Tiễn đưa VÕ NHƠN TRÍ

Từ Thức
06 tháng 06.2019
Cách đây vài tuần, anh hẹn tới nhà ăn trưa cùng với một số bạn bè. Giờ chót, anh không tới được, vì đi nhà thương về, "mệt quá, lết không nổi".
Khi anh nói lết không nổi, nghĩa là …lết không nổi, bởi vì tính anh thực thà, không biết bịa đặt, dù để cáo lỗi. Nghĩ chắc tại đôi chân, vì từ mấy năm nay, anh đau chân, đi vài bước phải kiếm chỗ ngồi thở, bóp chân.
Không ngờ anh đang chuẩn bị đi xa.
Tiến sĩ Võ Nhân Trí vừa từ trần ở Paris, hưởng thọ 92 tuổi

THƯ VIỆN
Những ngày gần đây, không thấy anh ở thư viện. Thường gặp anh ở một thư viện nhỏ, quận 10, Paris. Sách không nhiều, cuốn nào đáng đọc đã đọc hết, nhưng báo chí có đủ loại, từ nhật báo, tuần báo tới các đặc san.
Nhiều khi mở một tờ báo, thấy có dấu bút chì gạch dưới vài đoạn. Biết là ông Võ Nhơn Trí đã tới trước. "Tôi đánh dấu để anh đọc những bài đáng chú ý".
Thư viện vừa mất một độc giả trung thành, lúc nào cũng tò mò, muốn tìm hiểu. Gặp, anh hỏi đủ thứ chuyện, phải tường trình đủ chuyện. Anh có thói quen ít người Việt có, nhất là người Việt đôi chút khoa bảng: nghe ý kiến của người khác. Kể cả những người đi sau một thế hệ.
Là công tử Nam kỳ, có dân Tây, đi Pháp sớm, học Luật ở Pháp, kinh tế ở Anh, nhưng Võ Nhơn Trí chỉ muốn về giúp nước.
Theo anh Nguyễn Văn Trần, anh Trí căm thù thực dân từ ngày học nội trú ở Taberd, phòng ngủ sát cạnh bót Catinat, Sài Gòn, đêm nằm giựt mình nghe tiếng rên la của tù nhân bị lính kín Tây tra tấn. Sang Pháp du học, cư ngụ trong Cité Universitaire, anh hoạt động với phe tả.
Anh gia nhận đảng CS Pháp từ 1952 và đảng CS VN từ 1961.
Năm 60, thay vì ngồi ở Paris ủng hộ cách mạng, như nhiều trí thức thiên tả khác, anh về Hà Nội, tưởng sẽ có cơ hội giúp nước. Khám phá ra chuyện coi trí thức là cục phân là một thực tế. Hơn thế nữa, trí thức là một đe dọa cho chế độ, nhất là trí thức trưởng giả, từ Pháp về, tư duy rất khả nghi, dù thật lòng yêu nước. Bởi vì lòng yêu nước không phải là một yếu tố quyết định. Yếu tố quyết định là sự trung thành với Đảng.

NGỒI CHƠI XƠI NƯỚC
Trong suốt thời gian ở VN, anh chỉ ngồi chơi xơi nước, trừ khi chính quyền cần gởi một người có bằng cấp, thông thạo ngoại ngữ đi tuyên truyền ở Bắc Phi. Chế độ không cần chuyên, chỉ cần hồng. Nhất là hồng dễ bảo, không suy nghĩ rắc rối.
Chị Trí, dược sĩ, đang làm cho viện Pasteur Pháp, cũng bỏ việc theo chồng về "giúp nước", được đưa vào một phòng thí nghiệm không thí nghiệm gì, dưới quyền bà trưởng phòng có trình độ chuyên môn tương đương với nhân viên rửa chai lọ.
Ngồi chơi xơi nước là thời gian chưa bị nghi kỵ, vì những lời chỉ trích Đảng và nhà nước của anh được báo cáo đầy đủ. Tiến sĩ Võ Nhơn Trí khám phá ra cách mạng còn dã man với đồng bào hơn cả thực dân trong khám lớn Sài gòn. Khám phá ra người CS không có đất nước, chỉ có Đảng.
Vài năm sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, anh mới được phép từ Hà Nội trở về miền Nam. Một phó thủ tướng nói với anh: nếu cho những người như anh vào Sài gòn ngay khi "giải phóng", nghe anh nói xấu XHCN, chắc thiên hạ sẽ bỏ chạy hết
Sang Pháp tỵ nạn năm từ 1984, anh viết sách, đa số bằng Pháp hay Anh Ngữ (thí dụ: Vietnam economic since 1975, nxp Pasir Panjang. Singapour) vạch trần những tệ hại của chế độ.
Cuốn "Việt Nam cần đổi mới thực sự" (2004) phân tích những lý do đưa VN tới tụt hậu, trong khi các nước trong vùng không ngừng phát triển.
Theo tác giả, muốn ra khỏi cái nhục của một nước chậm tiến, VN phải thay đổi cả về chính trị lẫn chính sách kinh tế, đầy những vụng về, lầm lỗi. Nhưng tác giả bi quan: VN chỉ có thay đổi nếu có một lực lượng đối lập mạnh, và đối lập ở VN đã bị tiêu diệt từ trứng nước.

BỔN PHẬN
Khác với những nhà trí thức thiên Cộng, biết mình lầm đường, nhưng ngậm miệng, anh Trí nghĩ nêu rõ cái sai lầm của chính mình là một bổn phận đối với những thế hệ sau, là một món nợ phải trả.
Những người tiếp xúc với anh Trí thấy anh chống Cộng, gay gắt, kiên trì hơn cả những người đã mục xương trong nhà tù CS. ( Anh chỉ bị nhốt 1 tháng vì bị nghi tính chuyện vượt biên ) Gần như một ám ảnh ngày đêm. Ngay cả khi ăn nhậu, sớm muốn gì cũng đi tới đề tài : làm cách nào chấm dứt được chế độ CS ở VN.
Anh Nguyễn Văn Trần giải thích : đó là phản ứng của một người giầu tình cảm. Theo Cộng Sản vì yêu nước, bị phản bội, còn đau hơn là những người đã biết thực chất CS từ những ngày đầu.
Cuộc đời của anh Trí là một thảm kịch. Như cuộc đời của rất nhiều người VN.
(tuthuc-paris-blog.com)

https://www.facebook.com/tu.thuc

____________

THE LONGEST DAY

Từ Thức
05 tháng 06.2019
Ngày mai, 06/06, Donald Trump, Theresa May và Emmanuel Macron tạm gác những bất đồng, đứng bên nhau kỷ niệm ngày quân đội Đồng Minh, chủ lực là Hoa Kỳ, từ Anh quốc, vượt biển Manche, đổ bộ Normandie (06/06/1944), mở đầu cuộc giải phóng nước Pháp và Âu Châu (Đó là ngày cuối cùng làm thủ tướng của bà May)
Sau trận đánh lớn nhất đệ nhị thế chiến, với 150.000 quân Đồng minh, người Pháp ngạc nhiên thấy lính Mỹ vác xe tăng, trực thăng trên vai cất vào kho ( vidéo dưới đây ). Đó là những xe tăng, máy bay giả, làm bằng cao su để thực hiện những cuộc tấn công giả, bên cạnh những cuộc tấn công thực của Đồng Minh. Trên 1100 nghệ sĩ ở New York đã ngày đêm thực hiện những vũ khí giả cho đội quân ma, The Ghost Army, cứu mạng sống cho hàng chục ngàn binh sĩ.
Cũng để đánh lừa phát xít Đức, một tướng Montgomery giả tới duyệt binh và họp bộ tham mưu ở miền Bắc nước Pháp, để bộ chỉ huy Đức và Hitler tưởng Đồng Minh sắp đổ bộ Pas-de-Calais, bờ biển Pháp gần nước Anh nhất, trong khi tướng Anh Bernard Law Montgomery thiệt chuẩn bị cuộc đổ bộ Normandie.
Sau một ngày dài nhất (coi phim The Longest Day), quân đội Đồng Minh làm chủ Normandie, với sự hy sinh tính mạng của 3400 binh sĩ Hoa Kỳ, 3000 Anh, 335 binh sĩ Canada . Phía Đức, từ 4 tới 9000 người.
Ngày nay, nước Pháp nhượng cho Hoa Kỳ một vùng đất ở Normandie làm nghĩa trang cho các chiến sĩ Đồng Minh đã hy sinh cho tự do.

https://www.facebook.com/tu.thuc.
_____________

BENJAMIN BUTTON VN

Từ Thức

10 tháng 06.2019
Trong một truyện ngắn (1), F. Scott Fitzgerald kể chuyện một người vừa sinh ra đã là một cụ già 70 tuổi, sau đó trẻ dần, sống ngược lại tới ngày thơ ấu.
Benjamin Button là một nhân vật tiểu thuyết, ra đời nhờ óc tưởng tượng không giới hạn của một nhà văn. Ngày nay, ở VN, cũng có trường hợp tương tự.
Một trưởng phòng giáo dục, ông Nguyễn Văn Dũng, huyện Phú Tân, Cà Mau, có bằng đại học trước khi học cấp phổ thông.
Cũng không nên trách ông ta.
Có thể vì chưa cắp sách tới trường bao giờ, ông không biết trên nguyên tắc, phải học mẫu giáo rồi tiểu học, trung học trước khi lấy bằng tiến sĩ, giáo sư.
Chắc ông Dũng không phải là trường hợp duy nhất.
Trước đây, cách mạng coi trí thức là cục phân, bỏ tù hay làm thịt những người có đôi chút hiểu biết. Sau này, ăn phải bả tư bản, thấy nhân viên ngu quá, việc khó chạy, nhà nước bắt cán bộ lãnh đạo phải có bằng cấp. Nhưng đòi hỏi gấp quá, không biết rằng rất khó tốt nghiệp đại học hay trở thành nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn, hay bất cứ cái nhà gì, trong vài tháng, khi chỉ lõm bõm biết đọc , biết viết. Hay chưa biết đọc, biết viết.
Giải pháp là tự cấp bằng cho mình. Hoặc in bằng, hoặc mua bằng giả, hay bằng thiệt. Giả hay thiệt, "same same".
Con đuờng khoa bảng của ông Dũng không đúng quy trình, không phải lỗi của ông, của trường đại học, của bộ Giáo dục hay thằng đánh máy.
Lỗi tại thằng bán bằng, chắc cũng chưa bao giờ lai vãng nhà trường, không biết rằng trên nguyên tắc phải học từ dưới lên trên.
Để cứu vãn nền giáo dục VN, quốc hội có trọng trách khẩn cấp ra luật bắt buộc người buôn bán bằng cấp phải thận trọng trong việc ghi ngày tháng tốt nghiệp.
Orwell, Huxley, Scott Fitzgerald… sống lại, có giầu trí tưởng tượng tới đâu, thấy những gì xẩy ra ở VN ngày nay chắc cũng lắc đầu, chào thua, bỏ bút, giải nghệ.
(1) The curious case of Benjamin Button. F. Scott Fitzgerald
(tuthuc-paris-blog.com)
_____________

TÀI NĂNG

11 tháng 06.2019
Nhà nước và quốc hội sẽ quy định tiêu chuẩn người tài để tuyển dụng cán bộ chăn dắt dân.
Tin này khiến nhiều đầy tớ vừa mừng vừa lo (nói theo kiểu bộ trưởng Giáo dục: vừa mừng, vừa no).
Mừng vì thấy đất nước tiến lên. Guồng máy chính quyền đã nhiều người tài, từ nay sẽ gồm một chăm phần chăm người tài. Xích ra cho người tài làm việc. Lên cơ sở nào cũng đụng người tài, tới cục nào không ý tứ sẽ dẫm lên người tài.
Lo vì tiền bạc nhờ lao động thối móng tay mua được một đống bằng tiến sĩ, giáo sư, chứng chỉ nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà văn, triết gia... ngày nay để gói xôi à?
Đặt tiêu chuẩn người tài là một sáng kiến tuyệt vời, trên thế giới không đâu có.
Vấn đề là vẫn còn nhiều thắc mắc chưa có câu trả lời: giấy chứng nhận là người tài mua cửa nào, giá cả thế nào, có đáng đồng tiền bát gạo không? Có giá trị lâu dài không? Bởi vì không ai cấm các ông ấy nổi hứng, vài tháng sau thay tiêu chuẩn tuyển dụng đầy tớ. Thí dụ phải đẹp chai, top models, chân dài, có khả năng nổ hơn thiên hạ. Hay sức khỏe dẻo dai, bị đột quỵ vẫn sống nhăn, tiếp tục phục vụ dân, chết bỏ.
(tuthuc-paris-blog.com)
______________

12 tháng 06.2019
Sau cuộc biểu tình rầm rộ của hàng triệu dân Hong Kong cách đây vài ngày, chống dự luật cho phép dẫn độ những người bị coi là phạm pháp tới lục địa, những cuộc biểu tình ngày hôm nay, 12/06, đã bị cảnh sát đàn áp thẳng tay.
Cảnh sát đã dùng lựu đạn cay tấn công đòan biểu tình khi dân chúng muốn đột nhập trụ sở quốc hội, khi hết hạn tối hậu thư đòi chính quyền địa phương phải rút bỏ dự luật đe dọa thỏa ước "một quốc gia, hai chế độ", nhìn nhận nền độc lập của Hong Kong, khi đảo này được Anh quốc trả lại cho Trung Cộng, năm 1997.
Chủ tịch quốc hội và chính quyền địa phương, thân Bắc kinh, tuyên bố hoãn việc thảo luận về dự luật nói trên tới một thời gian vô hạn định, nhưng đoàn biểu tình tố cáo đó chỉ là kế hoãn binh, và đòi rút bỏ dự luật vô điều kiện.
Trên 70 người bị thương phải chở vào nhà thương, trong một cuộc đụng độ mạnh nhất với cảnh sát từ ngày Hong Kong sát nhập Trung Quốc, chứng tỏ Bắc Kinh đã chọn biện pháp mạnh.
Các lãnh tụ đoàn biểu tình nói nếu Bắc Kinh tiếp tục đàn áp sẽ có đổ máu.
Hàng ngàn xí nghiệp, thương gia đã đình công bãi thị để ủng hộ những người tranh đấu cho tự do. Các nghiệp đoàn sinh viên, nhiều giáo chức, y sĩ, y tá đã đóng cửa trường, nhà thương để phản đối việc cảnh sát đàn áp những người chống đối.
Tình hình sẽ gay go trong những ngày tới, vì dân chúng hết tin tưởng vào các lời hứa của Bắc Kinh, trong khi nhà cầm quyền lục địa không chấp nhận những vụ nổi loạn có thể trở thành những vết dầu loang. Hiện nay, hàng triệu người Tàu lục địa giáp ranh đảo theo dõi tin tức trên các đài truyền hình Hong Kong.

Từ Thức
(tuthuc-paris-blog.com)


Đăng ngày 15 tháng 06.2019