Bừng con mắt dậy

Nguyễn Ngọc Hoa

Lời giới thiệu: Trong mục “Sổ Tay Thường Dân”, tác giả Tưởng Năng Tiến đã kể dăm câu chuyện về Tổng Bí Thư CSVN Trường Chinh, cả đời dẫn dắt dân tộc đi vào con đường tan tác, mê muội, và chợt tỉnh ngộ lúc cuối đời. Nhưng chưa làm được gì thì từ trần.
Trong câu chuyện sau đây, tác giả Nguyễn Ngọc Hoa, một kỹ sư hồi hưu, hiện sống ở North Dakota có đôi nét dính dáng đến Trường Chinh và những người “trí thức” miền Nam, những kẻ từng bán đứng miền Nam cho cộng sản, và lắm người chưa “tỉnh giấc Nam Kha”…

***
Bốn năm sau khi rời trại tỵ nạn Trại Pendleton, mùa thu năm nay (1979), tôi trở lại nam California lần đầu tiên để dự khóa học ngắn về kỹ thuật điện toán tổ chức tại khách sạn Hilton ở Los Angeles. Chiều thứ Sáu, khóa học kết thúc, tôi xách va-li bước ra lobby (căn phòng lớn dùng làm phòng khách của khách sạn) và thấy Ngân bạn tôi ngồi đợi. Ngày ở Sài Gòn, Ngân học Ðại học Khoa học, đỗ cử nhân hóa học, và mở trường dạy luyện thi tú tài và thi tuyển vào đại học chuyên khoa. Ngân cười tươi:
- Hôm nay vợ và hai con em tao trổ tài nấu nướng đãi mày với thằng Bào. "Thằng khỉ" đó vừa từ Galang qua đây tuần trước.
Trại tỵ nạn Galang do Liên Hiệp Quốc điều hành nằm trên đảo Galang thuộc quần đảo Riau của Nam Dương.
- Thằng Bào luật sư ăn nói khéo léo và giỏi xoay xở, tao biết thế nào nó cũng thoát ra khỏi Việt Nam, bây giờ kêu là "vượt biên". Có vợ con nó không?
- Tại thiếu địa (tiền), đúng hơn là thiếu vàng, mua chỗ nên chỉ mình nó đi, vợ và đứa con trai ba tuổi ở lại.
Bào đưa cả hai tay ôm chặt tay tôi.  Khuôn mặt hốc hác và thân hình còm cõi, nhưng tiếng cười giòn giã và giọng nói oang oang của người bạn cũ vẫn như trước:
- Ba Hoa ơi hỡi Ba Hoa! Thế còn chị "Chích Chòe" đâu?”
- Bà xã để ở nhà, cõng theo làm gì cho bận bịu chân tay.
Tôi quay sang các bạn khác:
- Bà con ơi, thằng này là thầy kiện mồm loa mép giải, nhưng ăn nói đâu ra đó, không một tấc lên tới trời như bọn Việt Cộng đâu. Bào à, mày kể tiếp chuyện vượt biên cho tao nghe ké với.

“Tôi ra đi cùng với 41 người khác trên chiếc thuyền dài 16 mét có 15 phụ nữ từ 13, 14 tuổi đến khoảng tứ tuần và năm trẻ em dưới 12 tuổi.  Vừa ra tới ngoài khơi là nguy khốn bắt đầu: Thuyền gặp bão dữ, hư máy, và trôi vô định. Rồi chiếc thuyền chở đầy hải tặc Thái quấn xà-rông xuất hiện, thằng nào cũng có vũ khí. Chúng bắt già trẻ lớn bé cởi hết áo quần đứng trần như nhộng để lục xét tìm vàng, ra lệnh cho đàn ông ở lại thuyền, và lùa phụ nữ còn trẻ lên thuyền chúng và cưỡng hiếp 5 ngày liền trước khi thả chúng tôi đi”, Bào rưng rưng nước mắt thuật lại khổ nạn tiếp theo của đám “thuyền nhân".
"Ba ngày sau lại gặp toán hải tặc khác. Thuyền không còn gì đáng giá để cướp, đàn ông bị đánh đập túi bụi, và ai có răng vàng đều bị đè ra cạy nhổ lấy vàng. Phụ nữ lại bị bắt sang thuyền hải tặc và hiếp dâm như trước, lần này chúng bắt cả trẻ em mang theo.  Một ngày sau, toán hải tặc thứ ba xuất hiện và đòi chia “chiến lợi phẩm". Hai toán gầm gừ đánh nhau, và hai hôm sau, tất cả bọn chúng đột ngột biến mất trong đêm tối cùng với đàn bà và trẻ em đã bị bắt.
Nỗi tuyệt vọng của những thuyền nhân còn lại lên tới mức tột cùng khi họ thấy một chấm đen ở chân trời lớn dần tiến lại gần thuyền. Hải tặc lần thứ tư, chỉ có nước chết! Nhưng khi chiếc thuyền kia lại gần, họ thấy những người thân yêu đang trở về.  Khi nhận ra mình bị bắt đem đi và sẽ không bao giờ gặp lại người thân, các phụ nữ đã can trường phản đối và đòi nhảy xuống biển tự trầm.  Bọn man rợ chịu nhường bước và chở họ trả về".
Bào cầm lon bia uống một hơi, mắt nhắm nghiền như để xua đuổi nỗi kinh hoàng,
“Con thuyền lại lềnh bềnh trôi. Không có thức ăn trong nhiều ngày và nước uống rất hạn chế, mọi người thoi thóp nằm yên một chỗ và bắt đầu nghĩ tới chuyện ăn thịt người để sống.  May có một chiếc tàu buôn Anh chạy qua, dừng lại cho thức ăn và nước uống, giúp sửa máy thuyền, cung cấp dầu, và chỉ đường chạy tới Galang".

- Phù…ù…ù, rốt cuộc mày đến bờ tự do? Tôi thở ra một tiếng dài.
- Trong trại, túp lều tao ở nằm cạnh lều một gia đình người Nam 5 người, lớn tuổi nhất là ông Trương khoảng ngũ tuần, chững chạc, và rất kín đáo. Không người nào hé môi lộ ra tông tích gốc gác của mình.
- Nhưng sức mấy mà qua mặt đôi mắt tinh như cú vọ của mày, tôi mỉm cười.
Bào gật đầu:
- Làm ngành luật, tao nhận ra ông Trương là bộ trưởng bộ Tư pháp của cái phường tuồng gọi là chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam.

Trương là con thứ hai trong một gia đình Nam kỳ quý phái dưới thời Pháp thuộc có sáu cậu con trai. Mỗi cậu có riêng một a má là chị vú người Tàu đưa đón đi học và hầu hạ việc ăn mặc, tắm rửa, ngủ nghê v.v... Mỗi cậu có riêng thầy dạy kèm các môn học chính ở trường và thầy dạy âm nhạc, mỗi cậu học một loại nhạc khí riêng. Ngoài ngôi nhà chính ba tầng trên đường d"Espagne (Lê Thánh Tôn bây giờ) giữa trung tâm Sài Gòn, cha mẹ Trương có đồn điền cao su ở Thủ Dầu Một (Bình Dương), nhà in tại Sài Gòn, nhà nghỉ mát ở Ðà Lạt, và biệt thự mùa đông ở Cap Saint-Jacques (Vũng Tàu). Cha Trương là giáo sư trung học dạy ở trường Chasseloup Laubat (sau này gọi là Jean-Jacques Rousseau), nhưng dạy lấy tiếng chứ tiền lương chỉ là phụ.
Anh em Trương học trường dành cho trẻ em Pháp. Lúc đầu bị bọn bạn học người Pháp gọi nhạo là nhaque (đọc là “nhác-cờ,” do chữ “nhà quê”) hay mite (đọc là “mít-tờ,” cách nói tắt khinh miệt của chữ “annamite” người Pháp dùng chỉ người Việt), cậu Ba Trương thấy khó chịu, nhưng rồi cũng quen và nhập tâm bài học lịch sử vỡ lòng, “Tổ tiên ta là người Gaulois". Năm Trương 13 tuổi, cha cậu quyết định “Lớn lên con sẽ làm dược sĩ.  Anh con làm bác sĩ, em kế con chủ nhà băng, và ba em sau kỹ sư".

Tháng Ba năm 1946, trước khi Trương lên đường sang Pháp du học, cha Trương làm lễ đính hôn cho cậu và ý trung nhân là con gái của một bác sĩ và điền chủ giàu có ở Bến Tre và cũng là bạn thân của ông. Sang Paris, Trương được nhận vào ở trong đại học xá sinh viên Ðông Dương. Cùng thời điểm đó, Hồ Chí Minh ăn dầm ở Paris chờ thương thảo về đề nghị cho Việt Minh (Việt Nam) độc lập trong Liên hiệp Pháp, hội nghị diễn ra tại Fontainebleau cách Paris chừng 60 km về hướng đông nam.  Nhờ vậy, Trương gặp ông Hồ hai lần.  Lần đầu, ông cho mời cả nhóm sinh viên Việt Nam trong đại học xá đến họp chung và lần sau chỉ mời hai đại diện sinh viên người Nam đến “dùng trà với bác Hồ”, Trương là một trong hai sinh viên được đề cử đi. Với dáng điệu và cử chỉ của một chính trị gia xảo hoạt bậc nhất thế giới, ông Hồ hớp hồn chàng sinh viên 23 tuổi bằng những khẩu hiệu nghe rất kêu như "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Chúng ta phải chống giặc ngoại xâm, chống giặc đói, chống giặc dốt" v.v...

Hội nghị Fontainebleau tan vỡ, nhưng lần gặp gỡ ông Hồ đã thay đổi toàn diện ước vọng về tương lai của Trương. Trương bỏ ngành dược, học chính trị học ở Học viện Khoa học Chính trị, một grande école người Pháp gọi là “Sciences Po,” và cùng một số sinh viên Việt Nam đi biểu tình và vận động ủng hộ cuộc chiến đấu chống Pháp của Việt Minh. Cha Trương giận dữ khi được tin Trương không tuân lời về việc học hành và dính dáng vào chuyện chính trị, nhưng quyết định dùng mật ngọt để khuyến dụ: Ông sui gia (tương lai) đưa vị hôn thê của Trương sang Paris, dắt hai người đi du lịch một vòng quanh Pháp, Ý, và Thụy Sĩ, và trở về làm lễ cưới theo nghi thức hành chánh tại quận đường Quận 12, đồng thời với lễ gia tiên của hai gia đình cử hành tại Sài Gòn.
Kế sách của hai người cha đưa lại kết quả trái ngược. Không những Trương không đổi ý hướng mà còn dẫn dắt vợ vào con đường của mình. Khi hội Người Việt Ðoàn kết cử vợ Trương dâng hoa cho vợ Tổng thư ký đảng Cộng sản Pháp, bà này cũng là ủy viên trung ương đảng, hai ông già hết chịu đựng nổi bèn ra lệnh cho vợ chồng Trương phải về nước. Trương cương quyết ở lại và để vợ về một mình, lúc ấy cô mới 20 tuổi và mang thai sáu tháng. Hai ông già quyết liệt hơn, cắt đứt tiền bạc cấp dưỡng, và buộc cô vợ trẻ ký giấy ly dị. Lần đầu tiên trong đời, Trương phải tự kiếm sống, rửa chén và gọt khoai cho nhà bếp đại học xá.

Năm 1951, Trương tốt nghiệp cao học chính trị học và ghi danh học luật ở Ðại học Paris. Cuối năm, Trương bất ngờ nhận được thư cha gọi về Sài Gòn giúp ông gầy dựng lại cơ sở kinh doanh bị chiến tranh tàn phá để giúp anh và các em tiếp tục việc học. Ðể tránh lệnh động viên của chính phủ Quốc gia Việt Nam, Trương xin đi dạy ở Châu Ðốc và được bổ làm giáo sư chính ngạch rồi kết hôn với em gái bạn đồng nghiệp. Vợ Trương sinh con gái đặt tên Loan. Ðể tránh lệnh trưng binh khẩn cấp vì chiến tranh lan rộng, Trương xin gia nhập Hải quân và được nhận vào trường Tiếp liệu Hải quân Pháp ở Toulon. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Trương tốt nghiệp sĩ quan và xin giải ngũ.

Trương về nước với chí hướng quyết liệt chống đối phe Quốc gia là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (“VNCH”). Nhờ bằng cấp cao, liên hệ bạn bè thời Chasseloup Laubat, và thế lực gia đình, Trương được trọng dụng làm Tổng thanh tra Việt Nam Kỹ Thương Ngân hàng và sau đó Tổng giám đốc Công ty Ðường Việt Nam, một công ty hàng quốc gia. Trong lúc Trương ngầm câu kết với các tổ chức Cộng sản trong bóng tối, con gái là Loan lại học cùng lớp với con gái Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, thường vào dinh Ðộc Lập ăn cơm tối và ngủ lại đêm, và được ông bà Thiệu yêu thương như con.

Tháng Sáu năm 1966, hành tung bị bại lộ, Trương bị cơ quan an ninh VNCH bắt giữ. Nhờ Việt Cộng bí mật điều đình với tòa Ðại sứ Hoa Kỳ, Trương và hai tù nhân chính trị khác được trao đổi với ba quân nhân Mỹ bị Việt Cộng bắt. Thế là Trương ra bưng hoạt động hẳn cho phe Cộng sản. Sau khi Trương bị bắt, ông Thiệu dịu dàng kéo Loan ra một bên “Con yên tâm, ba con với tonton là kẻ đối nghịch. Nhưng con là con cháu nhà này, chuyện kia không ăn nhằm gì cả".
“Tonton” tiếng Pháp là “chú, bác, cậu” khi xưng hô thân mật.  Sau đó, bà Thiệu bảo trợ cho Loan đi Hoa Kỳ du học.  Ngày 8 tháng Sáu năm 1969, Hà Nội đưa ra trình làng con múa rối đặt tên là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam (CMLTCHMN) để mà mắt thế giới, và Trương được phong chức Bộ trưởng bộ Tư pháp cho đủ lệ bộ.

Mãi đến 6 năm sau, trong cuộc diễn binh mừng chiến thắng chiếm trọn miền Nam của Việt Cộng, Trương mới mở mắt nhận ra thực chất của CMLTCHMN. Trên khán đài dựng lên trước dinh Ðộc Lập (mới đổi tên thành Thống Nhất), chủ tịch đoàn gồm lãnh tụ ngoài Bắc vào và những nhân vật quan trọng khác đứng duyệt khán các đơn vị quân đội diễn hành. Bộ binh, chiến xa, pháo binh và hỏa tiễn phòng không v.v... với cờ đỏ sao vàng miền Bắc lần lượt đi qua. Gần tàn buổi lễ mà không thấy các “đại đơn vị” và lá cờ hai màu xanh đỏ của CMLTCHMN đâu cả, Trương nghiêng vai hỏi Tướng Văn Tiến Dũng chỉ huy quân đội đứng bên cạnh:
- Các Sư đoàn 1, 3, 5, 7, và 9 của tụi tui đâu?
- Mấy thứ đó hả? ông tướng đưa mắt nhìn Trương và không đắn đo:
- Quân đội thống nhất rồi.
Rồi quay đầu nhìn xuống đường với khoé môi trề xuống tỏ vẻ khinh miệt.

Khi vở kịch CMLTCHMN đến lúc hạ màn, Trương ra Hà Nội dự lễ phê chuẩn văn kiện “thống nhất nước nhà về mặt nhà nước» chính thức chấm dứt tấn tuồng lừa đảo này. Trong buổi tiếp tân, có người vỗ vai, Trương quay lại thấy Trường Chinh chủ tịch Quốc hội miền Bắc? ông ta trừng mắt hỏi xách mé:
- Ðồng chí là ai mà trông quen quen?
Trương ngớ người bối rối. Mới bảy tháng trước, ngay tại sảnh đường này, chính đồng chí lãnh đạo này đã ôm hôn chào mừng líu lo và chiêu đãi rộn ràng Trương và toàn bộ Chính phủ CMLTCHMN. Trương ấp a ấp úng:
- Tui là Bộ trưởng bộ Tư pháp miền Nam.
- Thế à? Mắt Trường Chinh sáng lên khoái trá:
- Ðồng chí tên gì, bây giờ làm gì”

Trương tỉnh mộng hoàn toàn, cưới cô vợ mới, và cậy nhờ người em cột chèo dự trù kế hoạch vượt biên. Cuối tháng Tám năm 1978, vợ chồng Trương theo gia đình người em đó lên ghe đánh cá đi từ Long Xuyên đến trại tỵ nạn Galang. Sáu tháng sau, sang Pháp định cư và sống đời lưu vong. Ba mươi năm “làm cách mạng” của Trương rốt cuộc chỉ là "Giấc Nam kha khéo bất bình, bừng con mắt dậy thấy mình… thuyền nhân".

Nguyễn Ngọc Hoa
Nguồn: Internet

  Đăng ngày 24 tháng 10.2022