banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Một chuyến vượt biên

Peter C. Trần

Hôm nay ngày 5/9/2022, đúng 42 năm ngày gia đình tui xuống tàu vượt biên đi tìm tự do. Hơn 40 mươi năm trôi qua, năm nào cũng vậy, cứ tới ngày 5/9 là tui lại nhớ đến nó. Không phải chỉ có ngày 5/9 thôi, mà bất cứ khi nào nhìn thấy biển, tui cũng nhớ đến nó. Tui bị nó ám ảnh thì đúng hơn, bởi vì những chuyện xảy ra trong chuyến vượt biên đó tôi vẫn nhớ như nó mới xảy ra hôm qua vậy! Tới chết cũng không thể quên!
Tui đã viết tổng cộng được 75 bài Chuyện Tào Lao. Bài nào cũng viết dễ ợt, viết ngon lành, bất kể chuyện trên trời dưới đất, chuyện ông kia bà nọ, chuyện xưa chuyện nay, chuyện của tui hay của thiên hạ, bất kể đề tài nào cũng viết được, nhưng tới bài nầy tui sựng! Một chuyến vượt biên mười mấy ngày đêm gian nan trên biển, với thời gian chuẩn bị cả hơn nửa năm, với biết bao nhiêu người trong cuộc, kèm theo bao nhiêu chuyện vui buồn, thương ghét, giận hờn, sợ sệt, lo âu, xấu tốt, lòng người, tình đời, đạo nghĩa,... thì cho dù một cuốn sách cũng không thể viết hết được. Làm sao gom gọn hành trình này trong một bài viết? Viết cái gì và bỏ cái gì? Viết cách nào? Thôi thì cứ viết theo dòng suy tư trong đầu. Thứ gì mình nghĩ nên viết thì viết! Đắn đo nhiều, mệt thân già quá!
Rồi, ai thích chuyện tào lao của Mười Lúa thì mời bưng ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” ra đi. Vừa nhâm nhi vừa đọc chơi. Bài này dài à! Hễ mệt thì nghỉ. Tui viết mệt cũng ngừng.

Khó mà tin được một thằng nhóc mặt còn búng văng sữa, từ trong nhà tu vừa bước ra đời, vàng không có tới một chỉ trong tay, lại có thể tổ chức một chuyến vượt biên! Thực sự thì tôi chỉ là một trong ba người chủ chốt. Một người có tàu, một người có đường dây móc nối với công an để mua bãi, mua cửa, còn tôi là người kiếm khách, thâu vàng để mua máy, sửa tàu, mua dầu, thực phẩm, nhứt là trả tiền lót tay cho công an.
Người chủ tàu, tui chỉ có dịp ghé ngang cửa nhà ông ta, nhìn chiếc tàu, không vô nhà, chưa từng gặp mặt, nên không biết tên luôn. Người móc nối tên Sáu Vị. Hai người này tuy lớn tuổi hơn tôi rất nhiều, nhưng họ không cách gì moi ra tiền để chuẩn bị cho chuyến đi. Tôi có trái tim ngay thật, kèm theo chút vóc dáng của kẻ tu hành còn sót lại, thêm cái miệng khéo nói, cộng một chút lanh lợi, nên kiếm khách khá dễ dàng. Về mặt nổi, tôi và Sáu Vị là vai chính, dù hỏng phải là chủ tàu.
Mục đích chính là đưa vợ con và người thân đi, còn tiền bạc không phải là mục tiêu, cho nên tui dễ thông cảm với những cảnh đời nghèo khổ thời đó, và sẵn lòng cho họ một cơ hội. Có thể nói, lòng tham hoàn toàn không có ở đây! Đó cũng là lý do khiến khách tin tưởng tui ngay phút đầu. Người ta nói tâm sinh tướng, có lẽ không sai. Thậm chí vài chục năm sau, khi định cư ở Mỹ, mở tiệm bán furniture, nói chuyện một hồi, khách cũng vặn hỏi: “bộ anh tu xuất” hả? Tôi không những không giấu “lý lịch”, mà còn luôn hãnh diện khoe mình là tên “tu xong”, tu đủ vốn rồi, nên hoàn tục, cưới vợ, sinh con như bao tín hữu bình thường khác.Tui may mắn được hấp thụ một nền giáo dục hết sức đặc biệt của nhà tu Công giáo, và tui luôn tạ ơn Chúa về điều đó. Nói về mình nhiều không tốt, bởi vì “Le moi est haissable” (The self is hateful = Cái tôi đáng ghét). Chỉ đôi dòng cho người đọc biết bối cảnh của tui thời đó thôi, chớ bi giờ bị đời nó vật lên vật xuống gần nửa thế kỷ, cái cốt cách tu hành không còn lại được bao nhiêu so với thời trai trẻ đó! Trở lại chuyến đi.
Tôi là người có quyền quyết định cho ai đi, lấy bao nhiêu cây vàng, ai được xuống cá lớn làm thuỷ thủ, ai được phân công lái cá con. Cây là tiếng lóng của dân vượt biên chỉ một lượng vàng. Cá lớn là tàu lớn. Cá nhỏ là tàu nhỏ, là taxi, đưa khách từ trong đất liền ra tàu lớn.
Ông Sáu Vị cho tui biết kế hoạch như vầy: Tàu là tàu đi sông, sẽ sửa mũi tàu để chẻ sóng, và chưa có máy. Cần gắn máy, và tao đã tìm được một cái máy của xe nhà binh GMC 6 blocks còn rất ngon. Trọng tải 16 tấn, chở từ 300 người trở lên. Bên Công An đòi phân nửa, tức 150 người, do họ kiếm và thu vàng theo ý họ. Tiền mua bãi và bốc khách lớn lắm, nên họ đòi 150 chỗ. Họ thu ít nhất từ 5 cây/người để họ ăn chia, miễn mình an toàn là được. Bên mình phân nửa, 150 người, bao gồm gia đình chủ tàu, gia đình tao, gia đình mày, gia đình thằng tài công, và mày phải kiếm thêm một mớ khách để có tiền mua máy, sửa tàu, mua dầu, mua la bàn, mua hải đồ, đồ ăn,... và phải có thêm 10 cây nữa để chung cho Công An ở cửa biển. Mình cũng cần mua ba con cá nhỏ, để bốc gia đình chủ tàu, gia đình tao, gia đình mày. Khách còn lại sẽ giao cho Công An bốc. Bọn họ là một đường dây, nên mấy con cá nhỏ bốc khách, toàn là du kích từ Cần Thơ dài ra cửa Đại Ngãi, nên yên tâm, vì chúng là thổ địa, ăn chia với nhau, từng tổ chức nhiều lần rồi, nên sẽ rất an toàn. Mày yên tâm....
Qua lời giới thiệu của một người bà con, và nghe kế hoạch của Sáu Vị có vẻ rất “chắc ăn”, nhứt là có CA bảo kê, cho nên tui hoàn toàn tin tưởng ông Sáu Vị, và tiến hành theo kế hoạch do ông ta vạch ra. Bổn phận của tui là kiếm tiền. Cứ thu được cây nào thì giao cho ông ta cây đó kèm theo danh sách khách. Sửa tàu gồm sửa cái mũi tàu, thay ván lườn tàu (cạy bỏ ván cũ, thay bằng ván mới dày 3 phân rồi dát thêm môt lớp tôn bên ngoài), đóng cabin trên mui tàu,...  Gắn máy xe GMC, mua máy phụ Yanmar F6, la bàn, hải đồ, dầu, thức ăn,... và tất cả trăm thứ lỉnh kỉnh cho chuyến đi, Sáu Vị lo hết. Tui tin ông ta hoàn toàn, nên không hề thắc mắc về chi phí. Ngay cả sau này, gần ngày đi, ông ta nói tụi CA ở cửa đòi 15 cây chớ hỏng chịu 10 cây nữa, tui cũng “ngoan ngoãn” đi kiếm khách tiếp. CA có đòi thêm, là chuyện dễ hiểu, hay Sáu Vị thấy tui kiếm vàng dễ quá, sinh lòng tham muốn gom thêm, tui cũng hỏng chắc, bởi vì có ai mà không động lòng tà với tiền tài. Tui không còn đường nào thối lui!
Tóm lại, về mặt tài chánh, tui là “Trưởng Ban Kinh Tài”, nghĩa là chịu trách nhiệm 100% chuyện tiền bạc. Khách chỉ biết tui chớ không ai biết chủ tàu là ai, Sáu Vị là ai cả. Đi được thì họ quên tôi, nhưng trục trặc thì họ “lôi đầu” tôi, chớ không tìm hai người kia! Quyền hạn và trách nhiệm luôn đi kèm nhau. Trong trường hợp này, quyền thì không nhiều, mà trách nhiệm thì quá xá nặng nề! Lòng chỉ muốn vượt thoát, chết còn hỏng sợ, trách nhiệm nặng cỡ nào tui cũng không ngán!
Thời 1980, không có 3 cây vàng trở lên, thì đừng hòng tính chuyện vượt biên.  Những người đi bán chính thức do chính VC tổ chức, thì tốn không dưới 10 cây! Có người mất không biết bao nhiêu vàng, vào tù ra khám nhiều lần, có khi còn chưa nhìn thấy được tàu, chưa thấy được biển! Tôi chưa từng thâu của ai hơn một cây vàng/đầu người. Bà con, bạn bè, lấy bốn năm chỉ, thậm chí cho đi không. Nói tôi khờ khạo vì có cơ hội hốt vàng mà hỏng hốt cho đã, không sai, vì nó rõ ràng là cơ hội bằng vàng, có một không hai. Nói tôi thật thà, hiền lành, tốt bụng của một thằng mang trong mình cái cốt tu nhiều năm càng không sai, vì rõ ràng tôi xử sự bằng tấm lòng nhân ái, thương người. Tôi thích cách nghĩ thứ hai hơn, vì bản chất thật sự của tui là như vậy.

Chuyến đi không êm xuôi như lòng mong đợi, vì giờ chót tôi bị công an bắt. Đó cũng là chuyện thường, vì vượt biên là đi trốn, chớ đâu phải đi du ngoạn. Ngay cả chuyện có tới bờ tới bến được hay không, hay phải vùi thây giữa lòng đại dương làm mồi cho cá mập, cũng có ai mà biết. Ai dám bảo đảm cho ai? Tất cả chỉ là liều mạng. Tất cả chỉ là đánh cược bằng chính mạng sống của mình!
Đêm 4/9, CA đổ khách từ Cầu Bắc và Bến Ninh Kiều theo kế hoạch. Năm giờ sáng, tui bắt xe ôm đến cầu Rạch Bần để bốc người khách sau cùng. Nó là một thanh niên trẻ, người bà con giới thiệu. Nó không muốn giao vàng trước, và đồng ý trả 3 cây khi lên tàu lớn. Tui vừa kêu xe ôm ngừng giữa cầu, vì nhà nó bên kia đầu cầu, thì hai tên CA chìm, kè tui hai bên liền, với 1 câu đánh đầu:
- Mày là TNC, sinh viên năm thứ tư sắp ra trường, danh sách khách đâu, đưa đây!
Tôi mặc cái áo lạnh thùng thình, thò tay vô túi, vò nhanh miếng giấy danh sách khách và búng văng xuống rạch, chúng không thấy. May! Tui tỉnh bơ trả lời:
- Ủa mấy anh nói gì lạ vậy, tui không hiểu gì hết!
- Mày đừng có đóng kịch, chuyện mày tổ chức vượt biên tụi tao nắm hết!
- Mấy anh nói gì lạ vậy! Tui là một sinh viên nghèo tới cơm còn không đủ ăn, tiền đâu mà vượt biên? Tui cũng sắp ra trường, tương lai đâu có tệ, vượt biên chi?
- ĐM mày ngoan cố hả? Mày về đồn CA sẽ biết tay tao!...
Chúng dẫn tôi lội bộ về đồn CA (Phường An Lạc?) ở đường Tự Đức, cách đó chừng hơn cây số. Đó là căn nhà lầu hai tầng của một BS vượt biên, bị tịch thu. Chúng đem tui nhốt vào một phòng trên lầu, nhưng có một thằng CA khác cho hai thằng này biết: “Đêm hôm nhốt thằng “tội phạm” ở phòng này, nó phá cửa sổ, nhảy lầu trốn mất!” Cửa sổ vẫn còn mở tang hoát! Vậy là chúng đem khoen và quyện để khoá chân tôi lại cho chắc ăn. Cái khoen hơi nhỏ, cho nên nó không cách gì thọt cây sắt vào để khoá. Nó ráng đẩy đến rách da, đau muốn chết, nhưng vẫn không qua lọt! Dù là thư sinh, nhưng gốc nông dân, cho nên chưn cẳng tui bự như chưn voi, và đó là cái may mắn cho tui, chớ nó quyện được, thì tui tàn đời rồi! Chúng dẫn tui xuống tầng trệt, nhốt tạm ở hành lang, bên hông nhà, có vách rào cao, ngăn cách với con hẻm, và bên trên là dây chì gai công-sẹc-ti-na (concertina), cao lắm, rồi bỏ đi. Tui nghe hai thằng nói chuyện thì tui biết chúng đi kiếm cà phê, vì có lẽ chúng thức canh bắt tui ở đầu cầu cả đêm, nên mệt và buồn ngủ.
Tui hoang mang, sợ sệt, lo lắng, và dĩ nhiên chín phần tuyệt vọng. Tương lai ngồi trong khám, gãi ghẻ ngứa, gỡ ít nhứt ba cuốn lịch trước mắt! Tui biết những người chủ chốt tổ chức vượt biên, chủ tàu, và tài công, một khi vô tới khám lớn Cần Thơ thì không cách gì dưới ba cuốn lịch! Trưa mai thế nào tui cũng bị “nhập kho” vô đó! Tui liều mạng, “nhứt chín, nhì bù”, phải vượt ngục. Cùng lắm là chết, chớ tù ba năm thì tàn đời, và hết cơ hội! Một quyết định đem sinh mạng mình ra cá lúc này, không khó, vì khi quyết định vượt biên là đã dùng nó để đánh cá rồi! Đây có lẽ là chỗ để đồ của chủ nhà cũ, và hai thằng kia sẽ trở lại rất nhanh để giải quyết tui. Không thể chần chờ, vì cơ hội sẽ không còn. Lòng bồn chồn, lo sợ, nhưng tui vẫn ráng bình tâm quan sát địa hình và chờ thời cơ.
Phía giáp với con hẻm, hướng an toàn nhứt để vượt thoát, thì dây chì gai căng kín mít, không cách nào chui ra được. Phía trước, hướng nhìn ra lộ chính, dây chì gai có một lỗ khá lớn, tui có thể trèo lên, ráng chui thì có cơ hội thành công. Ngặt nỗi, khi đi về hướng đó, phải đi ngang qua một cửa sổ, mà mấy tay CA đang ngồi làm việc bên trong, có thể phát hiện. Dù chúng không thấy, khi chui ra được bên ngoài, vẫn phải quẹo phải, đi ngang qua cửa chính mới thoát ra cổng được. Đi ngang cửa chính, thì mấy tên CA đang ngồi làm việc ở bàn giấy, mặt hướng ra cửa, không cách gì không thấy tui. Cách gì thoát?

May quá, cơ hội đã đến: Khoảng 8 giờ sáng, khi đồn CA vừa mở cửa làm việc, có một đám sinh viên ba bốn đứa, vào làm giấy tờ (nghe đối đáp loáng thoáng, tui đoán chúng chuyển hộ khẩu). Cơ hội đến rồi! Từ cửa sổ, tui đưa ngón trỏ lên miệng ra dấu với đám sinh viên, xin họ đừng tri hô, rồi nhanh nhẹn đi về phía trước, trèo lên, chui qua lỗ chì gai đó. Tưởng dễ! Không dễ chút nào. Gai nó móc vô áo, vô quần, ra không được mà trở lại cũng không xong. Tui bình tỉnh tháo từng chỗ vướng, trèo trở xuống lại. Lần nầy tui cởi áo, còn quần thì xăn lên tận háng. Thời VC mới vô, quần ống loa vẫn còn, nên xăn lên không khó. Tui thành công. Tuột xuống đất, nhẹ nhàng đi ngang qua cửa chính để phóng ra lộ. Bọn CA lo cặm cụi viết và đám Sinh Viên ba bốn đứa che tầm nhìn, nên tui thoát ra cổng an toàn. Tui tin là họ cố tình che, chớ nếu họ ác ý, thì khi tui ra dấu “đừng tri hô”, họ đã báo CA rồi! Tui nợ các bạn đó một lời tri ân! Nhanh như chớp, tui chạy băng vào con hẻm bên hông đồn. Nếu chúng phát hiện thì tui “ăn đạn” lúc này rồi! Chạy thục mạng một hồi cũng trổ ra được đường chính, rồi phóng lên xe đạp ôm, kêu nó băng qua đường khác. Đến một con hẽm tui quen, tui trả tiền, phóng vào hẽm đó liền. Chui vô hẻm là khôn ngoan. Ngu sao đi trên đường chính bằng xe ôm hay xe lôi, vì nếu chúng phát hiện thì chúng đuổi theo thộp cổ dễ dàng. Hẻm thì như mạng nhện, cách gì chúng tìm ra tui.
 

Vượt ngục thành công, liên lạc được vợ con và vài bạn bè. Sáu Vị khi hay tui bị bắt thì trốn biệt, kiếm khắp nơi không ra. Con cá nhỏ với máy dầu Yanmar F6, dự trù sẽ kéo lên làm máy phụ cho cá lớn khi đổ xong người, thì giao cho người thân. Nó sợ quá nên cũng trốn mất luôn! Chỉ còn lại con cá con, nhỏ nhứt, giao cho thằng bạn thân. Nó lì, không chạy. Nó chỡ gia đình tui và thêm vài người nữa, đến xế chiều, mới lên tàu lớn đậu gần cửa biển.Trên tàu lúc này chỉ loe ngoe có tài công chính, tài công phụ, thợ máy, vài tên thuỷ thủ, gia đình tui, và thêm một mớ người thân khác, tổng cộng chỉ hơn hai chục người. Tất cả khách của phe tui, phe CA, đều đã tan hàng khi hay tin tui bị tóm!

Theo kế hoạch thì trưa hôm đó phải ra cửa (đã mua), nhưng đã trễ hẹn rồi. Tui quyết định kêu thằng bạn lái cá nhỏ, quay trở lại Cần Thơ để tìm Sáu Vị và mọi người. Tui làm sao nỡ lòng bỏ Sáu Vị và bao nhiêu người thân khác? Nó vẫn không tìm được Sáu Vị. Chỉ tìm ra một “người anh em kết nghĩa” của tui. Tay này gom hết gia đình lớn nhỏ gần 20 mạng (đi hôi). Trên tàu lúc này tổng cộng được 36 đầu người, lớn nhỏ, trong đó có hai bà bầu mang ba đứa nhỏ trong bụng! Một bà bầu sinh con trên tàu sau mấy ngày lênh đênh trên biển. Bà xã tui đến đảo bốn tuần sau thì sinh đôi hai đứa! Tất cả đều mẹ tròn con vuông! Sợ VC tới mức bụng bầu è ạch gần ngày sanh, vẫn “hiên ngang” xuống tàu! Con tàu trọng tải 16 tấn, dự trù đi hơn 300, bi giờ chỉ có 36 mạng, cộng ba đứa bé còn trong bụng! Gia đình tui chỉ có mấy đứa em vợ và cháu vợ, còn phe ruột rà của tui kẹt lại láng hết! Gia đình chủ tàu không tin tức. Gia đính Sáu Vị biệt tăm! Tài công chính bỏ lại vợ và 5 con nhỏ. Tài công phụ, bỏ lại vợ và hai con nhỏ. Tui bối rối, lo lắng, nên hỏi ý kiến họ:
- Gia đình tui chỉ lên tàu phân nửa, kẹt phân nửa. Gia đình hai ông kẹt hết. Tất cả khách đã tản hàng hàng hết. Giờ hẹn ra cửa cũng đã qua rồi. Mấy người độc thân và những nguời có đầy đủ người thân trên tàu, khỏi hỏi, tui cũng biết ai cũng muốn đi. Tui muốn nghe ý của hai ông, quyết định đi hay quay về?
Ông tài công phụ là Đại Uý Không Quân, cũng là người lớn tuổi, lên tiếng liền:
- Về cũng chưa chắc không bị bắt nguội, nhứt là người tổ chức như em, hay tài công như tụi tui! Về chưa chắc chiếc tàu này không mất. Vợ con kẹt thì coi như số mạng, tìm cách đi sau. Ra cửa thì cứ coi hên xui, coi như không mua cửa như hàng ngàn chuyến vượt biên khác thôi! Cứ đi, không quay về!
Anh tài công chính cũng lên tiếng đồng ý bỏ lại vợ con. Vậy là đi. Chúng tôi quyết định đi liền, ra cửa ngay ban ngày, khoảng 4 giờ chiều hôm đó, chớ không cần chờ ban đêm, vì ban đêm họ canh kỹ, vả lại, họ sẽ không bao giờ ngờ trên đời này có ai dám ngang nhiên, công khai chạy ngang đồn biên phòng giữa thanh thiên bạch nhựt! Chỗ nguy hiểm, giờ nguy hiểm, có khi lại an toàn. Đó là ý kiến và kế sách do ông tài công phụ đưa ra, và chúng tôi nghe anh ta. Cho một người mặc đồ bộ đội, đội nón cối, ngồi trên cabin, chúng tôi “hiên ngang” chạy ngang đồ CA biên phòng, y như chiếc tàu “đi công tác” ngoài biển! Đúng là một liều ba bảy cũng liều. Vượt biên, từ đầu đến cuối không liều là gì?

Cửa Đại Ngãi rộng lắm. Tàu chạy gần bờ bên kia, nên nhìn thấy đồn CA nhỏ xíu. Vừa huốc đồn CA biên phòng, thì có một tên CA chạy ra ngoắc tàu ghé lại. Tài công tự động quay tàu lại định ghé, thì ông tài công phụ, cũng là quân sư tài ba, lên tiếng ra lệnh:
- Quay ra, đừng ghé! Cứ chạy thẳng ra cửa, vì mình ghé đây là coi như chấm dứt! Ra cửa có thể chỉ gặp một hai tên canh cửa ngoài đó, mình có thể chìa vàng, đút lót được!
Tàu quay hướng, trực chỉ cửa biển. Tên CA chạy vào đồn xách súng ra bắn chỉ thiên đùng đùng đùng ba bốn phát, chúng tôi vẫn chạy hết tốc lực. Lạ lắm! Chúng có chiếc tàu đậu ngay dưới bến đồn CA, nhưng tuyệt nhiên không thấy chúng nổ máy rượt đuổi chúng tôi. Có hai giả thuyết trong đầu tui: Một, vì đồn hiện không có người trực, vì có ai ngờ có tên nào uống mật gấu, dám vượt biên giữa thanh thiên bạch nhựt! Chắc chúng rủ nhau đi nhậu hết, chờ đêm xuống mới lên ca đi rình! Ông Tài công Phụ đánh trúng diểm sơ xuất này, hay do chúng tôi may mắn? Cách nào cũng tuyệt vời! Giả thuyết thứ hai khiến tôi lo sợ: Nó không đuổi theo là bởi vì có tàu chận ngoài cửa, chạy đàng trời cũng không thoát. Chỉ hy vọng đút lót cầu may! Phép lạ thứ nhứt!
Ra cửa, không có một chiếc tàu nào chận ngoài đó để bắt chúng tôi! Cả một sự kinh ngạc cho chúng tôi! Chắc chúng cũng đi nhậu hết, vì có ai ngờ có kẻ uống mật gấu, dám ra cửa giữa ban ngày? Kế sách tuyệt vời, tìm cái an trong cái nguy của anh tài công phụ hoàn toàn có hiệu quả, hay là do sự quan phòng, sắp xếp của ơn trên che chở, an bài cho chúng tôi được an toàn ra cửa. Cách nào cũng tuyệt vời! Phép lạ thứ hai!
Vừa ra cửa chừng cây số, trời chạng vạng tối, không thấy đường, nên tàu ruớn vào hàng đáy. Đang chạy hết tốc lực, tàu rướn vào dây căng ngang hai cột đáy, khiến tàu dội ngược trở lại. Cabin sệu sạo, tưởng đã bay xuống biển cùng với anh tài công! Chúa ơi! Tưởng lật tàu, chết tại đây, hay ít ra chưn vịt cũng quấn vô lưới đáy, chờ CA ra “mời” về đồn “chiêu đãi” một trận đòn no nê vì dám coi chúng như rơm rác, công khai chạy ngang đồn không cần “phép tăc”! De tàu lại, chạy tiếp, ngon lành! Phép lạ thứ ba!
Tháng Ba bà già đi biển! Chúng tôi dự trù đi tháng Ba, vậy mà tới đầu tháng Chín, lúc biển cả nổi cơn thịnh nộ cuồng phong, mới ra cửa! Sóng to gió lớn, tàu nhồi lên hụp xuống, ngả nghiêng liên tục, tưởng chừng như sắp úp xuống biển. Tui bắt đầu ói trước khi rướng vô đáy! Nông dân chỉ biết cỡi trâu chớ có biết biển là gì! Ói tới mật xanh, ói tới không còn gì để ói, ói tới nằm liệt một chỗ!
Chạy suốt đêm, đến khoảng bốn năm giờ sáng, tui nằm còn mơ mơ màng màng, nhưng  nghe rõ anh tài công phụ hỏi anh tài công chính:
- Mày chạy sao rồi Trạng? Có giữ đúng hướng không?
Anh tài công ngập ngừng:
- Dạ, sóng lớn quá, em nương theo chiều sóng, không dám chạy theo hướng mình định. Em chạy sát bờ, chờ bớt sóng cái đã.
Anh đại uý không quân nhìn la bàn rồi quát lên, giọng bắc kỳ 54:
- Địt mẹ mày! Mày chạy sát bờ, cũng phải chạy về hướng nam, mới đi Mã lai hay Singapore. Mày chạy cặp bờ theo hướng bắc, kiểu này, mày nhắm thẳng vịnh Bắc Việt! Mày định nạp mạng cho tụi bắc việt hả? ĐM, mày muốn tao đạp mày xuống biển không? Mày xuống!
Thì ra anh tài công chạy suốt đêm theo hướng Bắc, cặp bờ biển chớ không có đâm thẳng ra hướng hải phận quốc tế rồi xuôi Nam đi Malaysia hay Singgapore như dự tính! Từ Cần Thơ, chạy sáng đêm, tới.... Nha Trang! Hết đường chọn lựa, tài công phụ đâm ngang theo hướng đông để đi Philippines! Dân biển miền Trung đa số đi Philippines. Dân miền Tây mà đi Phi, có lẽ trong lịch sử vượt biên, chỉ có tàu của chúng tôi! Tất cả là nhờ anh “tài công dổm”! Tui có viết một bài về chuyện này cách nay khá lâu (có thể dùng hashtag này để đọc #taicongdom). Trong cái xui có cái hên như chuyện Tái Ông Thất Mã. Nếu không vì anh tài công dổm, mà chạy đúng hải trình, thì tàu nào chịu nổi với sóng gió đêm đó, chưa nói tới chuyện bị cướp bóc, hãm hiếp, và giết người của bọn hải tặc Thái Lan! Với tôi, đó là phép lạ thứ tư!
Thấy đảo sau một ngày đêm, mừng, tưởng là Phi quá gần, hay tàu chạy siêu tốc, nên tới nhanh vậy! Gần tới đảo, tàu rướng vô san hô, gãy chưn vịt, chết máy, và ngay lúc đó cũng thấy cờ VC trên đảo, và những viên đạn M79 nổ đùngg đùng trước mũi tàu! May là tàu không bể vì thay ván lườn dày, dát thêm tôn! Nếu chở đủ 300, tàu khẳm và nặng, thì chuyện bể tàu ở đây, cách gì tránh khỏi! Cũng may, không viên đạn nào trúng tàu! Phép lạ thứ năm!
Bình điện chết, cho nên dù có muốn thay láp, thay chưn vịt cũng như không. Máy phụ Yanmar F6 không có! Đành dựng cột buồm, căng buồm lên thay cho máy. Cột buồm và thiết kế do chính Sáu Vị làm. Buồm do chính tay bà xã tui may nên rất chắc chắn. Sóng và gió làm cho tàu đập vào san hô rầm rầm, nên người dựng buồm, kẻ bơm ruột xe làm phao sẵn vì sợ bể tàu! Buồm căng xong, tự nhiên một cơ mưa ào tới, hướng gió đổi 180 độ, đưa tàu ra xa đảo (tui đoán Hoàng Sa hay Trường Sa, hay một đảo nào đó). Nếu mưa không đến, gió không đổi chiều, thì tàu và người đều chôn ở bãi san hô này, không cần VC trên đảo ra “rước”! Phép lạ thứ sáu!

Chuyến hải hành còn dài lắm, còn nhiều phép lạ, còn nhiều chuyện xảy ra lắm. Thôi, để tui viết chuyện tình đời, và qua biết bao biến cố đó, nó giúp cho một anh chàng  thư sinh, một gã tu xuất như tui, học được bài học gì, rồi nghỉ.
1. Tình đời.
Lòng người tráo trở và vô ơn lắm. Khi cần, họ sẵn sàng lạy lục, van xin, giả tình, giả nghĩa. Xong việc, đến bờ bến, mặt họ trở như bánh tráng, quẹt mỏ nhanh hơn gà!
* Một người bà con bên vợ, ban đầu năn nỉ tôi cho đi không, tôi không những đồng ‎ý, còn phân công cho xuống làm thủy thủ ở tàu lớn. Thấy tôi dễ chịu, lại khóc lóc năn nỉ: “Cháu cho chú đi mình ên, bỏ lại bả và 5 đứa nhỏ, cách gì mà sống nổi....” Tôi mủi lòng, cho đi cả gia đình. Bà vợ và 3 đứa nhỏ được sắp xếp cho CA bốc đêm trước, còn hai đứa lớn thì đi với gia đình tôi. Bị bể, bà ta và 3 đứa bị kẹt, chỉ có ông ta và hai đứa đi lọt. Qua tới đảo, bà ta viết thư cho chồng với lời nguyền rủa tôi: “Thằng Chánh mặt người lòng thú! Nó bỏ mấy mẹ con em ở lại!” Trời đất Chúa Bà ơi ngó xuống mà coi! Tôi cho gia đình bà ta đi không lấy một xu. Chồng và 2 con tới bến, biết rõ chuyến đi bị bể, tôi bị bắt, vượt ngục, không hề cố tình bỏ bả hay bất cứ ai, vậy mà bà ta không những không mang ơn tôi, còn trở lại chửi rủa tôi bằng một câu tàn nhẫn đến như vậy! Ai mới thật sự là “mặt người lòng thú”? “Cứu nhơn, nhơn trả oán” thiệt không sai!
* Một tên gian xảo khác, lần đầu tiên trong đời tôi mới gặp, và cả đời không thể nào quên được hắn. Hắn ngon ngọt dùng mọi cách để lấy lòng tôi, thậm chí còn mời về nhà giết gà đãi tiệc, và trước mặt bố mẹ hắn, hắn trân trọng, tha thiết đề nghị kết nghĩa anh em. Để làm gì? Cho mấy đứa em hắn “đi chịu”, qua Mỹ sẽ trả tiền. Hắn chính là người bỏ cả gia đình xuống cá nhỏ (đi hôi) khi tui kêu thằng bạn thân trở lại Cần thơ. Đến đảo, hắn là người chủ chốt bày trò hù doạ để tôi bán nốt số vàng giả, chia cho mọi người. Mỗi người được 100 Peso tiền Phi. Tiền thiếu chịu của em hắn? Tết Công gô mới trả! Ôi lòng người!
* Một người bạn khác than thở, năn nỉ ỉ ôi:
- Mình cách gì mà lo nổi một cây. Cậu ráng giúp cho. Năm chỉ được không?
Tôi gật đầu. Anh ta hẹn tuần sau giao tiền. Tuần sau gặp lại, nhìn anh ta rất đau khổ, tuyệt vọng:
- Chánh ơi! Ông bà già mình đã bán cả đất mà cũng chỉ gom được có 4 chỉ!
Tôi lại mủi lòng, gật đầu cái rụp. Anh em đồng môn tu chung cả 7 năm trời mà! Có lẽ trên đời này không có thằng nào tổ chức vượt biên mà tốt bụng đến như vậy! Phải nói là chưa có thằng nào thật thà, ngu si, đần độn như vậy mới đúng! Tôi còn sắp xếp cho anh ta xuống tàu lớn, vì là chỗ thân tình, đáng tin cậy hơn người ngoài.
Giá như tôi lắc đầu từ chối, thì anh ta làm sao? Tôi không biết. Tôi lấy bụng ta suy bụng người: Nếu tôi là anh ta, dù có quì xuống để lạy lục van xin để được đi, tôi cũng làm, vì thời đó, cách gì với vài chỉ vàng mà thấy được tàu, làm gì bước được lên tàu, làm gì mà tính chuyện vượt biên. Vậy mà tới đảo, anh ta đã vui vẻ nhập bọn với đám người “anh em kết nghĩa” của tôi để chìa tay nhận 100 peso (tiền Phi).
Anh ta vô tình, vô ơn như vậy, tôi cũng chưa giận đến bầm gan tím ruột. Qua đến Mỹ, anh ta còn đi nói xấu tôi với anh em bên này, rằng tôi lừa đảo, dù anh ta biết rõ 100% chuyến đi bị bể, tôi bị bắt, và vượt ngục,...  
Đó là vết dao đâm tới tim. Anh ta đâm tôi lút cán! Anh ta quên mất tôi là người giúp anh ta đổi đời, đổi cả đời con cháu anh ta, và cả dòng họ anh ta ở bên nhà, với 4 chỉ vàng đồ bỏ! Tôi gật đầu quá dễ, không để anh ta quỳ xuống lạy lục mới gật, cho nên cái gì tới tay dễ thì không quí, không đáng nhớ, không cần mang ơn?
Vết thương qua mấy chục năm đã lành, nhưng cái thẹo vẫn còn đó. Mỗi lần nhớ tới chuyến vượt biên, hoặc thấy tên anh ta, hay gặp lại anh ta, thì không làm sao tôi quên được hành động rất vô tâm và tàn nhẫn đó. Chúa ơi! Tha thứ đã khó, quên còn khó hơn!

2. Học được gì?
Trách nhiệm của đàn ông là lo cho vợ con, gia đình của mình trước khi lo cho người ngoài. Đó là bài học lớn nhứt, quan trọng nhứt tui học được.
Con gái lớn lúc đó vừa được 2 tuổi và bà xã tôi đang mang bầu cặp song sinh hơn 8 tháng. Vậy mà tôi không hề “thủ” một lượng vàng nào phòng thân. Một chỉ cũng không có, nói chi một lượng! Láo nửa lời, trời tru đất diệt! Đến Phi, bọn người vô ơn bạc nghĩa trong chuyến đi đó, còn bày trò hù doạ, để tôi bán một lượng vàng giả (mang theo phòng khi gặp cướp hay công an thì chìa cho họ) để chia đều cho mọi người, và tôi đã vui vẻ làm theo ‎họ.
Tới trại tỵ nạn, bà xã sinh hai đứa. Ai cũng có tiền rủng rỉnh mua “nhà” trên đảo để trú thân, còn gia đình tôi nằm khu tập thể. Cao Ủy cho cây lá, vật dụng, và đúng một tháng, tôi mới cất xong một căn nhà cho gia đình. May là tới Phi, lương thực, thuốc men, sữa bột, Cao Uỷ cho, không bị ăn chận bởi chánh quyền địa phương như ở Thái Lan, Mã Lai, cho nên chúng tôi cũng không phải đói khát, thiếu thốn. Tính ra, còn sướng hơn cái lúc “ăn độn” ở VN thời đó gấp trăm lần!
Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc tới chuyến vượt biên đó, bả vẫn còn giận, giận nhiều lắm. Bả giận tui là phải! Bả không bỏ tui là may cho tui rồi! Tui thật sự không phải là loại đàn ông vô tâm đến như vậy. Chẳng qua, tui quá lạc quan, quá chủ quan thì đúng hơn, khi tui nghĩ rằng chỉ cần vượt thoát được, thì không cần phải lo gì cả, vì có Cao Uỷ Tỵ Nạn giúp đỡ khi đến trại tỵ nạn. Khi định cư thì càng không lo, vì thông tin từ những người đi trước cho thấy, đó là những xứ sở thiên đường, là đất của tự do và cơ hội, cách gì chết đói, cách gì mà nghèo, nhứt là một thanh niên lanh lợi, đầy tự tin, không ngại gian khổ như tui. Lý do chính vẫn là lòng tốt của một tên vừa bỏ nhà tu, bước chân vào đời, ngơ ngác như con nai tơ, chưa biết mùi vị “lạt như nước ốc, bạc như vôi” của tình đời! Đời và nhà tu khác xa nhau lắm!
Trải qua kinh nghiệm đó, tôi trưởng thành hơn, biết bổn phận phải lo cho vợ, cho con là số một, chớ hỏng phải người ngoài. Nếu tôi tiếp tục tu để làm LM, thì trách nhiệm là một họ đạo, một đàn chiên hằng trăm, thậm chí hàng ngàn, vì LM được ví như một chủ chăn của đoàn chiên Chúa giào cho. Tôi làm gia trưởng, ơn gọi của tôi là chỉ chăm lo cho một chiên mẹ và mấy chiên con, đúng quá rồi. Vậy mà lúc đó tôi đâu có biết. Bả giận tôi, bả trách tôi, đâu có oan chỗ nào.
Mỗi lần nhắc chuyện vượt biên là mỗi lần tôi nghe bà xã cằn nhằn và giận hờn. Lần nào tôi cũng đau nhói tâm can, nhưng vẫn cố gượng gạo vuốt ve bả bằng hai câu cũ rích:
-- Em biết anh tu ra, thật thà, tốt bụng, em mới chịu lấy anh, sao cứ chê anh ngu dại, khờ khạo, dễ tin người, không biết tính toán hơn thiệt với đời? Hiền lành tốt bụng và ngu đâu có giống nhau!
-- Em ơi! Ở hiền gặp lành! Chính sự thật thà, tốt bụng, mà Chúa thương cho mình đến bến bờ bình an, và có một gia đình hạnh phúc, con cái nên người. Hãy cám ơn Chúa đi. Đừng giận đừng trách nữa.

Kết luận rồi nghỉ:
Người bị kẹt lại, họ có nguyền rủa tôi, tôi cam lòng chấp nhận, vì tôi hiểu được cái tâm trạng bị mất tiền mà không đi được. Khi họ giao tiền, họ dư sức biết không có ai dám bảo đảm là họ sẽ đi lọt, và tui cũng chưa hề bảo đảm cho ai cả. Họ dư sức biết những tai hoạ đang chờ trong chuyến đi. Tiền mất, cả tù tội và mất mạng, họ cũng đã tiên liệu được. Họ giao tiền, vì họ tin tôi sẽ không gạt họ. Đơn giản như vậy. Dù biết rõ ràng tôi không gạt, nhưng mất tiền người ta vẫn không cam lòng, vẫn chửi bới. Tiền liền với ruột. Tiền mất ruột phải đau là lẽ tự nhiên. Họ oán hận, nguyền rủa, tôi cam lòng, miễn lương tâm mình không cắn rứt, và không run sợ khi ra trước toà phán xét của Chúa là được rồi, bởi vì tui không hề lừa gạt ai cả. Bị bắt là một tai nạn, tui đâu có mong muốn. Nếu vượt ngục thất bại, bị bắn chết, bị đánh tàn phế,... cũng là chuyện tui đâu có muốn, nhưng nó có thể xảy ra cho tui mà!
Người trong cuộc, những người anh em, bà con, bạn bè thân thiết, tôi đã “móc ruột” ra đối xử với họ, mà họ tráo trở, bạc tình, vô ơn, bất nghĩa với mình như vậy, không đau mới là lạ! Tôi là người, chưa phải là thánh, nên vết thương thỉnh thoảng vẫn rướm máu, dù đã hơn 40 năm trôi qua. Họ dạy cho tôi biết lòng người tráo trở để đừng nhẹ dạ, cả tin, mà mang hoạ trong tương lai. Đồng thời họ cũng là thủ phạm làm cho lòng quảng đại, vị tha vốn có của tôi khép nhỏ lại, làm cho trái tim nhân ái, thương người của tôi trở nên hờ hững với người khác hơn. Tôi thay đổi nhiều từ biến cố này. Đáng tiếc!
Phải công nhận 37 mạng trên tàu (36 người, thêm một em bé sinh trên tàu, thành 37) có phước lớn, lớn lắm. Nhưng nói rằng những người mất tiền, kẹt lại là không may thì không đúng! Họ may mắn không kém, bởi vì nếu chiếc tàu đó mà chất hơn 300 người, với thời tiết bão bùng như vậy, thì chúng tôi tất cả đã chìm xuống biển hết! Họ kẹt lại là Thượng Đế an bài để cứu chính mạng họ, và cứu mạng chúng tôi luôn! Họ không trúng lô độc đắc, thì cũng là lô hạng nhì, chớ không phải lô an ủi đâu.

Tui có buồn phiền vì bị trở mặt, nhưng chưa bao giờ tui hối hận vì mình đã giúp họ. Ở đời, người ta chỉ hối tiếc khi mình phạm tội, khi mình lỡ làm điều xấu, làm chuyện bất nghĩa, chớ ai lại hối tiếc vì mình đã làm chuyện tốt, đúng không? Giúp người rõ ràng là chuyện tốt mà. Cho tui quay lại, tui cũng sẽ giúp người. Chỉ khác một chút, là qua bài học này, tui sẽ cẩn thận lựa những người đáng giúp hơn, chớ không dễ dãi như vậy.
Giáp và Ất, hai thằng bạn nối khố từ thuở hàn vi. Giáp thành đạt, Ất thất bại, nghèo kiết xác. Ất tìm Giáp và Giáp đã không cần suy nghĩ, giúp cho Ất một số tiền làm vốn để vươn lên. Vừa ra cửa, Ất bị bọn cướp chận đường, không những cướp hết tiền mà còn đánh trọng thương đến thân tàn ma dại! Nếu Ất là người có lý trí, biết nhân nghĩa, thì cho dù tiền mất tật mang, thì cả đời này Ất vẫn mang ơn, nhớ ơn, và vẫn phải trả ơn cho Giáp, bởi vì ngay giây phút Giáp cầm tiền trao cho Ất, thì cái ân và tình Giáp đã trao trọn, và Ất đã nhận đủ rồi. Nếu Ất là tên vô lại, tầm thường, bạc nghĩa, thì sẽ nghĩ rằng: Tại nó cho tiền nên mình mới bị cướp, mới bị tàn phế, rồi không những không nhớ ơn, mà còn oán trách Giáp! Giúp bạn là tình, là nghĩa. Bị cướp mất, là tai nạn, do kẻ ác tạo ra, chớ nào phải do Giáp? Đâu phải tiền và cái cơ hội đó bị kẻ xấu lấy mất đi, thì tình và nghĩa của Giáp không còn hiện hữu? Cùng một sự kiện, nhưng cách suy nghĩ, cách hành xử, nói lên con người ta thuộc hạng nào. Tiếc là trên đời này, cái loại bất nghĩa và vô ơn nhiều quá!

Người tính không bằng trời tính. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Một sợi tóc trên đầu rơi xuống, Chúa cũng biết và an bài như vậy. Tôi vẫn tin, một niềm tin không thay đổi, rằng cuộc đời tui từ lúc mới sinh cho đến phút này, mọi sự, mọi biến cố xảy ra, đều do sự quan phòng, sắp xếp của Chúa, và tui luôn không ngừng tạ ơn Ngài.
Peter C. Tran

https://www.facebook.com/peter.tran.77582




Anh tài công dỏm

Vừa mở lap top, tự nhiên cái tờ lịch đập vào mắt: Sept. 5.
Ngày 5 tây tháng chín. Đúng rồi, hôm nay là ngày vô cùng đặc biệt, làm sao tôi có thể quên được. Gọi nó là ngày liều mạng, ngày đổi đời, ngày lịch sử của đời người được sang trang, ngày được tái sinh, hay gì gì cũng được. Đó là ngày gia đình tôi xuống tàu, tìm tự do. Ngày 5 tháng chín, năm 1980.
Gần 40 năm trôi qua, như gió thoảng, như mây bay. Cuộc hành trình gian nan trên biển hơn hai tuần. Nếu nhớ hết cuộc hành trình sống chết đó, tính từ lúc chuẩn bị, cho đến lúc lọt ra khỏi cửa Đại Ngãi, rồi lênh đênh trên biển cả mênh mông hơn hai tuần, thì có biết bao nhiêu chuyện để nhớ, để kể. Nếu ngồi xuống viết lại, thì có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu dày cộm. Chuyện tôi muốn viết hôm nay là chuyện người cầm lái. Anh tài công.
Thời đó, những người có dính tới hải quân vô cùng sáng giá. Họ sáng giá, bởi vì họ sống trên biển, biết biển, biết lái tàu, hay ít ra cũng có căn bản về định vị, phương hướng, hải hành.
Khi tai hoạ ập xuống đầu dân miền Nam, những người lính hải quân (và không quân) là những người may mắn, vì họ có phương tiện, có khả năng vượt thoát trước nhất, nhanh nhất. Những người lính hải quân còn kẹt lại, tự nhiên trở thành vô cùng hiếm quí, và đương nhiên là cực kỳ sáng giá cho những chuyến vượt biên sau đó. Cầu vô cùng cao mà cung không có! Người ta đi lùng sục tìm họ. Có những người còn bị nhốt trong rọ, người ta cũng không ngần ngại đút lót hàng chục cây vàng cho chúa ngục, để lôi họ ra khỏi nhà tù. Dĩ nhiên, khi “mời” họ làm tài công, họ không những được đi không, mà còn được mang cả gia đình dòng họ, và có khi còn được cho vài cây dằn túi, để trong trường hợp vướng công an, thì người nhà có tiền móc họ ra.

Anh tài công của tôi xưng là trung uý hải quân. Tướng tá trắng trẻo, mang kiến cận thị trắng và dày như đít chai, ra vẻ rất trí thức. Nhìn thoáng qua cũng có dáng quan quyền lắm. Qua sự giới thiệu của người quen, nên tôi không cần điều tra lý lịch gì cả. Anh ta, vợ, và 5 con nhỏ được đi không tốn một xu, là lẽ tự nhiên. Chúng tôi rất mừng vì tìm được của quí còn sót lại. Người cầm sinh mạng của cả con tàu, tìm được anh ta là phước bảy đời, không mừng sao được.
Chạng vạng tối ngày 5 tháng chín, chúng tôi ra cửa Đại Ngãi. Tôi dân miền Tây, quanh năm chỉ thấy con trâu và đồng ruộng, cho nên vừa ra cửa, chỉ một vài cơn sóng đầu tiên, tôi đã say ngả nghiêng. Ói đến không còn gì để ói. Ói tới mật xanh và nằm thiêm thiếp như kẻ bệnh liệt giường. Khi ruột trống trơn, là lúc trời gần sáng, dần dần tôi cũng tỉnh táo lại. Mọi người ai cũng yên chí là đã ra đến hải phận quốc tế, hay ít ra cũng thoát khỏi lưới công an. Mừng.
Tôi nghe rất rõ cuộc đối thoại giữa anh tài công trung uý hải quân, và một ông đại uý không quân, vì tôi nằm ngay trong cabin tàu:
- Mày chạy sao rồi Trạng? Có giữ đúng hướng không?
Anh tài công ngập ngừng:
- Dạ, sóng lớn quá, em nương theo chiều sóng, không dám chạy theo hướng mình định. Em chạy sát bờ, chờ bớt sóng cái đã.
Anh đại uý không quân nhìn la bàn rồi quát lên, giọng bắc kỳ 54:
- Địt mẹ mày! Mày chạy sát bờ, cũng phải chạy về hướng nam, mới đi Mã lai hay Singapore. Mày chạy cặp bờ theo hướng bắc, kiểu này, mày nhắm thẳng vịnh Bắc Việt! Mày định nạp mạng cho tụi bắc việt hả? ĐM, mày muốn tao đạp mày xuống biển không? Mày xuống!
Lúc đó trời cũng sắp sáng. Nhìn vào phía trái mạn thuyền, thấy một vầng sáng trắng. Cái radio ấp chiến lược chỉ bắt được mỗi một đài Phú Khánh (Nha Trang). Chúng tôi biết mình đang ở ngoài khơi của Nha Trang. Suốt đêm chạy từ Cần Thơ ra tới Nha Trang!
Anh đại uý không quân vội vàng chuyển hướng, tống hết ga, cho tàu đâm thẳng 90 độ ra hải phận, vì chậm trễ, trời sáng, thế nào cũng bị công an biên phòng tóm cổ.
Trên tàu có anh bạn biết sửa radio và có kiến thức về điện đài. Anh bạn tôi mò mẫm, rà tới rà lui một hồi thì bắt dính đài Mindanao của Philipines. Anh ta xoay cái radio vài cái thì biết rõ hướng nào đi Mindanao:
- Anh chạy hướng này qua Phi. Mình đi Phi thay vì đi Mã Lai hay Singapore.
Anh đại uý không quân hỏi ý kiến tôi:
- Đâm ra phải phận trước tránh công an. Nếu biển chỉ sóng to chừng này, mình có thể chạy qua Philippines luôn. Nếu sóng to quá, tính sau….
Tôi nằm liệt, nhưng cũng gật đầu không cần suy nghĩ. La bàn xài được, nhưng hải đồ đi Mã Lai vô dụng. Con tàu cứ theo hướng của anh chàng navigator bất đắc dĩ vừa vẽ, và răm rắp tuân theo sự điều khiển của anh tài công, cũng bất đắc dĩ.
Tháng ba bà già đi biển. Ai cũng biết vậy, nhưng do đủ thứ trục trặc, cho nên tới đầu tháng chín chúng tôi mới khởi hành. Tháng chín biển bắt đầu sóng to gió lớn. Mười phần chết, một phần sống. Lạ một điều là không một ai trên tàu phản đối quyết định đi Phi của anh tài công mới, anh bạn tôi, và tôi, hay yêu cầu quay tàu trở lại vì sóng to gió lớn. Chết sướng hơn trở lại nhà tù nhỏ, rồi muôn đời nhà tù lớn. Đi. Đi. Đi.
Dân miền tây: Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau,… nhắm Thái Lan là gần nhứt. Chưa có chuyến vượt biên nào từ miền tây mà tới Philippines như chúng tôi. Quyết định đi Phi là một quyết định táo bạo, nếu không muốn nói là liều mạng. Có lẽ nói liều mạng thì trúng hơn, vì đâu có chuyến vượt biên nào mà người ta không đem tính mạng mình ra để đánh đổi. Chúng tôi đã dám đem mạng mình ra để đổi lấy tự do. Cho nên nói rằng: “TỰ DO QUÝ HƠN TÍNH MẠNG”, quả không sai, không cường điệu chút nào cả.

Dám lôi cổ anh tài công (dỏm) xuống để giành tay lái, cũng là một quyết định không phải dễ. Biển cả và đất liền hoàn toàn khác. Đất liền chạy lạc, có thể ngừng lại nghỉ ngơi, hỏi thăm đường rồi đi tiếp. Biển cả mênh mông, sóng nước ầm ầm gào thét suốt đêm ngày, ngừng ở đâu, hỏi ai? Tất cả là một vùng nước sâu đen ngòm, không phải xanh màu đại dương thơ mộng trong thơ văn. Một màu xanh đậm đen như màu a tỳ địa ngục, và bốn bề đều không biên giới. Lênh đênh trên đại dương nước đen thui đó, con tàu ngả nghiêng, trồi lên, hụp xuống một cách hoàn toàn thụ động dưới ba đào, người ta mới thấm thía cái câu “như con muỗi mắc chết đuối trong nghiên son”! Những kẻ chưa từng cầm tay lái tàu mà dám giành tay lái, cũng là một quyết định vô cùng gan dạ và liều mạng. Cũng vì: “TỰ DO HOẶC LÀ CHẾT”.
Đó! Tự do của chúng tôi có được là từ cái chết. Nó không dễ dàng như những kẻ ngang nhiên bước lên máy bay, vèo một cái là tới các nước tư bản giãy chết, bằng con đường mua quốc tịch để “hạ cánh an toàn”, du học, bảo lãnh, hay những lý do khác.

Một anh bạn rủ về VN. Tôi nửa đùa nửa thiệt: “Còn sợ vc quá nên hỏng dám về!” Anh ta trả lời cũng nửa thiệt nửa đùa và pha chút lẫy đương: “Còn sợ thì thôi đừng dzìa”.
Cũng anh bạn này, khi đề cập đến chuyện “ngồi chung một thuyền”, bàn về những anh tài công dỏm, bất tài vô dụng, đang ra sức lèo lái con tàu VN (sắp đâm vô TQ), anh ta chủ trương: “Chung thuyền thì ai sao mình vậy”.
Tôi trả lời anh ta cũng nửa đùa nửa thiệt, đại ý: “Thằng tài công dỏm mà cứ nhắm mắt trao mạng cho nó lái tàu, con tàu sẽ chìm và chết cả lũ. Tại sao không đạp đầu nó xuống biển rồi mình lên cầm tay lái?”. Anh ta bàn ra: “Đừng nói chuyện chính trị!”  Thua!
Ý tưởng đó không phải là lý thuyết suông. Nó là kinh nghiệm sống chết tôi đã rút ra từ chuyến vượt biên ngày 5 tháng chín, năm 1980. Và chúng tôi đã cặp bến an toàn. Cả tàu được cứu. Chúng tôi có tự do. Tự do bằng việc đạp cổ anh tài công dỏm xuống khoang tàu, bằng quyết định liều chết vượt trùng dương. Cái giá không rẻ, nhưng rất đáng để trả.
Peter C. Trần
TB:
Sau khi bị đuổi xuống khoang tàu, anh tài công cũng bắt đầu say sóng và ói mửa tưng bừng như mọi người. Đến trại tỵ nạn Palawan, Philippines, anh tài công khai với phái đoàn Mỹ: Seaman (thuỷ thủ), chớ hỏng phải Trung Uý Hải Quân! Đó là lý do tôi đặt tựa bài: Anh tài công dỏm.

https://www.facebook.com/peter.tran.77582

 

Đăng ngày 24 tháng 09.2022