banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Thơ Thái Bá Tân

 

Những bài thơ nói về cố TT Ngô Đình Diệm

Học giả Thái Bá Tân, sinh quán ở Nghệ An, được gửi đi du học ở Moscow trong thời kỳ thập niên 60-70. Sau khi trở về, ông sinh sống ở Hà Nội bằng nghề dạy học, viết văn, dịch sách, và làm thơ. Những bài thơ 5 chữ của ông mang nhiều tính chất nâng cao dân trí. Mỗi bài thơ đều có mang theo vài thông điệp để gửi đến một số đối tượng, với lời lẽ nhẹ nhàng nhưng rất thâm thúy. Hy vọng những đối tượng ấy sẽ nhận ra được và tự điều chỉnh, để xã hội được tốt đẹp hơn. Ông luôn luôn tự hào: là một “hạt giống đỏ”, nảy mầm và lớn lên trong một “ngôi vườn đỏ”, nhưng không hề bị nhuộm “đỏ”, và chưa bao giờ là một đảng viên của Đảng Cộng Sản.
 
NGÔ ĐÌNH DIỆM 1

Đọc trên mạng, thấy nói
Vào những năm sáu mươi
Khi Ngô Đình Diệm chết
Người ta lục trong người
 
Chỉ thấy chuỗi tràng hạt
Nửa bao Bastos Xanh
Loại thuốc rẻ tiền nhất
Của người nghèo Sài Thành.
 
Các tướng lĩnh đảo chính
Soi tài khoản của ông
Cả trong và ngoài nước
Xem có nhiều tiền không.
 
Cuối cùng, ông Minh Lớn
Thông báo với đồng bào:
Tài khoản của ông Diệm
Không có đồng tiền nào.
*
Trên mạng nghe nói thế
Không biết đúng hay sai
Còn đây là sự thậ,
Tuyệt đối đúng, không sai.
 
Trưởng ban tổ chức đảng
Tỉnh Yên Bái vừa qua
Bị bắn chết, để lại
Một trăm nghìn đô-la.
 
Cộng thêm một tỉ rưỡi
Thành gần bốn tỉ đồng
Số tiền khổng lồ ấy
Được cất ở văn phòng.
 
Dân, vốn lười suy nghĩ
Tuy nhiên, qua vụ này
Cũng muốn hỏi nhà nước
Mấy câu hỏi sau đây:
 
Một - ông Ngô Ngọc Tuấn
Chết, tiền thế là nhiều
Thế những năm còn sống
Trong phòng có bao nhiêu?
 
Hai - ông Tuấn giàu thật
Dẫu mới chỉ quan to
Chưa phải quan to nhất
Đang sống ở thủ đô.
 
Họ, quan to nhất ấy
Ngộ nhỡ chết như ông
Trong phòng họ làm việc
Có bao nhiêu tỉ đồng?
*
Tự nhiên nhớ ông Thiệu
Hồi còn ở Miền Nam:
“Đừng nghe cộng sản nói.
Hãy xem cộng sản làm!”

 
NGÔ ĐÌNH DIỆM 2
 
Thời ông Diệm, kinh tế
Của Việt Nam Cộng Hòa
Hơn Hàn Quốc gấp rưỡi
Thái Lan - gần gấp ba.
 
Đến ông Lý Quang Diệu
Cũng chỉ mong nước ông
Có ngày sẽ giàu đẹp
Như Hòn Ngọc Viễn Đông.
 
Nghe nói cả bóng đá
Từng lên đỉnh vinh quang
SEAP Games năm 59
Dành được Huy Chương Vàng.
 
Thậm chí đội Nhật Bản
Lại nghe nói, nhiều lần
Sang Sài Gòn tập huấn
Nên mới khá hơn dần.
*
Sau khi ông Diệm chết
Ngô Đình Thục, anh ông
Sống nghèo đói ở Mỹ
Trong Tu Viện Cộng Đồng.
 
Bà Nhu thì héo hắt
Trong căn hộ tí hon
Ở thành Rome nước Ý
Vì nghèo và vì buồn.
 
Tức là cả ông Diệm
Và người thân của ông
Khi tại chức, quyền lực
Không tư túi một đồng.
 
Nghe người ta nói thế
Về Việt Nam Cộng Hòa
Sai đúng là một chuyện
Chuyện khác, buồn cho ta.

 
NGÔ ĐÌNH DIỆM 3
 
“Tôi không phải thần thánh
Mà là người bình thường
Tôi thức khuya, dậy sớm
Vì đất nước, quê hương.
 
Tôi tiến, mong các bạn
Hãy cùng tiến theo tôi
Tôi lùi, hãy bắn bỏ
Tôi chết, nối chí tôi”.

 
NGÔ ĐÌNH DIỆM 4
 
Tổng thống Ngô Đình Diệm
Cúng năm trăm nghìn đồng
Và ra lệnh chính phủ
Xuất thêm hai triệu đồng
 
Để xây chùa Xá Lợi
Hai nghìn rưởi mét vuông
Năm Một Chín Năm Sáu
Ngôi chùa ấy xây xong.
 
Chính ông đã đề nghị
Cấp đất không lấy tiền
Xây một ngôi chùa mới
Đó là chùa Vĩnh Nghiêm.
 
Ông cũng cúng toàn bộ
Mười lăm nghìn đô-la
Tiền ông được giải thưởng
Cho Đạt Lai Lạt Ma.
 
Chùa Nam Thiên Nhất Trụ
Và cả chùa Phổ Quang
Cùng một số chùa khác
Được xây dựng khang trang
 
Cũng là nhờ ông Diệm
Một con chiên có lòng
Tiếc, sau này phật tử
Đã nhiều người chống ông.

Thái Bá Tân (Hà Nội) – Apr 2019

1. Chùa Vĩnh Nghiêm xây 1964. Toàn bộ khu đất rộng xây chùa được ông Diệm ký bán, giá tượng trưng một đồng.
2. Đức Đạt Lai Lạt Ma lúc ấy là lãnh tụ của Tây Tạng vừa bị Trung Quốc chiếm đóng.




Thái Bá Tân - Không thể sống trong im lặng

Đỗ Trường

Có thể nói, kể từ ngày lập quốc, chưa có chế độ xã hội nào thối nát, con người vô cảm như hiện nay. Sự vô cảm ấy, làm con người trở nên yếu đuối, và đê hèn. Cả ngàn người viết, hàng vạn người mang danh học hành, bằng cấp, nhưng khó tìm ra một nhà văn, một trí thức đích thực.
Vâng! Một đất nước có hồn khí như vậy, chắc chắn đang bước tới hố sâu, và ngõ cụt. Từ đó có thể thấy, thịnh suy dẫn đến sự đổ nát, suy tàn của một triều đại là điều khó tránh khỏi. Đó cũng là qui luật tất yếu của lịch sử. Bởi, cái cũ chắc chắn sẽ được thay bằng cái mới phù hợp với sự phát triển văn hóa, khoa học cũng như khát vọng của con người. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần phải có nhiều yếu tố. Thơ văn và nhận thức tư tưởng thi sĩ nói riêng và của con người nói chung là một trong những ngòi dẫn, yếu tố quan trọng.
Và trong cái gật gù, u mê ấy, nếu được phép chọn ra những nhà văn, thi sĩ ở trong nước gạt bỏ được tạp niệm, bùa chú đó, với tôi, người đầu tiên phải là Thái Bá Tân, Nguyễn Quang Lập, Bành Thanh Bần…

Từ trách nhiệm công dân đến chuyển biến tư tưởng
Nói đến Thái Bá Tân, có lẽ rất nhiều người biết, ông là một nghệ sĩ đa tài. Ngoài tài năng văn thơ, đàn ca sáo nhị, ông còn là dịch giả, một người thày đầy lòng nhân ái.
Thái Bá Tân sinh năm 1949 tại Diễn Châu, Nghệ An, trong một gia đình truyền thống khoa bảng. Ông tốt nghiệp trường Đại học ngoại ngữ Moskau, rồi về giảng dạy tại trường Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, và Ủy viên đối ngoại của Hội nhà văn VN sau này. Có thể nói, ông là một trí thức, con cưng của chế độ CS, được đào cơ bản từ trong cho đến ngoài nước, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Khởi đầu Thái Bá Tân đến với văn chương bằng dịch thuật, rồi truyện ngắn và thơ lục ngôn, bát ngôn... Tuy nhiên, những năm gần đây, ông được mọi người biết đến và yêu mến nhiều hơn với mảng thơ thế sự, xã hội theo thể ngũ ngôn. Thơ thời sự là mảng thơ khó nhằn, khó viết, cho nên rất ít người dám đi đến tận cùng. Bởi, ngoài tài năng, nó cần sự dũng khí, cũng như mất mát, hy sinh không chỉ riêng bản thân người viết, mà cho cả gia đình, dòng họ.

Khi đọc và nghiên cứu Thái Bá Tân, tôi thực sự khâm phục sự lòng dũng cảm, can trường của ông. Thơ ông gắn liền với thân phận đất nước và con người, cũng như phơi bày sự thối nát của chế độ xã hội đương thời. Để có những vần thơ, trang viết này, tôi nghĩ, ngoài tình yêu đất nước, lẽ phải, công bằng, Thái Bá Tân còn được đi nhiều, và hầu hết khắp các châu lục, nhất là các nước tự do dân chủ. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng của ông. Ta có thể thấy, sự chuyển biến nhận thức, tư tưởng của ông thật rõ ràng về chân tướng cũng như sự lưu manh hóa của chủ nghĩa CS qua bài thơ Cộng Sản:
…Elsin, ai cũng biết
Trùm cộng sản Nga Xô:
Cộng sản không thể sửa
Mà phải chôn xuống mồ.

Rồi ông Gorbachev:
Tôi bỏ nửa đời người
Theo lý tưởng cộng sản
Tưởng nó đẹp nhất đời.

Thế mà giờ chua xót
Phải tuyên bố điều này:
Cộng sản chỉ dối trá
Luôn dối trá xưa nay.

Tiếp đến, một trùm nữa
Ông Putin, người hùng:
Ngu mới tin cộng sản
Theo cộng sản là khùng.

Từng sống với cộng sản
Bà Merkel ngày nay
Là Thủ Tướng nước Đức
Thì phát biểu thế này:

Cộng sản thật đáng sợ
Làm tha hóa con người
Biến họ thành dối trá
Thờ ơ và lõi đời.

Một người rất đáng kính
Đức Dalai Lạt Ma
Của nước xưa Tây Tạng
Thì nói với chúng ta:

Công sản là cỏ dại
Trên đổ nát chiến tranh
Nó là loài trùng độc
Trên rác đời hôi tanh…

Đọc nhiều, đi nhiều đã cho Thái Bá Tân sự hiểu biết, để có thời gian nhìn lại mình, và nhận ra giá trị thật sự của đất nước, con người dưới chế độ cộng sản, mà bấy lâu nay từng được tô hồng, che đậy. Qua bài Tự Bạch, ta không chỉ thấy được sự thật nhục nhã ấy, mà còn thấy được tính khẳng khái, lòng dũng cảm của ông:

…Chứ nói chung là nhục
Nhục phải làm thằng dân
Một nước giỏi nói phét
Lãnh đạo thì ngu đần.

Riêng hai chữ “cộng sản”
Đã đủ nói phần nào
Làm thằng dân cộng sản
Có gì mà tự hào?

Mà tự hào sao được
Khi mấy triệu dân ta
Vượt biên, thà chết biển
Hơn phải chết ở nhà!

Tự hào là yêu nước
Yêu nước phải biểu tình
Mà biểu tình nó oánh
Quân ta oánh quân mình.

Nếu không có nhận thức và biến chuyển tư tưởng, thì có lẽ, thơ Thái Bá Tân không thể có cái đau cùng nỗi đau của dân tộc và đồng loại. Khóc là một bài thơ như vậy. Ngoài sự phơi bày tội ác đày đọa, giết người hàng loạt, một cách dã man của chủ nghĩa CS, nó còn cho người đọc thấy được diễn biến tâm lý của nhà thơ:
Vứt mẹ cái khẩu hiệu  
Còn đảng là còn mình
Thế mai kia đảng chết  
Không lẽ mày quyên sinh?

Và từ diễn biến nội tâm ấy, đã đẩy tâm trạng từ ngạc nhiên lên đến sự phẫn uất căm hờn. Có thể nói, nhận thức tư tưởng của nhà thơ đi từ thấp đến cao, và nó đã hoàn toàn tháo bỏ được chiếc ách cộng sản quàng chặt trên mình từ bấy nay:
Mười mấy năm về trước
Tôi đọc cuốn “Sách Đen
Về chủ nghĩa cộng sản”
Rồi ngồi thừ, ngạc nhiên.

Sách đen nhưng giấy trắng
Nói về chủ nghĩa này
Về số triệu người chết
Và người bị đọa đầy.

Khi đọc đến con số
Người Việt Nam, than ôi
Đã phải chết vì nó
Tôi khóc cho nước tôi.

Con số là nhiều triệu
Nhiều triệu những mạng người
Rất có thể, ai biết
Thêm người nữa là tôi.

Gần mười năm sau đó
Tôi đến Washington
Và rồi tôi lại khóc
Khi phẫn uất, căm hờn

Tôi đứng bên bức tượng
Nạn nhân chủ nghĩa này
Một trăm triệu người chết
Một trăm triệu xưa nay…
(Khóc)

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm, Thái Bá Tân hay Bành Thanh Bần, Nguyễn Quang Lập… họ chỉ là những nhà thơ, nhà văn bình thường, và làm đúng nghĩa vụ công dân. Họ viết và nói lên những sự thật đang diễn ra hàng ngày, khi hàng ngàn nhà văn, trí thức khác lặng im, ngậm miệng ăn tiền. Chúng ta (người đọc) không nên nghĩ, ghép họ với những nhà dân chủ, hay phản kháng xổ toẹt Mác, ly khai cộng sản như các nhà văn: Võ Thị Hảo, Dương Thu Hương, Phạm Thành… để rồi đến lúc thất vọng, buông ra những lời nói, từ ngữ xúc phạm không đáng có, như thời gian vừa qua.
Có điều kỳ lạ, nhiều người không biết sống ở trong nước hay nước ngoài, tên đểu hay tên thật, luôn lớn tiếng cho tự do dân chủ. Thế nhưng chỉ cần một ý kiến, một bài viết khác ý, họ sẵn sàng mạt sát bằng những từ ngữ chợ búa. Tôi không rành về chính trị, nhưng thiết nghĩ, chính quyền rơi vào tay những người này, có lẽ họ còn sắt máu hơn cả CS Mao - Polpot.
Và với tôi, chỉ cần một nửa nhà văn VN, viết và có tư tưởng nhận thức như thi sĩ Thái Bá Tân, Nguyễn Quang Lập, Bành Thanh Bần… thì đất nước, con người có lẽ đã khác đi rất nhiều. Sự thối nát, độc quyền tư tưởng, độc quyền chân lý, độc quyền lãnh đạo của Đảng CS sẽ bị phơi bày. Nó góp phần không nhỏ cho sự nghiệp dân chủ hóa đất nước.
Vâng! Đang sống dưới chế độ CS, làm được như vậy, đã là điều đáng kính, đáng khâm phục lắm rồi. Điều đó, không phải ai cũng làm được.

Nghệ thuật sử dụng con chữ trong ngũ ngôn thơ
Có thể nói, tôi đã đọc Thái Bá Tân khá nhiều. Thơ cũng như văn của ông từ ngữ mộc mạc, dễ hiểu. Truyện ngắn gây cho tôi nhiều ấn tượng, bởi nó gần với đạo giáo, cùng với lòng nhân đạo cao cả. Đôi khi nó chỉ là những câu chuyện vặt hàng ngày, nhưng mang thông điệp lớn, buộc người đọc phải suy nghĩ. Với tôi, Chuyện Làng Và Người Làng là một trong những truyện ngắn hay nhất của ông, và cũng là truyện ngắn hay của văn học Việt, trong thời gian gần đây. Có điều lạ, dường như Thái Bá Tân ít quan tâm đến đặt tên (tựa đề) cho truyện của mình. Chuyện Làng Và Người Làng là một ví dụ. Tuy chuyện kể về làng và người làng, nhưng hồn cốt là quá trình diễn biến nội tâm dẫn đến sự sám hối (tội lỗi) của một con người, hay của cả thế hệ… Do vậy, với cái tựa đề sơ sài trên, khó có thể là cái hom, cái giỏ chứa đựng hết hàm ý nội dung, ý đồ chuyển tải của tác giả.
Và những năm gần đây tôi được đọc, biết đến thơ thế sự, xã hội của Thái Bá Tân, viết dưới thể ngũ ngôn. Phải nói, nó đã gây cho tôi ấn tượng và cảm xúc mạnh. Bởi, ông không chỉ thổi hồn, mà còn làm mới ngũ ngôn thơ bằng nghệ thuật sử dụng từ ngữ, cũng như kỹ thuật vắt dòng, hay bắc cầu. Giống như lục bát, thơ ngũ ngôn dễ làm, nhưng khó hay, nếu nhà thơ không có tài. Theo dòng văn học sử, ta có thể thấy, ngoài Ông Đồ của Vũ Đình Liên, Em Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư, Khi Chưa Có Mùa Thu của Trần Mạnh Hảo…thơ ngũ ngôn để lại cho đời không nhiều.
Có một điều thú vị, cả hai tác giả đương đại đưa khẩu ngữ vào văn và thơ đều xuất thân từ miền Trung (Quảng Bình, Nghệ an). Nếu khẩu văn Nguyễn Quang Lập gần gũi hài tính, gây cười, thì khẩu thơ của Thái Bá Tân là lời tự sự, truy vấn làm cho người đọc chìm vào nỗi đau của đất nước, con người, cũng như thế thái nhân tình.

Thái Bá Tân viết nhiều thể loại, dịch nhiều sách, tuy được nhiều người biết đến, kể cả độc giả ngoại quốc. Nhưng chỉ đến khi ông dùng ngũ ngôn thơ chọc thẳng vào ung nhọt của xã hội, nóng hổi tính thời sự thì tên tuổi ông mới đóng đinh vào lòng người đọc trong và ngoài nước. Và chính nó đã làm nên chân dung nhà thơ, nhà văn vạm vỡ Thái Bá Tân được nhiều người yêu mến của ngày hôm nay.
Có thể nói ngay, thơ Thái Bá Tân hay trước nhất ở cái tứ. Và dường như bài nào cũng vậy. Đến với ngũ ngôn thơ ta thấy ông đã thay đổi hoàn toàn cách viết, từ ngôn ngữ cho đến cách gieo vần. Tuy lời thơ dân dã, nhưng ông đã sử dụng kỹ thuật ngắt nhịp, vắt dòng làm cho bài thơ hay đến lạ lùng. Những Người Ở Lại là bài thơ điển hình như vậy. Nó không chỉ cho ta thấy sự ngơ ngác, mất niềm tin đi đến bế tắc của người dân lương thiện, mà còn thấy được sự lưu manh hóa của những ông quan cách mạng, dưới cái chủ thuyết xã hội không tưởng. Chúng ta đọc lại lời kể, hay của một lời than dưới đây để thấy rõ điều đó:
…Quan, những người cách mạng
Lặng lẽ tích đô-la
Để thành công dân Mỹ
Tây Âu, Canada…!
 
Ta, những người ở lại
Đang thử hỏi còn gì?
Còn lại một núi nợ
Một xã hội trái chiều.

Những câu khẩu hiệu đỏ
Và một mớ giáo điều
Một môi trường hủy diệt
Một đất nước, người dân

Mất niềm tin, ngơ ngác
Đành tin vào thánh thần
Một dân tộc bất lực
Nhìn cái ác lên ngôi.
Bất lực chịu ngang trái
Và đạo đức suy đồi.

Tôi đã đọc, và viết khá nhiều về chân dung các nhà thơ, nhà văn đang sống trong cũng như ở ngoài đất Việt. Hai nhà thơ Luân Hoán và Thái Bá Tân để lại trong tôi ấn tượng khá đặc biệt, bởi cái lối kể chuyện bằng thơ. Luân Hoán hiện đang cư ngụ tại Canada, là nhà thơ miền Nam, thuộc thế hệ đi trước. Nếu thơ của Luân Hoán là câu chuyện tình, chuyện đời, thì thơ ngũ ngôn Thái Bá Tân mang nặng tính thời sự, với những câu chuyện nóng hổi vừa xảy ra. Nó bám chặt lấy cuộc sống, bám chặt lấy những thăng trầm của đất nước, và con người. Đọc, nghiên cứu, ta cảm giác, Thái Bá Tân làm thơ cứ như đùa, như chơi vậy. Mộc mạc, thô ráp là thế, nhưng cái dí dỏm ấy sắc nhọn như mũi dao chích vào lòng người.
Thật vậy, đọc bài "Lại phim hăm mốt tỉ", ông viết cách nay không lâu, cho ta thấy, dù có đốt đến tiền tỉ, hút kiệt máu và nước mắt của nhân dân, cũng không thể che đậy được cái giả dối, bầy đàn, một cách kịch cỡm của những kẻ xu thời, nịnh thế:
...Một bộ phim hoành tráng
Tốn hăm mốt tỉ đồng
Để ca ngợi tướng Giáp
Thế mà rạp trống không.
----
Là con người, ông Giáp
Chết, tất nhiên tôi thương
Là lãnh đạo, thú thật
Tôi thấy cũng bình thường.
Chí ít không vật vã
Gào khóc như lên đồng.
----
Lạ, những người khóc ấy
Sao bây giờ lặng thinh?
Không xem phim ca ngợi
Người anh hùng của mình?

Mà trước đấy tướng Giáp
Bị làm nhục nhiều năm
Rồi ốm nặng, sao họ
Không một lần đến thăm?

Bao giờ dân Đại Việt
Vốn văn minh, khôn ngoan
Mới chợt tỉnh để thoát
Cái tâm lý bầy đàn?

Ngược dòng văn học sử, ta có thể thấy từ thuở chưa có chữ viết, ông cha ta đã sáng tác, đúc kết truyền miệng những câu hoặc bài thơ châm ngôn về đạo đức và lối sống. Trải qua bao thăng trầm, nhiều câu, nhiều bài còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với văn học dân gian, thơ châm ngôn ít được nhà chức trách và giới sáng tác, nghiên cứu quan tâm. Người sáng tác chuyên tâm, chuyên nghiệp dường như không có. Có lẽ, nó đòi hỏi một sự khắt khe chăng? Bởi, người viết thơ châm ngôn, ngoài tài năng, nhân cách, dứt khoát phải có kiến thức, vốn sống và từng trải về nhiều lãnh vực.
Thế nhưng, khi đi vào nghiên cứu Thái Bá Tân, ta có thể thấy, riêng thơ châm ngôn của ông không dừng lại con số bảy tập. Đây là con số nói lên sức viết, khả năng sáng tạo đáng kính phục, bởi một người cùng lúc làm nhiều công việc như Thái Bá Tân. Và không đi theo thể lục bát truyền thống, thơ châm ngôn năm chữ (ngũ ngôn) của ông vẫn thủ thỉ, mang đậm tính triết lý của cuộc sống:
Ta hay quá sốt sắng
Quan tâm đến mọi người
Mà quên ta là người
Đáng được quan tâm nhất.

Ta thường tìm hạnh phúc
Ở đâu đó rất xa
Mà quên rằng hạnh phúc
Ở ngay chính trong ta.

Nghe, ai mà chả thích
Nghe những điều ngọt ngào
Vì mặt trời chói mắt
Ta thích ngắm trời sao.

Nhưng làm nên sự sống
Lại chính là mặt trời
Không phải sao lấp lánh
Mờ ảo và xa vời.“

Ngũ ngôn là thể thơ có nhịp cũng như ngôn từ gần gũi với câu nói thường nhật, nên dễ nhớ, dễ thuộc đi vào lòng người, kể cả những đề tài khô khan như thời sự, xã hội. Tuy nhiên, do những đặc điểm như vậy, nên giữa thơ và vè luôn có khoảng cách rất mong manh, nếu nhà thơ thật sự không có tài. Và đọc Thái Bá Tân ta có thể thấy, dù là nhà thơ tài năng, luôn tìm tòi, sáng tạo, nhưng thơ ngũ ngôn của ông cũng còn một số câu, bài dở, nhất là mảng thơ châm ngôn. Có lẽ, do ông viết nhanh và nhiều chăng? Âu đó cũng là điều rất bình thường của bất cứ nhà thơ, nhà văn nào.

Bộ mặt thật của chế độ, và sự nhu nhược của con người
Hơn một lần tôi đã viết, Thái Bá Tân và Bành Thanh Bần là hai thi sĩ đang sống ở trong nước, viết về mảng thế sự, xã hội, mang lại nhiều xúc cảm cho người đọc. Tuy bút pháp, cũng như thể loại thơ hoàn toàn khác biệt, nhưng không ai có thể phủ nhận dũng khí của hai thi sĩ Thái Bá Tân và Bành Thanh Bần. Có lẽ, đây là hai cây bút hàng đầu của thi ca đất Việt dám đi đến tận cùng những vấn đề gai góc, nhức nhối nhất của đất nước, con người trong thời gian gần đây. Nếu Bành Thanh Bần, chỉ có vốn liếng của một gã thợ cày, với những câu lục bát dân dã, đã lật ngược bộ mặt thật của chế độ, thì Thái Bá Tân, một trí thức được đào tạo cơ bản từ trong đến ngoài nước, dùng “Ngũ ngôn thơ” chọc thẳng vào những ung nhọt của xã hội.
Thật vậy, Thái Bá Tân luôn trăn trở cùng quốc gia, dân tộc. Mỗi biến cố, sự kiện dù lớn hay nhỏ, thơ ông đều ghi lại cùng với những câu hỏi, truy vấn làm quặn thắt lòng người. Dẫu biết rằng, câu hỏi ấy, ai cũng biết và có thể trả lời. Xin Nhường Cho Chính Quyền, tuy chưa phải là bài thơ hay nhất của Thái Bá Tân, nhưng tôi thích, không phải vì tiếng cười thích thú, hân hoan của dân chúng trước sự bắn giết nhau của đám quan tham, mà bởi tiếng súng ấy, đã báo hiệu ngày cận kề sụp đổ, đền tội của một chế độ đã mục nát:
Dường như đang bung vỡ
Khối ung nhọt lâu nay
Bí thư đảng Yên Bái
Bị bắn giữa ban ngày…

Thủ phạm, cũng quan lớn
Trưởng chi cục kiểm lâm
Còn một nạn nhân nữa
Một quan ban phát quyền,

Là trưởng ban tổ chức
Mà chức là có tiền
Mạng người nào cũng quí
Cả dân và cả quan.
Sao nhiều người không xót
Thậm chí còn hân hoan?...

Không chỉ quay ngược bút, chọc vào đám văn nô cùng trong Hội:
Lũ văn nô, đĩ bút
Mới là bọn bất lương
Khóc mướn quan tham nhũng
Lên mặt dạy dân thường
mà Thái Bá Tân còn vạch trần bộ mặt ngu xuẩn, lộn ngược gia phong của những tên quan tuyên huấn:
Chắc có thằng tuyên huấn
Vừa ngu dốt vừa lười
Xưa tớn lên, chấp bút
Đặt đảng ngang với trời.
Bởi, với chúng, chỉ có nấp sau đảng, sau cái thứ quyền lực đổi trác, bán mua ấy mới có thể đục khoét, làm giầu một cách bất lương:
…Biệt thự tám mươi tỉ
Bên túp lều xác xơ
Là bất lương tột đỉnh
Đất nước ta bây giờ

Quan xứ núi đã thế
Quan thủ đô thì sao?
Chúng, quan của mọi xứ
Đang hút máu đồng bào...

Không dừng lại mức độ đục khoét tham nhũng, mà bọn cường hào thống trị mới còn tàn nhẫn, man rợ hơn nữa. Thật vậy, chúng không từ bất cứ một thủ đoạn nào đối với đất nước, đồng bào, đồng đội. Hình ảnh những người lính gục ngã, bởi bị bán mua ngay nơi chiến trường là bức tranh thu nhỏ của đất nước hôm nay:
…Chuyện kể rằng, lần ấy
Khi đánh nhau với Tàu
Quân ta và quân địch
Cách nhau một chiếc cầu.

Bỗng từ trên có lệnh
Một đại đội xung phong
Vượt qua cây cầu ấy
Sang bờ bên kia sông.

Thế mà lạ, sau đó
Hai bên đang đánh nhau
Có lệnh từ trên xuống
Lần này lệnh phá cầu!...
(Ballad về một đại đội bị bỏ rơi)

Võ Nguyên Giáp cũng là một bài thơ hay của Thái Bá Tân. Ông có một cái nhìn trung thực, và đánh giá một cách khách quan về một nhân vật của lịch sử. Bài thơ ra đời, có lẽ ông bị áp lực từ nhiều phía, nhất là những kẻ có hai bộ mặt trong một con người. Đọc bài thơ này, dường như có một sự đồng cảm nào đó, làm tôi nghĩ ngay đến một bài viết của mình, ngay sau ngày tang lễ cụ Võ Nguyên Giáp:
“…Sau cái chết và lễ tang cụ Võ Nguyên Giáp, một nhóm, trong đó có cả một số nhà thơ tên tuổi, phát động, cùng nhau làm thơ, viết thơ về cụ Giáp. Tôi vui, buồn lẫn lộn, nhưng ông bạn nghiên cứu triết của tôi bảo, thơ ca gì, đọc lên sao thấy nó giống như dàn kèn tụng ca vua chúa thời phong kiến vậy… Và không hiểu sao, dạo này các bác hay đùa dai đến thế: Cứ bảo, cụ Giáp về với dân. Về với dân có nghĩa là như các bậc tiền nhân, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, dám từ bỏ quyền lực, trở về ngôi nhà cũ của gia đình dòng họ và làm lại đúng cái nghề gõ đầu trẻ của mình. Chứ ai lại về với dân, mà sau khi thắng giặc, cụ ngự Villa to vật vã giữa lòng thủ đô. Không phải ai muốn gặp cụ cũng được. Khi mất, lăng mộ cụ lại ngự nơi được cho có phong thủy đẹp, lưng là núi mặt tiền là biển và dường như có cả lính túc trực ngày đêm? Vậy là xa dân, chứ làm sao có thể nói, cụ gần dân, về với dân. Thôi thì, cụ cứ nằm chung với các đồng chí của mình giữa thủ đô, có người chăm sóc luôn thể, có khi lại giản dị, đỡ tốn kém hơn.
Vâng! Người có công với chế độ như cụ Giáp, được hưởng thụ ở mức “đại Nhà Thờ, đại Tôn Đản“ là điều đương nhiên, khỏi bàn cãi. Nhưng các bác cứ cố gò ép, cụ về với dân, quả thật nó vênh, tội và oan cho dân lắm.
Có lẽ, do quá yêu quí cụ, nên nhiều người, trong đó có cả những nhà văn, trí thức cho rằng, cụ Giáp không vướng vào những sai lầm cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm...v..v… Dù là người dốt về chánh trị, cũng có thể nhận ra, chủ trương dẫn đến những sai lầm này, của cả bộ chính trị, không phải chỉ có riêng các cụ Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hồ Viết Thắng gánh chịu, mà phải tính từ cụ Hồ trở xuống. Cụ Giáp lúc đó là ủy viên bộ chính trị, uy tín, tiếng tăm đang lẫy lừng, quyền hạn cao chót vót, nên không thoát khỏi trách nhiệm này…“. (đoạn trích trong bài Sám Hối)

Và chúng ta hãy đọc lại bài Võ Nguyên Giáp để thấy rõ bộ mặt thật đê hèn, mà bấy lâu nay tưởng chừng cao đạo của giới chóp bu CS:
Nhẫn nhục mưu việc lớn
Là việc rất đáng khen
Nhẫn nhục để khỏi chết
Là thứ nhẫn nhục hèn.
-----
Tôi không yêu, không ghét
Ông tướng cộng sản này
Kính trọng cũng không nốt
Vì ba điều sau đây.

Một, thua xa Trần Độ
Đến trăm tuổi, mà rồi
Vẫn nghĩ cộng sản tốt
Không hối hận, theo tôi,

Đó là sự mù quáng
Là giáo điều nặng nề
Riêng việc ấy cho thấy
Đầu óc có vấn đề.

Hai, người ta nhẫn nhục
Để phục quốc cứu người
Ông thì hèn, chịu nhục
Để được sống hết đời.

Ba, tài năng quân sự
Tôi không là chuyên gia
Nghe đồn cái tài ấy
Là của người Trung Hoa.

Ông, như nhiều tướng khác
Chiến tranh thì nhân dân
Mà trận nào cũng thế
Nổi tiếng nướng nhiều quân…

Gần đây, nghe nói, Thái Bá Tân đã tìm đến Phật Pháp. Và có lẽ, đó là nơi trú ngụ hồn ông lúc về chiều. Và càng đi sâu vào Phật pháp mênh mông, dường như thơ của Thái Bá Tân đến gần hơn với luật báo ứng, nhân quả. Dân Đại Bái Chơi Đẹp là một bài thơ như vậy. Tuy chỉ là những thống kê qua lời kể, nhưng những cái chết đó như một lời cảnh tỉnh, đầy lòng nhân ái của người thi sĩ gửi đến những kẻ đang cỡi lên đầu, lên cổ người dân lương thiện:
…Nghe nói đâu tháng trước
Cả gia đình sáu người
Của một quan địa chính
Từng vang bóng một thời

Đã phải chết thảm khốc
Vì tai nạn giao thông
Phải chăng là nhân quả?
Dẫu sao cũng đau lòng.

Lại nữa, một cán bộ
Cũng liên quan đất đai
Đã bị dân chém chết
Đâu đó ở Gia Lai.

Chuyện như thế nhiều lắm
Chuyện ân oán giang hồ
Chắc quan tham cũng biết
Và chắc cũng đang lo.”

Đọc thơ ngũ ngôn Thái Bá Tân, cho tôi cảm giác mỗi bài là một trang sử ký, mà ông đã cần mẫn ghi lại. Với tôi, đó là những trang thơ, trang sách sống. Và tôi tin, dù còn phải sống trong một xã hội mịt mù, u ám, cùng với nó, trái tim người nghệ sĩ đích thực Thái Bá Tân vẫn sống cùng thời gian.

Leipzig ngày 4-9-2016
Đỗ Trường



SÁCH ĐEN VỀ CỘNG SẢN

Một cuốn sách khủng khiếp
Gọi là cuốn sách đen
Về chủ nghĩa cộng sản
Độc ác và đớn hèn.

Tập thể biên soạn nó
Bao gồm nhiều chuyên gia
Dựa trên tài liệu mật
Của KGB, Nga.

Xuất bản năm Chín Bảy
Trong vòng bốn năm sau
Đã in một triệu cuốn
Ở Mỹ và Châu Âu.

Riêng bản in ở Đức
Được tổng thống nước này
Viết thêm một chương nữa
Súc tích và khá dày.

Theo Courtois, tác giả
Trong thế kỷ hai mươi
Cộng sản đã giết chết
Chín mươi lăm triệu người.

Chết vì bị hành quyết
Vì lao động khổ sai
Vì lao tù, chết đói
Và vu cáo oan sai.

Trung Quốc chết nhiều nhất
Sáu mươi lăm triệu người
Bắc Triều Tiên - hai triệu
Và Liên Xô - hai mươi

Căm-pu-chia - hai triệu
Một triệu ở Đông Âu
Châu Phi, A Phú Hãn
Một triệu rưỡi như nhau…

Cuốn sách là bản án
Thức tỉnh cả loài người
Về chế độ cộng sản
Trong thế kỷ hai mươi.

KHÓC
Mười mấy năm về trước
Tôi đọc cuốn “Sách Đen
Về chủ nghĩa cộng sản”
Rồi ngồi thừ, ngạc nhiên.

Sách đen nhưng giấy trắng
Nói về chủ nghĩa này
Về số triệu người chết
Và người bị đọa đầy.

Khi đọc đến con số
Người Việt Nam, than ôi
Đã phải chết vì nó
Tôi khóc cho nước tôi.

Con số là một triệu
Những một triệu mạng người
Rất có thể, ai biết
Thêm người nữa là tôi.

Gần mười năm sau đó
Tôi đến Washington
Và rồi tôi lại khóc
Khi phẫn uất, căm hờn.

Tôi đứng bên bức tượng
Nạn nhân chủ nghĩa này
Một trăm triệu người chết
Một trăm triệu xưa nay.

Bây giờ, các bác ạ
Cách xa Washington
Sách Đen cũng không đọc
Thế mà tôi thấy buồn.

Buồn hiện tình đất nước
Buồn Trường Sa, Hoàng Sa
Buồn cả vì bất lực
Tôi khóc cho nước ta.

Hà Nội, 27.7.2012
Thái Bá Tân


Đăng ngày 04 tháng 11.2022