Quốc khánh Pháp trong mùa đại dịch

Nguyễn thị Cỏ May

Đại dịch Vũ hán đã làm đảo lộn mọi trật tự thế giới. Lễ truyền thống 14-7 của Pháp năm nay vẫn diễn ra nhưng trong khuôn khổ giới hạn tối đa. Đây là lần đầu tiên từ năm 1880, ngày lễ 14-7 chánh thức ban hành.
Lễ 14-7 hay Quốc khánh hằng năm cử hành trọng thể vì nó tượng trưng sự thống nhứt dân tộc, lịch sử và những giá trị lớn của đất nước. Lễ được cử hành theo truyền thống bằng một cuộc diễn binh lớn trên đại lộ Champs-Élysée, trước Tổng thống, trước nhiều quan khách và đông đảo dân chúng đầy hào hứng.  Vì ảnh hưởng đại dịch Vũ hán, lễ 14-7 năm nay
thay đổi, nhẹ về hình thức, tập trung vào ý nghĩa vinh danh đội ngũ y tế, dân sự và quân sự, đã tận tình vì thiên chức, quên mình trước nguy hiểm chết người, lao mình vào việc chữa bịnh dịch Covid-19 cực kỳ nguy hiểm để cúu mạng người.
Hằng năm, lễ diễn ra rầm rộ trên suốt chiều dài đại lộ Champs-Elysée, năm nay cử hành tại Công trường La Concorde, với diễn binh đi bộ vòng quanh và máy bay quân sự biểu diễn trên nền trới, nhả khói 3 màu đỏ, trắng, xanh. Không có cơ giới, không có chiến xa và đủ các binh chủng, cả sinh viên võ bị hay cảnh sát... Trong số 2500 quan khách tham dự, có 1400 giới chức y tế trên khán đài, cho thấy tầm quan trọng của ý nghĩa Quốc khánh năm nay. Quân đội chỉ có 2000 người.
Tại lễ đài, ông Tổng thống Macron ca ngợi sự nghiệp Tướng De Gaulle, người của ngày 18-6, gương mặt lớn của lịch sử nước Pháp, người sáng lập nền Đệ V Cộng hòa, còn để lại đậm nét dấu ấn cho dân tộc Pháp ngày nay.

Vài nét lịch sử ngày 14-7
Lễ 14-7 ngày nay cử hành hàng năm chánh thức ra đời ngày 14-7 năm 1880. Và diễn binh ngày lễ trở thanh một định chế. Lễ 14-7 năm 1919, các Thống chế Foch, Joffre và Pétain cùng diễn hành bằng ngựa trên đại lộ Champs-Élysée, đi ngang qua dưới Khải Hoàn môn (Arc de Triomphe), để chào mừng chiến thắng Đệ I Thế chiến trước đó vài tháng.
Lễ 14-7 chỉ gián đọan trong Đệ II Thế chiến, sau đó tiếp tục cho đến ngày nay, với vài thêm thắt nhỏ theo sáng kiến của các ông Tổng thống như Giscard d'Estaing , François Mitterrand.
Diễn binh vẫn là mục quan trọng của chương trình lễ. Thường, binh chủng lê-dương kết thúc mục diễn binh, với những lính già, râu rìa xồm xàm, quần áo rộng thùng thình với tạp-dề da đánh bóng, đi chậm chạp trong lúc lính các binh chủng khác phải cạo râu láng bóng, áo quần tươm tất.

Ngày 14-7 năm 1789 trong ký ức mọi người vẫn là ngày Quốc khánh. Ngày đó, Paris sôi động. Để xoa dịu sự bất mãn của dân chúng, nhà vua tập họp Quốc dân Đại hội gồm đại diện Quí tộc, Tăng lữ và Thứ dân (Tiers-état).
Thứ dân đòi hỏi một cải tổ sâu rộng các cơ chế quốc gia, và qua ngày 9-7, công bố Quốc hội lập hiến. Sáng kiến này làm nhà vua lo ngại nên ông cho lực lượng quân đội tiến tới gần Điện Versailles. Có tin đồn quân hoàng gia chuẩn bị vào Paris để bắt các Dân biểu.  Ông Camille Desmoulins đứng lên một cái thùng cao, lớn tiếng  kêu gọi mọi người hãy biểu lộ cụ thể lòng yêu nước của mình. Ông xách động quần chúng phản ứng.
Sáng ngày 14-7, dân Paris nổi giận, kéo nhau tới Invalides tìm võ khí, rồi qua Bastille tìm đạn dược. Sau một ngày xung đột đẩm máu, dân Paris chiếm được Bastille. Họ giải thoát cho 7 tù nhơn tất cả, gồm 4 trộm cướp, 2 người điên và một quí tộc được gia đình gởi, thay vì đưa vào nhà thương tâm thần do bịnh chơi bời trụy lạc quá mức.
Thế là dân Paris làm cách mạng thành công, hạ được ngục Bastille, tượng trưng Đế chế độc tài. Ngày 14-7 trở thành ngày đánh dấu Tự do.  Cách mạng khoan hồng, trả tự do cho một Công tước bị giam trong ngục 32 năm, sống lỏa thể. Được tin, dân chúng kéo tới coi cho biết mặt tù nhơn phi thường và cát-sô nơi nhốt tù nhơn của bạo chúa. Nhưng đây chỉ là sáng tác của nhơn dân cách mạng để cho việc phá ngục Bastille có mùi vị cách mạng!

Nhưng lễ 14-7 hằng năm lại thật sự không phài là ngày tưởng niệm ngày 14-7 năm 1789. Trái lại, 14-7 tưởng niệm một ngày khác ít người biết, ngày 14-7 năm 1790 mà sách giáo khoa đều dạy. Đó là ngày lễ kỷ niệm sự ra đời Liên bang các Tỉnh, Vùng, các đơn vị Dân quân do phản ứng về sự suy yếu của chánh quyền trung ương.
Nhưng trong hơn một thế kỷ, lễ 14-7 không được cử hành. Đến năm 1880, 14-7 mới được nhắc lại dưới nền Đệ III Cộng hòa.
14-7 năm 1789 thật sự là ngày Cách mạng thành công nhưng bị một số Dân biểu không đồng ý vì cho rằng ngày đó làm đổ quá nhiều máu và nước mắt vô ích của đồng bào nên ngày 14-7 năm 1790 dược nhiều người đồng ý và chọn.
Ngày này, người ta làm lễ khai mạc bức tượng vừa được dựng lên tại Công trường Cộng hòa, nơi mà  ngày nay, cũng như ở Công trường Bastille, mỗi khi biểu tình, các đảng phái, các  nghiệp đoàn phe Tả, đều chọn làm nơi  tập họp.

Cờ tam sắc của Pháp thuộc phe Tả hay Hũu ?
Cờ quốc gia Pháp ngày nay ra đời từ thời cách mạng và được Napoléon chọn. Nó thường bị cánh Hũu hoặc cánh Tả giành là của mình.
Ngay từ đầu, cờ có 3 màu như ta biết. Tại sao  màu Xanh, Trắng, Đỏ? Nó có ý nghĩa gì? Cỏ May tôi chợt nhớ lúc thi vấn đáp môn sử địa bằng Brevet (Trung Học Đệ I Cấp) bị giám khảo là một bà đầm hỏi «Ý nghĩa 3 màu của lá cờ?». Bí, bèn trả lời đại «Ý nói Tự do, Bình đẳng, Hũu nghị». Bà giám khảo cười, chắc biết thí sinh này nói cương.
Theo lịch sử thì màu Xanh và màu Đỏ là màu của thành phố Paris từ thế kỷ XIV. Còn màu Trắng là màu chiếc lông chim cài trên nón của nhà vua từ vua Henri IV lúc ra trận. Người ta còn nhớ lệnh truyền của nhà vua «Tất cả hãy đi theo chiếc lông màu trắng trên nón của ta». Từ đây màu trắng trở thành màu của nhà vua Pháp.
Nhưng dưới thời Cách mạng, người ta chọn màu Đỏ nổi bật vì màu Đỏ tượng trưng cho Tự do. Đồng thời, người ta cũng chuộng màu Xanh và Đỏ, như quấn khăn hay mang phù hiệu đỏ, xanh,  màu của thành phố Paris nơi nổi lên Cách mạng.  Nhà vua vẫn còn ngự trị cho tới khi nền Cộng hòa ra đời năm 1792 nên 3 màu «Xanh, Trắng, Đỏ» là màu của nhà vua Pháp. Tháng 7 năm 1789, vua Louis XVI quấn khăn màu Xanh, Trắng , Đỏ để tượng trưng sự thống nhứt nhà vua với quốc dân. Và các sĩ quan được khuyến khích choàng khăn quàng cổ 3 màu cờ khi làm việc. Và sau cùng Quốc hội thông qua là quốc kỳ như ngày nay luu hành.
Nền Cộng hòa, để bắt rể, giữ cờ làm quốc kỳ, bản Marseilleise làm quốc ca và cô gái Marianne làm biểu tượng cho Tự do.
Marianne phơi ngực, đưa vú ra, tay cầm quốc kỳ phất lên hô hào tranh đấu cho Tự do được danh họa Delacroix làm cho trở thành bất tử bằng bức tranh ngày nay in trên tờ giấy bạc của Pháp.

Tổng thống Macron trả lời TV
Kết thúc buổi lễ, đội ngũ y tá, trong màu áo trắng, diễn hành. Người tham dự lễ, dân chúng đứng bên ngoài, đều đồng loạt vổ tay thật lớn, thật lâu, để hoan nghênh và tỏ lòng ngưỡng mộ, trong lúc đó một lá cờ tam sắc thật lớn được trải rộng ra ở Công trường La Concorde để chào mừng!
Tiếp theo, ông Tổng thống Macron trả lời TV phỏng vấn. Là cơ hội để ông trình bày những nét chánh của «con dường mới» của ông sẽ áp dụng trong những ngày còn lại của nhiệm kỳ 5 năm của ông để kích thích đất nước phát triển: đại dịch đợt II, nhập học, thuế,...
Ngoài việc quan tâm đặc biệt đại dịch tái phát đợt II, ông nói về kế hoạch phục hồi kinh tế của ông dự bị vào tháng 9.
Bà  Florence Parly, Tổng trưởng Quân lực, nhận xét nội dung trả lời phỏng vần trên TV của ông Tổng thống: «Nước Pháp của chúng ta, cũng như nhiều nước khác, đã trải qua một cuộc khủng hoảng đặc biệt… Dĩ nhiên ông Tổng thống muốn chia sẻ với toàn dân những việc uu tiên và những quan tâm của mình về hai năm tới còn lại».
Quốc khánh năm nay tổ chức thu hẹp vì tình hình đại dịch Vũ hán nên chỉ diễn ra chung quanh Công trường «La Concorde» mà thôi. Không biết đây thật sự là một chọn lựa vì đề phòng bịnh dịch như dã nói hay có ý khác hơn, là mong muốn, sau hè, nước Pháp, Chánh phủ sẽ thực hiện được sự hòa hợp tốt đẹp mà từ lâu nay không có?

17/07/2020
Nguyễn thị Cỏ May





Bầu cử Thị xã Pháp:

Tình trạng dân chủ và đảng phái

 

Nguyễn thị Cỏ May
 
Kết quả bầu cử Thị xã vòng nhì hôm 28/6 vừa qua khoác cho nước Pháp bộ áo mới màu xanh. Bộ áo Pháp lần đầu tiên được mặc.  Các Thị xã xưa nay do Thị trưởng xã hội, phe Hữu hay thuộc xu hướng khác, nay phần lớn lọt vào tay đảng Xanh. Cả những Thị xã cho tới nay vẫn nằm trong tay cộng sản cũng bị đảng Xanh cướp mất.
Giới chánh trị đều ngẩn ngơ trước thực tế hoàn toàn bất ngờ này.

Nhiều nhà chánh trị học, nhà báo chánh trị bắt tay ngay vào việc tìm hiểu tại sao bổng nhiên xuất hiện làn sóng xanh chiếm gần hết các thành phố lớn nhỏ của Pháp? Tại sao chỉ có 4/10 người đi bầu?  Vậy người được bầu thắng cử hay làn sóng cử tri vắng mặt mới thật sự thắng cử?

Dân chủ suy thoái?
Nước Pháp được tổ chức thành 36681 Thị xã làm chánh quyền cơ sở và độc lập với chánh phủ trung ương. Thị xã họp lại thành 101 Tỉnh (Département) và 26 Vùng (Région). Cứ 6 năm tổ chức bầu Thị xã một lần với 2 vòng.

Từ ba mươi năm nay, hôm bầu cử ngày 28/6 là lần đầu tiên cử tri vắng mặt tới 59,37%, đạt kỷ lục.  Thắng cử là người được số phiếu cao nhứt nhưng lại cao nhứt của cái thiểu số cử tri. Vậy người thắng cử kỳ này không phải là người đại diện cho đa số dân thị xã, hiện tượng suy thoái của nền dân chủ đại biểu.
Thị trưởng Xã hội Paris, bà Hidalgo, tái đắc cử với 17% cử tri. Cùng đảng Xã hội, Thị trưởng Lille, thành phố phía Bắc, bà Martine Aubry, đắc cử với 12,4%. Cả hai đều đại diện cho thiểu số dân thị xã Paris và Lille, tức đại diện đa số của 40% cử tri đi bầu.

Đi vào chi tiết, người ta sẽ thấy cử tri vắng  mặt nhiều hay ít, tùy theo thành phố, nhưng đều vắng mặt 59,37%. Như Nice vắng mặt tới 72,3% trong lúc đó, Perpignan, cũng ở Miền Nam, vắng mặt chỉ có 52,8%. Paris vắng 63,1%, Marseille 63,4% và Lyon 62,2%.
Các Thị trưởng thắng cử ở những thành phố lớn, tính trung bình đều chỉ đạt có 24% phiếu bầu, là cao nhứt. Vì có nhiều người đắc cử Thị trưởng với 20% phiếu. Thực chất thì giá trị đắc cử vô cùng thảm hại. Như bà Martine Aubry, đảng xã hội, tái đắc cử trong đường tơ kẻ tóc với 12,4% ở Lille, nơi cử tri vắng mặt tới 68,3%. Hay ông Christian Estrosi, cánh Hữu, tái đắc cử ở Nice với 52,40% nhưng số đi bầu chỉ có 15,8%.

Cử tri ở vòng hai vắng mặt nhiều hơn ở vòng một hôm 15/3 (55,3%) tuy việc bỏ phiếu diễn ra trong bầu không khí nặng nề của cơn đại dịch lúc ông Tổng thống Macron vừa ra lệnh đóng cửa trên cả nước.

Viện thăm dò dư luận Ipsos mở cuộc điều tra về làn sóng vắng mặt, giải thích lý do là dân chúng sợ bị lây bịnh ở phòng phiếu. Nhưng đó chỉ là lý do thời sự vì phần lớn dân chúng nghĩ rằng có đi bỏ phiếu hay không, Thị trưởng ai đắc cử, thì đời sống của họ cũng vậy thôi. Chắc chắn là không có gì khởi sắc hơn.
Theo kết quả của một khảo sát khác (Brice Teinturier), làn sóng vắng mặt không đi bầu là dấu hiệu đang lên của hiện tượng «Không còn gì nữa mà làm». Từ năm 1983, cử tri trong các cuộc bầu cử, Quốc hội, Tổng thống, Thị xã, có xu hướng vắng mặt ngày càng đông. Nhưng nhà chánh trị học Pascal Perrineau cho rằng sự vắng mặt trong kỳ bầu cử thị xã năm nay là do tình hình bịnh dịch Vũ hán ảnh hưởng. Chờ những cuộc bầu cử tới sẽ có cơ sở xác định rõ hơn.

Nhưng số cử tri vắng mặt trong các cuộc bầu cử từ địa phương đến trung ương cứ gia tăng từ hơn 30 năm nay, đó là thực tế. Phải chăng đó là dấu hiệu dân chủ phương Tây bị khủng hoảng?

Làn sóng thần xanh
Bầu cử địa phương, như bầu cử Thị xã, thường làm bộc lộ những xu hướng chánh trị lớn của Quốc gia.
Riêng cuộc bầu cử Thị xã vòng hai hôm 28/6 diễn ra rất đặc biệt về hoàn cảnh cũng như kết quả. Chánh phủ có ý định tổ chức chậm lại, sớm lắm là vào mùa thu hoặc qua đầu năm tới, lại xảy ra 3 tháng sau vòng I, ngay mùa dịch Vũ hán, cử tri vắng mặt kỷ lục, đảng Xanh thắng cử chiếm nhiều thành phố lớn, truất ngôi Thị trưởng cộng sản từng ngự trị từ hơn ba mươi năm qua, và đảng cầm quyền «Cộng hòa tiến lên» cũng tuột xuống khá nặng.
Đảng Xanh thắng cử vẻ vang và bất ngờ thật. Trước giờ, họ chỉ nắm được một thành phố lớn với 100000 dân, nay lần đầu tiên trong lịch sử của đảng, họ chiếm được nhiều thanh phố lớn. Lớn hơn 100000 dân như Bordeaux, Lyon, thành trì của đảng xã hội, Tours, Besançon, Poitiers, Annecy, Strasbourg...

Thật ra, sự trỗi lên của Phong trào Xanh đã bắt đầu từ cuộc bầu cử Âu châu tháng 5/2019 vì mọi người ngày nay quan tâm cụ thể tới vấn đề môi trường.
Từ những năm 1970, lời đồn đoán về ngày tận thế không còn xa nữa. Tư tưởng vể tận thế và Hội Long Hoa xuất hiện trở thành lý thuyết của phong trào xanh. Hoàn cảnh lich sử tạo thêm điều kiện thuận lợi khi Đệ II Thế chiến kết thúc nhưng ấn tượng về tang tóc vẫn chưa xóa tan ở mọi người, những cuộc khủng hoảng lại nối tiếp từ năm 1968 (1968 – 1970), sau chiến tranh lạnh và đang xảy ra ngày nay là đại dịch Vũ hán. kinh hoàng. Đồng thời xuất hiện những Quốc gia cực đoan và chánh quyền dân túy trên khắp thế giới.

Cổ súy thuyết Xanh, người ta phác họa một thứ thiên đường hạ giới. Nhưng khi thiên đường xuất hiện thì thế giới hiện tại sẽ không còn nữa. Ngày nay, cách lập luận ngược lại, người ta chỉ rao giảng tận thế sẽ không còn lâu. Vậy phải cứu trái đất kẻo nó sụp đổ mất. Vấn đề môi trường trở thành quan trọng chết sống hàng đầu.
Trong kỳ bầu cử vừa qua, Phong trào xanh thắng, giành được nhiều Thị xã vốn của phe xã hội hoặc cộng sản hay các nhóm Tả khác vì tất cả đảng phái cũ đang trong tình trạng phá sản, mất lãnh đạo, ý hệ lỗi thời. Trước kia, Xanh kết hợp với xã hội và cộng sản thì ngày nay chính hai chánh đảng này chui vào núp bóng Xanh. Xanh trước sau vẫn là thứ dưa hấu, xanh vỏ đỏ lòng!

Cánh Tả luôn luôn tranh đấu để thay đổi! Khi có điều kiện thì đề nghị thay đổi? Nhưng thay đổi và làm gì? Lâm vào bế tắc! Cánh Tả tầm vóc quốc tế như Đệ Tam Quốc tế còn sụp đổ năm 90 cũng vì không có khả năng mở ra tương lai nên không thể tiếp tục lãnh đạo một nửa thế giới đã cướp được. Còn Đệ Tam ở Pháp, cha đẻ thứ Đệ Tam hồ chí minh ở Việt nam, thì nay chỉ còn vài cái xác khô chờ đem xuống hầm «Catacombe», (1, avenue du Colonel Henri Rol-Tanguy, Paris XIV), cất cùng với hàng triệu bộ xương khác. Như vậy ít ra có chút đóng góp là bán vé cho du khách vào coi, giá 14€/vé.

Còn đảng cầm quyền «Cộng hòa tiến lên» của ông Tổng thống Macron thì chỉ là thứ đảng «Năm châu họp chợ». Ba năm trước đây, khi ông Emmanuel Macron nói tôi muốn ra tranh cử Tổng thống, ai muốn làm chánh trị cầm quyền, hãy theo tôi. Thế là có nhiều người chưa từng làm phường trưởng, xã trưởng… cũng như chính ông, nghe vậy bèn nhảy ra tham gia vận động cho ông. Ông đắc cử, mọi người kết hợp lập đảng. Suốt nửa nhiệm kỳ, chánh phủ của ông Tổng thống cai trị bằng cách chạy theo bắt «Con ma nhà họ Hứa». Ông hứa thay đổi sâu rộng: tháng 5/2018, ông sẽ mở ra trang mới; 290 ngày sau, ông hứa thay đổi phương pháp mới; 150 ngày sau, ông hứa thay đổi phương pháp mạnh hơn; 380 ngày sau, ông tuyên bố ta không đi theo nếp cũ: 60 ngày sau, ông nói tình hình đòi hỏi, mỗi người trong chúng ta phải biết sáng tạo; 22 ngày sau, 5/7/2020, ông tuyên bố vạch ra con đường mới (Le Point, 9/7/2020).
Ngay trong  Quốc hội, đảng giữ được đa số mà nay nhiều đảng viên đã «trống đánh xuôi, kèn thổi ngược», họp nhau thành một khối mới.
Mất đất trong cuộc bầu cử vừa rồi phải là điều tự nhiên!

Nhưng Xanh nào?    
Trong Phong trào Xanh có một bộ phận không nhỏ theo xu hướng quá khích. Họ chống năng lượng hạt nhơn vì cho rằng hại sức khỏe con người và cả môi trường trong lúc nhiều nhà khoa học quả quyết điện hạt nhơn là sạch hơn hết và giá rẻ hơn các loại năng lượng khác. Cách nói này chỉ là sự tranh chấp dưới bóng quyền lợi của những nhà cung cấp mà thôi.

Nhưng để bảo vệ môi trường mà bài bác sự văn minh vì cho rằng văn minh là xấu và phi luân thì có đúng không? Nếu vậy chúng ta phải tự lo liệu cho đời sống của mình? Những người xanh quá khích cho rằng đời sống nhờ những tiện nghi do năng lượng cung cấp là nguyên nhơn làm tổn hại môi trường. Để tránh, chúng ta phải làm nông dân, đi hái lượm… Dẹp nhà máy, bỏ máy bay, đi bộ, đi bằng ngựa, bằng ghe thuyền, đau bịnh, hái lá cây uống...

Tinh thần trọng sự văn minh, trọng những phát minh mới tiện lợi cho đời sống bắt đầu giảm bớt từ sau Đệ II Thế chiến vì sự hiện đại bị cho là trách nhiệm sự diệt chủng Do thái (Auchwitz) và sự tàn sát tập thể người Nhựt ở Hiroshima.
Nhưng có ai nghĩ nếu ngày nay phải trở về nguồn năng lượng của thời xa xưa, đó có phải là một thứ ý muốn phản động không?

10/07/2020
Nguyễn thị Cỏ May    
 
 
 
 

Đăng ngày 20 tháng 07.2020