THÔNG ĐIỆP CỦA KEN BURNS VÀ LYNN NOVICK

QUA 10 ĐOẠN PHIM VỀ “CHIẾN TRANH VIỆT NAM”

Liên Thành & Nguyễn Văn Thái

Bài viết này có mục đích tìm hiểu thông điệp của hai nhà đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick qua 10 đoạn phim về Chiến Tranh Việt Nam được trình chiếu trên đài PBS trong hai tuần vừa qua, nhưng không đi vào chi tiết của những đoạn phim mà chỉ đưa ra một cái nhìn tổng thể để phân tách cấu trúc chiều sâu của bộ phim. Sau phần tìm hiểu thông điệp là phản biện lập luận của hai nhà đạo diễn này.
Cuốn phim 10 đoạn này bao gồm một số lượng rất lớn tài liệu về chiến tranh Việt Nam được đúc kết và dàn dựng theo một cấu trúc nhằm đánh nổi hai tiền đề: sự phi lý và tính vô luân của cuộc chiến. Hai tiền đề này là nền tảng luận lý cho những những mục đích sau đây:

  1. Công nhận và thông cảm sự tủi nhục và niềm đau của những cựu chiến binh Hoa Kỳ và gia đình của họ.
  2. Đưa ra quan điểm là người Mỹ đã chọn lầm phe để đánh giặc.
  3. Kết án chính quyền Mỹ đã thực hiện một chính sách hoàn toàn sai lầm về cuộc chiến Việt Nam đưa đến những hệ quả đau thương cho nhân dân của cả hai nước, Mỹ và Việt Nam.
  4. Sau cùng là biện luận cho một chính sách hoà hợp hoà giải vì sau những đau thương đó, người từ hai chiến tuyến đã nhận chân ra được là ai ai cũng đầy ắp tình người.

Hai tiền đề và bốn mục đích nêu trên chính yếu chỉ được gửi đến cho khán thính giả người Mỹ.
Tiếp theo sau đây, tác giả bài viết khai triển những tiền đề và mục đích nêu lên để làm sáng tỏ thông điệp của hai nhà đạo diễn.

Về khán thính giả
Khoảng 90% những cảnh dàn dựng trong 10 đoạn phim đều nói về người Mỹ. Đất nước Việt Nam, chính quyền miền Nam, cũng như quân đội miền Nam chỉ được dùng như một hậu cảnh. Hầu như tất cả những luận điểm trình bày đều nhắm đến người Mỹ.

Về hai tiền đề, phi lý và vô luân, của cuộc chiến tranh
Cuộc chiến tranh việt Nam được minh chứng như là một hiện tượng phi lý vì:
Đất nước Việt Nam cách xa nước Mỹ cả 10,000 dặm. Người dân Việt Nam chỉ muốn sống yên ổn, không động chạm đến quyền lợi của nước Mỹ. Vậy thì hà cớ gì nước Mỹ lại đưa quân vào xâm chiếm Việt Nam và giết hại người Việt Nam; người lính Mỹ không biết tại sao họ đánh giặc và đánh giặc với mục đích gì trong lúc họ đổ máu cho miền Nam Việt Nam thì chính quyền miền Nam thối nát, tham nhũng; quân lính miền Nam thì hèn nhát, bất lực, không có khả năng đánh giặc;
Trong lúc người lính Mỹ chết cho miền Nam Việt Nam thì người Mỹ phục vụ tại miền Nam Việt Nam đều cảm nhận là tất cả mọi người Việt Nam, Bắc cũng như Nam Việt Nam, đều ghét bỏ người Mỹ;
Trong khi không ai cắt nghĩa được lý do người Mỹ phải chiến đấu ở việt Nam, thì điều phi lý là cuộc chiến đã giết đi hơn 58,000 người Mỹ và khoảng 3,000,000 người Việt, chưa kể không biết bao nhiêu người tàn phế, thương tật cả thể xác lẫn tâm thần cùng ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đối với các gia đình của họ.

Cuộc chiến tranh Việt Nam vô luân vì:
Chính quyền Mỹ đã lừa dối nhân dân Mỹ về sự thật của cuộc chiến. Một vài ví dụ điển hình là tổng thống Johnson đưa quân vào Việt Nam mà không cho dân Mỹ biết; Nixon ra lệnh thả bom tại Cao Mên cũng không cho dân Mỹ biết; Nixon tuyên bố với nhân dân Mỹ trận Hạ Lào là một thành công của kế hoạch Việt Nam hoá chỉ với mục đích để thắng cử trong lúc thực sự trận chiến Hạ Lào là một thất bại nặng nề; Nixon hứa sẽ can thiệp nếu Bắc Việt tiến chiếm miền Nam, v.v…
Cấp tướng, tá Mỹ đã nói láo và lừa dối chính quyền Mỹ. Ví dụ sĩ quan cao cấp nhìn thấy vụ Mỹ Lai nhưng tảng lờ không báo cáo; các tướng chỉ huy các trận chiến ở Việt Nam phúc trình sai lạc về kết quả của các trận đánh.
Quân lính Mỹ ăn cắp đồ tiếp viện cho quân đội Mỹ đem ra bán tràn ngập thị trường miền Nam tạo nên một sự phồn thịnh giả tạo tại các thành thị thúc đẩy gái quê về thành phố làm gái giang hồ.
Cuộc chiến tranh, ngoài việc giết đi – không có lý do chính đáng -- trên 58,000 quân nhân Hoa Kỳ và khoảng 3,000,000 lính Việt Nam, kể cả Nam và Bắc, và không biết bao nhiêu là thường dân vô tội bao gồm cả đàn bà lẫn con nít, nhất là ở những vùng gọi là “vùng hoả lực tự do” (free fire zones), để tính vào con số thống kê như là những thành công về quân sự. Những hình ảnh quân nhân Hoa kỳ chết được bỏ vào bao (body bags) la liệt; những cảnh banh thây, cụt tay, mất chân của quân nhân Mỹ đầy dẫy. Xác lính cộng sản miền Bắc lẫn lộn với xác dân phơi tràn đầy chiến trường, chất thành đống như súc vật. Nhất là cảnh thảm sát ở Mỹ Lai được trình chiếu nhiều lần. Ngoài những người đã chết, còn hằng hà sa số những thương binh tàn phế, thương tật còn chịu ảnh hưởng tác hại về tâm thần cũng như tác hại tiêu cực đối với gia đình họ. Cái vô luân là ở chỗ tất cả những tang thương đó đều không có cơ sở để biện minh.

Mục đích của việc nêu lên sự phi lý và vô luân của cuộc chiến là để:
Công nhận và thông cảm niềm đau của quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh một cách vô ích trong cuộc chiến. Đa số những thanh niên Mỹ nhập ngũ – theo sự trình bày của bộ phim -- là người da đen hoặc những thành phần thuộc những gia đình nghèo. Họ không hiểu được lý do tại sao họ phải đánh giặc ở Việt Nam. Họ chỉ biết đau khổ và rơi nước mắt khi người bạn của họ đang ăn uống, nô đùa với họ hằng ngày bỗng nhiên phải chết đi một cách đột ngột. Và câu chuyện này cứ liên tục xảy ra mỗi ngày, ngày này qua ngày khác suốt 13 tháng phục vụ của họ. Gia đình của họ theo dõi cuộc chiến từng ngày, nơm nớp lo sợ người đưa tin xấu. Những binh sĩ trở về có nhiều người mang thương tật thể xác cũng như tâm thần như là những hội chứng hậu chiến tranh mà phải âm thầm chịu đựng vì lúc đó nhân dân Hoa Kỳ, cũng không thấy lý do chính đáng cho cuộc chiến, đã chống chiến tranh và gọi họ là những tội phạm chiến tranh chuyên giết trẻ con (baby killers). Ngay những sĩ quan vừa tốt nghiệp, mặc dù hăng say xung phong tham chiến ở Việt Nam vì họ nghĩ là họ phục vụ quốc gia họ, nhưng họ cũng không hiểu rõ lý do tại sao họ phải tham chiến ở Việt Nam. Nhiều người đã thất vọng và trở nên phản chiến vì cảnh chết chóc tàn bạo mà họ đã tận mắt chứng kiến. Những hình ảnh tang thương được trình bày trong bộ phim cũng như những phát biểu đầy xúc động của những người được phỏng vấn đã tạo được một sự thông cảm sâu xa đối với những quân nhân này. Mục đích của những đoạn phim là giải toả sự ấm ức của họ qua dòng nước mắt thông cảm tình tự.
Tiếp đến là để đưa vào tiềm thức khán thính giả việc bỏ rơi miền Nam là một việc làm đúng đắn, hợp lý, và có đạo đức, không có gì phải mang mặc cảm tội lỗi như một số người đã từng suy nghĩ. Biện luận cho quan điểm thầm kín này là nước Mỹ đã chọn lầm phe để đánh giặc. Quan điểm này có nghĩa là lẽ ra nước Mỹ phải chọn miền Bắc làm đồng minh của mình và cũng hiểu ngầm là chính quyền và nhân dân miền Nam phải là kẻ thù của người Mỹ mới đúng. Những đoạn phim đều tản mạn ý tưởng miền Bắc thực sự đã đấu tranh cho một lý tưởng; lính miền Bắc kiên trì, can đảm, có kỷ luật. Còn lính miền Nam thì hèn nhát, bất lực, không có khả năng chiến đấu và chính quyền thì tham nhũng, thối nát.
Chứng minh là nhân dân Hoa Kỳ bao gồm cả khoảng 2 triệu quân nhân đã từng luân phiên tham chiến ở Việt Nam chỉ là những nạn nhân vô tội, là những con dê tế thần của chính sách vô nhân đạo của chính quyền Mỹ đã lừa dối, gạt gẫm người dân Hoa Kỳ để thoả mãn những quyền lợi kinh tế và chính trị của tập đoàn lãnh đạo. Giới tài phiệt làm giàu vì cung cấp quân nhu, quân dụng, võ khí, đạn dược, xe tăng, máy bay, dầu và những tiện nghi khác cho quân đội Hoa Kỳ. Hãy tưởng tượng chỉ những vật dụng đánh cắp từ các kho hàng quân đội cũng đủ tràn ngập thị trường miền Nam. Các chính trị gia thì đưa ra những chính sách chỉ nhằm mục đích đắc cử, một mục đích quan trọng hơn cả sinh mệnh của toàn dân miền Nam.
Chứng minh giá trị của tình người sau khi cuộc chiến tranh được gọi là phi lý và vô luân đã chấm dứt. Cảnh thanh bình ở Việt Nam được trình chiếu. Những cựu chiến binh Hoa Kỳ trở lại Việt Nam gặp những cựu chiến binh CSVN và cả hai bên đều ý hội được là cuộc chiến thật là phi lý; ý hội được là dù là người Mỹ hay người Việt Nam cộng sản đều cũng có dòng máu chảy trong người, đều có trái tim, đều biết khóc nức nở cho những người bạn đã nằm xuống. Họ đã ôm nhau trong một niềm thông cảm đầy ắp tình người mặc dù họ không hiểu tiếng của nhau và thực ra, họ không cần phải nói một lời nào cả. Đỉnh điểm của toàn bộ 10 đoạn phim là một lời kêu gọi, “Tha Thứ và Hoà Hợp Hoà Giải” [Forgiveness and Reconciliation].

PHẢN BiệN NHỮNG ĐỀ CƯƠNG CỦA 10 ĐOẠN PHIM “CHIẾN TRANH ViệT NAM” CỦA KEN BURNS VÀ LYNN NOVICK
Trước tiên, xin đề cập sơ qua đến việc hai nhà đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick chỉ nhắm đến khán thính giả người Mỹ suốt toàn bộ phim 10 đoạn được trình chiếu trong 18 tiếng đồng hồ trên đài truyền hình PBS. Nhân dân, quân đội, và chính quyền miền Nam chỉ được dùng như một hậu cảnh với một số thời giờ rất giới hạn. Và khi cuốn phim nói đến nhân dân, quân đội, và chính quyền miền Nam, người ta chỉ nghe thấy phần lớn là những điều tiêu cực đáng ghét. Thái độ này không những vừa chối bỏ sự thật vừa nhục mạ nhân dân, quân đội, và chính quyền miền Nam đã cùng chung vai thích cánh chiến đấu bên cạnh những quân nhân Hoa Kỳ, vừa nhục mạ hơn 1 triệu rưỡi người miền Nam đã liều mạng sống vượt biên, vượt biển để tránh sự hà khắc, gian ác của chế độ độc tài cộng sản. Đa số những người này đã định cư tại Hoa Kỳ và đang đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia Hoa Kỳ trong mọi lãnh vực, khoa học, y tế, giáo dục, kinh tế, chính trị, và quân sự. Đã có rất nhiều tướng, tá người Mỹ gốc Việt trong quân đội Hoa Kỳ. Nhiều khoa học gia đóng góp đáng kể trong lãnh vực quân sự như khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, trong các chương trình không gian NASA như khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh và rất nhiều người khác nữa.
Sau đây là phần phản biện về hai tiền đề then chốt của bộ phim.

Lý do người Mỹ tham chiến ở Việt Nam
Có phải người Mỹ tham chiến ở việt Nam là phi lý vì không có lý do chính đáng cho cuộc chiến hay không?
Thưa không phải. Trên mặt chính thức, chính quyền Mỹ sau Đại Chiến II sợ rằng Cộng Sản quốc tế dưới sự lãnh đạo của Nga và Tàu một khi đã xâm chiếm được Việt Nam thì sẽ tiến dần xuống toàn cõi Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Lào, Kampuchia, Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Indosesia, v.v…và có thể lan tràn xuống cả Tân Tây Lan, Úc theo lý thuyết domino. Và như thế cộng sản quốc tế sẽ thắng phe tự do về ảnh hưởng địa chính cũng như quyền lợi kinh tế của Mỹ liên hệ đến giao thương ở Thái Bình Dương. Đó là chưa nói đến giả thuyết về sự cấu kết giữa quân sự và kỹ nghệ (Military-Industrial Complex) với mục đích làm giàu cho giới tài phiệt bằng cách cung cấp quân nhu, quân dụng, võ khí, đạn dược, dầu xăng, xe tăng, máy bay cũng như những tiện nghi khác phục vụ cho hơn 2 triệu quân nhân Mỹ luân phiên tham chiến ở việt Nam. Những lý do này có chính đáng hay không là vấn đề của người Mỹ. Trong thế giới tự do tư bản ngày nay, thực tế cho biết là nước Mỹ không tham chiến vì mục đích lý tưởng hay vì đồng minh mà chỉ vì quyền lợi của nước Mỹ mà thôi. Nhưng quyền lợi của nước Mỹ là lý do người Mỹ chiến đấu ở Việt Nam. Do đó, với bất cứ giá nào, chính quyền Mỹ cũng phải quyết định tham chiến. Quân nhân và sĩ quan Mỹ không biết được lý do tham chiến là vì, hoặc huấn luyện quân sự của Mỹ không có phần huấn luyện chính trị hoặc chính quyền Mỹ không muốn cho họ biết lý do. Cũng có thể là người lính Hoa Kỳ biết rõ lý tưởng cao đẹp là họ bảo vệ tự do cho nhân dân miền Nam, nhưng kỹ thuật dàn dựng bộ phim đã biến họ thành những tác nhân vô ý thức. Không có gì chứng minh là quân nhân Hoa Kỳ không biết lý do cao đẹp bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam. Nếu họ không biết thì tại sao các cựu quân nhân Hoa Kỳ chiến đấu tại Việt Nam cho đến ngày hôm nay vẫn hãnh diện mang nhãn hiệu của lá cờ Việt Nam Cộng Hoà. Còn nhân dân miền Nam Việt Nam thì hiểu rất rõ tại sao họ phải chiến đấu; họ chiến đấu là vì họ hiểu được sự độc tài, gian ác của cộng sản và họ muốn bảo vệ tự do của họ. Họ không muốn người cộng sản áp đặt lên họ một chính sách tàn ác, vô nhân đạo. Hơn 1,000,000 người dân miền Bắc đã chạy trốn chế độ cộng sản khắc nghiệt và di cư vào miền Nam năm 1954 là một bằng chứng cụ thể chứng minh điều này. Và người dân miền Nam Việt Nam tin tưởng là nước Mỹ giúp miền Nam Việt Nam bảo vệ lý tưởng tự do cao đẹp đó. Nếu người Mỹ và cựu quân nhân Hoa Kỳ chiến đấu tại Việt Nam cũng đồng ý với quan điểm này và thành tâm bảo vệ quan điểm đó thì việc tham chiến của quân đội Hoa Kỳ thực sự đã có một lý do thật chính đáng, chứ không phải là phi lý.

Cuộc chiến Viêt Nam có mang tính vô luân hay không?
Trên thực tế, không có cuộc chiến tranh nào là hợp đạo đức cả nếu chỉ nhìn bề mặt đau thương của sự giết chóc. Trong lịch sử của 11 cuộc Thánh chiến chính có mục đích là bảo vệ đất thánh, nhưng bảo vệ đất thánh chỉ là một chiêu bài. Thực tế cho biết những vị lãnh đạo những cuộc Thánh chiến đa phần là những hoàng tử không có quyền thừa kế nên đã tham gia cuộc chiến với mục đích cướp của để làm giàu và xâm phạm tiết hạnh phụ nữ. Hiện tại, jihadism cũng nhân danh Allah để tàn diệt kẻ tà đạo (infidel) mà theo tiêu chuẩn của họ là hợp đạo lý. Hãy thử thẩm định lại tính đạo đức của những cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq, Lybia, Syria: Bao nhiêu người bao gồm cả những người dân vô tội, đàn bà, con nít, đã chết đi mà không hề biết tại sao mình phải chết. Họ đã chết cũng vì các cường quốc tranh giành ảnh hưởng địa chính và quyền lợi chính trị và kinh tế của giai cấp thống trị.
Đồng ý là cuộc chiến Việt Nam đã gây thiệt hại nhiều nhân mạng của quân nhân Hoa Kỳ và Việt Nam, bao gồm cả những người lính miền Bắc cũng như trong Nam và vô số thường dân vô tội, cũng như bất cứ cuộc chiến tranh nào khác.
Tranh ảnh về chiến tranh thường gây xúc động mạnh. Trong cuộc chiến Việt Nam, có lẽ bức hình tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn Nguyễn Văn Lém, tự Bảy Lốp, do Eddie Adams chụp đã gây chấn động và bất mãn nhất trên thế giới. Ác nghiệt thay là một bức hình thường không nói hết câu chuyện. Thực ra, lý do làm tướng Loan bắn Bảy Lốp là vì ngay tối hôm trước y đã giết một sĩ quan cảnh sát cùng vợ và 3 đứa con nhỏ của ông ấy mà sáng hôm sau chính tướng Loan đã tận mắt chứng kiến cảnh chết chóc thảm thương này và Bảy Lốp còn tuyên bố là rất hãnh diện đã làm chuyện đó. Theo Điều 4 của Thoả Ước Genève 1949 thì hành động hành quyết của tướng Loan hợp pháp vì Bảy Lốp không mang quân phục, không mang một nhãn hiệu nào minh chứng mình là quân đội mà đã tàn sát sĩ quan VNCH và thường dân vô tội thì quân luật cho phép trừng trị, bao gồm cả hành quyết (summary execution) như tướng Loan đã làm. Chính Eddie Adams cũng đã xin lỗi tướng Loan tại Washington, D.C. và trở thành một người bạn thân của tướng Loan.
Nói về lý do của cuộc chiến tranh thì lý do chiến đấu của nhân dân miền Nam thật là chính đáng và bất khả cưỡng vì đó là một cuộc chiến tự vệ. Người miền Nam việt Nam tin tưởng là chính quyền Mỹ và nhân dân Mỹ cũng cùng có một lập trường như nhân dân miền Nam trong quan điểm lý tưởng cao đẹp là bảo vệ tự do. Nhân dân miền Nam chỉ chống lại sự xâm lăng của chính quyền cộng sản độc tài muốn áp đặt một thể chế kinh tế và chính trị võ đoán và ác độc. Họ không có ý đồ xâm lăng miền Bắc như chính quyền miền Bắc đã thực sự xâm lăng và cưỡng chiếm miền Nam. Họ chỉ muốn bảo vệ cuộc sống hài hoà và sự tự do của họ và họ tin tưởng là đồng minh Hoa Kỳ cũng giúp đỡ họ bảo vệ sự tự do này. Chiến đấu để bảo vệ tự do là chiến đấu để bảo vệ quyền sống, quyền con người. Không thể không chiến đấu trong trường hợp này được vì không chiến đấu là tự huỷ, và cuộc chiến đấu hoàn toàn thuận với đạo lý, không thể là vô luân được.

Bàn về mục đích do Ken Burns và Lynn Novick đề ra
Bẻ gãy hai tiền đề, sự phi lý và vô luân của cuộc chiến tranh, là đánh đổ nền tảng luận lý của bốn mục đích mà Ken Burns và Lynn Novick đã đề ra vì những mục đích đề ra chỉ là những hệ luận của hai tiền đề phi lý và vô luân.
Tuy nhiên để làm sáng tỏ vấn đề, về mục đích thứ nhất thì thực ra không cần ai phải lặp lại sự tủi nhục của cựu quân nhân Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam cũng như không cần ai phải nêu lên sự thông cảm đối với họ. Bao nhiêu là sách vở và tài liệu của các học giả hiện nay cũng như của chính những cựu quân nhân Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam đã rửa sạch mối nhục đó, đã hàn gắn những vết thương tinh thần của họ, và đã biến họ từ mặc cảm của những tội phạm chiến tranh thành những anh hùng đầy kiêu hãnh.
Mục đích điều hướng tư duy của người Mỹ vào việc chấp nhận lập trường cho rằng người Mỹ đã chọn lầm phe để đánh giặc là một mục đích chứng tỏ sự thiếu sức mạnh trí tuệ của người đề ra trong tiến trình suy tư. Lý do nêu ra cho lập trường này là (1) người lính miền Bắc Việt Nam chiến đấu vì lý tưởng yêu nước, kiên trì, can đảm, và có kỷ luật còn người lính miền Nam thì hèn nhát, không có khả năng chiến đấu, (2) tại miền Bắc Hồ chí Minh là người tài giỏi có lý tưởng yêu nước trong lúc lãnh đạo miền Nam tham nhũng, thối nát, và (3) tất cả người Việt bao gồm cả người miền Nam đều ghét người Mỹ. Do đó, quan điểm của phim Chiến Tranh Việt Nam là người Mỹ đã chọn lầm phe. Quan điểm này đưa đến loại suy tất yếu như sau: (1) CS miền Bắc lẽ ra phải là đồng Minh của Mỹ và (2) hệ luận tất nhiên là nhân dân cũng như chính quyền miền Nam phải là kẻ thù của người Mỹ.

Lập trường này chứng tỏ sự thiếu sức mạnh trí tuệ ở chỗ Ken Burns và Lynn Novick không hiểu được chính sách tuyên truyền với mục đích ngu dân (obscurantism) của chế độ miền Bắc. Người miền Bắc phát biểu đầy tính lý tưởng bởi vì họ được nhồi sọ như vậy. Họ được nhồi sọ một cách dối trá là Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam, người Mỹ là những quái vật ăn thịt người và hãm hiếp phụ nữ, người lính miền Nam Việt Nam chỉ là những người lính đánh thuê. Do đó họ được nhồi sọ là phải giải phóng người dân miền Nam. Thực tế cho thấy là khi chạm trán với lực lượng Mỹ và quân đội miền Nam, người lính cộng sản rất khiếp sợ, nhưng liều mạng xung phong là con đường sống duy nhất đối với họ. Ken Burns và Lynn Novick không biết là trong cuộc tổng tấn công Mậu thân Huế những thanh niên cộng sản đã xử bắn trên 200 người dân vô tội tại một trường tiểu học ở Gia Hội rồi vùi dập họ trong những hố do chính những nạn nhân đào cho mình. Ngay sau đó, những thanh niên này tự nhiên, vui vẻ cùng nhau đá cầu như không có chuyện gì xảy ra. Trong cuộc chiến mùa hè đỏ lửa, CSVN đã tàn ác xích chân cứ 4, 5 đứa trẻ con từ 14 đến 16 tuổi vào một ổ súng máy để chúng không có cơ hội chạy thoát vì sợ, khi lâm chiến. Khi vào miền Nam người cộng sãn đã thấy rõ là chính quyền cộng sản đã dối gạt họ: người miền Nam tự do và giàu có hơn người miền Bắc rất xa. Nhưng họ không đối kháng được, ngoại trừ những trường họp lẻ tẻ, vì họ đã bị điều kiện hoá để không thoát được cảnh áp bức thương đau (unavoidance conditioning) trong một thời gian rất lâu.

Về việc khả năng chiến đấu của người lính CH miền Nam cũng được đánh giá sai lạc. Toàn bộ cuốn phim chỉ mô tả cảnh người Mỹ đánh giặc và hiểu ngầm là lính miền Nam không đánh giặc vì hèn nhát và không có khả năng. Vậy tại sao bỗng nhiên lính Việt Nam Cộng Hoà lại chống giữ được miền Nam từ 1969 đến 1975 sau khi Mỹ đã rút lui hơn 60% toàn bộ quân lính năm 1969. Tại sao họ có thể đẩy lui được địch quân trong cuộc cuộc tổng tấn công quy ước trên toàn lãnh thổ miền Nam năm 1972, mặc dù người Mỹ cho rằng nếu không có sự hỗ trợ không lực của Mỹ thì miền Nam sẽ thua? Vậy tại sao tại Ấp Bắc, Bình Giả, Ia Drang, Dak Tô, oanh tạc của Mỹ cũng dữ dội mà lính Mỹ vẫn thua trong lúc quân đội Việt Nam lại đẩy lui được cuộc tổng tấn công trên toàn cõi miền Nam và tái chiếm được tiền đồn Quảng Trị? Tại sao bỗng nhiên lại có vụ tử thủ của anh hùng Lê Văn Hưng tại An Lộc? Tại sao miền Nam vẫn trụ được mãi cho đến tháng 4-75 sau khi Mỹ đã rút toàn bộ quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam năm 1973 và quân đội VNCH hoàn toàn thiếu đạn dược, xăng nhớt trong lúc miền Bắc được 350,000 quân Tàu chống lưng cùng với vô số vũ khí đạn dược tối tân được tiếp viện từ Trung cộng và Nga? Tại sao trong tình trạng đó lại vẫn có tướng anh hùng Lê Minh Đảo tử thủ Xuân Lộc trong những ngày cuối của tháng 4-75? Tại sao quân đội miền Nam Việt Nam hèn nhát, bất lực, không có khả năng chiến đấu mà tướng H. Norman Schwarzkopf, vị chỉ huy anh hùng trong chiến trận Iraq khi còn làm cố vấn quân sự cho Quân Đoàn I của VNCH, đã từng tuyên bố tướng Ngô Quang Trưởng là bực thầy của ông. Không có một lý do nào cắt nghĩa được một quân đội yếu, hèn nhát, bất lực, thiếu khả năng lại trở nên anh dũng trong một thời gian chớp nhoáng như thế.

Quan điểm cho rằng Hồ Chí Minh trước tiên là một người quốc gia yêu nước; thứ đến mới là một người cộng sản. Thực tế là nhan nhãn tài liệu ngày nay đã chứng minh rõ ràng Hồ Chí Minh là một đệ tử trung thành của Đệ Tam Quốc Tế với một tư cách bỉ ổi đối với phụ nữ, và tàn ác đối với nhân dân, đặc biệt trong vụ cải cách ruộng đất, nhất là vụ đấu tố và xử tử bà Năm, người đã từng hỗ trợ, cúng vàng, nuôi cơm lãnh đạo Việt Minh gồm có cả Hồ Chí Minh. Thế mà khi xử bà Năm, Hồ Chí Minh, theo Trần Đĩnh, đã che râu đi xem đấu tố, rồi về viết bài “Địa chủ ác ghê!”.

Còn nếu đặt vấn đề chính phủ miền Nam Việt Nam thối nát, tham nhũng. Thử hỏi, có chính phủ nào trên thế giới không có tham nhũng, kể từ thời đế quốc La Mã cho đến ngày nay? Nhìn lại chính phủ Mỹ của ngày hôm nay, người ta cũng không thể không công nhận thực tế này. Điểm chính là vấn đề mức độ. Dù chính thể miền Nam Việt Nam có tham nhũng, nhưng cũng không có ai thấy hay biết được nhiều giới chức cao cấp có xe hơi sang trọng, nhà cao cửa rộng sơn son thếp vàng, trong tay có bạc triệu đô la như những hạng công chức cấp làng, cấp xã của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) ngày nay. Giới chức cao cấp Cộng sản thì có hằng tỉ đô bằng cách lấy cắp tiền viện trợ, hối lộ tiền thầu dịch vụ của nước ngoài, bán lậu dầu thô từ ngoài biển, trưng thu đất đai của nông dân bán lại cho các nhà đầu tư ngoại quốc, nhất là Tàu với giá cao ; con cái sang Mỹ tậu nhà bạc triệu, đi xe sang trọng, chuẩn bị cho cha mẹ nối gót con qua Mỹ khi có biến. Ngoài ra ĐCSVN còn bắt bớ, tra tấn những người khác chính kiến, đàn áp tôn giáo. Thế mà bộ phim cho người phát biểu là người Mỹ đã chọn lầm phe để chiến đấu. Điều này có nghĩa là lẽ ra người Mỹ phải chọn ĐCSVN làm đồng minh mới đúng. Thật là nghịch lý.
Lý do người Mỹ nghĩ rằng người dân miền Nam cũng ghét người Mỹ, chẳng qua chỉ vì những phong trào chống Mỹ do CS thẩm nhập và tổ chức, nhất là qua trung gian của hoà thượng Trí Quang, một cán bộ nhị trùng của CSVN và của chính Mỹ dàn dựng và thúc đẩy. Nhân dân miền Nam vẫn quý mến người lính Mỹ đến giúp họ trong cuộc chiến đấu tự vệ, bảo vệ tự do.

Bộ phim còn có mục đích kết án chính quyền Mỹ đã thực hiện một chính sách sai lầm khi tham chiến ở Việt Nam và đã dối gạt nhân dân Mỹ để hơn 58 ngàn người lính Mỹ phải chết đi, trên hai triệu quân nhân Mỹ và gia đình của họ phải gánh chịu những thương đau do cuộc chiến tranh mà hai nhà đạo diễn cho là phi lý và vô luân, và những thương đau mà trên 3 triệu quân nhân hai miền Nam Bắc Việt Nam đã hy sinh cùng vô số thường dân vô tội và gia đình của họ phải gánh chịu. Kết án này cũng phát xuất từ hai tiền đề về sự phi lý và vô luân của cuộc chiến. Trách vụ trả lời cuộc chiến có lý do chính đáng hay không và có hợp với đạo đức hay không, trong trường hợp này, thuộc thẩm quyền của chính quyền Mỹ. Chính quyền Mỹ đưa quân đội Mỹ vào chiến đấu tại Việt Nam có phải là để ngăn chặn sự gian ác, độc tài của cộng sản quốc tế hay không; có phải là để hỗ trợ cuộc chiến đấu tự vệ, bảo vệ tự do cho nhân dân miền Nam hay không? Chỉ có chính quyền Mỹ mới trả lời được những câu hỏi này mà thôi. Nhưng người dân miền Nam thì hoàn toàn tin tưởng vào nhu cầu tất yếu và lý tưởng cao đẹp đó và hoàn toàn tin tưởng là nhân dân Mỹ, nếu thấy rõ vấn đề, cũng hỗ trợ và bênh vực lý tưởng này.

Mục đích thứ tư và cũng là mục đích cuối cùng của bộ phim là đề cao lập trường cho rằng đã đến lúc phải phát huy tình người bằng hành động tha thứ và hoà hợp hoà giải (forgiveness and reconciliation). Đây cũng cũng lại là một lập trường hời hợt, thiếu suy nghĩ, không hiểu chính sách cộng sản. Cũng rất có thể riêng rẽ từng cá nhân thì một số cựu chiến binh cộng sản có khả năng biểu lộ tình người. Thực ra, ở mức độ nhân dân thì không có gì phải hoà hợp hoà giải. Toàn thể người Việt Nam trong cũng như ngoài nước đều quý mến nhau. Nhưng trong bối cảnh chung ở trong nước, mọi cá nhân, nhất là những cá nhân đã từng chịu sự nhồi sọ của ĐCSVN, chỉ là những con ốc của chính sách nhồi sọ độc đoán, tàn ác, vô nhân đạo của CSVN. Do đó, đừng nhầm lẫn giữa lập trường hoà hợp hoà giải giữa người Mỹ với nhân dân Việt Nam trong nước hay hoà giải giữa người Việt tại hải ngoại với người Việt trong nước vì vấn đề hoà hợp hoà giải, trong trường hợp này, đặt sai chỗ và không cần thiết, với hoà hợp hoà giải giữa người Việt hải ngoại hay người Mỹ với chính quyền hay ĐCSVN. Đây là một vấn đề không thể xảy ra và không nên xảy ra.

Như bộ phim đã có nói qua là quan hệ bình thường giữa Mỹ và Việt Nam là yêu cầu của chính quyền CSVN chứ không phải yêu cầu của nước Mỹ vì CSVN có nhu cầu tham gia vào sinh hoạt kinh tế thế giới để cứu vãn tình trạng suy sụp, bại lụn của chính sách kinh tế chỉ huy trong những năm 80. Tuy nhiên, dù muốn gia nhập cộng đoàn thế giới, bản chất chuyên chế, độc ác của họ không bao giờ thay đổi được. Họ vẫn thường xuyên bắt bớ, bỏ tù, và hành hạ, tra tấn những nhà tranh đấu cho tự do, có ý kiến ngược lại với họ. Họ vẫn thủ tiêu những người đối lập, khác chính kiến dù những người này cùng chung một ý thức hệ cộng sản, đừng nói chi là những người không cùng ý thức hệ. Họ vẫn áp bức nông dân, trưng thu đất của nông dân với giá đền bù rẻ mạt để bán lại với giá cao hơn gấp ngàn lần, hay để cho Tàu đầu tư vào những ngành kỷ nghệ tác hại môi sinh. Sự thối nát và tham nhũng của họ gấp trăm ngàn lần những lạm dụng của thời Đệ I và Đệ II cộng hoà miền Nam. Rất hiếm khi người ta nghe những giới chức cao cấp miền Nam có bạc triệu. Hiện nay, người ta nghe những vị lãnh đạo có bạc tỉ đô la. Chính quyền chỉ thả một vài người đối lập mỗi khi có trao đổi với Mỹ và sau đó lại bắt lại. Ý thức hệ của người cộng sản là một ý thức hệ đóng, cố chấp, và không khoan nhượng, trong lúc ý thức hệ của những quốc gia tự do là một hệ thống tự do, cởi mở, có trao qua đổi lại hợp lý và hợp pháp. Do đó, vì tính không khoan nhượng của ý thức hệ cộng sản, hai lập trường không thể hoà hợp hoà giải với nhau được. Cho nên trao đổi giao thương kinh tế với nhân dân Việt Nam thực ra chỉ là giao thương kinh tế để làm giàu và củng cố cho đảng cộng sản độc tài mà thôi.
Điểm chót tác giả bài này muốn nêu lên là không phải người dân miền Nam muốn người Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Trái lại sự hiện diện của người Mỹ trên đất nước Việt Nam là một áp đặt của người Mỹ. Từ 1954 đến 1960, Ông Diệm đã dẹp tất cả các lực lượng chống đối do Pháp khuyến khích hỗ trợ đằng sau như tướng Nguyễn văn Hinh, Bình Xuyên. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã phá tan gần hết hạ tằng cơ sở của CSVN để lại miền Nam. Ông Ngô đình Diệm chỉ yêu cầu chính quyền Mỹ hỗ trợ về kinh tế và quân nhu, quân dụng mà thôi. Ông đã khước từ yêu cầu của chính quyền Mỹ để cho lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam vì như vậy sẽ làm mất đi chínhh nghĩa và tạo cơ hội cho Nga Tàu tăng cường lực lượng miền Bắc. Vì không nghe theo đường lối của Mỹ, chính quyền Mỹ đã thổi bùng sự xung khắc và tranh chấp sẵn có giữa Phật giáo và Công giáo để tạo đảo chánh lật đổ ông Diệm với kết quả là hai anh em ông Diệm và ông Nhu đã bị sát hại một cách tàn nhẫn. Sau khi hai ông Diệm, Nhu bị giết thì chính quyền Mỹ đã tự động chuyển quân vào miền Nam năm 1965 mà không cần hỏi ý kiến của chính phủ Phan huy Quát của miền Nam lúc bấy giờ. Đúng như sự tiên đoán của ông Diệm, Nga đã tiếp tế súng ống, dạn dược tối tân cho miền Bắc và Trung cộng đã đưa 350,000 quân vào miền Bắc để giữ hậu cần trong khi lực lượng chính quy Việt Nam tại miền Bắc tiến quân vào miền Nam. Sau 10 năm chiến tranh không thành công, Nixon lại tìm cách rút lui bằng chính sách Việt Nam hoá chiến tranh. Sau khi toàn bộ lính Mỹ đã rút lui mà quân đội miền Nam vẫn chống giữ rất anh dũng trong một thời gian từ 1969 đến 1975, thời gian mà quân đội miền Bắc đã được hỗ trợ mạnh mẽ bởi hai đàn anh Nga và Tàu. Nếu chính quyền Hoa Kỳ Việt Nam hoá ngay từ khi Ông Diệm yêu cầu, khi mà hạ tầng cơ sở của miền Bắc để lại trong Nam đã bị phá huỷ gần hết, khi mà quân đội miền Bắc còn yếu kém thì hoàn cảnh đã khác hẳn. Không một người Mỹ nào phải bỏ thây trên chiến trường Việt Nam và người Việt cũng không phải chết nhiều như vậy.

Phản biện này có mục đích đánh đổ mọi đề cương do Ken Burns và Lynn Novick nêu lên. Lập luận của Ken Burns và Lynn Novick, dù cho phát biểu bởi ai vì những người phát biểu đã được chọn lọc sao cho hợp với lập trường của hai nhà đạo diễn, chỉ phản ánh giấc mơ của những người phản chiến, yêu hoà bình (peaceniks), nhưng hoàn toàn không thực tế, nếu không nói là sai lạc một cách thê thảm.
Để kết luận bài bình luận này, tác giả xin nhắc đến lời nhắn nhủ của M. Del Vecchio là tác hại khó lường được của bộ phim Chiến Tranh Việt Nam là hằng ngàn khu học chánh, đại học của Mỹ sẽ dùng bộ phim này để mài dũa những mái đầu xanh thiếu kinh nghiệm theo một chiều hướng hoàn toàn lệch lạc, xét theo quan điểm luận lý và luân lý, và phản lại sự trung thực của lịch sử. Cộng đồng người Việt quốc gia hải ngoại nên tìm kế sách để chống lại ảnh hưởng tai hại này, nhất là đối với học sinh, sinh viên Việt Nam.

Bài viết này là kết quả của sự hợp tác và thảo luận giữa tác giả Liên Thành và Ts Nguyễn văn Thái.

 http://nhayduwdc.org

_________

Bài phản biện lập trường của Ken Burns và Lynn Novick trong phim “The Vietnam War” đã đi vào báo chí dòng chính của Mỹ, tờ Vietnam Veterans for Factual History. Dưới đây là đường dẫn vào bài:

http://wiki.vvfh.org/index.php/A_(South)_Vietnamese-American_Perspective_on_the_Burns/PBS_Series

 



Trung quốc trong “Vietnam war”

Mạnh Kim

Cuộc chiến Việt Nam không chỉ là cuộc chiến “ủy nhiệm” của Mỹ. Những lập luận và cách giải thích quen thuộc cùn mòn về cái gọi là “lý thuyết domino” là không đầy đủ khi nói đến bản chất cuộc chiến. Tìm hiểu quá trình can dự Trung Quốc, với sự cầu cạnh chủ động của Bắc Việt, mới có thể có thêm cái nhìn rõ hơn về cuộc xung đột này.

Một bài báo Washington Post, đề ngày 17-5-1989, viết: “Hôm nay, Trung Quốc đã thừa nhận họ đưa 320.000 quân vào (Bắc) Việt Nam”, và “viện trợ hơn 20 tỷ USD để ủng hộ quân đội chính quy Bắc Việt và du kích Việt Cộng”. Bài báo cho biết thêm, trong thời gian chiến tranh, có những báo cáo tình báo Mỹ cho biết nhiều đơn vị tác chiến Mỹ đã phát hiện lính vận quân phục Trung Quốc và mang phù hiệu quân đội Trung Quốc nhưng Bắc Kinh lúc đó luôn phủ nhận.

Sự có mặt quân đội Trung Quốc tại Bắc Việt bắt đầu từ cuộc kháng chiến chống Pháp. Tháng 4-1950, ba tháng sau khi Trung Quốc công nhận chính quyền VNDCCH, Việt Minh chính thức xin Trung Quốc viện trợ trang thiết bị quân sự, gửi cố vấn và giúp đào tạo binh lính. Bắc Kinh thành lập Nhóm cố vấn quân sự Trung Quốc với chỉ huy của Vi Quốc Thanh cùng Trần Canh và 281 sĩ quan. Hỗ trợ quân sự Trung Quốc cho Việt Minh tăng từ 3 sư đoàn năm 1950 lên 7 sư đoàn năm 1952. Số người Trung Quốc tại Bắc Việt trong cùng thời gian lên đến 15.000 người... Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Hà Nội tiếp tục cầu viện Trung Quốc. Trong chuyến đi Bắc Kinh từ 25-6 đến 8-7-1955 của Hồ Chí Minh, Bắc Kinh đồng ý viện trợ 800 triệu tệ (200 triệu USD) để xây 18 dự án, trong đó có nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy điện Hà Nội, nhà máy dệt Nam Định – theo sử gia Qiang Zhai thuộc Đại học Auburn-Mỹ trong “China and the Vietnam Wars, 1950-1975” (trang 71).

Chuyến kinh lý Bắc Kinh của Hồ Chí Minh đã diễn ra trước khi Nhóm cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) có mặt tại Sài Gòn (1-11-1955). Và khoảng ba tháng sau khi hai sĩ quan Dale R. Ruis và Chester M. Ovnand trở thành những người Mỹ đầu tiên bị giết chết trong cuộc chiến Việt Nam, khi Việt Cộng tấn công một căn cứ MAAG tại Biên Hòa (8-7-1959), thì, tháng 10, Phạm Văn Đồng sang Bắc Kinh, yêu cầu Chu Ân Lai viện trợ quân sự để miền Bắc có điều kiện “hỗ trợ nhân dân miền Nam”. Ngày 10-11 cùng năm, một phái đoàn quân sự Trung Quốc sang Bắc Việt, nán lại hai tháng để khảo sát, từ hải quân, không quân, học viện quân sự, sân bay, cầu cảng đến thậm chí các nhà máy sản xuất (Qiang Zhai, nđd, trang 82-83).
1959 cũng là thời điểm mà quan hệ giữa Tổng thống Ngô Đình Diệm với các cố vấn MSUG (Michigan State University Vietnam Advisory Group; đặc trách kiến thiết quốc gia) trở nên rất gay gắt (“Misalliance”, Edward Miller, trang 150). Không như những thông tin gây “ngộ nhận” một cách có chủ ý về việc “miền Nam quỵ lụy và bán đứng quốc gia cho Mỹ”, hai chính quyền VNCH, Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, đều luôn thẳng thừng bày tỏ bất bình trước việc Mỹ can thiệp sâu vào nội chính và đặc biệt tự ý đưa quân vào Nam Việt Nam.
Ngày 12-5-1963, Washington Post đăng bài phỏng vấn Ngô Đình Nhu trong đó ông nói rằng “ít nhất 50%” cố vấn quân sự Mỹ tại Nam Việt Nam là “hoàn toàn không cần thiết” và cần phải được đưa đi khỏi (Edward Miller, nđd, trang 258; xem thêm thông tin liên quan trang 230-231). Chính quyền Sài Gòn hiểu rõ tâm lý người dân về sự hiện diện quân đội nước ngoài có thể bị đánh giá như một đạo quân xâm lược; và đất nước lại bị đô hộ bởi ngoại bang (các cuộc biểu tình của sinh viên Sài Gòn đã được kích động bằng lập luận này).
Trong “Tâm tư Tổng thống Thiệu”, tác giả Nguyễn Tiến Hưng cũng thuật lại sự bất mãn của ông Thiệu khi ông nhận được tin Mỹ đưa thủy quân lục chiến vào (đổ bộ Đà Nẵng ngày 8-3-1965) mà không hề được báo trước. Mỹ chưa bao giờ tham vấn ý kiến các tổng thống VNCH về việc đưa quân bộ Mỹ vào Nam Việt Nam. Sự thật này cần được nhấn mạnh. Sài Gòn chỉ yêu cầu Mỹ cung cấp vũ khí và các khoản viện trợ liên quan quân sự chứ không muốn “Mỹ hóa” cuộc chiến theo cách William Westmoreland.

Hà Nội khác với Sài Gòn. Quan hệ Sài Gòn-Washington, về bản chất, khác nhiều so với quan hệ Hà Nội-Bắc Kinh. Cách mà “khi đồng minh Trung Quốc nhảy vào Bắc Việt” cũng khác với cách mà Mỹ “nhảy vào” miền Nam. Bắc Kinh luôn chờ Hà Nội phải gõ cửa. Hè 1962, Hồ Chí Minh và Nguyễn Chí Thanh đến Bắc Kinh. Hồ yêu cầu Bắc Kinh ủng hộ phong trào du kích tại Nam Việt Nam. Mao đồng ý bằng việc cung cấp miễn phí 90.000 khẩu súng, đủ để trang bị cho 230 tiểu đoàn (Qiang Zhai, nđd, trang 116). Tiếp đó, ngày 5-10-1962, Võ Nguyên Giáp lại dẫn một phái đoàn quân sự sang Trung Quốc.
Tháng 5-1963, giữa lúc miền Nam ngập chìm trong cuộc khủng hoảng Phật Giáo dẫn đến sự kiện Thích Quảng Đức tự thiêu (11-6-1963), Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ sang Hà Nội, nói với Hồ: “Chúng tôi đang đứng bên cạnh các đồng chí. Nếu chiến tranh bùng nổ, các đồng chí có thể xem Trung Quốc là hậu phương” (Qiang Zhai, nđd, trang 117). Ngay sau khi anh em ông Diệm bị giết, tháng 12-1963, tướng Trung Quốc Lý Thiên Hữu (Li Tianyou) đã cấp tốc dẫn một phái đoàn quân sự sang Bắc Việt, nán lại suốt gần hai tháng, bàn bạc một kịch bản chiến tranh toàn diện.

Đại hội Đảng Lao Động tháng 12 đã thống nhất tăng cường tấn công miền Nam. Ngày 27-12-1963, Mao viết cho Hồ, chúc mừng “Đại hội thành công tốt đẹp”. Lúc này, Bắc Kinh bắt đầu phơi bày tham vọng chính trị trong việc “đánh Mỹ” theo cách của Mao. Trong một cuộc nói chuyện với đại diện Bắc Việt năm 1964, Mao nói: “Tốt nhất là mở rộng thành một cuộc chiến lớn hơn. Đừng lo ngại sự can thiệp Mỹ. Tệ lắm thì cũng như một cuộc chiến Triều Tiên nữa mà thôi. Quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng. Nếu Mỹ mạo hiểm tấn công Bắc Việt, quân đội Trung Quốc sẽ có mặt lập tức. Quân đội chúng tôi giờ đang muốn một cuộc chiến đây” (“Mao: The Unknown Story”, Jung Chang và Jon Halliday, trang 482).
Vin vào đó, đầu tháng 4-1965, Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp sang Bắc Kinh. Không chỉ yêu cầu tăng cường viện trợ quân sự, lần này, Hà Nội đã mở lời về việc Trung Quốc đưa quân bộ vào. Duẩn nói với Bắc Kinh: miền Bắc cần “phi công tình nguyện, quân lính tình nguyện…”. Ngày 8-4-1965, Lưu Thiếu Kỳ trả lời: “Nguyên tắc chúng tôi là chúng tôi sẽ làm hết sức để cung cấp bất cứ gì mà các đồng chí cần và bất cứ gì mà chúng tôi có. Nếu các đồng chí không mời, chúng tôi sẽ không đến. Chúng tôi sẽ gửi bất kỳ binh chủng nào mà các đồng chí cần…”. Kết quả, Bắc Kinh và Hà Nội ký một số thỏa ước liên quan việc đưa quân bộ Trung Quốc vào miền Bắc. Ngày 21 và 22-4, Giáp thảo luận với La Thụy Khanh chi tiết hơn về điều này. Vài ngày sau, tháng 5, Hồ bí mật thăm Mao tại Trường Sa, Hồ Nam (Qiang Zhai, nđd, trang 133-134).

Năm 1965, sau khi Lê Duẩn chính thức yêu cầu Trung Quốc đưa quân bộ vào, viện trợ Trung Quốc tăng rất nhanh. So với năm 1964, số súng tăng 2,8 lần (từ 80.500 lên 220.767 khẩu); số đạn tăng gần 5 lần (từ 25,2 triệu lên 114 triệu viên); số đạn đại bác tăng gần 6 lần (từ 335.000 lên 1,8 triệu viên)… Từ tháng 6-1965, Trung Quốc bắt đầu ào ạt đổ quân vào miền Bắc, cùng với nhiều loại quân cụ, từ hỏa tiễn phòng không, đạn dược đến các đơn vị công binh, phá mìn, kỹ thuật quân sự… Tổng số quân lính Trung Quốc tại Bắc Việt từ tháng 6-1965 đến tháng 3-1968 lên đến 320.000 người (Qiang Zhai, nđd, trang 136-137).

Luôn chần chừ trong kế hoạch hiện đại hóa quân lực VNCH, mãi đến tháng 6-1968, sau sự kiện Mậu Thân, Mỹ mới cung cấp súng M-16 cho binh lính miền Nam (Nguyễn Tiến Hưng, nđd, trang 278). Trong khi đó, chỉ trong năm 1968, Trung Quốc đã viện trợ cho Bắc Việt: 219.899 khẩu súng; 1.854 bộ đàm; 454 xe cơ giới; một triệu bộ quân phục. Trong 10 năm, từ 1964-1974, Trung Quốc viện trợ tổng cộng 560 chiếc xe tăng; 144 máy bay; 1.781.197 khẩu súng, hàng triệu viên đạn các loại…

Mỹ can thiệp vào Nam Việt Nam để ngăn chặn “làn sóng Đỏ” – hàng trăm quyển sách và nhiều đời sử gia đã nhai đi nhai lại điều này. Đến nay, người ta vẫn nói về cuộc chiến như một “cuộc chiến của Mỹ”. Đã thành “quán tính” khi các phân tích rơi vào lối mòn trong việc mổ xẻ quyền lợi Mỹ, trong khi quyền lợi Trung Quốc thì gần như phớt lờ. Cuộc chiến Việt Nam không chỉ là cuộc chiến của “5 đời tổng thống Mỹ”. Nó còn là cuộc chiến của Mao Trạch Đông. Nó là cuộc chiến, bằng máu người Việt, của những kẻ hoạt đầu chính trị quốc tế.

Với Trung Quốc, việc giúp Bắc Việt đáp ứng 5 mục tiêu lớn: 1/ Cản trở nguy cơ Mỹ đe dọa an ninh quốc gia họ; 2/ Thể hiện khả năng và vị trí số một như một đàn anh đáng tin cậy cho phong trào quốc tế cộng sản; 3/ Chứng tỏ Trung Quốc đủ sức tranh giành vị thế lãnh đạo quốc tế cộng sản trước Liên Xô; 4/ Tạo uy tín chính trị cho cá nhân Mao trong nước; 5/ Cuối cùng, sự can thiệp tại Đông Dương cho thấy một tham vọng xa hơn của Mao: tạo ra một trật tự thế giới mới thay thế trật tự thế giới cũ thời hậu thực dân, mang lại cho Trung Quốc cảm giác rửa được những mối nhục thời Thế chiến thứ hai.
Di sản cuộc chiến của Mao tại Việt Nam, cùng mối quan hệ Bắc Kinh-Hà Nội, không chỉ có xác 1.100 lính Trung Quốc và 4.200 người bị thương, sau khi những người lính Trung Quốc cuối cùng rút khỏi Bắc Việt vào tháng 8-1973. Nó còn dây dưa như một thứ quan hệ đồng minh kỳ lạ, như thể Bắc Kinh chỉ có “nhảy vào” nhưng không hề có ý “tháo chạy”. Dù có lúc bất đồng nhưng di sản quan hệ Mao-Hồ đến nay vẫn tạo ra một thứ “quan hệ” mà Lưu Vân Sơn, ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, trong chuyến kinh lý Hà Nội giữa tháng 9-2017, đã miêu tả bằng cụm từ: “Hai nước có cùng số phận”. Làm thế nào có thể tự hào để nói về “nền độc lập” sau chiến tranh, khi mà Hà Nội vẫn còn bị ràng buộc dai dẳng bởi một thứ quan hệ “sống cùng sống, chết cùng chết” với Trung Quốc? Hàng triệu triệu người Việt đã chết trong cuộc chiến để đổi lấy một “nền độc lập” như vậy, liệu có xứng đáng không?
....
“China and the Vietnam Wars, 1950-1975” của sử gia Qiang Zhai thuộc Đại học Auburn (Mỹ), một trong những quyển sách hiếm hoi viết về vai trò Trung Quốc trong cuộc chiến Việt Nam

tau vnwar

https://www.facebook.com/nguyen.manhkim


 

"Vietnam War"


 Bùi Bích Hà
October 5, 2017

Chiến tranh Việt Nam, sau hơn 4 thập niên, vẫn mãi là một ám ảnh ray rứt cho nhiều người, nhiều thế lực ở nhiều phía. Có một câu nói nghe hay đọc được đâu đó, hình như từ Kinh Thánh, đưa ra một chân lý: Chỉ có “sự thật” mới giúp giải thoát. Khốn thay, sự thật luôn có nhiều bộ mặt của những kẻ đại diện nó và bao lâu con người chưa có phép thần thông để nhìn thấu suốt sự thật đằng sau những sự thật ấy thì hầu như sự thật cứ mãi là sự kể lại, vẽ ra, thêu dệt, theo mong ước riêng, theo trí nhớ mù mờ lúc biến cố xảy ra, đã bị thời gian bôi xóa, vì nhu cầu thanh minh, bào chữa, thậm chí vu vạ để chạy tội, nên không bao giờ là sự thật chính nó!
Thập niên 70 thế kỷ trước, lúc văn hóa/đạo đức toàn cầu chưa sa sút như bây giờ, chiến tranh Việt Nam chưa kết thúc để có kết quả ngã ngũ, để những thế lực và những nhân vật liên hệ tới cuộc chiến này có nhu cầu lên tiếng, khán giả ở Nam Việt Nam đã được xem phim Rashomon, làm quen với cách chấp nhận những sự thật không bao giờ là sự thật, tới từ Nhật Bản, xứ sở nhờ thua trận mà lột xác, lớn lên trong một phong cách khác, đưa nước Nhật và dân Nhật lên địa vị hàng đầu của tư cách và đạo đức làm người, để rửa mặt, để tự răn dạy mình và để chứng tỏ với thế giới họ thừa sức xoay chuyển thất bại và viết ra những trang sử mới như phượng hoàng bước ra từ lửa đỏ, không cần phù phép, sơn phết, tô vẽ lại cuộc thất trận của họ nay được nhìn như kinh nghiệm trưởng thành trong đau thương của nước Nhật.

Đi tìm sự thật đằng sau cuộc chiến tranh tại Việt Nam ư? Còn mất thì giờ, công sức đi tìm nó ở đâu nữa khi nó đã chình ình hiện nguyên hình, nhầy nhụa, tanh hôi, sình thối trên các chiến địa im tiếng súng? Giờ phút này, có lẽ chỉ còn những người được trả công để thỉnh thoảng hô hoán lên họ tìm được một cái xác sự thật khác, ít nhem nhuốc, ít ghê tởm hơn thôi! Từ chối nó, nguyền rủa hay tung hô nó, chẳng thay đổi gì được một cái xác ngoại trừ chịu làm cái công việc của các sinh viên trường thuốc, can đảm mổ xẻ nó để có được những bài học cứu người trong tương lai.
Có một thời điểm trong cuộc Chiến Tranh Lạnh, nước Mỹ có nhu cầu xây dựng một lực lượng đối trọng với khối Cộng Sản, cụ thể là Nga và Trung Cộng, để bảo vệ thanh thế và vai trò của một siêu cường cầm cân nẩy mực sự quân bình giữa hai thế lực tư bản và vô sản. Mỹ nhìn thấy Việt Nam là chiến trường tiêu biểu cho khuynh hướng này, thể hiện bởi một bên là phe quốc gia hậu thuộc địa, thèm khát và cực lực muốn xây dựng một thể chế độc lập, tự do, bên kia là phe Cộng Sản dưới lá bùa chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc nhưng lại nương dựa vào hai đàn anh khổng lồ là Liên Xô và Trung Hoa Lục Địa. Bên nào thắng sẽ làm nghiêng cán cân quyền lực về phía họ ở Châu Á.
Có chủ trương rồi, Mỹ dùng đủ mọi mưu chước/thủ thuật để không những dọn đường vào Việt Nam mà còn chủ trương giải quyết chiến trường thay cho Việt Nam: ép người Pháp phải rời khỏi Việt Nam một cách nhục nhã, lập chính phủ rồi đảo chánh lật chính phủ theo nhu cầu của họ từng thời kỳ. Đến cao điểm, Mỹ công khai đưa quân vào Việt Nam và trực tiếp điều động chiến lược/chiến thuật trên khắp lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Để có chính nghĩa, họ tạo dư luận chê bai khả năng tác chiến của quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) yếu kém trong khi không thiếu các cố vấn Mỹ đứng đắn, có công tâm, từng trực tiếp tham chiến bên cạnh binh sĩ và tướng lãnh VNCH, đã hết lời ca tụng lòng dũng cảm và kinh nghiệm chiến trường xuất sắc của quân lực VNCH.
Cuối thập niên 60 thế kỷ trước, tình hình từ âm ỷ nhiều năm do mâu thuẫn về quyền lãnh đạo phong trào Cộng Sản quốc tế giữa hai đảng Cộng Sản Trung Hoa và Liên Xô, bất ngờ bùng nổ với cuộc xung đột võ trang ngày 13 Tháng Tám 1969 ở biên giới Tân Cương, khiến cho rạn nứt trong khối CS không có hy vọng hàn gắn và đồng thời đẩy Trung Hoa xích lại gần với Mỹ vì những đe dọa của Liên Bang Xô Viết. Nặng nề nhất khi chỉ 2 ngày sau, 15 Tháng Tám, Leonid Brezhnev thông báo cho Mỹ biết Liên Xô chuẩn bị đánh đòn hạt nhân để phủ đầu Bắc Kinh. Lúc này, Hoa Kỳ vừa thấm đòn với cuộc chiến tranh Việt Nam không dễ nuốt như họ nghĩ lúc ban đầu, vừa bị áp lực dữ dội của nhóm phản chiến được quần chúng, quốc hội và truyền thông phe tả tiếp tay thổi bùng lên, lập tức nhìn thấy một lối thoát “trong danh dự” cho họ.
Những chuyến bay đi bay về bí mật của Kissinger đến Trung Quốc, gặp họ Chu, họ Mao, cam kết bỏ VNCH, cuối cùng với cuộc viếng thăm của Tổng Thống Nixon năm 1972, được Trung Quốc đánh giá là một quyết định tiến bộ mở ra trang sử mới trong lãnh vực ngoại giao của thời đại, dọn đường cho hòa đàm Paris diễn ra năm sau đó với thân phận của miền Nam Việt Nam được định đoạt ngoài thẩm quyền của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đương nhiệm. Đại diện nước Mỹ, Kissinger uốn ba tấc lưỡi để hết sức thuyết phục họ Chu đa nghi về sự thành thực của họ, để lại những câu nói hoạt đầu vô trách nhiệm mà sử sách còn ghi: “Vì vậy, khi tôi đưa đề nghị rút ra khỏi Việt Nam, đó không phải là tìm mưu mẹo gì để rồi lại vào lại (VN) trong cách nào khác, nhưng là chúng tôi muốn chính sách ngoại giao của chúng tôi dựa vào những điều thực tại hiện thời, không phải dựa vào những giấc mơ của quá khứ.”
Có thể ai cũng biết nước Mỹ thực dụng nhưng chắc không ai có thể ngờ nước Mỹ đã dựa vào những giấc mơ khi bước vào cuộc chiến ở Việt Nam và giẫm lên hàng triệu xác người.
Thời cơ thuận lợi, Mỹ thương lượng chia thị phần thế giới với Trung Hoa Cộng Sản và bỏ Việt Nam, khác với Cộng Sản luôn keo sơn gắn bó với Cộng Sản Bắc Việt vì tham vọng bành trướng mà Hoa Kỳ không theo đuổi. Mặt nạ chống Cộng để bảo vệ Tự Do/Dân Chủ của Mỹ rơi xuống một cách thảm hại. Trước cái chết bị lạm dụng của 58,000 quân nhân Hoa kỳ hy sinh trên chiến trường Việt Nam, của con số không ít cựu quân nhân Mỹ về nước mang theo họ hậu chấn của chiến tranh vẫn còn sống lây lất, các nhân vật dính líu vào thảm kịch này có nhu cầu rửa mặt, chạy tội, họ viết hồi ký để đưa ra những tại, bị, bởi thế này thế kia nhưng họ không thể xóa bỏ câu nói của Tướng Abrams Creighton, tư lệnh các lực lượng viễn chinh Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam (từ Tháng Mười Hai 1968) trước khi ông hồi hương, Tháng Mười Một 1972: “Chúng tôi bước vào một cuộc chiến với hai tay bị trói” để nói về ý đồ không muốn thắng, về cuộc chiến tranh có giới hạn của quân đội Mỹ ở Việt Nam.
Sự thật trong lời tuyên bố của Tướng Abrams, sau này được Tiến Sĩ Lewis Sorley xác nhận trong cuốn A Better War mà ông là tác giả, như sau: “Khác với đánh giá của phần lớn các nhà phân tích, sau khi Tướng Creighton Abrams thay thế Tướng Westmoreland, tình hình chiến cuộc Việt Nam đã xoay chiều, tới mức có lúc có thể khẳng định lực lượng đồng minh đã thắng. Mọi sự diễn tiến tốt đẹp tới mức có lúc tôi đã mạnh dạn viết trong quyển ‘A Better War’ rằng có một thời điểm khi có thể nói thắng lợi đã về tay miền Nam. Tôi viết rằng mặc dù giao tranh vẫn chưa chấm dứt, nhưng coi như chúng ta đã thắng, lý do là bởi vì chính phủ miền Nam Việt Nam đã đủ khả năng để có thể duy trì độc lập và tự do, với điều kiện Hoa Kỳ phải giữ những cam kết đã hứa với họ.”

Sự thật ư? Chẳng phải đã có một sự thật rành rành đó sao? Chỉ có những người không chịu nhìn nhận nó. Vậy, còn ai muốn đi tìm sự thật nào và ở đâu nữa? Ông Ken Burn và Bà Lynn Novick khi làm cuốn phim gọi là tài liệu, sao lại nêu lên vấn đề “Cuộc chiến Việt Nam là chủ đề khó khăn và phức tạp nhất mà họ từng thực hiện khi có quá nhiều luồng quan điểm, quá nhiều cách nhìn nhận từ các đối tượng khác nhau”? Vậy đâu là những dữ kiện lịch sử khách quan mà họ tìm kiếm và thu thập được với sự xác tín cao nhất của họ?
Cháy nhà hàng xóm, bằng chân như vại. Tổ tiên đã dạy. Chúng ta không nên trách móc ai cả ngoài tự trách mình, càng không nên trông đợi ở lòng tốt vô điều kiện của đồng minh mà hãy tiếc là “lãnh đạo” của Việt Nam đã không tương kế, tựu kế để nhân cơ hội, đem lại những điều tốt đẹp cho đất nước và dân tộc khi thời thế cho phép. Tháng Tư 1975, người Mỹ ra khỏi Việt Nam, sự can thiệp chính trị của Trung Cộng chưa lộ diện, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam còn nguyên vẹn cơ chế, dân chúng hai miền Nam/Bắc đã thống nhất, của chìm của nổi của miền Nam còn nhiều, nếu lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam quả thật vì dân, vì nước, có chí khí, có tài năng và đức độ thì đã biết cùng toàn dân nắm lấy vận mạng của cả nước, đã có thể vận động đại khối dân tộc lúc đó mạnh như nước vỡ bờ để cùng nhau xây dựng nền độc lập tự do dân chủ thực sự cho một Việt Nam đầy tiềm năng, đâu có thua kém ai bên trời Đông?

Tiếc thay và buồn thay, những người chủ mới hiện nguyên hình những kẻ đánh thuê, làm thuê, mang tâm lý đòi công, siết nợ, rủ nhau trộm cắp, cướp ngày cướp đêm kiếm tiền bỏ túi riêng, phá tan mọi tiềm năng lớn lao của dân tộc, mọi giá trị nhân bản còn sót lại ở miền nam, tiếp tục chịu ách nô lệ ngoại bang để vinh thân phì da đúng như Lê Duẩn từng nói “chúng ta chiến đấu vì Liên Xô và Trung Quốc.” Một chính thể không xây trường học thì sẽ phải xây thêm nhà tù. Từng tập đoàn cán bộ lớn bé các cấp ăn không đồng, chia không đều, kéo nhau ra tòa lãnh án về tội tham ô, nhũng lạm của công, bán đất, bán rừng, bán biển, bán tài nguyên. Vẫn chưa đủ, đi vay, đi xin, thể hiện một cuộc sống vô liêm sỉ chưa từng thấy trên suốt dòng lịch sử của dân tộc.
Năm 1977, khi cần đánh tư sản để vô sản hóa họ, là thành phần từng đóng góp tiền bạc bảo bọc “cách mạng,” lãnh đạo Cộng Sản tuyên bố: “Vai trò lịch sử (nuôi quân giải phóng) của các anh đã chấm dứt. Đây là thời điểm các anh vì yêu nước, phải tự xóa bỏ mình.” Hay quá! Bây giờ không thấy lãnh đạo nào tự nhắc mình câu nói năm xưa ấy: “Vai trò lịch sử đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước của chúng ta đã chấm dứt. Đây là thời điểm mà chúng ta vì lòng yêu nước, phải tự xóa bỏ mình.”
Đây là một sự thật sống động khác, của dối trá và ươn hèn, cũng nên nhìn nhận bên cạnh những sự thật đầy nghi vấn trong các cuốn sách, các bộ phim về cuộc chiến tranh Việt Nam trong hơn bốn thập niên qua.

Chiều Chủ Nhật vừa rồi, đến chung vui lễ Tết Trung Thu của thiếu nhi vùng Quận Cam tổ chức trên sân cỏ của công viên Một Dặm Vuông, nhìn các em thơ hồn nhiên vui chơi hay tận lực cống hiến khả năng mình qua tiếng trống thúc quân hào hùng, qua những vũ điệu tình tự dân tộc, qua các thế võ múa gậy, múa quyền, chuẩn bị các em mai này bước vào đời biết tự vệ, biết tấn công khi cần, tôi không ngăn được nước mắt dâng lên mi, càng thấm ngấm câu hỏi “Người lớn chúng ta đang để lại cho những thiên thần nhỏ này một di sản thế nào đây?”
Bùi Bích Hà

https://www.nguoi-viet.com


The Vietnam War - Đôi điều cần phải nói

Phạm Tín An Ninh (Danlambao) - Bộ phim tài liệu The Vietnam War được thực hiện bởi hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Norvick, hiện đang được phổ biến rộng rãi trên truyền hình NRK (NaUy) và được một số báo chí thiên tả NaUy tán thưởng. Bộ phim này cũng được trình chiếu tháng trước trên hệ thống truyền hình PBS tại Mỹ, đã tạo nên làn sóng tranh cãi, nhiều phản bác hơn là ngợi khen, từ những người Mỹ lẫn người Viêt. Người ta công nhận The Vietnam War có khá hơn nhiều so với Vietnam – The Ten Thousand Day War (của Michael Maclear) trước đây, tuy nhiên nó vẫn là một bộ phim tồi. Những người thực hiện vẫn tiếp tục đi theo lối mòn định kiến của giới truyền thông Mỹ. Trong khi đa phần những người trong cuộc, từng tham dự và bị nhiều hệ lụy từ cuộc chiến ấy, dễ dàng nhận ra sự thiên lệch, thiếu chính xác của cuốn phim, từ trong tư tưởng, tài liệu, hình ảnh đến việc phỏng vấn và mục đích thực hiện.

1/- Trước hết, nên biết Ken Burns, người thực hiện The Vietnam War là ai?
Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Ken Burns là một thành viên đắc lực của phong trào phản chiến. Ông là một người theo phái tả, và triệt để ủng hộ Đảng Dân Chủ.
Với một người như thế, tất nhiên Ken Burns luôn mang nặng thành kiến về cuộc chiến Việt Nam. Chính những người phản chiến như ông đã tạo nên một nhận định khá phổ biến “Cuộc chiến Việt Nam không thua tại Việt Nam nhưng đã thua tại Hoa Kỳ”.

2/- The Vietnam War dựa theo những tài liệu, hình ảnh nào, do ai cung cấp?
Tất nhiên phần lớn dựa theo tài liệu, hình ảnh của Hoa Kỳ và của chính quyền Việt Nam Cộng sản cung cấp. Ai cũng biết là các chính quyền CS không bao giờ tôn trọng sự thực, nên tất cả mọi tài liệu, hình ảnh đưa ra đều tô vẽ có lợi cho họ. VNCH không còn tồn tại, mọi tài liệu bị thất tán, phá hủy, không còn tiếng nói để chứng minh lẽ phải về họ, mặc dù chính họ mới là lực lượng chính trong cuộc chiến và đã phải nhận nhiều hệ lụy nhất chứ không phải Hoa Kỳ.

3/- The Vietnam War đã phỏng vấn những ai?
Có 3 thành phần:
- Những người Mỹ, một số cựu chiến binh tại Việt Nam, nhân viên của chính phủ, nhà báo, người có chồng, con tử trận tại Việt Nam, và có cả những người thuộc thành phần chủ chốt trong phong trào phản chiến trước đây.
- Những người Việt Nam trong nước. Hầu hết là những sĩ quan cao cấp, nhà văn nhà báo phục vụ chế độ CS. Ai cũng hiểu rằng, khi những nhà làm phim muốn tiếp xúc với họ đều phải qua chính quyền CSVN sắp xếp, chọn lựa hay tối thiểu là phải có sự cho phép, và tất nhiên phải nói những điều có lợi cho sự tuyên truyền của họ.
- Những người miền Nam (VNCH) đang sống tại Mỹ. Một số cựu sĩ quan, viên chức ngoại giao, và một vài người thành công ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên trong suốt cuốn phim, ai cũng nhìn thấy là họ được nói rất ít. Một hai câu ngắn. Tất nhiên các nhà làm phim tìm họ để phỏng vấn, không phải chỉ để hỏi một đôi câu ngắn ngủn như thế, nhưng chắc chắn những lời nói của họ đã bị cắt bỏ, chỉ còn lại một vài câu có lợi theo quan điểm của người làm phim. Ngoại trừ bà Dương Vân Mai Elliott, là nhân vật được xuất hiện nhiều nhất và phát biểu lâu nhất. Bà là nhà văn, tác giả cuốn sách “The Sacred Willow” được đề cử giải Pulitzer trong đó nói về bốn thế hệ sống trong một gia đình Việt Nam. Bà gốc người Bắc, thân phụ Bà làm việc cho Pháp. Năm 1954 cả gia đình di cư vào Nam, ngoại trừ người chị cả ở lại cùng chồng tham gia kháng chiến. Năm 1960 bà được học bổng, sang Mỹ học về ngành ngoại giao. Năm 1964, khi 23 tuổi, bà lập gia đình với người chồng Mỹ cùng ngành và sau đó cả hai vợ chồng cùng làm việc cho Rand Corporation ở Sài Gòn từ 1964 đến 1967. Với thân thế như vậy, nên bà Dương Vân Mai Elliott hiểu biết khá tường tận về tình hình chính trị và quân sự ở miền Bắc VN trước 1954, cũng như ở miền Nam sau 1954. Tuy nhiên về sau này, từ giữa thập niên 1960, dường như Bà đã có cái nhìn về cuộc chiến Việt Nam dưới lăng kính của một người Mỹ.
Một người đặc biệt nữa là Ông thẩm phán Phan Quang Tuệ. Ông là con trưởng của Ông Phan Quang Đán, người sáng lập Đảng Dân Chủ Tư Do, luôn quyết liệt chống đối chính phủ Ngô Đình Diệm và tham gia cuộc đảo chánh bất thành 11.11.1960 (với vai trò ủy viên chính trị và cố vấn), nên bị bắt cầm tù. Thời đệ nhị Cộng Hòa, ông ra tranh cử cùng liên danh với ông Phan Khắc Sửu, trong chức vụ Phó Tổng Thống, nhưng bị thua liên danh Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ. Do đó trong The Vietnam War, con trai ông, Phan Quang Tuệ, đã phát biểu tiêu cực về chế độ Ngô Đình Diệm cũng như các chính quyền miền Nam sau này với lòng hận thù, thay vì với lương tâm của một người trí thức.

4/- Không chính xác từ cách gọi tên cho cuộc chiến.
Ken Burns gọi cuộc chiến Việt Nam là “nội chiến”. Điều này không đúng. Nếu là một cuộc nội chiến thì đã không có 58.220 người Mỹ đã chết tại Việt Nam. Chính vì sự méo mó này, mà trong suốt cuốn phim, không thấy đề cập nhiều đến các nước Cộng sản, đặc biệt là Liên Xô và Trung Cộng luôn là những quan thầy của CSVN và hỗ trợ hết mình để mang thắng lợi cho miền Bắc CS. Trong khi Hoa Kỳ đã nhảy vào Nam Việt Nam và xem miền Nam như là một tiền đồn của Thế Giới Tự Do, nhằm ngăn chặn làn sóng đỏ Cộng sản bành trướng xuống Đông Nam Á. Hơn nữa, quân đội Nam VN (VNCH)chưa hề đưa quân tấn công ra Bắc, họ chỉ bảo vệ miền Nam để xây dựng một thể chế dân chủ tự do, không Cộng sản. Còn cái gọi là MTGPMN cũng chỉ là đám CS nằm vùng, được cài lại miền Nam sau 1954, hoặc xâm nhập từ miền Bắc sau này, được CSBV nặn ra nhằm lừa bịp quốc tế.

5/- Cách hành xử sai lầm và “kẻ cả” của Mỹ đối với một đồng minh, đã đưa đến sự thất bại tại Nam Việt Nam.
Không có một vị lãnh đạo và cả người dân miền Nam nào muốn có sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trên đất nước của họ. Chính Tổng thống Ngô Đình Diệm đã từng cực lực lên tiếng bác bỏ ý định của Hoa Kỳ, ngay từ thời Tổng thống J.F. Kennedy, muốn đưa quân vào Nam Việt Nam, và cũng chính vì việc này đã đưa đến cái chết thảm khốc của anh em ông Diệm vào ngày 1.11.1963. (Mỹ đã đưa ông Henry Cabot Lodge sang làm Đại sứ để dàn xếp một cuộc đảo chánh, và một sĩ quan cao cấp CIA, trung tá Lucien Conein, ngồi ngay trong sào huyệt của Dương Văn Minh cùng các tướng lãnh phản bội ông Diệm, tại Bộ TTM/QLVNCH, để trực tiếp giám sát, theo dõi việc đảo chánh).
Ông Diệm luôn phản đối việc Mỹ đưa quân sang Việt Nam, vì ông nghĩ như thế sẽ làm mất chính nghĩa cho công cuộc đấu tranh của dân chúng miền Nam bảo vệ tự do, và có cớ để Liên Xô và Trung Cộng vào cuộc, ra lệnh và hỗ trợ miền Bắc đưa quân vào đánh Nam Việt Nam.
Nên nhớ là nền cộng hòa non trẻ của Ông Ngô Đình Diệm được xây dựng tại miền Nam sau Hiệp định Genève 1954, trên những đống tro tàn, rác rưởi và nhiều phe nhóm bạo loạn của Pháp để lại, cùng lúc phải lo định cư cho hơn một triệu người dân di cư từ miền Bắc, trốn thoát chế độ CS. Nếu có đôi điều bất như ý cũng là lẽ tất nhiên. Nhưng đây lại là thời kỳ “vàng son” nhất mà người dân miền Nam được hưởng, giáo dục, kinh tế và cả quốc phòng phát triển tốt đẹp. Với kế hoạch Ấp Chiến lược, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tiêu diệt và loại gần hết đám CS nằm vùng tại Nam VN, do CS gài lại sau hiệp định Genève.
Và có lẽ Ông là người lãnh đạo quốc gia duy nhất trên thế giới đã tha tội chết cho cả ba người từng giết hụt mình: Hà Thúc Ký, Phạm Phú Quốc và Hà Minh Trí (người ám sát Ông tại Ban Mê Thuột).
So với Hồ Chí Minh, ông Ngô Đình Diệm yêu nước, thương dân và đạo đức hơn gấp vạn lần. Ông sống độc thân, đạo hạnh, trong khi Hồ Chí Minh tự xưng mình là “Bác” của toàn dân, bắt mọi người phải tôn thờ ca tụng mình, nhưng đã từng sống với nhiều người đàn bà, ngay cả với vợ một đồng chí của mình, và ra lệnh giết một cô con gái trẻ sau khi có con với ông ta và cô ấy tỏ ý muốn được công khai chấp nhận. Một tội ác điển hình của ông ta, khi ban hành Chiến dịch Cải cách Ruộng Đất, giết dã man hàng vạn người dân vô tội, trong đó có cả bà Nguyễn Thị Năm, người bị xử tử đầu tiên, là một ân nhân đã từng cưu mang ông cùng những cán bộ cao cấp, và trợ giúp rất nhiều cho tổ chức của ông. Nhưng trong Tập 1 The Vietnam War, người làm phim đã hết sức ca ngợi Hồ Chí Minh và bôi bẩn hình ảnh ông Ngô Đình Diệm một cách ác ý đến lố bịch.
Mỹ đã lợi dụng một vài bất đồng của Phật giáo, đi đêm và đứng đằng sau một số sư sãi quá khích, tạo nên tình trạng bất ổn liên tục tại miền Nam. Nhưng thực chất, sau ngày mất miền Nam, đã lộ ra rất nhiều sinh viên Phật tử đứng đầu các cuộc tranh đấu chống Ngô Đình Diệm vốn là những đảng viên hoặc đã hợp tác với Cộng sản, như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Thị Đoan Trinh… tại Huế, và Đỗ Trung Hiếu, Đỗ Hữu Ưng, Lê Hiếu Đằng, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm… tại Sài Gòn. (Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ, dù không còn vịn vào lý do “đàn áp Phật giáo”, nhưng những người mượn danh Phật giáo này vẫn tiếp tục phản đối các chính quyền kế tiếp, gây bất ổn cho cả nước, đặc biệt tại Huế, miền Trung Việt Nam).
Làm như vậy, chỉ với mục đích để Hoa Kỳ biện minh cho việc đưa quân vào Nam Việt Nam, cũng như việc tổ chức lật đổ và giết ông Diệm, người luôn phản đối việc Hoa Kỳ đưa quân vào Nam Việt Nam, và chỉ yêu cầu được viện trợ trong thời gian miền Nam đang từng bước xây dựng nền cộng hòa non trẻ. Hơn nữa, dù hùng mạnh và giàu có, nhưng quân đội Hoa Kỳ không thích hợp với hình thái chiến tranh tại Việt Nam, lúc ấy đa phần là du kích chiến.
Điều trịch thượng và “phi chánh trị” quái đản khác, từ khi đưa quân ào ạt vào Nam VN, Mỹ mặc nhiên xem cuộc chiến này là của họ. Trong tất cả các cuộc đàm phán, ký kết hiệp định, Mỹ tự cho mình ngang hàng với Bắc Việt và xếp Nam VN ngang hàng với MTGPMN. Trong khi ai cũng biết rằng: MTGPMN chỉ là một nhóm tay sai do Hà Nội dựng lên để lừa bịp quốc tế. (Ngay sau khi vừa chiếm Nam VN, CS đã khai tử MTGPMN, tất cả những nhân vật trong chính phủ của MT này không nhận được bất cứ một chức vụ quan trọng nào, và bị loại dần ra khỏi guồng máy lãnh đạo). Điều đặc biệt tệ hại hơn, Hiệp định Paris ký ngày 27.1.1973 là một áp đặt trắng trợn để ngay sau đó Hoa Kỳ phủi tay khi CSBV công khai ngang nhiên vi phạm.

6/- The Vietnam War quá bất công đối với QLVNCH, một quân đội đã bị bức tử, không còn tiếng nói.
Trong khi Mỹ có 58.220 quân nhân chết tại Việt Nam, thì QLVNCH có đến trên 320.000 binh sĩ tử trận và khoảng hơn 1.200.000 bị thương. Trong Tết Mậu Thân 1968, CSBV đã tung nhiều sư đoàn đánh vào nhiều thành phố Nam VN, QLVNCH đã anh dũng chiến đấu và đập tan ý đồ của địch, gây tổn thất rất nặng nề cho CSBV. Người ta không hiểu vì lý do gì, trong những ngày đầu trong trận Mậu Thân, ở nhiều nơi, Mỹ đã không tham chiến? Và mặc dù CSBV đã vi phạm thỏa ước hưu chiến trong ngày Tết nguyên đán, bất ngờ tổng tấn công vào nhiều thành phố lớn, vậy mà đã không có khả năng chiếm được bất cứ thành phố nào. Chỉ có Huế kéo dài 26 ngày, và CSBV đã giết dã man hơn 6.700 người dân vô tội. Có tiến bộ hơn nhiều phim trước, The Vietnam War có đề cập thoáng qua tội ác này của CSBV, nhưng chỉ nói có khoảng 2.800 người bị giết kèm theo lời xác nhận và bào chữa yếu ớt của một cựu cán binh CS.
Mùa Hè 1972, CSVN đưa một lực lượng quân sự hùng hậu, với xe tăng, đại pháo tối tân của Nga sô cung cấp, từ miền Bắc và Lào xâm nhập Nam VN, dùng nhiều sư đoàn thiện chiến, đánh vào Quảng Trị, Kontum và An Lộc. Lúc này các đơn vị chiến đấu Mỹ đã rút khỏi Nam VN, chỉ có QLVNCH đã chống trả mãnh liệt, tạo những chiến thắng lẫy lừng, giữ vững được các tỉnh lỵ này và gây tổn thất rất lớn cho CSBV. Thời điểm này, Hoa Kỳ cũng đã cắt giảm khá nhiều viện trợ cho Nam VN. (Thêm một điều cần nói: QLVNCH luôn luôn được Mỹ viện trợ vũ khí, chiến cụ kém hiệu năng rất nhiều so với vũ khí, chiến cụ của CSBV được phe CS trang bị.). Một câu hỏi được đặt ra, trong Mùa Hè 1972 này, QLVN Cộng Hòa đã chiến thắng lớn tại Kontum, An Lộc và cả Quảng Trị, nhưng trong The Vietnam War không hề được nhắc tới, thay vào đó lại là hình ảnh của một lực lượng thuộc Sư Đoàn 3 BB phải lui binh khỏi Quảng Trị?
Một cuộc chiến như thế, với những thành tích và sự hy sinh như thế, nhưng trong The Vietnam War, cả một quân đội miền Nam ấy gần như cái bóng mờ nhạt, nếu có đề cập, cũng chỉ là một vài hình ảnh tiêu cực.
- The Vietnam War chỉ đưa ra một vài trận đánh mà QLVNCH không may bị nhiều tổn thất: như Trận Ấp Bắc, Trận Bình Giã… nhưng không hề nói đến những chiến thắng lớn mà Quân lực này đã anh dũng đạt được tại các trân chiến ác liệt như An Lộc, Kontum, Quảng Trị, v.v... hay Tống Lê Chân (một tiền đồn nằm gần biên giới Việt-Miên, chỉ được phòng thủ bởi 1 Tiểu Đoàn 92 BĐQ/BP, bị lực lượng CS, có khi lên đến cấp trung đoàn luân phiên tấn công vây hãm, pháo kích suốt ngày đêm. Mặc dù nhiều tháng không được tiếp tế, tản thương, nhưng TĐ 92/ BĐQ đã anh dũng chiến đấu ròng rã trong suốt 510 ngày (10.5.72 – 11.4.74), sự kiện này cả UBLHQS và UBQT tại Việt Nam đều biết). Một chiến tích đặc biệt khác mà cả quân sử Hoa Kỳ và hồi ký của Tướng Westmoreland đều có ghi nhận đầy đủ: TĐ 37 BĐQ của VNCH được tăng phái cho lực lượng quân đội Hoa Kỳ, bảo vệ tuyến Đông Bắc Phi trường Khe Sanh, mặc dù bị một lực lượng hùng hậu của Cộng quân tấn công và pháo kích liên tục, có những ngày không được tiếp tế, nhưng đơn vị này đã dũng cảm tử chiến với Cộng quân ròng rã trong suốt 70 ngày đêm (21.2.68 – 08.4.68), giữ vững được phòng tuyến và bảo vệ phi trường Khe Sanh, một cứ điểm quan trọng cho sự an toàn của cả một căn cứ nổi tiếng của Mỹ tại Việt Nam.)
- Đặc biệt Trận Ấp Bắc, đúng là đơn vị Nam VN đã không giải quyết được chiến trường, bởi nhiều lý do (trong đó có lỗi lầm của Mỹ), nhưng không phải đến bây giờ, trong The Vietnam War, các nhà đạo diễn mới cố thổi phồng sự tổn thất của Nam VN và không nói đến tổn thất của địch. Phóng viên chiến trường Neil Sheehan, tác giả cuốn “The Bright Shining Lie”, khi ấy đi theo cánh quân thiết giáp do Đại úy Lý Tòng Bá chỉ huy, cũng đã viết rất nhiều điều phóng đại, không thực trong cuốn sách. Sau này, cựu Tướng Lý Tòng Bá gặp lại anh ta tại Mỹ đã chỉ trích điều này, nên anh ta đã viết bài “After The War Over” để gởi tặng cựu tướng Lý Tòng Bá, như một lời xin lỗi về nhiều điều anh đã viết không đúng trong trận Ấp Bắc. John Paul Vann, khi ấy là Trung tá cố vấn tại Sư đoàn 7BB, cũng đã từng nhận định và có những tuyên bố sai lạc về trận Ấp Bắc và cá nhân Đại úy Bá, sau này, năm 1972, khi làm cố vấn cho Quân đoàn II, cùng Tướng Lý Tòng Bá tạo nên chiến thắng Kontum, ông Vann cũng đã chính thức xin lỗi Tướng Bá về những nhận định thiếu chính xác về trận Ấp Bắc trước kia.
Cũng đã có những nhận định là Mỹ đã dùng trận Ấp Bắc để trắc nghiệm loại trực thăng CH-21 đổ quân. Đây là lần đầu tiên có cuộc hành quân trực thăng vận tại Việt Nam. Đã sử dụng loại trực thăng cồng kềnh, chậm chạp kém hiệu năng mà không hề có các trực thăng võ trang (hay kế hoạch) yểm trợ và an toàn bãi đáp. Một nhận định khác là Mỹ cố tình tạo ra một hình ảnh thất bại của QLVNCH trong trận Ấp Bắc để có cớ đưa quân vào Nam VN.
Trong phim, khi được phỏng vấn, Tom Valley, một cựu TQLC Hoa Kỳ từng tham gia cuộc chiến Việt Nam đã buồn bã thốt lên: “Người Mỹ rất hiếm khi chịu nhìn nhận sự dũng cảm của họ (QLVNCH). Chúng ta tỏ ra khinh thường họ, phóng đại sự yếu kém của họ, chỉ vì muốn khoe khoang tài năng của ta.” Lời nói này là chân thật, nhưng cũng chỉ mới đúng được một nửa.
- The Vietnam War đã cố tình đưa ra một số hình ảnh tuyên truyền quá quen thuộc nhằm gây bất lợi cho Nam VN. Cô bé Kim Phúc bị phỏng bởi bom Napalm ở Trảng Bàng, Tây Ninh, ngày 8.6.72, bị CSVN lợi dụng, tô vẽ cho cả một chiến dịch tuyên truyền, sau này cô đã xin tỵ nạn tại Canada. Trường hợp Tướng Cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan xử tử tên VC Bảy Lốp sau khi tên này đã tàn sát rất dã man cả một gia đình từ bà già cho đến con nít. Và khi ấy tên VC này không hề mang quân phục hay bất cứ giấy tờ gì, thì không thể gọi hắn ta là tù binh để phải hành xử theo luật tù binh chiến tranh được. Hắn ta được xử như một tên khủng bố nguy hiểm, ác độc. Tướng Loan đã được một toà án Hoa Kỳ miễn truy tố, với lý do này.
Phóng viên Eddie Adams, người chụp bức hình xử bắn được giải Pulitzer ấy, đã tìm đến gia đình Tướng Loan xin lỗi, và khi được tin Tướng Loan mất, Eddie đã đích thân đến dự đám tang, khóc nức nở khi đọc bài điếu văn, trong đó có đoạn: “Ông là một vị anh hùng. Cả nước Mỹ nên khóc thương ông mới phải, tôi không muốn nhìn thấy ông ra đi như thế này, người ta không hiểu gì về ông ấy”. (The guy was a hero, America should be crying. I hate to see him go this way - Without people knowing anything about him). Trên vòng hoa phúng điếu của Eddie Adams, có đính một danh thiếp ghi rõ dòng thủ bút: "General! I'm so... sorry. Tears in my eyes" (Thưa Thiếu tướng, tôi rất ân hận. Lệ đã tràn đầy mắt tôi). Bản điếu văn của ông Eddie Adams sau đó được tuần báo Time đăng tải vào ngày 27 tháng 7 năm 1998
Bây giờ, The Vienam War lại đóng thêm những chiếc đinh oan nghiệt trên quan tài của của một người đã chết, đã từng bị sỉ nhục và khốn đốn vì tấm ảnh mang một nửa sự thực, chỉ vì ông là người của Nam VN!
Trong khi ấy, suốt cuốn phim 10 tập, dài đến 18 tiếng đồng hồ, người ta không tìm thấy hình ảnh của CSBV pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy ngày 9.3.74, làm chết 32 và gây thương tích cho 55 em học sinh. Người ta cũng không hề thấy cảnh trên 2.000 đồng bào, rời bỏ làng mạc bị CS chiếm, gồng gánh chạy về phía tự do, bị CS pháo kích tàn sát, nằm chết la liệt trên đoạn đường dài 9 km (QL 1 thuộc tỉnh Quảng Trị) được báo chí đặt tên là “Đại Lộ Kinh Hoàng”. Một hình ảnh rất đặc biệt mà đến nay nhiều báo chí tại Hoa Kỳ vẫn còn nhắc đến, một bé gái 4 tháng tuổi ôm bú vú người mẹ chết từ mấy ngày trước, đã được một binh sĩ TQLC/ VNCH cứu, mang về giao cho một viện mồ côi. Sau đó, cháu bé được một trung sĩ Mỹ nhận làm con nuôi, đưa sang Mỹ vào cuối năm 1972, và sau này trở thành một sĩ quan cao cấp trong Quân đội Hoa kỳ: Đại Tá Kimberly M. Mitchell! Người Mỹ đã ca ngợi cô đại tá Hải quân gốc Việt này, nhưng trong The Vietnam War không hề nhắc tới Đại Lộ Kinh Hoàng!
Khi The Vietnam War được thực hiện và trình chiếu tại Hoa Kỳ, thì không phải chỉ có Thủ tướng hay Chủ tịch nước mà ngay cả Tổng Bí thư Đảng CS Nguyễn Phú Trọng đã được chính phủ Mỹ tiếp đón tại Tòa Bạch ốc, Việt Nam được Mỹ “dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí”, “bình thường hóa toàn diện” rồi trở thành “đối tác chiến lược” của Hoa Kỳ. Trong khi đó tại Việt Nam, Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, nơi chôn cất hơn 16.000 binh sĩ Nam Việt Nam tử trận vẫn tiếp tục bị tàn phá, hoang phế, ngăn cấm thân nhân đến sửa sang, thăm viếng, và những thương binh VNCH vẫn tiếp tục bị CS lên án, kỳ thị, phân biệt đối xử.
The Vietnam War, với sự thiên lệch, giả dối chỉ khoét sâu thêm vết thương chưa lành trên thân phận của một đất nước từng tan nát bởi chiến tranh và đặc biệt của những người lính bất hạnh Nam VN, vốn là những ngươi bạn đồng minh của Hoa Kỳ trong cuộc chiến ấy!
Phạm Tín An Ninh - một người lính VNCH

danlambaovn.blogspot.com

 

Đăng ngày 05 tháng 10.2017