Lại có một Hoàng tử không ngai
Nguyễn thị Cỏ May
Thái tử Charles lên ngôi hôm thứ bảy 10 tháng 09/2022. Thứ bảy là ngày nghỉ nhưng nhà vua không phải nhơn dân lao động nên không cần nghỉ. Vì đang tang lễ Nữ Hoàng nên lễ lên ngôi của Thái tử khá đơn giản.
Charles trong tang lễ thi hành những nghi thức với tư cách nhà vua vô cùng long trọng nhưng không vì thế mà uy tín của ông đối với dân Anh được nâng lên. So với Nữ Hoàng, ông khó sánh kịp. Cả với con trai của ông nữa, Hoàng tử William, người sẽ nối ngôi. Nhưng quan trọng là những khó khăn đang chờ ông trước mắt.
Nước Anh đang hồi chia rẽ nghiêm trọng. Lúc ở ngôi, Nữ Hoàng ổn định được giang sơn nhờ tài thích nghi với hoàn cảnh của bà theo quan niệm giữ hoàng triều trên mọi tranh chấp chánh trị.
Ngày nay, vua Charles III thừa hưởng một vương quốc có xu hướng tan vỡ. Écosse đang lăm le đòi hỏi độc lập, xứ Galles nổ lực đòi tự tri, Bắc-Irlande toan tính tái thống nhứt với Nam-Irlande. Trong xứ, một bộ phận thần dân không nhỏ đang lớn tiếng đòi hỏi thay đổi theo chế độ Cộng hòa cho phù hợp với thời đại. Nhiều người tỏ ra quá ngao ngán trước nếp sống xa hoa của hoàng gia. Như trước mắt, tang lễ của Nữ Hoàng phải tốn hằng triệu triệu bảng anh, trong lúc đất nước đang bị khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Đem so sánh với điện Buckingham thì cung điện của Nữ Hoàng Hòa-lan, của vua Bỉ, vua Tây-ban-nha chỉ là những ngôi nhà lớn mà thôi, với một số ít nhơn viên. Trái lại, Buckingham, nơi ở và làm việc chánh thức của Tân vương có 800 phòng, với 500 nhơn viên đủ các cấp, các ngành chuyên môn phục vụ. Theo thông thường, khi thay đổi chủ Buckingham thì toàn bộ nhơn viên cũ nghỉ việc. Dĩ nhiên có những người được luu nhiệm, có những người đi hẳn. Như ê-kíp phục dịch Nữ Hoàng thì thất nghiệp vì Hoàng hậu mới có riêng đội ngũ phục vụ của mình. Cả người thợ may của Nữ Hoàng cũng chịu thất nghiệp vì Hoàng hậu Camilla có thợ may ở ngoài phố và bà ăn mặc giản dị hơn.
Người ta khó tưởng tượng khi vua Charles III hô hào cải thiện môi trường mà ông lại không đi xe ngựa, thuyền buồm, mà đi phản lực, xe hơi, du thuyền, với 11 lâu đài mênh mông được sưởi ấm quanh năm.
Lúc sau này, triều đình có nổ lực cải tổ thể chế cho thích nghi với thời đại nhưng nước Anh vẫn là một nước quân chủ «trắng, cải lương giáo, văn hóa truyền thống anglo-saxonne» trong lúc đó đất nước ngày càng đa chủng, như Thị trưởng Luân-đôn, Sadiq Khan, là người Pakistan, Hồi giáo, Tổng trưởng Kinh tế trong chánh phủ Jonhson là người ấn độ... và người Công giáo Vatican càng ít đi. Tiếp theo, Brexit phân hóa thêm nước Anh ở chiều rộng.
Vai trò của tân vương?
Nữ Hoàng trước đây nặng về Commonwealth, quân đội và tôn giáo. Vua Charles III tỏ ra quan tâm nhiều về môi trường, kết hợp các cánh Thiên Chúa giáo. Chọn lựa này chắc chắn sẽ được nhiều người hoan nghênh. Nhưng rất tiếc vai trò của nhà vua nước Anh lại không được qui định rõ ràng mà chỉ được nhà báo Walter Bagehot ở thế kỷ XIX nêu lên «đưa ra lời cảnh báo, khuyến khích và cố vấn». Vậy trên thực tế, liệu ông sẽ làm được tới đâu khi nay ông đã 73 tuỏi?
Vả lại trong lịch sử nước Anh không phải vị vua nào cũng mẩn cán, cũng dân vi quí xã tắc thứ chi. Đã từng có những ông vua say ruọu, đàn đúm, ăn chơi, tưng bừng trác táng nhưng nước Anh vẫn vượt qua và tồn tại như một cường quốc ngày nay.
Vậy làm vua xứ Anh đâu phải khó khăn gì lắm?
Không ít người nghĩ hay dở gì thì ông vua Charles III chắc chắn cũng chỉ là ông vua chuyển tiếp mà thôi. Như trước kia, vua Edouard VII chỉ chiếm cung điện Buckingham có mươi năm hoặc vua George VI lên ngôi năm 41 tuổi, băng hà năm 56 tuổi. Nhưng hai vị đều để lại thành tích khá quan trọng: thiết lập giao hảo với Pháp và chống Quốc xã.
Tân vương Charles III sẽ luu lại sự nghiệp gì đây?
Vài nét về vua Charles III
Vua Charles III, trước hết, lập được thành tích quí hiếm là người đầu tiên trong hoàng gia tới trường học từ tiểu học lên đại học và sau cùng có bằng cấp đại học. Thật vĩ đại! Các vì vua trước, cả Nữ Hoàng Elizabeth II, đều không ai đi tới trường học và thi cử. Các ông hoàng bà chúa có thầy nổi tiếng tới hoàng cung dạy cho học, không có ai thi cử nên không ai có bằng cấp hết cả. Như Nữ Hoàng Elizabeth II cho tới chết vẫn không có bằng lái xe. Và cả sổ thông hành. Thế mà bà dám đi tới khắp thế giới.
Không như mẹ, vua Charles III tới trường học và ở nội trú. Đồng phục thẳng nếp, đi bộ dưới trời mưa và cái lạnh tê cóng của xứ Écosse. Buổi trưa (bữa ăn gouter) chỉ có tách nước trà. Vua Charles III được giáo dục đúng theo mẫu Anh quốc nhưng hoàn toàn cắt đứt với lịch sử gia đình. Ông là người đầu tiên đi tới nhà trường để học và lại theo chế độ nội trú khắt khe.
Năm 7 tuổi, Charles vào trường Hill House School ở Luân-đôn, và Cheam School ở Berkshire. Hai trường nổi tiếng của Luân-đôn dành cho giới quí tộc và thượng luu Anh.
Vua Charles ngày đầu tiên đi học
Tới năm 13 tuổi, cha của ông gởi ông vào trường nội trú Gordonstoun School ở tận vùng Đông-Bắc băng giá của xứ Écosse. Kỷ luật nhà trường như ở trại lính: sáng dậy 7 giờ trước khi chạy bộ trong cánh đồng, về tắm nước lạnh, ăn vội tô cháo ngũ cốc, tạp dịch xong rồi mới bắt đầu vào lớp.
Chương trình gồm cổ ngữ La-tinh, Pháp văn, Sử, Địa và học suốt ngày, chỉ nghỉ ăn trưa và bữa gouter vào 4 giờ chiều.
Cho Charles học trường này, Công tước Edimborg Philip biết con trai của ông tánh tình nhút nhác, thích văn chương nên ông muốn nhờ nhà trường với kỷ luật sắt tôi luyện hoàng tử trở thành người cứng rắn, thách thức với gian khổ. Nơi đây, trước kia ông đã học. Ông còn nhớ học sinh nào phạm kỷ luật bị phạt chạy bộ 50 km, trên lưng mang một bao đựng đá. Nhiều lúc, mùa đông ngủ, cửa phòng mở toang. Ông hoàng Philip nhớ lại đó là những kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ nhưng Charles cho đó là địa ngục trần gian nên có lòng oán hận cha.
Charles ngày đầu tiên vào Gordonstoun School 1962
Nhưng nhờ cha cứng rắn trong việc chọn trường và kìm giữ Charles trong việc học mà Charles đậu được BA ở Trinity Collège và tiếp tục học ở Cambridge về nhơn chủng, khảo cổ, lịch sử, sau cùng đậu được MA ở Cambridge.
Phải thừa nhận chính Charles là người mở đường cho các em và sau này, con trai của ông trong việc học, không theo nề nếp hoàng gia cũ học ở nhà.
Một Hoàng tử không ngai?
Gần đây, ở Queensland, Úc châu, xuất hiện khá ồn ào trên TV và báo chí địa phương một người đàn ông 56 tuổi tên Simon Dorante-Day tự xưng là con trai thật sự của vua Charles III và Hoàng hậu Camilla Parker Bowles. Ông lập hồ sơ đưa ra Tòa án Tối cao Úc yêu cầu bênh vực cho ông về liên hệ huyết thống với hoàng gia Anh.
Từ vài năm nay, Simon Dorante-Day vẫn quả quyết mình là con trai trưởng bị dấu kín của vua Charles và Hoàng hậu Camilla. Ông đưa hồ sơ ra Tòa yêu cầu Tòa cho đòi vua Charles và Hoàng hậu Camilla thử ADN với ông để xác nhận sự thật ông đúng là con trai của hai người. Simon Dorante-Day phổ biến hằng ngày những thông tin về cá nhơn ông như giấy khai sanh, giấy tờ nhận ông là con nuôi, hình ảnh... để làm bằng chứng ông là con của hoàng gia Anh.
Simon Dorante-Day sanh ngày 2 tháng 4 năm 1966 tại Portsmounth, miền nam Anh quốc khi Charles 17 tuổi và Camilla 18 tuổi. Sau đó, Camilla bổng biến mất suốt chín tháng và Charles được gởi qua Úc. Ông phủ nhận tài liệu hộ tịch hiện tại của ông vì theo ông, nhà thương nơi ông sanh ra, thời đó không có sản khoa.
Ông nhớ lại lúc nhỏ, ông được đưa tới ở trong nhiều nhà ở thành phố Portsmonth với một người đàn bà mà ông nghĩ người đó chắc chắn là Camilla vì trong lúc đó những người bảo vệ an ninh và cha mẹ nuôi của ông đều đứng ở bên ngoài. Ông nói rõ thêm là bà Camilla giữ ông cho tới 18 tháng mới giao cho cha mẹ nuôi Karen và David Day là người giúp việc cho Nữ Hoàng Elizabeth II. Cả ông bà nuôi Winifred và Ernest nữa. Và ông nhớ rõ bà nội nuôi thường nói với ông chính ông là con trai của Hoàng tử Charles và Công nương Camilla.
Ngày 29 tháng 1/2020, phản ứng về chuyện Simon Dorante-Day, hoàng gia Anh tuyên bố «không có ý kiến»!
Tờ DailyMail thuật lại nhận xét của những người không tin câu chuyện hoàng tử con rơi này vì Charles và Camilla đều có cặp mắt xanh còn «Hoàng tử Simon Dorante-Day» lại có mắt nâu. Không bỏ lỡ cơ hội, Simon Dorante-Day liền giải thích mắt của ông màu nâu vì lúc nhỏ ông bị giải phẩu. Có lẽ để xóa đi những nét làm cho ông giống cha mẹ ruột của ông. Ông còn nói thêm là lúc nhỏ, ông bị nhiều cuộc giải phẩu ở mặt, ở tai...
Và ông vẫn quả quyết với mọi người ông là người thứ hai theo hệ nối ngôi vua của hoàng gia.
Hồ sơ kiện thưa của ông ở Tòa án Tối cao Úc vẫn bị bỏ qua một bên.
Vậy câu chuyện ông Simon Dorante-Day ở Queensland, Úc, từ mấy năm nay, tự nhận, với kèn trống, mình chính là «Hoàng tử con rơi» của Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla chỉ là câu chuyện hoang tưởng!
Nguyễn thị Cỏ May
Đăng ngày 24 tháng 09.2022