banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Người Việt Nam say sưa nhậu

ai được lợi và cái hại có ai lo?

Tidoo Nguyễn



“…Khi vũ trụ lên đèn
Thành phố ngả nghiêng men rượu say mèm…”.
Đây là một phần lời của bài hát “Thành phố sau lưng” của nhạc sĩ Hàn Châu.
Rượu nấu từ gạo hoặc nếp đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu đời. Tuy nhiên, ngày xưa người Việt thường dùng rượu để tế lễ, dâng trên bàn thờ và chỉ uống rượu trong ngày vui (ngày Tết, đám cưới) hoặc ở miền Nam, thường uống rượu trong đám giỗ (một dịp tụ họp bà con và chòm xóm).
Còn trong 5 năm trở lại đây, các quán nhậu “mọc lên” khắp hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn, không chỉ vùng ngoại ô mà ngay
tại khu trung tâm. Từ “nhậu” ở Việt Nam được hiểu là vừa ăn “mồi” (thức ăn) vừa uống bia, rượu…
Ai bảo rượu bia có hại cho sức khỏe?
Sắp Tết rồi các bạn nghĩ dân VN có bỏ được thói rượu bia?


“1,2,3,dzô dzô dzô!”- Nữ giới Việt tham gia nhậu đang tăng

Dzô! Một biểu tượng kết đoàn
Người Việt đang nhậu mọi lúc mọi nơi
Người Việt nhậu mọi lúc mọi nơi kể cả phi trường, bệnh viện hay nghĩa trang. Những người đưa tiễn thân nhân đi nước ngoài ở ga quốc tế Tân Sơn Nhất có thể bày “bàn nhậu” ở góc sân. Những người đi nuôi bệnh có thể bày “bàn nhậu” ngay trên ghế đá trong khuôn viên bệnh viện. Thậm chí có những cư dân rủ nhau nhậu trong nghĩa trang, còn những người vô gia cư nhậu ở gầm cầu… Ai muốn tiện nghi thì vào nhà hàng có trang bị máy điều hòa để nhậu.
Những quán nhậu ven đường thường “dùng” vỉa hè để đặt bàn ghế cho khách và chiếm dụng một góc đường phía đối diện làm
“bãi đậu xe”. Có những quán nhậu hoạt động tới sáng, còn đóng cửa sớm nhất cũng sau 1 giờ sáng. Từ 20 giờ đêm mỗi ngày,
các quán nhậu bắt đầu đông khách.
Khẩu hiệu của dân nhậu là “1,2,3 dzô dzô dzô!” mỗi lần cùng nhau nâng ly và cùng la lớn “Dzô 100%”.
Đối với một số đàn ông Việt Nam, một cuộc chơi trọn vẹn gồm ba tăng. Tăng một là nhậu, tăng hai là hát karaoke, tăng ba là vào nhà nghỉ với các em gái xinh đẹp (xuất hiện bất chợt hoặc đã đặt trước). “Tăng ba” có khi là “món quà tặng đối tác hoặc quan chức” để đổi lấy hợp đồng hoặc giấy phép.

Số người trẻ Việt Nam uống rượu bia ngày càng tăng
Theo báo cáo Tiêu thụ bia toàn cầu theo từng quốc gia của Kirin Holdings (Nhật Bản), Việt Nam tiêu thụ bia đứng hàng thứ 9 trên thế giới với tổng lượng tiêu thụ bia chiếm 3.845.000 lít vào năm 2020.
Ở Việt Nam, pháp luật không giới hạn độ tuổi của người mua bia, rượu, vì vậy bất kỳ ai cũng có thể mua được bia, rượu tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi 24/24 hay tiệm tạp hóa.
Tại hội nghị cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường, do Bộ Thông tin Truyền thông và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế Việt Nam) phối hợp với Tổ chức HealthBridge tổ chức trong ngày 4/7 - 5/7/2022, có nhiều số liệu đưa ra cho thấy mức tiêu thụ rượu, bia ở người từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam đang tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2005, mức tiêu thụ là 2,9 lít cồn nguyên chất/người/năm, thì đến năm 2018 và 2019, con số này đã tăng lên 7,9 lít.
Theo Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 cho thấy có tới 64% nam giới và 10% nữ giới hiện uống rượu bia suốt 30 ngày. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại.
Tỷ lệ sử dụng rượu bia ở thanh thiếu niên nam giảm nhẹ nhưng tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nữ lại tăng. Theo điều tra sức khỏe học sinh trường học 2019, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở trẻ vị thành niên nam (13-17 tuổi) là 24,6% (giảm so với 33,2% năm 2013) và ở nữ là 20% (tăng so với 17,6% năm 2013). Trong đó, tỷ lệ đã từng uống say ở cả vị thành niên nam và nữ đều ở mức cao với 22,1% ở nam và 19,3% ở nữ.
Cũng trong hội nghị này, Cục Y tế dự phòng cho biết, trong số 548.000 ca tử vong/năm ở Việt Nam thì nguyên nhân liên quan đến rượu bia lên tới 40.800 ca (7,5%). Rượu, bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam.


Quán nhậu trên đường Trường Sa, quận Bình Thạnh hầu như lúc nào cũng đông nghẹt khách, kể cả tối  ngày thường

Tại sao người Việt thích nhậu?
Đa phần những người có thói quen nhậu cho rằng phải nhậu để tạo mối quan hệ hoặc giữ mối quan hệ. Họ thường đem công việc làm ăn lên bàn nhậu để bàn bạc vì khi nhậu người ta dễ nói chuyện với nhau hơn. Tôi từng chứng kiến một đồng nghiệp nữ (làm việc tại công ty nước ngoài) vì muốn bán được hàng cho đối tác người Việt phải “nốc” cạn nhiều ly bia với đối tác nam. Cô ấy thường khoe sau mỗi cuộc nhậu sẽ bán được nhiều hàng hơn, tức tiền lương sẽ cao hơn.
Hiện nay các công ty trong nước hay nước ngoài tuyển dụng nhân viên kinh doanh (salesperson), ngoài các yêu cầu về bằng cấp, kinh nghiệm còn có thêm “yêu cầu ngầm” là phải biết nhậu và có tửu lượng cao để tiếp khách. Một đứa cháu của tôi đã sửng sốt trước câu hỏi phỏng vấn của một công ty tư vấn đầu tư: “Em có biết nhậu không? Tửu lượng uống được bao nhiêu?”.
Để công việc suông sẻ, thu nhập cao hơn, giới trẻ giờ đây cũng tập tành nhậu. Việc tụ tập bên bàn nhậu sau giờ làm việc hoặc cuối tuần đối với giới trẻ vừa là cách để giải trí, vừa chứng tỏ bản thân.


Một quán bia có máy điều hòa trên đường Trường Sa, quận Phú Nhuận

Ai có lợi trong việc người Việt tiêu thụ bia rượu?
Dĩ nhiên, người thu lợi hàng đầu vẫn là các công ty bia rượu vì nếu không có lợi thì họ đã không sản xuất bia rượu.
Kế đến nhà nước là người thu lợi thứ hai. Trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020 của Tổng cục Thuế, công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam đứng thứ 9.
Cụ thể, công ty này đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp 997 tỷ đồng năm 2020, 756 tỷ đồng năm 2021 và ước tính 810 tỷ đồng năm 2022.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn thói quen nhậu tràn lan của người Việt, vừa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nòi giống vừa gây hại cho cộng đồng, chính phủ Việt Nam cần áp dụng luật cấm bán và tiêu thụ đồ uống có cồn (bia/rượu) đối với người dưới 18 tuổi; giới hạn khung giờ buôn bán và hoạt động bán bia/rượu của các quán ăn, nhà hàng; đề ra tiêu chuẩn kinh doanh có điều kiện trước khi cấp giấy phép kinh doanh cho các quán ăn, nhà hàng có bán bia/rượu; cấm người dân ngồi nhậu nơi công cộng như vỉa hè, lề đường, công viên, bệnh viện, phi trường…
29 tháng 9 2022
Tidoo Nguyễn
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ TP.HCM




Tôi có sai không?

Phùng Hi

Tôi băng ngang sân trường về phòng chờ uống trà. Bỗng nghe sau lưng, từ hành lang trên lầu giọng một nam sinh hét to, vọng xuống: “Ê, mày tưởng mày ngon hả mậy?”.
Chính nó, nam sinh lớp 12 khi nãy bị tôi rầy: “Trong giờ học sao lại chơi game, anh không học thì có cần ở trong lớp không?”.
Tôi không quay lại, nó hét lên lần nữa: “Ê, mày tưởng mày ngon hả mậy?”. Nó gọi tôi khiêu khích. “Mày”, tiếng xưng hô tao - mày vẫn thường nghe trong đối thoại của người Việt, nhưng gọi giáo viên “Ê, mày...” như thế nghe sốc nặng, một sự vô lễ đến kinh hoàng.
Tôi loạng choạng vì nhịp tim tăng tốc, máu chuyển hết lên đầu, cặp chân muốn khụy. Về tới phòng giáo viên, tôi run lập cập vì cơn giận muốn bung ra, mà không biết nó sẽ bung ra như thế nào.
Cái câu tôi nói “Anh không học thì có cần ở trong lớp không?” là nặng với nó sao? Tôi uống ly nước trà, bị sặc nước văng tung tóe. Tôi xử lý sao đây, nhất là trong bối cảnh xã hội đang chê giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm, dù ít ai tỏ tường kỹ năng sư phạm gồm những gì? Nhẫn nhục, mackeno... hay làm gì đây hả cộng đồng mạng?
Hay tôi gặp nó để chất vấn: “Sao em gọi thầy như thế?”. Nghe xoàng quá, mà chắc chắn nó chối phắt: “Em nói thằng bạn chớ đâu có nói thầy”.
Hay tôi gặp nó mắng: “Trò mất dạy thế à?”. Tôi tưởng tượng nó sẽ rút dao đâm tôi một nhát vô bụng, như có thầy từng bị.
Hay tôi gặp nó xáng cho một bạt tai? Tôi hình dung phụ huynh của nó kéo đến trường chấn cho tôi một cú sập sống mũi, vì có thầy từng bị.
Tôi trù dập nó không được thi tốt nghiệp? Thực chất thì nó cộng trừ số nguyên chưa rành, nó ngồi nhầm cấp học, cấp một ngồi nhầm qua cấp ba, quá đau cho giáo viên. Nhưng coi chừng tôi sẽ bị đình chỉ giảng dạy như chơi, sau khi nghe hàng loạt ngôn từ hình sự rằng cần xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội của các cấp quản lý?
Kiếm miếng cơm bằng nghề giáo nay tới lúc hiểm nguy.
Nó sẽ chối khi phụ huynh được mời đến trường để nghe sự việc. Nó sẽ chối khi ban giám hiệu can thiệp. Bỏ qua, coi như không biết ư? Ban giám hiệu cười vỗ vai tôi, thôi coi như nó kêu ai đó, tai nạn nghề nghiệp như bao nghề nghiệp. Nghĩ đến đó tôi giận run, tim đập thình thịch, mệt bã người. Cái câu “TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN” treo trang trọng kia như làm dáng, như trêu ngươi, như ngón đòn đá xéo giáo viên.
Tôi vô lớp 12 đó đến bốn lần một tuần để dạy đủ năm tiết toán. Đầu giờ nó nhìn tôi cười quái dị một lúc, rồi cúi mặt vô iPhone chơi game, hoặc ngủ, hoặc nó chọc phá các bạn và nói chuyện rất to, to hơn cả tiếng tôi giảng bài. Tôi tức ngợp khó thở, quá ngưỡng chịu đựng. Tôi không thể nào tập trung để dạy cho tốt được. Tôi ước dây thần kinh mình bằng thép.

Mấy tuần sau cứ thế. Tức đến mức ăn không ngon, ngủ mồ hôi toát ra đầm đìa, sụt cân, da xanh tái, già đi trông thấy. Vợ hỏi: “Anh có bịnh gì không, đi khám đi? Dạy có mấy đồng bạc mà lao tâm khổ tứ”. Vợ khinh tôi không biết làm ra nhiều tiền. Vợ chê tôi dạy dở nên không ai thèm tới nhà học thêm. Vợ thường so tôi với thầy dạy toán của nàng khi xưa, một ông thầy tài hoa sang trọng của một nền giáo dục vàng son. Tôi không tin, không cãi, và tất nhiên cũng không thể chia sẻ được với nàng vụ “dính đòn” quá đau lòng này.
Giữa tôi và nó đã đảo lộn quyền uy. Nó, chứ không phải tôi, mới có quyền làm gì trong lớp học. Thầy giáo nắm giữ tri thức ư? Không là cái đinh gì, xưa rồi.

Chịu không nổi nữa. Gặp nó trên hành lang, nó cười quái dị với tôi, tôi đề nghị: “Anh xuống phòng chờ của giáo viên gặp tôi một chút”. Nó hỏi xỏ lá: “Vụ gì đây?”.
Nó yên vị một ghế, tôi ngồi ghế đối diện. Nó cài kín nút cổ nhưng vết xăm trổ vẫn tràn ra, bò lên hai mang tai với ba màu đen, đỏ và chàm.
Trường không có bàn làm việc cho từng giáo viên, lý giải giáo viên đã có bàn làm việc trên lớp. Phòng chờ của giáo viên có cái bàn chung uống trà, nên mấy đồng nghiệp di tản ra ngoài.
Tôi bắt đầu, chậm rãi: “Thầy dạy đến nay hơn hai mươi năm, chưa có cái nhà cho đàng hoàng để ở. Lương bổng không nhiều nên cả xã hội coi khinh nghề giáo. Thầy cũng không tìm cách dạy thêm vì sợ các em tốn thêm tiền”. Tôi nhìn vào mắt nó thấy có chút cảm động nên không than nghèo kể khổ nữa, tôi chốt bằng câu: “Coi ra thầy cũng thuộc dạng đáng thương, đúng không? Sao em nỡ đối xử với thầy như thế?”. Tôi dùng “khổ nhục kế” và thành công, nó nhận câu hét to sau lưng tôi: “Ê, mày tưởng mày ngon hả mậy!?” là nhắm vào tôi, chứ không chối là nói thằng bạn.
Thưa các bạn Facebookers, YouTubers... vậy tôi được xem có kỹ năng sư phạm chưa nhỉ?
Tôi tiếp: “Nếu em thấy bất bình trong cuộc sống thì đừng đến trường trút vô thầy cô, tội nghiệp. Xung quanh em đó, gần nhà em đó, có kẻ làm quan cấp xã, cấp huyện lương hằng tháng thua thầy xa nhưng họ cất nhà cao cửa rộng, vợ con sung sướng chi tiêu, xe hơi đưa đón. Em có bao giờ tự hỏi tiền ở đâu họ nhiều thế? Em có dám đối mặt họ để hỏi cho ra lẽ không?”.
Nó ậm ừ xin lỗi tôi rồi về lớp.
Tôi nguôi giận vì vừa thực hiện xong ác ý, xúi nó giải quyết giúp tôi một bức xúc rằng tôi học hành đàng hoàng, chuyên môn nghiệp vụ bài bản mà đời sống cực khổ thế này.
Hôm sau vào lớp, nó không cười quái dị với tôi nữa, chỉ cúi mặt chơi game. Chắc nó nghĩ không quấy tôi dạy đã là ăn năn, là tốt lắm rồi. Nó từng trả treo với tôi: “Toán mà thi trắc nghiệm thì cần quái gì học vẫn làm được bài”.
***

Thi trung học phổ thông quốc gia nó đậu. Giấy báo gọi nó học đại học và nhiều đứa tương tự như nó, bay về trường như bướm. Nhưng - ngay tuần sau tôi nghe tin, từ làng xóm, một vụ choảng nhau ra trò. Nó cùng ba thanh niên choai choai chặn xe ông quan huyện lúc chạng vạng tối với hung khí cầm tay. Nó hỏi: “Đ.M, mày lương tháng bao nhiêu mà giàu có thế?”. Không ngờ ông quan xuất thân võ biền, trong xe còn có tài xế to khỏe, cũng xuất xứ như ông, võ nghệ đầy mình, trên xe thế nào lại sẵn cả gậy gộc. Hai đối bốn, quan huyện cùng tài xế đập cho bọn nó một trận thừa chết thiếu sống. Phần nó bị gãy chân, lại chủ mưu gây rối nên công an huyện gô cổ về đồn, rồi cho đi tù với bản án ba năm.
Giáo viên trong trường ai nấy thở phào, sướng: “Đáng đời cái thằng, nó hành hạ mình mấy năm nay”. Còn tôi, diễn tả tâm trạng thế nào nhỉ? Một chút hả dạ vì nó dám dằn mặt quan huyện, một chút sướng vì có kẻ đập nó một trận tơi bời, một chút ân hận vì xúi nó, một chút bất ngờ sao nó nghe lời mình.
Tôi có sai? Hình như sai, rồi hình như không sai? Tôi sẽ chối tội nếu ai đó biết. Tôi sẽ quẳng cái lương tâm chết bầm để ngủ yên. Tôi đè dễ dàng cái thiện lương yếu ớt, sau bao năm bị bào mòn bởi lắm thứ giả trá, dám ngóc đầu dậy.
***

Hai năm sau, tôi có việc đi lên xã vùng cao Phú Dầu, đường đi ngang qua cổng trại giam Phước Xuân. Con đường gập ghềnh đang sửa sang, chỗ đổ bêtông, chỗ làm cầu, chỗ xẻ núi... bụi mù mịt, nắng hạ chói lòa. Xe 16 chỗ dừng chỗ cây cầu tạm để mọi người xuống suối rửa mặt.
Tôi chợt thấy nó cùng đội bạn tù đang làm đường. Nó thấy tôi đến gần liền sợ sệt chỉ vào anh quản giáo, anh này đang xông đến rất nhanh.
“Đây là quản giáo của em” - nó vội nói.
“Tôi giáo viên, cậu ấy trò tôi” - tôi tự giới thiệu, rồi rụt rè năn nỉ:
“Xin anh cho tôi gặp ít phút”.
Anh quản giáo ngó tôi từ chân lên đầu, tỏ ý bực:
“Nói nhanh lên”.
Tôi quay lại đặt tay lên vai nó, người nó gầy rộc, ướt sũng mồ hôi vì nắng nóng, hỏi nhỏ: “Em có giận thầy không?”.
“Không, em hiểu ý thầy rồi, em không giận vì chuyện đó đâu” - nó cười, trả lời.
“Cực lắm không?”.
“Em hiểu ra, em lớn lên, nhiều thứ lắm. Thầy đừng nghĩ ngợi gì nhiều”.
Tôi rút ví đưa nó tờ bạc năm trăm, nó nói quản giáo không cho nhận đâu. Tôi rút thêm tờ bạc nữa lại gần anh quản giáo, làm bộ ngó xa xa chỉ tay về phía núi đồi nắng lóa: “Mong anh quan tâm, nó tuổi học trò nhỏ dại”.
Xe gọi tôi đi. Tôi vẫy tay chào nó, nó nói với theo: “Thầy ơi, giữ gìn sức khỏe nghen”.
Giọng nó nẫu rặt mà nghe thấy thương. Nhưng sao nó lại quan tâm đến sức khỏe của tôi?
Đêm ấy, tôi ngủ nhà sàn của người Ba Na, mát mẻ. Tôi nằm mơ thấy nó bị công an bắt, lại nghe nó gọi: “Thầy ơi, giữ gìn sức khỏe nghen!”.
Tỉnh giấc, tôi nghe lòng mình cay đắng.
Tôi có sai???
PHÙNG HI
Chia sẻ từ Rosa Cỏ Xanh




Con heo trong hội đồng thi

Đoàn Dự

Kỳ chấm thi tốt nghiệp phổ thông năm ấy, tôi được Ty Giáo dục tỉnh cử làm tổ trưởng Tự nhiên, trông coi việc chấm thi 3 môn: Toán, Lý hoá, Sinh vật, còn tổ trưởng Xã hội gồm 3 môn: Văn, Sử địa, Ngoại ngữ thì do giáo viên của trường khác làm. Sự thực, không phải Ty Giáo dục biết mặt, biết tên chúng tôi mà đề cử (hồi đó mới sau 75, còn gọi là “Ty” Giáo dục, sau này mới đổi thành “Sở” Giáo dục & Đào tạo), mà là do anh hiệu trường tôi được cử làm chủ tịch hội đồng giám khảo nên đề nghị ty cử tôi làm tổ trưởng Tự nhiên chứ tôi cũng chẳng có tài cán gì. Anh là hiệu trưởng từ ngoài Bắc vào, quê ở Hà Tĩnh, đã từng tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội và đi bộ đội về, đảng viên khá nhiều tuổi đảng (hiệu trưởng một trường cấp 3 tất nhiên phải là đảng viên cốt cán). Tính anh nghiêm túc , bắt các giáo viên trong trường làm việc quá chừng nên chúng tôi thường nói ngầm với nhau là anh “hắc ám” nhất trong các hiệu trưởng của 9 trường cấp 3 trong tỉnh.

Giáo viên đi coi thi thì gọi là giám thị, thuộc hội đồng giám thị. Sau đó khi đi chấm thi thì gọi là giám khảo, thuộc hội đồng giám khảo. Mỗi ngày mỗi người chúng tôi được 1$ công tác phí ngoài số lương khoảng 40$/ tháng, tức tương đương với 20.000$ thời cũ. Trước năm 75, lương tôi 43.000$/tháng, lại đi dạy thêm tại các trường tư nữa, nay chưa được một nửa, không còn trường tư nên nghèo là ở chỗ đó. Trên nguyên tắc, 1$ tương đương với 500$ thời cũ vì mới đổi tiền,
một đồng ăn 500 đồng, nhưng trên thực tế, tiền mất giá khủng khiếp, cái gì cũng khan hiếm nên không thể so sánh 1$ tiền mới với 500$ tiền thời cũ được. Các giáo viên nghèo xơ xác. Dân chúng phải ăn bo bo, khoai lang, khoai mì mà cũng không đủ.

Lễ khai mạc hội đồng giám khảo diễn ra rất long trọng vì có ông bí thư tỉnh uỷ đến dự. Ông đã già, ăn nói chậm rãi. Khởi đầu, ông uỷ lạo chúng tôi rằng đời sống giáo viên hiện nay còn rất thiếu thốn, nhưng hãy cố gắng vượt mọi khó khăn, chấm thi sao cho công minh chính trực, “tất cả vì đàn em thân yêu của chúng ta” để tỉnh ta vẫn nắm lá cờ đầu như mọi năm. Tiếp theo, ông chỉ thị cho chúng tôi rằng năm ngoái, năm kia, năm nào tỉ lệ thí sinh thi đậu cũng đạt từ 95
phần trăm trở lên, vậy thì năm nay ít nhất cũng phải như thế, không thể kém hơn. Sau khi ông dứt lời, mọi người vỗ tay, ông cũng vỗ tay rồi ông Sáu Việt - trưởng ty Giáo dục tỉnh kiêm chánh chủ khảo lên phát biểu. Ông nhắc lại chỉ thị của ông bí thư tỉnh uỷ mà ông gọi là huấn lệnh rằng tỉ lệ thí sinh thi đậu phải từ 95% trở lên, nếu không được như vậy có nghĩa là giáo viên không hoàn thành trách nhiệm. Tiếp theo, ông Chín Đức, phó ty Giáo dục tỉnh kiêm phó chủ khảo lên hứa với ông bí thư tỉnh uỷ và ông trưởng ty Giáo dục rằng tỉ lệ thí sinh thi đậu phải trên 95% chứ không thể kém, vì “con em của chúng ta ngày càng chăm chỉ hơn, thông minh hơn và giỏi giang hơn các năm trước”. Cuối cùng, ông giới thiệu anh Nguyễn Khắc Liêm, hiệu trưởng trường tôi, chủ tịch hội đồng giám khảo lên phát biểu và hứa sẽ bảo đảm tỉ lệ thí sinh thi đậu trên 95% như đồng chí bí thư tỉnh uỷ đã ra huấn lệnh cũng như đồng chí trưởng ty Giáo dục đã chỉ thị.
Anh Liêm rất khôn, anh nói hết sức vắn tắt: “Thưa quý vị đại biểu và các đồng chí giáo viên, nhân danh chủ tịch hội đồng giám khảo, tôi đề nghị các đồng chí giám khảo chấm thi thật công minh, chính trực như lời đồng chí bí thư tỉnh uỷ và đồng chí trưởng ty đã chỉ thị. Bây giờ xin mời ai ở bộ phận nào trở về bộ phận nấy, chúng ta bắt đầu làm việc”.

Chúng tôi lục tục kéo nhau xuống sân. Các bạn tôi nói nhỏ với tôi: “Thằng cha hiệu trưởng trường cậu đáng nể thật, để ý kỹ mới thấy hắn chẳng hứa hẹn gì cả. Thi cử mà trước khi chấm chủ tịch hội đồng hứa tỉ lệ thi đậu phải trên 95 phần trăm thì thi làm quái gì nữa, đem cái bằng tốt nghiệp phát không cho rồi”. “Ừ, hắn giỏi thế đấy, nói chung trường tớ anh nào cũng giỏi kể cả… tớ!”. “Trời trời, nói vậy mà không biết ngượng miệng!”.
Ngay sau đó anh chị em về ban của mình, bắt đầu chấm bài theo lối “chấm kép”, ngày trước thường gọi là “double correction” theo tiếng Pháp. Nghĩa là mỗi xấp do hai người chấm, cho điểm riêng biệt với nhau, khi xong xấp thì sẽ hội ý để cho điểm thống nhất nếu có chênh lệch.

Buổi trưa, mọi người xuống phòng ăn bên cạnh bếp ăn cơm, riêng tôi và cô Thủy, tổ trưởng Xã hội, giáo viên môn Văn trường Cấp 3 Thị xã, tức trường Thánh Giuse cũ nay đã bị lấy làm trường công lập, thì phải ở lại làm báo cáo đã chấm được bao nhiêu bài, số bài bị 0 điểm, số bài được trung bình từ 4 đến 5 điểm, số bài từ 6 - 7 điểm trở lên v.v... rồi đem báo cáo đó và các xấp bài chưa chấm hoặc đang chấm dở lên nộp trên văn phòng, chiều cũng sẽ làm như vậy.
Tôi rất đói bụng mà cũng uể oải nữa, vì từ sáng đến giờ chưa được miếng gì vào bụng. Lý do đơn giản là trường Trịnh Hoài Đức ở Lái Thiêu sau 75 đổi tên thành trường Bồi Dưỡng Cán Bộ - nơi chúng tôi đang chấm thi - nằm bên cạnh quốc lộ 13, chung quanh không có hàng quán gì cả, muốn ăn thì phải xuống Búng. Mà ở Búng cũng chẳng có gì ngoài một quán bán bánh bèo bì rất nổi tiếng, nhưng ăn vừa mắc lại vừa không thể no bụng, tiền đâu mà sáng nào cũng xuống và làm gì có
thì giờ.
Bụng đói nhưng trong phòng ăn, cơm đựng trong những chiếc rổ đã nguội ngắt, thức ăn gồm hai món là cá đuối khô kho lõng bõng nước với củ cải khô xắt lát và “canh” rau muống bằm nhỏ nấu với muối trắng thêm tí bột ngọt, tôi nuốt không nổi. Lạ lùng là cá đuối khô mà kho có nước là nó tanh òm, vừa tanh lại vừa có mùi ngai ngái rất kỳ lạ.
Các bàn khác anh em ăn xong đã lên phòng cả, chắc cũng nuốt không nổi nên cơm và hai món thức ăn còn ê hề, các “chị nuôi” chưa kịp dọn. Tôi vào trong bếp xin một ít muối trắng ra ăn rồi húp thêm nước “canh”, cũng trôi xuống bụng được chừng hai lưng lưng chén.

Buổi chiều cũng như vậy, vẫn canh rau muống bằm nhỏ nấu với muối trắng thêm chút bột ngọt và cá đuối khô kho lõng bõng nước với củ cải khô xắt lát. Hồi còn dạy ở Bạc Liêu, tôi thấy đồng bào người Miên gọi là xá-bấu, rẻ mạt, người Việt rất ít khi ăn.
Tôi nói với các chị nuôi:
- Khổ lắm các chị ơi, con heo nó ăn người ta còn nấu rau muống với cám. Đằng này chúng tôi ăn, các chị chị chỉ nấu rau muống với muối trắng thêm tí bột ngọt thì nuốt sao nổi. Đề nghị từ mai trở đi các chị cho thêm ít cám vào để chúng tôi được bằng con heo.
Chị nuôi lớn tuổi nhất trong số ba chị nuôi nói:
- Em biết chớ, cũng tội nghiệp các thầy lắm chớ. Nhưng thầy thử nghĩ coi, mỗi ngày các thầy đóng được 1 đồng với nửa ký gạo. Gạo thì đủ, hổng thiếu, còn tiền thì 1 đồng chỉ đủ mua củi, muối, nước mắm, bột ngọt chớ đâu có dư. Rau muống là tụi em xin rau già người ta bán ế ở chợ. Còn khô cá đuối với củ cải xá-bấu họ cũng bán ế, giá rẻ mạt thì tụi em mua. Tiền ít, các thầy chịu vậy chớ biết sao bây giờ.
Thì ra thế. Tôi nhớ lúc anh em mới lên, đóng tiền và gạo, anh Ba Thiện phó ty đặc trách đời sống cũng có mặt ở đấy, tôi nói với anh, mỗi người đóng 1 đồng một ngày không đủ đâu anh, chấm thi coi vậy chứ ngồi suốt ngày cũng mệt, mọi thứ đắt đỏ, phải 2 hay 3 đồng ăn uống kha khá mới đỡ mệt. Anh Ba Thiện là cán bộ ngoài Bắc vào sau 75, tôi với anh có dịp chuyện trò mới biết là người cùng quê, nên anh coi tôi nửa như đứa em vì tôi nhỏ tuổi hơn anh, nửa như bạn đồng nghiệp vì anh vốn coi trọng dân “Bắc kỳ di cư 54” sống ở trong Nam, do họ có trình độ. Anh nói, có, tớ có góp ý với ông Chín Đức, nhưng ông ấy bảo 2 hay 3 đồng nhiều quá, sợ anh em có người đóng nổi, người không đóng nổi, đóng 1 đồng vừa bằng với tiền công tác phí của ty cho thì ai cũng đóng được, tớ thấy hợp lý nên cũng im lặng.

Sáng hôm sau, ông Chín Đức đến hơi sớm, cỡ khoảng 6 giờ 30. Ông đi chiếc xe Honda cũ và nói là muốn tìm tôi. Gặp tôi ở sân do bạn bè chỉ, ông hỏi: “Đồng chí là tổ trưởng Tự nhiên phải không?”. Ông Chín Đức là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 54, người cao và gầy, môi thâm mắt trắng, rất khó tính, không bao giờ có được nụ cười nên chúng tôi rất e dè mỗi khi có việc lên Ty gặp ông. Tôi trả lời rất lễ phép chứ không dám xuề xoà như đối với anh Ba Thiện: “Vâng ạ”.
“Đồng chí thấy tình hình bài thi thế nào?”. “Dạ thưa rất kém. Hôm qua mới bắt đầu chấm nên mỗi người mới chấm được khoảng 2 xấp, sáng một xấp, chiều một xấp. Các bài đa số đều dưới trung bình, cỡ 1 – 2 điểm. Thậm chí có bài môn Toán, nó làm không nổi nhưng không được phép ra sớm nên ngồi viết lăng nhăng, mở đầu bằng hai câu thơ của Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” rồi bảo đấy là thơ trong truyện Kiều của cụ… Nguyễn Trãi và lan man tán dóc đặc kín cả 4 trang giấy”.
“Không phải nó tán dóc đâu, nó có tinh thần cách mạng đấy. Giám khảo cho bao nhiêu điểm?”. “Dạ thưa zê-rô. Anh ấy bảo môn Toán là phải chính xác, nó viết như vậy lạc đề hoàn toàn nên cho zê-rô”. “Không được, phải cho điểm nó chứ, công lao động viết 4 trang giấy của nó để đâu”. Rôi ông hỏi tôi: “Theo đồng chí dự đoán, tỉ lệ thí sinh thi đậu năm nay khoảng bao nhiêu phần trăm?”. “Dạ thưa chưa rõ, chấm xong mới biết. Nhưng theo tôi nghĩ, số thí sinh thi đậu có lẽ rất
thấp, chắc chỉ khoảng 20 - 21 phần trăm là nhiều”. Nét mặt ông Chín Đức tự nhiên sa sầm, ông bảo tôi: “Không thể được, tôi đã hứa với ông bí thư tỉnh uỷ và ông trưởng ty Giáo dục là trên 95 phần trăm rôi mà. Anh kiếm cho tôi cô gì tổ trưởng Xã hội được không?”. “Dạ được chứ ạ”. Tôi định đi, ông Chín Đức đi theo: “Tôi phải đi với anh cho lẹ chớ không thôi nóng ruột quá...”.
Cô Thủy ở với các bạn trong các phòng học phía bên trái dẫy nhà lầu. Cô và các bạn đã mặc đồ đàng hoàng để chuẩn bị lên phòng lo việc chấm thi, nên nghe các bạn nói có ông Chín Đức kiếm là cô ra ngay. Ông Chín Đức cũng hỏi cô những điều như đã hỏi tôi. Đặc biệt, về tỉ lệ thí sinh thi đậu, cô cũng nói cô đoán khoảng 20-21 phần trăm đúng như tôi đã nói. Ông Chín Đức bồn chồn nói theo giọng Bắc, vì ông tập kết ra Bắc từ lâu, rất hâm mộ những gì thuộc về “Đảng ta” ngoài Bắc: “Thôi chết, thế này thì chết, hư bột hư đường hết trơn hết trọi!...” rồi ông xăm xăm đi lên phía văn phòng ban lãnh đạo hội đồng, không cần để ý đến tôi với cô Thủy.
Còn lại hai người, tôi khẽ nhún vai nói đùa với cô nữ giáo viên văn chương xinh đẹp ngày trước đã từng đậu đầu ban Việt Hán Đại học Sư phạm Sài Gòn, nhưng vẫn còn độc thân như nhiều cô bạn đồng nghiệp khác. Trong nghề dạy học, hễ đẹp và học giỏi, cử nhân trở lên chẳng hạn thì hơi trễ tràng vì phái nam e ngại ít dám nhào vô:
- Ăn canh rau muống nấu với muối trắng và cá đuối khô tanh òm nuốt không nổi, đói bụng mới chết chứ thí sinh thi đậu nhiều hay ít không chết.
Cô Thủy nói:
- Bọn Thủy gửi tiền nhờ các chị nuôi mua giùm nước tương chứ cũng không ăn được canh rau muống với khô cá đuối.
Sau đó cô chào tôi rồi quay trở vào trong phòng.
Có lẽ ông Chín Đức đã gặp anh Liêm chủ tịch hội đồng và coi lại điểm các bài thi đã chấm, nên một lát sau tôi nghe có tiếng micro phụt phụt “a-lô, a-lô” trên loa phóng thanh rồi giọng anh Liêm ra lệnh cho toàn bộ giám khảo phải tạm ngừng chấm, tập trung lên phòng khánh tiết nghe đồng chí Chín Đức phó chủ khảo phổ biến một số việc cần.

Chúng tôi xuống phòng khánh tiết, không ai dám vắng mặt. Một lát, ông Chín Đức đi vô nhưng chỉ có một mình, không có anh Liêm đi cùng vì anh muốn tránh mặt, không can thiệp vào việc thí sinh thi đậu nhiều hay ít.
Khởi đầu, ông Chín Đức cho biết ông đã coi lại các bài thi đã chấm. Điểm cho như vậy là tốt nhưng quá khắt khe, không thể đạt được tỉ lệ 95 phần trăm trở lên như ông đã hứa với ông bí thư tỉnh uỷ và ông trưởng ty Giáo dục. Tiếp theo, ông tâm sự: “Nói thiệt với các đồng chí, tuy các đồng chí là giám khảo nhưng tất cả đều là giáo viên thuộc 9 trường cấp 3 trong tỉnh, bạn bè với nhau. Học trò các lớp 12 đều do các đồng chí dạy. Trường nào tỉ lệ học sinh thi đậu dưới 95 phần trăm có nghĩa là giáo viên trường đó lười biếng, dạy kém, không đạt yêu cầu, sẽ bị ty trừng phạt, đổi đi trường khác hoặc cho nghỉ dạy. Tình nghĩa bạn bè của các đồng chí như vậy không tốt. Chỉ vì các đồng chí chấm thi quá khắt khe nên bạn bè của các đồng chí bị trừng phạt, các đồng chí có sung sướng không? Tại sao các đồng chí hổng cho rộng điểm để ai cũng vui vẻ về thành tích hội đồng chúng ta đã đạt được?”.
Ông còn nói nữa. Cuối cùng, ông đem câu chuyện một thí sinh thi môn Toán đã đưa hai câu thơ của Hoàng Trung Thông ra viết tầm bậy mà tôi đã nói với ông ra làm ví dụ:
- Tôi hỏi các đồng chí, nếu bây giờ một thí sinh thi môn Toán nhưng nó làm bài không nổi, đem hai câu thơ gì đó ra tán dóc từ đầu đên cuối đặc kín hết 4 trang giấy thì các đồng chí cho điểm như thế nào?
Mọi người im lặng không dám trả lời. Ông hỏi lại lần nữa, không đừng được, một anh phải giơ tay đứng lên:
- Thưa anh, toán học là một khoa học chính xác, trong trường hợp thí sinh làm bài hoàn toàn lạc đề như vậy chúng tôi cho không điểm.
Nói xong anh vẫn đứng đấy, ông Chín Đức vẫy cho anh ngồi xuống rồi hỏi:
- Ai đồng ý với anh bạn đó?
Không ai trả lời. Ông lại hỏi:
- Ai không đồng ý với anh bạn đó?
Cũng không có ai trả lời.
Ông chỉ thẳng tay vào mặt người vừa phát biểu và nói gằn giọng:
- Anh là một tên phản động, không có lập trường giai cấp. Công lao động viết đặc kín hết 4 trang giấy của nó anh để đâu? Mặc dầu nó hoàn toàn lạc đề nhưng phải tính công lao động cho nó chớ. Anh không tính công lao động cho nó là bắt chước bọn tư bản bóc lột, là hạng phản động theo đuôi đế quốc!
Ông còn mắng nữa, sau đó dịu giọng:
- Nói vậy chớ các đồng chí cũng nên thông cảm. Con em của chúng ta suốt bao nhiêu năm bị Mỹ Nguỵ dày xéo, áp bức bóc lột, các em học hành chưa đến nơi đến chốn, làm bài nếu có sai sót là do bọn Mỹ Nguỵ chớ không phải lỗi tại các em. Vậy tôi đề nghị các đồng chí chấm bài thiệt nương tay. Chúng ta nhứt quyết đạt được tỉ lệ thí sinh thi đậu từ 95 phần trăm trở lên, nắm lá cờ đầu toàn quốc. Các đồng chí nhất trí chưa nào? Ai đồng ý thì giơ tay?
Mọi người bắt buộc phải giơ tay, đồng ý trăm phần trăm.
- Rồi, xong, bây giờ mời các đồng chí lên phòng tiếp tục làm việc.
Nói xong ông đi ra. Chúng tôi nhìn theo, một anh cười cười nói đùa: “Nhất trí trăm phần trăm! Thành công mỹ mãn! Cho điểm lớn nắm lá cờ đầu toàn quốc!”.

Buổi tối anh Ba Thiện từ nhà tập thể trong Ty đến chơi thăm anh em. Anh ngồi nói chuyện với tôi trên thành hành lang:
- Cậu có biết hôm qua đứa nào phát ngôn bừa bãi, nó bảo với các chị nuôi là cho thêm cám vào canh rau muống cho được bằng con heo chứ anh em ăn uống thua con heo.
Tôi nói:
- Em đấy anh ạ. Em nói thật chứ không phải phát ngôn bừa bãi.
- Biết ngay mà. Tao hỏi vậy thôi chứ không hỏi cũng biết là mày. Cái mồm mấy thằng Thái Bình Thái lọ độc địa, cứ hễ nói ra là chết trâu chết bò. Mày coi chừng cái mồm mày đấy mày!...
- Đã nói là em không sợ, đã sợ là em không nói. Thế bộ anh không phải dân Thái Bình Thái lọ?
- Tao khác, mày khác. Tao là cán bộ, đã đi bộ đội đánh nhau suýt chết mấy lần ở bên Campuchia về, chẳng ai làm gì được tao.
Sau đó anh hạ thấp giọng, thân mật:
- Chỗ anh em cùng quê, tao biết mày từ hồi mày còn mặc quần thủng đít nên nói cho mày để ý vậy thôi. Mày loan báo giùm với anh em là kể từ ngày mai trở đi, tao đã xin được bánh mì của cửa hàng thực phẩm quốc doanh, mỗi sáng mỗi người sẽ được nửa ổ bánh mì ăn cho đỡ đói.
Rồi anh nói thêm:
- Tao cũng đã nói chuyện với ông Chín Đức, từ trưa mai mỗi bàn 4 người sẽ được tăng cường một đĩa thịt kho nho nhỏ. Vậy là không còn ai than phiền gì nữa phải không?
- Vâng, cám ơn anh.
Đúng như lời anh Ba Thiện đã nói, sáng hôm sau mỗi người chúng tôi được nửa ổ bánh mì đã cắt sẵn, do cửa hàng thực phẩm quốc doanh huyện Thuận An tức hai huyện Lái Thiêu và Dĩ An nhập lại, bán ế từ hôm trước, nguội ngắt, đựng trong chiếc bao tải để trên hành lang. Nhiều anh đứng ăn ngay tại chỗ còn các cô thì lấy chung cho nhau đem về phòng. Buổi trưa thì mỗi bàn ăn 4 người được “tăng cường” thêm một dĩa thịt kho bé tí, mỗi người gắp được vài miếng, anh em phấn
khởi ra mặt.
Do đã được ông Chín Đức “lên lớp” và thức ăn đã được tăng cường nên điểm của các bài thi tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, tỉ lệ thí sinh thi đậu dù tăng đến đâu cũng chỉ vào khoảng 40 – 45% là cùng chứ không thể hơn.
Ông Chín Đức lại hỏi, tôi lại nói tôi thấy như thế. Ông ngớ người có vẻ không hài lòng: “Tại sao anh em vẫn cứ chấm khe khắt?”. “Không phải khe khắt đâu anh ạ, tại vì tình hình kinh tế khó khăn, học sinh nhiều đứa bỏ học hay không chịu học nên đi thi làm bài quá kém, không thể cho điểm lớn chứ không phải anh em khe khắt”. “Thôi được, để tôi bàn lại với ông Sáu Việt xem sao chớ tỉ lệ thi đậu như vậy thì chết rồi!”. Tiếng “chết” ông Chín Đức nói theo giọng Bắc nghe
không ra Bắc cũng chẳng ra Nam.

Gần trưa hôm sau, cỡ 10 giờ 30, anh em nghỉ giải lao, nhiều anh xuống sân cho được thoải mái. Bỗng có tiếng còi xe tin tin và tiếng xe lam kêu lạch bạch, khói phun ra bình bình ở cái ống bô dưới gầm xe. Chú gác dan vội chạy ra mở rộng cả hai cánh cổng. Chiếc xe hơi Mỹ màu đen bóng loáng có tài xế lái của ông Sáu Việt đi trước, theo sau là chiếc xe lam cũ kỹ. Lạ lùng là trên xe lam có một con heo to bự như con bê, đứng thò mõm ra ngoài kêu ụt ịt. Ở khoảng giữa tai bên phải của con heo có một cái lỗ có lẽ lâu ngày nên đã rộng ra, cột sợi dây thừng. Tôi chưa từng thấy heo xỏ lỗ tai cột dây thừng giống như con trâu xỏ lỗ mũi bao giờ cả.
Anh em xúm lại xem, có anh nói con heo có lẽ nặng tới một tạ rưỡi, có anh nói hai tạ, thậm chí có anh nói ba tạ. Toàn là nói mò nhưng anh nào cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao ông trưởng ty lại đem một con heo to bự đến hội đồng thi như vậy.
Ông Sáu chỉ cho chú gác gian cột sợi dây thừng vào chỗ gốc cây có bóng mát rồi cười cười, xoa hai tay vào nhau:
- Heo mua trong trại heo Mồng 3 Tháng 2 dưới Dĩ An đấy, nhưng chưa trả tiền. Mua để vài bữa nữa làm thịt, liên hoan ăn mừng tổng kết hội đồng.
Rồi ông vẫn cười cười, nói tiếp nửa như thật, nửa như đùa:
- Hễ tỉ lệ thí sinh thi đậu trên 95 phần thì liên hoan, còn nếu dưới 95 phần trăm sẽ trả con heo lại cho trại, không liên hoan liên đồ gì hết ráo trọi. Các đồng chí muốn ăn thịt heo thì ráng cho điểm lớn vô…
Chúng tôi cười xoà vui vẻ. Kể từ hôm đó cả hội đồng đều biết chuyện ông trưởng ty mua con heo đại bự để sẽ liên hoan ăn mừng tổng kết hội đồng nếu tỉ lệ thí sinh thi đậu trên 95 phần trăm. Nhiều anh nói đùa: “Cho điểm lớn vô bà con ơi! Ráng nhắm mắt vô mà cho điểm!”, khiến ai cũng cười.
Điểm cho tưng bừng, thậm chí không cần chấm kép nữa, cứ một người chấm, người kia thêm vô một ít rôi ký tên, coi như đã cho điểm thống nhất. Có hôm, một cô hỏi tôi: “Bài nó chỉ viết có hai chữ bài làm rồi bỏ trống hết thì cho điểm thế nào hả anh?”. Tôi chỉ xuống dưới sân: “Kia kìa, cô muốn ăn thịt heo thì cho điểm, còn nếu không muốn ăn thì thôi, cho nó số không cũng được”. “Nhưng chỉ có hai chữ bài làm, biết cho thế nào?”. “Kệ, cô cho nó một điểm hay nửa điểm tuỳ ý.
Hễ cô cho một điểm hay nửa điểm thì tôi khỏi phải làm báo cáo, còn nếu cho số không, tôi phải làm báo cáo giải thích lý do tại sao cô cho số không rồi cô ký tên xác nhận, mất công”. “Vậy thì em cho nửa điểm, chứ có hai chữ bài làm mà cho một điểm thấy hơi kỳ kỳ”. “Vâng, tuỳ cô”.

Hôm sau, nhà tôi đi xe buýt lên thăm. Nhà tôi là giáo viên Anh văn, cũng tốt nghiệp ĐHSP Sài Gòn trước 75 nhưng sau tôi mấy năm và dạy cùng trường với tôi. Hồi gần nghỉ hè, nhà tôi sinh con còn nhỏ nên không phải đi coi thi chấm thi.
Cổng trường khoá kín, chú gác dan giữ chìa khoá. Tôi lên ban lãnh đạo hội đồng xin phép anh Liêm cho nhà tôi vô. Anh Liêm nói: “Theo nguyên tắc trường thi, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Nhưng bà ấy là giáo viên trong trường, quen biết nên tôi cho phép ông gặp bà ấy 15 phút ở ngoài sân, không được vào trong phòng chấm thi”. Rồi anh dặn thêm: “ Nhớ 15 phút thôi đấy, không được lâu hơn”. “Vâng, cám ơn anh”.
Chú gác dan ra mở cổng, tôi đi theo ra đón nhà tôi và thuật cho nhà tôi nghe lời anh Liêm dặn. Nhà tôi lẩm bẩm nói nhỏ như nói một mình: “Lại vẫn hắc ám. Làm như coi thi chấm thi là oai lắm đấy. Ai muốn vào phòng chấm thi làm gì!”.
Chúng tôi ngồi trên ghế đá ngoài sân phía trước tượng ông Trịnh Hoài Đức, vị quan Hiệp trấn đại thần đã có công gây dựng vùng đất Biên Hoà, Bình Dương thời vua Gia Long, người ta đang định đập đi. Nhà tôi mở túi xách lấy đưa cho tôi một lọ muối mè giã chung với đậu phọng. Tội nghiệp, thời buổi khó khăn, có lọ muối mè cũng phải đi từ Sài Gòn lên Bình Dương “tiếp tế” cho chồng!
Tôi hỏi: “Ai coi bé cho em lên đây?”. “Em gửi mẹ. Mẹ bảo cứ đi đi, thằng bé đang ngủ, bao giờ nó dậy mẹ sẽ pha sữa cho nó bú”. Tôi nói: “Chấm thi có lẽ cũng sắp xong rồi, chắc vài hôm nữa sẽ làm lễ tổng kết hội đồng. Đường xá xa xôi, giá em không lên cũng được”. Nhà tôi nói: “Từ Sài Gòn tới Búng có hơn 20 cây số, xe buýt chạy một lúc là tới. Tại em thấy anh thích ăn muối mè chung với đậu phọng nên làm đem lên chứ không thôi cơm tập thể anh ăn không nổi, ban đêm đói bụng”. Tội nghiệp, nhà tôi vẫn như thế, săn sóc cho chồng đủ thứ từ ngày hai đứa chúng tôi lấy nhau.
Tôi đưa tay coi đồng hồ, thấy chưa tới 15 phút nên vui miệng kể cho nhà tôi nghe ở đây buổi tối cứ đêm nào trời thanh vắng, không có mưa, cà cuống từ các ruộng lúa gần đấy thấy ánh đèn sáng thường bay lên, tiếng bay xè xè rồi rơi xuống đất, bò lọc cọc trên sân xi măng nghe rất tức cười. Nhà tôi kêu: “Ơ, nếu bắt được thì anh bắt giùm cho mợ đi, mợ thích làm nước mắm cà cuống”. Nhà tôi là gốc Hà Nội ngày trước nên có thói quen gọi ba mẹ bằng cậu mợ. Mẹ vợ tôi nấu các
món ăn Hà Nội ngon lắm và biết cách lấy cái bọc nhỏ xíu trong ức con cà cuống, cho vào giấm hay nước mắm gì đó, lúc ăn bánh cuốn, chả cá, giò heo nấu giả ba ba..vv…, nhỏ vô vài giọt, thơm lắm, mùi thơm rất đặc biệt. “Ừ, được, tối nay anh sẽ bắt. Nhưng chỉ sợ vài ngày nữa mới về, để lâu nó chết mất uổng”. “Không sao đâu anh, hễ bắt được, lúc nào rảnh anh vặt cánh nó đi, nướng sơ lên hay không nướng cũng được, cho vào trong muối thì để bao lâu cũng không sao hết”. “Ừ, anh sẽ gửi tiền nhờ các chị nuôi lúc nào đi chợ mua giùm bịch muối”.
Nhà tôi đưa tay coi đồng hồ: “Thôi, hết giờ rồi, em phải về kẻo cái ông hắc ám ông ấy lại cho người ra nhắc mất công”. “Ừ, em về, nhớ thơm thằng bé cục cưng giùm anh”. Nhà tôi đi, tôi tiễn ra cổng và đứng nhìn theo cho đến khi nhà tôi sang bên kia đường, tà áo dài trắng bay bay. Hồi ấy mới “giải phóng”, các cô giáo đi dạy hay đi học chính trị vẫn còn mặc áo dài giống như thời cũ. Một chiếc xe buýt từ phía Bình Dương đi xuống, dừng lại, mọi người lên xe, nhà tôi cũng lên rồi cúi đầu nhìn qua cửa sổ, vẫy tay ra hiệu cho tôi trở vào. Chỉ có thế thôi, vậy mà đã phải đi 20 cây số đem lên cho chồng một lọ muối mè rang giã chung với đậu phọng.

Buổi tôi hôm ấy tôi bắt được 3 con cà cuống. Tối hôm sau, mới bắt được một con thì anh Liêm ra và cũng đi kiếm cà cuống giùm tôi. Không hiểu sao một ông chủ tịch hội đồng nghiêm nghị như anh Liêm mà cũng để ý đến một chuyện vụn vặt như vậy.
Anh Liêm bắt được một con, đưa cho tôi bỏ vào trong bịch ny-lông rồi bảo tôi:
- Mình lại đằng kia nói chuyện đi ông.
Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế đá ở chỗ góc sân hơi khuất. Anh Liêm hạ thấp giọng nói nhỏ đủ cho tôi nghe:
- Tôi đã coi lại bài của tụi nó rồi. Trường mình có 3 đứa điểm kém quá chắc chắn sẽ rớt. Ông là tổ trưởng, có quyền sửa điểm cho tụi nó. Ban đêm vắng người, tôi sẽ rút bài của 3 đứa đó ra, ông cho thêm mỗi đứa vài điểm, 3 đứa đó đậu là trường mình đạt tỉ lệ đậu 100 phần trăm.
Tôi nói:
- Không được đâu anh. Tổ trưởng chỉ giữ vai trò trông coi việc chấm bài và liên lạc giữa ban lãnh đạo hội đồng với các giám khảo chứ không được quyền động tới điểm của các thí sinh. Nếu tôi sửa điểm, hễ bị khám phá là ở tù đấy chứ không phải chuyện vừa. Cả anh nữa cũng sẽ bị liên luỵ về tội thông đồng với tổ trưởng để gian lận.
Đoạn tôi nói thêm:
- Trường mình 4 lớp 12, có 3 em rớt vậy là cao lắm rồi, cần gì phải đạt tới mức tuyệt đối 100 phần trăm để có thể bị nguy hiểm.
Cuối cùng, tôi chợt nghĩ ra anh Liêm là người ngoài Trung, xa gia đình, muốn đạt thành tích thật cao để mau được cứu xét trở lại quê nhà, nên bèn nói:
- Ông Chín Đức đang mong thí sinh đậu thật nhiều, càng nhiều càng tốt. Nếu muốn, anh có thể nói với ông ấy là có 3 thí sinh suýt soát điểm đậu, vậy là ông ấy cho thêm điểm ngay chứ có gì khó.
Nét mặt anh Liêm ỉu xìu:
- Nhưng điểm tụi nó kém quá nên mình không tiện đề nghị.
- Kém là bao nhiêu hả anh?
- Cỡ 7- 8 điểm gì đó cả 6 môn, tức trung bình mỗi môn chỉ hơn 1 điểm.
- Vậy thì thua, không làm gì được.
Anh Liêm im lặng không nói gì nữa.

Thế rồi việc chấm thi cũng xong. Hôm làm lễ tổng kết hội đồng, ngoài ông bí thư tỉnh uỷ ra còn có ông chủ tịch UBND tỉnh và các ban bệ khác tham dự nên buổi lễ lại càng long trọng. Khởi đầu, anh Liêm nhân danh chủ tịch hội đồng giám khảo lên báo cáo kết quả kỳ thi đã đạt được. Nói chung, thí sinh cả tỉnh đậu 97,5% so với 95,2% năm ngoái và 94,5% năm kia. Riêng trường tôi đậu 98,5%, trường cấp 3 Lái Thiêu 98,2%, trường cấp 3 Tân Uyên 97,8%, còn các trường khác trường nào cũng đậu từ 97% trở lên. Hội nghị vỗ tay và người hãnh diện nhất có lẽ là ông Chín Đức. Tiếp theo, ông Sáu Việt trưởng ty Giáo dục lên khen ngợi các trường đã đạt thành tích tốt nhất. Sau đó, ông chủ tịch UBND tỉnh lên thay lời ông bí thư tỉnh uỷ phát biểu, khen ngợi toàn thể ban lãnh đạo ty Giáo dục và hội đồng giám khảo v.v... Cuối cùng, buổi lễ chấm dứt, anh Ba Thiện phó ty đặc trách đời sống cầm micrô đứng tại chỗ mời tất cả các anh chị em xuống phòng ăn bên dưới dự tiệc liên hoan, còn quý vị đại biểu và quý vị trong ban lãnh đạo cũng như các nhân viên trong Ty Giáo dục thì xin mời sang phòng bên cạnh.
Chúng tôi xuống sân, anh nào cũng xách theo túi xách đã để sẵn trước cửa phòng hội nghị lúc vào dự lễ tổng kết, hễ ăn uống xong, có xe buýt tới là sẽ dông liền.
Khốn nỗi, khi vào phòng ăn, thức ăn bày trên các dẫy bàn dài thì nhiều nhưng toàn những món được làm theo kiểu cỗ bàn nhà quê ngoài Bắc: thịt heo luộc, lòng heo luộc, xôi đậu xanh, nước suýt (nước luộc thịt, luộc lòng) bỏ hành lá v.v... Những năm trước, liên hoan tổng kết tuy không giết heo nhưng anh nuôi, chị nuôi là người Nam, làm các món ăn miền Nam như cà-ri bánh mì, bún thịt nướng, thịt phá lấu, thịt kho tàu v.v... chúng tôi ăn rất ngon lành. Năm nay không hiểu
sao lại đổi anh nuôi, chị nuôi là người Bắc, nấu theo kiểu Bắc, chúng tôi ăn không quen nên rất ngại ngần, chẳng anh nào muốn ngồi vào bàn.
Bỗng bên ngoài có tiếng ai đó nói: “Xe buýt tới, xe buýt tới…”, vậy là mọi người vội vàng xách theo túi xách chạy ra cổng, hối hả lên xe buýt, những anh lên chậm phải chờ chuyến khác nhưng chẳng ai ở lại ăn uống.
Xe chạy. Một anh đứng bên cạnh tôi, tay bám vào thành ghể đã có người ngồi, chuyện trò:
- Sao năm nào thi cử họ cũng tìm cách bắt tụi mình cho điểm thật lớn cho có tỉ lệ thí sinh thi đậu thật cao thế nhỉ?
Tôi nói:
- Tại bệnh thành tích đấy. Ông nào cũng muốn có thành tích cao để giữ địa vị hoặc thăng tiến địa vị. Đấy, ông thấy, ông Sáu Việt trưởng ty thì đi xe Mỹ bóng loáng có tài xế lái, còn ông Chín Đức với ông Ba Thiện phó ty thì đi xe Honda cũ rích. Tôi nghi cái xe Honda đó chắc các ông ấy cũng kiếm ở đâu chứ từ ngoài Bắc vào, nghèo muốn chết làm gì có xe Honda.
Người bạn nói:
- Muốn thí sinh thi đậu bao nhiêu phần trăm là quyền của họ, tại sao họ cứ bắt tụi mình nhúng tay vô, cho thí sinh đậu thật nhiều trước khi họ tăng lên tới 97,5 phần trăm một cách vô lý?
- Vấn đề tâm lý vậy thôi. Ví dụ thí sinh thi đậu 20 – 21 phần trăm, các ông ấy bắt tụi mình tăng lên 60 – 70 phần trăm trước khi họ tăng lên tối đa thành 97,5 phần trăm thì họ thấy thoải mãi hơn đang từ 20 – 21 phần trăm cho vọt thẳng lên 97,5 phần trăm, đúng không?
- Đúng, nhưng thi với cử, chán muốn chết. Thà đừng thi thố gì nữa còn hơn!

***
Mọi chuyện qua đi, ít lâu sau tôi được đổi về một trường tại Sài Gòn nên không biết ở tỉnh có còn cái vụ “đạt thành tích cao, nắm ngọn cờ đầu toàn quốc” như trước nữa hay không.
Thế rôi thời gian trôi qua, có lẽ khoảng 10 hay 12 năm tôi không nhớ rõ. Một hôm tôi bị cảm sốt, uống loanh quanh Paracetamol và Panadol mãi không khỏi, bèn ra y tế phường khám bệnh.
Bác sĩ còn khá trẻ, cỡ ngoài 30 tuổi trông rất quen, sau tôi nhớ ra đó là Nguyễn Văn Quý, học trò cũ của tôi ở D.A khi tôi còn dạy ở đấy. Sở dĩ tôi tôi nhớ mặt, nhớ tên vì Quý học rất kém, lớp 12 A2 Quý học lại do tôi làm chủ nhiệm nên biết rất rõ từng người. Quý kém đến nỗi anh Liêm hiệu trưởng định không ghi tên trong danh sách thí sinh thi tốt nghiệp phổ thông vì sợ làm giảm tỉ lệ học sinh thi đậu của nhà trương. Nhưng vì ông già hay chú bác gì đó của Quý làm
lớn trong tỉnh ai cũng biết tiếng nên đành phải cho đi thi. Thế rồi với tỉ lệ thí sinh thi đậu 97,5% của tỉnh, tất nhiên Quý cũng đậu.
Chẳng những thi đậu tốt nghiệp cấp 3 mà Quý còn được học Y khoa tại Đại học Y Dược Sài Gòn. Chúng tôi rất ngạc nhiên. Thi vô Y khoa rất khó, hàng ngàn người mới đậu vài người, làm sao Quý có thể đậu được? Thì ra, Quý học Y khoa theo hệ “học gửi”. Ở Việt Nam hiện nay, Đại học Y Dược đào tạo các bác sĩ theo 3 hệ: Thứ nhất, hệ chính quy, sinh viên thi vào rất khó, học trong 6 năm cộng thêm 1 hay 2 năm chuyên ngành, tức 7 đến 8 năm, loại này rất giỏi. Thứ hai, hệ “học
gửi”, không phải thi cử gì cả, chỉ do địa phương chịu đóng mọi chi phí rất lớn cho nhà trường rồi gửi lên học. Các sinh viên “học gửi” này thường ỷ mình là do địa phương quản lý, không bắt buộc phải chăm chỉ như các sinh viên chính quy nên thường lơ là, ít để ý đến việc học. Thứ ba, hệ “đôn cấp”, các y tá hoặc y sĩ trung cấp sau khi đã phục vụ tại các bệnh viện hoặc các phường, xã từ 3 đến 5 năm, nếu được cấp trên cứu xét, gửi lên Đại học Y Dược và cũng chịu các khoản phí tổn giống như sinh viên học gửi thì sau 2 hay 3 năm sẽ ra bác sĩ.
Theo nguyên tắc, các bác sĩ “học gửi” hoặc “đôn cấp” sau khi ra trường sẽ về làm việc tại địa phương, nhưng không hiểu Quý chạy chọt thế nào lại được làm bác sĩ ở Sài Gòn tại phường tôi.
Quý chỉ chiếc ghế trước mặt cho tôi ngồi rồi mở sổ hộ khẩu tôi vừa nộp coi sơ tên tuổi, địa chỉ của tôi và hỏi:
- Hồi trước ông là giáo viên dạy ở trương Cấp 3 D.A phải không?
- Vâng.
- Ông có nhớ tui là ai không?
- Nhớ, Nguyễn Văn Quý, lớp 12 A2 tôi làm chủ nhiệm.
Quý nói có vẻ hãnh diện:
- Ông thấy không, hồi đó mấy giáo viên dạy lớp ai cũng la tui học dở, bây giờ tui cũng bác sĩ như ai chớ có thua kém ai đâu.
Rồi hắn hỏi tiếp:
- Sao nào, thầy bịnh gì nào?
Tôi nói tôi bị cảm sốt, uống Paracetamol và Panadol mãi không khỏi. Hắn lấy ống thính chẩn nghe ngực, nghe lưng rồi ghi toa cho tôi gồm 3 thứ thuốc tôi nhớ là Dectancyl, Ampiclox và Vitamin C, chữ nguệch ngoạc như người tập viết.
- Ngày uống ngày 3 lần sáng chiều tối, mỗi lần mỗi thứ 1 viên tui đã ghi rõ.
- Vâng, cám ơn bác sĩ.
Tôi cầm cuốn sổ hộ khẩu trên bàn rồi đi như một người hoàn toàn xa lạ.
Buổi tối hôm ấy ăn cơm xong tôi mới uống 1 viên Dectancyl, 1 viên Ampiclox còn Vitamin C để lại vì sợ ban đêm khó ngủ thì cỡ 2 giờ sáng bỗng thức giấc vì bụng đau như cắt. Đau đến mức tôi cứ vừa bóp bụng rên la vừa bò từ trên giường xuống đất vẫn không đỡ đau. Lại ói nữa, trong chất nhớt dãi ói ra có lẫn với máu. Cả nhà sợ hãi nhưng không biết phải làm sao. Mẹ tôi nói: “Hay sang gọi cửa nhờ cô y tá cô ấy qua coi giùm xem sao...”. Nhà tôi định đi, em gái tôi nói:
“Để em đi cho”, rồi em tôi đi.
Nhà của cô y tá thường gọi là cô Năm ở cách nhà tôi mấy căn. Lát sau cô sang, cầm theo ống thính chẩn và chiếc túi xách đựng các đồ y tề. Thấy tôi đang bò dưới đất hai tay bóp bụng cho đỡ đau, cô hỏi đau thế nào, tôi cố nín đau kể lại chuyện hồi chiều đi khám bệnh ngoài phường, buổi tối mới uống hai viên thuốc Dectancyl và Ampiclox, cỡ hai giờ sáng bị đau dữ dội lại ói cả ra máu nữa. Cô bóp bóp bụng tôi: “Thôi chết, vậy là bị hai thứ thuốc đó phá bao tử rồi. Tôi chích cho cậu một mũi Atropin đặng đỡ đau rồi phải đưa đi bệnh viện cứu cấp lập tức. Nếu để lâu, trong vòng 3 tiếng đồng hồ nữa, bao tử bể ra, bị xuất huyết nội thì cậu sẽ chết”. Cô chích cho tôi một mũi Atropin sau đó gia đình đưa tôi đi bệnh viện.
Vị bác sĩ tương đối đã lớn tuổi trực phòng cấp cứu tại Bệnh viện Bình Dân đêm ấy lại là học trò cũ của tôi ở Bạc Liêu ngày trước. Anh hỏi nhà tôi: “Thầy là giáo sư dạy tại Trung học Bạc Liêu hồi xưa phải không cô?”. Nhà tôi nói vâng. Anh quay sang tôi: “Em là Hứa Ngọc Xướng, học trò cũ của thầy ở Bạc Liêu hồi đó đây thầy. Thầy đau thế nào phải đi cấp cứu?”. Tôi nói tôi uống lầm thuốc giống như đã nói với cô y tá. Anh Xướng hỏi ngay: “Thầy có đem theo toa thuốc đó
không, đặng em biết cách chữa?”. Cũng may là từ hồi chiều về đến giờ tôi vẫn để cái toa thuốc trong túi áo ngực nên lấy đưa ra. Vị bác sĩ coi xong, nói: “Cái thằng cha đó tầm bậy thiệt, bộ vừa nghe lời thầy giảng vừa ngủ gục hay sao mà nó hổng biết Dectancyl và Ampiclox là hai loại thuốc chống viêm, trị cảm sốt rất tốt nhưng không được uống chung với nhau. Nếu uống chung, nó phá bao tử bịnh nhơn sẽ chết”. Rồi anh bảo tôi: “Thầy ói ra máu nghĩa là bao tử đã bắt đầu đứt các mạch máu nhỏ rồi đó thầy. Phải mổ ngay nếu không nó bể tung ra, bị xuất huyết nội không cứu được nữa”. “Vâng, tuỳ anh. Nếu cần làm giấy tờ gì nhà tôi ký sau cũng được”. “Dạ”. Xướng phụ với nhà tôi đỡ tôi lên cái giường có bánh xe rồi tự tay anh đẩy đi. Tới phòng nào anh cũng đều nói: “Thầy cũ, thầy cũ, mổ gấp, mổ gấp, làm lẹ giùm”. Chỉ nửa tiếng sau là tôi đã được đưa vào phòng mổ và được cứu thoát…

Thưa quý bạn độc giả, tôi kể lại câu chuyện “Con heo trong hội đồng thi” trên đây không phải để nói xấu hay chỉ trích ai cả mà chỉ muốn thưa với quý bạn rằng vấn đề giáo dục quan trọng như thế đó, nó sẵn sàng “trả đũa” con người ta một cách nhanh chóng, trông thấy nhãn tiền. Trong kỳ chấm thi tôi không làm gì cả, chỉ trông nom cho anh em chấm và liên lạc giữa ban lãnh đạo hội đồng với anh em mà thôi, nhưng đã bị nó quật như vậy. Ngoài ra, một người học trò cũ “thời
mới” suýt làm tôi nguy hiểm, một người học trò cũ “thời đó” cứu tôi, cả hai đều là bác sĩ nhưng trình độ của họ khác nhau do hai nền giáo dục khác nhau, đó mới là điều đáng nói phải không thưa quý bạn?
Đoàn Dự

 

Đăng ngày 08 tháng 10.2022