất nước trước. Vì câu trả lời tương đối đơn giản và dễ có sức thuyết phục nhất.

Vô cảm trước đất nước có nhiều biểu hiện, nhưng trung tâm vẫn là sự dửng dưng, hay nói theo chữ quen thuộc ở Việt Nam lâu nay, là mặc kệ. Đất nước nghèo đói ư? – Mặc kệ! Đất nước càng ngày càng lạc hậu ư? – Mặc kệ! Sự bất bình đẳng trong nước càng ngày càng trầm trọng, khoảng cách giữa giàu - nghèo càng ngày càng lớn, người giàu càng ngày càng giàu và người nghèo càng ngày càng nghèo ư? – Mặc kệ! Nạn tham nhũng càng ngày càng hoành hành, càng phá nát nền kinh tế quốc gia ư? – Mặc kệ! Xã hội càng ngày càng băng hoại, văn hóa càng ngày càng suy đồi, giáo dục càng ngày càng xuống cấp ư? – Mặc kệ! Trung Quốc xâm lấn Việt Nam, làm lũng đoạn kinh tế Việt Nam, bắt bớ và giết hại ngư dân Việt Nam ư? – Mặc kệ!
Dửng dưng hay mặc kệ trước những vấn đề liên quan đến danh dự quốc gia cũng là một sự vô cảm. Cái gọi là danh dự quốc gia có nhiều cấp độ khác nhau. Một vị nguyên thủ hay quan chức cao cấp khi tiếp xúc với các đối tác nước ngoài, cần giữ gìn quốc thể (ngay cả cách bắt tay: trong lúc đối tác đưa một tay; còn mình thì đưa cả hai tay, làm toát lên vẻ gì như nịnh bợ, hoặc ít nhất, khúm núm một cách quá đáng như hiện tượng được nhiều blogger Việt Nam nêu lên gần đây, cũng liên quan đến quốc thể). Ngay cả người bình thường, trong những hoàn cảnh bình thường, khi tiếp xúc với người ngoại quốc, cho dù chỉ là một du khách bình thường, cũng cố gắng không để họ đánh giá thấp dân tộc của mình. Ngược lại, cứ mặc kệ tất cả, ai khinh thì khinh, ai ghét thì ghét, miễn có chút lợi nhỏ là mình cứ làm: Đó là vô cảm.

Bình thường, người ta hay quy chung cả hai khía cạnh ở trên (sự quan tâm đến vận mệnh và danh dự của đất nước) vào phạm trù yêu nước. Tuy nhiên, theo tôi, đó là điều không nên. Nói đến yêu nước, thứ nhất, là chỉ tập trung ở khía cạnh tình cảm, và thứ hai, một cái gì có tính chất tự nguyện. Ở Tây phương hiện nay, rất hiếm khi người ta đề cập đến lòng yêu nước. Người ta chỉ đề cập đến tinh thần trách nhiệm (trong trường hợp trên) và sự tự trọng (trong trường hợp dưới).
Trách nhiệm có hai hình thức: bắt buộc và tự nguyện. Đóng thuế và thi hành các bổn phận công dân như chấp hành pháp luật, tham gia bầu cử... là những trách nhiệm bắt buộc. Nhưng ứng cử, tranh đấu cho một chính sách mà mình tin là đúng đắn, bảo vệ môi trường sinh thái v.v... là những trách nhiệm tự nguyện.
Sự tự trọng cũng thuộc phạm vi tự nguyện. Nó thuộc phạm vi văn hóa hơn là pháp luật.
Ở Tây phương, người ta dùng pháp luật để cưỡng chế loại trách nhiệm thứ nhất trong khi đó họ lại dùng giáo dục để khuyến khích loại trách nhiệm thứ hai và nuôi dưỡng lòng tự trọng đối với cá nhân cũng như đối với đất nước.
Ở Việt Nam, từ xưa, cha ông chúng ta cũng từng ra sức giáo dục và nuôi dưỡng cả loại trách nhiệm tự nguyện lẫn lòng tự trọng trong những phạm vi liên quan đến quốc gia và quốc thể. Những câu tục ngữ và ca dao quen thuộc như “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” hay “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương / người trong một nước phải thương nhau cùng”, “khôn ngoan đối đáp người ngoài / gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” là thuộc loại đó.



Trong lịch sử, người Việt Nam từng chứng tỏ ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng cao trong những vấn đề liên quan đến đất nước. Không có ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng ấy, chắc chắn Việt Nam không thể giành được độc lập sau một ngàn năm bị Trung Hoa đô hộ và cũng không thể giữ được độc lập trước bao nhiêu cuộc xâm lược khác, sau đó.
Thế nhưng, gần đây, mọi sự dường như khác hẳn. Trung Quốc ngang ngược xâm phạm lãnh hải Việt Nam, bắt bớ, thậm chí giết ngư dân Việt Nam, phần lớn vẫn dửng dưng. Trung Quốc lũng đoạn kinh tế Việt Nam, đưa di dân lậu tràn ngập vào Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, chủ quyền và độc lập của Việt Nam, phần lớn vẫn dửng dưng. Chỉ có một số, một số thật nhỏ, biểu thị thái độ cảnh giác và phản đối sự uy hiếp ấy từ Trung Quốc qua một số cuộc biểu tình tại Sàigòn và Hà Nội. Điều đáng chú ý không phải là bản thân các cuộc biểu tình ấy mà là thái độ thờ ơ, thậm chí, thù nghịch của nhiều người chung quanh. Theo tường thuật trên các blog, không ít thanh niên lái xe qua, chõ miệng chửi những người biểu tình chống Trung Quốc là “Đồ điên!”
Sự thờ ơ, dửng dưng cũng biểu hiện rất rõ qua thái độ của các cán bộ cao cấp thuộc loại đầu ngành ở Việt Nam. Những sơ sót liên quan đến các bản tin Trung Quốc tập trận ở Biển Đông từng làm xôn xao dư luận trong cộng đồng mạng, theo tôi, cũng xuất phát từ sự thờ ơ và dửng dưng ấy. Chính quyền các địa phương để cho Trung Quốc thuê rừng, kể cả rừng đầu nguồn và có vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam, ngoài chuyện có thể bị mua chuộc, phần nào cũng xuất phát từ sự thờ ơ và dửng dưng như thế. Dường như người ta chỉ cần vơ vét lợi nhuận riêng, còn chuyện quốc gia và quốc thể thì mặc kệ. Bất cần.
Những sự thờ ơ, dửng dưng, mặc kệ và bất cần ấy thực chất là một sự vô cảm.

Nhưng tại sao người ta lại trở thành vô cảm một cách đáng sợ như thế?
Câu trả lời tương đối dễ: Một, người ta bị tước trách nhiệm đối với đất nước, và hai, bất cứ người nào còn có trách nhiệm và muốn biểu lộ trách nhiệm ấy thì bị chụp mũ, sỉ nhục, bắt bớ, giam cầm. Trách nhiệm đối với đất nước trở thành một cái tội. Trên hệ thống tuyên truyền, chính quyền luôn luôn nhấn mạnh: đó là trách nhiệm của đảng và chính quyền chứ không phải của người dân. Chính quyền và đảng thực thi trách nhiệm ấy như thế nào? Không cần biết. Chỉ cần biết đó là chuyện của chính quyền và của đảng. Vậy thôi. Dân chúng bị xem là những kẻ ngoại cuộc đối các vấn đề quốc sự. Người nào không chấp nhận điều đó thì bị trừng phạt nặng nề. Kẻ thì bị đạp vào mặt. Kẻ thì bị bắt bớ. Kẻ thì bị đe dọa. Kẻ thì bị bêu xấu trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Trong hoàn cảnh như thế, người ta không vô cảm đối với đất nước mới là chuyện lạ.
Nguyễn Hưng Quốc


https://baomai.blogspot.com/2011/11/tu-vo-than-dan-en-vo-cam-o-viet-nam.html



Ai là trí thức?

Nguyễn Hưng Quốc

Trí thức (intellectual), với tư cách một danh từ, ở Tây phương, chỉ thịnh hành từ giữa thế kỷ 19; ở Việt Nam, càng muộn hơn, có lẽ chỉ từ thập niên 1920. Trước, để chỉ ý niệm tương đương với từ “trí thức”, người ta dùng nhiều chữ khác, chẳng hạn, trong tiếng Anh, có “man of letter” hay “scholar”, trong tiếng Việt, có “nho sĩ”, “sĩ phu”, “văn nhân”, hay, trung tính hơn, “thức giả”. Tuy nhiên, vấn đề không phải là xuất hiện muộn. Vấn đề nằm ở chỗ khác: Trong khi, ở Tây phương, khi xuất hiện, chữ “intellectual” mang một hàm nghĩa mới; ở Việt Nam, chữ “trí thức” dường như mang nguyên hàm nghĩa của các từ tương đương trước đó: Một, chỉ những người học rộng biết nhiều (thức giả); và hai, chỉ một thành phần xã hội chủ yếu sống với và sống bằng kiến thức. Hai hàm nghĩa ấy dựa trên hai tiêu chí chính: bằng cấp và nghề nghiệp. Theo hai tiêu chí ấy, ngày xưa, người ta cho xã hội gồm nhiều thành phần, trong đó, có giới gọi là “sĩ” khác với các thành phần khác (nông, công, thương); trong sĩ, người ta chia thành hai hạng: hàn nho và hiển nho. Hàn nho thường là những người không hoặc chưa đỗ đạt, sống chủ yếu bằng dạy học hoặc chữa bệnh, được biết dưới những cái tên như thầy đồ hoặc thầy thuốc. Hiển nho, ngược lại, là những người đỗ đạt cao, được bổ làm quan, vừa có tiền vừa có quyền lực.

Theo cách hiểu truyền thống, một y tá có thể không, nhưng một bác sĩ nhất định là trí thức; một thợ máy có thể không, nhưng một kỹ sư thì hẳn thuộc tầng lớp trí thức. Có một ngoại lệ: những người sinh hoạt trong thế giới chữ nghĩa. Một nhà văn hay một nhà báo có thể không có bằng cấp gì cả nhưng thường vẫn được xem là trí thức vì công việc của họ gắn liền với sách vở, nghĩa là với tri thức. Tuy nhiên, cái gọi là bằng cấp ấy lại thay đổi theo từng thời đại. Xưa, dân trí thấp, một người từng lều chõng đi thi, dù không đỗ đạt gì, vẫn được xem là trí thức. Thời Pháp thuộc, đỗ tú tài (tốt nghiệp cấp ba) là đã được bước vào ngưỡng trí thức. Ở một số vùng, cái mức này có thể hạ xuống ở bằng thành chung (tốt nghiệp cấp hai). Những người có bằng tiến sĩ ở nước ngoài về, như Nguyễn Mạnh Tường hay Phạm Huy Thông, thì không phải là trí thức mà là đại trí thức. Dù thay đổi mức độ của tiêu chí, nội hàm khái niệm “trí thức” ở Việt Nam, cho đến tận bây giờ, vẫn khá rộng: Nó bao gồm từ giới cầm bút (nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu, phê bình) đến giới dạy học (từ giáo viên đến giáo sư) và tất cả những người hoạt động trong mọi lãnh vực cần bằng cấp như: luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, nha sĩ, nhà khoa học, nhà sử học, v.v… Tất cả đều được gọi dưới tên chung là lao động trí óc.

Ai là trí thức?
Nhưng khái niệm lao động trí óc cũng quá rộng. Ở Việt Nam, dưới ảnh hưởng của Liên Xô, xã hội được phân chia thành nhiều giai cấp khác nhau: Ở trên, thuộc thành phần thống trị, có tầng lớp quý tộc, tư sản và địa chủ; phía dưới, thuộc thành phần bị trị và bị bóc lột, có công nhân và nông dân. Ở giữa hai thành phần ấy, có một tầng lớp trung gian, gọi là trí thức tiểu tư sản. May mắn là những người cộng sản, ở một số thời điểm nào đó, vì không muốn đánh mất cái chất xám trong thành phần trung gian ấy nên ở đâu cũng coi họ là một đồng minh tốt. Chính vì vậy, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nào, cũng có ba tầng lớp được xem là nòng cốt, bao gồm: công nhân, nông dân và trí thức. Trong ba tầng lớp ấy, trí thức bị xem là bấp bênh và khả nghi nhất. Lý do là vì, một, về phương diện kinh tế, họ thuộc thành phần tiểu tư sản hơn là vô sản; về phương diện lịch sử, họ thường đi với giai cấp thống trị và về phương diện ý thức hệ, họ thường bị sa đà vào lý thuyết, tách lìa quần chúng và thực tiễn, hơn nữa, dễ bị ngả nghiêng giao động khi đối diện với khó khăn hay thử thách. Chính vì thế, những người cộng sản vừa sử dụng trí thức lại vừa nghi ngờ và khinh rẻ trí thức. Cả Lenin lẫn Mao Trạch Đông đều xem trí thức như là… cứt. Ở Việt Nam, dường như không có nhà lãnh đạo hàng đầu nào ăn nói bỗ bã như thế. Nhưng cũng ít ai thực sự coi trọng trí thức. Họ xem trí thức, nói như nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh, thời đầu đổi mới, như “con nít”, luôn luôn cần được nắm tay dẫn dắt và dạy dỗ. Tất cả những điều ấy làm cho giới trí thức nói chung vừa tự hào vừa tự ti. Tự hào về kiến thức của mình, nhưng lại tự ti về vai trò của mình trong xã hội và trong lịch sử. Để vượt qua mặc cảm tự ti, hầu hết đều tự nguyện đem hết tâm trí và sức lực của mình để phục tùng và phục vụ lãnh đạo, từ đó, hình thành lớp trí thức phò chính thống, nói theo ngôn ngữ của Phạm Thị Hoài.
Khi Ngô Bảo Châu, trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, cho“trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”, ông không nói điều gì khác ngoài tâm lý và tâm thế của một mẫu trí thức phò chính thống tiêu biểu ở Việt Nam. Lạ. Mặc dù học hành và làm việc ở nước ngoài khá lâu, Ngô Bảo Châu vẫn giữ được “tính dân tộc” rất cao, cả trong cách diễn dịch lẫn cách hành xử liên quan đến trí thức.

Nói như vậy cũng là nói, liên quan đến vấn đề trí thức, cách hiểu ở Việt Nam và ở Tây phương rất khác nhau. Khác nhau từ căn bản: định nghĩa trí thức. Nếu ở Việt Nam, người ta xem trí thức là những người có ăn học và lao động trí óc, thì, trong tiếng Anh, ví dụ, Từ điển Oxford giải thích, tính từ intellectual có hai nghĩa chính: một, liên quan đến tri thức (of the intellect); và hai, liên quan đến sở thích hoặc khả năng giải quyết những vấn đề thuộc tâm trí như nghệ thuật, ý tưởng vị ý tưởng hơn là những vấn đề thực dụng (of interested in or able to deal with things of the mind – eg the arts, ideas for their own sake – rather than practical matters). Xin lưu ý đến cụm từ “ý tưởng vị ý tưởng” ở trên. Trong cuốn Intellectuals and Society, xuất bản năm 2009, Thomas Sowell cho đó chính là yếu tính của trí thức. Ông cho trí thức là những người làm những việc liên quan đến ý tưởng: “Công việc của một nhà trí thức bắt đầu và kết thúc với ý tưởng” (An intellectual’s work begins and ends with ideas; tr. 3 & 283).

Trong hai yếu tố Sowell đã nêu, yếu tố sau quan trọng hơn yếu tố trước. Khác với loài vật, hầu như loài người lúc nào cũng bắt đầu công việc với một ý tưởng nào đó. Một thằng móc túi ngoài phố, chẳng hạn, trước khi đưa tay ra móc túi người khác, bao giờ cũng bắt đầu bằng một ý tưởng: móc túi. Cụ thể hơn, hắn sẽ nghĩ đến một kế hoạch móc túi thật nhanh và thật gọn. Hơn nữa, hắn cũng nghĩ cả đến kế hoạch thoát thân nếu bị phát giác. Đó là chưa kể, một cách tự phát, từ trong vô thức, hắn có hẳn một quan niệm sống: bất chấp đạo đức và liêm sỉ, miễn là có lợi, hoặc ít nhất, tồn tại. Nhưng không phải ai cũng kết thúc công việc bằng một ý tưởng, kể cả những người gọi là lao động trí óc. Ví dụ, với các kỹ thuật gia, ngay cả những kỹ thuật gia thiên tài như Bill Gates và Steve Jobs, kết quả cuối cùng của công việc không phải là ý tưởng mà là những chiếc máy vi tính cũng như các sản phẩm liên quan đến kỹ thuật vi tính. Tất cả các kỹ sư đều giống như vậy: kết quả cuối cùng của họ là máy móc. Những người làm việc nhắm đến cái gì khác ngoài ý tưởng như vậy nhiều vô cùng, bao gồm phần lớn những người lao động trí óc: với các bác sĩ, đó là việc trừ và phòng bệnh; với các nhà kinh doanh, đó là lợi nhuận; với các chính trị gia, đó là các chính sách và quyền lực; với các nhà kỹ nghệ, đó là sản phẩm. Theo Sowell, tất cả những người ấy đều không phải là trí thức. Ngay cả phần lớn những người thuộc giới hàn lâm hay truyền thông, những người hầu như cả đời chôn vùi trong sách vở với các ý tưởng, cũng không hẳn là trí thức: Thường, họ là những kẻ tiêu thụ ý tưởng (consumers of the ideas of intellectuals) hơn là những người sản xuất ý tưởng. Họ có thể thuộc giới trí thức (intelligentsia) nhưng bản thân họ chưa chắc đã là trí thức (intellectual) (tr. 5).
Tôi đồng ý với sự phân biệt của Sowell, tuy nhiên, tôi vẫn coi những người tiêu thụ ý tưởng là trí thức: những trí thức bình dân. Trong khi những người “sản xuất” ý tưởng là những trí thức thực sự; một số người trong họ, có ảnh hưởng sâu sắc trong cộng đồng: Đó là những trí thức công chúng (public intellectual).

Như vậy, khái niệm trí thức ở Tây phương – qua sự đúc kết của Thomas Sowell – rất hạn chế. Theo cách hiểu đó, hầu hết những người Việt Nam chúng ta quen gọi là trí thức đều không phải là trí thức, đặc biệt, trí thức công chúng.
Kết luận ấy hẳn sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nhưng không bắt đầu như vậy, mọi cuộc tranh cãi về trí thức và nhiệm vụ của trí thức biến thành nhảm nhí.

Nguyễn Hưng Quốc
(Trích từ tác phẩm: Những bài viết về chính trị)

https://tusachtre.com/ai-la-tri-thuc/

 

Đăng ngày 02 tháng 12.2022