Chữ nghĩa làng văn

tháng 11.2017

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Ba gai
Ba gai là tiếng để chỉ những anh lính vô kỷ luật, ba gai, ba đồ.
“Ba gai” từ tiếng “pagaille” của Pháp.
(Vương Hồng Sển – Tự vị tiếng Việt miền Nam)

Chữ Việt cổ
Từ cổ tiếng Việt trong "Đại Nam quốc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Paulus Của. Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại.
Cát: điềm lành, tốt
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

Giai thoại làng văn (1)
Lúc cùng ở với Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân chưa nổi tiếng. Tôi biết Tuân từ lúc anh còn làm thông tín viên ở Thanh Hóa cho tờ “Trung Bắc Tân Văn”. Đến khi tôi làm “Vịt Đực”, anh cũng thường lại chơi nhà báo, thỉnh thoảng lại quăng cho một hai bài, nhưng vì anh viết dài, nên nhà báo không đăng được. Những bài này hợp với một tờ báo - như “Ngòi Bút” của nhà xuất bản Hàn Thuyên của tập đoàn Nguyễn Xuân Tái, Trương Tửu, Nguyễn Đức Quỳnh. Thực ra, trước đó, Nguyễn Tuân đã nổi tiếng trên văn đàn, với cuốn “Thiếu Quê Hương”, “Vang Bóng Một Thời”, nhưng thật trội, phải kể từ lúc anh viết truyện ngắn loại “Thèm Ốm” cho Trung Bắc Chủ Nhật". Đến cuốn “Chùa Đàn”, “Tóc Chị Hoài, ”Chiếc Lư Đồng Mắt Cua" thì tên anh thật vững.
Nhưng nói riêng về cá nhân Tuân, tôi yêu mến anh thật, nhưng có nhiều điểm “tôi không thể nào thương nổi”. Chắc tôi cũng có nhiều điểm để cho anh không ngửi được, nhưng anh em cứ là anh em, lâu lâu không gặp nhau thì nhớ, mà gặp nhau thì hôm trước hôm sau có chuyện “tẩy” lẫn nhau... gia rít. Tôi còn nhớ hồi làm Trung Bắc, tôi về Thanh Hóa thăm anh. Đi tầu hỏa đã mệt, tôi đến nhà anh chuyện trò một lát sau đi ngủ liền. Tuân nhè đúng lúc tôi đang ngon giấc, lay dậy, bảo mặc quần áo đi có việc cần. Trời thì rét mà ở ngoài tối om như mực, tôi không đi, nhưng không được. Tôi đành phải chiều anh bạn “lọ”. Anh bắt tôi đi bộ, vòng hết đường này sang đường khác, rồi rủ đi ăn bánh ướt ở một căn nhà lá mà anh bảo là ngon nhất Thang Mộc Ấp. Riêng một cái việc ngồi chờ cho bà cụ bán hàng thắp đèn lên, tráng bánh, rán đậu cũng đã mất hai tiếng đồng hồ.
(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Đề: Tả cảnh sân trường trong giờ ra chơi
Trống đánh tùng . . . tùng . . .. Các bạn ùa ra sân trường như bầy chim vỡ tổ. Chỗ này các bạn gái nhảy dây, chỗ kia các bạn trai đá cầu, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng chửi “địt mẹ”.

Giai thoại làng văn (2)
Những hành động lẩm cẩm và dớ dẩn, lộn ruột như thế không thể nào kể xiết. Trong khi người ta mặc quần áo Tây, anh mặc áo gấm huyền, đội khăn; mùa nực, cầm cái quạt đánh chó phải chết, để phe phẩy; nói thì rấm rẳn, đang vui câu chuyện ngừng phắt lại, nhăn cái mũi cười rồi thôi, không nói nữa; đi ăn thì lè khè nhấm nháp, lấy hai ngón tay nhón cái chân chim bồ câu bỏ lò, ăn chậm như rùa - mà chỉ ăn có hai chân thôi - còn cả con chim thì lấy tay ngoắt phổ ky lại (chớ không gọi) bảo đem “cất giùm” vào bếp. Cái nếp sống hàng ngày của Tuân đúng y như văn của anh viết trong các bài báo và tác phẩm của anh. Thượng Sỹ, Thâm Tâm, Ngô Tất Tố, Nguyễn Triệu Luật cho anh là một “quái thai” và đả kích kịch liệt, nhưng muốn “tẩy” cách nào, Nguyễn Tuân cứ lập dị nguyên như thế, không thay đổi và kỳ cục nhất là một số người đả kích tính lập dị của Tuân, về sau, lại nói giọng lè nhè, ăn uống kiểu cách, bắt chước như Tuân.
(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

Bo bo
Tên chữ Nho của bo bo là cao lương hay mộc mạch.
Trong Thần Nông bản thảo là một món thuốc bắc, kêu là “ý dĩ ”.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
(…trích lục lại)
Nhà mặt phố, bố làm to.

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền
Tóc thề vốn là một vài sợi tóc ngắn phất phơ hai bên trán và vành tai. Có giai thoại nói các cô gái có mái tóc thề, tức đã có người yêu, nhưng thực tế nào các cô đã thề thốt cùng ai?
Nguyên xưa, các đôi trai gái yêu nhau hoặc có những đôi đã nên vợ nên chồng, đang mặn nồng đằm thắm bỗng vì một lý do gì đó làm cho tình duyên dang dở, đôi lứa xa nhau. Họ quyết một lòng, dẫu cho sông cạn đá mòn, năm tháng chờ đợi vẫn một lòng thuỷ chung. Trước khi lưu luyến chia tay, họ cắt trao cho nhau một mớ tóc để ầm tin và luôn giữ trong mình như kỷ vật. Mớ tóc đó gọi là tóc thề. Chỗ tóc bị cắt đó dần mọc lại và dài dần, mái tóc mới mọc đó gọi là tóc thề. Trong chuyện Kiều có câu:
Tóc thề đã chấm ngang vai
Nào lời non nước, nào lời sắc son.
Nghĩa là dăm ba năm sau, chỗ tóc bị cắt đã mọc dài chấm ngang vai rồi vẫn chưa thấy bóng dáng người yêu. (Nên nhớ, thời xưa con trai cũng để tóc dài, cũng búi tóc, và vì vậy cũng có tóc thề).

Lây dây
Lây dây : lâu
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Tương lai từ vựng tiếng Việt
Chỉ lấy luật tự nhiên mà xét, bản sắc từ vựng tiếng Việt rồi sẽ mất, như: nhấp nhô, tí tách, ngạt ngào, ram ráp, chua lè, nao nao, đìu hiu, man mác, băn khoăn, chống chếnh, đau đáu, thấp thỏm, xốn xang, xao xuyến v.v...
Thời gian cứ càng ngày càng hiếm, còn thì giờ đâu ngồi vận dụng giác quan, tâm hồn, mà cảm cho sâu bên ngoài bên trong! Nếu tất cả mọi vật chung quanh ta cứ biến hóa vù vù, thì làm sao ta kịp thấy rõ hoặc nẩy sinh cảm xúc rõ về chúng được?! Một phần vì môi trường Việt sau Tây đổi thoăn thoắt mà ta đang trở nên gần như vô cảm! Xưa kia sống trong môi trường bền mà tổ tiên ta mới bật ra được những từ như: bẽ bàng, bỡ ngỡ, canh cánh, đau đáu, hụt hẩng, hững hờ, ngại ngùng, ngẩn ngơ, ngỡ ngàng, rạo rực, se sắt, thẫn thờ, xao xuyến ..v..v.. Hình như hầu hết những từ cụ tượng hữu cảm và từ trừu tượng cảm xúc đều đã có mặt trong tiếng Việt từ đời... tám hoánh, chứ không phải mới được đặt ra gần đây. Nhất là nhóm trừu tượng cảm xúc, hình như lâu lắm rồi tiếng Việt không thêm từ mới.Tuy coi như đã ngưng sáng tạo những từ ấy, nhưng có lẽ trong một thời gian khá dài, đa số người Việt sẽ vẫn tiếp tục dùng chúng trong lời nói và lời viết. Dùng cách hững hờ, mỗi ngày mỗi thêm hững hờ, chứ không với sự rung động sâu xa của tổ tiên xưa kia... Cứ thế đến, chẳng hạn, đầu thế kỷ 22:
“Có người xa nghe nức tiếng tìm chơi”(1), mới hay những đìu hiu, lãng đãng, chống chếnh, khắc khoải, phơi phới, xốn xang v.v... đã rơi khỏi cửa miệng người Việt tự bao giờ!

(1) Truyện Kiều, chỗ kể đời Ðạm Tiên: “Có người khách ở viễn phương / Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi / Thuyền tình vừa ghé tới nơi / Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ”.
(Thu Tứ - Gocnhin.net)

Ca dao tình tự
Nói đến bỏ vợ, mất chồng
Chồng em như thể cóc già
Vợ anh ở nhà như thể con trai
Làm tờ đánh đổi anh ơi
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Lần đầu tiên tôi biết Trần Dần là trong một trại hè của các đoàn văn công quân đội năm (19…) Dáng người thấp, hơi thô, tay chân chắc nịnh, lúc nói chuyện thường ồn ào, giọng cười thẳng thắn, ròn rã. Đôi mắt xếch với cặp mày rậm làm cho khuôn mặt anh dữ tợn, nhưng đến khi anh há mồm ra cười thì trông lại như một đứa trẻ con. Tôi biết tiếng anh từ lâu - Ở bộ đội Sơn La, từ đầu năm 1947, nổi tiếng có một anh Trần Dần nào đó thường vẽ và làm thơ có nhiều cái rất lạ, anh em văn nghệ xung quanh thì rất thích nhưng đồn rằng bộ đội thì không hiểu và một số cán bộ chính trị ở đơn vị thì lấy làm bực mình.
Dần dần anh chị em gọi Trần Dần là “thày tướng” và lắm khi tin anh như một người đau khổ ngày trước tin số mệnh, đã đặt cho anh một cái tên “Trần Dần cốc tử”. Hồi ấy Trần Dần yêu một nữ diễn viên văn công. Vốn tính cương trực, lỗ mãng, anh không biết cách nào khéo léo để lấy lòng yêu của người đàn bà. Anh không biết nói đẹp, nói hay, chỉ non thề bể, xem lá rụng, hoa tàn để vừa ý một cô gái rất đỏng đảnh. Gặp cô, anh “tấn công” luôn, rất thô kệch. Cô ấy sợ, và chạy trốn. Anh đuổi không kịp. Rồi anh thất vọng to, và cũng biết khóc. Một lần bắt chợt anh ôm đầu khóc, tôi kéo mấy anh bạn vào xem: “Vào đây xem voi chảy nước mắt các cậu ơi!” Mãi về sau hình ảnh cô gái đó đột hiện lên, tươi roi rói, đẹp và anh dũng trong những trang đầy nhiệt huyết của cuốn truyện Người người lớp lớp.
(Con người Trần Dần – Hoàng Cầm)

Chữ nghĩa làng…nhậu
Rượu ngon bởi vì men nồng
Người khôn bởi vị giống dòng mới khôn

Chữ nghĩa làng văn
Mấy chục năm đầu của thế kỷ, từ vựng tiếng Việt có hai đặc điểm chính: hoặc là nặng nề do quá nhiều từ Hán Việt (như văn của Phạm Quỳnh và nhóm Nam Phong) hoặc là nôm na do giống như văn nói (như văn của các tờ báo đầu tiên xuất hiện ở Nam Kỳ). Trên tờ Phong Hoá số 3 năm 1933, nhóm Tự Lực văn đoàn đã chế diễu hai phong cách này qua hai đoạn văn như sau:
1. Bỉ nhân trầm tư mặc tưởng nghiên cứu thực lự về cái thâm ý đại nghĩa của nhân thế sau khi đã hiện phục, đã xác tín, đã chứng cứ vào những lý thuyết của các nhà triết học cổ kim đông tây thì phải thừa nhận, phải công nhận, phải phục nhận rằng nhân thế là một gang tay, là bạch câu quá khích vậy.
2. Ta ngồi trong phòng trước một luồng không khí quay cuồng bởi cái quạt máy, dưới ánh sáng của ngọn đèn 120 nến, rồi ta ném làn nhỡn tuyến qua cửa sổ rơi cái bịch một cái xuống con cóc ngồi tư lự bên cạnh hòn gạch. Cảm tình ta như nôn nao xoáy tận đáy cõi lòng, tư tưởng ta nẩy phăng ra ngoài óc, tim ta hồi hộp muốn phá tan lồng ngực nhảy ra ngoài.
Hai đoạn văn trên, một đoạn lai Tàu và một đoạn lai Tây, có điểm giống nhau là cấu trúc câu khá dài. Nguyên cả đoạn trên chỉ là một câu. Đoạn dưới gồm hai câu. Có lẽ đây cũng là đặc điểm chung của văn viết Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
Đọc đoạn văn trên xong, đọc sang một đoạn văn Võ Phiến gần đây, chúng ta sẽ thấy khác hẳn là câu văn ngắn hơn:
3. Ban đầu ít, thưa thớt. Thoắt cái, bọ ở đâu vụt ào tới, nhảy tưng bừng. Lúc sau mới biết là mưa đá. Vườn bắt đầu ướt át. Mưa mạnh. Bọ càng lúc càng nhảy dữ. Đầy cả vườn cỏ.
(Phan Việt Thùy – Cái mới nhìn từ góc độ ngôn ngữ…)

Ca dao tình tự
Nói đến tiết trinh
Lẳng lơ, chẳng thể hao mòn
Chính chuyên chẳng thể sơn son thiếp vàng
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam và Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
danh thiếp 名 帖 Danh thiếp là tấm giấy nhỏ ghi họ tên, nghề nghiệp, địa chỉ của một người, dùng trong việc giao thiệp. Soạn giả đã nêu định nghĩa như vậy, quả là không sai. Nhưng, ông giải thích rằng, thiếp là chữ viết trên lụa thì thật là không thoả đáng. Quả thật, chữ thiếp 帖 vốn có nghĩa như thế, nhưng còn có nghĩa là tấm giấy (hoặc tấm lụa, dùng khi con người chưa biết cách sản xuất giấy) viết sẵn hoặc in sẵn để chuyển đạt một thông tin ngắn gọn nào đó cho người khác biết. Trong từ danh thiếp 名 帖 thìthiếp 帖 là tấm giấy nhỏ có công dụng kể trên. Nghĩa này đã được du nhập vào tiếng Việt, như trong các từ thiếp mời,thiếp chúc mừng, v.v... Ngoài ra, ở Trung Quốc ngày xưa, bản chữ Hán viết rất đẹp dùng làm kiểu mẫu để luyện tập viết chữ Hán cũng gọi là thiếp, ví dụ, thiếp Lan đình của Vương Hy Chi (303–361) đời Tấn.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Chữ nghĩa làng văn
Các từ kết thúc bằng âm EN thường chỉ "các động tác đi qua một chỗ hẹp, một cách khó khăn". Thí dụ: Chen, Chẹn, Chèn, Len, Men, Nghẽn, Nghẹn, Nén, v.v...
Nếu chúng ta chịu khó quan sát, tìm hiểu, chúng ta sẽ phát hiện những chữ tuy rất quen thuộc chúng ta sử dụng hàng ngày lại ẩn giấu những quy luật bí ẩn lạ lùng nhưng không kém phần thú vị!
(Nguyễn Hưng Quốc - Tiếng Việt dễ mà khó)

Cũ ta, mới tôi
Ta hãy định nghĩa thế nào là thơ mới: Phong trào thơ mới trước hết là một cuộc thí nghiệm táo bạo. Cuộc thí nghiệm bây giờ đã tạm xong. Và đây là những kết quả:Thể Ðường luật vừa động đến là tan: Thất ngôn và ngũ ngôn rất thịnh. Không hẳn là cổ phong. Cổ phong ngày xưa đã thúc lại thành Ðường luật. Thất ngôn và ngũ ngôn bây giờ lại do luật Ðường giãn và nới ra. Cho nên êm tai hơn. Cũng có lẽ vì nó ưa vần bằng hơn vần trắc. Lục bát vẫn được trân trọng. Song thất lục bát cơ hồ chết, không hiểu vì sao. Thơ bốn chữ trước chỉ thấy trong những bài vè, nay là thể thơ nghiêm chỉnh. Lục ngôn thể trước trong Bạch vân thi tập thỉnh thoảng cũng được dùng.Từ khúc hồi đầu người ta toan đưa làm thể chính thức của thơ mới, đã chết dần cùng với thơ tự do. Luật đổi thanh rất tự nhiên trong thơ Việt chi phối hết thảy các thể thơ. Tóm lại, phong trào thơ mới đã vứt đi nhiều khuôn phép xưa, song cũng nhiều khuôn phép nhân đó sẽ thêm bền vững. Nó đã qua được một cơn sóng gió dữ dội trong khi các khuôn phép mới xuất hiện đều bị tiêu trầm như thơ tự do, thơ mười chữ, thơ mười hai chữ, hay đương sắp sửa tiêu trầm như những cách gieo vần phỏng theo thơ Pháp.Nhưng hôm nay tôi chưa muốn nói nhiều về hình dáng câu thơ. Bây giờ hãy đi tìm cái điều ta cho là quan trọng hơn: tinh thần thơ mới. Cứ đại thể thì tất cả tinh thần thời xưa - hay thơ cũ - và thời nay - hay thơ mới - có thể gồm lại trong hai chữ tôi và ta. Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi.
(Hoài Thanh - Thi nhân Việt Nam)

Triết lý củ khoai

Lúc bé tưởng sự sống và cái chết ở cách xa nhau lắm, giờ mới biết nó chỉ cách nhau một lằn chỉ mong manh

Địa tửu
Rượu ta có 4 địa danh nổi tiếng:
Làng Vân – Bắc Ninh
Kim Long – Quảng Trị
Bàu Đá - Bình Định
Gò Đen – Bến Lức, Long An
Ngoài ra còn có Nguyên Xá (Thái Bình). Kẻ Diên (Quảng Trị), Phụng Hiệp (Cần Thơ). Bà Quẹo, Cả Cần (Mỹ Tho), v.v…
(Nguồn: Mường Giang)

Tiếng Việt trong sáng
Ấn tượng: Theo cụ Đào Duy Anh, ấn tượng (impression) là cái hình tượng do ngũ quan cảm xúc mà còn in sâu vào óc. Vậy ấn tượng là một danh từ của tâm lý học.
Thế mà ngày nay người ta đem dùng làm tính từ như “cảnh đó rất ấn tượng”, và cả động từ nữa, như “tôi rất ấn tượng cảnh đó”.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
(…trích lục lại)
Hai ông bà: Không phải là hai ông, hai bà.
Mà chỉ là đúng một ông, một bà không thôi.
(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)
“Từ điển” của một người Bắc vào Nam sau 75
(Chữ nghĩa làng văn giữ nguyên chữ và câu cú,
không…”nát bàn” với lời bàn Mao Tôn Cương)
Biết hôn = biết không
(không có nghĩa là “Anh có biết hôn không”)
(Nhớ đâu viết đấy… - Nguyễn Văn Trường)

Máy văn chương
Trong lời nói đầu của Notre Dame, Victor Hugo đã nói đến sự giẫy chết của nghệ thuật kiến trúc khi máy in chào đời. Chưa có máy in, nhân loại chỉ có thể nhắn gửi tư tưởng mình cho đời sau trong những khối đá, những công trình kiến trúc. Với máy in, họ có thể làm điều đó một cách chóng vách và hiệu quả. Kiến trúc phải lùi vào bóng tối. Rồi đây, những thay đổi chóng mặt của kỹ thuật - nhất là lĩnh vực tin học - sẽ ảnh hưởng như thế nào đến văn chương. Vật vã trong cỗ máy vi tính, những hình thức văn chương tồn tại bao đời có bị bức tử hay chăng? Người ta đã nói nhiều về một viễn ảnh những vật dụng quen thuộc như cuốn sách hay cây bút chỉ được trưng bày ở viện bảo tàng. Khi đã làm quen với chiếc keyboard, ai cũng có thể trở nên lười biếng với cây bút và cuốn sổ tay; sự thay đổi của thói quen “viết lách” sẽ ảnh hưởng thế nào trong phong cách sáng tác? Rồi sự ra đời của loại “sách điện tử” sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thú đọc sách? Văn chương bao giờ cũng cần đến hai yếu tố: người viết và độc giả. Với những độc giả nay “đọc” và “lướt qua” bài viết để thích nghi với hình thức tiêu hoá nhanh. Và sau đấy bài viết mất hút. Danh phận của người làm văn chương cũng dần dà tan biến trong thời đại siêu truyền thông. Văn chương rồi sẽ vật vã như thế nào đây để giữ lại chút danh phận bèo bọt của mình? Le Corbusier, người được xem là một trong những nhà kiến trúc vĩ đại nhất của thế kỷ 20, cho rằng nhà là “một cái máy để ở”. Còn văn chương, nếu phải “mới” để sinh tồn, phải mới để “bắt mắt” như vậy, sẽ biến tượng thành loại…”máy” gì đây? ”Máy văn chương?”
Quả là một ý niệm khôi hài, nhưng là khôi hài đầy nghiêm chỉnh!
(Nguyễn Hưng Quốc - Cái mới: bản chất của sáng tạo)

(còn tiếp)

 

Đăng ngày 19 tháng 11.2017