banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Halloween hay Lễ Gia tiên của người Mễ

Nguyễn thị Cỏ May

Halloween cho tới nay vẫn là Lễ Ma dành cho trẻ con vui chơi, người lớn buôn bán hàng phục vụ lễ. Một dịp làm sinh động lại thị trường sau hè và trước cuối năm. Người ta vẫn nghĩ Halloween từ Mỹ qua thẳng Âu châu. Với trẻ con, Halloween là lễ của chúng nó.
Người Mễ đón lễ Halloween rất trọng thể, như lễ giổ của người Việt nam. Không biết họ có biết nguồn gốc thật của Halloween là từ Âu châu, các xứ Celtiques gồm Anh và cả Pháp trước khi trở thành xứ Gaule, do di dân âu châu đã đem qua Mỹ châu để rồi ngày nay, Halloween từ Mỹ trở lại du nhập vào Âu châu?

Ai cũng biết Halloween là lễ ma dành cho trẻ con vui đùa, cải trang làm ma, tụ tập nhau đêm 31 tháng mười
đi xin kẹo. Nhưng mai này, nếu chiến tranh nguyên tử xảy ra như Poutine hăm dọa và nhiều nhà quân sự không dám khinh xuất, thì Âu châu chắc chắn sẽ không khỏi trở thành xứ thật sự của ma. Lúc đó Halloween sẽ có nguồn gốc mới và sẽ từ  Âu châu phổ biến ra khắp thế giới một lần nữa!
Trước viễn ảnh đó, nay nhắc lại Halloween tưởng như nói chuyện liêu trai cho vui trong chốc lát vậy:
Nói láo mà chơi, nghe láo chơi
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi
Chuyện đời chán hẳn, không thèm nhắc
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời
(Tản Đà dịch bài thơ đề truyện Liêu Trai)

Nguồn gốc Halloween
Đêm Halloween, trẻ con hóa trang làm ma, từng tốp, lần lượt kéo nhau tới gõ cửa từng nhà trong xóm, xin kẹo. Thường, tới ngày cận lễ, người lớn không quên mua kẹo để dành cho đêm lễ phát cho trẻ con tới gõ cửa. Dĩ nhiên cho tới nay, lễ Halloween ở Âu châu vẫn chưa hào hứng và lan rộng bằng ở Huê kỳ. Thật vậy, cứ nhìn vào con số thu nhập trong dịp lễ này là thấy tầm quan trọng và tính hào hứng của nó: 6,9 tỷ đô-la dân Mỹ xài cho Halloween năm 2013! Năm nay, trước tình hình kinh tế suy thoái, không biết con số thu nhập dịp lễ Halloween có bị ảnh hưởng nhiều không?

Về nguồn gốc, Halloween hoàn toàn không phải là lễ ma của Mỹ. Chúng ta hãy quay trở về quá khứ, một quá khứ thật xa, lối 3000 năm trước, ở xứ Celtiques (chánh thức gồm có Bretagne, Pays de Galles, Cornouailles, Ile de Man, Irlande, Écosse và cả Pháp xưa trước khi trở thành xứ Gaule), nó là lễ hằng năm, trước lễ Toussaint, nhằm ngày 31 tháng 10, ngày cuối năm theo lịch celte. Halloween là một thứ lễ thế tục của dân gian. Lễ mừng năm mới, như lễ Tết của ta vậy. Gọi đúng tên, đó là lễ thần Samain, tức thần Chết. Vào ngày cuối năm, 31 tháng 10, thần Samain cho phép người chết trở về sống vài giờ với người sống. Sợ người chết hay ma, nhơn ngày lễ, tới nhà, đem điều dữ tới, dân Celtes bèn chọn mặc quần áo kiểu cách rùng rợn, dễ làm sợ hãi để mấy con ma thứ thiệt trông thấy ớn quá phải bỏ đi chỗ khác.
Vào thế kỷ XIX, những con ma này theo phong trào di dân Celtes qua Mỹ, ở lại Mỹ và phát triển mạnh ở đó để rồi gần đây lại vượt Đại tây dương trở về cố hương.

Halloween có nghĩa gì?
Từ ngữ Halloween tự nó không có nghĩa gì cả và vì vậy nó không thể được dịch ra bằng một thứ tiếng nào khác mà phải để nguyên như vậy cho mọi người trên thế giới. Halloween chỉ là cách rút gọn thành ngữ «All Hallows' Even». Thành ngữ này có thể dịch là «Ngày hôm trước của lễ các thánh» hoặc «Ngày hôm trước lễ Toussaint». Thời gian qua, «All» biến mất, từ từ nhường chỗ cho «Hallows' Even», rồi tiến tới hoàn chỉnh «Halloween» như ta biết ngày nay.
Những biểu tượng không thể thiếu của lễ Halloween là bí đỏ. Trước kia là củ cải navet (trắng có thêm một phần màu tím). Phù thủy, chim cú, bộ xương, hình tượng ma, con dơi, con nhện...
Vào ngày lễ Thần Chết, người dân Celtes tổ chức lửa trại và ăn uống linh đình, bày ra ở cổng làng. Trên bàn tiệc, người ta bày thêm bánh ngọt, táo để cho ma đói ăn mà không nổi giận và phá phách xóm làng.
Ở Anh, vào buổi tối ngày lễ này là cơ hội để mọi người quây quần trong gia đình, cùng ăn hột giẻ (noisette) hoặc ăn táo, kể chuyện gia đình lúc xưa. Tới thế kỷ XII xuất hiện ngành làm kẹo thì những viên kẹo thay thế hột giẻ và trái táo. Trẻ con bắt đầu rủ nhau tới từng nhà trong xóm, gõ cửa xin kẹo, vừa hát lên «Trick or Treat». Nhưng ở Québec trẻ con lại hát dễ thương hơn «Cho xin kẹo».
Nước Mỹ lúc nào cũng vĩ đại. Thật vậy. Có ai biết trong dịp Halloween, một người Mỹ tiêu thụ tới 3,4 kg kẹo. Nhưng candy corn, thứ kẹo mật, mới là thứ được nhiều người ưa thích hơn hết.
Ở Âu châu, từ thế kỷ XV tới những năm 50, vào mùa gặt hái, tức vào dịp lễ Các Thánh, người ta lấy củ cải hoặc bí đỏ khoét làm miệng, làm mắt, đặt vào bên trong cây nến cháy, đem để ở lối vào nông trại. Nghĩ làm như vậy để những ai có ý vào nông trại ăn cắp hoa màu mà sợ, không dám tới. Trẻ con trông thấy nảy sanh ý kiến hóa trang làm ma để người ta sợ mà cho chúng nó kẹo.
Nhưng mãi cho tới năm 1997, lễ ma Halloween mới thật sự trở về Pháp và định cư luôn cho tới nay.
Hallowen đem lại sự vui nhộn cho trẻ con nhưng cũng giữ nhiều tục lệ dân gian đẹp. Như ở Ái-nhỉ-lan (Irlande), có một truyền thống đẹp tên là  barmbrack. Đó là một thứ bánh bông lan nhưn trái cây. Bánh làm xong, trước khi đưa vào lò nướng, người ta để vào giữa một thẻ gỗ nhỏ. Khi đem ra ăn, ai ăn nhằm miếng bánh có thanh gỗ đó thì chắc chắn sẽ có người yêu trong năm tới.
Truyện Bloody Mary kể lại một phụ nữ vì bị người yêu bỏ, cô ta bèn mặc quần áo trắng, tự tử. Sau đó, cô ta trở thành hiển linh. Ai muốn gặp lại cô nàng, rất dễ. Vào phòng tắm, để một cái gương lớn, thắp một ngọn nến, định thần nghĩ về nàng, kêu tên nàng 3 lần và xoay người làm 3 vòng, rồi nhìn vào gương sẽ thấy nàng hiện ra. Nhung coi chừng nếu chẳng may nhằm lúc nàng giận, nàng sẽ móc mắt người dám gọi tên nàng!

Pháp vẫn là xứ có nhiều ma
Đúng vậy, ở Âu châu, nhiều xứ nổi tiếng có ma. Anh với những lâu đài cổ kính đầy ma, với Dracula. Pháp hiện nay có nhiều lâu đài nổi tiếng có ma, ngoài cái hầm lưu giữ hài cốt của hằng triệu người ở Paris Quận XIV, còn có Rouffach, thành phố vùng Alsace, ai cũng biết có ma. Hằng năm, dân Rouffach giữ thông lệ tổ chúc lễ Phù thủy, tức lễ giành cho những «Phụ tá của Quỉ». Như để sống với ma.
Ở đây, từ giữa thế kỷ XV tới XVII, là nơi Tòa án Giáo hội điều tra những người bị nghi hay bị tố cáo là phù thủy. Những vụ điều tra này thường kéo dài, với những cực hình để tội phạm phải thừa nhận tội làm phù thủy. Theo tài liệu địa phương ghi lại, chỉ ở căn nhà mà ngày nay làm cửa hàng bán choucroute (củ cải muối, bào nhuyễn, ăn với saucisse, giò heo hầm – món đặc sản của địa phương, nhứt là vào mùa lạnh), có không dưới 50 người bị thiêu sống. Phòng ăn ở dưới hầm hãy còn giữ lại một số vết tích xưa của thời mà nơi đây làm phòng điều tra. Nhưng phải công nhận món choucroute ở đây thật ngon. Ăn và uống vin Alsace thì không còn sợ ma nữa.
Ở đây có ma, chắc cũng là thứ ma hiền vì người ta ở và làm ăn được. Nhưng Lễ Phù thủy vẫn diễn ra hàng năm để nhắc lại chuyện xưa.
Suốt qua 2 thế kỷ, theo những nhà sử học và tài liệu ở Văn khố địa phương, thì ở Rouffach đã có ít lắm là 6000 người ngoại đạo bị thiêu sống, nhiều hơn gấp đôi bên Lorraine.  Phù thủy gọi là «Phụ tá của Quỉ», phần lớn, tới 90%, là đàn bà, 9% là đàn ông và 1% trẻ con.  Trong buổi thẩm vấn, có người bị lột da nên ít có ai được may mắn mà sống sót khi đã vào đây.
Chế độ khủng bố làm cho mọi người đều sợ hãi nhằm mục đích duy trì trật tự xã hội ổn định và quan trọng hơn hết là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Giáo hội Tin lành.
Sau 2 thế kỷ rùng rợn đó, ngày nay ở Rouffach còn lại món choucroute với vin Alsace tuyệt vời. Còn lại lễ Phù thủy được dân chúng địa phương tổ chức trọng thể vào giữa tháng 7 hàng năm, với ánh lửa bập bùng suốt đêm để nhắc lại ngọn lửa thiêu sống những người bị buộc tôi phù thủy, với hàng chục ngàn người tham dự. Lễ hàng năm ngày nay chính là cách «Phù thủy» phục hận!

Phù thủy trong lễ Phù thủy ở Rouffach, Alsace

Halloween hay lễ Gia tiên của Mễ
Với người Mễ ở Nam Mỹ, Halloween trở thành lễ El Dia de Muertos (Lễ người chết). Halloween tới nay hiện diện khắp nơi trên thế giới. Cả ở Việt nam tuy Việt nam ngày nay vốn là xứ xhcn, nhà cầm quyền tuyên truyền cho dân chúng không tin di đoan, chỉ tin Mác, Mao, Sịt và Hô Chí Minh mà thôi vì niềm tin này là "khoa học", là "chơn lý"!

Lễ vật cúng người chết của dân Mễ

Halloween chưa phải là lễ duy nhứt của người chết. Ngày lễ người chết của dân Mễ có nguồn gốc từ nhiều ngàn năm. Khi người Tây-ban-nha (Espagnol) tới Nam Mỹ, mang theo những tục lệ Thiên chúa giáo thì những tục lệ mới này đã làm thay đổi sâu rộng lễ người chết cổ truyền của dân Mễ. Trước tiên là ngày tháng của lễ nay được đem thống nhứt với ngày lễ các thánh (Toussaint, ngày 1 tháng 11). Trước kia, ngày lễ phân chia ra trong suốt cả năm. Nhiều nhứt là vào tháng 8 thì nay chỉ còn vào ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11.
Những điều quen thuộc tiêu biểu của Thiên chúa giáo như địa ngục, thiên đàng, thánh giá, Đức Mẹ, liền được đưa vào truyền thống Mễ và biến lễ người chết cổ truyền của Mễ trở thành lễ «Dia de Muertos» hoặc «Dia de los Muertos» hay Halloween ngày nay.
 
Người Mễ cử hành lễ Halloween
Trong suốt những ngày lễ, người dân tin là dịp hồn của người chết về dạo chơi nơi quen thuộc cũ hoặc tìm thăm viếng thân nhơn còn sanh sống ở đây. Tới ngày lễ, trẻ con tưng bừng đón lễ vào ngày chánh lễ, tức ngày 31 tháng 10, còn người lớn đón lễ qua ngày hôm sau. Nội dung của lễ rất đẹp. Trước nhứt là tưởng niệm những người chết và kế đến, nhắc lại những kỷ niệm với họ nên lễ Dia de Muertos, cũng là lễ người chết, trở thành lễ ấm cúng đầy ân tình, màu sắc rực rỡ. Nó khác hẳn với lễ Halloween mang hình ảnh đen ngòm, ma quái rùng rợn.
Thời gian cử hành lễ người chết của người Mễ đúng là một biến cố trọng đại. Nó nói lên một sự pha trộn nhuần nhuyễn những yếu tố văn hóa địa phương. Người ta nghĩ nó phải đáng được UNESCO đem ghi vào di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Để rước người chết về, gia đình lập bàn thờ trong nhà, trang hoàng từ 2,3 từng tới 7 từng, với hình ảnh người quá cố, bày ra lễ vật, những món đồ kỷ niệm của người chết quen dùng trước kia. Bày lên bàn thờ muối, nước, thức ăn, thức uống để cúng, tức để mời họ dùng cho đỡ khát, đỡ đói khi đi đường xa trở về. Những thứ này phải phù hợp với sở thích quen thuộc của họ lúc sanh tiền.
Lễ cúng người chết còn được phụ diễn ca hát, nhảy múa, đi diễn hành. Qua ngày hôm sau, gia đình tới mã, vừa rải bông lên mặt đất để hướng dẫn linh hồn người chết biết đường đi tới phần mộ của mình.
Ngày lễ người chết, Dia de Muertos, của dân Mễ thật sự trọng đại. Vì còn là dịp để họ dọn dẹp sạch sẽ, chùi rửa, sơn phết lại mồ mã của người thân ở nghĩa địa.
Như một ngày giỗ chung của toàn dân Mễ. Hay ngày quốc giỗ!
Nguyễn thị Cỏ May




 Đăng ngày 20 tháng 11.2022