SEADRIFT, MỘT BI KỊCH VIỆT MỸ

Từ Thức

Đi coi Seadrift ở Cinémathèque, Paris. Seadrift là một cuốn phim của Tim Tsai, về một cuộc xung đột đẫm máu giữa ngư dân gốc Việt và ngư dân da trắng tại một vùng biển Texas, Hoa Kỳ
Rất thích Cinémath, cơ sở của bộ Văn hoá Pháp, nơi sưu tầm, tích trữ tất cả những gì liên hệ tới nghệ thuật thứ bảy, trình chiếu phim của các điện ảnh gia độc lập, hay những tác phẩm hiếm quý, ngoài hệ thống thương mại. Sau phần chiếu phim, cũng thú vị không kém, là phần đạo diễn thảo luận với khán giả

TIM TSAI, người Mỹ, gốc Đài Loan, 38 tuổi, nói những gì xẩy ra ở làng đánh cá Seadrift là một trang sử của Texas, không thể để chìm vào quên lãng.
Chuyện xẩy ra cách đây 40 năm, nhưng đề tài nêu ra vẫn còn là vấn đề thời sự, có lẽ nóng bỏng hơn bao giờ hết: vấn đề kỳ thị chủng tộc, vấn đề di dân, những xung đột không thể tránh, trong cuộc sống chung giữa những cộng đồng không cùng một văn hoá.
Đây chỉ là một buổi ra mắt, cùng một lúc ở California. Có thể phim sẽ được trình chiếu ở những nơi có cộng đồng người Việt, hay phát hành dưới dạng DVD, sau khi đã chiếu trên đài truyền hình Mỹ PBS.




TỪ ALAMO BAY TỚI SEADRIFT
Trong một cuộc đụng độ giữa các ngư dân, ở ngoài khơi Seadrift, năm 1985, một thanh niên gốc Việt bắn chết một ngư dân da trắng, Billy Joe Aplin.
Không khí Seadrift đã ngột ngạt, khó thở từ ngày dân tị nạn người Việt , càng ngày càng đông, tới hành nghề, gây khó khăn cho cho chuyện mưu sinh của dân địa phương, trở thành một cơn bão tố hận thù.
Tổ chức kỳ thị chủng tộc KKK không bỏ qua cơ hội, nhẩy vào, hô hào dân địa phương nổi dậy, trừng trị và đuổi hết dân tị nạn ra khỏi nước Mỹ.
Nhiều gia đình Việt, Mỹ cửa đóng then cài, không dám ra đường. Thuyền bè nhà cửa của người Việt bị đốt phá. Nhiều người phải bỏ nghề, bỏ Seadrift đi nơi khác tìm đất sống.
"Đất nước này là của chúng tôi", câu đó người ta nghe thấy, không phải chỉ ở Seadrift, nhưng ở khắp nơi trên thế giới, từ ngày có phong trào di dân.
Louis Malle, một đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Pháp, trước đây đã thực hiện cho Hollywood cuốn phim Alamo Bay về cùng một đề tài.
Alamo Bay (1985) là một chuyện hư cấu, xây dựng trên những gì xẩy ra ở Texas. Seadrift là một cuốn phim tài liệu, nhưng hấp dẫn từ đầu tới cuối, trong đó không có lời bình của người làm phim, chỉ có lời tường thuật và ý kiến của những người trong cuộc, cả hai phe Mỹ, Việt. Người làm phim chỉ ghi nhận, không bày tỏ ý kiến. Seadrift nói lên những nỗi đoạn trường của người Việt ở Texas, không quên nhắc tới thảm kịch của boat people, và trước đó, cuộc di cư của 1954 của những người từ miền Bắc chạy vào Nam VN, lánh nạn Cộng Sản

ASIAN TEXAN
Tim Tsai bắt đầu theo đuổi đề tài Seadrift sau khi đọc bài viết về sư kiện Seadrift của iến sĩ THẢO HÀ (hay Hà Thảo) trong cuốn "Asian Texas: our Histories and Our Life", Irwin Tang xuất bản năm 2008.
Tim mời Thảo Hà, giáo sư Xã hội học tại MiraCosta College, Nam California, cộng tác, trở thành nhà đồng sản xuất và trong 7 năm, đã giúp Tim tìm gặp, phỏng vấn các ngư phủ VN. Cùng một ngày với Paris, cuốn phim được Thảo Hà trình chiếu ở MiraCosta College.

Tim Tsai và Thảo Hà

Tim cho hay rất khó thuyết phục ngư dân Việt nói về thảm kịch, có lẽ vì họ không muốn gợi lại những kỷ niệm đau thương, muốn quên quá khứ, để hướng về tương lai. Đó là tâm lý chung của người Việt, không muốn gợi lại những vết thương quá bi thảm của mỗi người, mỗi cá nhân.
Seadrift, chiếm giải Spotlight Award, tại VietFilmFest 2019, cũng nói lên nghị lực phi thường của người Việt tỵ nạn. Đến với hai bàn tay trắng, ngày nay đã an cư lạc nghiệp, nhiều người đã thành công.
Seadrift, qua lời kể của người Việt, là một đoạn đường chông gai. Một người nói: tôi đã chạy CS hai lần, rất sợ phải chạy một lần nữa. Một bà nói: họ rất ghét mình, chỉ muốn đuổi mình đi nơi khác. Nhưng cũng pha nét khôi hài. Một ngư dân nói: tôi có bệnh say sóng, sợ biển, ghét đi thuyền, ngày nay trở thành ngư dân chuyên nghiệp, hoặc: tôi phải bỏ Seadrift đi nơi khác kiếm ăn, cuối cùng nhớ Seadrift, phải mò về. Một người Mỹ nói: họ phạm luật chài lưới, bị phạt, khai tên Nguyễn, cảnh sát bó tay, không biết phải gởi giấy phạt cho ai, vì cả làng họ Nguyễn.
Seadrift cũng nói lên cái lớn, cái đẹp của công lý Hoa Kỳ. Bồi thẩm đoàn, 12 người, tất cả da trắng, trong vụ xử vụ án Billy Joe Aplin, đã tha bổng thủ phạm người Việt, vì lý do tự vệ chính đáng.
Chính quyết định can đảm này của toà án, trong khi KKK gào thét chung quanh, đã đổ dầu vào lửa, gây náo loạn cả thị trấn.

NHỮNG NGỘ NHẬN CHẾT NGƯỜI
Qua cuốn phim, người ta hiểu hơn những gì đã xẩy ra ở Seadrift. Trước hết là sự khó khăn trong cuộc sống chung đụng thường nhật giữa hai cộng đồng, xa lạ từ ngôn ngữ tới văn hoá, lối sống.
Các nhân chứng Mỹ trách người Việt, không hiểu từ đâu tới, càng ngày càng đông, khiến đời sống đang êm ả, thoải mái trở thành khó khăn. Họ trách người Việt bất chấp lề lối hành nghề địa phương, đánh cá vớt tôm ngày đêm, không nghỉ, công nhân nhận lương rẻ mạt, khiến nhiều người Mỹ thất nghiệp. Khán giả Pháp không khỏi nghĩ tới câu trách móc: người di dân tới "manger le pain des Francais" (ăn bánh mì của người Pháp), thường nghe thấy trong những nhóm cực hữu.
Những người Việt đầu tiên tới Seadrift theo lời gọi của một hãng sản xuất đông lạnh, với lương 40 dollars mỗi ngày, là lương không người Mỹ nào nhận làm. Với số tiền tiết kiệm, họ mua thuyền đánh cá, làm việc không ngừng nghỉ, càng ngày càng phát triển, gạt một số người bản xứ ra ngoài.
Người Việt trách người Mỹ kỳ thị, tìm mọi cách phá hoại thuyền bè, lưới, rọ bắt cá của người Việt, với một thái độ, và những hành động khiêu khích, dẫn tới những cuộc đụng độ thường xuyên, và cuối cùng là án mạng.
Cuốn phim đi tới một kết luận gần như một "happy end". Bốn mươi năm sau, không khí đã lắng dịu. Hai bên đã hiểu nhau hơn.
Một ngư dân Việt nói: có một số ít kỳ thị, bạo hành, nhưng Hoa Kỳ là đất lành, đa số người Mỹ là người tốt.
Một cựu quân nhân Mỹ, mang kỷ niệm cay đắng về chiến tranh VN, trước đây nghĩ những người Việt ở Seadrift là... Cộng Sản, không hiểu tại sao phải đóng thuế để nuôi những người Cộng Sản mò tận tới một xó ở Texas để gây rắc rối cho cuộc sống của họ. Khán giả ngạc nhiên, nhưng nhẹ nhõm, thấy ông ta phải mất mấy chục năm mới tìm hiểu rằng những người Việt đó đứng cùng một chiến tuyến.
Nhiều nhân chứng Mỹ trách chính quyền địa phương và trung ương không có một nỗ lực nào, thí dụ tổ chức những cuộc gặp mặt để hai bên hiểu nhau hơn.
Cô con gái của Billy Joe, người Mỹ bị bắn chết, nhìn nhận thủ phạm không có chủ ý giết người, và muốn quên chuyện cũ để sống.
Được hỏi anh có mục đích, khi thực hiện cuốn phim, tố cáo tệ nạn kỳ thị chủng tộc và tìm cách để các cộng đồng hiểu nhau hơn hay không, Tim Tsai nói chủ ý khởi đầu chỉ là muốn thuật lại một chuyện xẩy ra trên nước Mỹ, nhưng dần dần, qua các nhân chứng, không thể không nghĩ tới những điều đó.
Hy vọng cuốn phim sẽ khiến những người Việt, ngày nay khắt khe với những di dân mới, nhớ về quá khứ của chính mình để có thái độ nhân bản hơn.
Cô con gái của Billy Joe nói, với thời gian, cô ta nghĩ nếu người Mỹ không tham chiến ở VN, người Việt đã không phải rời bỏ đất nước để tới sinh sống ở Seadrift. Cuốn phim của Tim Tsai, với vài đoạn ngắn về cuộc di cư 54 và thảm cảnh boat people sẽ giúp những người Mỹ như cô ta hiểu rõ hơn lý do tại sao người Việt chạy tới Seadrift, hay khắp nơi trên thế giới.

MỘT CUỐN PHIM VỀ NGƯỜI VIỆT
Đã đến lúc, muộn còn hơn không, phải có một cuốn phim giải thích, cho những người không theo dõi thời sự hiểu: nếu không có Công Sản, người VN, vốn gắn liền với ruộng vườn, làng xóm, không bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ làng lên tỉnh, chưa nói chuyện hy sinh tính mạng, trèo lên thuyền, vượt biển tìm đất sống, nơi xứ lạ quê người.
Chúng ta cần, khẩn cấp, một cuốn phim để nói với thế giới chúng tôi là ai, tại sao chúng tôi phải trôi giạt chân trời, góc biển. Chỉ có ngôn ngữ điện ảnh làm được chuyện đó, nhưng phải có một cuốn phim đáng gọi là một tác phẩm điện ảnh. Không phải là những phim tài liệu, tuyên truyền ngây ngô, chắp vá.
Ngày nay, lớp trẻ VN đã có nhiều người theo học nghề phim ảnh, không lẽ không có ai đủ khả năng?. Và nhiều người Việt thành công, trở thành triệu phú ở nước ngoài, nên nghĩ tới chuyện tài trợ một dự án nghệ thuật có ý nghĩa, có tầm vóc, hơn là bỏ tiền làm những chuyện vớ vẩn.



Paris 17/11/2019
tuthuc-paris-blog.com
________

 

TỰ SƯỚNG

Từ Thức

KAMEL DAOUD, nhà văn Algérien viết tiếng Pháp nổi tiếng nhất, tới nói chuyện tại vài đại học Đài Loan, Hongkong.
Daoud, bình luận gia của Le Point, The New York Times, nhận xét : khi người Á Châu nói về quá khứ thuộc địa, họ không bộc lộ căm thù. Họ bình tĩnh rút tỉa những bài học quá khứ, để xây dựng hiện tại, hướng về tương lai.
Họ không ngần ngại nhìn nhận cả những điều tốt chế độ thuộc địa để lại. Trái hẳn với những người Phi Châu, hay Bắc Phi nơi Kamel Daoud sinh sống, chỉ ngồi khơi lại mối thù xưa, đổ hết lỗi cho quân thuộc địa, đã rời xứ từ hai phần ba thế kỷ. Dùng quá khứ thuộc địa để bào chữa cho tình trạng chậm tiến của đất nước, cho sự bất lực, thối nát, thiếu khả năng và tinh thần vô trách nhiệm của chính mình. ‘’ Le colonialisme a bon dos ‘’: quá khứ thuộc địa có cái lưng đủ dài, để cõng tất cả những thất bại thê thảm của hiện tại.
Daoud nghĩ đó là cái túi khôn của người Á Châu, biết vứt bỏ gánh nặng của quá khứ, để nhẹ nhõm bước tới, khiến họ tiến bộ nhanh chóng, bắt kịp, đôi khi vượt qua những ông chủ thực dân ngày xưa, trong khi các nước Bắc Phi vẫn lẹt đẹt, ì ạch chạy đằng sau
Về nhận xét này, Kamel Daoud lầm.
Không phải Á Châu, nơi nào cũng như vậy. Bên cạnh Á Châu thông minh, cũng có Á Châu tối dạ,dốt nát. Chẳng hạn Việt Nam.
Đảng Cộng Sản dành hết nỗ lực trong việc nhồi vào đầu óc người dân, từ khi biết nói, đủ mọi huyền thoại về những cuộc chiến tranh thần thánh, không quên tưởng tượng , bịa đặt, một cách lố bịch, những hành động phi thường của phe ta, thí dụ đậu máy bay, ngồi trên mây, chờ máy bay địch, về tội ác của ‘’địch ‘‘, thí dụ lính miền Nam ăn thịt người.
Khi thực tế đen tối, bệ rạc, người ta đánh bóng quá khứ, đem quá khứ mài ra ăn thay cơm, uống thay nước. Quanh năm suốt tháng lễ hội kỷ niệm chiến thắng, vinh danh anh hùng.
Khi dân bất mãn, người ta dựng kẻ thù ngày xưa dậy để dân có đối tượng căm thù. Khi nhục nhã trước sự xâm lấn của ‘’người nước lạ ‘’, người ta lôi quá khứ đánh Tây, diệt Mỹ ra liên hoan, đánh trống thổi kèn, để ‘’tự sướng’’.
Gần một nửa thế sau khi gây ra cuộc nội chiến tương tàn, thay vì hàn gắn vết thương, để cùng nhau đưa đất nước đi lên, người ta vẫn hăng say ăn gan, uống máu quân thù. Bởi vì không biết làm gì khác.
28/11/2019
tuthuc-paris-blog.com 

____________

 

BỐN KHÔNG

Từ Thức
 
Ba không trong chính sách quốc phòng không đủ, tập đoàn cầm quyền vừa thêm cái KHÔNG thứ tư, quái lạ, nhục nhã đối với một quốc gia đang bị xâm lăng : không dùng vũ lực, hay đe doạ dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Ba cái KHÔNG cũ đã là một cách tự trói tay, trói chân chịu chết : không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này đánh nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự.
Không đánh, không đỡ, không kêu, không kiện : quân đội để làm gì, ngoài việc đi cướp đất , cướp nhà của dân?
Hàng ngũ tướng lãnh đông đảo lúc nhúc để làm gì, ngoài việc kinh tài, đeo huy chương tới rốn diễn hành những ngày lễ, cất lều bạc tỷ khi còn sống, xây lăng mênh mông khi chết ?
Cam kết không xử dụng, trang bị võ khí hàng tỉ dollars của dân để làm gì, ngoài việc thâu tiền lại quả ?
Bốn không : thông điệp gởi ‘’nước lạ’’ rất rõ: đàn anh cứ việc đánh chiếm, đàn em cam đoan sẽ không hỗn láo chống trả, kêu cứu, thưa kiện.
Thông điệp gởi thế giới rất rõ : chúng tôi sẽ không bắt tay với bất cứ nước nào muốn chống Tàu.
Nhục. Và đau, khi nghĩ người Cộng Sản nhân danh độc lập, đã gây chiến tranh giết hại hàng triệu người, máu chẩy thành sông, xương chất như núi
Muốn làm livestream, hỏi các oan hồn, tử sĩ nghĩ gì về cái 4 không của Đảng ?


27/11/2019
https://www.facebook.com/tu.thuc

___________

Báo chí quốc tế đồng thanh nhìn nhận : dân Hong Kong đã thành công một cách ngoạn mục trong việc biến một cuộc bầu cử không quan trọng thành một cuộc trưng cầu dân ý chống Tàu, khiến Bắc Kinh mất mặt, bối rối, Tập Cập Bình suy yếu trong nội bộ đảng.
Dưới đây là ý kiến của Pierre Haski, một bình luận gia của đài phát thanh Pháp France Inter, sắc bén trong những phân tách chính trị quốc tế, đặc biệt là chính trị vùng Đông Nam Á

HONG KONG: LÀN SÓNG DÂN CHỦ

ĐÃ KHIẾN BẮC KINH BỐi RỐi

Pierre Haski
(France Inter 26/11/2019)



Vấn đề của những chuyên viên tuyên truyền, là khi họ bắt đầu tin vào những lời tuyên truyền của chính họ. Đó là chuyện đang xẩy ra hiện nay giữa Hong Kong và Bắc Kinh, khi những người cầm quyền Trung Hoa khám phá kết quả cuộc bầu cử mà chắc họ không ngờ. Họ đã quá tin vào luận điệu về một phong trào phản kháng thiểu số, bị ngoại bang dựt giây
Kết quả bầu cử (hôm Chủ Nhật) chắc đã làm rung chuyển bức tường Trung Nam Hải, trụ sở trung ương của đảng CS ở Bắc Kinh. Họ chờ đợi đa số thầm lặng, nhưng một làn sóng dân chủ đã tràn tới. Bắc Kinh đã chịu một thất bại, một trong những thất bại nghiêm trọng nhất trong 7 năm ngự trị của Tập Cận Bình, uy thế sẽ suy kém trong cuộc tranh chấp quyền lực không ngừng nghỉ trong nội bộ đầu não Đảng.
Những nhà dân chủ HK đã gặt hái một chiến thắng vượt cả giấc mơ điên rồ nhất của họ. Cuộc bàu cử không đáng quan tâm, tự nhiên trở thành một cuộc trưng cầu dân ý, sau 6 tháng biểu tình, đàn áp, và những người hoạt động trẻ đã chiến thắng. Phe dân chủ chiếm 385 ghế, so với 59 ghế của những người thân Bắc Kinh, ngày nay nắm 17 trên 18 quận, với một số cử tri tham dự nhân gấp đôi: một kết quả không cần bàn cãi.
Để giải thích thành quả này, trước hết là vấn đề thế hệ: đa số dân HK đã tín nhiệm giới trẻ, bởi vì chính họ sẽ sống thời đại hậu tự trị, từ 2047, khi HK rơi vào chế độ chung của nước Tàu. Tất cả những người nghĩ rằng dân sẽ bỏ rơi giới trẻ, sau những bạo động và rối loạn, đều lầm
Sau đó, là phản ứng tệ hại của nhà cầm quyền địa phương, và trên hết, nhà cầm quyền Bắc Kinh. Họ đã mất quá nhiều thời gian trước khi tạm hoãn, và sau đó rút bỏ dự luật dẫn độ cho phép đưa người phạm pháp tới lục địa. Và họ đã để cho lực lương cảnh sát địa phương, bình thường rất ‘’ british ‘’ ( kiểu Anh ) trở thành những Robocop tàn bạo.
Một lãnh tụ hành chánh, Carrie Lam, được Bắc kinh che chở đã bất lực trong việc đề nghi một cuộc đối thoại, không một chút thông cảm, không một ý thức chính trị trong suốt cơn khủng hoảng. Có thể bà ta sẽ bị nổ như cầu chì ( fusible )
Phản ứng đầu tiên của Bắc Kinh là nhắc lại Trung Cộng vẫn làm chủ tình hình, và sẽ không tha thứ bất cứ chuyện xét lại nào, nhưng không đưa ra một lối thoát chính trị. Sợ truyền nhiễm, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã loan tin có bầu cử ở HK, nhưng không cho biết kết quả.
Tại Bắc Kinh, người ta không có thói quen nghe những thông điệp diễn tả một cách dân chủ, trong khi dân HK quyết định không ngưng nửa chừng. Mạnh hơn sau kết quả bầu cử, họ đã trở lại với yêu sách thời Dù Vàng 2014, đòi phổ thông đầu phiếu chọn lựa người lãnh đạo địa phương, trong khi hiện hay chuyện lựa chọn nằm trong tay một cử tri đoàn trực thuộc Bắc Kinh. Vấn đề là Bắc kinh đã từ chối và sẽ không thay đổi thái độ
Phong trào công dân ngày nay phải đương đầu với một chọn lựa chiến lược, sau chiến thắng bấu cử. Hoặc tiếp tục quấy rối chế độ, chưa chắc sẽ thâu lượm được gì, hoặc củng cố thành quả chính trị có được từ hôm Chủ nhật, để biến Hong Kong thành một thành trì dân chủ giữa một biển độc tài
https://www.franceinter.fr/…/…/geopolitique-26-novembre-2019
Facebook Từ Thức
_____________

BẦU CỬ HONG KONG:
TIẾNG THÉT TRONG PHÒNG PHIẾU

Từ Thức

Phe dân chủ đã thắng lớn trong cuộc bầu cử hội đồng quân tại Hong Kong ngày Chủ Nhật.
Với số người tham dự kỷ lục, thắng lợi của phe dân chủ là một thông điệp cho thế giới thấy dân Hong Kong bất tín nhiệm Carrie Lam, phản đối chính sách của chính quyền địa phương, do Bắc Kinh dựt giây.
Phe dân chủ đã muốn biến cuộc bầu cử cấp quận, thường thường rất ít cử tri tham dự, trở thành một cuộc trưng cầu dân ý rầm rộ chống Bắc Kinh.
Cuộc trưng cầu dân ý đã thành công.
Tới giờ này, chưa chính thức, nhưng kết quả cho thấy 385 ứng cử viên dân chủ đã đắc cử , trong tổng số 452 hội viên, trước đây đại đa số thân Tàu. Phe dân chủ chiếm đa số tại 17 trên 18 quận của Hong Kong.
Báo chí quốc tế đã theo sát một cuộc bầu cử cấp quận, trước đây không ai để ý, vì hội đồng quận không có trách nhiệm, thẩm quyền chính trị gì, ngoài những quyết định liên hệ tới đời sống hàng ngày, như chuyện lượm rác, thay đổi giờ mở cửa nhà giữ trẻ hay hồ bơi.
Một quan sát viên nói: người Hong Kong đã có sáng kiến và khả năng biến một cuộc bầu cử vô thưởng vô phạt thành một cuộc cách mạng, không hơn không kém.

400.000 CỬ TRI MỚI
Trước sự đàn áp dã man của quân đội, cảnh sát, theo lệnh của Bắc Kinh, dân Hong Kong, đặc biệt là giới trẻ, đã dùng cuộc bầu cử quận như một hình thức đấu tranh chính trị.
Họ đã vận động được 400.000 người, trước đây chưa bao giờ đi bầu, xa lạ với ‘’ chính trị’’, ghi tên vào danh sách cử tri.
Từ sáng sớm Chủ Nhật, hàng dẫy người đã xếp hàng, và khi phòng phiếu đóng cửa, 20 giờ30, vẫn còn cử tri đứng chờ, rất đông
Kết quả là trên 71% cử tri tham dự, so với những kỳ trước, chưa bao giờ đạt tới 50%.
Các ứng cử viên dân chủ đã thắng khắp nơi, mặc dù trong suốt tuần lễ, các medias, hầu hết trong tay Bắc Kinh, đã hô hào dân chúng, đặc biệt là dân gốc lục địa, đi bỏ phiếu để ‘’phản đối các hành động phá rối trật tự, đã đưa Hong Kong tới hỗn loạn, phá sản ‘’.
Phe dân chủ đã đưa vào hội đồng quận những khuôn mặt trẻ, đa số vô danh, vì nhiều nhân vật tranh đấu nổi danh, đứng đầu là Joshua Wong, đã bị loại khỏi danh sách ứng cử viên với những lý do bịa đặt trắng trợn, lố bịch.
Carrie Lam vừa tuyên bố, sau khi thấy kết quả, thê thảm đối với chính quyền, sẽ lắng nghe dân và tìm những giải pháp thích ứng.
Có lẽ cách thích ứng duy nhất là bà ta từ chức. Carrie Lam, con cờ lộ liễu của Bắc Kinh, từ chức hay không cũng chẳng thay đổi gì, nhưng chính trị là những biểu tượng.
Trong một bối cảnh bình thường, cuộc bầu cử hội đồng khu phố không có một hậu quả chính trị gì.
Trong kỳ tuyển cử sắp tới, hội đồng quận chỉ được đưa vào hội đồng lập pháp Hong Kong ( gọi là LegCo, Legislative Council ) 6 nghị viên, tới lượt phải bầu lại, trong số 117 ghế dành cho hội đồng quận.
LegCo, với tổng số 1200 ghế, tới nay đại đa số là người của Bắc Kinh, có nhiệm vụ quyết định chính sách, luật lệ Hong Kong, kể cả việc lựa chọn đặc khu trưởng ( Carrie Lam ).
Chính hình thức bầu bán phản dân chủ của LegCo là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên xuống đường từ phong trào Dù Vàng, cách đây 5 năm

BE WATER
Tập Cận Bình, với thiết giáp, súng đạn, tưởng đã dẹp xong ngọn lửa phản kháng.
Tập đoàn Bắc Kinh đã lầm, như có nhiều người đã nhận xét: Cộng Sản Tàu không hiểu gì về Hong Kong.
Và họ tiếp tục từ chối nhìn, nghe và hiểu. Bắc Kinh ngang ngược nhắc lại, cách đây vài phút, là Hong Kong thuộc lãnh thổ của Trung Hoa
Với chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ Nhật, tuổi trẻ HK, được đa số dân chúng ủng hộ, chứng tỏ họ quyết liệt đấu tranh tới cùng.
Họ đã đủ trưởng thành để tranh đấu dưới bất cứ hình thức nào, từ anh dũng đương đầu với quân đội man rợ ngoài đường phố, tới việc bày tỏ lập trường trong phòng phiếu.
Qua lá phiếu, họ gào thét vào mặt cả thế giới: chúng tôi muốn sống, chúng tôi không muốn trở thành Tàu Cộng.
Sức mạnh của họ là sự uyển chuyển.Len vào từng kẽ hở của đối phương. Như nước. Be water
(tuthuc-paris-blog.com. Tin tổng hợp AFP, Reuter, AP, South China Morning Post...)


25/11/2019
Fb Từ Thức

___________


TRÍ THỨC GIẾT NGƯỜI

Từ Thức

Mấy bữa mỏi tay, gõ một bài, dài thoòng, về các nhà trí thức thiên Cộng, nhất là về cái tai hại của họ đối với lịch sử, chợt nhớ một đoạn Milan Kundera viết về chuyện này.
Tìm đọc lại và xé bài đang viết, vứt vào sọt rác. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt: tác giả ‘’ L’insoutenable légèreté de l’être ‘’, trong vài dòng, đã nói hết, khỏi cần thêm thắt gì.
Milan Kundera, văn hào Pháp gốc Tiệp, đã sống với Công Sản và hiểu xã hội CS hơn ai hết
Kundera: "Những người nghĩ rằng các chế độ Cộng Sản chỉ là sản phẩm của một bọn sát nhân, đã xếp vào bóng tối một sự thực căn bản : những chế độ sát nhân không phải do bọn sát nhân tạo ra, nhưng là con đẻ của những kẻ nhiệt thành, tin như đinh đóng cột là mình đã tìm ra con đường duy nhất dẫn tới thiên đàng. Và quyết tâm bảo vệ con đường đó, họ đã giết rất nhiều người. Sau đó, người ta thấy rõ là không có thiên đàng, và những kẻ nhiệt thành là một bọn sát nhân".
 ———-
Để lại nguyên văn tiếng Pháp dưới đây, bởi vì dịch là phản, nhất là khi người dịch có khả năng hạn chế, và rất khả nghi:
"Ceux qui pensent que les régimes communistes sont exclusivement la création de criminels laissent dans l’ombre une vérité fondamentale: les régimes criminels n’ont pas été façonnés par des criminels, mais par des enthousiastes convaincus d’avoir découvert l’unique voie du paradis. Et ils défendaient vaillamment cette voie, exécutant pour cela beaucoup de monde. Plus tard, il devient clair que le paradis n’existait pas et que les enthousiastes étaient des assassins".


23/11/2019
tuthuc.paris.blog.com

___________

Một video rất nên coi và phổ biến rộng

Tiếng nói quả cảm, nhưng rất chân thành của một phụ nữ dấn thân. Không có những kêu gọi suông, những khẩu hiệu nổ, những đao to búa lớn. Chỉ là lời nói chân tình của một phụ nữ nông dân, nếu sống trong một xã hội tử tế, chắc cũng chỉ lo chuyện chồng con.
Trong vài phút ngắn, bà CẤN THỊ THÊU , người đã nhiều lần đi tù vì đấu tranh chống cướp nhà, cướp đất, cho thấy thực trạng và dân trí ở nông thôn ngày nay
Bà Thêu nói ngày nay dân đã hết sợ rồi. Công an càng ngày càng tàn bạo, nhưng chúng càng độc ác, người dân càng quyết liệt đấu tranh hơn nữa. Trước kia, chỉ tranh đấu cho gia đình mình, nhưng chính cái tàn bạo không giới hạn đó đã khiến nhiều người, như bà, ngày nay coi chuyện tranh đấu như một nghĩa vụ, dù phải hy sinh cả gia đình. Chỉ tự oán trách mình đã không làm hơn được.
Mạng xã hội cũng cho người tranh đấu thấy mình không lẻ loi. Nếu mọi người đoàn kết, xã hội sẽ thay đổi rất nhanh.
Bà Thêu cũng nêu một thực tế này : ý chí của người tranh đấu bền bỉ, nhưng khó khăn kinh tế khiến cuộc tranh đấu lâu dài khó khăn. Công Sản biết điều đó. Chúng cho công an ủi, san bằng lúa, ruộng của người dân
Thay đổi tới từ bên trong. VN sẽ thay đổi, nếu có nhiều bà Cấn thị Thêu
Video này là một trong những cuộc phỏng vấn các phụ nữ tranh đấu trong nước, do tổ chức nhân quyền THE 88 PROJECT, thực hiện.


https://diacritics.org/2018/04/30184/…
https://www.youtube.com/watch…


23/11/2019
https://www.facebook.com/tu.thuc

___________

Nghiêm trọng


Tại sao những ông trùm Cộng Sản lúc nào cũng có vẻ nghiêm trọng, ai đụng tới là phạm tội xúc phạm lãnh tụ, ai dỡn chơi là đi tù ?
Montesquieu: «nghiêm trọng là hạnh phúc của những kẻ ngu xuẩn» ( la gravité est le bonheur des imbéciles )
Milan Kundera: «tôi ý thức được giá trị của khôi hài khi sống dưới chế độ độc tài kiểu Staline ( Stalin) Tôi nhận ra ngay một người không phải là đệ tử của Staline, một người không có gì để ta phải e ngại, qua cái cách anh ta mỉm cười. Cái chất khôi hài là một dấu hiệu để ta có thể tin cậy. Từ đó, tôi kinh hãi trước một thế giới đã mất hết khả năng khôi hài» (*)
Cũng như Kundera (văn hào Pháp gốc Tiệp), Eugèng Ionesco ( kịch tác gia Pháp gốc Roumanie ) hiểu thực chất độc tài CS hơn ai hết.
Ionesco: "Ở nơi nào không biết khôi hài, ở đó không còn nhân tính; ở nơi nào không có khôi hài, ở đó có trại tập trung, cải tạo"(**)
 Vẫn Kundera: "Trẻ con không có quá khứ, đó là cái bí mật giải thích cái ngây thơ tuyệt vời trong nụ cười của chúng". (***) Trong khi với quá khứ của họ-mờ ám, nhiều khi đẫm máu-, có lẽ là một cái may cho cho thiên hạ, khi những đầy tớ lớn không cười nữa.

20/11/2019
tuthuc-paris-blog.com 
 
(*) J’ai appris la valeur de l’humour sous la terreur stalinienne. Je savais toujours reconnaître quelqu’un qui n’était pas stalinien, quelqu’un dont je n’avais rien à craindre, à sa façon de sourire. Le sens de l’humour est un signe de reconnaissance auquel on peut se fier. Et depuis, je suis terrifié par un monde qui perd son humour
(**) Où il n'y a pas de l'humour, il n'y a pas d'humanité; où il n'y a pas de l'humour, il y a le camp de concentration;
(***) Les enfants sont sans passé et c'est tout le mystère de l'innocence magique de leur sourire

____________

 

"Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh"


Gần một nửa thế kỷ, sau ngày "giải phóng", mà vẫn chưa xoá bỏ nổi, quả thực văn hoá miền Nam trước 75 độc hại thiệt.
Mặc dù cấm đoán, kiểm duyệt, đe doạ, dân vẫn nghe nhạc vàng, hát nhạc vàng hơn là nhạc không độc hại của ông này. Đau thật.
Mặc dầu đã dốt sách, đã bỏ tù, đã hành hạ, đã bức tử các văn nghệ sĩ, ngày nay người ta vẫn moi văn thơ trước 75 ra đọc, hơn là ngồi tụng niệm Nguyễn Phú Trọng Toàn Tập, Nông Đức Mạnh Toàn tập. Ức thật.
Giọng điệu vừa đểu, vừa ngu, sặc mùi căm thù, gió tanh mưa máu này, tưởng như từ một anh cán bộ làng, trong một cuộc đấu tố man rợ năm nào, xỉa xói vào mặt địa chủ.
Khó tưởng tượng của một người chễm chệ trên cái ghế chủ tịch Liên Hiệp Văn học nghệ thuật thành phố HCM ở thế kỷ 21. (Tội nghiệp cho các thành phố trên thế giới: không có Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, không được những ông chủ tịch như ông này chỉ huy, dạy bảo, bao giờ mới biết mặt mũi văn học, nghệ thuật nó ngang dọc thế nào?)
Thế giới đang tưởng niệm 30 năm ngày lật đổ bức tưởng Berlin. Trong khi người ta đã thống nhất đất nước không nổ một phát súng, đưa cả dân tộc đi lên, ở một xó tranh tối tranh sáng, vẫn còn những anh đồ tể xắn tay áo, vác giáo mác đi tìm chặt đầu những người không nghĩ như mình, không làm thơ, viết nhạc như mình. Năm mươi năm sau, vẫn thề phanh thây, uống máu quân thù.
"Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh". Kinh thiệt, cụ Nguyễn Du ạ. Lạnh xương sống.

14/11/2019
Fb Từ Thức

___________


XE ĐẠP

Từ Thức

Trên mạng, facebooks Việt ngữ, cái vidéo được share nhiều nhất lúc này là cảnh 2 "tổng thống Pháp và Đan Mạch" đi xe đạp bên nhau, thăm viếng thành phố.
Sự thực, không có chuyện 2 tổng thống đi xe đạp, bởi vì Đan Mạch không có tổng thống, chỉ có thủ tướng.
Như tại các nước quân chủ lập hiến ở Âu Châu, quốc trưởng Đan Mạch là nữ hoàng Margrethe II, chỉ có vai trò tượng trưng. Việc quản trị quốc gia trong tay thủ tướng. Chức Thủ tướng rơi vào tay đảng nào chiếm đa số tại quốc hội, hay chiếm nhiều phiếu nhất, hợp tác với một nhóm khác để có đa số.
Tóm lại, tổng thống Pháp Macron đi xe đạp bên cạnh thủ tướng Đan Mạch Lars L Rasmussen.
Chuyện đi xe đạp rất phổ thông ở các nước Bắc Âu. Từ thủ tướng, bộ trưởng tới dân chúng, cả nước đi xe đạp. Hoàng tử, công chúa tới trường bằng xe đạp, như con người đổ rác, trừ khi có vấn đề an ninh. Không phải đi mua tờ báo hay ổ bánh mì cũng leo lên xe hơi
Họ hiểu trước mọi người là đi xe đạp là bảo vệ môi trường, không làm ô nhiễm môi trường và là thuốc phòng ngừa, chữa trị bá bệnh.
Khi một thói quen đó trở thành một văn hoá, chuyện mọi người đi xe đạp là chuyện thường, như uống cà phê.
Tại Pháp, số người đi xe đạp gia tăng, các thành phố có đường dành riêng cho xe đạp, nhưng chưa có văn hoá xe đạp. Số bộ trưởng, dân biểu đi làm bằng xe đạp còn hiếm. Macron cũng chỉ thỉnh thoảng đi xe đạp ngày weekend hay nghỉ hè.
Chính khách đi xe đạp ở Pháp cũng khó. Ngoài chuyện an ninh, còn chuyện đụng độ với dân. Dân Pháp thấy mặt tổng thống, thủ tướng là gây gổ, phản đối, đòi hỏi. Tại sao năm nay tôi chưa được tăng lương ? Vợ tơi có thai, tại sao phải đi 5 kms mới có "xưởng đẻ"?
Ở VN, chắc sẽ khó có chuyện đầy tớ lớn đi xe đạp, vì người quê mùa, mới giầu, vẫn cho leo lên xe là sang, xe càng lớn, càng đắt tiền, càng sang trọng. Thi nhau phun khói vào mặt mũi thiên hạ.
Đó cũng là một cái hay. Bởi vì khi đầy tớ thích xe đạp, sẽ có cái màn dẫn lâu la đi tịch thu xe đạp của phản động. Dân sẽ không cón chiếc xe đạp để di chuyển. Người lạc quan tìm thấy cái vui trong cái buồn...


https://www.youtube.com/watch?v=2cuitGu3s-E

11/11/2019
Fb Từ Thức
___________


KỴ BINH

Từ Thức

Công an VN, sau dự án không quân, tính thành lập một đội kỵ binh, hùng dũng như kỵ binh các nước Âu Châu.
Vấn đề là kỵ binh để làm gì?
Chống khủng bố ?
Nhưng khủng bố hoành hành ở Tư Chính, Trường Sa, Hoàng Sa, cưỡi ngựa vượt biển hơi khó.
Chống biểu tình?
Ai biểu tình ở một xứ dân kính trọng, yêu mến lãnh tụ, tôn trọng luật pháp, coi bất công, oan ức là do số mệnh, coi chính trị là việc của nhà nước? Tụ tập đông người để làm gì, ngoài chuyện đi bão bóng đá, chen lấn nhau tới chết vào chùa giải vong, hay đàn đúm nhậu nhẹt?
Tóm lại, kỵ binh chỉ để làm cảnh, đưa lãnh tụ tới lăng an nghỉ, hay đón tiếp vua quan nước lạ tới dạy bảo. Hay dẹp mấy bà bán hàng rong trên vỉa hè. Dùng ngựa hữu hiệu, ngoạn mục hơn là công an đạp rau cỏ, hàng hoá của những bà buôn thúng bán mẹt.
Vấn đề là làm sao kiếm ra những con ngựa ra con ngựa
Michael Herr, dân Texas, trong cuốn bút ký nổi tiếng về chiến tranh VN, Ditpaches (bản tiếng Pháp: Putain de mort), than phiền: xứ gì (putain de pays) mà không thấy bóng dáng một con ngựa. Quả vậy, không hiểu tại sao người Việt ít nuôi ngựa.
Kỵ binh, tại sao không? Với điều kiện phải tuân theo vài điều kiện:
-Ngày nghỉ, không dùng ngựa kéo xe thổ mộ , đưa bồ nhí đi shopping, chở đồ lậu.
-không ăn thóc của ngựa, nếu không muốn có một đội kỵ binh với đàn ngựa da bọc xương.
-khi ngựa đau ốm, phải dùng thuốc thiệt. Với người, thuốc giả có thể công hiệu đôi chút, vì lý do tâm lý, nhưng với súc vật, hoàn toàn vô hiệu.
-không hành hạ ngựa, nếu không muốn bị ngựa đá. Ngựa không giỏi chịu đựng, nhẫn nhục như dân.

08/11/2019
tuthuc-paris-blog. com

___________

MỘT QUỐC GIA, HAI CHẾ ĐỘ

Từ Thức


Ở VN cũng có tình trạng một quốc gia, 2 chế độ. Chế độ dành cho gia chủ và chế độ dành cho đầy tớ.
Gia chủ có bổn phận nuôi dưỡng, hầu hạ và vâng lời đầy tớ. Để giữ gìn trật tự xã hội, gia chủ phải thi hành pháp luật, đầy tớ thi hành nội quy đảng.
Phạm pháp, gia chủ bị pháp luật trừng trị, 10, 20 năm tù hay tử hình. Đầy tớ bị áp dụng nội quy, từ khiển trách nhẹ tới khiển trách vừa vừa. Càng lên cao, khiển trách càng nhẹ, và kín đáo.
Tội của gia chủ bị pháp luật trừng trị nặng nhất là đụng tới Formosa, tới nước lạ, bây giờ gọi là nước ngoài, và nói xấu lãnh đạo.
Tội của đầy tớ là tham nhũng, cướp của giết người, ấu dâm, đầu độc dân, bán nước.
Pháp luật là để trị dân, nội quy là để đóng cửa dạy nhau, trao đổi kinh nghiệm luộc ếch (*), vặt lông vịt;
Nếu pháp luật nhớ tới đầy tớ chỉ có mục đích che chở, theo một tiết lộ gần đây : ''nhiều cán bộ có liêm sỉ muốn từ chức, nhưng luật pháp không cho phép ''. Hợp lý, đã cho phép cướp của, giết người, phải cấm có liêm sỉ.
Hai chế độ đó đã và sẽ tồn tại lâu dài, vì được đầy tớ và gia chủ, cả hai cho là công bình, tiến bộ và tôn trọng quyền lợi, nhân phẩm của mọi người. Chỉ thay đổi khi ít nhất một bên thấy thực trạng đó nham nhở, khả ố, man rợ, chửi cha sự thông minh của con người, không thể chấp nhận ở thế kỷ 21
 ____
 (*) nghệ thuật luộc ếch: đun nước nóng từ từ, nếu đun sôi ngay, con ếch sẽ nhẩy ra khỏi nồi, hết món nhậu.

03/11/2019
tuthuc-paris-blog.com 

____________


Kinh hoàng!

2050: MIỀN NAM VN CHÌM DƯỚI NƯỚC BIỂN

Từ Thức

Miền Nam Việt Nam có thể chìm dưới mặt biển trong 30 năm tới, hậu quả của thay đổi khí hậu. Gần một phần tư dân số VN hiện đang sống trong những vùng sẽ bị chìm ngập, theo một nghiên cứu vừa được công bố tại Hoa Kỳ
Theo New York Times, ngày 29/10, những cuộc nghiên cứu mới nhất của Climate Central, một tổ chức khoa học tại New Jersey, số nạn nhân của hiện tượng nước biển dâng cao sẽ gấp 3 con số dự đoán trước đây, đe doạ xoá bỏ nhiều thành phố lớn miền duyên hải trên thế giới, trong đó có các tỉnh miền Nam Việt Nam
Các tác giả bản bản nghiên cứu, công bố thứ Ba vừa qua, cho biết đã áp dụng một phương pháp mới, chính xác hơn, để tính độ cao của đất và nước biển, căn cứ theo các dữ kiện do vệ tịnh cung cấp, để kết luận là những dự đoán trước đây quá lạc quan.
Phương pháp nói trên cho thấy khoảng 150 triệu hiện đang sống trên các vùng sẽ chìm dưới nước trước 2050.

SÀI GÒN CHÌM DƯỚI NƯỚC
Theo Climate Central, ‘’ miền Nam Việt Nam có thể hầu như biến mất ‘’. Bản đồ bên trái dưới đây cho thấy những vùng ven biển sẽ bị ngập nước trước 2050, theo dự đoán trước đây. Bản đồ bên phải : hầu hết miền Nam sẽ bị chìm ngập, theo Climate Central.
Vẫn theo tổ chức trên, một phần của Sài Gòn, trung tâm kinh tế VN, sẽ chìm dưới nước. Hiện nay, trên 20 triệu người Việt đang sống trong những vùng sẽ bị chìm ngập. Những dự đoán này chưa tính những dữ kiện khác, như sự tăng trưởng dân số hay nạn lở đất ven biển trong 30 năm tới
Tại Thái Lan, trên 10% dân số sống trên những vùng bị đe doạ, theo Loretta Hieber Girardet, cư dân Bangkok, phụ trách kế hoạch giảm thiểu hậu quả của thảm hoạ thiên nhiên tại Liên Hiệp Quốc.
 
VIỄN ẢNH KHỦNG KHIẾP
Hiện tượng thay đổi khí hậu sẽ đe doạ các thành phố trên nhiều phương diện, theo Loretta Hieber Girardet. Ngoài nạn bị trực tiếp đe doạ, các thành phố sẽ phải tiếp nhận các nông hay ngư dân nghèo, di cư tới kiếm việc làm. ‘’Đó là một viễn ảnh khủng khiếp ‘’, theo bà Hieber Girardet
Tại Thượng Hải, một trong những trung tâm kinh tế quan trọng nhất Á Châu, nước biển sẽ cuốn trôi trung tâm thành phố và những vùng phụ cận.
Trên khắp thế giới, nhiều thành phố lớn, kể cả các di tích văn hoá, lịch sử sẽ chìm dưới nước Climate Central kết luận : mặc dù viễn ảnh đáng sợ, những vùng trên không nhất thiết bị khai tử, nếu có những biện pháp thích ứng
Benjamin Strauss, tổng giám đốc Climate Central nói: hiện nay, 110 triệu người đã và đang sống dưới mực nước biển, nhờ các hệ thống đê điều, các đập nước. Để tránh tai hoạ, các thành phố sẽ phải đầu tư rất nhiều trong kế hoạch phòng ngừa, và phải khởi công sớm, trước khi quá trễ
Dina Ionesco, thuộc tổ chức điều hợp di dân quốc tế, nói các quốc gia phải nghĩ tới, ngay từ bây giờ, kế hoạch di dân nội địa, đưa dân tới những vùng an toàn hơn. Bà cho hay đã báo động nhiều lần sẽ có những cuộc di dân lớn chưa từng thấy trong lịch sử.
Theo tướng Castellaw, thuộc tổ chức Center for Climate, tai hoạ dân mất đất sống vì thay đổi khí hậu, sẽ đe doạ sự ổn định xã hội, chính trị trên thế giới. Ông nói : đó không phải chỉ là một vấn đề môi sinh, đó còn là một vấn đề nhân đạo, an ninh và quân sự

VN ĐÃ LÀM GÌ ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI TAI HOẠ?
Đọc báo cáo Climate Central và bài báo trên New York Times, người ta không khỏi đặt câu hỏi : Việt Nam đã có kế hoạch gì để đương đầu với đại hoạ trong những năm tới, ngoài những sáng kiến kiểu mỗi nhà trang bị một cái chum hứng nước, hay cõng nước lên núi chữa lửa, hay vơ vét thật nhanh để mua nhà ở ngoại quốc ?
Những nước láng giềng đã ráo riết chuẩn bị.
Lấy thí dụ Indonésie. Chính phủ Indonésie coi viễn ảnh thủ đô Jakarta chìm dưới nước biển trước 2050 là một thực tế không thể nhắm mắt làm ngơ. Họ đã quyết định ...rời thủ đô Jakarta về phía đông Bornéo, ngày nay là một khu rừng hoang.
Những ai đã có dịp ghé Jakarta khó tưởng tượng người ta có thể bỏ một thành phố sầm uất, với 10 triệu dân, để xây một thủ đô mới. Và đó không phải là một dự án trên giấy tờ. Dự án, với ngân khoản khởi đầu khổng lồ 40 tỉ dollars, sẽ bất đầu thực hiện trong vài tháng tới, từ đầu năm 2020 !
Viện Nam sẽ làm gì, hay đúng hơn, không làm gì, không phải là chuyện riêng của một tập đoàn cầm quyền, của một đảng.
Đó là chuyện chung của toàn dân, vì liên hệ tới mạng sống của 20 triệu người, một phần tư dân số. Mỗi người phải lên tiếng, phải có thái độ, đòi hỏi. Không thể thờ ơ với mạng sống của chính mình, của con cháu mình.
https://economictimes.indiatimes.com/…/rising-seas-will-era… by-2050-new-research-shows/articleshow/71814011.cms

31/10/2019
tuthuc-paris-blog.com 





Đăng ngày 29 tháng 11.2019