banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Lướt qua “Đường chữ sau lưng”

của nhà thơ Luân Hoán

Song Thao

Tôi có một tập truyện ngắn mang tên “Bên Lưng Những Con Chữ” khiến ông Hoàng Xuân Sơn théc méc. Ổng hỏi tôi: “Bộ chữ cũng có lưng hay sao?”. Chữ cũng có lưng chứ. Bởi vì chơi với chữ là dễ bị dập mặt, nếu không có lưng lấy chi mà giơ ra để đỡ! Nay ông nhà thơ Luân Hoán coi bộ hợp với tôi. Chữ của ông không ở bên mà ở sau lưng. Sau lưng có nghĩa là bỏ lại. Khi cho ra đời một tác phẩm, tác giả phó thác đứa con cho đời, mặc chúng chống chỏi với phong ba bão táp hay nắng dịu gió hiền. Tác giả bỏ nó sau lưng.
Ông Luân Hoán có lẽ là người cần bỏ nhất vì ông vung vãi con cái hơi nhiều. Không thấy ông tổng kết có bao nhiêu đầu sách đã ra đời. Tôi chỉ biết là nhiều lắm nhưng cũng không đếm vì mỏi tay chết.

“Đường Chữ Sau Lưng” là chuyện ông viết về những cuốn sách của ông. Thường độc giả cầm một cuốn sách, chỉ biết những con chữ trong cuốn sách. Và cũng chỉ sống với những con chữ. Tại sao tác giả lại viết thế này mà không viết thế kia, tại sao chỗ này lại thế này, chỗ khác lại thế khác. Hỏi là hỏi vậy thôi. Tay đang cầm sách chứ đâu có đang ôm tác giả mà thông tỏ được sự tình. Thường các tác giả cũng chẳng bận tâm tới những tra vấn cùng kiệt như vậy. Họ tỉnh bơ. Nếu có thấy họ xuất hiện thì lại là một cuốn khác, vẫn kín bưng không một chút bày tỏ. Ông Luân Hoán không vậy. Ông này thường có những chiêu lạ. Ít ngại chuyện phơi bày. Có lần ông bỏ lên Facebook video ông cởi trần trong phòng tắm khi làm vệ sinh buổi sáng. Tôi có hỏi ông cơ bắp có mấy mà cũng bày đặt phô trương, ông chỉ cười. Ông này có cái cười rất đặc biệt, kiểu cười huề, ai muốn hiểu sao thì hiểu.


Chuyện đời thường đã vậy, chuyện sách vở nay ông cũng vậy. “Đường Chữ Sau Lưng” là cuốn sách vạch trần ra tại sao ông in những cuốn sách của ông. Một thứ “sau lưng” những con chữ. Nói theo kiểu trình diễn thì đây là cuốn behind the scene. Hậu trường những cuốn sách đã trình làng. Nghe đã thấy thỏa cái tính thích nhảy xổ vào những chỗ…huyền bí!
Tính tôi thích coi cái chi cũng coi tới nơi tới chốn. Vậy nên tôi chẳng thèm coi “hậu trường” những cuốn đã được ông Luân Hoán trình làng mà lại chúi mắt vào những cuốn ông không cho ra đời. Vậy là ông này cũng đã…hư thai.
Tập thơ “Điểm Trang Cho Vợ” không bao giờ ra đời. Vì sao? Ông khai như thế này: “Điểm Trang Cho Vợ, một tên sách quê quê, có vóc dáng mong manh, trọng lượng nhẹ hều, chỉ gồm 37 trang với hai mươi bài thơ được chép cẩn thận, đóng bìa chắc chắn để kỷ niệm cho ngày cái xương sườn của mình lộ ra ngoài; ngày khởi sự trăng hoa trên giường chiếu tinh khiết; ngày chung sức sáng tác, mưu cầu có những tác phẩm biết nói, biết cười, biết làm người…Chuyện vĩ đại ấy đâu phải là chuyện tầm phào. Một tập thơ viết nắn nót đi kèm với chiếc nhẫn cưới, trị giá cả hai có thể bèo, nhưng tính chất lãng mạn quả không nhỏ”. Tuy tập thơ không được in ấn nhưng cũng có cái… lưng.
Ngày 27 tháng 12 năm 2018, đúng 50 năm sau khi tập thơ “Điểm Trang Cho Vợ” được làm quà cưới, ông ngồi vạch lưng. Cái lưng của câu chuyện tình khá riêng tư nhưng ông khơi khơi mách cho bà con thiên hạ biết. Chàng hơn nàng 11 tuổi. “Từ cô bé tôi thường sai vặt mua thuốc lá, mang trà vào phòng… cho đến một hôm trời mưa, cô bé bỗng lớn lên dưới mắt tôi, khi em đứng vọc nước mưa trước hiên nhà. Diễn tiến cuộc hành trình thương yêu, được viết lại chân thật trong bài “Chiều Mưa”. Ta đến trọ nhà em từ thuở / em chưa qua hết tuổi mươi ba”. Ông nhà thơ dẫn em vị thành niên này trốn nhà đi ngao du cả tuần lễ. Chuyện tày trời này khiến bố mẹ và bạn bè ông xoắn vó. Cuối cùng phải khai sanh lại, tăng tuổi cho cô bé để có thể cưới hỏi như người ta.
tình em đàn áp tôi rồi
hơn hai mươi tuổi quên đời độc thân
tra cùm vào hai ống chân
dù người cai ngục lâng lâng ngọt ngào
……
chia vui, thầm lén nhận rồi
còn tình trọn vẹn em tôi gối đầu
kể từ nay chỉ có nhau
hai tên trong bản hôn rồi thú sau

Tôi mường tượng như cuốn “Đường Chữ Sau Lưng” này là cuốn… trối trăn của ông nhà thơ hay dọa bạn bè về ngày ông rũ áo xa rời cuộc sống. Có vẻ như ông thu vén mọi chuyện, bày tỏ trung thực câu chuyện sau lưng của mỗi tập thơ, rồi phủi tay. Cuối sách ông còn dành rất nhiều trang in hình ông chụp với bạn bè, những người đã ra đi cũng như những bạn còn ở lại. Nhưng không phải vậy. Cuốn này ông chưa trối trăn xong.

Từ vài chục năm nay, mỗi khi Montreal bắt đầu vào đông, ông Luân Hoán lại than van với bạn bè “không biết có qua khỏi mùa đông này không”. Lúc đầu bạn bè còn bi lụy nhưng, hết mùa đông này qua mùa đông khác, ông vẫn cười toe, lời đe dọa của ông bỗng thành chuyện cười cợt cho bè bạn quanh ông. Có lẽ ông cũng thấy kỳ nên mấy năm trước đây ông chơi dại. Lấy cớ là ông không chắc có còn trên cõi đời này khi bạn bè rời xa trần thế nên ông xin tế sống trước. “Trong một ngày nọ, tôi ngồi  nghĩ vớ vẩn: nếu mình chết trước, một số bạn mình ra đi sau, sẽ thiếu lời phân ưu của mình. Tiếc, nên tôi buồn tay viết trước một số bài. Để viết những bài nhạy cảm, tế nhị này dĩ nhiên tôi phải xin phép trước các đương sự”. Chà! Ông này chơi ngặt! Nhận được lời hỏi của ông, tôi gật đầu liền. Chuyện chơi thôi mà. Nhiều người cũng vui chơi như tôi. Vậy là ông…khóc. Ông post những bài này trên trang “Vuông Chiếu Luân Hoán”. Tiếng khóc của ông cũng…vui thôi. Nhưng trò chơi của ông xảy ra hai tai nạn. Thứ nhất, bạn bè của chị Trần Mộng Tú dồn dập gửi mail cho chị xác nhận thực hư làm chị mệt quá xin ông rút bài xuống. Thứ hai, nhà văn Phạm Phú Minh có nhiều họ hàng ở Việt Nam, tưởng chuyện thật, tới tấp thăm hỏi tin tức làm bạn này mệt quá, chết sướng hơn, nên cũng muốn nghỉ chơi. Tính ông Luân Hoán vốn lành nên ông chiều bạn bè hết. Bảo ông xóa thì ông xóa. Nhưng ông cũng cố vớt vát: “Có một điều kỳ diệu: những người tôi khóc trước, cho đến lúc này vẫn “an toàn trên xa lộ” trong cuộc sống. Như vậy rõ là không phải một trù ếm, gây xui rủi. Sống chết xem ra có số thật”.
Lạc quan như vậy nên ông đang âm mưu in một tập thơ khác. Tập thơ này chưa in nhưng ông cũng đã giơ lưng ra: “Tôi đang ở trong lứa tuổi mà bè bạn, người thân quen theo nhau đi về cõi vô cùng nên không thể không ngậm ngùi nghĩ về chính mình. Việc làm thơ tiễn đưa bỗng trở nên dồn dập. Không còn mấy tạp chí để thông tin ngoài tấm lòng của trang Facebook. Việc thơ thẩn này cũng khiến tôi nghĩ đến chuyện sưu tập và in một cuốn riêng biệt, ít nhất là giữ trong tủ sách gia đình. In thơ không còn là nhu cầu để bán và cũng đã nhẹ việc mưu có thêm mươi người nữa biết đến mình. Không việc gì phải minh hóa điều này, nhưng ngón tay đã tự nhiên gõ rồi, cứ để vậy đi”.
Ngón tay đã gõ, ông còn đi xa hơn là đã có bìa sách với cái tên: “Niệm Hương và Cáo Tồn”. Trên bìa sau, ông có ít hàng thơ:
xác tan hồn lạc về đâu
đỉnh trời lòng đất khác nhau thế nào
người chết vũ trụ thêm sao
tỏ mờ thao thức nao nao chong tình
có dòm cõi sống cũ mình
còn lưu luyến những ảnh hình nào chăng
có thấy ra người quen quen
vun ngôn từ lập mặt bằng nghĩa trang
chuyện chơi hết sức tạp nham
là mong tạo chút bình an riêng lòng
gió bay nam bắc tây đông
ngày mình đi biết thong dong hướng nào
cõi nào mà chẳng hư vô
đưa người mong có người sau tiễn mình

Cuốn sách, có lẽ là khúc cuối của cuộc chơi trần gian, đã định hình. Đã nằm trên dàn phóng, chỉ một cái bấm nút là bay ra. Khi nào cái nút được nhấn, câu hỏi được ông nhà thơ rong chơi từ những cuốn thơ tình cho tới cuốn…đoạn tình, minh định: “Tập “Niệm Hương và Cáo Tồn”, dù định in nhưng chưa phải sẽ in nay mai. Tôi sẽ layout sẵn để đó. Phần nội dung được sắp xếp theo thứ tự ngày, tháng, năm qua đời của mỗi người”.
Cuộc chơi nào chẳng có lúc tàn. Nhưng tàn một cách có tính toán gọn ghẽ như ông nhà thơ Luân Hoán, mấy người biết chơi và chịu chơi như vậy. Lời cuối sau lưng của cuốn “Niệm Hương và Cáo Tồn” là một lời nhắn nhủ: “Đây sẽ là tập thơ cuối cùng trong đời, có thể tôi không nhìn được nó”!
Montreal vừa bắt đầu những ngày hè. Phải nhiều ngày tháng nữa mùa đông mới lại lững thững tới!
22/05/2020
Song Thao                                                                                               

https://www.facebook.com/profile.php?id=100007265208765



    
Hôm nay 21/5/2020, ngày giỗ đầu của nhà thơ Tô Thùy Yên. Tôi đã có dịp gặp anh nhiều lần. Đây là bài viết khi nghe tin anh vừa giã từ chúng ta. Bài này đã được đăng trên Ngôn Ngữ, số đặc biệt Tưởng Niệm Tô Thùy Yên và Hoàng Ngọc Biên, xuất bản vào tháng 5/2019.

Tô Thùy Yên, nhìn gần

Song Thao

Tôi không đủ gần nhiều với anh Tô Thùy Yên để nhìn gần vào anh nhưng vẫn cảm thấy gần. Thứ tôi gần anh nhất có lẽ là tôi cùng tuổi với anh. Và anh Hoàng Ngọc Biên. Hai anh cùng bắt đầu cuộc hít thở không khí với tôi đã rủ nhau ra đi. Cách nhau chưa tới một tuần. Anh Biên ngày 16/5, anh Yên ngày 21/5. Tôi chỉ gặp sơ sơ anh Hoàng Ngọc Biên một vài lần khi còn ở Sài Gòn. Hình như chưa hề nói chuyện thẳng với nhau ngoài câu chào hỏi xã giao. Vậy nên gần thì chỉ gần anh bạn đồng tuế Tô Thùy Yên.

Anh Tô Thùy Yên qua Montreal hai lần. Toàn vì chuyện cưới hỏi. Lần trước anh qua dự đám cưới con gái anh Luân Hoán. Lúc đó vì là lần đầu gặp anh nên tôi cũng hơi e dè. Tôi vốn thích thơ của anh nên tự đặt mình vào địa vị độc giả. Cảm thấy hân hạnh có dịp may diện kiến anh tuy cả hai cùng lên đồ lớn, ngồi bảnh chọe cùng bàn.
Lần thứ hai anh qua Montreal tổ chức đám cưới cho con gái lớn Quỳnh Giao của anh. Chuyện cũng ngộ. Cả gia đình anh ở Texas nhưng lại cưới ở Montreal vì chú rể là con dân Montreal. Gia đình anh qua đông đủ, thuê cả một căn nhà lớn trên đường Langelier để trú ngụ trong thời gian lưu lại Montreal. Gọi là lớn nhưng cũng chỉ hơn chục người. Thấy lực lượng quân ta hơi khiêm nhường, anh hú các bạn văn. Vậy là bên nhà gái toàn những anh đực rựa địa phương như Trang Châu, Lưu Nguyễn, Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn, Hồ Đình Nghiêm. Không biết còn ai nữa mà tôi không nhớ. Lâu quá rồi. Đó là năm 2003. Cũng may anh em Montreal ai cũng có gia đình nên kéo theo được một đám rờ-mọt tươi mát cho ra vẻ một đám cưới. Nhưng đám bạn văn từ Boston qua tiếp  viện thì toàn loại com-lê cà-vạt. Thành ra nhà gái vẫn đông nam nhân hơn. Tôi nhớ có Phan Xuân Sinh, Trần Doãn Nho, Đặng Phùng Quân, Lâm Chương. Trí nhớ cùn mằng của tôi chỉ vận dụng được đến vậy nhưng số người từ Boston qua đông lắm. Đủ để chúng tôi thì thà thì thọt ra họp bạn ngoài sân nhà hàng trong lúc bên trong vẫn…cưới. Sau đó có màn hậu đám cưới, một cuộc tao ngộ lý thú và bất ngờ.

Nói tới thơ Tô Thùy Yên là  phải… ta về. Mà “Ta Về” phải qua giọng ngâm của Phan Dụy mới tỏa ra hết cái trầm hùng của những câu ma mị. Bữa đó có Phan Dụy nhưng chị lại giữ phần MC chứ không ngâm thơ. Bên cạnh “Ta Về”, một bài nổi tiếng khác của nhà thơ là bài “Chiều Trên Phá Tam Giang”. Nhiều câu nhức tim các độc giả thanh niên thời đó. Giờ này có thể trời đang nắng / Em rời thư viện đi rong chơi / Dưới đôi vòm cây ủ yên tĩnh / Viền dòng trời ngọc thạch len trôi / Nghĩ tới ngày thi tương lai thúc hối / Căn phòng cao ốc vàng võ ánh đèn / Quyển sách mở sâu đêm. Hầu như lớp độc giả trẻ không ai không biết tới bài này. Một phần họ biết là vì bài thơ đã được phổ nhạc và bài nhạc này rất ăn khách. Ra rả hát trên đường phố. Cách nổi tiếng như vậy không làm hài lòng nhà thơ. Vậy mà bữa đó, anh con trai của Tô Thùy Yên lên hát bài nhạc đó. Trước khi hát anh còn mắm muối là anh biết bài này thân phụ anh không muốn nghe nhưng anh vẫn hát, để giỡn chơi với…cha già!

Năm 2005, anh Tô Thùy Yên vẫn chưa già. Lúc đó anh và tôi mới 66 tuổi. Tôi vừa về hưu nên chân bắt đầu chạy. Một trong những nơi tôi tới là Houston. Anh Tô Thùy Yên đón tiếp tôi rất nồng nhiệt. Trong suốt thời gian ở Houston, anh lái xe đưa tôi đi khắp nơi. Anh làm thơ thì không chê vào đâu được nhưng lái xe thì quả thật không thể khen được. Chiếc xe chạy cà giật cà giật rất hại tim. Anh chằm hăm tay lái thấy tội nhưng luôn tươi cười đưa tôi đi chỗ nọ chỗ kia. Chỗ đêm đêm anh thường đưa tôi tới là một tiệm cà phê bánh ngọt tây. Hình như là tiệm Marguerite (ôi trí nhớ!). Anh đưa tôi tới gặp anh Doãn Quốc Sỹ. Lúc đó anh Doãn còn ở Houston và rất khỏe mạnh. Anh đưa tôi đến nhà chị Hàn Song Tường khi chị tổ chức mừng hai năm tờ Gió Văn, một tờ báo do toàn các nhà văn nữ chủ trương. Tờ báo nay không còn, chị Hàn Song Tường nay cũng đã đi xa.

Anh Tô Thùy Yên cũng đã đi xa. Tôi có một điều ân hận. Mới đây tôi có kiếm ra được hai câu thơ của anh: Ta rảo quanh làng hóng chuyện phiếm / Đời người cũng chuyện phiếm mà thôi. Phiếm là nghề của tôi nên tôi khoái quá, bê luôn vào trang đầu của cuốn Phiếm 22, xuất bản cuối năm 2018. Lòng dặn lòng là sẽ phôn qua anh khi anh ra khỏi bệnh viện. Tới nay vẫn chưa phôn được cho anh. Đành nhắc lại đây mấy câu thơ của anh, để tiễn anh:
Đi như đi lạc trong trời đất,
Thủy tận sơn cùng, xí xóa ta.
Cõi chiều, đứng lại, khóc như liễu:
Có thật là ta đã đi xa?    
5/2019
Song Thao

https://www.facebook.com/profile.php?id=100007265208765  

 

Đăng ngày 30 tháng 09.2022