Những chuyện cần phải kể lại

Phan Nhật Nam

Viết để riêng gởi đến những người hằng sống chết dài lâu sâu trong vũng tối ngục tù cộng sản. Và Người Đàn Bà Việt Nam Mẹ Người Lính, Vợ Những Người Tù Miền Nam và những đứa con của họ. Đây là câu chuyện xót xa lặng lẽ của những con người đã hơn một lần lâm tận sâu khổ nạn nhưng họ đã vượt chết, tự cứu, tồn tại qua hằng hằng nguy khốn do sức nâng đỡ, giữ gìn từ Lòng Tin, Hy Vọng và Tình Thương.

Dẫn nhập
Người chỉ sống được bằng bánh mì, cơm gạo, nhưng người cũng có thể chết vì những ý niệm tinh tế, khó diễn dịch nên thành lời nói chữ viết cụ thể: Tự Do. Để có được Tự Do, giữ vững Đức Tin, con người thường quyết định qua thân xác, với tinh thần, xuyên suốt định mệnh, tận cùng bằng cái chết của chính mình. Người Việt Nam với vận mệnh khắc nghiệt, dọc chiều dài lịch sử từ giai đoạn nửa phần sau thế kỷ 20, đến trong hiện tại này đã có rất nhiều dịp để thực hiện những lần chọn lựa vô cùng bi tráng, cao cả kỳ diệu với Lòng Yêu Chuộng Tự Do được hiện thực ở mức độ cảm động nhất.
Chúng ta có thể nhắc lại những kinh nghiệm lớn lao từ quá khứ rất mới mà rất nhiều lần, trong nhiều hoàn cảnh, với mức độ khác nhau, những Người Việt đã hoàn tất định nghĩa và trao gởi cho nhân loại toàn cầu ý nghĩa đích thực, cụ thể về Tự Do. Trước, sau ngày 10 Tháng Mười 1954, lần bộ đội cộng sản vào tiếp thu Hà Nội, thủ đô miền Bắc, những hoạt cảnh lặng lẽ, bi thương tưởng chừng như chỉ có trong tiểu thuyết đã hiển hiện như sau. Đồng bào khắp nơi vượt mọi gian lao để tới Hải Phòng, hoặc bất cứ nơi đâu còn lại gọi là “vùng đất quốc gia”. Từ đó là hình ảnh hàng ngàn người xuất hiện trên bãi bể Bùi Chu, kéo lê những cái bè lao vào lớp sóng bạc đầu, chen chúc trên những chiếc mảng mỏng manh; đàn bà đứng bế con, chân ngâm trong nước không kể mệt nhọc, phần trên rét run; đàn ông khom lưng cố chèo ra khơi cho kịp những chuyến tàu đang thân ái đợi họ để rồi xả hết tốc lực ra khơi xa hơn nữa để chuyển họ sang những tàu vận tải lớn hơn để vào Nam!
Nhưng thảm cảnh như trên đây chỉ kéo dài trong một thời gian tương đối ngắn, vài ba ngày, những tháng cuối của năm 1954, cho dài lâu cũng không qua quá năm 1955, 1956. Hơn thế nữa, người di cư, vượt tuyến trong thời điểm kia còn có chính phủ Quốc Gia Việt Nam/Việt Nam Cộng Hoà, cơ sở công quyền đầy đủ khả năng, và chức năng một nhà nước hợp pháp, hợp hiến bảo vệ. Lại thêm phần thế giới Tây phương, dẫn đầu bởi chính phủ Mỹ hào hiệp yểm trợ sau lần thắng lợi lớn lao hậu Thế chiến thứ hai, 1945. Cụ thể hơn, người di cư năm 1954 còn đủ Lòng Tin và tất cả Hy Vọng: Họ có một miền Nam.
Hai mươi năm sau, 30 tháng Tư 1975, toàn miền Nam, tất cả Việt Nam bao gồm cả miền Bắc cộng sản thấy trước mắt khối đen trùng trùng tuyệt vọng của Sự Chết dưới chế độ cộng sản. Nhưng chính trong kiệt cùng bi thảm này, ánh sáng Tự Do bùng cháy vô vàn linh diệu. Hai triệu Người Việt phá thân ra khỏi nước với giá máu, sáu trăm ngàn người chết – nghĩa Tự Do được xác định bởi những con người cùng khốn, toàn thể Dân tộc khổ nạn. Nơi miền Bắc, hai đứa bé tuổi lên mười vượt thoát từ Móng Cái, Hải Phòng, để qua Hong Kong trên một chiếc thuyền thúng. Ở miền Nam, bà ngoại ôm cháu nhảy xuống Rạch Chiếc trầm mình bên cầu xa lộ Sài Gòn - Biên Hoà để tránh công an bắt lại. Một gia đình nông dân ở Bến Tre ra khơi trên một chiếc tắc-rán dài ba thước, cùng một lần chấp nhận sự chết hơn sống sót nếu bị bắt giữ. Chắc chắn rằng những con người này không hề vì “lý do kinh tế” mà chấp nhận nguy nan của những lần vượt chết! Với những Người Việt Cao Quý bình thường này thì phải lập lại muôn vạn lần, sợ rằng bao nhiêu lần cũng không đủ: hoặc Chết hoặc Sống Tự Do.
Nhưng tất cả sẽ dẫn đến kết thúc tuyệt vọng nếu như những kẻ đang trong cơn nguy biến của câu chuyện vừa kể trên không có sức mạnh nâng đỡ đầu tiên và cuối cùng: Lòng Tin và Hy Vọng. Lòng Tin do được Yêu Thương và Hy Vọng có ngày chấm dứt đời khổ nạn. Lòng Tin và Hy Vọng này có nội dung sống động bền bỉ từ một đối tượng cảm động tự hào: Người Mẹ và Người Vợ Miền Nam.

Sau 30 Tháng Tư 1975, tại miền Nam, theo như chính sách gọi là “khoan hồng nhân đạo” của người cộng sản, những người thuộc gia đình “Nguỵ Quân - Nguỵ Quyền”, những người có dính líu với chế độ Mỹ-Ngụy, kể cả những người làm công trong các căn cứ Mỹ, có nhà cho Mỹ kiều mướn ở những năm 65-75… Tất cả thành phần này, nghĩa là toàn bộ thị dân miền Nam đồng loạt bị đánh giá là “kẻ thù của nhân dân”. Danh sách tổng hợp này xếp chung thành một loại “tiện dân” mới với hạng thứ 14 trong 15 giai tầng xã hội. Loại cuối đáy, thứ 15 kia là bọn giết người, cướp của với trường hợp gia trọng, đang chờ ra pháp trường hoặc án tù cấm cố chung thân. Liệt kê hàng đầu của danh sách thứ 14 kia là những thân nhân trực hệ của người đang trong các trại tập trung – Gia đình của tập thể Quân-Dân-Cán-Chính Miền Nam đang chịu phần trực tiếp bách hại sau lần đoạt chiếm của đội quân xâm lăng đi từ miền Bắc. Và tiếp theo, có một chính sách rất mực đê tiện được người cộng sản cầm quyền áp dụng để thực hiện món đòn thù lên những người đàn bà, những đứa trẻ không chút liên hệ chính trị này. Nhưng tất cả hiểm ác ti tiện chính trị do chế độ cộng sản Hà Nội chủ trương thực hiện này hoàn toàn bất tác dụng đối với tấm lòng kiên trinh sắt son cao thượng của Người Mẹ - Người Vợ - Người Đàn Bà Trung Liệt Miền Nam.
Trận chiến khắc nghiệt im lặng này diễn ra với ba tầng vây khốn. Trước tiên người đàn bà phải tự thân chiến đấu để cho tồn tại của bản thân mình. Thứ đến, phải giữ vững gia đình với đàn con đang tuổi lớn bị thiếu đi hẳn phần có mặt tối cần thiết của người cha. Và cuối cùng, họ chính là và phải là nguồn thúc giục, gìn giữ và hy vọng cho kẻ cùng khổ nơi xa – Những người con, người chồng sau cửa tù ngục.
Đấy là người đàn bà dẫn theo con nhỏ ra đi từ miền Nam lúc trăng non, với những giỏ xách đựng những món quà cứu đói – Cũng là khẩu phần chiết giảm, dành dụm của toàn thể gia đình sau hằng tháng ngày dài túng thiếu. Họ chen chúc trong những chuyến tàu lửa “kinh hoàng” với những đám hành khách buôn hàng tàu chợ, lềnh đục tiếng lời chửi thề hạ tiện tục tĩu, thứ ngôn ngữ đặc thù chính thống của “xã hội Xã hội chủ nghĩa tiên tiến miền Bắc sau 1954”, gồm những tay cướp dọc chuyên nghiệp, những kẻ đâm chém thiện nghệ. Nếu không bị cướp dọc đường, nếu không bị trấn lột nhiều lần trong suốt chiều dài di chuyển qua “miền Bắc xã hội chủ nghĩa”, họ sẽ đến một nhà ga tan nát nào đấy ở Nghệ An, Thanh Hoá, Hà-Nam-Ninh, Vĩnh Phú, Hà Tây, Yên Bái… lúc tàn trăng giữa tháng, xong tiếp tục con đường vạn dặm với những lần xe trâu, xe bò, xe thồ lẫn chân trần để vào các trại tù…
Cuối cùng họ đến nơi những cổng trại giam giữ người thân với bàn chân rướm rách nứt nẻ máu, những cách tay tê mỏi, trầy trụa do phải mang vác quá nặng đường xa, nếu thoát khỏi “dàn dựng” ghê tởm ác độc của những trò cướp giật, hiếp, giết phanh, xé, xóa tung tích, chủ trì bởi đám thảo khấu do bộ đội, công an cộng sản ngụy trang dọc đường vào các trại. Cuối cùng, họ lại phải đối phó với một hệ thống cán bộ trại sẵn sàng ăn có đồ thăm nuôi và tìm cách hạ nhục xuyên qua áp lực “để được phép gặp mặt chồng”. Thế nhưng, họ phải nuốt vội nước mắt để nói cùng chồng lời thúc giục “học tập tiến bộ”, trong nửa giờ thăm nuôi ngắn ngủi: “Anh yên tâm, ở nhà em lo cho con đầy đủ, bình an”. Hoặc lời bền bỉ vô cùng cao thượng với người con: “Mẹ còn sống mẹ không bỏ con. Mẹ chết mẹ ở bên con”.  
Con đường từ ga Thanh Hoá qua trại Lam Sơn, Thanh Phong, Thanh Cẩm dài khoảng 50 cây số. Nhưng con đường này cũng là đường thượng sơn, nằm giữa một thung lũng núi đá trùng điệp mà người bộ đội trẻ tuổi kháng chiến trước 1954 trên đường Tây Tiến đã nhiều lúc không nhấc nổi bước chân. Cũng trên đường này, ngựa Mông Cổ thế kỷ 13 đã không tấn công được quân lính Đại Việt đời Trần. Cũng với khoảng đường ngắn ngủi này, quân Minh, thế kỷ 15, cùng đành chịu thúc thủ dưới bình nguyên, không thể xâm nhập vào. Trong chín năm chiến tranh 1945-1954, chiến xa Binh Đoàn Viễn Chinh Pháp không bao giờ với tới lãnh địa bí mật này. Cuối cùng, kể cả Biệt Kích Mỹ trong thập niên 1970, với vũ khí tối hảo cũng không dám đổ bộ vào… Thế nhưng, Người Mẹ - Người Vợ - Người Đàn Bà Miền Nam đã nhiều lần đi đến. Có người đã đi như thế nhiều lần trong suốt hơn mười năm. Có người thực hiện chuyến đi vạn dặm từ Mỹ về nuôi con, thăm chồng như các Bà Khúc Minh Thơ, Trần Thị Thức, những người đàn bà bản lãnh, kiên trung cùng chồng dự phần vào cuộc đấu tranh lớn cho Tự Do, vì phẩm giá Con Người.
Nhưng bền bỉ âm thầm, và kỳ diệu đến độ tưởng chừng như không thực là những người vợ lính chịu cùng khổ nạn với chồng từ một thuở rất lâu, trước 1975, bắt đầu thập niên 60, lúc chiến tranh còn trong vòng bí mật. Những người lính không số quân thuộc những đơn vị mang bí số, bí danh; những Lính Biệt Kích của các Toán Công Tác Bear, Cat… do Nha Kỹ Thuật, Sở Liên Lạc điều động của Đơn Vị Tình Báo 101… Những người ở tù từ thập niên 1960, xa trước 1975. Đấy là những người lính bị bắt giữ không được công bố danh tính, không kể ra trong danh sách trao trả của Hiệp Định Ba-Lê 1973. Tất cả chịu hạn tù tương đương với bản án tử hình, chung thân cấm cố (nếu sống sót sau những trận nhục hình tra tấn của phía bắt giữ). Không hề ai biết đến, nói về họ, kể cả cơ quan quân số, Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH – Nhưng chỉ những Người Mẹ Miền Nam/Người Vợ Lính ở cùng, chờ đợi hằng hai mươi năm, hằng ba mươi năm, kết nên dấu ấn đau thương nhưng vô vàn cao quý cảm động: Tấm lòng người Đàn Bà Trung Liệt Miền Nam. Thế nhưng họ vẫn tiếp tục tồn tại cho tới sau 1975 qua đến thập niên 1980, 1990…
Mấy mươi năm sau lần mất miền Nam, 1975 trong một thời đoạn dài lâu gọi là “hòa bình thống nhất đất nước dưới chế độ cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam độc lập-tự do-hạnh phúc”, trên đất nước tràn lan những hiện tượng, những sự kiện không hề xảy ra, cho dẫu đã có thời kỳ đen tối nhất dưới các chế độ thực dân, phong kiến của 20 thế kỷ qua. Chỉ tính riêng đối với miền Nam đã có hàng ngàn trẻ em vị thành niên có em dưới 10 tuổi bị bán qua đất Miên, ra khỏi nước ngoài để làm nô lệ tình dục; những cô gái trẻ lìa bỏ ruộng đồng vốn là vựa lúa phì nhiêu nhất nhì thế giới, nhà máy, lớp học, giảng đường để lên Sài Gòn đến những trung tâm môi giới hôn nhân, lột truồng trước một đám đàn ông trân tráo, có người khiếm khuyết thể chất, bất toàn tâm lý nên không có khả năng tìm được người vợ đồng chủng nơi quê nhà; có hàng ngàn, hàng chục ngàn nông dân mất đất kéo đến trụ sở Quốc Hội 2 ở Phú Nhuận, ra tới Hà Nội để khiếu kiện những vụ cướp đoạt nhà cửa, ruộng vườn mà họ đã khai khác, sinh sống từ 100 năm qua do những viên chức cán bộ, công an địa phương đi từ miền Bắc vào, từ đồng ruộng bưng biền miền Nam ra thành phố sau 1975 để thâu đoạt, cưỡng chiếm chiến lợi phẩm của bọn ngụy quân và gia đình, cũng là tài sản của cả xã hội miền Nam...
Để đến kết quả điển hình tại Bình Dương thành hình một tô giới của người Hoa gọi là “Đông Đô Đại Phố” tuyệt đối cấm người Việt không được vào, tương tự như Biển Đông hoàn toàn nghiêm cấm đánh cá đối với ngư dân người Việt. Và cuối cùng, những người trẻ vừa qua tuổi hai mươi sinh sau 1975… Những sản phẩm thuần thành của chế độ xã hội chủ nghĩa, từng mang khăn đỏ, đứng trong đội ngũ gọi là “cháu ngoan Bác Hồ”. Nay những đơn vị cháu nhỏ ngoan ngoãn do cưỡng ép kia nhận ra điều chân thật: Người phải sống với và bởi Đức Tin và Tự Do – Mục đích của cuộc chiến đấu được thực hiện, dẫu thất bại nhưng luôn tiếp tục với máu và mạng sống của toàn bộ Miền Nam trước 1975. Và với tất cả Việt Nam hôm nay.
 
Chuyện thứ nhất
Hai con của tử sĩ Nguyễn Văn Thuận, đơn vị Sư Đoàn Nhảy Dù, quê Long An. Thằng Nô, 12 tuổi; Phát 14 tuổi cùng mẹ đi vùng kinh tế mới ở Đồng Tháp Mười. Nhưng đời sống quá cực nhọc và không đủ ăn, bà mẹ dẫn hai đứa con về Sài Gòn lang thang. Nô và Phát thường khoe rằng, cha chúng đi lính, mặc áo hoa rừng chết vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Mẹ chúng đã khóc như mưa lúc nhận xác cha, nên mỗi khi vào mùa mưa, chúng cảm thấy buồn buồn. Gần đến ngày giỗ cha, chúng cố “làm ăn” cho có nhiều tiền để về Long An thăm mẹ. Thường khi các bạn đồng lứa bắt đủ cá (dưới lòng đường cống Sài Gòn) xong trở lên mặt đường ngủ thì chúng nó tiếp tục lặn dưới các ống cống thành phố để tìm thêm cá. Có những buổi sáng, hai anh em rét run vì ngâm dưới nước quá lâu. Vào một đêm nọ, hai anh em thằng Nô, Phát lặng lẽ mở nắp cống chui xuống, khoảng vài ba giờ sau thì sấm chớp rầm rầm, đám người ngủ lề đường choàng thức dậy tìm chỗ trú mưa. Một trận mưa như vũ bão đổ ào xuống thành phố và kéo dài cho đến sớm. Bình thường, hai anh em thằng Phát vẫn ở lâu hơn bạn bè dưới cống, nhưng sao giờ này chúng nó vẫn chưa lên?
Thôi rồi, có người hốt hoảng hiểu ra mọi sự. Nhóm bụi đời báo động với nhau, hỏi thăm những đứa trẻ đang ngủ gà, ngủ gật cạnh những đống rác “giữ chỗ” cho công việc sáng hôm sau (để moi, nhặt rác). Chẳng đứa nào thấy hai anh em thằng Nô. Cho đến một hôm, ba mươi ba ngày sau, một đứa khác đang lội bì bõm ở ống cống gần chợ Cầu Ông Lãnh tìm cá, bất ngờ đụng phải một cái gì giống như “trái dừa”. Nó nhặt lên, soi dưới ánh đèn, hét lớn và bỏ chạy. Sợ quá, nó chui đại lên miệng cống ngay gần chợ trước sự kinh ngạc của bạn hàng. Nó vừa lượm một cái đầu lâu. Cả chợ hay tin đó liền kêu đội dân quân gác chợ mở cống tìm xác hai đứa nhỏ, nhưng cuối cùng chỉ nhặt được một khúc đùi đã thối rữa, và nửa thân người còn lại. Bọn trẻ nhận ra cái quần đùi màu đỏ của thằng Phát, bên trong còn ít tiền gài kim băng cẩn thận. Tiền đó thằng Phát để dành về quê giúp mẹ làm đám giỗ cha.

Chuyện thứ hai
Hai đứa bé không kịp nhìn ra cảnh sắc huy hoàng khi Sài Gòn vừa lên đèn. Ánh điện từ cơ xưởng hải quân chạy dài theo bến cảng, nhấp nhô, long lanh trên những tầng lầu, hiện rõ dần khi màu nắng vàng nâu trôi chậm về phía biển và bóng tối bắt đầu loang lạnh dòng sông. Từ Thủ Thiêm, hai đứa nhỏ nương bóng tối, vượt qua sông, hướng phía rạch Thị Nghè, nơi con sông quành một khúc cong rộng, nhập với dòng Đồng Nai trước khi đổ ra biển.
– Mình đi thế này có sớm không Hai? Đứa nhỏ âu lo hỏi anh theo nhịp thở khi cố rướn mái chèo đưa con thuyền gối lên lườn sóng đang mỗi lúc mỗi mạnh bởi ngược dòng triều cuồn cuộn chảy ra biển.
– Không đâu, giờ này lính gác thường không để ý, họ đang mắc ăn nhậu, đi khuya hơn, dễ bị lính thấy vì lúc đó không còn ai trên sông, người lớn lúc đó cũng tới bộn, mình con nít làm sao chen vô.
Thằng anh bỏ dở câu nói, nhấc người lên khỏi sàn thuyền để dầm xuống tay lái bị giật ngược vì có chiếc thuyền sắt lớn đang đi qua. Bóng tối âm u của thân tàu làm thẫm thêm màu đêm trên sông đen.
– Hai à… Đứa em lại mở lời. Nó nhận ra có điều gì bất ổn giữa nỗi im lặng se sắt này.
– Đừng nói nữa, tao đang kẹt tay lái, mày không thấy sao. Hỏi miết!
Thằng anh cao giọng tỏ ý bực dọc. Nhưng khi chiếc thuyền đã trôi xuôi theo nếp sóng, nó nhận ra qua bóng đêm, thân hình nhỏ yếu gầy gò của đứa em đang lay lắt chuyển dịch, lòng nó dâng lên mối xúc động bùi ngùi. Tội nghiệp, má mất từ lúc nó còn nhỏ, và thằng cu vừa chập chững biết đi. Và cảnh tượng khi nó trở về từ Chợ Cầu Ông Lãnh, hai đứa em ngồi co quắp thoi thóp bên cạnh thây người vừa qua cơn hấp hối. Người mẹ nằm lật ngửa trên đống vỏ dừa xập xùi lớp rác bùn nhơ nhớp, mắt đứng tròng ngầu đục chống ngược nhìn lên gầm cầu rung rinh dưới sức nặng của đoàn xe tải, xe ba gác, khối người đang chuyển dịch gào động bên trên.
Khi kéo hai thân thể nhỏ bé hôi hám ra khỏi vùng người chết, nó nhìn xuống mắt người mẹ đang mở trừng trừng khô rốc. Má chết nghe má! Không một tiếng khóc, kể cả nó, dù đã đủ trí khôn để hiểu nỗi đau mất mẹ. Mỗi chiều chèo thuyền qua sông, nhìn về miệt rạch Bến Nghé, khi nhớ lại chuyện của năm qua, nó có cảm giác như vừa mới… đang xảy ra. Nó luôn thấy nặng nặng phiền phiền trong lồng ngực. Ngày nó mười bốn và đứa em này lên bảy. Móc được dầu khá khá, mầy muốn Hai mua cho mầy cái gì? Nó hỏi em thắm thiết, lòng trùng lại bởi mối xa xót thương yêu. Tội nghiệp, thằng nhỏ có bữa nào được no đâu! Nó thương em bởi hằng hiểu cơn đói luôn quặn thắt trong thân.

Một góc Sài Gòn 1987 (ảnh: Lily FRANEY/Gamma-Rapho/Getty Images)

– Em không muốn gì trọi trơn. Chỉ muốn có má thôi… Còn má thì cái chi cũng có, Hai không nhớ lần má cho mình ăn bún nước lèo há! Đứa em trở lại sinh động, phấn khởi làm như thể đang được ăn món ngon kỳ lạ kia và người mẹ ngồi nhìn con tươi vui rạng rỡ.
– Mầy nói vậy, còn ba thì có nhiều thứ hơn nữa. Giọng thằng anh trở nên khàn đục như đang phải nuốt một thứ gì đắng, cứng, quá khổ.
– Em đâu biết, mà ba làm gì, ba đâu rồi, sao ba không ở với má và anh em mình? Thằng em dò hỏi. Quả thật, đã từ lâu nó không nghe, biết về người cha.
– Mầy biết vậy thôi, khi nào lớn lên tao nói cho nghe, mà thôi, cũng không nên. Thằng anh chấm dứt câu chuyện. Nó trở nên nghĩ ngợi, bởi thật sự cũng không muốn nhớ cảnh tượng buổi sớm mai hôm đó, năm 1975…

… Người lính đứng giữa đám nhà doanh trại đang bốc cháy, tay anh cầm chắc một cây súng, lưng, vai đeo đầy giây đạn và hai khẩu súng khác. Toán lính vừa bắn vừa lùi dần về sau những căn nhà trại gia binh. Đám đàn bà và con trẻ nháo nhác, những viên đạn pháo nổ chụp, một vài cơ sở bốc cháy…
Mầy chạy đi, dẫn giùm vợ con tao ra Cổng C, tao với mấy đứa tiểu đội hai giữ chốt này, không cho tụi nó vào Bộ Tư Lệnh! Ba nó hét những lời hỗn độn với những người lính chạy lố nhố chung quanh. Người mẹ quỳ xuống van nài… Mình mình, mình đừng bỏ mẹ con tui. Mình đừng bỏ mẹ con tui… Má nó day day cánh tay ra hiệu cho nó chạy đến ôm chầm lấy người cha… Hai đứa em nhỏ vùng vằng, khóc ngất. Ba nó gầm gừ… Má nó với mấy đứa nhỏ chạy ra cổng đi. Tui không bỏ đi đâu hết, cứ chạy xuống chỗ Nhà Thờ Ba Chuông ở tạm.
Ba nó chạy đến sau những thân cây keo cùng những người lính khác. Đầu cổng chính Trại Hoàng Hoa Thám, lối vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, chiếc xe tăng xoay nòng súng dò tìm độc ác. Viên đạn nổ bùng. Những xác người bay bay. Mình ơi! Má nó gào ngất… Má… Má! Nó cũng kêu khản tiếng thất thanh bất ngờ. Đứa bé em bế trong tay ré khóc.
Chiều nay qua sông giữa màn đêm, thằng bé thấy lại lửa và cảnh má nó quay cuồng bên xác người cha vừa bị bắn tung xé bay mù. Thằng bé hằng sống cùng lửa – Lửa của mỗi ngày. Lửa qua mỗi đêm – Dẫu nó không biết tại sao, do đâu, là gì? Đêm nay, nó thấy lửa bùng lớn hơn bao giờ hết. Vừa rồi, khi gắt em chính là lúc nó đang ngộp thở bởi hình như lửa đang sát cạnh, nóng ran tự trong thân.
Sắp đến chỗ rồi mầy, đừng nói gì nữa. Thằng anh chuyển lệnh cho em. Âm tiếng lạnh lẽo. Nó nuốt vội chút nước bọt bởi miệng nhạt đắng, khô khan. Chiếc ghe nhỏ len dần vào giữa những thân thuyền cao, đen, nằm lặng lẽ như những con vật khổng lồ no mồi say ngủ.
Bây giờ chỉ còn đứa lớn chèo sau lái, thằng em đã sẵn chiếc thùng ni-lông trong tay, nó chồm ra khỏi thành ghe, nghiêng hẳn nửa người nằm ngang trên mặt nước, vục nước tù giữa hai thân tàu chở dầu nằm ụ. Đây… đây, Hai… Thằng bé em múc vội một bình ni-lông nước, vục tay vào, đưa lên mũi ngửi ngửi. Đúng rồi Hai, em thấy như là dầu nguyên xi. Đứa anh vội vàng. Mầy nhảy qua múc đi, đợi gì nữa, khi nào mệt, qua giữ lái để tao thay. Tiếng phì phọt múc dầu đều đặn chen lẫn hơi thở dồn dập của đứa bé đang trong cơn căng thẳng. Thỉnh thoảng có lời xuýt xoa tiếc rẻ. Nhiều quá, dầu nhiều quá, biết vậy mình mượn cái ghe bác Bảy, múc được nhiều hơn, chắc họ mới xả buổi sáng. Khi đứa anh bắt đầu thay em vì chiếc ghe chỉ còn di động đong đưa do thân đã bị mắc vào cạnh một xà-lan rộng nên đứa em chỉ cần nắm giữ những vỏ bánh xe dùng làm phao cấp cứu gắn hai bên sườn. Thằng em rảnh rỗi, khơi chuyện, nói lời vui…
– Vừa rồi Hai hỏi em có muốn ăn gì phải không?
– Ừa, cho mầy nói đi
– Không, em không cần, nhưng nếu mình bán được dầu, có tiền, mình mua cho thằng út hộp sữa, từ ngày má chết, nó có được ai cho bú đâu, Hai chịu không?
– Được, để tao coi. Đứa anh trả lời mơ hồ, phần vì bận việc, nhưng quả thật, trong lòng đang có điều mơ hồ thấp thoảng âu lo. Khi cúi mình trên dòng nước đen hăng hắc hơi dầu, nó ngửi thấy mùi khói và lửa ngọn bùng bùng rực đỏ đâu đây.
 
Bộ đội Trịnh rút điếu thuốc cong queo từ trong túi áo. Ba số nhá, thuốc thẳng ba số đấy! Anh ta đi đến dưới trụ đèn, nhìn rõ hơn những giòng chữ nhỏ màu xanh in trên giấy cuốn điếu thuốc. Anh đọc không hiểu, nhưng thật sự cũng chẳng cần thiết. Ba số, ba số, thuốc thẳng có “cán”giấy vàng. Trịnh lẩm bẩm khi nhìn vào hàng chữ số “555” và khúc đầu lọc bọc giấy kim loại màu vàng. Chiến thật, đéo mẹ tụi đế quốc phí thật, giấy kim loại đắt đến thế mà chúng dùng chỉ để làm thuốc cán! Anh ta hân hoan khi so sánh với những điếu thuốc bọc giấy bạc của Hà Nội, những thứ thuốc dành cho cán bộ cấp cao. Thăng Long, Điện Biên. Chẳng làm sao bì được với “thằng ba số” này! Anh nhẹ kéo dây tim chiếc hộp quẹt nhôm màu trắng. Phải làm thế nào để không phải bật quẹt lần thứ hai, mùi xăng bốc lên sẽ làm hư thuốc.
Anh cẩn thận, chuẩn bị tỉ mỉ trước khi trịnh trọng mồi điếu thuốc. Bộ đội Trịnh tì người trên lan can tàu, nhìn xuống dòng sông, rít dài hơi tận hưởng khoái lạc khi thân thể mở ra, đầy ắp khối lượng khói thuốc thơm lừng. Anh đưa mắt nhìn nơi xa, bên kia sông, dãy nhà lốm đốm đèn đỏ, trước khi xoay vòng phía sau. Thành phố rực sáng như tập trung hết nguồn điện của tất cả đế quốc, Mỹ-Ngụy có được. Gớm, sao chúng phí điện đến thế! Anh hằng có cảm giác kinh sợ thán phục chen lẫn giận dữ mỗi khi nhìn vào sinh hoạt của người, sự việc hằng ngày xảy ra nơi miền Nam, ở Sài Gòn (anh luôn “nghĩ Sài Gòn” thay vì “nói thành phố Hồ Chí Minh”).
Giải phóng rồi chúng còn thế, không biết trước kia “phồn vinh giả tạo” chúng nó ra làm sao? Chính chúng nó phí phạm thế mới làm “ngoài ta” khốn khổ, chứ không ai vào đây tất! Trịnh hằng kết luận như thế cùng đồng ngũ và chính bản thân. Bỗng bộ đội Trịnh la lên tiếng sửng sốt lẫn phẫn nộ khi nhìn xuống dòng sông, khoảng giữa những thân tàu dầu, dạng hai đứa bé đang trên con thuyền chòng chành, xô đẩy bởi dòng chảy dồi sóng chuyển dịch do vài con tàu chung quanh rời bến. Và tai họa thực xảy ra. Điếu thuốc rời khỏi môi rơi xuống. Chấm tàn đỏ bay ngoằn ngoèo trước khi mất hút trên vùng nước đen.
Bộ đội Trịnh gầm rú… Địt mẹ… ông giết chúng mầy! Anh ta giật khẩu AK trên vai xuống với động tác quyết liệt, mạnh mẽ. Bộ đội Trịnh nhắm vào lỗ chiếu môn, đỉnh đầu ruồi, đầu nòng súng… đến thân thể người. Chiếc nón cối rơi tung xuống đất. Mặc! Anh nghiến chặt răng. Bóp cò. Tràng đạn nổ ròn ba nhịp! Chết rồi Hai ơi… họ thấy mình rồi… chèo đi, chèo lẹ đi! Không ai bảo ai, hai đứa bé đồng cuống quýt, thằng em nhảy vội về thuyền. Những cánh tay gầy, yếu vung tròn, chuyển động dồn dập, tới tấp… Mau lên, mau Hai ơi, mau lên… Những viên đạn vạch đường đỏ đuổi theo. Bộ đội Trịnh bóp cò lần thứ hai. Bộ đội Trịnh bóp cò lần thứ ba… Những đầu đạn rơi xuống nước, xé tung gỗ sườn ghe, và ghim im đâu đó nơi thịt da đứa nhỏ. Thằng anh gập nửa thân người ngang be thuyền, mặt úp xuống nước. Trên vũng đen im xao động nó thấy lửa… Lửa phần phật, chập chờn như buổi sáng cuối cùng với cha nó… Hai ơi… anh ơi… Hai đừng chết bỏ em… tội em! Đứa bé em muốn kêu lên như thế, nhưng bởi nó đã thật sự kiệt sức khi chiếc ghe thoát được ra giữa dòng sông.
Chung quanh… Sông Sài Gòn, đoạn chảy qua xưởng Ba Son im lặng biền biệt trôi…

Sài Gòn 1989 (ảnh: Philippe Renault/Gamma-Rapho/Getty Images)
 
Chuyện thứ ba
Đấy là những người đàn bà bình thường, đơn giản, trú ngụ ở các trại gia binh của các đơn vị quân đội. Những người đàn bà chỉ ao ước mỗi tháng được mua hàng Quân Tiếp Vụ, thăm chồng nơi chốn hành quân xa với tay xách đựng vài ổ bánh mì, nải chuối, biểu lộ tình nghĩa vợ chồng qua tiếng lời trung hậu, tội nghiệp… “Ba thằng hai đừng uống rượu, đừng hút thuốc, để dành thuốc Quân Tiếp Vụ tui bán được một trăm hai chục đồng”, vừa nói vừa quạt mát cho chồng để nhẹ lời cầu xin. Cũng chính họ đã gánh chịu tai họa chiến tranh ngang tầm của người chồng trong cách thế im lặng, thụ động và cam phận.
Những buổi sáng tinh mơ trước khi đoàn xe lăn bánh ra khỏi hậu cứ, họ đã có mặt với những đứa con còn ẵm ngửa, đứa dắt tay. Họ biết nói gì với chồng trước mỗi lần đi ngoài lời thầm xin cầu nguyện. Mong lần đi có khi trở lại, và nếu người chồng trở về với những thương tật không thể bù trừ, những mất mát không hề được tái sinh, họ chấp nhận sự thiệt hại đau thương, giá máu đổ xuống một cách khắc kỷ cao thượng qua lời nói nhẹ tênh.
“Ừ thôi, ba hắn không chết là tui mừng rồi, còn vợ, còn chồng là được”. Và đời họ, người chồng lính, những đứa con sẽ kéo dài bình an chìm lặng từ nỗ lực đôi vai, chiếc lưng ngồi hằng ngày nơi phố chợ, hoặc với quang gánh nhọc nhằn trên đường xa. Tất cả khổ đau hoạn nạn được quên khuất nhanh chóng với câu nói bình thản. “Ba sắp nhỏ dù đui què, mẻ sứt chi mà còn sống là tui cũng yên lòng”. Tất cả mối mong ước bình an chịu đựng nhỏ bé này đồng bị đổ nhào, lật ngược một cách tàn nhẫn nơi ngày 30 Tháng Tư 1975.
Ba giờ sáng ngày 1 Tháng Bảy 1975, Làng Phế Binh Rạch Chiếc Thủ Đức, Gia Định bị đánh động, vây chặt bởi một đơn vị bộ đội đông đúc có cả xe tăng yểm trợ. Một đoàn xe chờ sẵn để dồn mọi người lên vùng kinh tế mới Sông Bé (Phước Long cũ). Kinh tế mới là gì, chẳng ai biết? Sông Bé ở đâu, người người bàn tán xôn xao. Trẻ nít khóc rân, người lớn nháo nhác hốt hoảng dồn đồ đạc, áo quần dưới ánh sáng lùng sục, thúc giục của đèn xe và đèn pin và lời quát tháo chửi mắng.
“Chúng mày là gia đình bọn ngụy quân, lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ, có nợ máu với nhân dân, chúng mày không được quyền ở đây, phải trả lại tài sản cho nhà nước và nhân dân!”. Chen trong chuỗi la ó hỗn loạn kia có những âm thanh nổ bùng, sắc gọn sau tiếng la hét uất hận… Những thương phế binh tự sát cùng với gia đình, từ chối lên vùng kinh tế mới. Đến sáng, toàn khu làng phế binh ngày thường sầm uất nhộn nhịp nay vắng hoe, heo hút những đám cháy nhỏ gồm những vật gia dụng bộ đội không cho đem theo; chỉ còn những đơn vị bộ đội đứng gác và các toán đi lại, vào từng nhà kiểm kê. Một đoàn xe khác từ Sài Gòn đến, sau khi đã chất đầy những đồ đạc để sẵn ngoài sân, phủ bạt kín, chạy ra xa lộ, hướng về phía Bắc.
Gần một năm sau, tất cả gia đình đi kinh tế mới ở Sông Bé đồng trở về vì không chịu đựng nổi cảnh sống quá cực khổ ở vùng núi rừng hiu quạnh. Có gia đình về không đủ như lúc ra đi vì đã để lại thân xác nơi rừng sâu; có gia đình thì đông hơn trẻ nít, nhưng tất cả đều ốm yếu, nước da vàng vọt, người đầy ghẻ chóc. Họ không còn nhà, nên thường cất những chòi bằng giấy cứng quanh nghĩa địa. Người sống và người chết chen nhau. Vào ngày nắng gắt hoặc mưa giông, nghĩa địa bốc mùi tanh nồng nặc, dần dần ai nấy đều có nước da tai tái như người chết. Nhà cửa khu trại gia binh bị trưng thu, vùng kinh tế mới sống không nổi, lấy nghĩa địa làm nhà, lề đường là vùng sinh sống, đám dân cùng khổ biến thành “tệ đoan xã hội”, đối tượng của chính sách dồn ép và quét sạch để “làm đẹp tổ quốc giàu, mạnh, xứng đáng thành phố mang tên bác kính yêu”.
Những cuộc truy quét thu gọn rầm rộ được phát động trong những xóm lao động, dài theo đường phố Sài Gòn, những vật dụng ăn cướp của đám bần dân bị công an quăng đầy lên xe cây: cây dù, tủ thuốc lá, xe xay nước trái cây, xe bán nón, đòn gánh, rổ bánh tráng… Chưa hết, bên cạnh những chuyến xe chở hàng tịch thu là những chiếc xe bít bùng chở đầy người già, trẻ nít, người tàn tật, những bà mẹ cùng đám con thơ nheo nhóc đỏ hỏn bế trên tay… Tất cả đồng đưa về trại tập trung, bởi tội “lấn chiếm lòng lề đường”.
Này đây, một cuộc bố ráp điển hình ở khu Hàng Xanh: Một thương phế binh không may lọt ổ phục kích, chưa biết phải làm gì trước tình huống thì một xe công an từ đâu phía sau chạy tới. Một tên nhảy xuống, giật thùng đồ nghề (vá xe) quăng lên xe. Thế là trắng tay! Làm sao để sống đây hở trời? Những nơi khác, quanh Ngã Tư Hàng Xanh, tiếng la hét, khóc than, vang lên tới tấp. Một chị phụ nữ la thất thanh. Chị đang giằng co với một tên công an thúng trái cây, bên cạnh bên chị, hai cháu bé, đứa khoảng năm tuổi, đứa chừng ba tuổi bò lăn trên những trái mận, ổi, khóc vang khi thấy mẹ bị tên công an đá quay lông lốc…

Sài Gòn 1989 (ảnh: Francoise De Mulder/Roger Viollet/Getty Images)

Và sau đây, một tình cảnh điển hình của vạn thân phận đàn bà sau “giải phóng”: Chồng chị Liên là anh Hơn, phế binh Sư Đoàn 25 Bộ Binh, cụt một chân và lao phổi nặng. Một hôm đi bán nhang chẳng may băng qua đường trợt té, một chiếc xe hàng chạy qua thắng không kịp, đầu anh bị cán nát, lòi cả óc ra ngoài. Dẫu chồng chết, chị Liên cũng đã lây bệnh ho khậm khẹt và không hiểu sao chị sợ màu đỏ quá. Nó giống máu hòa trong nước miếng của chồng chị nhổ ra sau mỗi cơn ho, nó cũng giống màu cờ đỏ treo khắp thành phố. Liên cùng chị Mạc, vợ một phế binh khác, và chị Nguyệt lên Long Khánh buôn củi lậu. Cả ba đi tàu chui và khi gần đến ga Bình Triệu thì tuôn củi xuống. Liên có đứa con trai lớn tên Đức, nhanh nhẹn giúp đỡ mẹ rất đắc lực, nhưng chị Mạc với bé Hoa mới năm tuổi thì thật khó khăn, nguy hiểm khi nhảy tàu, vừa bế con, vừa tuôn củi. Liên khuyến khích bạn, “Chị đừng lo, thằng Đức con tôi sẽ cõng con Hoa nhảy giùm cho…”
Nhưng đó chỉ mới là dự tính, vì khi có bố ráp, chặn bắt trên các toa thì tình cảnh trở nên rất lộn xộn. Chị Mạc vừa quăng được hai bó củi thì chung quanh các bạn hàng cũng nhốn nháo tranh nhau tuôn củi xuống. Con Hoa bị củi quăng trúng chân khóc ré lên, chị Mạc vừa sợ mất củi, vừa sợ mất con, chết điếng trong lòng, cuối cùng không dám nhảy theo bó củi với đứa con trong tay. Liên đã nhảy xuống đường rầy, chị la ơi ới… Ném củi xuống mau, bảo vệ tới kia kìa. Thằng Đức đu người ra ngoài tàu để cố giúp chị Mạc nhưng không kịp được nữa, đoàn tàu đã từ từ vào ga. Nhưng sự “may mắn” không đến với chị Liên được mãi, tai họa đã xảy ra như một điều tự nhiên của nghiệp khổ phận người Việt dưới chế độ cộng sản.

Xe lửa Hà Nội-Sài Gòn, 1993 (ảnh: Philippe Giraud/Sygma/Getty Images)
 
Một hôm, trời mưa tầm tã, bảo vệ chia nhau ngăn chặn các toa xe. Để cứu lấy món hàng, Đức và những đứa nhỏ leo lên trần xe và chuyền những bó củi qua cửa sổ. Một đứa tuột tay bị cuốn vào bánh xe lửa, thân thể bị nghiền nát vụn dọc theo đường tàu. Về đến ga Thủ Đức, chị Liên vẫn không thấy thằng Đức đâu, hỏi thăm lũ nhỏ, có đứa bảo thấy thằng Đức leo mui xe lửa trốn bảo vệ. Nhưng đến ngày hôm sau, Liên mới biết được rằng, khi xe qua cầu Biên Hòa, con chị đã bị đà ngang đánh vỡ đầu, rơi xuống đường ray, xác thây bây giờ không biết nằm đâu…
Cuối cùng, chị Liên gia nhập lực lượng “tình nguyện hiến máu”. Chị có ý định sau khi gom được số tiền bán máu chị sẽ đi buôn lại như xưa, vì bây giờ nghe nói cộng sản không còn “ngăn sông cấm chợ”. Chị đã đến các trung tâm tiếp huyết Thủ Dầu Một, Bình Dương, lên tận Lộc Ninh rồi vòng qua Biên Hòa để bán máu. Nhưng vì muốn mau thoát khỏi kiếp sống hè phố chị đã quên chính mình, thân xác càng ngày càng suy kiệt, mặt chị xanh xao, đi không vững, bị xây xẩm luôn. Một đêm chị ngủ trên ghế đá một công viên ở Chợ Lớn. Sáng mai, người ta thấy xác chị cứng đơ. Khi đem xác đi chôn, số tiền để dành trong túi chị bị công an tịch thu, vì không có “chứng minh tài chính” hợp lệ.
 
Lời tạm kết
Trên đây là những câu chuyện có thật, tôi chỉ viết lại, nhưng tôi phải viết trong một khoảng thời gian khá dài, và đôi lúc cảm thấy quá khó khăn, gây nên ý nghĩ không thể kết thúc được. Nhưng khi viết xong thì có cảm giác… Hóa ra tôi đã sử dụng chữ nghĩa tận chân thật mà xét ra cũng không đi đến đâu! Chỉ nghĩ thế thôi đã thấy rã rời kiệt sức. Vừa viết vừa căm căm câu hỏi nói ra lời: Sao con người có thể đau thương đến như thế? Sao con người có thể độc ác với nhau đến như thế?
Chế độ xã hội (gọi là cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) lại tiếp sức định chế hóa, chính trị hóa, hợp lý hóa sự ác độc kia nên thành chính sách – Một điển hình văn minh tiên tiến “xã hội xã hội chủ nghĩa”. Làm sao cứu được cho Người? Bắt đầu từ nơi đâu ở Việt Nam? Thử nghĩ đến tình cảnh người đàn bà đi thăm nuôi ngàn dặm từ Miền Nam bị dồn ép, đè bẹp, xô đẩy, chửi mắng, đe dọa… trong những chuyến tàu xuyên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiếp chuyến xe trâu giữa hai sườn núi đá sôi bỏng cỏ cây, vào trại tù với bàn tay che nắng hè vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh, tay dắt đứa con còn tuổi thiếu, ấu.
Đêm đến, hai mẹ con ngồi ngủ dưới mưa trên sân đất lạnh vì dân chúng trong vùng dẫu đã nhận tiền “cho thuê mái hiên” cũng chỉ cho họ được phép ngồi ngủ ngoài sân, nhận chịu đòn trừng phạt (của nhân dân/nhân dân miền Bắc xã hội chủ nghĩa), vì tội “gia đình bọn Ngụy phản động Miền Nam” – Kiểu đấu tố của bần cố nông đối với đứa trẻ con địa chủ theo lệnh đội cải cách ruộng đất những năm đầu thập niên 1950 ở đồng bằng Bắc Bộ.
Sáng mai sau một đêm ngủ ngồi, hai mẹ con vào trại để nói với chồng, cha lời “động viên học tập tốt”, qua 5-10 phút thăm nuôi ngắn ngủi. Đường vạn dặm trở về thấm đủ lượng nước mắt thương tâm trên mỗi cột mốc cây số với ý tưởng không dám nghĩ hết: Lần thăm nuôi cũng là lần vĩnh biệt – Chỉ nghĩ thôi. Nghĩ cũng đủ thấy đau. Nhưng không chết người cha, người chồng nơi chốn lao tù mà là đứa bé (sau lần thăm nuôi) bị xe hỏa cán nát thân đâu đó khi giúp mẹ tuôn củi, buôn than theo đường dây “hoạt động kinh tế phá hoại mậu dịch nhà nước xã hội chủ nghĩa ”. Long Khánh, Dầu Giây – Cầu Bình Triệu, Sài Gòn như câu chuyện trên đã kể ra.
Không bao giờ kể hết khổ nạn người Nam. Người của một quê hương tên gọi Việt Nam. Hết thảy Việt Nam, đâu còn phân biệt. Ai là Bắc. Ai là Nam?! Trên quê hương hôm nay, ở Sài Gòn hơn bốn mươi năm sau 1975, sau chiến tranh, cây cỏ, con người đồng khô kiệt tang thương đến độ ngậm ngùi, xót xa. Tiếng gà không còn, cánh chim mất biệt, người Sài Gòn ra đường với mặt nạ che kín, bụi đen bám dầy sợi tóc. Và nay, 2021 với đại họa Covid 19 biến thể thành Delta, từ một Hòn Ngọc Viễn Đông nay mang tên “Bác Vinh Quang” là một thành phố chết – Chết vì dịch. Chết vì đói. Hà Nội động binh đưa xe tăng, bộ đội trang bị vũ khí chống sát thương vào đóng chốt Sài Gòn để “Chống dịch như chống giặc”! Giặc là ai? Giặc ở đâu?
Tập đoàn cường hào ác bá đầu Thế Kỷ 20 dưới thời thực dân Pháp nay được thay thế bởi một hệ thống công an phường, ủy ban nhân dân, ủy viên an ninh xã sẵn sàng xuống tay không thương tiếc ngay cả đối với những thành phần “mẹ chiến sĩ, vợ, con liệt sĩ” nếu những người này có hành vi “vi phạm an ninh tổ quốc” do muốn được điều kiện sống như một con người. Còn thành phần gọi là “Ngụy Quân-Ngụy Quyền và gia đình” thì đã hoàn toàn bị tận diệt từ sau 30 Tháng Tư 1975.
Phan Nhật Nam
31 tháng Tám 2021
Để nhắc nhở Tháng Tám 1945 – Việt Minh cộng sản “cướp chính quyền” ở Hà Nội.

 

 Đăng ngày 08 tháng 10.2021