CHÓ PHẢN BIỆN
Đào Hiếu
Khi giận ai, hoặc để tỏ lòng khinh bỉ, quý vị thường chửi: “Đồ chó!” hoặc văn vẻ hơn thì nói: “Tư cách anh ta không hơn một con chó”. Tội nghiệp, loài khuyển chúng tôi cứ bị đem gán cho những gì xấu xa, hạ tiện, suốt cả ngàn năm nay mà không có cơ hội “phản biện”.
Thời xưa, không có Facebook đã đành, thời nay mạng Internet phủ sóng toàn cầu, thế mà chúng tôi vẫn không làm gì được, vẫn phải im lặng.
Có lẽ vì loài khuyển không có tiền mua laptop, nếu không, ít ra chúng tôi cũng phải gửi cho quý vị vài cái comments chẳng hạn như: “Tại sao cái gì xấu cũng đổ cho chó?, sao không ai nói:” “Đồ con mèo!” hay: “Đồ con gà!”.
Đành rằng đôi khi cũng có người chửi: “Bẩn như lợn!” hoặc: “Ngu như bò!” nhưng đó chỉ là đánh giá về chuyện “vệ sinh phòng dịch” hoặc chuyện có liên quan tới cái chỉ số IQ, tuyệt nhiên không có ý xúc phạm phẩm giá như trong lời chửi ”Đồ chó!”
Phẩm giá của chúng tôi có gì mà quý vị cứ đem ra chà đạp?
Có ngon thì lên báo tranh luận đi, xem ai cao quý hơn ai.
CHÚNG TÔI YÊU TỔ QUỐC
Quý vị sẽ bỉu môi: Chó mà làm gì có “Tổ Quốc”.
Lầm to.
Trong thế chiến thứ 2, loài chó chúng tôi đã có bao nhiêu tấm gương “vị quốc vong thân”.
Những vị anh hùng khuyển từng được quân đồng minh huấn luyện để ra trận diệt xe tăng của Đức quốc xã. Chúng tôi mang bom, xông ra chiến trường, vượt qua hoả lực địch, phóng lên xe tăng của Đức và nổ tung, tiêu diệt địch. Hàng ngàn chiến sỹ khuyển đã hy sinh anh dũng cho tổ quốc và cho cả nhân loại. Chuyện “Lê Văn Tám” của Việt Nam có thể là bịa đặt, nhưng những chiến sỹ cảm tử bốn chân chúng tôi là có thật.
Còn nữa, sự hy sinh của chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc “đánh bom cảm tử” mà chúng tôi còn dám hy sinh vị sự nghiệp phục vụ nền khoa học vũ trụ của nhân loại.
Tháng 11/1957, tàu Sputnik 2 của Liên Xô đã đưa một người anh hùng của chúng tôi là đồng chí Laika lên quỹ đạo. Vào thời điểm ấy, kỹ thuật phóng phi thuyền còn thô sơ nên tàu Sputnik không có khả năng chống cháy khi trở về trái đất, vì vậy chuyến đi của Laika chẳng khác nào Kinh Kha vượt qua sống Dịch để vào nước Tần. Một đi không trở lại. Dân tộc khuyển chúng tôi đều biết rằng Laika vĩ đại sẽ chết khi trở về.
Và trên thực tế, đồng chí ấy đã hy sinh chỉ sau một thời gian ngắn khi phi thuyền Sputnik 2 rời bệ phóng, vì áp suất và nhiệt độ trong khoang tàu tăng đột ngột.
Laika trong phi thuyền Sputnik 2
Về sau này, các nhà khoa học Liên Xô đã tiết lộ: "Sau 5 đến 7 giờ bay, người ta không còn nhận được một tín hiệu nào về sự sống của Laika nữa".
Đó là những tấm gương hy sinh cao quý của chủng loại chúng tôi cho tổ quốc và cho nhân loại.
Còn quý vị?
Quý vị đang làm cái giống gì cho tổ quốc, mà để Việt Nam mất dần lãnh thổ. Giặc Tàu tràn vào Việt Nam đủ mọi ngõ ngách: chiếm biên giới phía Bắc, chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, lập căn cứ quân sự, chiếm Tây nguyên và diễu võ giương oai cả Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang…rồi làm mưa làm gió trên không phận Sài Gòn?
CHÚNG TÔI CHUNG THUỶ
Chắc quý vị đều biết trong chủng tộc khuyển có một “vĩ nhân” nổi tiếng khắp thiên hạ, từng làm hàng triệu người rơi nước mắt. Nhật Bản làm phim, Mỹ cũng làm phim, đó là chú chó Hachiko.
Hachiko có người chủ là giáo sư Ueno. Vị giáo sư này đã nuôi Hachiko từ nhỏ. Khi Hachiko lớn khôn, sáng sáng cậu ấy tiễn chủ ra ga Shibuya để đến trường đại học, và chiều đến, cậu ấy lại ra ga đón giáo sư trở về trên chuyến tàu quen thuộc. Ngày nọ, giáo sư bị đột quỵ ngay trên bục giảng. Hachiko không hề biết tin ấy.
Chiều hôm đó Hachiko vẫn ra ga đón giáo sư. Con tàu quen thuộc về đến sân ga nhưng không thấy giáo sư bước xuống.
Những ngày sau đó, những tuần sau đó, những tháng sau đó… Hachiko vẫn ra ga đón.
Và cậu ta đã ra ga đón người chủ thân yêu của mình trong vô vọng suốt… mười năm trời.
Hachiko già yếu và đã gục chết trong một cơn mưa tuyết trên sân ga Shibuya.
Còn quý vị, những con người kiêu hãnh, những kẻ vẫn thường mắng mỏ chúng tôi: “đồ chó!”… quý vị đã đối xử thế nào với đồng loại mình?
Quý vị từng nói: Nhân dân là “chủ” còn quý vị là “đầy tớ”, nhưng vừa thắng trận xong, quý vị đã gởi những “người chủ” của mình đi kinh tế mới, “mời” họ vào trại cải tạo, và ép họ ra biển. Sau đó là vét sạch tiền của, đất đai, nhà cửa… trong “chiến dịch đánh tư sản”. Với bản chất như vậy, quý vị có tư cách gì để miệt thị chúng tôi?
CHÚNG TÔI TRỪ GIAN DIỆT BẠO
Quý vị tự cho mình là sinh vật thượng đẳng, có trí tuệ cao và có rất nhiều… bằng tiến sỹ. Loài chó chúng tôi không có cái bằng ấy, nhưng chúng tôi chỉ cần đánh hơi là biết anh nào mang ma tuý, còn quý vị thì làm bộ thành lập những “đội đặc nhiệm chống ma tuý” nhưng thực chất là “buôn ma tuý”, bao che cho ma tuý.
Và chính những tay trùm tham nhũng hàng chục ngàn tỷ lại làm lãnh đạo những “uỷ ban chống tham nhũng nhà nước”.
Chúng tôi chỉ cần đánh hơi là phát hiện kẻ khủng bố, còn quý vị thì lại chính là kẻ khủng bố dân nghèo, cướp đất, phá nhà dân, đạp đổ cả những xe bán hàng rong của người lao động cùng khổ.
Chỉ cần một sai phạm nhỏ của dân như chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm, là quý vị bắt vào đồn công an, và chỉ qua một đêm là đương sự đang sống bỗng “chuyển sang từ trần” bằng cách lấy cọng thun luồn quần đùi ra treo cổ.
Loài khuyển chúng tôi tự hào là chưa bao giờ giết đồng loại, còn quý vị thì giết không từ một ai. Vi phạm luật giao thống cũng giết, lấn chiếm lòng lề đường cũng giết, giành gái trong quán bia ôm cũng giết.
Mà đâu phải chỉ có dân thường bị giết. Cỡ quan lớn như “Chú Sáu”, như Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Bá Thanh… quý vị cũng cho đi tàu suốt. Chưa kể bộ trưởng quốc phòng, chủ tịch nước, uy quyền là thế mà quý vị cũng đẩy họ vào tình cảnh “sống không bằng chết”… thì nói chi tới dân tộc khuyển chúng tôi, quý vị tàn sát tới cỡ nào?
Hàng ngày, trên cái đất nước Việt Nam lạc hậu này, có cả triệu người anh em của chúng tôi bị quý vị thui sống, đưa vào lò mổ, đập đầu, thọc huyết… chỉ để cho quý vị ăn nhậu, nói phét, đánh lộn, chửi thề.
Đù má! Bộ quý vị tưởng chúng tôi không biết chửi thề hả?
Rõ ràng là cái giống “người” của quý vị không đáng để đem so sánh với chúng tôi, đừng nói tới chuyện quý vị dám ngạo mạn chửi bới chúng tôi là “đồ chó”.
Ngày 5/2/2018
ĐÀO HIẾU
CHÚA GIÊSU VÀ PHẠM DUY
Đào Hiếu
Trên đường đi xuống trần gian, Chúa Giêsu nhìn thấy một đám đông những người đứng tuổi, ra dáng quan chức, trí thức, nghệ sĩ, đang vây quanh một ông già tóc bạc trắng. Họ vừa la hét vừa ném đá. Ông già nọ lúc đầu còn đưa tay đỡ nhưng sau khi bị trúng mấy cú vào đầu thì quỵ xuống, nằm trên bãi cỏ.
Giêsu đứng lặng người một lúc rồi chậm chạp bước đến, đi vào giữa đám đông.
Ngài cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ vẫn không ngừng ném đá nên Người ngẩng lên và bảo họ:
"Ai trong các ngươi cảm thấy mình có công với dân tộc Việt Nam hơn Phạm Duy thì hãy ném đá ông ấy. Còn nếu ai trong các ngươi cảm thấy công lao của mình thua kém Phạm Duy thì hãy im lặng, suy gẫm.
"Và kẻ nào đang cướp đất của dân, cướp tiền bạc, mồ hôi nước mắt của dân, cướp tự do của dân thì hãy cúi mặt xuống. Các ngươi không có tư cách để đánh giá Phạm Duy.
"Ta phong thánh cho người nhạc sĩ tài hoa ấy. Các ngươi sẽ bị nhân dân quên lãng nhưng Phạm Duy thì luôn ở trong hoài niệm của dân tộc Việt Nam. Các ngươi sẽ bị lịch sử ném vào sọt rác nhưng Phạm Duy đã được dựng tượng đài trong mỗi trái tim."
Nghe Giêsu nói như vậy đám đông lần lượt bỏ đi. Lát sau chỉ còn lại Giêsu và linh hồn Phạm Duy. Người đến bên Phạm Duy đang nằm nhắm mắt bên bờ cỏ. Giêsu nói:
-Họ đã đi hết rồi. Bây giờ ông muốn về đâu?
Linh hồn Phạm Duy nói:
-Tôi muốn đi theo thầy.
-Ông có muốn sống lại không? Ta đã từng làm cho người chết sống lại.
-Không, thưa thầy. Trần gian nhảm nhí lắm. Thầy có thể cho tôi đi theo được không?
-Nhưng đạo của ta ngày nay cũng không còn như trước nữa rồi.
Giêsu nói xong liền bỏ đi, hướng về sa mạc. Linh hồn Phạm Duy do dự một lát rồi lẽo đẽo đi theo, cách một khoảng xa. Họ đến một cồn cát mênh mông và đầy bóng tối, ở đó có một tảng đá lớn ẩn hiện dưới ánh sáng của một bầy đom đóm và những ngôi sao thưa lấp lánh trên cao. Giêsu ngồi trên tảng đá và ra hiệu cho Phạm Duy ngồi bên. Ngài hỏi:
-Sao ông không muốn trở lại trần gian? Ông đã đem lại cho nơi ấy rất nhiều niềm vui và hạnh phúc. Ta nghĩ cũng có nhiều người đang nhớ và biết ơn ông.
-Nhưng khi tôi chết đi thì có nhiều kẻ ném đá. Họ kết tội tôi đã bỏ kháng chiến, “dinh tê” về Hà Nội.
-Nhưng tại sao ông bỏ kháng chiến?
-Là vì tôi quá chán chường những trò nhảm nhí. Mặt trận Việt Minh lúc đó quy tụ những con người ưu tú của dân tộc. Cuộc kháng chiến thật là đẹp, nhưng lãnh đạo nó là một thứ tư tưởng nhảm nhí, ngu ngốc và ấu trĩ. Mà người đầu tiên bộc lộ sự nhảm nhí ấy là Tố Hữu. Ngài ở trên trời có biết Tố Hữu không?
-Từ hơn hai ngàn năm nay ta vẫn có mặt ở khắp nơi trong vũ trụ bao la này. Hàng ngày có cả triệu người cầu nguyện ta, xưng tội với ta nhưng ta không bỏ sót ai cả. Ta biết, ta nhớ mặt từng người.
-Vậy thì tôi xin trả lời câu hỏi tại sao tôi bỏ kháng chiến, của thầy - Phạm Duy nói - Tôi còn nhớ rất rõ cái hôm Đại hội Văn nghệ ở Việt Bắc mùa hè năm 1950. Tố Hữu đã phá vỡ giấc mơ của nhiều người.
Trước tiên ông ta tấn công vào nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ: “Vọng Cổ có âm điệu ủy mị, làm cho người nghe bị ru ngủ, tiêu tan cả chí phấn đấu.”
Lưu Hữu Phước đứng lên bênh vực cho bài Vọng Cổ của mình: “Vọng Cổ hay lắm, hay lắm, không bỏ Vọng Cổ được đâu”. Nhưng Tố Hữu nói: “Vọng Cổ làm cho Việt Nam mất nước, nên phải cấm nó thôi.”
Dẹp xong vọng cổ, Tố Hữu quay sang kịch thơ: “Nội dung phong kiến. Cốt truyện đưa ra toàn là những nhân vật quan liêu. Lối diễn xuất bằng sự ngâm nga, nghe thật là rên rỉ, lướt thướt. Kịch Thơ không thích hợp với kháng chiến.”
Mọi người im phăng phắc, chăm chú nhìn vào Hoàng Cầm, mục tiêu của sự đả kích. Hoàng Cầm đứng dậy, nhấc cái ghế đẩu đang ngồi, trịnh trọng bưng ghế ra đặt giữa hội trường, lấy trong túi ra một sợi dây dài, dùng dây buộc tập kịch thơ, xong leo lên ghế đẩu, giơ tập thơ vừa mới bị trói lên thật cao, tuyên bố: “Tôi xin treo cổ Kịch Thơ. Bắt đầu từ ngày hôm nay.”
Đó là trường hợp Lưu Hữu Phước và Hoàng Cầm. Họ Lưu hiền lành và nhẫn nhục, ông cố đấm ăn xôi đi theo cộng sản tới cùng. Còn Hoàng Cầm thì rẽ qua Nhân Văn Giai Phẩm và bị đày đoạ suốt đời.
Riêng tôi, họ buộc tôi phải khai tử những đứa con của mình như Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây, Bà Mẹ Gio Linh, Bên Cầu Biên Giới…vì cho là uỷ mị, tiêu cực.
Sau đại hội, mọi người không ai ngờ là “cách mạng” lại lẩm cẩm đến như vậy. Nhưng khi sự lẩm cẩm trở thành lệnh thì nó biến thành sự ngu đần quái dị.
Giêsu nói:
-Nhưng bấy nhiêu đó cũng chưa đáng để ông từ bỏ kháng chiến.
-Thưa thầy, đó chỉ mới là cú sốc thứ nhất. Cú sốc thứ hai bắt đầu từ hôm tôi được anh Nguyễn Xuân Khoát cho biết là tôi sẽ được kết nạp Đảng, được tặng huân chương, được cử đi học ở Liên Xô và được … gặp ông Hồ.
Tôi vốn là người phóng khoáng, ưa tự do, nghe nói “kết nạp đảng” và đi học ở Liên Xô thì sợ lắm. Cú sốc thứ hai này quá mạnh, đủ sức đẩy tôi ra khỏi Việt Minh, trở về Hà Nội. Hành động đó người ta gọi là “dinh tê”.
Giêsu leo xuống khỏi hòn đá và đi chân trần trên cát sa mạc. Người có vẻ rất chú ý đến câu chuyện Phạm Duy kể nhưng đặc biệt đến đoạn Phạm Duy gặp ông Hồ thì người cảm thấy cần nghỉ một lát để thư giãn.
Trăng hạ huyền vừa nhô lên phía chân trời và những cơn gió sa mạc lạnh buốt đã mon men tới. Giêsu tiếp tục đi vòng quanh tấm linh hồn mảnh khảnh của người nhạc sĩ già.
Phạm Duy kể tiếp:
“Qua khỏi một con suối được đặt tên là Lê Nin thì thấy hiện ra một ngôi nhà sàn bằng tre rất đẹp, có ông Chủ Tịch họ Hồ đang ngồi đánh máy. Nhìn thấy ông, tôi vẫn cảm động như lúc gặp ông lần đầu. Nhưng vì bây giờ được nhìn ông gần hơn lần trước, tôi thấy cặp mắt của ông thật là sáng, nhưng nó không toát ra một sự trìu mến. Cũng có thể một người làm chính trị suốt đời như ông thì lúc nào cũng cần phải quyết liệt, phải tàn nhẫn, cho nên ông có một cái nhìn rất dữ.
Tới gặp ông lần này, tôi đủ thông minh để thấy ngay rằng đối với ông, lúc đó, tôi chẳng là cái gì cả. Không chừng ông cũng chẳng biết tới tên tôi hay biết tới công việc của tôi là đàng khác. Trong cái bắt tay hay trong câu chuyện, tôi chỉ cảm thấy có một chút thân mật của một người muốn làm cha thiên hạ, ban xuống cho một đứa con dân. Chỉ có thế thôi. Một nhà lãnh đạo như ông Hồ, đang có muôn ngàn chuyện phải làm, đâu có thì giờ để mà đãi ngộ một văn nghệ sĩ? Chẳng qua là vì những vị phụ trách về văn nghệ nghĩ rằng gặp ông Hồ là một ân huệ lớn đối với một công dân và nghệ sĩ như tôi. Trong mọi tính toán như: cho vào Đảng, cho đi Moscou, đề nghị tặng huân chương, còn có thêm một tính toán nữa là cho tôi gặp một người mà ai cũng mong được gặp.
Họ không biết là tôi đã từng được mời tới gặp ông Bảo Đại khi ông vua này đi săn và tới Phan Rang hồi năm 1943. Tôi đang đi hát với gánh Đức Huy ở đó, ông Tỉnh Trưởng là Nguyễn Duy Quang cho xe hơi tới đón tôi đưa vào Dinh Tỉnh Trưởng để đàn hát cho ông vua nghe. Lúc đó tôi mới 22 tuổi. Chỉ có tôi và Bảo Đại ngồi ở trong phòng khách. Ông chăm chú ngồi nghe tôi hát, hỏi thăm gia đình tôi. Gặp ông vua mà cũng chẳng thấy có gì là ghê gớm cả. Ông vua nghe mình hát thì cũng như… ông trọc phú hay ông phu xe — những quý vị khán giả bỏ tiền mua vé vào rạp — nghe mình hát mà thôi. Nhưng phải công nhận rằng ông Bảo Đại là một người rất nhã nhặn, rất thích âm nhạc. Tiếc rằng tôi không nhìn được rõ đôi mắt của ông vì ông luôn luôn đeo kính đen.
Sau này cũng thế, vì anh tôi là Phạm Duy Khiêm đang làm Đại Sứ cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tôi cũng được mời vào Dinh Độc Lập để gập hai anh em lãnh tụ họ Ngô. Cả hai ông đều có những cái nhìn rất dữ và cao ngạo. Đối với hai ông, tôi cũng chỉ có đúng một sự lễ phép vừa phải như khi tôi gặp những lãnh tụ khác. Một thứ lễ phép theo kiểu “kính nhi viễn chi” vốn là một cách rất hay để thoái thác không nhận một ân huệ hay một món nợ vật chất hay tinh thần nào ở nơi những người có quyền hành này. Sự tương kính đã có giữa hai bên rồi thì không bao giờ tôi dám phê phán các nhà lãnh tụ đó cả, từ ông Bảo Đại, qua ông Hồ Chí Minh tới hai vị lãnh đạo họ Ngô. Đó là công việc của lịch sử.
Nhưng có một điều mà bây giờ tôi mới nhìn thấy khi tôi gặp ông Hồ Chí Minh ở Việt Bắc là: dù đây là một thứ chính quyền Cách Mạng nhưng ở cái nơi chiến khu âm u bí hiểm này cũng có một thứ triều đình rồi — chẳng trách Nguyễn Tuân gọi đây là đất thánh. Triều đình nào cũng phải có kẻ nịnh. Kẻ nịnh bao giờ cũng đông hơn người trung. Lúc tôi tới nơi ông Hồ ở là lúc tôi thấy Tống Ngọc Hạp đem một bầy thiếu nhi tới và tôi chứng kiến một sự “tranh nhau đi gặp Bác Hồ”, một sự cãi nhau om sòm giữa người này người nọ trong khi chọn ai được vào gặp, ai không được vào gặp. Tôi trở về Yên Giã, lòng rất thản nhiên vì bây giờ thì tôi không còn gì để thắc mắc nữa."
(Trích Hồi Ký Phạm Duy)
Tất nhiên là tôi từ chối kết nạp Đảng, từ chối nhận huân chương và cả việc đi học tập ở Liên Xô nữa. Sau đại hội, tôi đưa vợ trở về Thanh Hoá, ở đó tôi gặp Nguyễn Đức Quỳnh và chúng tôi bàn chuyện dinh tê.”
Giêsu dừng lại ngay trước mặt Phạm Duy và đưa cho ông một hòn đá to như nắm đấm. Nhưng tấm linh hồn mong manh của người nhạc sĩ già không thể cầm được hòn đá vì nó chỉ là sương khói. Giêsu mỉm cười với ông và nói:
-Ta sẽ ban cho ông một hình hài. Bây giờ thì ông hãy cầm lấy đi.
Và Phạm Duy đã cầm được hòn đá. Ông hỏi:
-Thưa thầy, hòn đá gì vậy?
-Đó là một trong những hòn đá mà đám đông lúc nãy đã ném ông. Thực ra nó không phải là đá. Nó là ngọn lửa của quỷ Sa-tăng.
Lập tức hòn đá biến thành ngọn lửa đỏ rực giữa đêm tối sa mạc. Phạm Duy cả cười, ném nó lên không trung. Nó bay vút lên như một ánh sao băng và mất hút trong đêm tối.
[Gioan (8,3-11) Tân Ước Hậu Hiện Đại]
02-02-2018
Đào Hiếu
Tự kiểm đầu năm
Đào Hiếu
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc tàn ác (vì đã xoá sổ vương quốc Chămpa bằng bạo lực và khủng bố), ích kỷ (vì chỉ lo vun quén cho bản thân, cho phe đảng mà không nghĩ đến tổ quốc), vô cảm (vì dửng dưng trước những áp bức bất công), đố kỵ (vì thấy ai có tài thì ghét bỏ, loại trừ), ngu và hèn (vì đã chọn con đường sai, biết sai mà không dám từ bỏ)…
Nhưng bản chất tệ hại nhất chính là sự nhỏ nhen: Sau hơn 20 năm huynh đệ tương tàn làm chết hàng triệu “đồng bào ruột thịt”, ngày 30/4/1975, bên thắng cuộc vẫn chưa đủ hả hê, bèn đẩy hàng triệu “người Việt Nam thua cuộc” vào các trại cải tạo, bỏ thây nơi rừng thiêng nước độc. Và ép hàng triệu người khác vượt biển làm mồi cho cá.
Một dân tộc như vậy thật đáng sợ biết chừng nào!
Một dân tộc như vậy nên mới đẻ ra một đảng cầm quyền như vậy.
Tôi thật sự thất vọng về dân tộc mình.
So với dân tộc Mỹ sau cuộc nội chiến (1861-1865), dân tộc Nam Phi sau khi giành độc lập (1994), dân tộc Đức sau thống nhất (1990)… thì họ cao thượng hơn ta gấp ngàn lần.
Trong lịch sử, chúng ta đã từng “đánh thắng” Tàu, Pháp, Nhật, Mỹ nhưng thực chất chúng ta chỉ đánh thắng một bộ phận nhỏ lính viễn chinh xa ngàn dặm của họ, chứ chưa chưa hề có cuộc chiến tranh đối đầu tổng lực. Hơn nữa chúng ta đánh đuổi được những toán quân viễn chinh đó là nhờ dựa vào vũ khí và hậu cần của Nga và Tàu ở sát ngay biên giới.
Chính ông Lê Duẩn từng nói: “Chúng ta đánh Pháp, Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc.”
Vậy thì chiến thắng đó chẳng hay ho gì, chưa kể cái giá phải trả cho “chiến thắng” đó là “một thời kỳ Bắc thuộc mới vô cùng nguy hiểm” (Lời Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch)
Hiện nay chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu của cái thời kỳ Bắc thuộc ấy. Vì lòng tham, sự ích kỷ và nhu nhược, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tự đưa đầu vào tròng của Trung cộng. Tiến thoái lưỡng nan.
Đó là cái giá mà chúng ta phải trả cho sự tàn ác, tham lam và ngu dốt của mình.
Ngày 7/1/2018
ĐÀO HIẾU
Năm chó nói chuyện bò
Giải oan cho con bò
Trần Phố Hội
Chuyện này tôi viết đã hơn 10 năm rồi, nhiều lần định phổ biến nhưng lại thôi. Nay thấy nhiều chuyện chướng tai gai mắt như Quốc Hội Cali định đón tiếp các dân biểu VC (họ đã huỷ bỏ chuyện này sau khi bị TNS Janet Nguyễn cùng với một số nhà lập pháp có lương tâm ở Cali và Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn CS phản đối mãnh liệt), thành phố Surrey, tỉnh bang BC (Canada) & Ban tổ Chức Fusion Festival lại chọn nhóm người Việt với cờ đỏ sao vàng (tức là VC) vào trong lễ hội hai ngày cuối tuần 22 & 23 tháng 7 năm 2017, US nhờ China giúp giải quyết chuyện vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn; hay gần đây nhất (hôm 30/6/2017) tờ Foreign Policy viết “If We Want To Stop Kim, We Have To Trust Each Other (We = US ,China và South Korea)” v.v... nên tôi quyết định phổ biến với ước mong các trí thức, chính trị gia, hay lãnh tụ của các nước văn minh v.v... sẽ không làm những chuyện ngây ngô như vậy nữa.
Làn sóng người Việt liều chết bỏ Việt Nam đi tị nạn CS sau 30/4/75 tưởng đã dạy cho nhân loại một bài học quý giá về tự do, dân chủ, về chế độ độc tài CS; nhưng sau hơn 40 năm bài học đó vẫn chưa làm cho loài người sáng mắt. Hôm 29/6/2017 xem CBC TV nói chuyện về Canada 150 năm và nhắc đến Hong Kong kỷ niệm 20 năm (01/7/2017), Peter Mansbridge nói đại ý rằng “sau khi Anh Quốc trả Hong Kong lại cho China thì người ta (tức là dân Canada, US và Âu Châu) nghĩ rằng Hong Kong sẽ làm thay đổi China, ai ngờ ngày nay mới biết rằng China đang làm thay đổi Hong Kong” (chắc họ nghĩ rằng những người Hong Kong bỏ nước ra đi những năm 1995, 1996 là sai lầm!)!
Cái vấn nạn của loài người là kẻ khờ thì cho mình khôn, văn minh, tiến bộ, đi dạy người khác còn con bò hiền lành, giúp ích cho con người thì chê nó ngu. Thật là oan cho con bò!!!
***
Giải oan cho con bò
Trâu cày, ngựa cỡi, bò kéo xe. Ba con vật này đã giúp ích cho loài người rất nhiều, nhất là người Việt Nam. Vậy mà trong 12 con giáp chỉ có con trâu và con ngựa chứ không có con bò, điều này thật là bất công đối với con bò. Và bất công hơn nữa là chúng ta thường nói “ngu như bò”. Tại sao chúng ta đối xử với con bò tệ như vậy? Tôi rất bất bình về chuyện này! Đối với tôi con bò hiền lành hơn con trâu, giúp ích cho dân ta nhiều hơn con trâu, và chắc chắn không ngu hơn con trâu, và cũng chưa chắc ngu hơn con ngựa.
Vào khoảng cuối năm 1975, trong một buổi học tập chính trị tại công ty, khi nghe cán bộ giảng về tội ác Mỹ Ngụy tôi hết chịu nỗi nên xoay sang nói nhỏ với anh bạn bên cạnh “ông này nói chuyện ngu như bò”, anh bạn nhìn thẳng vào mặt tôi một cách nghiêm khắcrồi bảo “anh nói thế thì oan cho con bò”. Tôi nghĩ là anh ta nói đùa nên chỉ cười đáp lễ. Hai hôm sau, trong lúc tụi tôi trốn sở đi uống cà phê, anh bạn trở lại chuyện con bò.
Con bò kéo cày, kéo xe cho con người suốt ngày để tối được cho ăn cỏ. Đây là sự trao đổi bất công, phần thiệt thòi thì con bò lãnh còn phần lợi thì con người hưởng. Thấy thế người ta bảo con bò ngu, hay “ngu như bò”. Về thể lực thì con bò mạnh hơn con người, chạy lẹ hơn. Con bò dư sức quật ngã con người để vào rừng sống ung dung, tự do, tha hồ ăn cỏ; vậy mà cam chịu sống với con người để kéo cày, kéo xe. Kết luận “ngu như bò” thoạt nhìn thấy đúng nhưng nếu suy nghĩ kỹ một chút thì thấy oan cho con bò lắm bởi vìcon bò không được đi học bao giờ!
Trong lớp học thầy giáo thường chê học trò ngu khi đứa học trò đó không hiểu một bài giáo khoa, không làm được bài toán, v.v… Thầy giáo chê như vậy là đúng vì học mà không hiểu, thầy dạy hoài mà không hiểu. Một lớp chỉ có một số rất ít bị thầy chê ngu còn đa số thì hiểu sau một hoặc vài lần thầy giảng. Một học sinh được thầy giảng bài 1 lần, 2 lần, rồi đưa ra thí dụ cụ thể mà vẫn không hiểu thì hiển nhiên bị thầy chê ngu; nhưng một người không đọc báo được, không biết điền một lá đơnthì chưa hẳn là ngu nếu người đó không hề đi học.
Đã có nhiều bài viết về Việt Nam nói lên những tội ác của chính quyền trong nước ngày nay rồi kết luận rằng nguyên nhân đẩy miền Nam rơi vào tay CS một phần không nhỏ là do các trí thức miền Nam ngu ngốc theo VC. Đây là một nhận xét xác đáng hay một lời buộc tội oan ức cho các trí thức miền Nam theo VC?
Để làm sáng tỏ vấn đề “con bò có ngu hay không” hay “trí thức miền Nam theo VC có ngu hay không” thì cần phải định nghĩa thế nào là ngu, hay đưa ra những thí dụ để hiểu rõ thế nào là ngu.
Tôi không nhớ trong sách giáo khoa của miền Nam chúng ta trước 1975 có định nghĩa chữ “ngu” hay không nên tôi google “ngu là gì” thì thấy như sau:
NGU có nghĩa là gì?
Câu trả lời hay nhất: Theo như ngôn ngữ tiếng Việt thì ngu là từ dùng để chỉ một người có trí nhớ kém, khả năng giao tiếp và ứng xử chậm chạp. Còn theo như ngôn ngữ tiếng Anh thì NGU= never give up, có nghĩa là "đừng bao giờ bỏ cuộc" Hãy là chính mình nhé, đừng vì lo sợ hay thiếu can đảm mà từ bỏ đi những ước mơ và hoài bão của chính mình nha...Chúc bạn NGU”...
Câu trả lời hay nhất: Theo như ngôn ngữ tiếng Việt thì ngu là từ dùng để chỉ một người có trí nhớ kém,khả năng giao ...
Trí nhớ kém không hẵn là ngu, tôi nhớ có một nhà bác học (không nhớ tên) làm việc quên ăn, điều này chứng tỏ trí nhớ của ông kém nhưng ông là bác học, đâu có ngu . Ứng xử chậm mà đúng thì đâu có ngu bằng ứng xử nhanh mà sai. Định nghĩa “ngu” trên website này chắc là của một ông VC phịa ra cho vui chứ không phải là một định nghĩa nghiêm chỉnh.
Thất vọng về phần Việt ngữ tôi xoay qua google “stupid definition” thì thấy:
Definition of stupid in English: Lacking intelligence or common sense: I was stupid enough to think she was perfect
(http://www.oxforddictionaries.com/definition/english/stupid)
Như vậy có thể nói “ngu” là thiếu thông minh, học hoài mà không hiểu hay hiểu sai. Ví dụ như:
- Thấy dân Đông Âu bỏ trốn qua các nước Tây Âu, Bắc Âu để tìm tự do mà tin rằng chủ nghĩa CS là hay, là tốt thì đó là ngu.
- Ngày 13 tháng 8 năm 1961 Đông Đức bắt đầu xây bức tường Bá Linh để ngăn chặn dân trốn qua Tây Đức tìm tự do, biết vậy mà vẫn ca ngợi CS, theo VC là ngu.
- Biết rằng Stalin là một nhà độc tài hung ác đã thủ tiêu hàng triệu người Nga và giam hàng triệu người khác trong các trại tù khổ sai vì chống CS, vậy mà tin Hồ chí Minh, đệ tử của Stalin, là nhà cách mạng tranh đấu cho tự do dân chủ là ngu.
- Thủ lãnh của một nước văn minh trong đó nhân quyền, tự do, dân chủ là những giá trị thiết yếu luôn luôn được chính phủ tôn trọng, bảo vệ và cổ cũ; vậy mà lại kết thân với một trùm CS Bắc Mỹ, người chà đạp nhân quyền, tước đoạt tự do của dân, thủ tiêu đối lập, đưa đất nước vào nghèo đói, bắt dân làm nô lệ từ 1959 đến nay để bản thân mình thành tỷ phú, vậy thì vị thủ lãnh của nước văn minh đó thấy cũng ngu ngu.
- Biết rằng Mao trạch Đông là một tay độc tài hung ác đã thủ tiêu hàng triệu người Tàu, bỏ tù hàng triệu người khác trong các trại tù khổ sai vì chống CS, phát động cuộc “cách mạng văn hóa” nhằm tiêu điệt thầy giáo, làm ngu dân vậy mà tin Hồ chí Minh, đệ tử ruột của Mao, là người tranh đấu cho tự do dân chủ, đưa đất nước lên văn minh là ngu.
- Biết rằng CSVN nằm trong hệ thống cộng sản quốc tế, làm theo lệnh của Nga, Tàu mà tin CSVN đánh Mỹ để giành độc lập cho VN là ngu.
- Biết rằng Hồ chí Minh tôn thờ Mao, Stalin (những tên đồ tể của nhân loại) mà tin HCM là lãnh tụ vĩ đại thì đó là ngu.
- Biết chiến tranh VN là do CS Bắc Việt khởi xướng và điều khiển để mở rộng khối CS quốc tế theo lệnh Nga Tàu mà lại nhào vô Mặt trận giải phóng miền Nam, làm tay sai cho CS Bắc Việt để lừa dân, phản quốc thì đó là ngu.
- Biết cuộc “cải cách ruộng đất” ở miền Bắc đã giết chết hơn 170000 (170 ngàn) người Việt vô tội, trong đó có nhiều người là ân nhân của chế độ CS, vậy mà tin rằng CSVN là nhân đạo thì thật là ngu.
- Một người thất bại trên đường công danh, thi rớt, năm 1911 trốn xuống tàu sang Pháp để xin vào học Trường Thuộc Địa Paris, bị trường này chê thiếu trình độ không nhận nênphải lang thang thất thểu tìm kế sinh nhai, và thời thế đưa đẩy vào khối CS Quốc tế, làm đệ tử của Mao, của Stalin, rồi tự phong cho mình là đi tìm đường cứu nước, vậy mà cũng tin thì còn gì ngu bằng!
- Không thấy, không biết gì về miền Bắc mà tin rằng nơi đó là xã hội lý tưởng để rồi chấp nhận hiểm nguy, hiến của, hiến thân, lén lút yểm trợ CS Bắc Việt thì đó là ngu
- Biết CS chủ trương tiêu diệt người giàu, loại bỏ trí thức mà những người khoa bảng, con nhà giàu lại theo VC thì thật là đại ngu
- Và nhiều nữa ...
Qua những chuyện ngu tiêu biểu trên đây thì con bò không vướng vào chuyện nào cả, trái lại các trí thức nằm vùng ở miền Nam trước 75, các nhóm phản chiến Mỹ và Tây Âu đều có hết những cái ngu này. Như vậy thì con bò không ngu chút nào.
Chẳng những không ngu mà con bò còn có những đức tính như có tình có nghĩa, ơn đền nghĩa trả, ăn cây nào rào cây nấy. Thấy chủ làm chuồng để che nắng che mưa, lo rơm cỏ cho những ngày nắng hạn hay mưa dài thì con bò hết lòng giúp chủ chứ không ăn cơm chủ mà đi kéo cày cho hàng xóm, tức là không vong ân bội nghĩa, ăn cháo đá bát như trí thức nằm vùng. Xét cho cùng thì con bò là con vật đáng thương chứ không có gì đáng chê.
Từ nay về sau nếu chúng ta chê ai ngu thì xin đừng nói “ngu như bò” vì nói thế tội nghiệp cho nó, oan cho nó lắm.
Lời nhắn nhủ: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói một câu để đời “đừng nghe những gì CS nói mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm”, câu nói bất hủ này đúng cho hầu hết những chuyện “nói và làm” của CS ngoại trừ một chuyện. Có một chuyện thôi, một chuyện duy nhất mà CS nói và làm đi đôi với nhau; và mặc dù điều họ nói đã hơn nửa thế kỷ rồi họ vẫn giữ lời và làm điều họ nói, điều đó là “trí thức không bằng cục phân”. Xin quý vị trí thức ghi nhớ điều này để cuối đời không phải ân hận như các ông bà trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và các trí thức nằm vùng trước 30/4/1975.
Trần Phố Hội
Muà Hè 2017
Đăng ngày 17 tháng 02.2018