VĂN BẢN HỌC

chan dien muc
Chân Diện Mục

Dường như Việt Nam và Trung quốc chưa có ngành Văn Bản học! Các Đại học chưa có khoa Văn Bản Học.
Vớ được cuốn sách cũ mèm trôi nổi thì lấy làm thích thú lắm! Càng cổ càng quí , mà người ta cũng không đem giấy ra giám định cũ thời nào ? Và bản sao (hoặc nhớ lại viết ra) tam sao thất bản ra sao... cũng chẳng cần biết!
Cái kém của các nhà khảo cứu Việt Nam là không biết chữ Nho! Thí dụ như người miền núi, các vị nói chúa Thái nó tàn ác lắm, đem bán dân đi để lấy tiền đóng thuế, các vị không biết rằng nhà Nguyễn gọi những thôn đó là thôn Bán Dân, nghĩa là danh phận chỉ là một nửa dân của Triều đình, chỉ phải đóng một nửa số thuế! Bán là một nửa chứ không phải là bán buôn! Các vị khảo cứu cũng không biết Lưu Hành là gì? Thí dụ tác giả đó năm đó có cuốn sách Lưu Hành ở đời! Nhà khảo cứu nói năm đó tác giả đã cho in và xuất bản!
Thực ra lưu hành xưa khác xa xuất bản sau này. Người ta biết tác giả đó có cuốn đó, người ta tới xin sao chép (hoặc sao chép theo một người nhớ lõm bõm) hoặc thuộc lòng, truyền đi, thế là tác giả đã có tác phẩm “lưu hành ở đời“! Mãi sau này khi đã biết in ấn. Người ta khắc bản in để ở nhà. Ai muốn có truyền bản thì “mua giấy mực đem tới vỗ“ (ngay tại chùa là nơi có nhiều tiền cúng dường cũng làm cách đó).
Thời đó viết bài xong không kí tên, không có bản quyền tác giả. Người ta viết văn thơ không phải để đem bán! Vì không kí tên nên lưu truyền lầm nhiều lắm! Mãi tới gần đây mà một bài thơ nói là của Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Từ Diễn Đồng! chuyện trước mắt còn thế nữa là chuyện xưa!
Bài thơ "Nam quốc sơn hà" truyền là của Lí Thường Kiệt. Mới đây bà Trần thị Băng Thanh viết là của Lê Đại Hành. Cũng chẳng ai quan tâm tới bài viết của bà Giáo sư đó!
Vạn Kiếp Bí tông truyền! Đã là bí truyền sao còn truyền lại lung tung thế! Lung tung tới nỗi vũ khí thời Trần Hưng Đạo có cả... lựu đạn nữa!
Truyện Vương Tường (Chiêu Quân), truyện Nghĩa Vương Nguyễn Biểu viết bằng thất ngôn (Đường Luật) mà lại viết rất chỉnh chu không có lục ngôn như thơ Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, lời thơ rất hiện đại! Mà cái ông viết truyện cũng chẳng hiểu gì về sử cả! Thuyền Vu của Hung Nô có hùng mạnh đâu! Sao ca tụng Hung Nô :
Ở đây hạnh thắm nên mai nhạt
Về đấy sen tàn lối cỏ hương
Trong sử người ta ghi: Thuyền Vu có 19 ngàn nhân khẩu, trong khi Hán có cả triệu lính, trăm triệu khẩu. Ôi! Nếu chỉ có 19 ngàn miệng ăn thì làm sao có thể làm điên đảo Trung Quốc để đến nỗi:
Chiêu Quân biệt Hán sang Hồ
Phù Kiều sông bạc ấy mồ hồng nhan
Truyện Nguyễn Biểu cũng viết bằng thất ngôn Đường luật và lời thơ cũng rất hiện đại. Nhưng thầy Nguyễn Khắc Kham phản bác, cũng chẳng ai đếm xỉa đến bài viết của vị giáo sư khả kính đó!
Truyện Vương Tường người ta nói đời Trần vì ám chỉ câu chuyện Huyền Trân! Nhưng vịnh sử thì thời nào vịnh chả được, đâu cần ngay thời đó hoặc thời ngay sau đó! Bây giờ vẫn có những người vịnh Tây Thi và Huyền Trân đó! Chuyện Nguyễn Biểu ăn cỗ đầu người sao tin được. Mặc dù người viết là Hoàng Trừng, cháu ngoại Nguyễn Biểu! Nghĩa Vương đã bị Tầu trói gầm cầu cho nước lên ngài chết đuối! Mặc dù có vị sư chùa Yên Quốc đi qua, ngài nói về cầu kinh cho nước lên mau, cho ngài chết sớm! Trương Phụ hẳn phải cho lính canh gác! Chuyện mơ hồ và vô lí! Người ta chẳng biết ngài chết cách nào, lúc nào?
Cuốn Lĩnh Nam Dật Sử nói chuyện bên Quảng Đông. Người ta cho tác giả là một người Mán ở Đà Giang viết rồi nhờ Trần Nhật Duật hiệu đính và giới thiệu (vì Trần Nhật Duật biết nhiều tiếng Mán). Gần đây người ta phát hiện là tác giả bên Trung Quốc viết chuyện bên ấy. Tác giả viết vào... cuối đời Thanh. Trong sách có “Tỉnh Quảng Đông“. Đời Trần làm gì có tỉnh Quảng Đông trên đời này! Mãi đến đời Thanh mới thấy Trung Quốc đặt Tỉnh! Đã gọi Lĩnh Nam là Giao Châu thì Quảng Châu ở đâu??? Hẳn nhiên là ở trên Hồ Nam rồi! Sau này người ta tới Ngũ Lĩnh mày mò ra hai con đường tiến về Nam và người ta gọi là: “Quảng Nam Đông Lộ“ và “Quảng Nam Tây Lộ“! Ba chử Tỉnh Quảng Đông cho ta biết tác phẩm không thể được viết vào thời Trần. Quí vị đừng thấy thời Nguyên có hai tiếng Hành Tỉnh thì nói nó giống như tỉnh! Hành Tỉnh là nơi đặt Quân Doanh lớn để TỈNH LƯỢC vùng trước mắt! “An Nam Hành Tỉnh“ và “Chinh Chiêm Thành Sự Vụ“ đều đặt ở tuốt trên Ngạc Châu (vùng Hán Dương, Hồ Bắc bây giờ, phía Bắc sông Trường Giang “
Cuốn "Ức Trai di tập" cũng là sau này thôi vì hắn rất ít chữ cổ. Đặc biệt một vị Thiền Sư cuối Lê đã nói chữ Nôm kép xưa rắc rối, khó dùng, nay dùng chữ Nôm đơn tiện lợi biết chừng nào! Nguyễn Trãi bị chu di tam tộc thì hẳn là các tác phẩm của ông bị thiêu huỷ hết. Nguyễn trãi nếu có tập Ức Trai thì nó phải viết bằng chữ Nôm kép chứ không phải bằng chũ Nôm đơn như bây giờ!
Cuốn Hồng Đức thi thì bậy bạ cả. Thơ vịnh con cóc, cái chổi, cái cối xay thì ai vịnh chẳng được (?). Hãy xem "Thiên Nam dư hạ tập" thì ta sẽ thấy chép hầm bà lằng sáng cấu... có cả văn tế thập loại chúng sinh... đó (!)
Hai cuốn Thiên Nam Minh Giám và Thiên Nam Ngữ Lục cũng khiến người ta nghi ngờ về thời đại ra đời. Thiên Nam Minh Giám thì nói của vị Quân Chúa Trịnh thị Ngọc Trong nào đó. Nhưng những vị Quận chúa này, có vị như là Trịnh thị Ngọc Trúc... cũng chẳng ưa gì vua Lê chúa Trịnh (gả cho vua rồi lại bỏ vua... giết con bà…) rất nhiều vị trong số này sau đó đã... đi tu! Cái vụ ca tụng Trịnh Tráng và các vị chúa sau đó làm ta ngứa con ráy! Tôi nghĩ tác giả sống đời Trịnh Sâm mới có cái giọng nịnh hót quá lố đó! Còn văn trong Thiên Nam ngữ lục luộm thuộm và ngớ ngẩn, mâu thuẫn nhiều chỗ lắm. Chuyện tác giả mạt sát Dương Vân Nga là một người đàn bà lăng loàn, dâm đãng cho thấy tác giả sống ở thời Nho thịnh, chứ không phải ở thời Phật chẳng ra phật, Lão chẳng ra Lão ! Tác giả đựoc cho là Chân Nguyên, một Hòa Thượng Uyên Thâm Phật Pháp. Nhưng giọng thơ của ngài có pha chút.... Bùi Giáng:
Âm Dương thăng giáng một hồi
Thuỷ Liêm động mở ngọc lơi dề dề
Cuốn Mẫn Hiên thuyết loại được cho là của Cao Bá Quát. Nhưng Tự và bút hiệu của ông các sách xưa chỉ ghi là Chu Thần, Cúc Đường. Sau này có sách ghi ông có bút hiệu Mẫn Hiên. Tôi không đi sâu vào chỗ có học giả nói cuốn này do hai ba người viết! Tôi chỉ xin đặt một câu hỏi nhỏ: Mẫn hiên là bút hiệu của Ninh Tốn! Tạo sao chỉ cách năm chục năm mà Cao Bá Quat lấy bút hiệu trùng với người rất gần và đã nổi tiếng???
Trong số các sách bị “hiệu đính“ “bổ sung“ nhiều nhất có lẽ là cuốn Ô Châu Cận Lục của Dương văn An (Dương Chấp nhất). ông là quan Mạc, hàng Nguyễn Kim rồi lại đầu độc Nguyễn Kim trở về Mạc (!). Sách của ông để ở nhà đọc chơi (!), không lưu truyền! Thế mà sau này lưu truyền tứ tung! Đa số là người ngoài Bắc! Đa số là người không đi thực địa! Người ta sao chép biết bao nhiêu lần!
Người ta bổ sung biết bao nhiêu lần!
Bốn năm trăm năm sau người ta để mắt tới tác phẩm này hơi bị nhiều!Và hiệu đính rất mạnh tay! Bổ sung rất mạnh tay!. Người ta nói cụ viết để chơi nên hẳn là viết theo lối Hành, lối Thảo nên dễ bị đời sau đọc lầm! Cụ Trần văn Giáp than rằng Ô Châu Cận Lục đã bị biên chép sai lầm, sửa chữa tứ tung. Nay người ta nói còn năm truyền bản, mà bản của Nguyễn hàm Chuẩn (1910) được các học giả tin và dựa vào nhiều nhất!Nhưng buồn thay các vị đã cho là người trước sai lầm, ngộ nhận... nên cần phải khảo đính lại! Các vị khảo cứu, dịch, chú thích phải “nỗ lực“ đính chính vì
- Sai lầm do những nét chữ Hán có phần tương cận
- Sai lầm do nghe âm sai lạc, nên viết nhầm
- Sai lầm do ngộ nhận làng này sang làng lân cận, hay sang huyện lân cận
- Ngộ nhận trong cách phiên âm tên làng, không phù hợp với thực tế ở các địa phương
Tôi chẳng biết ai ngộ nhận! Chỉ biết rằng ngày nay đọc lại thì thấy nó mâu thuẫn... phi lí... không thể nào hiểu nổi!
Bài thơ Khóc Thị Bằng: người ta cho là của Ôn Như Hầu, người thì lại cho là của vua Tự Đức. Tôi cho là của Ôn Như Hầu. Giọng thơ của hầu trong cung oán rất đài các, nhưng trong thơ sai thằng Cam và thơ thăm vườn gừng tỏi lại rất bình dân, hợp với mưa hè nắng Chái, sớm Ngõ trưa Sân của bài khóc thị Bằng! Trái lại trong cung vua chỉ có Ngọ Môn, chỉ có Hành Lang chứ không có Ngõ, Chái Nhà! Câu:
Xếp tàn y lại để dành hơi
Không thể của một Đại Hoàng Đế và mối tình Vương Giả của ngài (nếu có). Khi Phi chết, dù là rất yêu quí, ngài không thể lấy áo cũ (tàn y) của nàng để làm vật kỷ niệm, lâu lâu đem ra... ngửi!!!
Cuốn Đại Việt Sử kí Toàn Thư. Ông Phan huy Lê sang Pháp lấy được bản Toàn Thư, bèn nói đó là bản thời Chính Hoà! Khi ông Bùi Thiết cãi lại là không phải. Giáo sư lên mặt thày vặc lại bằng giọng cả vú lấp miệng em. Than ôi! Bản Chính Hoà mà sao trong đó có những tên huyện... mới lập thời Tự Đức!
Những bài thơ “tuyệt mệnh“ không phải của các chí sĩ mà người ta đã gán ghép cho.Chuyện này tính sao đây? Nhiều vị đang chửi tôi đó! Nhưng các vị đã lưu truyền những bài thơ này một cách khó hiểu! Một Mã Tà không biết chữ, khi dẫn người đi chém, có thể nghe một lần mà nhớ những bài thơ chữ Hán được chăng? Bài thơ tuyệt mệnh của thủ khoa Huân có người gán cho là của Nguyện văn Trắm, cánh tay mặt của Lê văn Khôi! Bài thơ tuyệt mệnh của Hồ Huân Nghiệp là do cụ Đông Hồ mạo tác! Câu thơ ghép các chữ Hán theo kiểu chữ một Mô à Mô, chẳng thành câu thành cú gì cả:
Kiến nghĩa ninh cam bất dũng vi
Chử Cao Đường ở câu thứ tư đã không thể chấp nhận được:
Duy luyến Cao Đường bạch phát thí
Đó là bài thơ tuyệt mệnh mà Hồ Huân Nghiệp nhớ đến mẹ già. Chính cụ Đông Hồ đã dịch là:
Thương bấy mẹ già tóc bạc phơ
Sao cụ Đông Hồ lại không biết Cao Đường chỉ người cha và Huyên Đường mới là chỉ Mẹ
Sau khi Tôn thọ Tường chết một thời gian, rộ lên cái thứ thơ mà tôi gọi là Thơ Cầu Cơ! Người sính thơ nhất trong đám này là Lê Quang Chiểu. Người ta thường tụ tập ở Túi Tinh Đàn Sa Đéc, rồi truyền tụng nhau Xướng Hoạ. Sau này một số nhà chí sĩ chạy vào chùa Nam Nhã, Cần Thơ... rồi ở vườn thầy Cầu nữa , người ta tụ tập bàn Quốc Sự, rồi làm thơ theo kiểu Cầu Cơ! Thơ Huỳnh Mẫn Đạt gặp Tôn thọ Tường ở Bồn Kèn là thơ Mạo tác, thơ cầu cơ! Có cái bồn kèn ra đời thì cả Tôn vã Huỳnh đã chết lâu rồi! Trong những thơ này, rất lạ là có mười bài Tự Thuật của Tôn? Tôi nghĩ không có ai làm một hơi mười bài tự thuật, gieo vần hiểm như thách đố người ta họa lại!
Thơ Khóc Vợ của Bùi Hữu Nghĩa cũng khả nghi! Cụ là một vị Cử Nhân, đã từng luyện thứ văn cử nghiệp, không thể gieo vần Tăm cho câu 1 và câu 8, lời thơ rất hời hợt... chẳng có gì là thương lắm! Rõ ra kiểu làm chơi!
Bài Chùa Hư! của cử nhân Vĩnh Long, sau này người ta nói là của Phan văn Trị.Nhưng người nói chùa hư ở Gò Vấp, người nói ở Vĩnh Long? Tôi tra cứu ra thì có cái chùa Vĩnh Làng ở Khánh Hội! Sau dời tới Gò Vấp! Các tài liệu rất mù mờ, không biết dời tới Gò Vấp đổi là Vĩnh Tràng hay dời xuống Vĩnh long (???) mới đổi tên là Vĩnh Tràng! Mắc cười nhất là cái chùa Vĩnh Tràng ở Vĩnh Long! Tôi đố các vị học giả tìm ra cái chùa Vĩnh Tràng ở Vĩnh Long. Nó nằm ngay ở Chợ Gạo, Mỹ Tho, xây thời Pháp, có lẽ nó là cái chùa lớn nhất Việt Nam vào lúc đó! Nay nó còn nằm nghênh ngang ở đó và không hề có sửa chữa, tu bổ gì cả. Cái Chùa Hư nằm ở Gò Vấp, bài thơ vịnh của Cử Nhân Vĩnh Long!
Tôi dành chuyện thú vị sau cùng để nói về con quỷ cái Hồ Xuân Hương! Sao tôi lại hỗn láo với tiền nhân! Sao tôi lại xúc phạm vị nữ thi hào lừng lẫy của dân tộc? Ồ! Chỉ là vì... Hồ Xuân Hương không có thực trên đời này! Có một ông Xuân Hương nào đó! Ồ không! Có hàng chục ông Đực rựa Xuân Hương!
Những bài truyền tụng trong dân gian đã bị người ta nghi ngờ rồi! Đến khi lòi ra cái ông Tốn Phong thì người ta càng nghi ngờ thêm. Tra cứu cùng khắp thì không có cái ông Tốn Phong! Tập hợp những bài thơ trong Lưu Hương Kí của Tốn Phong không thấy có bài trùng với những bài lưu truyền ở dân gian? Nghi hay không nghi người ta cũng bỏ cả chung vào một rọ! Càng nhiều càng vui!
Nhưng ngày càng có những tin vui mới! Hồ Xuân Hương làm thơ chữ Hán! Hồ Xuân Hương xướng hoạ với các Danh Sĩ! Chuyện các danh sĩ mượn vai nàng ca kỹ để khen nhau, đá giò lái nhau là chuyện thường tình. Các ngài đã gà cho ca kỹ một bài thơ để đùa ông Phủ Vĩnh Tường, để chửi séo ông Tổng Cóc, làm giùm một ca kỹ để đọc trong bữa tiệc tiễn quan đi nhận nhiệm sở mới! Đó chỉ là trò xả xì trét cho mùa Xuân thêm Hương! Thi sĩ gà cho một cô khi phải tiếp một ông quan đen thui, xấu xí nhưng thưởng nhiều tiền
Đường quan nổi tiếng anh tài.
Thương Quân đã dễ mấy người xưa nay
Đến bây giờ mới thấy đây
Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình
Và dặn cô ta khi hát tới chỗ mặt sắt thì ngưng một chút cho quan...thấm
Một vị quan khác, rất gìa, nhưng khi đi nghe hát cứ chọn những cô rất trẻ!
Thi sĩ bèn bảo cô ta hát câu:
Đã cho vào bậc bố kinh
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu
Nhưng khi hát tới chữ Bố thì phải ngừng một chút
Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du là một cặp tình nhân tuyệt vời! Yêu nhau thắm thiết những ba năm. Nếu quả chuyện này có thực thì Nguyễn Du là một thằng tồi: Nguyễn Du chạy xấc bấc xang bang! Bản thân không đủ no: Cơ hàn bất giác thụ nhân liên.
Ba bà vợ đói rét Nguyễn Du không ngó ngàng tới mà lại đi sương hoa tuyết nguyệt, uyên ương hồ điệp, phấn rụng hương rơi với các nàng ca kỹ!
Ôi! Càng ngày tôi thấy càng nhiều người bàn về Hồ Xuân Hương mà sao chỉ thấy một giọng “ấy ái uông“.

08 tháng 09.2016
Chân Diện Mục

 

Đăng ngày 20 tháng 12.2016