banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Rằm tháng giêng

Cao Ngọc Cường

Năm nay Valentines’Day Tây phương trùng với tiết Nguyên Tiêu tức Rằm Tháng Giêng Âm lịch.
Ta gọi là Thượng Nguyên, Tàu gọi là Nguyên Tiêu là ngày 15 giữa tháng Giêng lịch Ta, ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới.
Dân ta thường lễ Rằm tháng Giêng hay là Lễ Thượng Nguyên. Rằm tháng Giêng là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị một mùa vụ mới. Trước khi xuống đồng, người dân làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu an cầu may, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Ta đã có Thượng Nguyên (Rằm Tháng Giêng, cầu an giải hạn ) Trung Nguyên (Rằm Tháng Bảy, địa quan xá tội ) rồi Hạ Nguyên (Rằm Tháng Mười, thủy quan giải ách) thành một hệ thống các ngày lễ Rằm chính trong năm. Nhưng Rằm tháng Giêng là Rằm chính như câu tục ngữ “Đi lễ quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” là vậy.
Nguyên tiêu theo tiếng Hán là đêm rằm đầu tiên trong năm tức là Rằm tháng Giêng.

Tôi lại nhớ bài thơ Rằm Tháng Giêng của Hồ Dzếnh ngày trước, ông thi sĩ gốc Minh Hương này làm thơ tiếng Việt hay hơn cả người Việt, tác giả rất nhiều bài thơ được phổ nhạc như
“Trên đường về nhớ đầy. Chiều chậm đưa chân ngày. Tiếng buồn vang trong mây... ( "Chiều" hay "Màu mây trong khói").
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé ......, Nếu ra đi em hãy gắng quay về. Tình mất vui khi đã vẹn câu thề. Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở...(Ngập ngừng).
Trời không nắng cũng không mưa. Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung ( Màu thu trong nắng)...

Đọc lại bài Rằm tháng Giêng của Hồ Dzếnh để thấy nét dí dỏm trong thơ của ông:

Rằm Tháng Giêng
Ngày xưa còn nhỏ, ngày xưa
Tôi đeo khánh bạc, lên chùa dâng nhang
Lòng vui quần áo xênh xang
Tay cầm hương, nến, đinh vàng mới mua
Chị tôi vào lễ trong chùa
Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên:
"Lòng thành lễ vật đầu niên,
Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng!"
Chị tôi phụng phịu má hồng
Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi
Tam quan, ngoài mái chị ngồi
Chị nghe đoán thẻ, chị cười luôn luôn
Quẻ thần, thánh mách mà khôn:
Số nàng chồng đắt, mà con cũng nhiều.
Chị tôi nay đã xế chiều
Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ
Hằng năm tôi đi lễ chùa
Chuông vàng, khánh bạc ngày xưa vẫn còn
Chỉ hơi thấy vắng trong hồn
Ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ
Chân đi, đếm tiếng chuông chùa
Tôi ngờ năm tháng thời xưa trở về...
Hồ Dzếnh

Hồ Dzếnh là bút hiệu của ông, Hà Triệu Anh là tên khai sinh theo âm Hán Việt
Đọc theo giọng Quảng Đông là Hồi Tsi Dzíng. Cha ông người Hoa gốc từ Quảng Đông, Trung Quốc di cư qua Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 gặp mẹ ông là cô lái đò bến Ghép Thanh Hoá, Tuy là người gốc Hoa nhưng cả cuộc đời 75 năm của ông đều sống trên quê ngoại Việt Nam, thơ văn Hồ Dzếnh được viết bằng một thứ tiếng Việt trong sáng và tuyệt vời. Bài Rằm tháng Giêng là một dẫn chứng bằng thơ lục bát Việt mà không viết là Nguyên Tiêu như người Hoa.
Trong Truyện Kiều, khi Thuý Kiều không may bị bán vào lầu xanh, Nguyễn Du đã thác lời mụ chủ chứa Tú Bà van vái trước tượng thần Bạch mi (vị thần bảo trợ cho thanh lâu ) cho cửa hàng của mụ được buôn may bán đắt nhờ có Kiều nương.
“Kiều còn ngơ ngẩn biết gì,
Cứ lời lạy xuống, mụ thì khấn ngay:
"Cửa hàng buôn bán cho may
“Đêm đêm hàn thực, ngày ngày nguyên tiêu.
"Muôn nghìn người thấy cũng yêu,
"Xôn xao anh yến, dập dìu trúc mai! “
(Nguyễn Du - Truyện Kiều )
Những lễ Tết thanh cao, ý vị ngày Xuân như Nguyên tiêu (15/1) Hàn thực (3/3) được đưa vào nhà thổ! Thiệt kỳ lạ!?
“Đêm đêm hàn thực, ngày ngày nguyên tiêu".
Đêm nào cũng như ngày Hàn Thực và ngày nào cũng là đêm Nguyên tiêu rộn rịp “Xôn xao anh yến, dập dìu trúc mai”! Thậm khổ cho nàng Kiều.

Thơ Hồ Dzếnh trong Rằm tháng Giêng đầy vẻ ngây thơ ý nhị và trong sáng tuy đoạn cuối hơi buồn như đời thơ văn cũng như cuộc sống 75 năm của Hồ Dzếnh. Chọn quê ngoại xứ Việt để yêu và để sống suốt đời, thế nhưng ngòi bút ông không còn hồn thơ Hồ Dzếnh một thời tiền chiến nữa. Sau 1954 Hồ Dzếnh chẳng có thêm sáng tác nào như buổi ban đầu. Xém chút nữa ông bị đuổi, bị trục xuất về Tàu trong thảm nạn Hoa Kiều sau chiến tranh Việt - Trung cọng năm 1979 và cả năm 1978 trước đó.
Hồ Dzếnh kể lại những năm ấy “Thảm lắm! Tội nghiệp nhất là những gia đình Hoa Việt - chồng đi, vợ ở lại, vợ đi, chồng ở lại. Những đứa con mếu máo chia tay nhau, đứa đi đứa ở, xảy đàn tan nghé. Tôi có anh bạn bác sĩ đông y người Hoa, vợ Việt, hai đứa con, một trai một gái. Anh chồng mang theo con trai, vợ ở lại với con gái. Bao nhiêu là nước mắt. Chia tay họ, tôi khóc ròng”. Rồi chính bản thân ông cũng được khuyến cáo là nên rời khỏi Việt Nam đi về Tàu hay đi vào tù. Kỳ diệu thay, nhà thơ của chúng ta vẫn còn cơ may qua “nạn Kiều” để được sống sót và được chết trên quê Mẹ.

Rằm tháng Giêng đọc bài thơ Hồ Dzếnh để thêm yêu một tâm hồn Minh Hương mà rất Việt Nam. Trung niên thi sỹ Bùi Giáng thuở sinh tiền ít khi ngợi khen thơ của bất kỳ ai, cũng đã phải thốt nên lời như sau:
“Bài “Rằm Tháng Giêng” của Hồ Dzếnh quả thật là một bài thơ hay…
Không còn một loại thơ kim cổ nào đứng nổi trước cái trận chiêm bao kỳ ảo kia. Tôi thách các bạn tìm trong thi ca cổ kim bất cứ một bài thơ nào đứng vững nổi trước mấy vần lục bát của ông bạn Minh Hương kia.
Hễ thong dong tự tại thả mình theo thơ đó, thì cảm thấy như mình biến làm thiên thần. Mà hễ hì hục cố bàn giải vào, thì bỗng nhiên tức thở, ngột hơi, cảm thấy mình là một con đười ươi lếu láo trơ trẽn, không biết xấu hổ là gì.
Lỡ viết ra đôi lời giải thích thì về sau sẽ ân hận, sẽ mòn mỏi máu me kịch liệt”.
(Bùi Giáng bình thơ Hồ Dzếnh)
mnc
Rằm tháng Giêng
Nhâm Dần

Ghi thêm:
Tâm viên ý mã, tôi lại liên tưởng tới bài thơ của một ông cũng lấy họ Hồ, một người Việt làm thơ Tàu được đồng đảng ngợi ca hết nước hết cái lại được đưa vào nền giáo dục bắt học trò nước nhà nghiền ngẫm ca tụng suốt mấy chục năm qua
Đó là bài tứ tuyệt Nguyên Tiêu, tôi ngông muốn nhắc tên kẻ đã làm nên bài thơ chữ Hán thời hiện đại

Nguyên Tiêu
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
(1948)

Có người đã truy nguyên từng câu
Câu 1:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
(今夜元宵月正圓)
Được lấy từ câu
Thanh thảo hồ trung nguyệt chính viên
(青草湖中月正圓,) trích từ bài "Ngư ca tử kỳ 5" của Trương Chí Hoà 張志和 thời Trung Đường, Trung Quốc

Câu 2:
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên
(春江春水接春天)
Và so sánh với câu
Nguyệt quang như thủy thủy như thiên
(月光如水水如天) trích từ bài "Giang lâu thư hoài" của Triệu Hỗ 趙嘏 (810-856) thời Vãn Đường Trung Quốc

Câu 3:
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
(煙波深處談軍事)
Lấy 4 chữ đầu trong câu
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu
(煙波深處有漁舟)trích từ bài hát nói "Thú nhàn" của Cao Bá Quát 高伯适; 1809 – 1855 nhà thơ Việt Nam Triều Nguyễn giữa thế kỷ XIX

Câu 4:
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
(夜半歸來月滿船)
Như âm hưởng của thơ Trương Kế
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
(夜半鐘聲到客船) trích từ bài "Phong kiều dạ bạc" của Trương Kế 張繼 (?-779) thời Trung Đường, Trung Quốc

Bài thơ ni được xếp hạng năm bơ oanh trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 bởi Hàn Lâm Viện Đông Lào với lời bình “Bài thơ vừa có được vẻ đẹp cổ điển mẫu mực vừa mang hơi thở ấm áp của thời đại. Mà đây lại là thời đại bão táp cách mạng”. Kinh!

Cao Ngọc Cường
(ĐHSPSG, ban Việt Hán, 1972-1975)

 

Đăng ngày 19 tháng 02.2022