banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Nếu đi hết biển - thì sao?

Hoàng Hải Thủy

NẾU ĐI HẾT BIỂN, 196 trang, gồm một số bài phỏng vấn do người viết Trần văn Thủy thực hiện, ấn hành ở Hoa Kỳ Tháng 12 năm 2003, nhà “Thời Văn” xuất bản, trang 3 trong sách có hàng chữ “Chương trình nghiên cứu của University of Massachusetts Boston.” Trần văn Thủy là người từ Hà Nội đến Mỹ do lời mời của Trung Tâm William Joiner thuộc Đại Học Massachusetts Boston, là đạo diễn hai phim “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế“. Việc thực hiện “Nếu đi hết biển” và xuất bản ấn phẩm ấy được Trung Tâm William Joiner chi tiền. Một người Việt Nam ở Mỹ là ông Nguyễn Hữu Luyện được nhiều người Việt ủy thác đứng ra kiện Trung Tâm William Joiner vì Trung Tâm ấy không vô tư trong việc nghiên cứu cộng đồng người Việt sống ở Mỹ để viết sách. Vụ kiện đang tiến hành.

Những người trả lời phỏng vấn của Trần văn Thủy trong “Nếu đi hết biển“: Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nhật Tiến, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong, Trương Vũ, Wayne Karlin, Tuyết và Chris.
Kewin Bowen, Giám đốc Trung Tâm William Joiner Nghiên Cứu về Chiến Tranh và Hậu Quả Chiến Tranh, Đại Học Massachusetts Boston, Nghiên Cứu Trưởng Chương Trình Rockefeller Nghiên Cứu về Tiến Trình “(Tái) Xây Dựng Diện Mạo và Quê Hương của Người Việt ở Nước Ngoài” 2000-2003, viết lời giới thiệu “Nếu đi hết biển“. Bài giới thiệu bằng tiếng Anh đi kèm bài được dịch ra tiếng Việt, trong đó có đoạn:
Những tác giả phỏng vấn là những nhà văn, những nhà tư tưởng sâu sắc đáng kính, với những tiếng nói đa dạng và phong phú. Nhà văn Nhật Tiến, Nguyễn Mộng Giác, Trương Vũ, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Hoàng Khởi Phong, vv…đã trình bày một cách thẳng thắn và công khai về một số đề tài cấm kỵ (ta-bu) trong sinh hoạt chính trị ở hải ngoại cũng như Việt Nam, và ảnh hưởng của chúng trong lãnh vực sáng tác”.

“Những tác giả phỏng vấn... ” là câu dịch sai. Bản Anh ngữ “Those interviewed include the esteemed and profound of Vietnamese thinkers and writers...”: “Những người được phỏng vấn...”. “Những nhà văn, những nhà tư tưởng sâu sắc đáng kính” trong “Nếu đi hết biển” chỉ trả lời những câu hỏi. Cũng trong Lời giới thiệu có đoạn: "Chúng ta mang một niềm tri ân sâu sắc với những cá nhân đã dũng cảm đứng đầu gió để tham dự vào cuộc đối thoại này".

Trả lời vài câu hỏi, dù người hỏi có là người nước Bắc Cộng, mà người trả lời đang sống ở Mỹ Quốc cũng phải có “dũng khí ” ư? Đao to, búa lớn quá dzậy? Mà “cuộc đối thoại” nào? Ai đối thoại với ai? Trong “Nếu đi hết biển“, những “nhà văn, những nhà tư tưởng sâu sắc” chỉ trả lời những câu hỏi của anh Cán Cộng, nếu có đôi lời nói qua, nói lại thì cũng chỉ quanh quẩn trong đề tài được người hỏi đưa ra; đây là “cuộc phỏng vấn”, gọi đây là “cuộc đối thoại”, qua nhận xét ngu dzốt của tôi, tôi e không đúng. Cũng không hẳn là cuộc phỏng vấn, nó như cuộc ông thầy xét bài học trò, đàn anh xét hỏi đàn em. Tôi sẽ kể ra vài đoạn trong Nếu đi hết biển để chư quí vị độc giả thấy những “nhân vật dũng cảm” đã trả lời phỏng vấn như thế nào, và những chuyện được hỏi trong “Nếu đi hết biển” là những chuyện gì mà gọi là những “đề tài cấm kỵ trong sinh hoạt chính trị ở hải ngoại?”

Về tên sách “Nếu đi hết biển” tác giả kể chuyện ngày xưa còn bé, ông có bà vú nuôi rất thân thương, bà vú không biết chữ a, b, c, bà chỉ nghe mà biết được nhiều chuyện, bà thường kể những truyện thơ nôm cho ông nghe. Một hôm ông hỏi bà từ làng ông cứ đi mãi, qua hết những làng ông biết tên trong vùng thì đi đến đâu, bà vú trả lời đi đến biển, ông lại hỏi đi hết biển thì đến đâu, bà vú trả lời đi hết biển thì đến đâu bà không biết. Tác giả nhớ mãi câu hỏi và câu trả lời ấy. Mấy chục năm sau ông biết là “nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình.” Đó là lời tác giả viết trong chương “Mấy lời rào đón” của “Nếu đi hết biển“.
Đến những năm ở vào cái tuổi tam thập nhi lập, ông Trần văn Thủy biết là cứ đi mãi người ta sẽ trở về chỗ người ta bắt đầu đi….. Kỳ diệu quá đỗi, trái đất tròn! Thưa ông Trần văn Thủy, nếu ông có lòng thương mà dậy cho bọn người Việt trốn nạn cộng sản chúng tôi biết chân lý trái đất tròn và sự kỳ diệu cứ đi mãi sẽ đến chỗ bắt đầu ra đi thì chúng tôi cám ơn ông. Nhưng dường như phát kiến ấy của ông, từ lâu rồi, từ thế kỷ trước, những em nhỏ Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa chỉ mới lên ba cũng đã biết.

Nhưng thôi, ta hãy nói đến chuyện phải chăng người viết muốn dùng việc “cứ đi mãi sẽ trở về chỗ bắt đầu đi” để nhắn nhủ, một cách kín đáo, những người Việt bỏ nước ra đi rằng mấy người đi mãi rồi mấy người cũng trở về nước. Trở về nước thì tôi đồng ý với ông tác giả “Nếu đi hết biển” – Nđhb– không phải chỉ mình tôi mà rất nhiều người Việt sống ở nước người muốn trở về nước và sẽ trở về nước mình, nhưng phải nói rõ: việc chúng tôi về nước không phải là việc chúng tôi chấp nhận chế độ cộng sản bạo trị trên đất nước chúng tôi, việc chúng tôi trở về nước không có nghĩa là chúng tôi chịu để yên cho bọn cộng sản tiếp tục đàn áp, bóc lột đồng bào chúng tôi, để yên cho bọn cộng sản tàn phá, hủy hoại đất nước chúng tôi. Nếu ông tác giả muốn nói bóng gió rằng cuối cùng chúng tôi phải trở về đầu phục bọn cộng sản, thì thưa ông, chúng tôi không thế đâu. Việc chúng tôi về nước là một nhục nhã cho bọn cộng sản cầm quyền. Vì chúng tôi có đô-la Mỹ chúng nó mới mở cửa đất nước cho chúng tôi về, chúng nó quì gối trước đồng đô-la Mỹ. Những đồng đô-la Mỹ chúng tôi có là những đồng đô-la sạch, chúng tôi phải làm việc đổ mồ hôi, sôi máu mắt ở Mỹ chúng tôi mới có những đồng đô-la ấy. Việc chúng tôi trở về nước làm bọn cộng sản mau chết, chúng đang ngắc ngoải, việc chúng tôi về nước không làm tổn hại gì đến chính nghĩa của chúng tôi. Coi việc người Việt ở nước ngoài về nước là việc chúng tôi chấp nhận, chúng tôi thỏa hiệp, chúng tôi đầu hàng bọn cộng sản là ngu xuẩn. Ông cha, chú bác, anh em chúng nó, bọn Cộng Việt, đã chết nhăn răng, chết thối ở khắp nơi trên thế giới, chúng nó đang chết, chúng tôi thỏa hiệp với những thằng gian ác, những thằng giết người khi chúng sắp chết làm ký gì? Chúng tôi mang đô-la Mỹ về nước cho chúng nó hộc máu chúng nó chết lẹ hơn, để đồng bào chúng tôi thấy mặt thật hèn hạ của chúng nó, để đồng bào chúng tôi sớm thoát cảnh khổ. Chúng tôi có thể về thăm nước nhưng chúng tôi vẫn mong thấy, không những chỉ mong, chúng tôi tin chắc, chúng tôi biết chắc có ngày đất nước chúng tôi không còn lá cờ đỏ máu nào, chúng tôi mong thấy, chúng tôi biết chắc sẽ có ngày bọn đảng viên đảng cộng sản bị nhân dân chúng tôi nhổ vào mặt, bợp tai, đá đít, đuổi đi. Chuyện ấy đã xẩy ra ở Nga, Tiệp, Hung, Ba Lan, Lỗ, Đức.. Chuyện ấy sẽ xẩy ra ở Việt Nam, chắc hơn bắp rang, chắc hơn cua gạch!

Tác giả “Nếu đi hết biển” đặt câu hỏi trong Chương Hai của sách: Tôi không biết trong lịch sử thịnh suy của đất nước tôi có thời điểm nào, hoàn cảnh nào dẫn đến sự ly tán lòng người sâu thẳm, dẫn đến việc hàng triệu người chạy ra biển ly hương bất cần mạng sống đến như thế không?

Théc méc trên của tác giả Nđhb, em nhỏ lên ba Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa cũng giải tỏa được cái rụp: Trong lịch sử Việt Nam làm gì có cuộc nhân dân ra đi nào đau thương, bi thảm đến như cuộc nhân dân bỏ nước ra đi sau năm 1975. Không có vì trước năm 1945 nước Việt Nam không có bọn cộng sản cầm quyền. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam có vài cuộc nội chiến nhưng không có bọn cầm quyền nào giết nhân dân tàn bạo, ác độc như bọn cộng sản. Vì bọn cộng sản giết chúng tôi, chúng tôi phải liều mạng ra đi. Chuyện dễ hiểu, dễ thấy quá, nhà đạo diễn điện ảnh không thấy hay sao mà phải théc méc?

Sau khi nêu théc méc trên, tác giả Nđhb viết tiếp:
Nhưng tôi biết rất rõ không ít người Việt xa xứ “qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi” mà cuối cùng không thể “trở về quê mình, làng mình” được.

Câu trên có hai nghĩa. Nghĩa đen là những người Việt ở hải ngoại không thể trở về được quê hương. Chuyện xẩy ra cho thấy những người Việt ở hải ngoại đã trở về nước, trở về đường hoàng, trở về và được đồng bào trong nước chào đón, quí mến. Không những chỉ trở về nước, người Việt hải ngoại còn trở về nước quá nhiều, quá đông, quá tưng bừng, quá dzui dzẻ, quá săng phú bọn cộng sản cầm quyền. Nhiều người Việt ở Mỹ về chơi Hà Nội, không thấy một ai trở về Mỹ kể chuyện họ đến thăm Lăng ông Hồ chí Minh. Sự có mặt của họ trong nước là bằng chứng cho nhân dân thấy chế độ dân chủ đi với chủ nghĩa tư bổn là tốt, chủ nghĩa cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa là hạng bét, là mẹc cà-đui, năm-bơ then! Tình trạng người Việt ở Mỹ về nước Việt Nam làm cho những người dân chủ-tư bổn Mỹ khoái chí nhất. Từ bao năm người Mỹ tốn bao nhiêu công sức, đổ bao nhiêu tiền của, bơ sữa vào nước Việt Nam để làm cho dân Việt biết lối sống Mỹ là tốt, ít nhất chế độ xã hội Mỹ cũng làm cho con người được no ấm, được sống thảnh thơi. Nay họ chẳng mất đồng đô-la teng nào, hàng hàng lớp lớp người Việt cứ phây phây về nước làm quảng cáo cho chế độ dân chủ của họ.
Nhưng chắc tác giả không muốn nói đến cuộc trở về theo nghĩa đen ấy, chắc tác giả muốn nói đến việc “có một số những người Việt xa xứ không bao giờ có thể trở lại là người Việt Nam”. Nhưng tại sao những người Việt ở nước ngoài lại không thể trở lại là người Việt Nam? Tất nhiên những thế hệ cháu chắt của những người Việt ra sống ở nước ngoài trong ba thập niên cuối của thế kỷ 20 sẽ trở thành công dân của quốc gia trong đó họ ra đời, quốc gia trong đó họ lớn lên. Nhưng lớp người Việt bỏ nước ra đi những năm 1980, 1990.., thế hệ người Việt như các ông Hoàng Khởi Phong, Nhật Tiến, bà Hoàng Bắc v.v... đã có bao giờ hết là người Việt Nam đâu? Và chúng tôi, những người Việt Nam phó thường dân đang sống ở Mỹ, chúng tôi vẫn là người Việt Nam, chúng tôi Việt Nam từ đầu ngón cẳng cái đến đầu sợi tóc bạc, có bao giờ chúng tôi không phải là người Việt Nam mà ông sợ chúng tôi sẽ không bao giờ có thể trở lại là người Việt Nam. Phải chăng ông muốn nói rằng “những người Việt không đầu phục bọn đảng viên đảng cộng sản sẽ không còn là người Việt Nam?” Nếu ông muốn nói như thế thì tôi chán ông quá! Bọn đảng viên đảng cộng sản mới không phải là người Việt Nam, chúng tôi là người Việt Nam, ít nhất chúng tôi cũng là người Việt Nam hơn bọn đảng viện đảng cộng sản.

Tác giả Nđhb viết trong cái gọi là “Mấy lời rào đón“: Thưa bạn đọc! Cho tôi được thưa “bạn”, tôi quan niệm đọc của nhau là bạn được rồi. Người cao niên hơn tôi, người ít tuổi hơn tôi đều được coi là bạn, bạn vong niên. Tôi thấy chữ “bạn” nó gần gũi, cổ xưa và thân thiện quá. Thật bất hạnh nếu như trên đời này ta không có bạn. Rồi tôi bỗng giật mình, chợt nhận ra rằng, biết đâu, trong tình cảnh hiện tại của người Việt Nam ta, lỡ có người giận dữ mà rằng: “Thằng Việt Cộng! Ai bạn bè với mày!” Thế là tôi chột dạ, lại phải cân nhắc sao cho phải.

Làm gì có chuyện cứ “đọc của nhau” – rõ hơn và đúng ngôn ngữ Việt Nam hơn là “đọc bài viết của nhau” – là “bạn nhau“. Còn lâu, thưa ông đạo diễn! Tôi đặt lại câu hỏi: “Anh Việt Cộng! Anh coi tôi là bạn anh hồi nào?” Khi tôi sống trong nước, có lúc nào anh coi tôi là bạn anh không? Không những chỉ không, anh còn coi tôi là thằng phản động, thằng có tội với chế độ, tôi chỉ không ưa Đảng anh vì Đảng anh đày đọa nhân dân, Đảng anh làm nhân dân đau khổ, anh bỏ tù tôi mút mùa Lệ Thủy, anh muốn tôi chết trong tù, anh bắt tôi phải nhận tôi “có tội với nhân dân, có tội với tổ quốc!” Sau bao năm tù đày tôi may mắn không chết, tôi bánh xe lãng tử sang được xứ Mỹ, người Mỹ thương hại tôi, họ cho tôi sống bình yên ở xứ họ, cho tôi sống nhờ họ, họ nuôi tôi, nuôi vợ tôi, anh theo tôi sang Mỹ và anh gọi tôi là “bạn”! Dễ và giản dị thế sao anh? Anh coi chúng tôi là thứ người gì? Anh có thể nói “bỏ tù anh đâu phải tôi!” Không phải đích thân anh thì đám anh em anh bỏ tù tôi, anh em anh là anh. Anh cướp nhà tôi, anh cho tôi vào tù, anh đuổi mẹ tôi, vợ con tôi ra nằm vỉa hè, anh hạ nhục tôi, anh bôi cứt lên mặt tôi, anh đè ngửa vợ tôi ra anh chơi, anh lột truồng con gái tôi anh hiếp, anh không cho con tôi đi học, anh đẩy con tôi sang chết mất xác ở Kam-pu-chia..! Thế rồi bi giờ ở xứ Mỹ anh hiền khô, anh gọi tôi là “bạn” anh. Anh tử tế quá anh. Và anh chờ đợi tôi lỏn lẻn nhận anh là “bạn” tôi? Thưa anh Việt Cộng, anh có điên không anh? Nếu anh không điên, tôi sợ anh ngu. Trước khi anh bả lả, anh òn ỉ với người nào, anh cũng phải nhớ xem anh từng đối xử với người ta ra làm sao chứ! Tôi sẽ xấu hổ lắm nếu tôi có người đảng viên đảng cộng sản là bạn.

“Thật bất hạnh nếu như trên đời nay ta không có bạn...” Đúng vậy, thưa ông đạo diễn. Thường thì lý do làm ta không có bạn là vì ta đểu quá, ta ăn ở chó má quá nên người ta không ai thèm làm bạn với ta. Ông viết như thế có sợ bọn đầu xỏ Cộng chúng nó nghĩ ông chửi xéo chúng nó không? Khi những ngụy bạo quyền cộng sản các nước Đông Âu theo nhau xuống cống, khi tượng Thánh tổ Lê-nin bị người Nga tròng xích sắt vào cổ, kéo ra cho nằm ở bãi rác, khi vợ chồng Chủ Tịt Sô-xét-cu xứ Ru-ma-ni bị dân Lỗ kê súng vào đầu bắn bỏ, khi “đồng chi Hô-nách-cơ vĩ đại” của bọn cộng Hà Nội bỏ đảng chạy lấy người, khi Chủ Tịt Na-dzi-bu-la xứ A-gha-ni-tan bị lôi ra treo cổ.., tôi nghĩ đến chuyện như thế này là anh Thiến Heo kiêm Hoạn Lợn Đỗ Đít hết chỗ đi chơi rồi! Trên trái đất chỉ còn loe nghoe, leo heo mấy nước còn bọn cộng sản cầm quyền: bọn Tầu Cộng thì ghét cay, ghét đắng bọn Việt Cộng, hai thằng từng đánh nhau thằng hộc máu mồm, thằng sồm máu mũi, Miên Cộng, Lào Cộng không ưa Việt Cộng, Bắc Hàn Cộng không có tình nghĩa gì với bọn Bắc Việt Cộng, Bắc Việt Cộng chỉ còn có Cu Ba là bồ tèo. Mà Cu Ba thì đói dzài, đói dzẹt, đói teo… Cu..Ba, teo luôn Cu Bốn, Cu Năm, Cu Cộng nào cũng teo ráo trọi. Bắc Việt Cộng nhẵn thín không còn có bạn!

Nhà đạo diễn viết trong “Mấy lời rào đón“: Trên tay quí vị và bạn đọc không phải là một cuốn sách. Chắc chắn là như vậy, chứ chẳng vì khiêm tốn giả vờ. Nói đến sách, người ta thường chờ đợi trong đó: tri thức, văn chương, tư tưởng hoặc học thuật.
Từ đầu năm 2001 một số nhà nghiên cứu người Việt, người Mỹ đã động viên tôi và viết thư giới thiệu tôi với Trung Tâm William Joiner để tôi có thể tham gia viết một cái gì đó. Quả thực là bởi nhiều lẽ, tôi rất ngần ngại. Sau rồi, nghĩ lại, không đi thì tiếc, cuối cùng tôi cũng đã có mặt trên đất Mỹ dài dài. Tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người, tới trên hai chục trường đại học và thành phố thuyết trình, hội thảo và chiếu mấy bộ phim tài liệu của chúng tôi đã làm. Rồi công việc đưa đẩy, tôi lui tới nước Mỹ nhiều lần, bay trên ba chục chuyến bay trong nội địa nước Mỹ. Tôi thấy được nhiều điều và cũng vỡ ra được nhiều điều. Nếu bén gót được đệ tử, cháu chắt cụ Nguyễn Tuân thì tôi có thể dám viết một cuốn sách với tựa đề “Nước Mỹ rong chơi”. Viết được thế mới sướng. Nhưng tôi đã lỡ theo cái nghiệp, cái cách làm phim tài liệu và chỉ có cái nhìn rất hạn hẹp, rất mộc mạc của người làm phim tài liệu.
(…..)
Bởi vậy, đây thuần túy chỉ là những ghi chép thô sơ từ cuộc sống, từ công việc của tôi cùng với những ý kiến đóng góp, trao đổi trong tình thân của một số quí vị mà tôi được coi là bạn.
Vậy, nếu ai muốn tìm kiếm những điều cao siêu về tư tưởng, văn chương hoặc soi mói những điều kém cỏi về lập trường, quan điểm xin hãy bỏ qua, đừng đọc tiếp.

Quyển sách là quyển sách, chỉ có chuyện nó là quyển sách hay hay nó là quyển sách dzở. Nếu “Nếu đi hết biển” không phải là quyển sách thì nó là cái gì? Chúng tôi, một số người Việt tị nạn cộng sản sống ở Mỹ, nếu chúng tôi đọc “Nếu đi hết biển“thì không phải để tìm trong đó những điều cao siêu về tư tưởng, văn chương, mà là vì trong đó các anh nói với nhau về chúng tôi, chúng tôi đọc để xem các anh nói với nhau những gì về chúng tôi. Anh không thể chửi bố người ta rồi trâng tráo nói không thích thì đừng nghe, anh không thể viết chửi mẹ người ta rồi lởm khởm bảo người ta đừng đọc.
Và “Rong chơi nước Mỹ” có lẽ đúng tiếng Việt hơn là “Nước Mỹ rong chơi”. Nhưng thôi, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ ấy, chúng ta hãy xem những người bạn của tác giả Nđhb nói những gì về chúng ta.

Trong những nhà văn, những nhà tư tưởng sâu sắc kiêm bạn hữu của tác giả Cán Cộng Trần văn Thủy Nđhb, hình như, chỉ có ông Cao Xuân Huy là người có qua mấy năm tù cải tạo, còn tất cả đều không ai phải qua một ngày tù đày nào ở quê nhà; ông Hoàng Khởi Phong chạy thoát trước ngày 1 tháng Năm 1975, các ông bà khác đều là thuyền nhân vượt biển đến Mỹ. Hai ông Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến vượt biên nhưng giờ đây đã có tác phẩm tiểu thuyết được ấn hành và bán ở trong nước. Và theo lời tác giả Nđhb, tất cả các ông bà ấy đều là bạn của tác giả. Khi đã là bạn nhau người ta thường không nói với nhau những chuyện có thể làm mất lòng nhau. Muốn biết sự thật về một cộng đồng người, huỵch toẹt là muốn biết người ta nghĩ gì về mình, về phe đảng mình, mà chỉ hỏi những người bạn mình thì chán chết. Không những chỉ chán mà đó còn là việc làm ngớ ngẩn. Đại đa số người Việt ở Mỹ căm thù cộng sản, muốn thấy nước nhà thoát ách cộng sản cầm quyền, người dân được hưởng tự do, dân chủ, tìm hiểu tâm trạng những người đó mà lại đi hỏi những người có cảm tình với cộng sản thì hỏi làm quái gì cho mất thì giờ! Anh có thể nói “Tôi thích hỏi ai tôi hỏi. Anh không có quyền bắt tôi phải hỏi người này, không được hỏi người kia!” Đúng dzậy. Tôi cũng có quyền nói: “Muốn biết tâm trạng chúng tôi, muốn biết tại sao chúng tôi căm thù cộng sản, tại sao chúng tôi không muốn thấy bọn đảng viên cộng sản theo chúng tôi đến xứ Mỹ, tại sao chúng tôi không ưa bọn bám đít cộng sản, sao anh không hỏi thẳng chúng tôi? Sao anh không phỏng vấn những người của chúng tôi như Doãn Quốc Sĩ, Võ Phiến, Nguyễn Văn Chức? Sao anh không hỏi Xuân Vũ – anh đến Mỹ từ năm 2001, Xuân Vũ mới qua đời tháng 12, 2003 – anh có thể hỏi Xuân Vũ “Anh viết Đường đi không đến.. Tháng 5, 1975, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn của chúng tôi nói “Chúng ta đã đi và chúng ta đã đến”. Bây giờ anh nói sao? Chúng tôi đến hay chúng tôi không đến?” Sao anh không hỏi Nguyễn Chí Thiện: “Sống ở Mỹ sáu, bẩy năm rồi, anh đã làm được những gì ở Mỹ, anh có hối tiếc đã bỏ nước ra đi không, bây giờ anh nghĩ gì về những người cộng sản chúng tôi, bây giờ anh muốn đất nước mình sẽ như thế nào? Anh có muốn về nước không?” Sao anh không hỏi hai bà chủ báo của chúng tôi là bà Nhã Ca và bà Hoàng Dược Thảo? Tôi chắc hai bà chủ báo ấy sẽ nói với anh nhiều điều có ích cho anh hơn. Giản dị nhất và hay nhất, hợp lý nhất là sao anh không gặp, không hỏi ngay ông Nguyễn Hữu Luyện, người đứng đơn kiện Trung Tâm William Joiner? Sao anh không hỏi ông Luyện một câu cần hỏi như “Sao ông chống Trung Tâm William Joiner?” Muốn “hòa giải” với những người chống mình thì việc cần làm, việc phải làm là nói chuyện ngay với những người chống mình, muốn “hòa giải” với những người chống mình mà lại chỉ lẹo tẹo hỏi chuyện những người bạn mình thì hỏi làm quái gì cho mất thì giờ! Theo tôi, câu anh cần hỏi nhất là “Các anh muốn những người cộng sản chúng tôi làm những gì để các anh có thể hợp tác với chúng tôi trong việc đem hạnh phúc đến cho nhân dân ta?” Đến Mỹ, anh có thể ngỏ ý muốn gặp ông Nguyễn Hữu Luyện, ông Nguyễn Chí Thiện, gặp để nói chuyện. Như thế mới là chuyện đối thoại có ích. Nếu hai ông kia không chịu gặp anh, anh có quyền nói: “Hai ông ấy không dám gặp tôi.”

Thưa ông đạo diễn Trần văn Thủy, ông sang Mỹ, ông đi chỗ nọ, chỗ kia bằng tiền của Trung tâm William Joiner, quyển “Nếu đi hết biển” được in ra bằng tiền của Trung tâm William Joiner, xin ông cho biết quyển ấy có được phát hành trong nước Việt Nam bị bọn cộng sản cầm quyền hay không? Hay quyển ấy chỉ được bán ở Mỹ? Nếu quyển ấy được in ra chỉ cốt để cho người Việt ở Mỹ đọc thôi thì thưa ông, tôi thấy có thể là ông đã làm phí một khoản tiền của Trung tâm William Joiner. Trong “Nếu đi hết biển” không có chuyện gì về đám người Việt ở Mỹ chúng tôi mà chúng tôi chưa biết. Chỉ là những lời sỉ vả, nhiếc móc, rè bỉu, những lời khinh bỉ chúng tôi đầu óc chật hẹp, ngu xuẩn, thua, bỏ chạy mà không biết thân, vẫn hung hăng con bọ xít la hét đả đảo cộng sản, cũng chỉ là những lời chê chúng tôi nhỏ nhen, chia rẽ, ghen tị, chụp mũ, vu cáo. Không oan, thưa ông, quả thật là chúng tôi có những cái tật tồi tàn như thế. Chúng tôi vẫn thường tự sỉ vả chúng tôi về những cái tật hèn mọn ấy. Nhưng hình như không chỉ riêng chúng tôi tệ mạt như thế mà dân tộc nào cũng có những cái tật nhỏ nhen, ti tiện, vu cáo, ghen tị, chia rẽ, đểu cáng.. Nhiều dân tộc còn đểu, còn khốn nạn hơn chúng tôi. Chắc ông cũng biết chuyện sau khi bọn cộng sản mất quyền, những kho hồ sơ mật ở Nga, ở Đức Cộng được khui ra, có những vụ bạn hữu, anh em, vợ chồng tố cáo nhau, vu cáo nhau là phản động, có những người đi tù mút chỉ cà tha, những người chết thảm trong tù vì bị bạn, bị chồng, bị vợ tố cáo với bọn mật vụ. Chúng tôi biết chúng tôi có những cái xấu đó, nhưng chúng tôi có cái hay là chúng tôi chống Cộng sản; là nạn nhân của bọn cộng sản, chúng tôi căm thù chúng, ra xứ người ba mươi mùa tuyết rơi rồi chúng tôi vẫn không nguôi lòng căm thù bọn cộng sản, chúng tôi kiêu hãnh vì tính chất không thay đổi ấy của chúng tôi.

Chúng tôi căm thù bọn cộng sản không phải chỉ vì những đau khổ cá nhân mà chúng tôi phải chịu, chúng tôi căm thù chúng vì chúng đày đọa đồng bào của chúng tôi, chúng tôi phải đuổi chúng ra khỏi chính quyền vì chúng còn cầm quyền ngày nào là nhân dân chúng tôi còn khổ ngày đó, chúng tôi không thể hợp tác với chúng vì chúng không hợp tác với chúng tôi, chúng bắt chúng tôi phải đầu phục chúng, mà chúng thì đã thất bại thê thảm trong việc mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Thực ra bọn cộng sản chưa lúc nào nghĩ đến chuyện mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng đó là một đề tài khác.

Hoàng Hải Thủy

https://hoanghaithuy.wordpress.com/2008/01/16/d%E1%BB%8Dc-n%E1%BA%BFu-di-h%E1%BA%BFt-bi%E1%BB%83n/


Đăng ngày 12 tháng 12.2022