Chữ nghĩa làng văn
15 tháng 04.2015
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.
Ca dao và lịch sử
Ca dao có, tuy không nhiều, những bài liên quan đến lịch sử:
Nhớ em anh cũng muốn vô
Sợ chuông Nhà Hồ, ngại phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Chuông Nhà Hồ nội Tán cấm nghiêm
Phá: lạch biển.
Phá Tam Giang : cái lạch biển ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên. Về phía tây nam có 3 con sông là Tả Giang, Hữu Giang và Trung Giang chảy vào đổ ra cửa biển Thuận An.
Ngày trước vùng này sóng lớn, thuyền bè qua lại rất nguy hiểm. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, sau này nước cạn đi nên còn được gọi là Hạc Hải (bể cạn).
Tác giả cho là chuông đây là “cái chuông” của nhà Hồ tức Hồ Hán Thương khi kéo vào đánh Chiêm Thành. Nhưng đúng ra thì câu ca dao trên có từ thời Đào Duy Từ với chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) và “truông” đây là rừng chứ không phải “cái chuông”. Vì truông nhà Hồ thuộc rừng Hồ Xá Lâm thuộc phủ Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị thường có bọn cướp bóc khách qua đường và bị ông Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng dẹp tan.
(Trần Bích San – Nguồn gốc văn học Việt Nam)
Buôi
Buôi : ăn nói đãi buôi
ăn nói bãi buôi
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Báo Ngày Nay đình bản năm nào?
Trong bài Cười cợt để sửa đổi phong hóa..., Động Đình Hồ nói tham chiếu bài Thư gửi cô Mai, cô Loan của Nguyễn Thị Vinh thì tuần báo Ngày Nay đình bản năm 1939.
Nhưng ngay dòng dưới, Động Đình Hồ cho in hình bìa tờ Ngày Nay số 222 phát hành ngày 24. 8. 1940 để chứng minh là năm 1939 báo Ngày Nay chưa đình bản và gián tiếp cho Nguyễn Thị Vinh là sai. Có thể bà Vinh sai thật vì ngay khi trả lời cuộc phỏng vấn của Anh Vân đăng trên nguyệt san Hương Quê số 47 tháng 8. 1998 xuất bản tại Houston, TX, bà cũng nói rằng "Hiện nay tôi cũng có một số tài liệu về việc ấy (TLVĐ) nhưng không bảo đảm sự chính xác. Do đó không dám phổ biến”.
Tôi đề nghị tòa soạn Thế Kỷ 21 nên mượn chính tờ bìa Ngày Nay số 222 của Động Đình Hồ để coi tận mắt và đính chính lại ngày khai tử của Ngày Nay.
(Đặng Trần Huân – Bẩy vị tinh tú)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Con nhà tông không giống lông cũng... giống khỉ.
Chữ Hán, chữ Nho
Thế kỉ 20, có các ông Ðào duy Anh và Thiều Chửu có công khi biên soạn các từ điển Hán Việt.
Tuy nhiên Hán Việt bao trùm toàn bộ các từ ngữ Trung hoa là thế, chỉ có một phần của Việt ngữ mà thôi, cho nên nhóm Khai trí ở Hà nội (1931), và gần đây nhất có hai ông Trần Văn Giáp (1898-1973) và Lê Ngọc Trụ (1909-1979) đã cho ra đời những cuốn từ điển gồm cả các từ có gốc Hán Việt và các từ bắt nguồn từ ngôn ngữ dân gian.
(Mạn đàm về Hán Việt trong Việt ngữ - Trần Văn Kiệm)
Bưa
Bưa: đủ độ
(nắng chưa bưa, mưa đã đến)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Gốc gác địa danh Huế: tiếng Chàm
Hầu hết sách báo bấy lâu nay đều cho rằng Huế là do đọc trại chữ Hoá tiếng Hán trong tên gọi Thuận Hoá? Điều có thể khiến nhiều người ngạc nhiên: địa danh Huế xuất xứ từ tiếng Chàm.
Năm 1915, trên tờ Bulletin des Amis du Vieux Hué, học giả Léopold Cadière đã trích mấy đoạn từ Voyage et Missions của Alexandre de Rhodes: “Thành phố mà đức vua ngự trị gọi là (…?). Khi đi qua, chúng tôi nghỉ lại ở “Hoâ”.
Riêng dạng Hoâ tương đương dạng Hoá, dấu mũ trên chữ a chắc do ấn công người Âu nhầm lẫn. Dẫu sao, vào thời Alexandre de Rhodes, dạng Huế như hiện nay với âm ê đóng là chưa có. Như vậy các dạng Hoé, Hué, Hoá. Tài liệu của các tác giả Âu châu gồm Bồ Đào Nha, Hà Lan và Pháp tất cả đều phiên âm tên Hán – Nôm của vùng này là Thuận Hoá.
Thực tế, dạng Hoé tiền thân của địa danh Huế đã tồn tại trong dân tộc người Chàm.
Trước thế kỷ XIV, chính xác là trước năm Đinh Mùi 1307 lúc triều Trần chính thức tiếp quản hai châu Ô và Ry (Lý) thì người Chăm tại lưu vực sông Hương gọi địa bàn mình trú ngụ bằng tên Hoé.
Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi chi tiết vào năm Nhâm Thìn 1472, niên hiệu Hồng Đức thứ III: “Ra sắc chỉ cho Thái bộc tự khanh xét họ tên của bọn người Chiêm.”. Nhiều gia đình người Chiêm, tức Chăm, mang họ Bá, Bạch, Cái, Chế, Hàm, Hứa, Ma, Ông/Ôn, v.v., lưu lại xứ Thuận Hoá bấy giờ vẫn gọi đất này là Hoé giống trước kia và giống cách phát âm của bà con họ ở Ninh Thuận lẫn Bình Thuận ngày nay. Địa danh cổ xưa đó về sau được Dictionnaire Căm - Vietnamien - Français (Từ điển Chăm- Việt-Pháp) của Gerard Moussay xuất bản tại Phan Rang năm 1971 ghi là Hwe.
Hwe tiếng Chăm có nghĩa hương thơm, chuyển thành Huế. Điều đó khiến hậu thế ngộ nhận rằng Huế do Hoá đọc trại ra.
Đất lề quê thói
Chửa trâu
Nếu người vợ chửa lâu ngày chưa sinh, vùng quê gọi là chửa trâu. Nguời chồng phải:
Lén cắt giây thừng sỏ mũi con trâu cái.
Hoặc đóng cái cọc vào chân cái cối xay gạo.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)
Tiếng Tàu khó… thương
Hỏi: Xin hỏi quý đồng bào một câu, lâu ngày nên Long tôi quên mất câu nào là “nghi bất hoặc” (chẳng hồ nghi) và câu nào là “tri thiên mệnh” (biết số trời?). Xin đa tạ quý bà con.
Đáp: Là “nhi bất hoặc”, không phải "nghi". Từ câu luận ngữ:
Tam thập nhi lập
Tứ thập nhi bất hoặc
Ngũ thập nhi tri thiên mệnh
Lục thập nhi nhĩ thuận
Thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ.
- "Tam thập nhi lập" có nghĩa là khi người ta tới 30 tuổi thì tự lập mới có thể vững vàng. Thực tế đã có nhiều người tự lập từ trước lứa tuổi 30 và cũng có người không tự lập được ở ngoài lứa tuổi 30. Đây là trường-hợp của những người có chí tự lập hay không.
- "Tứ thập nhi bất hoặc" có nghĩa là khi người ta tới 40 tuổi mới có thể hiểu thấu mọi sự lý trong thiên hạ, phân biệt được việc phải hay trái cũng như hiểu được ai là người tốt hay xấu, và biết được cái gì nên làm hay không.
- "Ngũ thập nhi tri thiên mệnh" có nghĩa là khi người ta tới 50 tuổi mới có thể thông suốt chân lý của tạo-hoá, tức là hiểu được mệnh của trời. Không phải bất cứ ai tới 50 tuổi là đạt được trình-độ "tri thiện mệnh".
- "Lục thập nhi nhĩ thuận" có nghĩa là khi người ta tới 60 tuổi thì đạt đến tri hành, kiến văn, và kinh nghiệm về cuộc sống. Nhờ đó, người ta có thể phán đoán được về các sự kiện. Khi nhìn hay nghe thấy điều gì, người ta hiểu thấu mọi lẽ.
- "Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ" có nghĩa là tới 70 tuổi, con người sẽ biết về cách xử thế. Nhờ đó mà mỗi khi người ta định nói điều gì hay làm việc gì thì thể hiện đúng với cái tâm của mình. Ở vào tuổi từ 70 trở lên nếu tự tìm tòi học hỏi, có kiến văn quảng bác, có tu tâm dưỡng tính và có kinh nghiệm về cuộc đời.
(Trau giồi tiếng Việt - ĐatViet.com)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Mòn: là trông chờ lâu quá
Theo tự điển tiếng Việt ở Hà Nội (Văn Tân Nguyễn văn Đạm)
Giai thoại làng văn
Tiền Phong, vốn là một nhà viết kịch và đóng kịch ở Bắc, bắt đầu nổi tiếng từ đó và cũng từ đó anh thành ra một tên tuổi trong làng dịch tiểu thuyết Tầu, nhứt là từ “Cô Gái Đồ Long” cũng đăng trên báo “Đồng Nai”, làm cho báo ấy in không kịp bán. Hai chữ “Kim Dung” thành ra thần tượng ở nước ta bắt đầu từ đó. Nhiều báo khác thấy thế, đua nhau dịch tiểu thuyết chưởng, khi có truyện Kim Dung thì tranh nhau mua về dịch. Kết cục, dịch tiểu thuyết Kim Dung thành ra một cái... dịch, báo nào đăng nhiều truyện Kim Dung thì chạy, báo nào không có thì ế, vì độc giả mê Kim Dung quá, ngồi đâu người ta cũng bàn tán với nhau về Kim Dung.
Tôi đã từng thấy có những độc giả làm những cử chỉ mới đầu tưởng như có thể làm vinh dự cho báo này hay báo nọ: họ đến sạp báo hỏi mua một tờ và giựt lấy đọc lia lịa một hồi rồi trả tiền và biếu luôn tờ báo cho người bán báo và đi. Té ra họ mua báo chỉ đọc thật nhanh cho thật “đã” truyện chưởng của Kim Dung rồi thôi, không cần đọc gì khác nữa. Người làm báo thật yêu nghề, thấy thế, không khỏi cảm thấy trơ trẽn vì bao nhiêu tâm huyết của mình đem ra làm báo đều vô ích: Làm cho báo chạy có phải là chủ bút, chủ nhiệm, thư ký tòa soạn, bỉnh bút hay phóng viên đâu, nhưng là một người xa tít tận đâu đâu viết cho người Trung Hoa coi rồi mình đem ra nhai lại mà thấy vẫn ngon như thường!
Này, thế tôi đố anh có dám cá với tôi không nào; cái thằng Lệnh Hồ Xung nó mê con Nhạc Linh San, thế rồi con Nhạc Linh San gặp thằng Lâm Bình Chi, đẹp trai hơn, lại mê thằng Lâm Bình Chi. Anh dám cá không: tôi bảo thằng Lệnh Hồ Xung rồi lại quay lại với con đó đấy, chớ đến kết thúc rồi nó cũng chẳng lấy con Doanh Doanh hay con ni cô Nghi Lâm như nhiều người tưởng lầm đâu. Ấy đấy, anh cá với tôi đi nào!
(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)
Chữ nghĩa thập niên 20
Đắc lộc – Là con hươu. Sách Liệt tử chép rằng: Có một người ở nước Trịnh bắt được một con hươu, đánh chết đi, lấy lá chuối phủ kín, rồi đem dấu ở miếu Thành hoàng. Vì mừng quá nên mất trí khôn, quên chỗ dấu, nên ngỡ là chuyện trong giấc mộng.
Hai chữ ấy dùng để chỉ một việc có cũng như không.
(Phan Mạnh Danh – Đắc Chung Tự)
Tiếng Huế, tiếng Chàm VIII
Ảnh hưởng tiếng Chàm - tiếng Việt, miền Trung có danh từ bọ.
Bọ (Chàm, bo), phát âm gần giống tiếng Việt. Ra khỏi Bình-Trị-Thiên, Nghệ An cũng nói bỗ. Bổ là té, ngả (Chàm: buok). Thì ra đồng bào Mường xứ Nghệ nói bọ, đồng bào gốc Chàm cũng bỗ, Nghệ An không xa Hà Nội bao lăm, nhưng miền Bắc không có bọ.
Từ tiếng ệnh oạng (Chàm: ing-oang) đêm khuya sau vườn ngập nước mùa lụt lội, đến am miếu um tùm (Chàm: um-dum), tảng đá linh thiêng, bụi cây (Chàm: bul cây) đám cỏ mùa đông gió lạnh, hoa lá buồn ủ ê, èo ọp (Chàm: họp)!
(Nguyên Hương - Bên lề 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế)
Thanh mai trúc mã
“Mai” đây là “quả mơ” chứ không phải là cây mai. “Thanh mai” là trái mơ xanh. “Trúc mã” là con ngựa đồ chơi làm bằng tre. Câu này lấy từ điển cố trong bài thơ “Trường ca hành” của Lý Bạch.Tả mối tình thơ ngây của đôi trai gái, cậu bé cưỡi ngựa tre giả, chạy quanh giường đùa với cô bé. Mối tình “ Thanh mai trúc mã” là mối tình của đôi trai gái quen nhau, yêu nhau từ thưở bé.
(Duy Lý – báo Tự Do)
Bợm già mắc bẫy cò ke
Cò ke là một loại thân thảo. Quả cò ke khi chín có màu đen, vỏ nhẵn là món ăn đặc biệt ưa thích của các loài chim. Bẫy cò ke có cấu tạo đơn giản nhưng nếu chim đã chui đầu vào ăn mồi quả cò ke bị cần bật sập ngay. Vì vậy mà khi chim đã bị “mắc bẫy cò ke” thì khó lòng thoát và nghĩa bóng là mưu lừa rất tầm thường.
Trong câu tục ngữ “Bợm già mắc bẫy cò ke” có một sự đối lập: Bợm già là những tay bợm lão luyện, lọc lõi trong nghề lừa lọc thế mà bị mắc bẫy cò ke tức là bị mắc mưu lừa tầm thường! Tục ngữ này phản ảnh những kẻ dù có anh hùng, ngang dọc cũng có lúc bị sa cơ thất thế bởi những mưu chước rất tầm thường.
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)
Đề: Tả chú gà trống.
Nhà em có nuôi một chú gà trống. Chú khoác trên mình bộ váy sặc sỡ. Sáng nào chú cũng dậy sớm chạy ra sân và kêu cục ta cục tác để dụ đám gà mái. Em rất yêu quý chú vì hàng ngày chú đều đẻ trứng cho mẹ em đi chợ bán.
Tửu phùng tri kỷ, thiên bôi thiểu?
Hỏi : Kính chào toàn thể quý cao thủ tiền bói nhà nho: Mình đã nghe rất nhiều câu “tửu phùng tri kỷ, thiên bôi thiểu” mà chẳng hiểu câu thứ nnì nghĩa gì hết, xin thọ dáo các tiền bói, mình biết mình viết say chính tả nhiều lắm xin các tiền bói bỏ qua cho...
Đáp : Uống rượu (nhậu) mà gặp tri kỷ (bạn đời, bạn tâm đầu ý hợp, bạn tâm giao), thì ngàn chung vẫn còn thấy ít đấy ông bạn à.
Cái này là cách nói cường điệu hoá của người xưa chứ mặc dù là cái chung tuy nhỏ nhưng thực tế ít người uống được ngàn chung.
Tửu phùng tri kỷ, thiên bôi thiểu
Thoại bất đồng tâm, bán cú đa
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
(Nguồn ĐatViet.com)
(còn tiếp)