Bức tường Berlin

câu hỏi nhân kỷ niệm 30 năm

Tuấn Khanh

Thế giới vừa nhắc tên việc sụp đổ của một bức tường dài đến 155 cây số. Berlin Wall, bức tường là biểu tượng của một phần nhân loại bị ám đỏ, tuyệt vọng và khao khát tự do. Ngày 9/11 năm 2019 đánh dấu 30 năm hàng hàng lớp lớp con người bước ra ánh sáng, chào nhau và dặn dò với mai sau, rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ là một thứ trá hình của cuộc hôn phối quái đản giữa chế độ phong kiến và độc tài hiện đại.
Nhưng ý nghĩa hơn nữa, đó là ngoài việc bức tường ô nhục Berlin sụp đổ, người ta nhìn thấy một cuộc tháo chạy, hốt hoảng đến điên cuồng của giới mật vụ, an ninh Stasi, vốn được coi là hung thần số một ở đằng sau bức màn sắt Đông Âu.
Không lâu sau khi hàng trăm người dân Đông Đức kéo nhau chạy qua đường biên giới, đánh dấu cho sự sụp đổ toàn diện đế chế cộng sản Đông Âu, hàng ngàn người dân cũng đổ xô, tràn vào các văn phòng của cơ quan mật vụ Stasi để lôi ra những hồ sơ mà ngày thường họ bị theo dõi, bị nghe lén, báo cáo... bao gồm luôn cả những người tìm kiếm tin tức thân nhân của họ đã bị an ninh bắt đi nhiều năm không còn tin tức.
Các nhân chứng vào giờ phút ấy, kể lại rằng nhân viên mật vụ Stasi cuống cuồng tiêu hủy các hồ sơ, nhằm tránh các cuộc phanh phui và trả thù của dân chúng, nhưng không kịp. Các máy hủy tài liệu chạy hết công suất, nghẽn hay cháy, khiến các nhân viên an ninh hoảng loạn xé bằng tay, nhồi vào túi hay thùng và đổ xăng đốt đi. Nhưng rồi các cánh cửa bật mở, đám đông giận dữ xông vào khiến những nhân viên Stasi phải buông tay, chạy trốn.
Ngày thường, các tay an ninh mặt sắt đen sì, cười kiêu ngạo, là nỗi ác mộng của hàng triệu người Đông Đức. Nhưng giờ đây, họ chỉ còn một mong ước cuối cùng là thủ tiêu những vết tích đã chống lại con người, chống lại ngay chính dân tộc của họ, và tháo chạy.
Tuy vậy, hàng triệu bản ghi âm, hình chụp, hồ sơ báo cáo... vẫn được giữ lại. Thậm chí những bản hồ sơ xé vụn cũng được các nhà hoạt động nhân quyền gom về, phục dựng, nối ráp. Thậm chí, vì khao khát tìm lại sự thật và công bằng cho các nạn nhân, suốt 10 năm, các nhà nghiên cứu ở Berlin Fraunhofer Institute vẫn tìm tòi và công bố bản nhu liệu E-puzzler có khả năng sao lưu, dùng thuật toán AI để gắn lại các mảnh vụn thành bản hoàn chỉnh, dựa trên tương ứng màu giấy, phông chữ, hình dạng... để phục vụ cho hồ sơ khoảng 3 triệu người Đức vẫn luân phiên nộp đơn về Federal Archives (Cơ quan lưu trữ liên bang) xin đọc và tìm kiếm về họ hoặc về người thân.
Nước Đức đã chi hơn 2 triệu Euros để phục vụ cho việc sao lưu và phục hồi các dữ liệu này, như một lịch sử của tội ác không chỉ ở riêng nước Đức, mà cả thế giới cũng không muốn quên. Có không ít người đã tìm thấy các văn bản điều tra, ép tội, bỏ tù mình khi các hồ sơ được phục hồi. Có không ít người tìm thấy thầy giáo hay bạn mình, chính là người đã mật báo về mình với công an.
Nước Đức tự do hôm nay ghi nhận rằng chủ nghĩa cộng sản đã tạo ra guồng máy an ninh mật vụ theo dõi, kiểm soát đến 5,6 triệu người Đông Đức bị coi là "phản động". Tức là khoảng 6 người dân thì có một nhân viên an ninh chính thức hay bán thời gian theo dõi. Mỉa mai thay, càng đồ sộ và tinh vi để trói buộc con người, vết tích của bộ máy an ninh độc tài càng lớn, khó mà che đậy.
30 năm sau cái chết của một nhà nước Cộng sản, sự tổn thương của người dân Đông Đức vẫn mới nguyên. Đặc biệt với các thành phần nghĩ rằng mình chỉ cắm cúi kiếm sống và chấp nhận chế độ nên sẽ thoát nạn. Thế nhưng khi đọc các hồ sơ theo dõi, tầng lớp đó lại sững sờ khi thấy họ cũng không vô can.
Có tin là chính phủ Đức muốn đóng lại toàn bộ các chứng tích đó vào năm 2020, như một cách khép lại quá khứ, chấm dứt sự căm hận không nguôi đang xâu xé con người. Trong đó, bao gồm việc cứu rỗi hàng chục ngàn cựu nhân viên Stasi vẫn nơm nớp sợ bị nhận mặt trả thù, hoặc đầy mặc cảm vì đã nhúng chàm theo một cách nào đó. Nhưng việc chính phủ muốn đóng lại kho dữ liệu này hiện cũng đối diện với sự phản đối của giới luật sư nhân quyền, các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động. Lý giải cho việc có thể đóng lại kho lưu trữ này, một người từng làm việc cho Federal Archives nói rằng "một nhà nước văn minh ắt sẽ không thể hành động như cộng sản, tạo điều kiện cho con người căm thù và chà đạp nhau, và từ đó hưởng lợi".
Câu hỏi vẫn còn vọng lên, sau 30 năm thống nhất nước Đức, vì sao cũng cùng là con người, nhưng các chế độ độc tài cộng sản lại có thể biến một lớp người chỉ còn thú tính và thuần túy khao khát danh lợi. Không chỉ Stasi, mà cả KGB (Nga), Securitate (Rumani), AVH (Hungary)... đều là guồng máy giỏi tạo ra những nhân viên an ninh xảo quyệt và tàn nhẫn. Và họ, cũng là những kẻ chạy trốn nhanh nhất, giả dạng nhanh nhất khi triều đại nuôi dạy họ sụp đổ.
Nhưng vẫn còn một câu hỏi nữa, mà lịch sử vẫn đặt ra với mỗi chúng ta: có triều đại nào chống lại con người mà không sụp đổ?
Saturday, November 9, 2019

http://nhacsituankhanh.blogspot.com



Chính trị

như gai nhọn dưới chân trần

Tuấn Khanh

Sự kiện của tháng 11/2019, khi tổ chức Operation Smile va chạm với dư luận quần chúng về việc mời diễn viên Thành Long từ Trung Quốc đến Việt Nam để kỷ niệm 30 hoạt động ở Hà Nội, đã trở thành một bài học về cuộc sống. Đặc biệt, là câu chuyện cứ sống, làm việc và “không quan tâm về chính trị”.
Phải nói rõ, tổ chức Operation Smile là một tổ chức NGO đáng kính trọng trong việc nỗ lực chữa lành những nỗi đau về thể chất của các em nhỏ. Công việc của họ đã trãi dài một cách đáng ngưỡng mộ qua các châu lục và năm tháng, kể từ khi thành lập vào năm 1982. Nhưng công việc của họ, và hình ảnh đại diện chung hay người đại diện ở mỗi quốc gia, lại là một chuyện khác.
Làn sóng phản ứng về việc Thành Long có mặt ở Việt Nam đã nhanh và mạnh đến mức, chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi những lời phản đối đầu tiên xuất hiện trên facebook, hàng ngàn các bình luận của công chúng đã ngập trong fanpage của tổ chức Operation Smile với cùng một nội dung – mà mục đích cuối cùng là không muốn thấy sự có mặt của Thành Long làm xấu đi hình ảnh của tổ chức này.
Trong bài trả lời nhanh về sự bất bình của công luận, ông Nguyễn Việt Phương - trưởng đại diện Operation Smile tại Việt Nam - nói rất khéo rằng mọi việc diễn ra là do “không có kinh nghiệm về chính trị”. Đồng thời ông Phương cũng nhấn mạnh rằng "Chúng tôi là một tổ chức thiện nguyện nên luôn tôn trọng tất cả những sự tham gia trực tiếp ủng hộ tổ chức từ tất cả cá nhân”.
Dĩ nhiên, đó là cách xử lý khủng hoảng có vẻ hợp lý, nhưng đó cũng là câu hỏi đặt ra cho rất nhiều người Việt Nam, tổ chức từ thiện Việt Nam: Chúng ta có cần phải lờ đi mọi thứ về chính trị, chỉ để làm việc thôi – đặc biệt ngay vào lúc, chính trị đang bao vây mọi thứ, ngay cả trên đầu ngón tay gõ máy tính của chúng ta mỗi ngày?
Có không ít kinh nghiệm buồn từ trước. Tháng 8, năm 2008, ca sĩ Mỹ Tâm cũng vấp phải làn sóng phản đối, và vẫn còn được nhắc đến tận hôm nay, về việc cô đồng ý tham gia đoàn rước đuốc Olympic của Trung Quốc - đi qua Hoàng Sa như một phần lãnh thổ của họ - khi đuốc đến Sài Gòn. Đơn giản là cô không biết và không quan tâm đến chính trị.
Năm 2018, ca sĩ Mỹ Linh cũng vấp phải một làn sóng phản đối dữ dội khi tán thành về việc xây dựng nhà hát Thủ Thiêm, mà cô lại không đủ quan tâm để biết rằng nhà hát đó chỉ là giải pháp mang tính chạy chữa cho một sai lầm gồm máu và nước mắt của hàng ngàn con người, bị các quan lại cố tình cưỡng đoạt.
Chính trị vẫn hiện ra quanh chúng ta hàng ngày như vậy, dù lại một nụ cười tự nhiên hay là nụ cười cần phải điều chỉnh, chúng ta vẫn phải đối diện với nó. Việc từ chối Thành Long đến Việt Nam, không hoàn toàn là chuyện thù ghét cá nhân, mà là một thái độ của một dân tộc, của một quốc gia đã bị bức hiếp công khai hoặc thầm lặng về chủ quyền, về phẩm giá của một quốc gia.
Thờ ơ với nó, chúng ta - hay cả dân tộc này - như những đôi chân trần, luôn chực chờ đạp lên gai nhọn. Nhỏ máu và đau đớn.
Nếu những người đi làm từ thiện ở những làng biển miền Trung, chỉ biết giúp cho những người ngư dân khó nhọc mà không buồn biết đến vì sao họ không còn thể ra khơi tự do, không quan tâm vì sao họ bị đâm tàu, vì sao có những chiếc mộ gió. Sẽ không có đủ sự thấu hiểu tử tế cho câu chuyện từ thiện, nếu không tìm biết đến chính trị.
Chính trị hôm nay, nằm trong từng chén cơm, từ giọt xăng, từ một phút điện ảnh cho đến một trang sách giáo khoa có lẫn đường lưỡi bò. Bất hạnh của người Việt hôm nay, là phải ngóng xem kẻ thù bên ngoài đang âm mưu điều gì và xốn xang không yên vì căm giận những người có quyền như thích thờ ơ với chính trị.
Trung Quốc không bỏ lỡ một cơ hội nào để lấn vào cuộc sống của người Việt, đầu độc cảm giác bằng cách tạo sự quen thuộc với dối trá mà họ đã dựng nên. Đừng nghĩ rằng Bắc Kinh khờ khạo khi đầu tư hàng triệu USD cho những bộ phim của Hollywood, chỉ để gán ghép một vài điều thoáng qua, để vẽ nên điều họ muốn. Trung Quốc cũng không tự nhiên để tặng các giáo trình công phu, chỉ để gắn vào đó một trang bản đồ có đường chín đoạn. Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều lần du khách Trung Quốc đến Việt Nam lại mặc áo có bản đồ xiển dương cho đường lưỡi bò. Tất cả những những điều đó, âm thầm và dai dẳng để thay cho những phát ngôn chính thức của chính quyền Trung Quốc về một loại bá quyền, chà đạp lên chủ quyền của Việt Nam.
Hãy để Thành Long ở yên với suy nghĩ của ông ấy. Và khi nào ông ta không gắn liền với những vấn đề chính trị như đường lưỡi bò, hãy đến và cùng làm việc từ thiện với người Việt.
Bạn hãy nhìn lại bàn chân của chúng ta, đã đẫm máu chưa, nếu như ta vẫn nói không đủ kinh nghiệm về chính trị hay không quan tâm đến chính trị. Có thể chân bạn chưa có vết thương, nhưng lẽ nào bạn không cảm thấy bàn chân mình đang nhớp máu của những ngư dân bị bắn chết trên biển, hay máu những người lính ở biên giới phía Bắc, ở Gạc Ma vẫn còn chưa kịp khô?
Cuộc sống giờ đây là một bài học phức tạp, đừng nghĩ rằng chỉ cần sống với công việc là đủ, kiếm tiền, ăn ngủ, vui chơi là đủ. Cuộc sống đang đòi hỏi mỗi con người phải có nhận thức để kiểm soát các động cơ chính trị, hoặc thờ ơ và trở thành kẻ ngu ngốc bị chính trị lợi dụng.
Thursday, November 7, 2019

http://nhacsituankhanh.blogspot.com




Trò chuyện với Đạo diễn phim Mẹ Vắng Nhà

“Làm người tốt thật khó, nhưng vẫn phải”

Tuấn Khanh

Chỉ trong một thời gian ngắn cuối năm 2019, người ta chứng kiến những cuộc ra soát và trừng phạt khắc nghiệt của nhà cầm quyền đối với giới văn nghệ sĩ độc lập. Sau khi nhận được giải thưởng ở hạng mục New Currents ở liên hoan phim Busan, ngày 14 tháng 10, bộ phim ngắn Ròm của  đạo diễn Trần Thanh Huy bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phạt 40 triệu đồng và ra lệnh phải hủy “tang vật” vì dám gửi dự thi phim mà không xin phép. Đơn giản, bộ phim mô tả về những cậu bé bụi đời, bán vé số trên đường phố Sài Gòn với những hình ảnh chân thật về Việt Nam hôm nay.
Một ngày sau đó, những người đặt mua cuốn sách xuất bản tự do từ Hà Nội có tên “Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo” của tác giả Phạm Thành bị công an chận bắt ở một quán cà phê tại quận 3, Sài Gòn. Nguời shipper giao sách cũng bị bắt và bị đánh. Nhiều ngày sau, nhiều người vẫn còn bị an ninh thường phục canh giữ nhà để theo dõi.
Đến 25 tháng 10, nhà làm phim độc lập Thịnh Nguyễn ở Hà Nội bị công an bắt giữ và lục soát nhà, mà không trưng ra được bất kỳ một loại giấy tờ hợp pháp nào, mà mục đích là tìm chứng cứ và thẩm vấn Thịnh Nguyễn xem có phải là người thực hiện bộ phim tài liệu Đừng Sợ, về thảm nạn Formosa hay không.
Không khí nặng nề bao trùm lên giới văn nghệ sĩ ở Việt Nam. Thời điểm này nhắc đến những ngày tháng mà vì một bài hát, Việt Khang có thể đi tù, Trần Vũ Anh Bình có thể bị xem như là thành phần phản loạn. Thời điểm này làm nhớ lại Văn Đoàn Độc Lập trao giải thì bị cắt điện, công an hăm dọa người đến tham dự, và cả giám đốc xuất bản Chu Hảo bị đấu tố, trừng phạt vì đã in những loại sách khai trí.
Không khí nặng nề này cũng nhắc đến Clay Phạm, nhà đạo diễn trẻ, khi thực hiện bộ phim Mẹ Vắng Nhà, nói về những đứa con của Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã lớn lên, sống và chiu đựng như thế nào cùng bà ngoại khi mẹ của chúng bị ghép một án tù. Clay Phạm với những hình ảnh mô tả đời sống rất bình thường của mình, nhưng đã đưa cuộc đời anh vào một ngã rẻ khác: Anh không thể quay về nhà, không thể sinh sống như mọi người khác, anh trở thành một nhân vật bị đưa vào tầm ngắm của những hiểm nguy chực chờ.   
May mắn có được cuộc trò chuyện với Clay Phạm qua điện thoại internet – từ một nơi nào đó rất xa xăm – từ đó được anh kể rất nhiều về sự ẩn thân của mình, về mơ ước thực hiện những dự án phim tài liệu mới, về chọn lựa của mình… Clay Phạm nói anh vui mừng vì nhìn thấy hôm nay, nhiều nghệ sĩ, trẻ hơn cả anh, đã chọn việc mô tả hiện thực, sống với lương tâm và trái tim nghệ sĩ. Anh cảm thấy mình không cô đơn khi tiếp tục đi con đường của mình.
Xin ghi lại một ít, về cuộc trò chuyện với anh, như một cơ hội giới thiệu thêm tiếng nói của một nghệ sĩ tự do và yêu thương con người, yêu thương đất nước của mình.

Clay Phạm đã quan tâm đến thời sự và hiện thực xã hội từ khi nào, và vì sao?
- Tôi không nghĩ mình quan tâm lắm đâu, mà thực sự chỉ là muốn mô tả hoàn cảnh của 2 em nhỏ, con của chị Quỳnh, như một sự chia sẻ, thông cảm về hoàn cảnh của một người phụ nữ phải chịu tù tội khi lên tiếng cho chuyện chung. Thậm chí tôi nghĩ đó là một cuốn phim tình cảm gia đình hơn là ý nghĩa chính trị. Nhưng khi hoàn thành, mọi thứ đã vượt ra khỏi suy nghĩ của mình, tạo ra những biến động cho đời mình. Tuy vậy, phải nói là trong giai đoạn làm phim, tôi phải gần như là cải trang như dân địa phương để không gặp khó khăn, đặc biệt là trong sự bảo vệ rất chặt chẽ của mẹ chị Quỳnh. Cuối năm 2017, tôi bị bắt tại sân bay khi định làm một chuyến ra nước ngoài. Công an không có lý do gì để bắt tôi, nhưng qua camera theo dõi trước nhà chị Quỳnh, họ nghi ngờ vì thấy tôi xuất hiện rất thường xuyên. Tôi bị ngăn không cho bay, bị thẩm vấn và tịch thu tất cả máy quay, máy tính… mà không cần lý do gì cả. Tôi lang thang từ đó. Có một thời gian tôi ở gần chỗ của chị Phạm Đoan Trang và giúp vài việc lặt vặt cho chị ấy. Nhưng với công an, đó là chuyện không còn bình thường, và tôi trở thành người bị đẩy vào thế không thể quay trở về cuộc sống bình thường.

Vậy cuộc sống hiện nay của Clay Phạm ra sao?
- Tôi nhận ra mình đã chọn một hành trình của đời mình, hết sức phức tạp nhưng tôi không hề tiếc nuối vì đã chọn. Từ tháng 6 năm 2018, khi tham gia biểu tình chống luật đặc khu và an ninh mạng và bị lôi vào Tao Đàn tra tấn, đánh đập, tôi chưa gặp lại gia đình mình. Và tôi tiếp tục lang thang và suy nghĩ về những dự án mới.

Với chuyện của phim Ròm, việc anh Thịnh Nguyễn bị bắt, Clay Phạm có suy nghĩ gì?
- Đã có rất anh em chịu những thứ còn nặng nề hơn. Chẳng hạn như tôi muốn nhắc đến bạn Nguyễn Văn Hóa chẳng hạn, người dùng drone quay cuộc biểu tình chống Formosa nhưng bị đến 7 năm tù. Do đó những điều đánh đổi của tôi rất nhỏ. Nhắc về chuyện của anh Thịnh Nguyễn, tôi hiểu và tôi tin rằng muốn là một người tốt, một người trung thực ở Việt Nam là một điều khó khăn, nhưng đó là sự chọn lựa và phải chấp nhận cái giá của nó. Tôi tin là anh Thịnh Nguyễn không nao núng trước điều này, và tôi cũng vậy, tôi cũng không thể từ bỏ con đường của mình đã chọn. Rồi sẽ còn nhiều người nữa sẽ nối bước với anh Thịnh Nguyễn hay với tôi, hay bất kỳ người nào khác đang lên tiếng bằng nghệ thuật và ôn hòa. (…)

Ngừng cuộc nói chuyện với Clay Phạm, cảm giác trong tôi thật khó tả. Cũng như nhiều người trẻ khác mà tôi chưa gặp mặt, họ nuôi trong mình sự mạnh mẽ và lạc quan đến đáng ngưỡng mộ. Hỏi rằng họ có sợ hãi không có lẽ hơi thừa. Vì sợ hãi là có thật, giống như cảm giác nóng, lạnh hay đói… họ có thể thản nhiên đi qua đó và giữ nguyên vẹn một tinh thần tự cam kết với mình, rằng sẽ sống với sự thật, sống với lẽ phải, sống và đứng về con người và không phục vụ cho bất kỳ một loại thế lực đen tối nào.
Những người trẻ đó luôn mang trong mình niềm hy vọng vào sự đổi thay tốt đẹp. Và họ cũng trao tặng niềm hy vọng cho chúng ta, hôm nay.
Thursday, October 31, 2019

http://nhacsituankhanh.blogspot.com



Mỗi người một ước mơ

Tuấn Khanh

Đi cùng với sự hình thành nền văn minh nhân loại, là những giấc mơ. Những ước mơ riêng của mỗi con người đã tạo nên một thế giới đầy khát vọng và kỳ diệu của loài homo sapiens, so với các loài khác cùng tồn tại trên hành tinh. Lịch sử đã ghi lại rằng, đôi khi chỉ cần một ước mơ của Gandhi hay của Luther King, thế giới phải chuyển mình.
Và cũng có vô số những giấc mơ nhỏ bé và giản đơn, dù thành công hay thất bại, nhưng đã góp phần tạo dựng nên một hình dạng độc đáo khác thường của giống loài duy nhất trên địa cầu – loài động vật có khả năng ngôn ngữ và mơ ước.
Ai biết được những người Việt tử nạn trên chiếc xe thùng đông lạnh, tìm cách vượt biên giới vào Anh đã ôm ấp những ước mơ gì. Mỗi số phận là một câu chuyện. Và những câu chuyện đó phác thảo hình ảnh về nơi chốn mà họ đang sống.
Những đoàn người Kurd hôm qua tất tả chạy dạt khỏi vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, phác thảo một số phận dân tộc long đong và cam chịu. Họ không có bạn, chỉ có đồng minh giai đoạn và kẻ thù luân phiên.
Một người tài xế Uber người Armenia kể với tôi về quê hương của anh, và lý do anh lưu lạc đến Úc. Câu chuyện đời và ước mơ ra đi của anh, phác thảo về vùng đất Artsakh tuyệt đẹp cổ xưa, mà nay những người thương buôn quằn mình chịu nạn băng đảng đến từ Nga.
Đi theo dòng người im lặng tràn vào Châu Âu, đặc biệt là vào Anh Quốc, rất nhiều người Việt đã cùng người Trung Quốc, Eritrea, Ethiopia, Sudan, Afghanistan… lẻn vào để làm đủ thứ nghề, từ làm móng tay đến giữ trẻ, quét dọn… và cả trồng cần sa cho các đường dây buôn bán ma túy. Những câu chuyện đó phác thảo một phần của thế giới nghèo đói, bất an, không tương lai đang giẫy giụa, túa ra và chạy về hướng mà họ tin rằng sẽ tìm thấy sự khác biệt.
Những ngày xuất hiện câu chuyện 39 người tử nạn ở Anh Quốc, bất kỳ ai theo dõi cũng nhận ra dư luận người Việt chuyển động dữ dội. Một vài ngày đầu, sự kinh hoàng và thương cảm xuất hiện, rồi sau đó xuất hiện sự chỉ trích và miệt thị đầy chủ đích nhằm định hướng dư luận, kéo theo sự đồng ý của không ít người. Mục đích có thể là xô ngã mọi sự thương tâm, nhằm đánh lạc hướng việc xã hội đang nghĩ đến lý do vì sao nhiều thanh niên ở Hà Tĩnh, Nghệ An phải ra đi, vốn là nơi đời sống khó khăn, và nay lại càng khó khăn hơn kể từ khi Formosa xả độc ra biển, hủy diệt việc mưu sinh của hàng triệu người.
Ai có quyền đánh giá ước mơ hay phẩm giá của những người trẻ đó? Ai có quyền gọi họ là liều lĩnh hay ngu xuẩn vì không chấp nhận hiện tại? Nếu giả sử chẳng may trong lịch sử, chiếc tàu buôn Latouche-Tréville chở anh thanh niên Văn Ba bị đắm ngoài khơi năm 1911, hôm nay, tên gọi về Nguyễn Tất Thành là gì, nhất là khi anh ta không chịu yên phận và chấp nhận cuộc đời một thầy giáo dạy chữ Hán ở trường Dục Thanh của Hội Liên Thành?
Dù là vô danh, nhưng chắc những thanh niên Việt qua đời trên chiếc xe thùng đông lạnh cũng đã ôm ấp những ước mơ thầm kín của họ. Dù có là nhỏ bé hay nghèo hèn, nhưng đó là lựa chọn và sự chấp nhận đánh đổi trong khả năng của họ. Họ không đổ lỗi nơi chốn của họ, không căm ghét hay phỉ báng quê hương mình, cho dù nơi đó, có thể là những ngày tháng họ sống mòn, với những đầy đủ quẩn quanh vô vị… Nếu họ muốn ra đi để thay đổi cuộc đời nghèo khó, điều đó đã đau xót. Nhưng họ đủ sống như vẫn muốn ra đi, điều đó lại càng đau xót hơn, đáng chất vấn hơn, đặc biệt số lượng người ra đi và muốn ra đi gấp nhiều lần 39 người từ nạn, suốt nhiều năm qua.
“Đừng đổ lỗi cho chế độ” – những luận điệu hoảng hốt, chối bỏ đang vang lên từ nhiều hướng, dù các nạn nhân hay gia đình của họ vẫn còn chưa nói đến điều này. Ngay những dòng tin nhắn cuối cùng, cô gái trẻ nạn nhân chỉ nói xin lỗi mẹ mình. Những bia mộ chưa được dựng, người ta đã nghe thấy tiếng phủi tay. Tương tự như sau năm 1975, hàng triệu người miền Nam Việt Nam ra đi, họ cũng đã bị chối bỏ trước khi họ kịp lên tiếng nói về chế độ. Trong sách Bên Thắng Cuộc của tác giả Huy Đức, có ghi “ngày 20-7-1979, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc triệu tập một hội nghị về thuyền nhân Việt Nam tại Geneva với sáu mươi quốc gia tham dự. Tại hội nghị, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Cơ Thạch, nói “thuyền nhân” chỉ là “những phần tử bất mãn của chế độ cũ, những kẻ có nợ máu với nhân dân, những thành phần đĩ điếm, trốn tránh lao động”.
Trên đất nước được quảng cáo đầy những chỉ số hạnh phúc, 45 năm sau ngày thống nhất địa lý, con người vẫn cứ ra đi. Mỗi người vẫn bí mật mang một ước mơ của mình. Quan chức thì thực hiện giấc mơ cho con cái của mình định cư, tạo tài sản ở nước ngoài. Những người giàu thì mua quốc tịch, chờ một chuyến ra đi, hoặc đi du lịch rồi trốn ở lại. Người quyền thế thì nhẹ nhàng đi cùng chuyên cơ quốc gia để nhập cư lậu. Còn những con người nghèo khó thì chọn lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, nộp đơn bán sức lao động hoặc chọn hành trình bí mật để với tới ước mơ.
Giờ đây, đất nước tôi, rộn rịp những ước mơ mang hình giai cấp.
Tuesday, October 29, 2019

http://nhacsituankhanh.blogspot.com



Từ biệt một người biết liêm sĩ

Tuấn Khanh

Từ biệt ông Hà Văn Thịnh, giảng viên đại học ở Huế. Ông vừa mới qua đời ngày 17/10, vào lúc được 64 tuổi.
Ông Thịnh là người tôi chỉ biết, không quen, nhưng lại kính trọng và nhớ, từ câu chuyện liên quan đến Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt.
Ông là người tham gia viết bài trên báo chí nhà nước và có lúc nổi bật trên dư luận với bài viết tấn công dữ dội Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt, sau khi nhận được cuốn băng video cắt ghép đầy chủ ý những lời phát biểu của ngài.
Lúc đó, năm 2008, Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt phát biểu rằng ngài cảm thấy buồn và nhục nhã khi ra nước ngoài, cầm hộ chiếu Việt Nam Nam và hiểu rõ vị thế của đất nước mình thông qua cách nhìn của nhân viên hải quan các nước.
Thế nhưng qua bàn tay phù phép nào đó, lời phát biểu này đã bị cắt ghép trở thành một tuyên bố phỉ báng con người và đất nước Việt Nam và chuyển đến cho ông Hà Văn Thịnh.
Sau đó, ông Thịnh đã có bài viết tấn công dữ dội với những lời lẽ nặng nề nhắm vào Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt.
Giải thích về hành động của mình, ông Hà Văn Thịnh có viết trong bức thư ngỏ của mình rằng “qua đây, cũng xin nói cho rõ ‘vụ’ này. Hồi ấy, tôi là cộng tác viên thường xuyên của báo Lao Động. Viết với đam mê và trách nhiệm thực sự của nghĩ suy là mình luôn bảo vệ cái đúng, chống lại những điều sai (ấu trĩ, ngây ngô, ngu dốt...; để cho độc giả và quý vị xa gần phán xét, mặc nhiên tôi không phàn nàn hay khiếu nại). Một lần, tôi nhận được điện thoại của ông Tô Quang Phán, Phó TBT (nay là Tổng BT Hà Nội Mới), nói rằng Tổng GM Ngô Quang Kiệt tuyên bố cầm hộ chiếu Việt Nam thấy nhục nhã, hãy viết ngay một bài bình luận về sự kiện trên....
Nhận được lệnh, với thông tin 8 chữ, tôi viết liền cho kịp bài báo để mai đăng, sau khi đã đọc lại toàn bộ Kinh Thánh. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu nổi, vì sao chỉ sau có mấy tiếng đồng hồ, vừa đọc Kinh Thánh lại vừa viết ra được bài báo tổng hòa và tận cùng của nỗi đau, sự xấu hổ mà không hề có một thoáng mảy may băn khoăn về chuyện đúng, sai? Xem ra, sự đui dốt, thỏa thê khó tìm thấy giới hạn”.
Suốt quá trình đó, Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt đều im lặng. Ông đón nhận sự tấn công vào mình, ở mọi phía, với sự nhẫn nại đáng kính trọng.
Nhưng rồi, một thời gian sau, khi ông Thịnh tìm thấy được toàn vẹn lời phát biểu của Đức giám mục Ngô Quang Kiệt, ở vị trí là một trí thức và một người có liêm sỉ, ông đã công khai viết thư ngỏ, nhận mình đã sai, và cầu xin sự tha thứ của của Đức giám mục Ngô Quang Kiệt.
Lá thư có đoạn như sau: “Tôi đã như một kẻ đui mù thách đấu với Tổng GM Ngô Quang Kiệt chỉ bằng cái sinh tử lệnh có 8 chữ, tức là bằng đúng một nửa của 16 chữ vàng cắt dán! Lỗi lầm và đau xót đang được đo bằng sự ê chề. Tôi chỉ còn biết sùng kính ngước nhìn lên và nói tới hai chữ: Cầu Xin!”
Ông cũng đã nhận được cái chìa tay thương mến từ Đức Giám Mục sau đó.
Ngay lập tức, nhiều bài viết của phía nhà nước cũng bắt đầu xuất hiện, tấn công và gọi ông là kẻ phản bội.
Câu chuyện của ông Hà Văn Thịnh, nó xứng đáng như là một bài học giáo khoa về con người và thế sự trên đất nước Việt Nam.
Nó chứng minh rằng con người là một sinh vật luôn bị lợi dụng bởi các loại chủ nghĩa, và luôn trở thành nạn nhân của chính mình trong thời đại kẻ ác có đủ các loại mặt nạ chính nghĩa.
Hôm nay khi nhắc đến ông, Hà Văn Thịnh, với những cuộc tấn công điên cuồng vào một con người đáng kính, thì nay dường như đã rơi vào quên lãng. Người ta chỉ nhớ đến ông với chân dung hiếm hoi và tiêu biểu của một trí thức biết đau vì bị lừa dối, biết cất tiếng để dựng lại sự thật, bất chấp đánh đổi vị trí của mình mình đang được tung hô.
Chỉ có đủ liêm sĩ và sự cao quý trong tâm hồn thì ta người mới có thể công khai quỳ xuống, từ bỏ bóng tối mà mình đã mang vác để đối diện với ánh sáng.
Hà Văn Thịnh xứng đáng nhận được sự thương mến và kính trọng của những người nhớ đến ông. Đặc biệt giữa thời đại đầy những kẻ khoác áo trí thức, tử tế mà giả nhân giả nghĩa.
Friday, October 18, 2019

http://nhacsituankhanh.blogspot.com



Tự do không tự nhiên rơi xuống

Tuấn Khanh

Trong một thời gian rất ngắn, có ít nhất hai vụ kết án và bắt giữ công dân Việt đã diễn ra. Cả hai vụ đều thiếu sự công minh và thiếu cả tư cách của một quốc gia có luật pháp về quyền con người.
Hai người phụ nữ lớn tuổi, tiểu thương ở Đồng Nai, bị kết án 11 năm tù vì đã viết biểu ngữ và kêu gọi chống luật đặc khu vào năm 2018. Chị Vũ Thị Dung, một trong hai người, bị bắt cóc khi đi đám cưới của bạn. Và cả chị Dung lẫn chị Nguyễn Thị Ngọc Sương đều không được yêu cầu luật sư hay gặp mặt gia đình trong một thời gian dài, cho đến khi họ chuẩn bị ra tòa. Thậm chí, ra trước phiên tòa giả hình ấy, người nhà của hai phụ nữ ấy cũng không được vào dự.
Gần hơn là vụ bắt giữ công dân Nguyễn Vượng ở Lâm Đồng. Cả trăm công an rầm rộ bao vây nhà của anh, bắt đi, lục soát căng thẳng - mà theo mô tả thì không khí còn nghiêm trọng hơn cả vụ vây bắt 4 người Trung Quốc làm và tàng trữ 13 tấn ma túy ở Gia Lai. Nguyễn Vượng chỉ dùng công cụ livestream của facebook để bày tỏ chính kiến của mình, bày tỏ sự dứt khoát với chủ nghĩa cộng sản. Dù quan điểm chính trị riêng của Nguyễn Vượng được bảo vệ bằng Hiến pháp Việt Nam, nhưng tiếc là ở đất  nước mà chúng ta đang sinh tồn, Hiến pháp thuộc về nhân dân, đành thúc thủ trước bạo cường và man rợ thuộc về nhà cầm quyền.

Hiến pháp Việt Nam vẫn ghi rằng bất đồng chính kiến với chủ nghĩa cộng sản là quyền, chứ không phải là tội.
Rất nhiều những chuyện quái gở như vậy đã xảy ra tại Việt Nam, đến mức dần trở thành chuyện bình thường. Và bình thường đến mức bị nhạt nhòa trước mắt của đám đông. Đoàn Thị Hồng, bà mẹ có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi vẫn bị công an bắt cóc và phớt lờ lời chất vấn từ phía luật sư. Những vụ điều tra dài ngày kèm thêm sự khủng bố tinh thần nhiều hình thức trong trại tạm giam để buộc nhận tội như trường hợp anh Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ... đều là những vết nhơ của đời sống có luật pháp, nhưng lại không được nhiều sự chia sẻ, không được nhiều người dám cùng lên tiếng kêu đòi công lý cho họ. Sợ hãi và thủ phận vẫn còn là một màn sương dày đặc, không cho con người nhìn thấy nhau, không cho.phẩm giá và lẽ phải của con người được trỗi dậy.
Nhưng đám đông người Việt lại vẫn luôn truyền tai nhau một cách hớn hở về những thông tin Hoa Kỳ thương chiến với Trung Quốc, ra những đạo luật về vấn đề Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông... như một phép cứu cánh tinh thần. Nhưng đã đến lúc mọi người cần phải nói với nhau tỉnh giấc, thoát khỏi giấc mơ chờ sung rụng.
Sẽ chẳng có tổng thống Trump nào, hay sự tan rã nào của Trung Quốc sẽ tự nhiên đem lại dân chủ và nhân quyền cho người Việt Nam cả.
Chỉ vỗ tay và hy vọng thì không đủ. Một nước Việt Nam cần những con người cùng nhau thực sự hành động để đi đến những sự thay đổi mang tính hiện thực. Sẽ chẳng có trái sung ngon ngọt nào rơi vào cái miệng sợ hãi và há to chờ thời mang tên Việt Nam.
Bài tập đầu tiên cho những đổi thay, là từ ngay bây giờ, mỗi con người cần quan tâm hơn và lên tiếng về việc vì sao người dân Việt đang rên xiết với đất đai bị cướp bóc, vì sao những người tù nhân lương tâm đang bị đối xử hà khắc và oan ức từng ngày, vì sao luật pháp đang bị chà đạp bởi những kẻ đang cầm nắm quyền lực...
Hãy tự hỏi mình, bạn đã tìm thấy sự phẫn nộ trước sự bất công đang chà đạp đồng bào chưa? Bạn đã bao lần quay mặt để được yên phận mình mà không ray rứt trước nỗi đau của người cùng màu da, tiếng nói?
Đừng tự so sánh với Hồng Kông, đừng lo sợ tương lai Việt Nam sẽ như Tây Tạng...nếu chỉ là chờ đợi thụ động. Nếu có một thể chế mới ngẫu nhiên xảy đến, đất nước này nhiều khả năng sẽ lại bị cầm nắm bởi bọn cơ hội, hèn nhát và vô lương tâm mà thôi. Bởi nuôi dưỡng hèn nhát, chúng ta sẽ nhận lại hèn nhát. Nuôi dưỡng sự ích kỷ, chúng sẽ là nạn nhân của ích kỷ.

Tôi viết những dòng này, bởi có không ít người Việt hôm nay thích chọn làm khán giả thông minh trước thời cuộc hoặc đóng vai tiên tri đại ngôn sáng thế, né tránh thực tế đầy nước mắt, máu và oan khiên của đồng bào mình. Đừng quên bất kỳ sự thay đổi nào trong lịch sử, khán giả vô tâm hay tiên tri đại ngôn rồi chỉ lộ hình là kẻ ăn bám và đánh cược với thời đại. Bạn không thấy dân tộc này đã mang nặng và đủ đau về những kẻ như vậy sao?
Thursday, September 26, 2019

http://nhacsituankhanh.blogspot.com

 

Đăng ngày 09 tháng 12.2019