Về một người làm thơ vừa ra đi:

Bùi Bảo Trúc

Nguyễn Mạnh Trinh

buibaotruc

Bùi Bảo Trúc là tên thật của nhiều người: nhà truyền thông, nhà văn, nhà thơ, ký mục gia, nhà báo… Mỗi một phương diện, mỗi một vị trí, đều là những chân dung nổi bật khiến ông nổi tiếng trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
Ngày thứ sáu 16 tháng 12 năm 2016, ông vừa rời khỏi cõi trần. Sự ra đi của ông khiến nhiều người thương tiếc. Chúng tôi cũng ở trong đám đông ấy. Bài viết này như một nén tâm hương tưởng niệm.
Nói về Bùi Bảo Trúc, với những chân dung đặc biệt như vậy mà chỉ nói về chân dung nhà thơ có lẽ không đủ. Nhưng, với tôi, chân dung nhà thơ gần gũi hơn và có nhiều chia sẻ với cá nhân tôi trong đời sống văn chương và đời thường.
Tôi quen biết với Bùi Bảo Trúc từ năm 1985, cách nay khoảng hơn 30 năm về trước khi tôi in tập thơ đầu tiên. Lúc ấy, anh Bùi Bảo Trúc đang làm ở đài VOA và phụ trách chương trình điểm sách của đài này. Một buổi sáng anh gọi điện thoại đến chỗ tôi đang làm việc để hỏi một vài chi tiết về tập thơ của tôi. Mặc dù lúc đó tôi khá bận rộn nhưng vẫn hào hứng nói chuyện với anh cả tiếng đồng hồ. Mà chỉ nói về tập thơ của tôi chừng năm, mười phút còn toàn chuyện về nhà thơ Ðinh Hùng, một nhà thơ mà cả anh và tôi cùng ngưỡng mộ. Từ đó, thỉnh thoảng điện thoại chúng tôi đều nói nhiều về thi ca mà ít nói với nhau những đề tài khác.
Từ lâu tôi vẫn muốn nói chuyện với anh về thơ của anh trên chương trình Tản Mạn Văn Học mà tôi phụ trách. Lý do là tôi thích những bài thơ của anh nhắc lại đời sống tôi lúc vừa mới lớn khi còn ngồi trong lớp học trường Chu Văn An. Anh lớn hơn tôi vài tuổi và trên tôi vài lớp nhưng sao những suy nghĩ về thầy, về bạn, về tuổi trẻ của anh sao có nét gì tương hợp với tôi. Anh tả tình, anh tả cảnh của riêng anh trong thơ sao đối với tôi là cả một khung trời hoài niệm. Chúng tôi đã sống trong thời gian ấy, không gian ấy, với những khuôn mặt bạn bè, với những tâm tình của những cánh chim non còn chập chững trên bờ tổ nhưng đã hướng đến những khung trời cao rộng của mây trắng của trời xanh.
Trong thơ của Bùi Bảo Trúc rất nhiều hình ảnh gợi lại sự hoài cảm của những nơi chốn mà anh sống lúc đầu đời. Với tôi, những hình ảnh ấy cũng quen thuộc bởi vì những con đường ấy, những ngõ hẻm ấy cũng in hằn trong bộ nhớ của tôi. Những bài thơ của anh đánh động rất nhiều trong tôi những kỷ niệm.
Trong một lần điện thoại vào tháng 6 năm nay, anh dự trù sẽ in một tác phẩm mới vì anh thú thực muốn làm một việc sau một thời gian ngưng nghỉ và anh hẹn sẽ làm một chương trình Thơ Bùi Bảo Trúc với tôi. Nhưng thời gian lần lữa, anh đã vì lý do sức khỏe nên không thực hiện được những điều mong muốn.
Khi anh còn ở miền Ðông Hoa Kỳ, bên cạnh công việc làm cho đài VOA anh còn viết hằng tuần lá thư miền Ðông cho báo Người ViệtThời Báo, sau được đặt tên là Thư Gửi Bạn Ta được chon lựa lại và nhà xuất bản Văn nghệ của thầy Từ Mẫn in thành 3 cuốn. Thư Gửi Bạn Ta biểu lộ phong cách tài hoa của cây bút Bùi Bảo Trúc. Ðề tài thì thường rộng rãi, tùy hứng nhưng phần đông theo sát thời sự dù người đọc sau một thời gian vẫn không cảm thấy đã cũ. Một chút châm biếm, một chút lãng mạn. Có khi là những giận dữ biểu lộ từ những biến cố trong nước của những người Cộng sản ngu dốt. Có khi là những trang sách đầy nét thơ mộng của tình yêu, của tình người. Nhưng rõ ràng vẫn là chất lửa của đời sống của những suy tư nhân bản luôn được tỏa sáng qua lăng kính văn chương.
Anh có một suy nghĩ riêng một phong cách riêng, khác biệt với ứng xử thường hằng. Luôn luôn anh tìm được những điều khác lạ có khi nhỏ nhoi không ai để ý tới nhưng vào văn chương đã trở thành những nét lôi cuốn người đọc. Có những chân dung, dù là người thân thiết hay những kẻ ông không ưa, chỉ vài nét cũng phác họa được khuôn mặt tiêu biểu.
Loạt bài Thư Gửi Bạn Ta viết liên tục một thời gian khá dài, tôi nghĩ là đến hơn hai thập niên. Thử tưởng tượng, qua một thời gian lâu như thế, mà vẫn giữ được sự hấp dẫn thì điều đó thực sự không phải là dễ dàng. Viết phiếm, không phải chỉ là khơi khơi kể chuyện, mà còn chất chứa đằng sau những nỗi niềm, những tâm sự nhiều khi khó ngỏ thẳng thắn bằng ngôn từ. Thư Gửi Bạn Ta là một minh chứng của nội lực văn chương dài hơi, của một tâm hồn mẫn cảm đầy mơ mộng.
Nhà truyền thông Bùi Bảo Trúc thì sao? Hãy đọc những bài báo và nghe những chương trình phát thanh, truyền hình trên Little Sài Gòn Radio hay Hồn Việt TV của Bùi Bảo Trúc như "Ngày này năm xưa", hay "Chào hoàng hôn" để thấy được sự lôi cuốn mãnh liệt khán thính giả. Là người MC hay dẫn chương trình, ông đã mở ra những con đường mới là dẫn dắt nhiều liên tưởng cho người nghe và người xem…
… Thơ của anh nặng chất hoài niệm và nhắc lại những kỷ niệm mà chúng ta trân quý trong đời.
Thí dụ, tôi đọc bài thơ "Xa nhà đọc thơ Hạ Tri Chương". Ðọc từng dòng, dần dần những cảm giác cũ hiện về. Ở nơi chốn này, hình như không phải chỉ là những con đường của khu Ngã Sáu mà rộng khắp hơn là quê hương chúng ta. Ôi chao, những chữ Ngã Sáu, Ngã Bảy của phương trời xa xôi kia sao mang lại nhiều ấn tượng đến thế. Ðọc những câu thơ cổ để mang mang khung trời xưa để nhớ lại một thời. Còn câu chữ nào diễn tả được ngoài câu “Tôi đọc thơ ông nát cả hồn”. Hãy tưởng tượng đi, một người đã lâu lắm lưu lạc phương trời. Bài thơ chỉ có 4 đoạn, mở ra từ giây phút tưởng tượng về sống ở chốn xưa và đóng lại vì nhớ nhung hoài niệm từ tháng ngày biệt xứ.
Có phải là tưởng tượng hay là sự thực cơn mơ mộng ấy:
Tưởng tượng mai về khu Ngã Sáu
Chiều ra đầu ngõ đứng trông xe
Có người quen hỏi “Lâu không gặp
Ðáp khẽ “Ði xa mới trở về
Ðọc câu thơ cổ, tìm lại được tứ thơ mới. Ngày trở về của người thơ:
Cũng hệt như Hồi Hương Ngẫu Thư
Tóc xanh giờ đã bạc như tơ
Tiếng quê nghe vẫn đầy âm cũ
Mà cũng lạ tai câu trẻ thơ
Ô hay tiền bối Hạ Tri Chương
Tiền bối xa quê thuở Thịnh Ðường
Sao thơ hệt chuyện bây giờ nhỉ
Thuở ấy mà sao cũng não lòng
Từ thơ người xưa, chạnh nghĩ đến thân phận mình, nát cả hồn:
Tôi cũng như ông đời biệt xứ
Trẻ ra đi già vẫn tha hương
Mấy chục năm buồn trên xứ lạ
Tôi đọc thơ ông nát cả hồn…”
Anh Bùi Bảo Trúc. Bây giờ anh đã ra đi, hết đời biệt xứ. Linh hồn anh có trở về lại không, thành phố Sài Gòn mà anh đã có nhiều thân thuộc. Chắc anh đã trở về căn nhà xưa, con hẻm cũ để thương mến từng ngày tháng còn cắp sách đến trường để nao nao nhớ từng cơn mưa từng chiều nắng…
Khi còn sinh tiền, Bùi Bảo Trúc làm thơ tưởng tượng. Bây giờ ông đã đi xa nhưng sự tưởng tượng vẫn còn. Ông tưởng tượng khi làm bài thơ “Gửi căn nhà cũ”:
Hãy tưởng tượng khi bước vào cuối ngõ
Căn nhà xưa rêu phong kín tường vôi
Khung cửa sắt đã bong lỗ chỗ
Chìa khóa mòn trong ổ bỗng reo vui.
Ðoạn tiếp theo cũng là từ ký ức. Những câu thơ như đánh đụng vào tâm thức tưởng đã hao mòn:
Hãy tưởng tượng trong hộp thư ngoài cửa
mấy bức thư đọng lại những năm qua
một tấm thiếp báo tin người yêu nhỏ
đã tìm ra hạnh phúc dưới trời xa.
Rồi khu vườn cũ và cây ngọc lan, bụi trúc và hàng thược dược nhắc nhở mùi thơm cơn mưa đầu mùa:
Hãy tưởng tưỡng trong khu vườn thuở trước
Cây ngọc lan ngày đó đã ra hoa
Mấy bụi trúc và một hàng thược dược
mùi đất thơm cơn mưa nhỏ đầu mùa.”
Cũng vẫn tưởng tượng. Căn gác nhỏ nhắc đến những cơn mưa khuya dìu dặt mà những giọt buồn vương vấn giấc đêm. Chiếc giường cũ thân thiết nằm nghe tiếng gió. Nơi hò hẹn xưa nơi nhắc lại những lời tâm sự và những nét chữ tuy mờ với thời gian nhưng như vẫn đâu đây.
Và:
Hãy tưởng tượng buổi chiều ra ngồi quán
Bạn cũ tới đầy đủ mặt cố tri
Dăm ba đứa biệt tăm trong thời loạn
Ðã trở về cùng khật khưỡng vài ly
… Hãy tưởng tượng ghé vào thăm tên bạn
Bắc ghế ra ngồi đọc lại Ðường Thi
Trên căn gác năm xưa trăng vẫn sáng
Nhớ Hạc Vàng từ thuở mới bay đi
Có phải là những giấc mơ hay chỉ là tưởng tượng. Nhưng sao đẹp quá tâm tình cho bạn cho một tuổi mới lớn học trò. Thi sĩ đã mang vào trong thơ nỗi niềm ấm áp của một thời đầy ước vọng của tuổi trẻ của những buổi khởi hành vào những cuộc rong chơi tưởng như mộng đội đá vá trời khi bước vào đời.
Những con đường cũ. Những vỉa hè xưa lát lá me non. Như nhân vật trong thơ Ðinh Hùng tung tăng những giờ trốn học. Sách vở trong tay nhưng đầy chật mộng ước trong hồn. Cậu học trò Bùi Bảo Trúc ngày xưa nay đã thành một người lớn tuổi nhưng vẫn chưa quên những cảm giác của vị ngọt nhân sinh lúc ấy. Ðời reo vui như bước chân lang thang trên vỉa phố. Quen thuộc nhưng đẫm chất tình cảm…
Hãy tưởng tượng lại đi trên đường cũ
Những lề đường đá lát lá me non
Thời trốn học lang thang trên vỉa phố
Sách trong tay mộng ước chất đầy hồn
Câu thơ kết:
Và tưởng tượng vừa tan cơn mộng dữ
bạn bè xưa người tình cũ về đây
căn gác nhỏ của một thời sách vở
vẫn còn nguyên- cơn ác mộng xa bay
Trong tâm cảm của tôi khi đọc xong bài thơ lại chạnh nghĩ đến thân phận của mình. Những câu thơ gợi lại cho tôi những tiếc nhớ tuổi học trò dù sống trong một thời thế đảo điên nhưng cũng có nhiều kỷ niệm… Những con đường đến trường. Những thầy xưa bạn xũ vẫn muôn đời trong ký ức không quên.
Ðọc thơ Bùi Bảo Trúc khi anh vừa ra đi cũng là giây phút cảm tạ thi sĩ đã cho đời sống những chân tình của một người tuy vẫn hoài niệm quá vãng nhưng tràn đầy giấc mơ làm đẹp cho mình làm đẹp cho đời. Dù thân phận lưu vong biệt xứ nhưng vẫn trìu mến nhìn về quê mẹ với cả tấm tình…
Thơ tình của Bùi Bảo Trúc hình như phảng phất một mùi hương của quá khứ, của những giây phút để tưởng vọng và nhớ về, Ông luôn đi tìm kiếm một điều gì xa xôi vô cùng nhưng lại gần gũi xiết bao. Những bài thơ lục bát phảng phất một mùi hương. Thí dụ bài C.A.T.19709 một nhan đề rất riêng tư và bí mật! Có phải những câu thơ này chỉ để tặng cho chỉ có một người:
Buổi chiều trở lại chỗ này
mùi hương đã nhạt dấu giầy đã xa
người đi bỗng chốc thoắt mà
màu son kỷ niệm nay ra nghìn trùng
vẫy tay chào những mịt mùng
người vô tận đã đi cùng sớm mai
gió buông một tiếng thở dài
lối xưa vẫn cứ hoài hoài đứng trông
nhớ nhau chiều bỗng võ vàng
thương cho ngọn cỏ bàng hoàng ngó theo
Cũng lại là một mùi hương của mùi tóc ai trong hơi thở của mùa xuân của buổi chiều còn đọng mãi trong câu thơ lục bát:
lẫn trong hơi thở mùa xuân
là mùi tóc đã có lần rất quen
người đi chưa nhạt dấu chân
vẫn còn đọng mãi mùi hương buổi chiều
Có một bài thơ mà Bùi Bảo Trúc viết như trở về những ngày tháng sinh viên mà một hình bóng lúc nào cũng chập chùng trong óc nhớ.
Khi giọt mưa bay cuối giảng đường
Mây và tóc biếc giấu trong khăn
Bàn tay em bỗng dưng thành đá
Dòng chữ trong bài nét cũng run
Con đường cũ, ở những dốc lên
Buổi chiều níu lại những bước chân
Thương cho đôi cánh loài di điểu
Trí nhớ giờ này đã đóng băng
Ðường về ngập dưới cơn mưa tuyết
Chĩu nặng chiều trong nỗi nhớ người
Có một vì sao vừa tuẫn tiết
Gĩưa một chiều đông rất ngậm ngùi
Người đã xa, xa cả bàn tay
Mùi hương tóc ấy vẫn đâu đây
Cho thơm mãi mãi câu thơ cũ
Trong một ngày đông tuyết xuống đầy

Nói về dịch thuật, Bùi Bảo Trúc là người tuy có căn bản Anh, Pháp ngữ vững nhưng rất cẩn trọng khi cầm bút. Anh cũng rất nghiêm khắc khi nhận thấy những sai sót của những dịch giả cẩu thả không trân trọng với chữ nghĩa. Anh không muốn sa vào hiện tượng dịch là phản, dịch là diệt. Nhất là với thi ca, nhập vào hồn thơ ngoại quốc để thành hồn thơ của mình đòi hỏi một trình độ cũng như một thái độ nghiêm chỉnh.
Tôi đọc một bài viết Chữ nghĩa chúng ta của Bùi Bảo Trúc phê phán dịch giả John Balaban:
“Spring Essence là nhan đề cuốn sách của John Balaban in đầu năm 2000 với những bài thơ của Hồ Xuân Hương được dich sang Anh ngữ.
Dịch giả John Balaban là một người liều lĩnh nếu không nói là cẩu thả. Ông để lại rất nhiều lỗi khiến câu cách ngôn traduttore, traditore của người Ý, nghĩa là bản dịch thường thiếu nét trung thành đến độ phản bội tư tưởng của tác giả nguyên bản, cũng chỉ là nhận định quá nhẹ nhàng khi đọc những bản dịch tiếng Anh những bài thơ Hồ Xuân Hương của ông. Những lỗi ông để lại quá nhiều và có thể nói là không một bài nào không để lại một hai lỗi. Có những lỗi hết sức sơ đẳng khiến người đọc tự hỏi không biết những người ông ghi tên ở cuốn sách nói là đã khuyến khích và giúp ông dịch những bài thơ này có thực sự đọc bản Anh ngữ của ông không. Mà toàn là những tên tuổi, bằng cấp ghê gớm cả, không giáo sư thì cũng là tiến sĩ lại có luôn cả một nhà ngoại giao cao cấp nữa…”
Sau khi phân tích một số lỗi tượng trưng, Bùi Bảo Trúc kết luận: “Trời ơi là trời… Thôi dịch như vậy mà còn “table” cái gì thêm được nữa. Bàn (table) cái gì bây giờ?
Dịch như thế không sợ Xuân Hương hiện ra sửa lưng “mấy bồ” là… “bố mày” hay sao?”
Nên khi chuyển ngữ Bùi Bảo Trúc vô cùng cẩn trọng. Ðọc bản dịch Tặng vật của Tình nhân dịch từ nguyên bản Anh ngữ The Lover’s Gift của Tagore sẽ thấy được ngay điều đó.
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã có một nhận xét khá xác đáng: “Ðọc thơ Tagore là một chuyện. Hiểu được thơ Tagore tất nhiên là một chuyện khác. Nhưng đưa thơ Tagore đến với người đọc Việt Nam bằng một thứ ngôn ngữ vừa mang tính Tagore lại vừa tràn ngập tính dân tộc, tôi nghĩ trước Bùi Bảo Trúc không có ai và sau Bùi Bảo Trúc người viết tạp văn hay nhất Việt Nam hiện nay thật khó tìm được người thứ hai”
Tập thơ Lover’s Gift gồm một số bài viết bằng Anh ngữ và một số bài bằng tiếng Bengal được chính tác giả Tagore dịch sang Anh ngữ.
Bài thứ nhất của Tặng Vật của Tình Nhân là bắt đầu của chuyện kể một thiên tình sử đã vượt qua được không gian thời gian để thành bất tử với ngôn ngữ của trái tim đầy xúc cảm:
Ðại đế Jehan, người đã mặc cho đế quyền sụp đổ nhưng ước muốn của người lại là biến giọt lệ tình thành thiên thu bất diệt.
Thời gian thật tàn nhẫn với trái tim con người. Thời gian cười cợt nhạo báng trước nỗ lực buồn nản để khắc ghi hoài kỷ niệm của trái tim.
Người đem thẩm mỹ mê hoặc, giữ lấy thời gian, vinh thăng cái chết vô hình bằng một hình thể đời đời không phai nhạt.
Niềm bí ẩn thì thầm bên tai người yêu dấu, trong u tịch của bóng đêm được tạc sâu vào sự câm nín muôn đời của đá.
Dù cho bao nhiêu vương quốc đã đổ nát, tan hoang cùng cát bụi, dù cho bao nhiêu thế kỷ đã mất theo bóng đêm, cẩm thạch vẫn ngậm ngùi thở dài, nói với những vì sao, “Ta vẫn nhớ”
“Ta vẫn nhớ” Nhưng cuộc đời thì lãng quên, vì nàng đã về nơi Vô Tận nàng thảnh thơi ra đi trong chuyến viễn hành không vướng măùc, để lại những kỷ niệm trong hình thể cô đơn của thẩm mỹ…”

… Dịch thơ có phải là một công việc khó? Tôi đã hỏi câu ấy với nhà thơ Bùi Bảo Trúc thì được anh trả lời dịch bằng ngôn ngữ thì không khó nhưng dịch bằng hồn thơ là cả một công việc thiên nan vạn nan. Có người từ ngữ văn phạm rất giỏi nhưng nếu không có hồn thơ nhập vào thì chữ chỉ có nguyên hình chữ mà hồn thì chẳng tìm được trong thơ. Bùi Bảo Trúc dịch Tặng Vật của Tình Yêu hình như muốn ký gửi theo tâm tình của mình khi dịch sang Việt ngữ những lời thơ Tagore. Anh muốn khởi hành đi vào không gian vô tận của tình yêu mà vũ trụ là đích đến phải gặp là những cõi vĩnh hằng qua bao nhiêu biến đổi của không gian thời gian. Tìm ở bầu trời cao rộng và những vì tinh tú lóe sáng để cõi thơ mông lung kia tràn đầy mơ ước. Có phải dịch thơ như Bùi Bảo Trúc là đã sáng tác một khổ thơ tuy bắt nguồn từ nguyên bản Anh ngữ nhưng đã biến thành một áng văn Việt ngữ xúc tích và đầy chất sáng tạo…
Nguyễn Mạnh Trinh

http://thoibao.com/


Bùi Bảo Trúc, tài hoa và lận đận

Trần Mộng Tú

Chàng nhìn theo cái lưng của người bạn trẻ khi cánh cửa buồng khép lại. Chàng rơi vào một sự im lặng hoàn toàn. Khép nhẹ cặp mắt nghe râm ran thân thể, những lóng xương như đang rên rỉ quanh mình. Hãy gõ cửa, đêm nay ta trở lại
Cánh cửa ơi có còn nhớ nhau không?
Cánh cửa không nhớ chàng nhưng chàng nhớ cánh cửa. Hôm nay bỗng dưng cả ngôi nhà thân yêu trên quê cũ hiện về trong trí nhớ chàng. Nơi chàng sống đời trai trẻ cùng với những đứa con bé bỏng. Nơi chàng đêm đêm trở về rón rén lên từng bậc cầu thang, nghe tiếng con thở, ngửi được cả mùi thân quen của chúng bay ra.
Vòng trở lại là chiếc cầu thang gỗ
Ta vẫn thường rón rén tối về khuya
Ở trên gác, nơi các con ta ngủ
Mấy chục năm rồi, mùi chúng vẫn đâu đây
Căn nhà mà nhắm mắt lại chàng cũng nhớ chỗ nào là kệ sách, chỗ nào để cái ghế, kê cái bàn viết, mà đêm đêm chàng hay thức dậy viết lăng nhăng. Rồi căn bếp, bể nước mưa, cái máng nước, cây trứng cá và những mảng đêm. Chao ôi cái đêm cuối cùng đó, chàng nhớ, mình nằm ngó lên trần nhà nước mắt rưng rưng, nghĩ tới việc bỏ đi:
Đêm còn tối trên tàn cây trứng cá
Ta phải đi, buổi sáng sắp lên
Căn nhà cũ sẽ bỗng đầy người lạ
Đường sá xác xơ, thành phố cũng thay tên.
Chàng bây giờ nằm đây, ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn chút nắng yếu ớt bên ngoài. Cô đơn hoàn toàn phủ chụp lấy chàng. Trong nỗi cô đơn này chàng có sự tự do để đầu óc mình tưởng tượng, mình trở về quá khứ, về con phố ngoài kia.
Hãy tưởng tượng lại đi trên đường cũ
Những lề đường đá lát lá me non
Thời trốn học lang thang trên vỉa phố
Sách trong tay, mộng ước chất đầy hồn
Chàng bỗng nhớ tới tất cả những người thân yêu đã đi qua đời chàng, những đứa con, những người tình, những người bạn. Họ bỏ chàng đi đâu hết rồi. Chàng tự trách mình :“Ta phụ người hay người đã phụ ta”
Hãy tưởng tượng buổi chiều ra ngồi quán
Bạn cũ tới đầy, đủ mặt cố tri
Dăm ba đứa biệt tăm trong thời loạn
Đã trở về cùng khật khưỡng vài ly
Rồi chàng thầm thì ao ước:
Và tưởng tượng vừa tan cơn mộng dữ
Bạn bè xưa, người tình cũ về đây
Căn gác nhỏ của một thời sách vở
Vẫn còn nguyên, cơn ác mộng xa bay.
Người đàn ông đang trong cơn vật vã với tử sinh, tác giả của những câu thơ nhẹ nhàng tràn ngập cảm xúc đó, chính là Bùi Bảo Trúc.
Bùi Bảo Trúc, một đời người với chữ nghĩa. Ở nơi nào anh tới, có truyền thanh, truyền hình, báo chí là có anh cộng tác. Những bài viết của anh được độc giả ưa chuộng tìm đọc nhiều nhất dưới tựa đề “Thư gửi Bạn Ta”. Anh viết rất sâu sắc, thông thái, chua chát với đời sống, cười cợt với con người, mắng mỏ kẻ ác, chế diễu Cộng Sản trong suốt bao nhiêu thập niên tung hoành trên báo giấy rồi đến những trang mạng. Chưa có ai viết như anh. Chưa có ai mỗi khi viết, gửi vào bài viết những lầu thông kim cổ như anh. Văn Học Tây Phương, Đông Phương anh thu thập và nhớ rất nhiều. Bất cứ lúc nào anh cũng có thể mang ra chứng minh trong những bài viết của mình. Độc giả thích thú theo dõi những bài anh viết.
Nhà văn Mai Thảo thủa còn sinh tiền, mỗi khi mở tờ báo ra, tìm bài của Bùi Bảo Trúc đọc trước tiên.
Bùi Bảo Trúc có một đời sống nhiều thay đổi, anh như ngựa chạy đường trường, không dừng vó lâu được. Cũng có thể anh là một con ngựa chứng, cần một “Nài” giỏi mà anh chưa may mắn gặp, nên cuối đời của anh không được vui.
Chúng ta đọc Thơ anh, đọc những bài viết cho “Thư Gửi Bạn Ta”, chúng ta dễ dàng nhận ra lòng thù ghét Cộng Sản của anh, nhận ra tình yêu quê hương, yêu đất nước Việt Nam của anh. Anh gửi tình yêu đó vào những câu thơ trong bài

Hôm nay người đàn ông tài hoa và lận đận đó đã từ giã quá khứ của mình, từ giã những bài Thơ, những bài tạp ghi để đi về một chốn xa xôi nào đó, nhưng anh vẫn chưa về lại được cố hương một lần như lòng anh mong mỏi.
Trần Mộng Tú
12/17/2016

(Tất cả Thơ trong bài của BBT)
Tưởng nhớ người mới qua đời. BBT 1944-2016

http://tranmongtu.blogspot.com



Nhân đọc một bài thơ của Đỗ Mục

Bùi Bảo Trúc



Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Quá giang do xướng Hậu Đình Hoa
Bài thơ xin được tạm dịch:
Khói loang sông lạnh, trăng trên cát
Thuyền đậu qua đêm cạnh tửu gia
Ca nương không hay hờn mất nước
Bên sông vẫn hát Hậu Đình Hoa



Hậu Đình Hoa là một ca khúc viết cho những tiệc vui trong cung điện của Trần Thúc Bảo tức là Trần Hậu Chủ (582-589), ông vua cuối cùng của nhà Trần thời Nam Bắc triều để nhà vua vui chơi cùng Trương Lệ Hoa và các cung nữ. Ông vua ham chơi, sao lãng việc nước nên cuối cùng đã để cho triều đại nhà Trần mất vào tay nhà Tùy. Chuyện xẩy ra trước thời của Đỗ Mục (803-852), trước cái đêm họ Đỗ neo thuyền ở bến Tần Hoài cả hơn 2 trăm năm nên nhà thơ có hơi trách người ca nữ trong quán rượu là không biết mối hận mất nước, vẫn vô tình đem bài ca từng bị coi là đưa tới sự mất nước của nhà Trần ra ca hát giúp vui cho đám khách uống rượu.
Nhưng việc Đỗ Mục trách người thương nữ ấy (dẫu là nhẹ nhàng) có phải là việc làm đúng không? Nhiều người cho là không, vì chuyện nhà Trần mất nước vào tay nhà Tùy thì cũng xẩy ra trước cái đêm Đỗ Mục neo thuyền ở Tần Hoài hơn hai thế kỷ. Chuyện đã xa như thế, thì làm sao người con hát trẻ ấy còn nhớ được việc Trần Hậu Chủ mất nước để... kiêng và né bài Hậu Đình Hoa. Thêm nữa đòi né bài Hậu Đình Hoa có phải là một đòi hỏi hơi quá đáng ở một ca nhi chỉ biết ca hát để kiếm ăn trong một tửu quán nơi bến sông không?
Người ca nữ còn trẻ đó chắc chỉ lo ca hát kiếm sống chứ đầu óc đâu để biết đau cái hận mất nước, mà mài gươm dưới nguyệt như Đặng Dung rồi ngâm "thế sự du du nại lão (?) hà..." tính chuyện nước non.
Hơn thế nữa, Trần Hậu Chủ có mất ngôi báu vào tay nhà Tùy thì lãnh thổ của ông ta cũng vẫn nằm trong nước Trung Hoa, nhà vua không bị bắt đưa đi học tập cải tạo mà được đưa về kinh đô cho sống yên bình đến lúc chết. Chờ đợi người ca nhi phải đau cái đau mất nước xẩy ra hàng bao nhiêu năm trước để kiêng hát bài ca mất nước thì hơi khó.
Thế nên cô ca nhi có đem bài Hậu Đình Hoa ra hát cho đám khách uống rượu ở cái quán ven sông Tần Hoài thì cũng chẳng sao. Nhưng bài thơ của Đỗ Mục vẫn là một bài thơ rất hay.
Mới đây, sau phán quyết về đường lưỡi bò ở biển đông, một số nghệ sĩ người Hoa đã đồng loạt lên tiếng bênh vực lập trường (vô lý) của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Đa số những nghệ sĩ này là những tên tuổi trong các cuốn phim Tầu mà các đài truyền hình trong nước cũng như hải ngoại chiếu suốt ngày đêm cho các khán giả Việt Nam say sưa theo dõi. Đến nỗi cứ mỗi khi bật truyền hình lên là lại thấy phim Tầu ngự trị. Trong số các diễn viên Hoa ngữ nổi tiếng, chỉ có Châu Nhuận Phát là dám nói không đống ý với lập trường của nhà nước mặc dù đã biết trước sẽ bị nhà cầm quyền Bắc Kinh trả thù.
Chỉ mới có một đài truyền hình ở trong nước đã can đảm quyết định không chiếu một cuốn phim Tầu đang ăn khách. Các đài khác thì không thấy nói gì, vẫn phim Tầu chuyển âm bằng thứ tiếng Việt và giọng nói ngây ngô để cuộc Hán hóa sẽ không trở thành "sốc" nữa.
Chuyện ca hát thì Viêt Nam không có bài Hậu Đình Hoa để vọng từ bên kia sông sang, nhưng bọn thương nữ và thương nam (?) còn tệ hơn cả đứa ca nhi trong thơ Đỗ Mục. Chúng vẫn nhởn nhơ ca hát như con ve trong bài ngụ ngôn của Jean de La Fontaine. Không một tên tuổi lớn nhỏ nào trong nước cũng như hải ngoại dám cất lên một tiếng nói về chuyện cá chết ở Vũng Áng, về phán quyết của tòa án quốc tế liên quan đến tham vọng của Bắc Kinh, về thân phận của những ngư dân khốn khổ, về môi trường đang bị tàn phá một cách có hệ thống, về đất nước đang bị bán đứt cho ngoại bang... Chúng vẫn đàn ca hát xướng như không có gì đang xẩy ra ở đất nước Việt Nam. Chúng nó sợ bị cấm ca hát, không được cho về nước kiếm tiền nữa.
Trong lúc chuyện Việt Nam còn bi đát hơn chuyện vong quốc của Trần Hậu Chủ biết là bao nhiêu!
Mất nước sẽ là mất luôn. Không như trường hợp Trần Hậu Chủ. Nghĩ tới Tây Tạng mà kinh. Lúc ấy có "năm canh máu chẩy đêm hè vắng / sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ" thì cũng chỉ là nghe cuốc kêu cảm hứng như Nguyễn Khuyến mà thôi.

Posted by thuguibanta
July 30, 2016


THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc

Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta

***

HÔM NAY TAO ĐI HỌC

Hôm nay là hết những ngày lang thang bẻ me trèo sấu của bọn chúng tao, thế là lại phải quần áo để trở lại trường. Tao ghét nhất là cái khăn đỏ lúc nào cũng phải đeo trên cổ đã suốt mấy năm nay mà không đeo thì không được. Không đeo là bị kiểm điểm ngay. Mà tao biết ngay cả cái đứa đem tao ra kiểm điểm chính nó cũng chẳng ưa gì cái trò tròng cái khăn ấy vào cổ. Tao biết điều đó vì chính thằng con của nó nói với bọn tao chứ đâu. Nó là con mụ chủ nhiệm một lớp trong cái trường này. Thôi thì quàng vào cổ cho đủ lệ bộ. Nhưng lần trở lại trường năm nay tao cũng vui hơn một chút : tao có đồ chơi mới trong túi. Không phải là mấy món đồ chơi Trung quốc rẻ tiền đâu nhá, như những lần trước, mấy cái ghêm vớ vẩn chơi dăm ba ngày là hỏng mẹ nó đâu. Trong túi tao có con dế rất sịn. Mẹ tao gửi tiền từ Đài Loan về cho tao mua nó. Tao chắc mẹ tao muốn tao im mồm về chuyện mẹ tao gì gì với thằng đàn ông mẹ tao ấm ớ với nó ở Cao Hùng từ mấy năm nay. Ối giời ơi, làm gì thì làm chứ dính dáng gì với tao nữa. Tao lo được thân tao. Ông bà nội ngoại tao tháng tháng có ít tiền gửi về là vui rồi, con chị tao hát karaoke trong cái quán khu Cửa Nam son phấn kiểu sao Hàn quốc thì kệ nó. Hai năm nay nó không còn làm phiền tao nữa. Con dế mới của tao là con Samsung 7.
Tao cũng chẳng cần dấu giếm gì bố tao như trước nữa. Hồi đó, có cái gì cũng phải nói dối cái này ai cho, lấy ở đâu về... bây giờ thì khỏi. Ông ấy ngày nào cũng mang về một đống đồ mà tao thừa biết là ông ấy lấy từ Nội Bài, nơi ông ấy làm việc bốc rỡ hành lý ở phi trường. Bố tao kiếm được khá lắm : bao nhiêu là quần áo, đồ điện tử, máy móc sịn cho con nhân tình của ông ấy bán ra ngoài chợ nên tiền bạc lúc nào cũng đầy túi có tiền đi ăn uống bia rượu, gái gú ngày nào cũng như ngày nào nên mẹ tao muốn làm gì với thằng ở Cao Hùng, Đài Loan cũng được. Tao chẳng cần phải dấu giếm gì cho mẹ tao nữa. Ông bà tao nói nhiều lần với bố tao là đừng ăn cắp nữa nhưng có ăn thua gì đâu. Thế là gia đình chúng tao sống toàn bằng nghề ăn cắp hết. Mẹ tao thì ngoại tình ở Đài Loan, bố tao thì ăn cắp ở sân bay Nội Bài. Tao đâu có thua đứa nào trong trường.
Bây giờ có dế Samsung Galaxy vào phây búc vui hơn nhiều. Hồi trước tao chỉ đi coi mấy con lớn trong trường đánh nhau, xé áo của nhau nhưng nay có dế Samsung tao có thể làm cờ líp rồi úp lên phây búc cho mọi người xem, chúng nó sẽ nể tao hơn. Mấy con như con Thảo, con Hương... sẽ hết làm bộ với tao như năm ngoái, phải chiều tao ngay. Tao sẽ rủ chúng nó đi Quảng Ninh chơi rồi tìm mối bán sang Tầu là có tiền tiêu như mấy thằng trong trường đã làm từ mấy năm nay, lại có tiền đầy túi đi ăn chơi ngay.
Năm nay tao không phải lưu ban, được lên lớp mới. Ở nhà, ông bà tao cùng với bố tao, mẹ tao cũng chẳng biết gì mà cũng... éo cần gì về chuyện ấy, mà tao thì lại hoàn toàn cóc cần về chuyện lên lớp hay ở lại hay lưu ban nữa. Tao năm nay 15 tuổi rồi. Xong năm nay tao tìm mối đi lao động xuất khẩu : Hàn quốc, Nhật, Thái, Singapore... đi đâu cũng được, cứ ra khỏi cái nước này, kiếm ít tiền ăn chơi vài năm cho đỡ đỡ sầu đời là đủ rồi. Bởi thế đừng có hỏi tao về chuyện học hành trong cái năm học này.
Tao đang đứng trước cổng trường. Năm nay chúng nó treo thêm hai tấn bảng có hàng chữ "học tốt, dậy tốt" mà tao nghĩ là chẳng đứa chó nào tin vào những lời kêu gọi đó, hệt như lời kêu gọi học tốt, dậy tốt theo gương đạo đức chủ tịch Hồ Chí Minh treo trên các lớp học trong trường. Còn nhớ trong cái cờ líp có cảnh một thằng thầy bị một thằng học sinh đánh tơi tả, lên gối ngay trong lớp dưới cái biểu ngữ thê thảm tao coi mà cười gần chết. Đạo đức bác dậy mà thế thì học theo bác làm con mẹ gì. Tao thấy bây giờ chỉ cần tiền như bố tao nói. Có tiền là muốn cái éo gì cũng có. Muốn có tiến sĩ, thạc sĩ cũng có ngay. Việc éo gì phải học. Có thằng chẳng bao giờ ra khỏi nước, màvẵn có bằng ở Mỹ, có đứa trong rừng ra vẫn xưng có bằng cử nhân luật thì tại sao tao phải mài nát cái đũng quần ở cái trường khốn nạn này.
Nhưng hôm nay tao vẫn đi học.
September 9, 2016

http://thuguibanta.blogspot.com


TÔI GHÉT TÔI


LTS: mời quý độc giả đọc lại bài "Tôi Ghét Tôi" do ký giả Bùi Bảo Trúc viết trong Tạp chí Lửa Việt số Giáng sinh 1991 dưới bút hiệu Ký giả Bê Tê. Bài viết này trước đó đã được đăng trong mục "Lá Thư Miền Đông" đề ngày 14 tháng Mười 1991 trên một tờ báo ở California dưới bút hiệu Ký giả Hạng Bét. Xin xem bản chụp lại của bài báo này (đính kèm).
LaThuMienDong-TimeIsNow_KyGiaHangBet-14Oct1991
KÝ GIẢ BÊ TÊ
Trích Lưả Việt số 51 - Bộ mới, Giáng Sinh 1991

Một người bạn Mỹ cuả tôi vưà có đại tang. Ông cụ thân sinh bạn tôi đã ngoài 80 tuổi, sống một mình ở Charleston, tính tình rất độc lập như những nhân vật miền Nam trong các tiểu thuyết cuả William Faulkner, John Steinbeck… Người bạn Mỹ là một chuyên viên tài chính cho một công ty thương mại lớn ở Hoa Thịnh Đốn. Công việc làm anh ta bù đầu, mỗi tuần chỉ ở Hoa Thịnh Đốn có hai ngày. Những ngày còn lại, anh ta ở Nữu Ước, nơi có actions, như bạn tôi vẫn nói. Đại lộ số 5, đại lộ Madison, thị trường chứng khoán… Những thứ đó làm bạn tôi không lúc nào ngơi tay, rảnh trí để nhớ đến ông bố sống một mình ở Charleston.
Bạn tôi thực ra, vẫn hay nói đến ông cụ, trên bàn giấy làm việc có cả một bức hình cuả ông cụ, điều rất hiếm thấy nơi những người Mỹ, hình ảnh thường chỉ là vợ, con hay bạn gái… Cụ đội mũ Panama, hút xì gà, sơ mi sọc, quần mỡ gà, nơ đỏ, hai sợi dây đeo rất đỏm dáng. Trong hình, cụ cười hể hả như Theodore Roosevelt vưà hạ được một con sư tử ở Phi Châu. Cụ bà qua đời hơn hai chục năm trước. Cụ ông sống một mình vì bạn tôi đã lớn và công việc đưa anh càng ngày càng xa Charleston.
Thình lình, cụ bị đột quị, lúc đang làm vườn và ra đi nhanh chóng. Bạn tôi cuống cuồng bay từ Nữu Ước xuống Charleston, nhưng không kịp. Tang lễ xong, bạn tôi trở về Hoa Thịnh Đốn, rủ tôi đi ăn. Buổi tối hôm ấy bạn tôi buồn bã kinh khủng. Ở Mỹ, những chuyện ra đi như vậy không làm người ta xúc động quá nhiều. Ông Baker trong lúc đang ở Trung Đông trong chuyến đi vận động hoà bình thì cụ bà mất. Ông bỏ ngang chuyến đi để trở về Mỹ, Ngoại Trưởng Mỹ lại bình thường xuất hiện ở cuộc họp báo. Nhiều người xúc động, đau đớn khi con chó, con mèo trong nhà chết còn hơn là khi những người thân như ông bố, bà mẹ qua đời. Nhiều ngươi tiêu rất nhiều tiền cho tang lễ (?) cuả những con chó, con mèo và căn dặn khi chết, xin đem cải táng những con vật này và đem chôn bên cạnh cho cuộc đời sắp tới đỡ cô đơn.
Lúc ăn xong, ngồi uống cà phê, bạn tôi mới cho biết tại sao cái chết cuả ông cụ lại làm anh đau đớn quá đáng như vậy. Anh đưa cho xem một trang sách, có lẽ được xé từ một cuốn thơ nào đó, với một bài thơ như thế này:
Nếu người có bao giờ yêu ta,
Hãy yêu ta vào lúc này, lúc ta còn
biết được những tình cảm dịu dàng, đầm thấm
chảy tuôn từ trái tim tình cảm đích thực
Hãy yêu ta vào lúc này
Khi ta còn đang sống
Đừng đợi đến lúc ta đã ra đi
rồi mới khắc những lời âu yếm đó lên bia đá,
những lời nói ngọt ngào trên bia đá lạnh băng
Nếu người định nói những điều trìu mến,
Hãy nói cho ta nghe ngay bây giờ.
Nếu đợi đến khi ta yên ngủ
Không bao giờ thức dậy
Thì lúc đó, giưã chúng ta đã có cái chết len vào giưã,
Ta sẽ không còn nghe được tiếng cuả người,
Vì thế nên, nếu người có yêu ta, cho dù là một chút thôi
Hãy cho ta biết trong lúc ta còn sống
Để ta có thể trân quý những tình cảm ấy.

THE TIME IS NOW
If you are ever going to love me,
Love me now, while I can know
The sweet and tender feelings
Which from true affection flow.
Love me now
While I am living;
Do not wait until I’m gone
And then have it chiseled in marble,
Sweet words on ice-cold stone
If you have tender thoughts of me
Please tell me now.
If you wait until I am sleeping,
Never to awaken,
There will be death between us
And I won’t hear you then.
So, if you love me, even a little bit,
Let me know it while I am living
So I can treasure it.
Author Unknown – 1991 Crestors Syndicate

Tờ giấy có in bài thơ ấy, bạn tôi nói được tìm thấy trong một cuốn thánh kinh ở đầu giường cuả ông cụ và kẹp cùng với trang sách đó, là bức hình cuả bạn tôi khi anh tốt nghiệp đại học.
Không phải là bạn tôi, tôi có thể tưởng tượng ra được những điều chạy qua đầu ông cụ. Người đàn ông đầy tự ái, độc lập đó vẫn không giấu được những tình cảm cuả ông. Ông vẫn thèm có được tình cảm cuả đưá con trai duy nhất. Nhưng ông lại rất là một người đàn ông. Ông cụ có thể chỉ cần nhấc cái điện thoại lên, bấm vài con số là nghe được tiếng con trai đâu đó ở Hoa Thịnh Đốn. Nhưng ông cụ đã không làm thế. Ông ngồi chờ… Và bạn tôi, lúc đó có thể anh đang còn ở bàn ăn tối với một khách hàng, có thể anh đang đưa cô bạn gái về nhà, có thể anh đang loay hoay trong bếp với bưã tối… Và chuyến về Charleston thăm ông cụ đã bị hoãn đi, hoãn lại mấy lần.
Chuyến về Charleston đã quá muộn! Bạn tôi nói anh sẵn sàng đổi bất cứ gì anh có trên đời chỉ để được câu nói anh đã quá bận, quá vô tình, quá lười biếng nên đã không nói kịp.
Tôi mà là anh bạn Mỹ này, tôi cũng sẽ ghét tôi y hệt như vậy.
KÝ GIẢ BÊ TÊ

http://damau.org


Bùi Bảo Trúc: tâm, tài và tật

Đinh Quang Anh Thái

img_4081a

Ba tuần trước ngày nhắm mắt, anh Trúc gọi điện thoại nói, “cậu Thái ghé qua Little Saigon Radio lấy 300 tiền mặt và chuyển về Việt Nam biếu các con bà Cấn Thị Thêu giùm tôi.”
Sau khi nhận được thư hồi báo của gia đình bà Thêu, tôi chuyển bằng email This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. của anh nhưng không thấy anh trả lời. Gọi anh ba lần cũng chỉ nghe lời nhắn trên máy.
Vậy là lần nói chuyện đó là lần cuối cùng tôi nghe được giọng anh, vẫn ấm tuy có hơi yếu. Và đó cũng là lần chót tôi nhận tiền của anh để gửi giúp những người lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã tại Việt Nam.
Ngày Việt Khang thoát khỏi nhà tù nhỏ, anh nói trên làn sóng Little Saigon Radio về người nhạc sĩ can trường này và nhắn ai muốn góp tay giúp Việt Khang thì cứ ghé tòa soạn báo Người Việt giao cho tôi, “bảo đảm quà sẽ tới tận tay người nhận.” Nhiều người tin anh, mến anh đã đến và tôi đã làm tròn ước muốn của anh.
Một lần, buổi sáng sớm năm 2008, tôi vừa dứt chương trình Chào Bình Minh của Little Saigon Radio, ra ngoài sân “liều một đám” tức “làm một điếu” thì cô thư ký của đài bước ra nói, nhiều thính giả gọi vào kiếm tôi để nhờ gửi tiền cho một phụ nữ bị chết đuối ở Quảng Bình. Tôi chẳng biết ất giáp gì, nhưng ngay sau đó thì hiểu ngay. Chả là anh Trúc nói trên đài qua cuốn băng thâu trước về hoàn cảnh của một người đàn bà vì lao ra sông chống chỏi với giòng nước lũ cuồn cuộn để cứu hai nữ sinh chới với sắp chìm. Hai nữ sinh sống sót, người thiệt mạng chính là tấm lòng quên mình giúp người này. Báo chí trong nước chụp tấm ảnh người chồng cùng 7 đứa con nheo nhóc, có đứa con phải bế trên tay, ngồi bên bờ sông đón cón đò đưa xác mẹ vào bờ. Anh Trúc nói anh nhờ tôi chuyển 300 cho gia đình người xấu số và kêu gọi mọi người cùng tiếp tay. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 ngày, số tiền do nhiều người đến cho tổng cộng lên đến gần 14 ngàn dollars. Tôi phải liên lạc với hai người bạn của Hội Quảng Bình sống ở Cali và nhân chuyến họ về thăm quê nhà cầm theo số tiền lớn nói trên đem về tận tay cho người chồng và 7 đứa con. Tôi còn cẩn thận dặn nhớ quay phim để khi hai anh trở lại Mỹ, tôi chiếu tại phòng sinh hoạt của đài để cho những người có tâm giúp đỡ biết tôi đã hoàn tất nhiệm vụ được ủy thác.
Anh Trúc là vậy đó. Anh có cái TÂM không ngần ngại dang tay giúp nhưng hoàn cảnh khốn khó. Và sở dĩ tiếng nói của anh được hưởng ứng vì nhiều người yêu mến cái TÀI của anh.
Nói về tài thì anh nhiều tài lắm. Anh viết và nói lưu loát cả Tiếng Mẹ Đẻ lẫn Anh Ngữ. Có người nghe anh nói tiếng Anh bèn nhận xét rằng, giá nhắm mắt thì có thể nhầm là một người Anh chính cống đang phát biểu. Thời còn làm phát ngôn viên Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, anh đã dùng ngoại ngữ đối đáp và tạo được sự nể trọng của giới ký giả nước ngoài.
Kiến thức của anh “cực” rộng trong nhiều lãnh vực, thậm chí anh biết rành rẽ cả những chi tiết về trang phục “trong” và “ngoài” của nữ giới. Có lần tôi đùa với anh, rằng đọc mục Thư Gửi Bạn Ta mà anh khởi đầu đăng hàng ngày trên báo Người Việt, khi anh viết về chính trị, anh rõ là một người “thông kim bác cổ”; còn khi anh viết về nữ giới, độc giả cứ ngỡ người viết phải là một phụ nữ lúc thì quý phái, lúc thì đanh đá chua ngoa, lúc thì nhu mì thục nữ. Tôi còn nhớ, có lần nhà văn Mai Thảo lúc sinh thời nói rằng, thú vui của tác giả “Mười Đêm Ngà Ngọc” là mỗi buổi sáng, từ căn hộ sau lưng quán Song Long, lững thững cuốc bộ ra xạp báo trên đường Bolsa mua tờ Người Việt và đọc ngấu nghiến bài mới của Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta.
Nhưng cũng phải nói, anh nhiều tài và cũng lắm TẬT nên bị không ít người ghét, vì anh không kiêng dè, không chấp nhận những giả trá hay thói rởm của người khác, nhất là khi liên quan đến ngôn ngữ. Không biết bao nhiêu lần, anh cay nghiệt nói như vỗ vào mặt người khác – ngay cả trên radio, trên mặt báo. Anh còn bị cả cánh đàn ông và các bà ghét vì anh …đào hoa quá. Thực tình chẳng ngoa, anh cũng gieo rắc buồn phiền cho nhiều người và anh biết điều đó chứ chẳng phải không. “Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần,” cụ Tiên Điền Nguyễn Du mấy trăm năm trước đã nói thế rồi cơ mà.
Nhớ năm 1985, cũng vào những ngày cuối tháng 12, anh đón tôi tại nhà một người bạn chung ở Virginia. Tôi vừa “chân ướt chân ráo” đến Mỹ, chưa cảm được những giây phút trầm uất của những người vẫn còn khát khao một ngày quay về cố hương như anh Trúc. Trên xe chở tôi về nhà anh, anh đưa cho tôi tấm ảnh chụp tại Trung Tâm Dân Vụ trên đường Tự Do Sài Gòn trước 1975. Trong hình, anh Trúc và tôi đứng cạnh nhau, anh cà vạt chỉnh tề, kính trắng trí thức, còn tôi thì mặt non choẹt áo quần học trò. Anh Bảo “tôi giữ tấm ảnh này 10 năm qua làm kỷ niệm về cậu, vì có tin nói cậu bị chúng nó bắt và chết trong tù.” Đêm tái ngộ anh Trúc, tôi cũng gặp lại một anh bạn vong niên mới chia tay nhau ở Sài Gòn 6 tháng trước khi tôi vượt biên: Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, tác giả “Kẻ Tà Đạo.” Căn nhà anh Trúc đêm đó ấm hẳn lên vì những chuyện xưa chuyện nay. Đột nhiên anh Trúc như chìm vào nỗi buồn riêng của mình. Anh giơ bàn tay trái có một vết sẹo nhỏ li ty khá dài đã mờ nhạt. Anh bảo, anh đang làm cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ V.O.A, công việc vững vàng, chưa một ngày biết cuộc sống khổ sở ra sao trong chế độ cộng sản, vậy mà có những lúc anh buồn đến độ đã cầm con dao cứa vào tay mình vì không thiết tha sống nữa, nhưng sau những phút trầm uất như thế, nghĩ đến nhiều bằng hữu đang thoi thóp vật vã bên trong các chấn song sắt nhà tù, anh thấy mình hành xử như thế là không đúng. Nên vẫn sống. Dù vẫn buồn chán.
Những khoảnh khắc buồn chán đó thỉnh thoảng tôi vẫn chợt bắt gặp nơi anh trong hơn 30 năm kể từ cái đêm mùa Đông Virginia năm nào.
Nhiều người nhìn Bùi Bảo Trúc trang phục đỏm dáng, cách ăn cách nói cách cười lúc nào cũng thể hiện một người hạnh phúc, thành đạt, nên có thể không thấy ẩn dấu đâu đó trong giọng cười là những góc khuất u trầm của anh. Một lần, chỉ có hai anh em, anh kể tôi nghe kỷ niệm một buổi chiều buồn ở Sài Gòn trước 1975. Anh bảo, cậu Thái nghĩ xem, tôi làm phát ngôn viên chính phủ, có vợ đẹp con ngoan, có nhà, có xe, có tài xế, có người giúp việc; vậy mà một hôm trên xe do tài xế chở về nhà, tôi nhìn thấy một người lính lái chiếc xe Honda cũ kỹ, phía yên sau, người phụ nữ ngả đầu vào vai anh và hai cánh tay ôm ngang hông chàng. Chao ôi sao họ hạnh phúc dường ấy và “tôi thèm cái hạnh phúc đó đến nỗi toi tóp hồn suốt cả đêm!”
Khoảng 2 tháng cuối đời của anh, đến thăm anh tại một nursing home trên đường Garden Grove, nhìn anh gầy yếu, giọng mệt hẳn, anh tâm sự dạo vài tháng gần đây, anh không ăn gì cả, luôn ngất ngưởng cơn say để rồi chìm vào giấc ngủ. Lần trở lại thăm anh, đột nhiên sức sống của anh bừng dậy, anh bảo sẽ tiếp tục chương trình phát thanh trên đài Little Saigon Radio và còn căn dặn tôi khi đặt bút viết điều gì nếu không hiểu cặn kẽ thì phải tra cứu vì chữ nghĩa không phải trò chơi đùa. Lời dặn thể hiện cá tính của anh khi ngồi vào bàn viết. Bài anh viết, từng câu, từng chữ, là sự chọn lựa, cân nhắc, ngay cả những từ ngữ dung tục, sỗ sàng anh mắng những người anh cho là bất xứng. Nhất là đối với chế độ đang cai trị tại quê nhà Việt Nam, anh chửi không tiếc lời bằng những ngôn ngữ thậm tệ. Ngay cả nói cũng thế, chẳng phải tự dưng lời vọt ra khỏi miệng mà anh không cân nhắc trước. Có lần, anh kể tôi nghe thời còn bé, anh gần như bị liệu lưỡi khi nói, nhưng anh cương quyết vượt qua trở ngại này bằng cách tập nói chậm từng câu một; và vì phải nói chậm nên anh có thì giờ chọn câu chữ. Thành ra, anh ít khi nào rút lại lời mắng ai. Hậu quả là anh gây thù và có lúc đã phải chuốc oán.
Bây giờ với anh, “Thị – phi, thành – bại, chuyển đầu không” yêu-thương-oán thù, quay đầu lại, tất cả không còn nữa. Anh đi rồi. Và chắc đang ngất ngưởng bù khú như bắp rang nơi nào đó với những người bạn thân thiết đã đi trước anh: Võ Phiến, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Ngọc Bích, Phạm Dương Hiển, Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Lê Thiệp, Ngô Vương Toại, Nguyễn Minh Diễm, Giang Hữu Tuyên…
Tôi sẽ nhớ đến anh với cách gọi thân tình “cậu Thái” kể từ ngày đầu quen anh ở Sài Gòn năm 1972.
Ðinh Quang Anh Thái

https://uyennguyen.net


Biết tôi là ai không???

Bùi Bảo Trúc  (Thư gửi Bạn ta)

Cho mãi đến mấy hôm trước, tôi mới tìm ra được câu trả lời cho một câu hỏi tôi bị hỏi từ hơn ba mươi lăm năm trước.
Một bữa đang ngồi trong quán cà phê ở Sàigon, thì tôi bị một người đàn ông gây sự và cuối cùng ông ta quăng ra cho tôi câu hỏi: “Ông biết tôi là ai không?”
Quả thật lúc ấy, tôi không biết ông ta là ai thật. Ông không phải là một tài tử, một nhà văn, hay một chính trị gia nổi tiếng để tôi phải biết. Tôi đành ngồi đó, chịu thua ông, không có câu trả lời.
Ít lâu sau, tôi được cho biết ông là đàn em của một quan chức lớn, và nhờ đó, ông thỉnh thoảng đem chút “hào quang” vay mượn được để hù dọa những người yếu bóng vía như tôi.
Sang đến Mỹ, thỉnh thoảng tôi cũng bị hỏi câu hỏi đó, mà đau cho những người đó, cả Mỹ lẫn Việt, tôi không bao giờ có câu trả lời cho câu hỏi đó của họ cả. Họ thì nghĩ tôi phải biết họ, mà thật tình, tôi thì không hề biết họ bao giờ. Và cứ mỗi lần bị những nhân vật như thế cật vấn, thì tôi chỉ biết ngẩn mặt ra, giả bộ lục lọi cái trí nhớ thảm hại của tôi để tìm câu trả lời cho người nổi tiếng nhưng vô danh và không ai thèm biết đó.
Mấy tháng trước, trong chuyến về lại Los Angeles, California , tôi phải ghé lại Newark, New Jersey để đổi máy bay. Phi cơ của tôi bị trễ hơn một tiếng. Hành khách có một số rất bực bội vì công việc bị xáo trộn do sự chậm trễ của máy bay gây ra.
Tại quầy bên cạnh cổng 112, một tiếp viên dưới đất của công ty đang cố giải quyết những yêu cầu, khiếu nại của khách hàng thì bỗng nhiên một hành khách có vẻ tức tối lắm, lấn lên phía trên, len qua mặt mấy người khác và ném tấm vé lên quầy.
Ông ta nói lớn rằng ông ta muốn được cho bay chuyến sớm nhất và phải xếp cho ông ta ngồi hạng nhất. Người tiếp viên trả lời rằng cô xin lỗi về những phiền nhiễu mà chuyến bay gây ra cho ông, nhưng cô cũng phải giải quyết những hành khách tới trước và hứa là sẽ giúp ông khi đến lượt ông.
Nhưng ông khách không bằng lòng, ông hỏi như hét vào mặt cô, rõ ràng là để cho các hành khách khác cũng nghe được. Ông hỏi đúng câu mà tôi cũng bị hỏi mấy lần :“Cô biết tôi là ai không ?” (Do you know who I am ?). Thì ra người Mỹ, trẻ và xinh như cô tiếp viên cũng bị hạch hỏi bằng câu đó chứ chẳng riêng gì tôi. Tôi liền cố lắng tai nghe xem cô tiếp viên ở quầy trả lời như thế nào để biết mà ứng phó sau này. Người phụ nữ này, vẫn tươi cười, cầm chiếc micro của hệ thống khuếch âm lên và nói lớn bằng giọng rành rẽ rằng: “Ở quầy 112, có một vị hành khách không biết mình là ai, quí hành khách ai có thể giúp ông ta biết được căn cước hay thân thế của ông, xin tới quầy 112.”
Ông khách tự nhiên, vì chính câu hỏi của ông, biến thành một bệnh nhân tâm thần, một người mắc Alzheimer, một người lãng trí, tâm lý, thần kinh thác loạn, lẫn lộn bản thể, không còn nhớ mình là ai, tên gì, ở đâu nữa. Và lúc ấy thì đám hành khách đang sốt ruột đứng trước quầy đều phá ra cười.
Ông khách điên tiết, chỉ mặt người tiếp viên ở quầy và bật ra một câu chửi thề tục tĩu: “Đ.M. mày” (F..k you).
Người phụ nữ ở quầy, không một chút giận dữ, bằng giọng bình thản, trả lời ông nguyên văn như thế này: “I’m sorry, sir, but you’ll have to stand in line for that, too”. (Thưa ông, chuyện đó - chuyện ông đòi giao hợp với tôi - ông cũng phải xếp hàng chờ đến lượt mới được.)
Chao ôi, hay biết là chừng nào! Thế mà tôi không nghĩ ra từ bao nhiêu năm nay để mà ấm ức không nguôi. Bây giờ, nếu người đàn ông ngày xưa ở Saigon hay dăm ba người khác đặt lại câu hỏi đó với tôi, thì tôi đã có ngay được câu trả lời học được của người tiếp viên phi hành ở phi trường Newark, New Jersey hai hôm trước.

Tác giả: Bùi Bảo Trúc
(Thư gửi Bạn ta)

 https://ongvove.wordpress.com


Đông Á bệnh phu

Bùi Bảo Trúc

Giữa thế kỷ 19 Trung Hoa dưới triều nhà Thanh đã trải qua hai cuộc chiến tranh với đế quốc Anh. Trận Nha Phiến Chiến Tranh thứ nhất diễn ra từ năm 1840 đến 1843 và trận thứ nhì từ 1856 đến 1860. Trong trận thứ nhì, Anh còn được Hoa Kỳ, Pháp và Nga trợ chiến. Triều đình Thanh thua nặng nên đã phải ký với Anh một số hiệp ước bất bình đẳng, phải nhường một số đất đai cho Anh, phải mở cửa khẩu cho các nước ngoài tiến vào buôn bán và phải chấp thuận nhiều đòi hỏi phi lý ngay trên đất nước Trung Hoa.

Nguyên do đưa tới hai cuộc binh biến này là vì Anh muốn đem nha phiến do công ty Đông Ấn của họ sản xuất để bán tại Trung Quốc kiếm lời. Nhưng việc đưa nha phiến vào cũng khiến cho đông đảo người Trung Hoa mắc vào vòng nghiện ngập. Triều đình nhà Thanh nhìn ra những nguy hiểm này của nha phiến nhưng cũng không làm được gì. Nếu tình trạng nghiện nha phiến kéo dài và lan rộng khắp trong nước thì người dân Trung Hoa sẽ trở thành một dân tộc bạc nhược, yếu hèn. Họa diệt vong nhất định sẽ tới với nước Trung Hoa.

Người Nhật nhìn ra điều đó và thấy ngay người Hoa đang trên đường trở thành một dân tộc bạc nhược, bệnh hoạn, ươn hèn. Các võ sĩ Nhật thách đấu với võ sĩ Trung Quốc và đã thắng lớn trong nhiều cuộc tỉ thí nên người Nhật càng tin là Trung Hoa đang trên đường hủy diệt. Điều này được nhắc lại trong cuốn phim nhan đề “Tinh Võ Môn.” Trong phim, võ đường của Hoắc Nguyên Giáp, một võ sư tìm cách dấy lên phong trào dùng võ thuật để lành mạnh hóa đất nước Trung Hoa, bị một võ đường của người Nhật ở Thượng Hải hạ nhục bằng cách tặng cho bốn chữ “Đông Á Bệnh Phu,” người bệnh của Đông Á châu. Một võ sinh thuộc võ đường Tinh Võ Môn là Trần Chân (do Lý Tiểu Long thủ diễn) đã đến tận võ đường Nhật bản quăng trả lại bức hoành phi có nội dung nhục mạ người Hoa đó.
“Đông Á Bệnh Phu” là chữ Hán. Các quốc gia Tây phương thì gọi nước Trung Hoa là “the sick man of Asia. Việc hạ nhục nước Trung Hoa như thế phần nào đã là nguyên do đưa tới cuộc nổi dậy phò Thanh diệt dương, đánh ngoại quốc giúp nhà Thanh, lôi kéo Trung Hoa vào những cuộc chiến khác.
Thực ra người Anh khi đưa nha phiến vào Trung Hoa là chỉ cốt làm tiền chứ cũng không nghĩ tới việc làm suy yếu đất nước và dân tộc Trung Hoa. Nhưng nha phiến thì lại tạo ra một thảm họa khác cho nước Trung Hoa. Chuyện nghiện ngập tạo ra những tác hại về sức khỏe, cho thể lực và tinh thần, ý chí của người dân Trung Hoa chỉ là cái phó sản của nha phiến. Người Anh khi đi chiếm thuộc địa thì cũng độc ác lắm nhưng trong trường hợp đưa nha phiến vào Trung Hoa thì họ không có chủ đích độc địa là muốn biến nước này thành một quốc gia có những người dân bệnh hoạn, bạc nhược cả thể xác lẫn tinh thần.
Tuy thế, nếu nha phiến đưa tới những hậu quả như thế thì cũng... chẳng sao.
Ngày nay những “bệnh phu,” những người bệnh ở Đông Á đang thấy dần dần xuất hiện.
Lần này, người Anh không phải là thủ phạm tạo ra những người bệnh này. Thế giới đã trải qua nhiều thay đổi. Thế giới không còn nước nào có những hành xử độc ác như cố tình gây ra những tai họa khủng khiếp cho những dân tộc, những quốc gia như hồi thế kỷ thứ 19 nữa.
Thì chúng ta vẫn tin tưởng như thế. Nhưng sự thực không đúng như vậy. Nếu chúng ta nhìn vào Việt Nam thì sẽ thấy ngay là người Việt đang trở thành những “Đông Á Bệnh Phu” của thế kỷ 21. Thủ phạm tìm cách biến người Việt thành “Đông Á Bệnh Phu” mới này là nước láng giềng với chủ trương đối với Việt Nam bằng 16 chữ vàng 4 chữ tốt, dựa trên tình đồng chí anh em, môi hở răng lạnh... Trung Quốc đang làm tất cả những gì làm được để đẩy Việt Nam vào tình trạng diệt vong. Các “Đông Á Bệnh Phu” mới này sẽ lôi đất nước và dân tộc đến chỗ hủy diệt trong một thời gian rất ngắn. Vào năm 2020, con số người Việt mắc bệnh ung thư sẽ là con số cao nhất thế giới.
Trung Quốc đang làm mọi việc để đưa tới thảm họa đó. Trung Quốc đầu độc người Việt bằng các sản phẩm mà họ bán sang Việt Nam và tràn ngập Việt Nam bằng các loại hàng hóa gây ung thư và nhiều thứ bệnh nan y khác cho người tiêu thụ Việt Nam, cho đó là những loại quần áo, đồ chơi trẻ em hay những nịt vú của phụ nữ... Tại sao những hàng hóa do Trung Quốc bán sang Việt Nam đều chứa những độc chất gây ung thư cho người dùng thì không ai có thể hiểu được. Gần như tất cả các sản phẩm Trung Quốc bán sang Việt Nam đều có các chất gây các bệnh độc địa mà nhiều nhất là bệnh ung thư.
Các loại thực phẩm mà Trung Quốc bán sang Việt Nam cũng chứa các độc chất gây ung thư. Từ trái cây đến các loại thịt đều được tẩm ướp các hóa chất mà quốc tế đã cấm dùng trong kỹ nghệ chế biến thực phẩm đều được Trung Quốc đưa sang Việt Nam. Những loại hàng không nhập cảng từ Trung Quốc và được sản xuất ở Việt Nam thì đều dùng các loại hóa chất sản xuất tại Trung Quốc bán đầy ở Việt Nam để chế biến, giữ cho tươi, không bị hư hỏng. Tất cả đều là những hóa chất độc hại có thể tạo hậu quả nguy hiểm cho người tiêu thụ Việt Nam. Luôn cả các thuốc Tây y cũng như các loại dược thảo do họ bán sang Việt Nam cũng có những tác hại nguy hiểm cho người dùng vì có thể là sản phẩm giả mạo hay cố tình bào chế bằng các loại chất độc. Tại một số thành phố, ngay cả Hà Nội và Sài Gòn cũng có các y sĩ giả Trung Quốc mở phòng mạch chữa bệnh “chui” cho bệnh nhân người Việt và kết quả ra sao thì ai cũng có thể đoán được.
Trung Quốc còn tung ra những hoạt động khác để giết cho bằng được dân tộc Việt Nam, trong đủ mọi lãnh vực nông nghiệp, kinh tế, xã hội...
Những trò thu mua chân bò, chân trâu, lông đuôi voi, ốc bươu vàng, đỉa... hay đặt mua hột điều, dưa hấu, thịt heo... rồi thình lình không mua nữa làm cho nông dân điêu đứng sống dở chết dở. Kỹ nghệ sản xuất cà phê của Việt Nam đang bị đe dọa trầm trọng vì một số khu vực trồng cà phê đang bị dẹp để trồng các loại cây khác qua kế hoạch độc hại của bọn thương lái Trung Quốc. Đó là trên cạn, trên đất liền còn ở ngoài biển thì tầu đánh cá của ngư dân Việt bị tầu Trung Quốc tấn công, cấm đánh cá ngay trong hải phận Việt Nam. Gần đây hơn là việc nhà máy thép Formosa thả độc chất xuống biển khiến cá chết ở khắp 4 tỉnh miền Trung. Đó là chưa kể những tàn phá tạo ra cho môi trường sống ở cao nguyên và nhiều nơi khác của Việt Nam. Và luôn cả vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang bị bức tử vì những đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong do Trung Quốc xây dựng. Nhiều diện tích trồng lúa và cây trái của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng. Sản lượng lúa gạo sẽ giảm sút nặng.
Đất đai bị mất vào tay Trung Quốc bằng nhiều cách như ngụy trang bằng những bề ngoài hợp pháp hay bất hợp pháp. Nhiều khu vực chiến lược đã bị bán cho Trung Quốc. Người Hoa có mặt khắp nơi ở Việt Nam. Những khu phố Tầu mọc lên ở nhiều tỉnh, các bảng hiệu toàn viết bằng chữ Tầu, nhiều cơ sở thương mại không tiếp người Việt, chỉ nhận nhân dân tệ. Một vài nơi đã trở thành những tô giới hay nhượng địa tuy chưa chính thức trên giấy tờ. Những nơi ấy người Việt bị cấm ra vào. Cảnh sát cũng không được phép xâm nhập.
Người Việt đang trở thành những “Đông Á Bệnh Phu” mới về đủ mọi mặt cả về sức khỏe cũng như đời sống kinh tế. Nhưng khác với “Đông Á Bệnh Phu” ở Trung Hoa thời thế kỷ 19, các “Đông Á Bệnh Phu” ở Việt Nam đang được sự tiếp tay của chính nhà nước Việt Nam. Nhà nước không làm bất cứ gì để ngăn chặn các việc làm giết người Việt của Trung Quốc, để mặc và khuyến khích, tiếp tay với Trung Quốc kệ cho người Việt trở hành “Đông Á Bệnh Phu” của thế kỷ 21.
Khốn nạn vô cùng!

Bùi Bảo Trúc

 

Đăng ngày 07 tháng 01.2017