Cha làm thầy con bán sách

Võ Kỳ Điền

Tới mỗi bữa ra phòng ăn, tôi đều ráng kiếm chỗ cùng bàn để ngồi chung với một cặp vợ chồng Tây già, tóc hung hung đỏ, tánh tình dễ chịu, thoải mái. Cặp nầy nói tiếng Anh vì đàm đạo với nhau tiếng Anh dễ hơn tiếng Pháp. Số là ở đây, tôi có khá nhiều bạn già nhưng tôi khoái hai ông bà nầy hơn. Tiếng Tây tôi được học từ thời Tây thuộc địa tới bây giờ hầu như quên mất tiêu hết trơn rồi, xin học lại hoài để khá hơn mà chánh phủ không cho. Lo sợ nhứt là các danh từ Pháp khi nói, không biết tiếng đó nó thuộc giống đực hay giống cái, rồi tới động từ phải chia tới chia lui, hễ lộn một cái là cả câu phía sau bị sai tuốt luốt, mỗi lần biết mình nói trật quê ơi là quê. Mỗi khi nghe tôi nói chuyện với người nước ngoài qua điện thoại, ai nghe cũng đều nhăn mặt lắc đầu...

Vô cái Viện Dưỡng Lão nầy khi làm quen với đôi bạn già mới, qua màn giới thiệu nhau, ông tự xưng là Bob, rồi e tôi không hiểu tiếng lóng, ông giải nghĩa khi viết là chữ Robert được nói tắt. Tôi cũng bắt chước ông, tự xưng tôi là mông sừ Vô (Vo). Thấy ông bà ngơ ngác, tôi thêm:
- Ông bà đừng có lộn nghen, coi chừng Vo nầy lộn Veau kia. Tôi không phải là con của con bò cái đâu (veau, le bébé de la vache).
Nghe tôi nói xong, ông bà trơ mắt, suy nghĩ hiểu ra rồi cười ào ào. Tôi thì nghĩ thêm lan man chút nữa "may quá. Mình là người miền Nam, chớ là người miền Bắc thì phải là Vu. Mà nếu là Vu ghép lại với tên của ông là Bob, thì không biết nên cười ba tiếng hay nên khóc ba tiếng..."

Có lần ông Bob đưa cái Ipad khoe với tôi, ảnh gia đình con cái ông. Ổng nói gia đình tao là một gia đình quốc tế. Tao là người Hung Gia Lợi, vợ tao Tô Cách Lan, con tao Gia Nã Đại, dâu tao là dân Haïtienne, với Québecoise. Tôi nhìn thấy cái ảnh đông đầy, trai xinh gái lịch xinh xắn vui tươi, vội khen:
- Ông bà thiệt là may mắn và hạnh phúc.
Rồi bà vui miệng hỏi tôi:
- Ông có bao nhiêu cháu rồi?
Tôi bèn trả lời ngay:
- Chỉ mới có một cháu nội sáu tháng tuổi, cũng chưa dám ẳm nó lần nào vì sợ lây Covid.
Rồi vui miệng nói thêm:
- Thú thật với ông bà, ở đây trên bốn mươi mấy năm rồi mà tôi trụi lũi, không tiền, không nhà, không xe, không nghề nghiệp, là một con số O to tướng...
Rồi tự nhiên đâm nhớ câu tiếng Mỹ bồi, hồi xưa ở Sài Gòn mấy đứa bé đánh giày thường nói, bật ra liền cho vui mà không biết quê:
- Người ta thì năm - bờ oan, còn tôi thì năm - bờ then... Nếu không nhờ cái xứ Canada nầy cứu giúp thì tôi không biết phải sống ra sao!  
Nghe tôi nói ông không hiểu gì hết nhưng cười/
- Cái gì là số một, cái gì là số mười?  Vậy chớ hồi xưa ông làm nghề gì?

Trả lời ông Bob sao bây giờ. Thiệt là rõ ràng khi nói mấy chục năm trước tôi có đi dạy học một cách tình cờ. Quả là tôi có làm nghề dạy học một thời gian dài, từ tỉnh nầy qua tỉnh kia. Nhưng đi dạy là do cuộc đời cùng hoàn cảnh chiến tranh lúc đó đưa đẩy. Chớ thiệt ra ba tôi lúc nào cũng muốn tôi nối nghiệp nhà. Tôi biết là cha tôi đã hy vọng tha thiết như vậy mà chưa bao giờ nói ra, mấy anh em trong nhà có đứa nào học chữ nho như tôi đâu. Tất cả sách vở trong nhà đều viết bằng chữ nho, công cuộc làm ăn đều liên lạc với người Tàu ở Chợ Lớn, mấy anh em làm sao mà biết được và giúp được chút nào.

Gốc gác cha tôi vốn người cù lao Long Khánh gần cù lao Hòa Hảo thuộc Hồng Ngự, Tân Châu. Ông học thuốc với một vị thầy người Huế theo Đông Kinh Nghĩa Thục làm cách mạng chống Pháp bị truy nã, trốn vô đảo Phú Quốc ở chùa Sắc Tứ Sùng Hưng Tự cúa ông Cậu là Hòa Thượng trụ trì. Ba tôi biết ông là người giỏi nên xin theo học thưốc. Trên bàn thờ nhà tôi còn có thờ cây đũa đơm cơm của sư phụ còn sót lại. Cây đũa đen mun được chạm đục khéo léo. Mỗi lần thấy ba tôi thờ cúng quỳ lạy thầy, tôi rất xúc động. Ông nội tôi thì muốn cha học nhạc và cha đã từ chối để học thuốc. Cái nghề quí báu nầy đã giúp cha tôi nên cửa nên nhà, nuôi con lớn khôn.
Khi đó tôi vừa mới lớn, ông đè tôi ra tập tành học thuốc bắc từ từ. Bắt đầu ông bắt tôi học thuộc lòng từng vị thuốc bắc trong Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân đời Minh. Đến nay tôi còn nhớ rõ được vài câu lỏm bỏm:
- Nhơn Sâm vị cam, đại bổ nguyên khí, chỉ khát sanh tân, điều vinh dưỡng vệ.
- Huỳnh Kỳ tánh ôn, thâu hãn, cố biểu thác thương, sanh cơ khí hư, mạc thiếu.
- Đương Quy cam ôn sanh huyết bổ tâm, phù hư ích tổn, trục ứ sanh tân...

Mới học được câu đầu, tôi hỏi liền ba: nhơn sâm vị ngọt thì con hiểu. Ba tôi giảng nghĩa thêm trong Thần Nông Bản Thảo khi Phục Hy nếm thuốc định vị, có nói rõ vị nhơn sâm nầy :-tiền cam, hậu khổ, hậu cam cam. Ba nói tới đây tôi hiểu liền. Mới nếm lần đầu thì nhơn sâm có vị ngọt, sau đó thì nghe đắng, sau cái vị đắng thì ngọt trở lại và cuối cùng thì ngọt luôn. Nói tới đây thì tôi đâm thắc mắc:- nhơn sâm có cái vị ngọt, đại bổ nguyên khí, sanh thêm nước miếng làm hết khát, thì con hiểu nhưng làm sao ông Thần Nông năm ngàn năm trước, căn cứ vào đâu mà nói nhơn sâm điều vinh dưỡng vệ? Con biết “vinh” là phần da bên trong gọi là bì (derme) còn “vệ” là phần da bên ngoài, biểu bì “épiderme”?
Nghe tôi hỏi, đương nhiên ba tôi dư sức trả lời nhưng ông không thèm nói:
- Mầy có biết Thần Nông là một trong ba ông thánh lớn thời Tam Hoàng Ngũ Đế không, cái gì mà ổng không biết, ổng là Thánh Nhơn mà.
Rồi bỏ qua chuyện “điều vinh dưỡng vệ” ba tôi dạy tiếp sang chuyện bắt mạch. Nghe đến bắt mạch là tôi ham lắm. Trong đông ý có bốn cách để thầy thuốc định bịnh, được gọi là tứ chẩn: “Vọng, Văn, Vấn, Thiết”. Vọng là quan sát màu da, khí sắc bịnh nhân, Văn là nghe âm thanh, giọng nói, tiếng ho, mùi hôi. Vấn là hỏi các triệu chứng đau bịnh và Thiết là bắt mạch để coi bịnh gì và bịnh ở đâu trong lục phủ, ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận).
 
Đầu tiên ba tôi bắt tôi học thuộc lòng bài phú “Lư Sơn Mạch Phú”. Nói gì chớ chuyện học thuộc lòng là nghề của tôi. Dễ như ăn cơm sườn. Kể từ đó, suốt ngày tôi ê a  “Thường văn bịnh cơ uẩn áo, mạch lý diệu huyền, tuy vạn tượng phân vân, Phù, Trầm dĩ biện kỳ biểu lý, hữu lực vi thực, vô lực vi hư. Trì, Sác dĩ định kỳ nhiệt hàn, dương tắc đại hề, nhi âm tắc tiểu..."
Tôi khoái bài phú Lư Sơn nầy, đọc lên nghe có ca có kệ. Nhưng cũng khoái gặp lại hai chữ Lư Sơn của Tô Đông Pha quen thuộc trong thi ca:
Lư sơn yên tỏa Triết giang triều
Vị đáo bình sinh hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt vị
Lư sơn yên tỏa Triết giang triều.

Bản dịch tiếng Việt của thiền sư Mật Thể:
Lư Sơn (Tô Đông Pha)
Mù tỏa Lư Sơn sóng Triết Giang
Khi chưa đến đó hận muôn vàn
Đến rồi về lại không gì lạ
Mù toả Lư Sơn sóng Triết Giang.

- Ba ơi, vị danh y nào đã đặt ra bài phú coi mạch nầy, sao không thấy ghi tên tuổi, chắc ổng cũng ở núi Lư Sơn.
Ba tôi cũng không biết luôn:
- Con cứ học cho thuộc rồi coi mạch cho đúng, chớ biết tên tuổi danh y đó để làm cái gì.
- Dạ, dạ.
Sau khi ba tôi kiểm tra thấy tôi đã thuộc làu làu, ông bèn dạy tôi thực hành bằng cách đặt ba ngón tay trên cổ tay bịnh nhân, để dò nghe các vị trí Thốn, Quan, Xích. Ngón giữa ở bộ Quan, hai ngón còn lại ở bộ Thốn và bộ Xích.

Tôi thấy cũng dễ. Nhưng rồi sau đó là tôi rối mù. Ráng lắng nghe nhịp mạch đập ngang qua ba ngón tay. Mạch đập theo kiểu nào thì có tên mạch đó, mau, chậm, mạnh yếu... Rồi ráng nhớ và phân biệt 27 kiểu mach đập khác nhau, chắc là không có mạch Tuyệt rồi vì có tuyệt mạch thì làm sao mà con người ta còn thở nổi. (tất cả là 28 bộ mạch). Nào là Phù, Trầm, Trì, Sát, Hoạt, Thực, Khẩn, Hồng, Nhu, Phục, Tế, Sác, Trường, Đoản... Thiệt tình nghe nhịp đập của động mach qua ba ngón tay, tôi không biết mạch nào là mạch nào. Rán cách mấy cũng không phân biệt được. Cách gì cũng không phân biệt được. Mồ hôi rịn ra đầy mặt. Ông già tôi lắc đầu, không nói thêm câu nào. Thằng con hy vọng nối cái nghiệp nhà nầy ngu quá, làm sao bây giờ. Cứ như vậy mà tôi cố gắng, tới ba lần học tập và thử nghiệm, cả ba lần tôi đều chịu thua.

Vậy mà ba tôi vẫn còn hy vọng vì trong ngành nghề có lưu truyền câu nói "nhơn bất học Dịch vô dĩ ngôn y" ("Người không học kinh Dịch thì đừng mong nói chuyện học thuốc"). Mà tôi thì khá giỏi về bộ kinh nầy. Ông không nhắc tới chuyện mạch lạc, bắt tôi học lại đặc tánh của các vị thuốc trong Bản Thảo Cương Mục và không được thắc mắc, sách nói sao thì cứ học y như vậy, cũng đừng hỏi tới hỏi lui. Tôi làm sao dám cãi ba tôi nữa. Lần dạy tiếp nầy tôi phải học quyển Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn với cấu tạo Lục Phủ, Ngũ Tạng, các cơ quan trọng yếu của con người, phối hợp với thuyết Âm Dương, Ngũ Hành.

Lần đó ba tôi giải nghĩa Tâm thuộc hành hỏa, Can thuộc hành mộc, Tỳ thuộc hành thổ, Phế thuộc hành kim và Thận thuộc hành thủy. Các hành nầy tương sanh tương khắc với nhau. Cũng vậy Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận liên kết mà giúp đỡ nhau tạo ra cuộc tuần hoàn. Tôi lại thắc mắc:
- Ba ơi, tại sao Thận lại thuộc hành thủy mà không là thổ hay kim?
Ba tôi kiên nhẫn giải thích:
- Quả thận hình nó giống quẻ khảm gồm có hai hào âm bên ngoài và một vạch liền bên trong.
Tôi cũng biết quẻ khảm trong kinh Dịch và cũng biết hình quả thận chụp trong các sách y khoa. Đâu có giống nhau chỗ nào. Mà nếu có giống nhau thì đâu thể kết luận cái nầy là cái kia được. Thiệt tình không hiểu!

Tôi tìm mọi cách để bỏ học và ông già cũng chịu thua thằng con cứng đầu. Và cũng kể từ đó tôi thiệt tình khâm phục các vị bác sĩ tây y cũng như đông y. Vì sức tôi không cách gì học được ngành y khoa nầy. Quá khó khăn, dĩ nhiên rồi. Nhưng phục nhất là các vị bác sĩ vừa Tây kiêm luôn Đông Y hoặc ngược lại. Một bên là khoa học thực nghiệm, một bên là lý luận suy đoán trừu tượng, cách nhìn vấn đề, cách giải quyết vấn đề khác hẳn nhau, đối nghịch nhau, vậy mà họ chấp nhận được, lại cho cả hai sống chung hòa bình, tôi thiệt tình không hiểu và chịu thua.

Đến bây giờ thì các bạn biết tại sao tôi thất bại trong đời sống chưa và tôi cũng có câu trả lời với vợ chồng ông Bob già rôi. Ông Bob ơi, tại tôi cứng đầu không nghe lời ba tôi, đem sách vở đi bán hết rồi. Mà ngộ lắm nghen, đời quả có luật nhơn quả, cái gì tôi nói với ba tôi, phê bình trách cứ ông già ngày trước, bây giờ thằng con tôi nó trả lại tôi y chang như vậy. Mà hình như có lời cộng thêm nữa, nhiều lắm. Những gì tôi nói nó không thèm nghe, tôi viết nó không thèm đọc...



Ghi chú: Trong cưốn “Sinh Hoạt Cổ Đại của Đạo Sĩ Trung Quốc do công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Thương Vụ Ấn Quán Bắc Kinh xuất bản 1997 có ghi “Lư San Mạch” là của Thôi Gia Nghiêm, tự Thuận Hy Gian, đời Hậu Tống, người Cam Túc, huyện Thiên Thủy. Ông tu theo Đạo Giáo, lấy hiệu là Tử Hư Chân Nhân. Lúc cuối đời ông ẩn cư núi Lư Sơn (Quảng Châu) để tu hành và đắc đạo thành tiên (khoảng năm 1174-1189) Cả đời Thôi Gia Nghiêm chỉ trước tác có một quyển duy nhất là Lư Sơn Mạch Quyết.

Brossard. QC. Le 15 sep 2022
VÕ KỲ ĐIỀN

 

 Đăng ngày 24 tháng 10.2022