banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Lịch sử sòng phẳng

Tuấn Khanh


Nhiều ngày sau khi bộ phim Little Women, hay còn gọi là Ba Chị Em bị rút khỏi hệ thống Netflix ở Việt Nam, phim này vẫn có thể tìm thấy được trên các trang xem phim không có bản quyền ở Việt Nam. Một người làm trong nghề chuyên làm phụ đề cho các phim không bản quyền như vậy nói cho biết rằng sau khi phim này không còn được chiếu trên Netflix, nó trở nên lại nổi tiếng hơn và được tìm kiếm nhiều trên các mạng tự do.  

Trước khi bị ngừng cung cấp dữ liệu ở Netflix Việt Nam, bộ phim Ba Chị Em nằm trong top 10 của những câu chuyện được khán giả Việt Nam theo dõi. Và chính vì vậy, khi tin tức về chuyện bộ phim này bị rút đi. Nó cũng trở thành đề tài của những lời tranh cãi không dứt trên các mạng xã hội.
Các trang báo nhà nước dẫn lời từ những nhóm người xem phim có quan điểm phù hợp với Nhà nước và nói rằng họ không thể chấp nhận nổi việc xuyên tạc lịch sử Việt Nam trong bộ phim này. Dĩ nhiên lịch sử ở đây là lịch sử của nhà cầm quyền, phía chiến thắng 1975. Hầu hết trong các bài học lịch sử về cuộc chiến tranh Việt Nam trong các trường học, thường không có những bài nói rõ về những thất bại hay thương vong của phía quân đội miền Bắc trong cuộc chiến trường ký này.

Trên các diễn đàn tranh luận về bộ phim cũng có những ý kiến của người xem phim thuần túy ở Việt Nam, hoặc từ những người có quan điểm khác biệt với phía chính quyền nói rằng những đối đầu và thương vong như vậy vẫn có thể diễn ra. Thậm chí là những bình luận từ phía những trí thức lớn lên từ nhà trường xã hội chủ nghĩa cũng nhận định rằng con số hay sự thật và lịch sử thì có thể là có thật, về chuyện “một người lính Hàn Quốc giết được 100 Việt Cộng”. Nhưng quan trọng là cách nói – bởi cách nói như vậy, dĩ nhiên trong bối cảnh hôm nay – được xem như là một lời thách thức để đào xới lại quá khứ.

Bỏ đi câu nói đó trong bộ phim, chắc chắn sẽ không ảnh hưởng gì đến nội dung đầy hấp dẫn của một câu chuyện về những người phụ nữ Hàn Quốc đã vượt qua những giai đoạn khó khăn của đất nước và trở thành giai cấp quyền thế. Bài học của những nền điện ảnh tự do là đôi khi trong thế giới hôm nay, để có thể tìm được lợi nhuận, chắc chắn sẽ phải cân nhắc về việc sẽ phát hình ở các quốc gia mà họ không lường trước phản ứng.
Cũng có ý kiến nói rằng nhà sản xuất bộ phim Ba Chị Em sẽ cho edit lại, cắt bỏ phần không quan trọng này là có thể tiếp tục được chiếu trên Netflix, lại tiếp tục khai thác được lợi nhuận từ người Việt Nam. Thế nhưng với phía kiểm duyệt của Việt Nam ắt hẳn không đơn giản như vậy, bởi cả bộ phim đã là một vết ám tâm lý, đi kèm với câu nói đó và nó phải chịu trách nhiệm cho việc rời khỏi hệ thống Netflix.

Sòng phẳng với lịch sử là điều cần thiết – nó cũng xác định tính công chính của một chế độ cầm quyền. Nhất là đối với một nhà nước cầm quyền đã trở nên chính danh trên trường quốc tế.

Bộ phim Ba Chị Em mở ra những suy nghĩ khác về một thời đại hòa bình phát triển và đòi hỏi mọi thứ minh bạch, tôn trọng nhau, tôn trọng con người. Nhưng ở Việt Nam, lịch sử không chỉ nằm vu vơ trong một câu nói của phim giải trí, mà nó còn là uẩn khúc của hiện thực vẫn chưa không được giải quyết rốt ráo.
Chẳng hạn, phải chăng đã đến lúc Bộ Giáo dục và Bộ TTTT nên quyết định xóa bỏ cái tên Lê Văn Tám, liên quan đến trường học, công viên, tên đường… trên toàn cõi Việt Nam.
Và có lẽ Chính phủ cũng nên thay mặt những người cầm quyền đã quá vãng, chính thức xin lỗi nhân dân về việc sử dụng một câu chuyện bịa đặt và ghê rợn, chấm dứt thao túng tâm trí trẻ em nhiều thế hệ?

Lịch sử để đối ngoại là cần thiết. Lịch sử đối nội lại còn cần thiết hơn nữa vì nó là câu chuyện cho nhiều thế hệ để nhớ, để hiểu và đánh giá lại quá khứ. Mà lịch sử đối nội hôm nay thì vẫn còn rất ngổn ngang, với những câu chuyện không chỉ riêng Lê Văn Tám.

31/10/2022
Ns Tuấn Khanh

https://nhacsituankhanh.com/2022/10/31/lich-su-song-phang/



Chuyện về một con voi lớn ra đi

Tuấn Khanh

Gọi là voi, vì vốn danh hiệu của linh mục Giuse Tiến Lộc (tên thật là Nguyễn Văn Lộc) khi ông còn sinh hoạt với ngành hướng đạo là Voi Hoạt Bát. Chiều ngày 05.12.2022, ông đã thanh thản ra đi tại bệnh viện Quân Dân Y Miền Đông, để lại ký ức khó quên về một cuộc đời hoạt động không mệt mỏi, tạo ảnh hưởng đến nhiều thế hệ Công giáo cũng như Lương giáo.
Linh mục Tiến Lộc (1943-2022) được hầu hết những người sinh hoạt xã hội, hướng đạo và công giáo biết đến từ trước năm 1975. Việc góp sức theo đuổi ngành hướng đạo với tinh thần công dân phục vụ xã hội và xây dựng cộng đồng, linh mục Tiến Lộc trở thành ngôi sao của ngành hướng đạo suốt nhiều năm liền. Kể từ khi cùng gia đình di cư vào Nam năm 1955, cha Tiến Lộc đã không ngừng cải tiến và tạo niềm vui cho sinh hoạt hướng đạo, đến mức nhiều gia đình có con em tham gia chương trình hướng đạo lúc đó luôn tự hào.
Linh mục Tiến Lộc quen thuộc với giới hướng đạo sinh với vai trò tổ chức thành lập các Tráng đoàn và hoạt động. Cần nói thêm, trước năm 1975, các sinh hoạt và tổ chức nhóm, đoàn, hội… ở miền Nam Việt Nam là tự do và luôn được khuyến khích. Tráng đoàn (Rover Scouting) là nơi tập hợp tất cả những người đã tham gia hướng đạo sinh nhưng nay đã quá tuổi nhi đồng, là thanh niên nam, nữ. Đây là một hình hoạt động công ích xã hội được Hướng đạo sinh quốc tế công nhận từ năm 1922, mà Hướng đạo VNCH là một thành viên chính thức, hoạt động với màu sắc văn hóa Việt Nam và chỉ bị ngừng lại, cắt đứt với thế giới sau năm 1975. Biệt danh Voi Hoạt Bát của linh mục Tiến Lộc cũng xuất phát từ đây, do mọi nơi ông đến, ông đều đẩy mạnh các sinh hoạt văn nghệ yêu quê hương tự do, sinh hoạt anh em và xây dựng. phát triển tôn giáo. Nhiều bài hát của ông đã nằm lòng với người miền Nam Việt Nam như Anh em ta về, Chúa là cây đàn, Con voi, Giây phút chia ly...
Cho tới trước Tháng Tư 1975, đặt biệt vào năm 1972, sự thành công và nở rộ các Tráng đoàn Việt Nam khiến bất kỳ ai chứng kiến cũng kinh ngạc. Đi đâu, các chương trình giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật, giáo dục miễn phí, xây dựng tinh thần đồng bào, kiến thiết xã hội... không chỉ ở Việt Nam mà còn phát triển ở nơi khác như Pháp, Mỹ, Úc...
Sau khi chấm dứt chiến tranh, trong chiến dịch truy quét "tàn dư văn hóa cũ", hướng đạo sinh bị chấm dứt không có lý do, các sinh hoạt tập hợp bị cấm. Chỉ còn một số ít trường học ở Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, Sài Gòn cố gắng bí mật sinh hoạt nhưng tàn dần.
Ngày 25 Tháng Một 1978 là biến cố với linh mục Tiến Lộc. Trong giai đoạn bị chính sách ngăn sông cấm chợ của chính quyền mới, cái đói và sợ hãi diễn ra khắp miền Nam. Lúc đó đang là Cha cai quản Đệ tử Viện ở Thủ Đức, mới phân công cho các tu sinh trồng rau, bắt ốc để trợ giúp đời sống hàng ngày. Vô tình một tu sinh moi được một cây súng ngắn đã hỏng, ai đã vứt ở đó, không có đạn và bị rỉ sét và mang về đưa cho linh mục Tiến Lộc. Ông không nỡ vứt đi và dùng nó như một món đồ chặn giấy độc đáo.
Một trong những vô số đợt kiểm tra nửa đêm, xét hỏi và lục soát vào những năm sau khi ngừng chiến tranh vẫn diễn ra ở tu viện, chùa, ký túc xá, nhà riêng... Đệ tử Viện cũng bị kiểm tra bất ngờ. Công an viên nhìn thấy cây súng, dù để ở trên bàn giấy, không sử dụng được nhưng cũng quyết định tội trạng của ông là "tàng trữ vũ khí". Tòa án chóng vánh không luật sư sau đó kết tội ông 4 năm tù, dù khi tang vật được kiểm tra là không còn khả năng sử dụng.
Nói về giai đoạn này, linh mục Tiến Lộc của ghi lại như sau "Tôi lần lần nhận ra đây là một hồng ân Chúa, ban nhờ bốn năm tù tội, tôi được sáng mắt như Thánh phao lô và ngộ được nhiều giá trị hay... Trong thời gian này sống chung phòng với nhiều "loại người", tôi học được thêm bao nhiêu điều hay và chứng kiến bao nhiêu điều dở, từ những vị mà ngoài đời mình chỉ đáng là học trò, cho đến những người cùng đinh cặn bạ xã hội, từng cướp của giết người..."
Linh mục Tiến Lộc trải qua những ngày tù bình an và lạc quan giữa bao điều khốn khó. Ông học thêm được tiếng Nga và tiếng Trung Quốc trong tù, tập hát và làm trò chơi nhỏ với những người bạn tù, đem lại sự lạc quan và ấm áp tình người. Khi được hỏi, ông tâm tình rằng mình đã an nhiên giữa mọi thứ, do luôn mang theo bên mình Đức Tin và Tinh thần hướng đạo.
Trong tù, ông đã làm Lễ Lên Đường trong ngành Hướng đạo cho linh mục Phạm Quang Hồng, người cũng ở tù chung. Linh mục Hồng là người hiện nay đang sống ở nước ngoài, có những bài giảng Công giáo hàng tuần được giáo dân ghi lại, để trên youtube, với lối nói chuyện hài hước và gần gũi, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem.
Một trong những nỗ lực thầm lặng của Đức Tổng giám mục Phao Lô Nguyễn Văn Bình cho đến khi qua đời, là ông đã liên tục gửi thư kêu gọi nhà cầm quyền hãy trả tự do cho những linh mục bị giam giữ vô cớ hoặc đang đau yếu. Linh mục Tiến Lộc được trả về sau hơn phân nửa thời gian thụ án. Ông được trả về vào ngày 28 Tết. Khi ấy, thăm hỏi ông, Đức Tổng giám mục nói có nghe ai ở tù chung với linh mục Lộc đều rất vui vẻ. Ông cười, trả lời rằng "Thưa Đức Tổng, bây giờ người ký bài sai ra lệnh cho con vào tù đi, con xin vâng lời ngay. Ra tù thì khó, chứ vào tù thì dễ lắm Đức Tổng ạ".
Người suốt đời đóng góp cho xã hội, xây dựng tinh thần giới trẻ tự do, kết nối cộng đồng hòa bình anh em như linh mục Tiến Lộc thì có tận tụy hơn chắc ông cũng không được trao tặng huân chương, hay một bằng cấp nào đó của chính quyền ban cho. Nhưng sức ảnh hưởng của ông thì vô cùng lớn và tác động đến nhiều thế hệ, là chỗ dựa để nhận biết tình thương, tình đồng bào và sự cống hiến của đời người là gì. Sự ra đi của ông nhắc cho nhiều thế hệ người Miền nam tiếc nhớ rằng sẽ không dễ tìm được những tấm gương sáng như linh Mục Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Trương, Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Việt, Thu Giang Nguyễn Duy Cần... đã từng nở rộ trong nền giáo dục với tinh thần tự do.
6/12/2022
Nhạc sĩ Tuấn Khanh

https://nhacsituankhanh.com/2022/12/06/chuyen-ve-mot-con-voi-lon-ra-di/


 

Hạnh phúc chưa chắc là từ đấu tranh

Tuấn Khanh


Nhiều người đã bày tỏ sự thất vọng trước cô Caddie ở sân golf BRG Đà Nẵng (tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), sau khi bị tay trọc phú cầm gậy đánh đến phải vào viện. Khát vọng muốn nhìn thấy công lý được thực thi, muốn nhìn thấy một giai cấp quyền lực mới phải trả giá cho sự càn quấy của mình đã khiến không ít người chán nản, thậm chí tức giận khi xem video của những người phỏng vấn cô, với nội dung là “không có gì”.
Nhưng nếu nhìn kỹ, đó là câu chuyện rất bình thường trong xã hội Việt Nam hôm nay – một xã hội dù được gọi tên bằng bất kỳ lý tưởng cao đẹp nào – nó hiện hình rõ ràng về một hình thái sinh hoạt xã hội giai cấp mới. Tác giả của khái niệm này, nhân vật cộng sản kỳ cựu Milovan Djilas đã từng nói một cách súc tích rằng đó là nơi sinh ra những cá thể và nhóm từ lực lượng cầm quyền, được giới thiệu đầy đủ bằng quyền lực, giả trá và sự hợm hĩnh.

Chuyện ông Nguyễn Viết Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Đất Quảng, đại biểu đương nhiệm Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam dùng gậy chơi golf đánh một nữ nhân viên phục vụ khi tức giận bất thường trong cuộc chơi, nó tái hiện tất cả những ngôn từ xấu hổ nhất, mà hệ thống tuyên truyền của nhà nước đã dùng trong cả thế kỷ để mô tả về giai cấp tư sản thù địch bóc lột, lạm quyền và khốn nạn với nhân dân.
Trong đoạn cao trào của xã hội Việt Nam hôm nay, đang phẫn nộ nhìn thấy quá nhiều các biểu hiện giai cấp mới bùng phát, hài kịch và bi kịch luôn xen lẫn trong các suất trình chiếu thực tế hàng ngày của đời sống. Chuyện hung bạo của Nguyễn Viết Dũng không còn là chuyện cá nhân, khi ông ta lên giọng đòi “công lý” cho mình, cho rằng mạng xã hội đang tấn công ông, làm mất hình ảnh của một đại biểu nhân dân, thì đó cũng là lúc cả xã hội chứng kiến ông Dũng đang nhìn ngó đồng đội, để chờ một cú đỡ từ nhóm giai cấp mới đang hình thành của mình.

Nạn nhân của ông Dũng, người phụ nữ vô danh ở đất miền Trung đã may mắn hơn rất nhiều người khác, khi xin vào làm được ở một sân golf, nơi những người chơi tham gia đóng hội phí trung bình là 15.000 đến 50.000 đô la ở Việt Nam. Cô biết rõ mình chỉ là con sâu cái kiến. Cô đủ kinh nghiệm về chuyện chạm vào giai cấp mới đầy tiền của là chuyện không nên. Chạm vào giai cấp mới có cả quyền lực xã hội, thì lại càng không nên. Vì vậy, có thể trong suy nghĩ bé mọn của mình, cô chỉ mong bằng mọi cách giữ lại cuộc sống yên lặng, có việc, và nối dài sinh tồn thôi.
Ít ngày sau khi cô L. ra viện, cô trình bày sự việc của mình rất nhẹ nhàng, thậm chí hồ hởi trong việc phân minh cho người hành hung mình. Trong bản video được phát đi đầy chứng cứ có lợi cho ông đại biểu Hội Đồng Nhân Dân – mà tiếng miền Nam gọi là xởi lởi – phát ngôn đầy dễ dãi và sẵn sàng cho qua của cô L., nó hoàn toàn khác biệt với những gì diễn ra trong ngày đầu. Lúc đó, cô L. tố cáo ông Dũng đã không buồn tìm đến xem cô bệnh tình thế nào, chỉ nhắn xin lỗi qua công ty nơi cô làm việc. Vào lúc đó, rõ ràng cô không “xởi lởi” như bây giờ. “”Lúc đầu ông D. muốn tới nhà em nhưng công ty không cho địa chỉ vì khi đánh em xong ông D. có hù dọa, công ty sợ ảnh hưởng nên không cho địa chỉ của em. Từ hôm xảy ra vụ việc tới giờ công ty nói sẽ đứng ra giải quyết nên không thể tiết lộ thông tin”, cô L. nói trên báo Tuổi Trẻ ngày 11 Tháng Mười Hai.

Cũng trong bài báo đó, tiết lộ rằng sau khi bị đánh đến gãy gậy golf vào ngày 6 Tháng Mười Hai, cô L. đi cấp cứu cho đến ngày 11 vẫn chưa thể trở lại làm việc được như bình thường. Gần một tuần lễ nằm viện và phải ngừng công việc, thật khó tin là trong những ngày ấy, đột nhiên cô tha thứ tất cả.
Những ngày ấy, có thể là cùng kịch bản về thế giới nhộn nhịp của phim Đại Hàn hay Hồng Kông mà người dân Việt đã quá biết, như cô L. cũng tiết lộ, là đe dọa hoặc mua chuộc, tác động các hệ thống quyền lực quen biết… Phải từng tiếp xúc với người dân thấp cổ bé miệng ở vùng quê xa, tiếng kêu có thất thanh cũng không lọt khỏi cánh cửa nhà, mới biết đòi công lý, đòi quyền lợi theo đúng nghĩa, chỉ là tiểu thuyết giải sầu. Người xưa từng dạy “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết mới sống”. Dĩ nhiên, cô L. phải chọn cách sống.

Xin đừng giận cô L. vì sự tha thứ bất ngờ đó. Dù cô lớn lên trong mái trường xã hội chủ nghĩa và được học câu nói nổi tiếng của ông thầy chủ nghĩa cộng sản Karl Marx “Hạnh phúc là đấu tranh”, nhưng trong cuộc đời của cô – hay có thể với cả chúng ta – hạnh phúc chưa chắc là từ đấu tranh. Phải biết mới sống.
16/12/2022
Ns Tuấn Khanh

https://nhacsituankhanh.com/2022/12/16/hanh-phuc-chua-chac-la-tu-dau-tranh/


John Davison Rockefeller, nhà tài phiệt dầu mỏ nổi tiếng của Mỹ đã từng bảo: "Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền". Trong vụ tên trọc phú mập như heo ở Quảng Nam đánh cô nhân viên sân golf đến gãy gậy, chấn thương nặng cũng thế thôi. Tên này sẵn tiền, chắc chắn là có tiền bất chính. Mua bán bất động sản xứ này sao khỏi cảnh bóp cổ dân nghèo mua rẻ rồi bán đắt thu lợi. Và hắn chắc cũng rất giàu, đương nhiên thế rồi. Sẵn tiền hắn trở thành đại biểu nhân dân. Và khi sự vụ nổ ra hắn dùng tiền để bịt miệng nạn nhân.

Cũng không nên trách cô gái đáng thương ấy, cộng đồng mạng lên án tên vũ phu, trọc phú này. Nhưng thử hỏi đã có tổ chức nào của nhà nước lên tiếng chưa? Hay chỉ nửa vời chờ điều tra thêm. Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Tổ dân phố, chủ sân golf. Tất cả đều im lặng. Ngày 12.12 lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn đã giao Công an quận vào cuộc xác minh thông tin báo chí đăng tải. Theo lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn, cơ quan này đang chờ công an báo cáo về vụ việc. Nạn nhân đầy thương tích đấy, tên đánh người và hành động khốn nạn của nó biết bao người chứng kiến, còn báo cáo, điều tra cái gì nữa. Thật sự là đang kéo dài thời gian để cả hai dàn xếp.

Giữa sự lạc lõng vì sự vô tình của các cấp thẩm quyền, cô gái đành chấp nhận một số tiền để đổi lấy sự im lặng đồng loã với cái ác. Nạn nhân vốn là người nghèo, thân phận của con sâu, cái kiến mà kiện củ khoai. Công lý, luật pháp không dành cho người nghèo cho nên phải chấp nhận cái lý của kẻ có tiền, có quyền. Và cũng vì vậy, kẻ giàu càng ngày càng lộng quyền, dùng đồng tiền thay pháp luật. Tao giàu tao có quyền. Lỗi không do cô gái nạn nhân mà lỗi ở luật pháp. Kẻ chức quyền và giàu có có luật riêng của họ. Người thấp cổ bé miệng mãi mãi là nạn nhân. Họ sợ mất việc, sợ trả thù, sợ tương lai không lối thoát nên đành chấp nhận lấy ít tiền và im lặng trong nỗi uất ức. Xã hội, cộng đồng mạng lên tiếng nhưng cũng chẳng làm được gì vì cái xứ ta nó thế.

Tuy nhiên, dư luận xã hội mong lãnh đạo tinh Quảng Nam là đuổi cổ ngay tên này ra khỏi danh sách đại biểu Hội đồng nhân dân. Sự có mặt của tên này là vết nhơ, vết nhục cho tổ chức này. Các sân golf trên cả nước cũng nên cấm cửa tên này, golf không dành cho những tên trọc phú thừa tiền nhưng thiếu tính người. Sân golf dành cho người chứ không phải chỗ của con thú.
Tội xâm phạm thân thể người khác gây thương tích có đủ điều kiện để ra toà. Nhưng hỡi ơi! Đường đi đến toà cũng được rải bằng tiền thì công lý còn đâu?


DODUYNGOC
13/12/22

https://www.facebook.com/doduyngoc




Công nhận tên Dũng, người đánh cô phục vụ đến gãy gậy cũng có uy thế thật. Tui viết phê phán việc này liền bị Facebook không cho phép hiện bài và dưới đây là thông báo của Facebook.

 



DODUYNGOC
15/12/22


https://www.facebook.com/doduyngoc

 

  Đăng ngày 20 tháng 12.2022