banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Nha Trang: Bao giờ cho tôi quên?

Nguyễn thị Ngọc Dung
(Chụp ở quán Café bên bãi biển Nha Trang-2018)

Thế là cuối cùng tôi cũng về được Việt Nam, sau bao lần đắn đo, ngần ngại, dè dặt...Nơi tôi đặt chân đến đầu tiên là phi trường Tân Sơn Nhất.  Nhờ có người quen biết ra đón, tôi cảm thấy bớt lo sợ. Nhưng điều làm tôi yên tâm nhất chính là nhờ có ông anh lớn đi về cùng, nên cái nhát của tôi cũng giảm đi nhiều lắm. Tuy vậy, tôi vẫn vừa đi vừa giữ chặt ví trên vai, đưa ra phiá trưóc, đề phòng bị giật. Nhưng được biết là ở phi trường thì an ninh, không đến nỗi, nên tôi cũng cảm thấy yên tâm hơn. Một điều tôi cứ đề phòng là sợ người ta làm khó dễ, hạch hỏi, như môt vài trường hợp tôi được nghe kể.  Quả thật là buồn cười, khi về thăm quê hương mà lại mang tâm trạng căng thẳng như một kẻ ...có tội. Lúc nào cũng nơm nớp đề phòng điều gì sẽ xảy ra.  Nhưng đến khi về tới nơi, thì thấy chẳng đến nỗi nào.
Ngoảnh đi ngoảnh lại cũng đã hơn hai năm, kể từ khi tôi về lại Vancouver. Tưởng chừng như mới đây. Thời gian tựa cánh chim, bay không biết mỏi... Khiến nhiều người nuối tiếc, mong sao cho thời gian chậm lại.

Buổi sáng hôm ấy, theo lời đề nghị của các nữ sinh trong “ban tổ chức”, trước khi đến thăm bà Tổng Giám Thị, “thày trò” chúng tôi đã ghé căn nhà ở đường Đống Đa, nơi gia đình tôi ở ngày trước. Chỉ là để nhìn ngắm lại căn nhà, và chụp tấm hình kỷ niệm.
Con đường Đống Đa không xa nhà XT - nơi tôi trú ngụ - là mấy, nên thầy trò chúng tôi có thể đi bộ. Trên đường đi, tôi không tài nào nhận diện được con đường xưa. Đường xá dường như nhỏ hẹp hơn. Khu nhà ở trước kia bây giờ đã trở thành phố buôn bán. Chung quanh, người người đông đúc, quang cảnh trông có vẻ như chật chội hơn, nhưng sinh hoạt nhộn nhịp. Tôi nghĩ, có lẽ đó lại là điểm hay, để những kẻ xa quê như tôi, khi về không cảm thấy cô đơn. Vì như vậy, đời sống xem ra còn có sinh khí, chứ không đến nỗi im lìm, quạnh hiu. Tôi sẽ bớt cảm giác bùi ngùi. Và đó có thể cũng là một dấu hiệu tốt của cuộc sống đang... lên? Một điều tôi tin chắc, là sau bao nhiêu năm ... nghẹt thở, người dân hẳn đã quen chịu đựng rồi. Và cũng đã từng chịu vất vả, vùng vẫy để thoát ra. Thì đến bây giờ người ta đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Người nào có khả năng thì có thể sống còn và vươn lên. Phiền muộn mãi, thì cũng chẳng ích lợi gì.

Gặp lại các vị đồng nghiệp cũ, tề tựu sẵn tại nhà “cô Ngân”, Tổng Giám Thị của Trưòng ngày trước.  Ai nấy đều nở nụ cười thân thiện. Các thầy cô, dù mái tóc đã điểm sương, cũng vẫn còn phong độ. Duy có bà Tổng giám thị -“cô Ngân”- (gọi theo các em cho thân) thì có ốm đi nhiều, tuy nét mặt cũng không khác trước. Lần gặp ấy, chỉ mới hai năm hơn. Không ngờ lại là lần gặp cuối. Sau này, nếu có dịp về thăm lại Nha Trang, chắc chắn tôi sẽ không tránh khỏi cảm giác thiếu vắng... Các cựu nữ sinh ngày xưa, vẫn còn đây, vẫn tiếp tục là sợi dây kết nối, và là nguồn động lực để các Thầy-cô-học trò-đồng môn có dịp gặp gỡ nhau. Ở Việt Nam, sau cơn gió buị, người điều khiển con tàu Trường Nữ Trung học Nha Trang- Bà Hiệu Trưởng đã đi ra nước ngoài. Còn lại nhân vật thứ hai mà các học sinh coi như chỗ dựa tinh thần cho đám chim non, bấy lâu nay đã trưởng thành. Các nữ sinh coi như người mẹ, chính là bà Tổng Giám Thị. Giờ thì không còn nữa!  Nhưng tôi biết, các cô cựu nữ sinh áo trắng kia vẫn không vì sự ra đi của cô Ngân mà lơ là công việc, qua vai trò liên lạc. Để chia xẻ niềm vui, nỗi buồn cùng các bạn đồng môn. Đồng thời, giữ sợi giây gắn bó với các thầy cô cũ. Và nhất là, cũng muốn “còn một chút gì để nhớ...”

Một điều đáng lưu ý là, người ta, dù ở vào hoàn cảnh như thế nào, nếu tâm còn bền, và trí còn sáng suốt, thì lúc nào cũng đứng vững. Thêm vào đó, là sự lạc quan, hướng thượng, thì mọi khó khăn nào cũng đều có thể vượt qua. Ai ở vào thời điểm ấy, hẳn chưa quên, trong cảnh đất trời nổi cơn gió bụi,  con người bị thất điên bát đảo. Sống trong hốt hoảng, Kẻ tìm đường ra đi. Người cắn răng chịu đựng. Nếu người đi, gặp bao nỗi gian truân. Thì kẻ ở, cũng muôn vàn thử thách....Nhưng rồi, ngày tháng trôi qua, dần dần, cũng phải nguôi ngoai. Đã quen dần với những thử thách. Và cuối cùng, cũng có ngày đạt được thành công, dù lớn hay nhỏ. Ở đâu cũng có cái khổ, hay những điều bất như ý. Nhưng đa số, đều biết nương theo tình thế, mà sống. Uyển chuyển và linh động. Nên cuối cùng, mọi nỗi khó khăn, mâu thuẫn, cũng đều có thể “tự hoá giải” được. Có những trường hợp người ta phải nén nỗi đau chung, để có thể sống sót. Một cô học sinh, khi nhắc lại thời kỳ gay go, sau 1975, cũng đã tâm sự rằng, hàng năm đến ngày 30 tháng 4 em vẫn lẳng lặng mặc áo dài vàng, để tưởng nhớ. Có em, trong thời gian đi dạy, sau 1975 cũng đã phải điêu đứng vì thuộc “gia đình nguỵ”. Nhiều gia đình phải lao đao vì sinh kế, mà còn lo sợ, hồi hộp vì nạn “lý lịch”. Có gia đình có người tự vẫn vì khiếp đảm với sự... trả thù vô nghĩa. Có thầy đang dạy học phải bỏ nghề, đi buôn một dạo. Ôi, cuộc đời sao nhiều nỗi bất bằng. Kể ra sao hết. Nhưng chỉ sơ lược như thế để thấy sức vươn lên của con người thật là đáng khâm phục. Trong hoàn cảnh xã hội như thế, con người có trở nên... hư hỏng, vì cùng đường, cũng không phải là lỗi của họ. May một điều là, trong mỗi con người vẫn tiềm tàng một khuynh hướng vuơn lên, như sức bật dậy của chiếc lò so. Để, cuối cùng vẫn đứng vững với niềm kiêu hãnh... 

   

         

Cô Trò cùng nhau đi bộ đến nhà cũ- Đống Đa

Thế mới biết khổ có trăm nghìn nỗi. Có cái khổ về tinh thần. Có cái khổ về vật chất. Khổ vì đói ăn, thiếu mặc thì hiển nhiên. Nhưng cái đau về tinh thần, về cảm xúc thì thật khó tả. Cái nào khổ hơn cái nào, quả khó nói. Rõ ràng, không cần lý tưởng xa vời, miếng ăn mà không có, mới làm người ta chết tại chỗ. Nhưng nỗi khổ về tinh thần mới khiến chết từng ngày. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Và chuyện đời vốn dĩ vô thường. Càng nghĩ càng thấm thiá. Cách ta đương đầu với nó, bằng tất cả nhân cách, mới là điểm đáng nói. Tuổi càng cao, con người lại càng không nên tranh giành hơn thua, nếu hiểu rõ lẽ sắc, không của cuộc đời.

Chuyến về thăm Việt Nam vừa qua, với tôi, là một kỷ niệm đẹp. Những thành phố tôi đã đi qua, nơi nào cũng đông đúc. Saìgòn, Hànôi, Mỹ Tho, Cần Thơ v.v...đâu đâu cũng thế. Người ta chen chúc để sinh sống, làm ăn. Nơi nào cũng khói xăng, buị bậm. Thoạt nhìn, du khách không khỏi có cảm giác bực bội. Tại sao lại xe cộ đông đúc như thế. Sao người đông như thế, đường phố đông đúc quá? Lái xe không có luật lệ gì cả.v.v.. và v...v...Nhưng nghĩ kỹ, sống ở những nơi xa xôi, không có xe cộ nhiều -vùng kinh tế mới chẳng hạn- thực tế có sống nổi đâu? Và, nếu không, thì biết sống đâu bây giờ! Lai phải tụ tập về thành phố, để có cảm tưởng an toàn hơn, về sinh kế. Đường phố vì thế càng ngày càng đông, người phải sống chen chúc là lẽ tất nhiên. Nguời dân có được ai lo cho?... Đặt mình vào hoàn cảnh đó, tự nhiên mới thấy thông cảm với nỗi vất vả, chật vật, chen chúc ấy. Tất cả đều có lý do. Đường phố Nha Trang còn đỡ hơn nhiều. Con đường Đống Đa của tôi khi xưa giờ cũng không còn vẻ mỹ quan, yên tĩnh ngày trước. Người ở đâu ra nhiều thế. Hàng quán, cũng tấp nập, xe cộ ngổn ngang. Hoàn cảnh thế, phải nương theo thế để sống. Còn gì nữa, để phàn nàn....

Tôi thực sự cảm thấy ấm lòng về mối chân tình của những học trò cũ. Các nữ sinh dưới mái trường NTHNT ngày xưa bây giờ vẫn thế. Đặc biệt tình nghĩa đối với Thầy cô, bạn bè là số một. Tấm lòng ấy, trước sau vẫn như một. Tình cảm ấy đến tự nhiên, không phải do bắt buộc. Chưa bao giờ trong đời đi dạy học, tôi lại bảo các em phải thế này hay thế kia. Có lẽ nếp giáo dục đã ăn sâu vào nếp sống, cách suy nghĩ, cách đối xử. Và nhờ thế, các thầy cô thuở ấy không phải mệt nhọc, kỷ luật học trò một cách quá đáng. Những hình thức kỷ luật có ghi trong nội quy nhà trường; và là một thứ kỷ luật của tinh thần nhân bản.  Không có gì quá đáng đến độ ... tàn ác. Bản thân tôi cũng chẳng cần phải dùng đến hình thức phạt học sinh bao giờ. May quá, tôi không quen áp dụng những kỷ luật học sinh trong lớp học. Tôi coi những học sinh của mình như một đàn em nhỏ, và mình có thể nói chuyện với. Dạy học là một sự cảm thông. Thay vì phải la hét, như kiểu dạy học sinh nhỏ, ngỗ nghịch. Nếu bà Tổng Giám Thị hay bà Hiệu trưởng có dặn dò học sinh, cũng chỉ là để nhắc nhở, khuyên can. Chứ không phải là để trừng phạt, ra uy, hay làm tổn thương người học sinh, cả về thể xác lẫn tinh thần. Không còn gì bất nhẫn hơn khi phải chứng kiến sự kiện đáng buồn như vậy, nơi chốn học đường.

*  * *
Các nữ sinh của Trường Nữ Trung Học Nha Trang, tương đối là những người may mắn và thành công, trong cuộc sống. Xem ra, người nào cũng đều có điều kiện để vượt lên trên mọi khó khăn. Đa số sống về nghề dạy học. Nhiều người khá giả, sống phong lưu. Nhưng, điều nổi bật nhất vẫn là tình học đường, từ nghìn xưa đã được bồi đắp vững vàng. Tinh thần trọng đạo lý, nhân nghĩa, huấn luyện cho người học sinh tương lai biết đặt tình nghĩa lên hàng đầu. Tình gia đình, tình học đường, tình đối với cha mẹ, anh em, bạn hưũ, Kính trọng người già yếu, giúp đỡ người tàn tật. Ngoài tình bằng hữu tương thân tương ái, còn là tình nhân đạo đối với người chung quanh. Tinh thần nhân bản là ở chỗ đó.

Ăn cơm mới, nhắc lại chuyện cũ, chỉ là để nhớ lại một thời tốt đẹp đã qua. Bây giờ chỉ còn là hình   bóng. Nhưng hình bóng ấy cũng đủ làm nền tảng cho những người học sinh năm xưa, với đầy đủ nhân cách; từng được kỳ vọng như là những “người Tổ quốc mong cho mai sau”.

Lần gặp gỡ này đã đem đến cho tôi một niềm hạnh phúc, một nỗi hân hoan, khi gặp lại học trò cũ của trường, của lớp tôi đã dạy. Ngay cả với những học sinh không học với tôi. Tất cả đều là học sinh tiêu biểu của một thời, trong cùng một chế độ, lấy tự do, nhân bản làm trọng. Tôi mong có dịp gặp lại những tâm hồn trong sáng ấy, ít nhất một lần. Không biết điều này có thực hiện được trong vòng hai năm nữa hay không? Tâm tình ấy, một buổi khoản đãi vội vàng, trong khoảnh khắc thời gian giới hạn, vẫn thấy chưa đủ.

Cùng với nỗi nhớ quê vời vợi, tôi vẫn cảm thấy mình còn nhiều lưu luyến...

Nguyễn thị Ngọc Dung
Vancouver, 2020



Đăng ngày 02 tháng 11.2020