TÂM LÍ HỌC VÀ TUYÊN TRUYỀN

Chân Diện Mục

Tâm lí học có từ xưa chăng? Không đâu, Các cụ chỉ nghĩ rằng: nhiều người nói, nói nhiều lần thì sẽ có người tin. Chúng khẩu đồng từ ông sư cũng chết!!!
Chuyện Tăng Sâm giết người (Tăng Sâm là học trò ngoan của Khổng Tử): Người báo tin lần đầu, bà mẹ không tin… tới người thứ ba, bà mẹ sợ quá, vượt tường chạy trốn!
Thời cận đại, Âu Châu phát triển tâm lí học rầm rộ. Nhất là từ hồi có ông Freud, ông ta và các đệ tử đã làm cho Tâm Lí học phát triển một bước dài: nhất là ngành phân tâm học! Và đóng góp lớn lao của các vị này là Vô thức và Tiềm thức! Những phát hiện này đã đóng góp rất nhiều cho Giáo Dục học và Xã Hội học. Nhưng những vị này còn nghiên cứu tâm lí cá nhân (!) Khi nào anh vui, khi nào anh buồn, đêm qua anh mộng thấy gì? Anh xụ mặt xuống… là buồn hay giận, hay oán! Sau đó là Đức và nhất là Nga đã nghiên cứu rầm rộ về Tâm Lí học Xã hội (để lôi kéo quần chúng chăng? Phát động quần chúng chăng?). Người ta tìm hiểu xem người giầu nghĩ gì? Người nghèo nghĩ gì? Nông dân nghĩ gì? Công nhân nghĩ gì? Người bị bóc lột nghĩ gì? Ôi! Không hiểu những đóng góp này có… góp phần vào việc xúi người ta căm thù… nổi loạn chăng (?)
Mặt trận tuyên truyền rất quan trọng cho nên trong một chính phủ liên hiệp thì phe tả giành cho bằng được bộ tuyên truyền. Tôi nhớ có một vị tuyên truyền học Liên Xô nói rằng: Trong mặt trận tuyên truyền, nếu ta để kẻ địch làm bàn 1-0 trước thì ta khó gỡ hòa lắm! Tôi lại nhớ có một lần tôi gặp một anh chạy honda đâm vào một người, anh ta rất trái, nhưng anh ta mắng người kia xối xả. Người kia không bị gì nặng nên không muốn dây với một kẻ điên, bỏ qua cho rồi! Thế là người đi đường tưởng anh ta đúng, người kia sai!
Thành công nhất trong tuyên truyền là gây được ấn tượng sâu đậm mà mình muốn! Không gì ấn tượng bằng nói phe địch rất mưu mô, ác độc: Tra tấn phụ nữ bằng cách bỏ lươn vào trong quần, rồi buộc túm ống quần lại!!!
Tôi nhớ thời Pháp thuộc, có một bà cụ ở thôn quê coi tuồng Nhạc Phi – Tần Cối! Bà rất tức giận, phẫn hận, rồi giận buồn mà thành bệnh. Anh con trai biết thế, bèn kêu ban tuồng tới nhà diễn lại vở đó, nhưng cho Nhạc Phi chém đầu Tần Cối!… Thế là bà cụ hả hê… và… khỏi bệnh! Anh này không biết có học khóa tâm lí học nào không?

Nhưng lợi dụng lòng tin hay đánh lừa lòng tin mọi người đôi khi cũng phản tác dụng! Các nhà Tuyên truyền học cũng nên nghĩ lại! Cậu bé gạt người hô: Bớ người ta có chó sói… bớ người ta cháy nhà! Đến khi có thật thì chẳng ai tới cứu nữa!
Các nhà tuyên truyền thứ gộc đôi khi cũng thắc mắc chứ (!) Ờ! Đồng xu nào mà chẳng có hai mặt! Ông Chế Lan Viên khi về già đã chẳng từng thắc mắc: Tôi, Anh, ai xúi người đi vào Huế! Tố Hữu được đọc một bài thơ thuộc loại phản động (!) Một thi sĩ hỏi ông nhận xét gì về bài thơ ấy. Tố Hữu phán ngay một câu: “Cực kỳ phản động cực kỳ hay“. À! Thì ra ngoài thơ tuyên truyền cũng có những bài thơ… “lạ“ mà… hay hết biết!!!
C.D.M.



ĐỐNG RÁC CŨ

Chân Diện Mục

Nguyễn Công Hoan viết Đống Rác Cũ bị phê bình lên bờ xuống ruộng! May mà bản thân ông không có vấn đề gì, các con ông cũng có tiến bộ và công cán! Đặc biệt là người em ruột Lê văn Lương làm cực lớn, bộ chính trị, bí thư Hà Nội! Thế mới biết chơi trò viết văn có ngày đứt tay!
Không biết tôi mắc nợ văn chương kiếp nào mà tôi không thích đống thịt làng… mà cứ thích ngắm đống rác! Tôi thích ăn cay, thích ngắm trăng tàn, thích hoa trái cuối mùa, thích ngắm nước lụt!!!
Vớ được những văn thi sĩ bươi rác ra… Tôi phục lắm! Ồ! Tay này chẳng phải tay vừa!
Bà Phạm thị Hoài viết Thiên Sứ, Man Nương… toàn chuyện khó ngửi… khiến có nhiều người nói bà “giòi bọ hoá“ người mình… và khoác cho bà danh hiệu “Chửi sĩ“! Ồ, họ gọi văn bà là văn không “sạch“ cũng như Tào Tháo chê anh chàng ở truồng Nễ Hành không sạch! Theo tôi Nễ Hành mới là sạch còn ông Thừa tướng Tào Tháo không sạch chút nào! Tôi thích bà Phạm thị Hoài! Có lẽ danh hiệu chửi sĩ bà đã đem tặng lại những người đã tặng cho bà rồi.
Nói đùa chút cho vui thôi! Chứ các văn sĩ sạch như Dương Thu Hương, Nguyễn huy Thiệp, Tạ duy Anh lẽ nào lại ngửi rác. Họ chỉ xét nghiệm xem những rác này có độc cỡ nào! Những "Thánh thần" của Hoàng Minh Tường, "Hồi kí" của Tô Hải, "Thổ địa" của Dương Kỳ Anh, "Chuyện tục ở một xứ thanh" của Xuân Vũ… Không phải tác giả bươi rác ra để hành hạ cái mũi của độc giả đâu?
Cái trò rác rưởi này ông Tầu có trước ta nhiều: "Nho Lâm ngoại sử", "Quan Trường hiện hình kí", "Những chuyện quái đản 20 năm gần đây". Ngày nay, mấy văn sĩ lớn của Tầu như Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Lí Nhuệ, Dư Hoa đã lấy Thiên lí kính chiếu vào những đống rác và thấy rằng những con giòi không phải do ruồi mà ra! Các ông thấy rằng: Nhà dột từ nóc dột xuống, giòi từ trong xương giòi ra! Người cầm lái vĩ đại đã tạo ra hàng triệu đống rác với hàng tỉ con giòi để thiên hạ lé mắt chơi!!!
Bắt tụi mày sống chung với rác
Cho tụi mày chẳng lác cũng đui
Sao có thể sống chung với rác???
Ôi! Cái ngứa mắt, lạ tai không chịu nổi không phải là rác nông nghiệp hay công nghiệp! Không phài là rác nông thôn hay thành thị, mà là: Rác Tư tưởng!!!
Rác Tư tưởng!!!

C.D.M.

 

Đăng ngày 25 tháng 02.2017