Quyển sách chép tay

Trần Duy Phiên

1. Một ngày làm cỏ mệt bở hơi tai, tôi vừa vác cuốc về tới nhà, thằng bé hàng xóm đang ôm vở chờ ở hiên.
- Có việc gì không cháu? -Tôi hỏi, lao cuốc vào bụi chuối sát hè.
Thằng bé ngập ngừng, theo tôi vào nhà.
- Cháu có điều không hiểu muốn chú chỉ giúp cho - Nó nói, ngồi xuống chiếc ghế con, mở vở đặt lên giữa hai bắp đùi - Câu này, chú à.... - Ngón tay lấm mực tè ra trên mặt giấy, nó ngẩng mặt nhìn tôi.
- Thì đọc to lên đi! - Đang thay áo bên trong liếp cửa, tôi giục, mình mẩy đang lúc rít rát mồ hôi.
- “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” - Nó lại ngẩng mặt chờ tôi.
Tôi không thèm nhìn theo ngón tay nó nữa. Ba mươi năm trước, tôi đã thuộc nằm lòng. “Mai cốt cách, tuyết tinh thần. Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”, hai câu thơ Đoạn Trường Tân Thanh hiện lên trong trí tôi rõ như hai người đẹp.
- Thúy Kiều, Thúy Vân đó mà! - Tôi cười, bước ra khỏi liếp cửa buồng kéo ghế ngồi bên thằng bé.
- Cháu cũng biết như thế - Nó lại ngước nhìn tôi, ngập ngần - Nhưng thưa chú... Nhưng mà... cái chữ “mai” này này!
Hiểu rõ yêu cầu của thằng bé, tôi giải thích:
- “Mai” ở đây là giống cây có hoa trắng hoặc vàng, ra bông vào độ cuối đông đầu xuân. Thơ biểu tượng, tác giả muốn ví von thân dáng mảnh khảnh của người đẹp như vóc mai khẳng khiu.
Thằng bé khẽ gật đầu, thỏa mãn, vui vẻ ra về.

2. Thằng bé ra về, tôi bắt đầu buồn bực...
Cũng như mọi người, lớn lên tôi đã cố học lấy một nghề mình yêu thích. Không tính tháng ngày lê la ở mẫu giáo và một vài năm thi cử lận đận, năm năm tiểu học, sáu năm trung học, bốn năm đại học, tôi ra trường làm nghề dạy học.
Đứng lớp, cầm phấn, kiếm sống bằng hơi sức chưa tới mươi năm, tôi đành thôi ngang... Tờ đơn thấm đẫm nước mắt xin nghỉ việc tôi gởi tận tay cha nó. Ngày ấy anh Hoàng vừa ở núi xuống, còn khỏe mạnh, giữ chức hiệu trưởng. Anh quản lý nhà trường như một chính ủy cầm quyền tư lệnh. Anh dồn dập rót vào đầu chúng tôi và buộc chúng tôi giội lên đầu học trò những tràng kế hoạch, phương án, biện pháp, triển khai, tiến công, quán triệt, khẩn trương, theo dõi, bám sát, truy diệt...
Về lớp, chúng tôi không thấy kẻ thù đâu cả, không biết trấn áp ai, thanh toán cái gì! Nhưng vì pháp lệnh, vì nghị quyết, vì chỉ thị... buộc giáo viên và cả học trò phải có thành tích báo cáo. Trước mắt, giáo viên chúng tôi sẽ được vào biên chế, được tiền thưởng cuối năm, may ra còn được xếp loại tiên tiến, hoặc xa hơn, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Giáo viên theo dõi, truy bức nhau, học sinh rình rập bới móc nhau, nghĩa là, từ thầy đến trò bằng cách nào đó phải nhanh chóng tạo ra kẻ thù và biến hắn thành nạn nhân rồi lên mặt góp ý xây dựng. Nhưng góp đâu chẳng thấy chỉ thấy tan, xây đâu chẳng thấy chỉ thấy đổ! Căng quá, bứt. Lương tri là loại đèn không cần năng lượng nào cả. Áo cơm cần nhưng không đủ mặn để muối mặt. Kiến thức cần nhưng không phải chỉ dùng ở nhà trường. Giáo viên lai rai bỏ nghề. Học sinh lả tả bỏ học.
Riêng tôi, ra đi không phải chỉ vì ngần ấy. Cũng như người thợ - coi trọng đồ nghề, giáo viên chúng tôi quý sách. Anh Hoàng truyền một lệnh từ trên xuống tịch thu sách báo đồi trụy. Bí thư chi đoàn cho người tới tận nhà tôi mang giúp hơn một ngàn quyển sách đến trường. Tôi rưng rưng xin anh Hoàng cho giữ lại một số thiết thân, cam đoan đây là những sách báo nghiêm túc dùng để tra cứu. Anh dửng dưng nhìn tôi với ánh mắt lạnh, ngấm ngầm răn đe. Uất ức đến đau tức lồng ngực, nhưng tôi câm lặng đứng nhìn. Hội trường biến thành nơi quy tập, sách báo ném vào tới tấp, un cao như một ngọn đồi. Đã mấy lần vuốt mặt, nước mắt vẫn dẫy tràn, sợ người ta phát hiện, tôi cúi mặt ra hiên, rồi lẳng lặng ra về.
Tuần sau, hội trường trống rỗng, sách báo đã được dọn sạch, chẳng sót một tấm bìa. Một nhân viên văn phòng cho tôi hay đa phần đã được chuyển ra chợ bán ký để người ta gói hàng. Một người khác còn cho hay, ngại lan tỏa nọc độc văn hóa đồi trụy, trước khi đem bán ông Hoàng đã cho thanh lọc thông qua nhãn mác sách và nhà xuất bản rồi đưa đi đốt ngay sau hầm cầu nhà trường. Trong số sách của mình, tôi tiếc thương bộ Larousse, bộ Bách khoa Số học, Sử ký Tư Mã Thiên, bộ tiểu thuyết Chiến Tranh và Hòa Bình của Léon Tolstoi, Anh em nhà Karamazov của Dostoievsky, toàn tập Đường Thi, Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Nam Hoa Kinh của Trang Tử, bộ sưu tầm tranh thời Phục Hưng... và nhất là tập Đoạn Trường Tân Thanh của thi hào Nguyễn Du do thầy tôi chép tay bằng chữ Nôm cho tôi - món quà dành riêng cho đứa học trò cưng của mình.

3. Sáng hôm sau thằng bé đến nhà tôi khi trời còn mù sương.
- Chú ơi! - Nó gọi lớn ngay từ ngoài ngõ.
- Gì đấy nữa? - Tôi bước ra hiên, cố dằn giọng cho bớt xẵng.
- Cháu mới đọc tờ báo này... - Nó bước vào, hai tay căng ra trước mặt tôi một trang báo. Đang cho nước vào bình, tôi xoay người cúi xuống. Thằng bé tỏ vẻ lo lắng -Tác giả bài viết này không giải thích như chú.
Nước đổ tràn lan, mắt tôi vẫn không rời những dòng chữ nhỏ như kiến. Tác giả bài này tự đắc phát hiện “mai” trong câu thơ này không phải là loại hoa cảnh, “mai” ở đây là một giống tre. Cơ sở đưa ra để phủ bác cách hiểu cũ là trích hai câu trong bài ca dao lính thú đời xưa.
- “Miếng ăn măng trúc măng mai, những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng” - Thằng bé đọc lớn đoạn văn rồi nhìn tôi chờ đợi.
Trúc, mai, giang, nứa... đều là họ nhà tre. Tôi sinh ra ở Huế, lớn lên, đi vào thì có nhưng đi ra thì chưa. Cây mai tre tôi nào biết mô tê gốc ngọn, nhưng tổ tiên đã đưa vào ca dao kia mà! Cái gì mình không biết không phải nó không có. Ngày ở Huế, tôi chỉ biết tre trúc, tre hóp, tre mày, tre giáo, tre lồ ô, tre ngà, tre mỡ, tre gai, tre vàng... Lên Kontum, tôi biết thêm tre le.
- Cháu đã hỏi mẹ chưa?
- Rồi ạ, nhưng mẹ cháu không biết. Mẹ cháu dạy môn sử. Mẹ bảo cháu qua nhờ chú chỉ cho.
- Thế thầy giáo phụ trách bộ môn?
Nó đứng im lặng, hết gãi tai thì vò đầu. Bóng nắng vào sân. Công trồng là công bỏ, công làm cỏ là công ăn - bài học nghề mới của tôi. Nghĩ đến rẫy sắn đám khoai, cỏ dại đang theo mưa tranh đất, tôi nói:
- Cháu hỏi thầy giáo ngay đi! Phần chú, chưa biết phải giải thích thế nào cho ổn. Để khi thư thả, chú suy nghĩ, tra cứu lại.
Thằng bé ra về. Tôi hộc tốc vác cuốc qua ngõ, vừa đi vừa nhớ quyển sách của thầy tôi cho.

4. Tôi đang ăn, thằng bé lại đến, đi thẳng vào nhà.
- Thầy giáo mắng cháu là thứ vớ vẩn, giáo khoa là pháp lệnh tại sao không chịu tin theo, không chịu tiếp thu, mà cứ nhong nhong bên ngoài, cuối năm thi rớt sẽ trắng mắt ra.
Tôi vẫn tiếp tục ăn. Nó kéo ghế ngồi bên cạnh, tỉ tê kể lại. Theo thầy giáo, “mai” ở đây là cây mơ, có nơi gọi là môi, quả nhỏ như táo Tàu, thường dùng làm kẹo - kẹo “ô mai” vừa ngọt vừa mặn vừa chua các em hay ngậm đấy! Thầy giáo cũng không vừa, dẫn chứng ca dao: “Trúc xinh trúc mọc bờ ao, mai xinh mai đứng chỗ nào cũng xinh”. Thầy còn lập luận, nếu Nguyễn Du dùng từ “mai” là mai tre, sao không viết “Tre cốt cách...” hoặc “Trúc cốt cách...” sẽ phổ cập và tạo biểu tượng gần gũi hơn. Nguyễn Du là một nhà thơ chứ đâu phải nhà sinh vật học chuyên sưu tầm giống cây quý hiếm. Vậy “mai” ở đây nhất định không phải mai tre.
- Cháu về học bài đi! - Cuối bữa, tôi nói - Cháu quá biết cả ngày hôm nay chú bám rẫy, không có thì giờ tra cứu mà cũng chẳng biết bàn bạc với ai!
Thằng bé về, tôi khoác áo đi ngay... Tôi chợt nhớ anh Phùng là một tay văn học lịch lãm, đáng bậc đàn anh của tôi. Sách không có, phải hỏi người, biết làm sao!
Đã tới lúc nghỉ ngơi nhưng anh Phùng vẫn vui vẻ đón tôi, sai con pha trà, rút ngăn kéo lấy ra mấy điếu thuốc thơm. Anh cũng khó khăn như tôi, thường hút thuốc rê. Có dịp, ai cho năm ba điếu anh dành lại, gặp bạn tâm đắc mới toài ra. Mồi thuốc xong, tôi vào đề ngay:
- Anh hiểu thế nào về từ “mai’ trong “mai cốt cách...”?
- “Mai” là một giống tre -Sau một lúc tập trung, anh thận trọng nói.
Tôi tạm đứng về phía đối lập - gom cả ý mình với lập luận của thầy giáo, phản bác anh tới tấp. Anh Phùng im lặng, xoắn xe từng sợi tóc bạc giữa mấy ngón tay khô khốc. Đã quen phong thái trầm tư của anh mỗi khi gặp chuyện khó khăn, tôi nhâm nhi trà và thả hồn theo khói thuốc. Tới lúc bình trà cạn, anh nói:
- Các cụ ta ngày xưa không đề cao cây mai cảnh bằng cây mai tre. Họ nhà tre là biểu tượng của quân tử. Tiết trực tâm hư - Anh khẽ cười - Nếu con chim sẻ đậu trên cành mai cảnh, chắc hẳn quan trạng Mạc Đĩnh Chi không việc gì mà phẫn nộ, và quan khâm sứ của ta khó mà có đủ chứng lý để hàng phục danh sĩ Trung Hoa - Anh lại cười - Từ Huế trở vào người ta quí cây mai cảnh, trở ra, người ta chỉ trọng đào. Đừng quên Nguyễn Du sinh ra và lớn lên ở Tiên Điền, Hà Tĩnh - một vùng đất phía bắc của tổ quốc.
- Nhưng biết đâu? - Tôi liền nhẹ nhàng đặt nghi vấn - biết đâu Nguyễn Du viết Đoạn Trường Tân Thanh khi đã theo Gia Long vào Huế làm quan?
Anh Phùng cau mặt ngồi im. Trời trở lạnh, tôi ra về. Đây là lần đầu tiên tôi cầu cứu mà chẳng nhận được từ anh Phùng một trợ giúp nào. Đêm nay chắc cả hai chúng tôi đều mất ngủ. Lao lực như nông dân, lao tâm như học giả, là thế sống thua thiệt nhất của những ai đang là trí thức xã hội chủ nghĩa. Biết thế, nhưng tôi đã lỡ mang nghiệp vào thân.

5. Thằng bé để yên cho tôi dăm ba hôm rồi quay lại.
- Chú đã tìm giúp cháu được chưa? - Nó hỏi, tôi lắc đầu - Vậy bây giờ làm sao hở chú?
- Có một cách... - Tôi chợt im, xoay mặt hướng khác. Thằng bé dịch chuyển theo, mắt môi hong hóng nhìn lên - Nhưng... -Tôi vừa cất cao giọng, lại uất nghẹn tắc tị ngay.
- Nhưng là nhưng thế nào? Chú nói đi!
- Chú có một quyển sách -Tôi lập chập ngồi vào bàn - Chính xác, chú có một quyển Đoạn Trường Tân Thanh chép tay bằng chữ Nôm - thứ chữ mà Nguyễn Du dùng để viết nên tác phẩm ấy. Chỉ việc mở ra, cúi xuống... Nếu “mai” là mai tre, trên đầu phải có bộ trúc. Nếu “mai” là mai cảnh, ở bên phải là bộ mộc...
- Vậy chú còn chờ gì nữa? - Nó háo hức ngắt lời.
- Nhưng cha cháu đã tịch thu và đã đốt lâu rồi!
Thằng bé ấm ức cúi mặt. Tôi ngồi lặng thinh.

Trần Duy Phiên
(Kontum. 1989)



Ghi thêm

sau khi đọc Quyển Sách Chép Tay

Chuyện “phần thư” (đốt sách vở) tưởng như chỉ có thời Tần Thuỷ Hoàng, cũng đã xảy ra tại nước ta thời cộng sản những năm sau 75 đã để lại di lụy tệ hại cho nhiều thế hệ
Chuyện chữ “mai” tiếng Hán Việt, mà tác giả TD Phiên kể trên chỉ là một chữ thông thường chúng ta gặp trong văn chương đã như vậy nếu không còn sách cổ Hán Nôm để tra cứu thì đã là một trường tranh cãi. Mai trong bài là loại cây thì có bộ “mộc”, Mai nếu có bộ “ngọc” thì là loại Ngọc quý như “Mai khôi”. Mai bộ “vũ” thì lại có nghĩa bụi mù, Mai có bộ “thổ” thì lại có nghĩa là lấp hay chôn như trong từ mai táng, mai một... hay ẩn dấu như mai phục
Cũng có một chữ “mai” khác trong bài thơ “Vọng Thiên Thai Tự” của cụ Nguyễn Du cũng đã gây tranh luận về chữ “mai” theo cách ngắt câu thơ mà thay đổi ý nghĩa và cách hiểu câu thơ

1- Cổ-tự thu mai / hoàng diệp lý
Tiên-triều tăng-lão, /bạch vân trung
(Gốc mai mùa thu ở ngôi chùa cổ, trong đám lá vàng
Vị sư già triều trước, giữa cõi mây trắng )

2- Cổ tự thu / mai hoàng diệp lý
Tiên triều tăng / lão bạch vân trung
Câu thơ sẽ được hiểu như sau:
Ngôi chùa cổ mùa thu / nở hoa mai trong đám lá vàng
Vị sư triều đại trước/ già đi giữa cõi mây trắng

3- Cổ tự / thu mai hoàng diệp lý
Tiên triều / tăng lão bạch vân trung
Chỗ ngắt câu lại nằm sau chữ thứ hai, bài thơ thay đổi hoàn toàn. Chữ “mai” trong câu này không phải là hoa mai(梅 ) nhưng là động từ “chôn”, “vùi” như mai (埋 )trong các câu thành ngữ “mai ngọc trầm châu” và “mai danh ẩn tích”. Còn “thu” chính là mùa thu.
Như vậy, hai câu thực của bài mang ý nghĩa:
Ngôi chùa cổ bị mùa thu vùi trong đám lá vàng
Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng.

Khi đọc “mai hoa” mình đã dùng cái khuôn sáo thông tục hằng ngày để hiểu là hoa mai nhưng chữ Mai ở đây có nghĩa là chôn. Chỉ chỗ ngắt câu sai làm ý bài thơ khác biệt hoàn toàn.

Cao Ngọc Cường



Nói chuyện chính tả

Không biết vì sao mà bây giờ người viết sai chính tả nhiều quá. Có thể là ngày nay, mạng xã hội, facebook phổ biến nên người ta viết nhiều, sử dụng nhiều nên mới lộ ra việc viết sai chính tả chăng? Cũng có thể nhà trường hiện nay không chú trọng việc dạy viết đúng chính tả cho học sinh? Cũng có thể bây giờ người ta ít đọc sách, bởi đọc sách cũng là một cách rèn luyện viết chính tả cho đúng? Mà cũng có thể thời hiện đại người ta phát âm sao thì viết ra vậy nên chữ nghĩa ngọng nghịu là lẽ đương nhiên? Và cũng có thể vì tất cả những lý do ấy.
Chỉ cần lướt các bài viết và comment ở trên mạng, ta có thể tìm thấy vô vàn lỗi chính tả. Lỗi nhẹ thường thấy là sai hỏi ngã. Lỗi này thì quá phổ biến, đến độ người ta có thể bỏ qua. Cũng thường thấy là viết như người ngọng nói. Ngày trước, người Việt thường lấy giọng Hà Nội làm chuẩn, giọng Bắc là giọng chuẩn, điều ấy chưa hẳn đã đúng nhưng cũng tạm chấp nhận. Lúc đấy người nói chớt, nói ngọng theo cách nói của địa phương thường là người già, là nông dân. Người có chút học vấn sẽ tránh nói theo kiểu ấy. Nhưng bây giờ thì khác rồi, người Bắc nói chớt, nói ngọng nhiều quá và đem cái chớt, cái ngọng ấy vào bài viết, nói sao viết vậy. Trân trọng viết là chân chọng. Trả treo viết là chả cheo. Cho nên viết là cho lên. Lịch sử viết là lịch xử...nhiều lắm kể không hết. Cứ tưởng người ít học thì viết sai nhiều lỗi chính tả, nhưng không phải thế. Học sinh cấp 3, sinh viên Đại học cho đến giáo viên, Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ cũng viết sai chính tả tùm lum. Lãnh đạo cũng mắc không ít lỗi chính tả khi viết. Ngay đến giáo viên dạy môn Văn trong các trường học cũng viết sai chính tả. Nhà văn, nhà thơ, nhà báo cũng đầy lỗi chính tả. Ngày xưa, sách, báo là nơi để người ta tìm thấy sự chính xác trong câu văn, trong từ ngữ sử dụng và cũng là nơi tin cậy về chính tả. Ngày nay không còn thế nữa, sách đầy lỗi, báo viết sai tè le, ngay cả sách giáo khoa dạy cho trẻ con của một ông Giáo sư Tiến sĩ tự vỗ ngực là người có trình độ cao nhất thế giới cũng viết con dơi thành con rơi. Đành thua. Một bài văn hay, một bài báo tốt, một câu comment thú vị mà nhiều lỗi chính tả thì  bài văn ấy, câu comment ấy giảm biết bao giá trị. Nhiều khi cứ tự nghĩ không biết giờ trong nhà trường ở môn Tiếng Việt, môn Văn học, người ta dạy học trò những gì nhỉ? Còn nhớ cách đây hơn 60 năm, thời tôi còn là cậu bé con đi học tiểu học môn dictée tức chính tả là môn học quan trọng, thầy cô rất chú trọng môn này và giần cho nát xương đứa nào viết sai nhiều lỗi cho nên trò nào cũng cố gắng Une dictée sans fautes, một bài chính tả không có lỗi. Có lẽ nhờ thế mà thế hệ chúng tôi viết bài ít lỗi hơn bây giờ chăng? Tuy vậy, giờ có tuổi, lẩn thẩn rổi, trong khi viết mà gặp một từ nào hơi hồ nghi, tôi liền tra tự điển hoặc vào google đánh chữ đấy tìm xem để có sự chính xác. Tôi nghĩ viết cho đúng chính tả cũng không khó. Nếu để ý trong lúc viết, kiên trì rèn luyện thì việc viết sai chính tả sẽ vượt qua được thôi.
Cứ đà này, chữ Việt thành một mớ hỗn độn của người bệnh ngọng. Đôi lúc cứ đọc thấy lỗi, lòng lại buồn và lo cho tiếng Việt.
Đỗ Duy Ngọc
24/11/2020
https://www.facebook.com/doduyngoc



Lại nói chuyện

sách giáo khoa của nhóm Cánh Diều

Trước đây tui cũng có chút cảm tình với ông Nguyễn Minh Thuyết, khi ông là Đại biểu Quốc hội và là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Có chút tình cảm với ông khi nghe ông phát biểu trên diễn đàn Quốc hội về những vấn đề dân sinh. Nhưng rồi suy cho cùng, ông cũng chỉ là vai diễn và đã diễn tròn vai. Thế nhưng cũng còn hơn nhiều đại biểu đi họp chỉ ngủ và gật.
Gần đây, dư luận lùm xùm về những hạt sạn to như tảng đá trong một số sách giáo khoa mà ông là Tổng chủ biên. Viết sách cho trẻ con không phải là chuyện dễ, bởi trẻ như tờ giấy trắng, những bài học đầu đời sẽ tạo tính cách của trẻ, thấm sâu và thành hành trang khi trẻ trưởng thành. Bởi thế tính nhân văn, nhân đạo, văn minh, văn hoá và nghiêm cẩn mang tính mô phạm là điều cần thiết trong những bài học vỡ lòng đó. Tiếc thay, những yếu tố đấy vắng bóng trong những sách giáo khoa do nhóm của ông biên soạn. Điều đó cho thấy các ông không những kém về tri thức dù mang danh Giáo sư mà các ông còn thiếu cái tâm của những người làm nghề nhà giáo. Sách của các ông mới đưa vào trường học đã gây hàng loạt phản ứng tiêu cực và xã hội lên án cho là thảm hoạ giáo dục.
Đáng lẽ với trách nhiệm của người Tổng chủ biên, ông phải có trách nhiệm với những sai sót không thể chối cãi được. Đằng này ông cố nguỵ biện, chống chế, ngoan cố bảo vệ những lỗi lầm của ông và ban biên soạn khiến dân tình càng bức xúc. Sách của các ông soạn lấy tác phẩm của các đại văn hào đã lừng lẫy thế giới, là những kiệt tác của nhân loại nhưng lại đem xào nấu một cách thô thiển, bừa bãi và kệch cỡm thành những bài học cho học sinh. Những phóng tác của các ông với những từ ngữ chỉ dành cho dân hè phố như: cuỗm, nhá, chộp...lại còn dạy trẻ chuyện ghen tuông, đánh ghen, những chuyện chỉ dành cho người đã trưởng thành. Trẻ rất nhạy cảm, những năm đầu đến trường là bước đầu hành trình để học làm người chứ không chỉ học chữ. Cũng có nhiều người cho rằng ở lớp một chỉ cần cho học sinh tập học đánh vần, quen mặt chữ chứ không cần hiểu nghĩa. Đó là một quan điểm sai lầm. Tiếng Việt luôn dùng chữ đi đôi với nghĩa nên có chữ nghĩa, bây giờ chỉ dạy chữ không cần dạy nghĩa thì làm sao dạy điều tốt qua bài học. Những chuyện ngụ ngôn như “Hai con ngựa”, “Quạ và chó”, “Ve và gà”, “Cua, cò và đàn cá”… dạy các học sinh điều gì? Có phải là thói gian ngoa, trí trá, lừa lọc. Phụ huynh phải lo sợ tác hại đến con trẻ khi đọc những mẩu ngụ ngôn đấy là điều tất nhiên.
Với tư cách người tổng chỉ huy, với tư cách là một Giáo sư đáng lẽ ông phải có thái độ thành khẩn và nghiêm túc trước những phản ứng của dư luận. Đằng này ông lại nguỵ biện rằng:  “Một nhà văn vĩ đại như ông Tolstoy thì chắc chắn không có sáng tác nào là câu chuyện phản giáo dục”. Đúng thế, Đại văn hào Lev Tolstoy không bao giờ viết chuyện phản giáo dục, nhưng các ông mượn chuyện của Lev Tolstoy, của La Fontaine rồi bóp méo nó, biến thành chuyện khôi hài rẻ tiền, nhảm nhí với nhiều chi tiết chế lại thô lậu, đầu Ngô mình Sở còn tệ hơn ngôn ngữ của mấy anh hề diễn nhảm xuất hiện thường xuyên trên sóng truyền hình. Ông còn cho rằng dư luận làm ầm lên là do chuyện cạnh tranh giữa các bộ sách giáo khoa và "Có bao giờ xã hội bằng lòng với ngành giáo dục đâu”. Thưa với ông, nhân dân không rỗi hơi để đi làm chuyện không công lên án sách các ông để đề cao sách của nhóm khác. Tâm ông nhỏ nhen nên ý nghĩ của ông cũng bẩn thỉu thế thôi. Còn chuyện không bằng lòng với ngành Giáo dục bởi giáo dục xứ ta từ ông Bộ trưởng cho đến cấp lãnh đạo các sở, các trường toàn làm chuyện phản giáo dục thì dân làm sao bằng lòng được. Ông coi thường dân quá và dân cũng khinh ông vì nếu là người có lòng tự trọng, thấy mình sai thì phải sửa. Ở đây cái sai rành rành ra đó mà ông cứ cãi chày cãi cối. Là một Tiến sĩ, mang hàm Giáo sư mà ông không có tính cách của một nhà khoa học. Đa số nhân dân lên án chứ không chỉ một nhóm hay một vài người đơn lẻ, do vậy các ông phải có thái độ cùa một người có nhân cách, đừng vì món thu lợi lớn quá mà ngoan cố khiến chúng khinh. Thế mới thấy đồng tiền có sức mạnh to lớn biết bao, nó khiến cho người trí thức phải cúi đầu làm kẻ vô đạo, kẻ sĩ hoá bất lương.
Ông cũng cho rằng “Lần đầu tiên sau năm 1975 ở Việt Nam có SGK xã hội hóa, không làm bằng tiền của Nhà nước mà hoàn toàn bằng tiền tư nhân. Đây là điều rất mới”. Thật ra chuyện này là chuyện phổ biến trên thế giới và trước đây ở miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà người ta cho là chuyện đương nhiên, chẳng có gì mới mẻ cả. Nhưng trước đây họ làm có trách nhiệm, có lương tâm với tư cách là những nhà mô phạm chứ không phải chỉ vì tiền thu được mà phớt lờ tất cả kể cả liêm sỉ của một nhà giáo như các ông.
Có người vì quá bất bình và phẫn nộ đã đề nghị bỏ bộ sách của các ông, cho đó là thảm hoạ không được xuất hiện trong nhà trường. Mới đây Bộ trưởng Giáo dục đã ra quyết định thẩm tra lại bộ sách giáo khoa này. Nhưng trớ trêu là những người trước đây thẩm định bộ sách mà đứng đầu là Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng đã nghiên cứu, kiểm tra rất kỹ trước khi chấp thuận cho phát hành. Bây giờ cũng chính các ông ấy thẩm tra lại thì hoá ra vừa đá bóng vừa thổi còi à? Mà với sai sót nghiêm trọng như dư luận đã nêu thì thiển nghĩ tiêu huỷ nó là hợp lý hơn cả, chứ không lẽ sửa hết như viết lại cuốn sách mới sao? Phụ huynh học sinh có quyền tẩy chay bộ sách này với tư cách là người bỏ tiền ra mua, họ có quyền chọn bộ sách tốt nhất cho con em họ, không nên có chuyện bắt buộc phải mua sách của nhóm này và không được mua sách của nhóm khác. Với tư cách là người tiêu dùng, họ có quyền chọn lựa. Không ai bỏ tiền ra mua những thứ nhảm nhí để đầu độc con em của họ.
Các ông chọn tên "Cánh Diều" cho nhóm biên soạn sách, thế nhưng cánh diều mang quá nhiều vết nhơ, những thứ xú uế nên không thể bay cao và bay xa được. Nhân dân đang chờ sự phán xét cuối cùng của Bộ Giáo dục, nhưng cũng xin nói thật lòng cũng chẳng tin chút nào phán quyết của các ông ở Bộ Giáo đâu. Cá mè một lứa cả thôi!
12.10.2020
Đỗ Duy Ngọc
https://www.facebook.com/doduyngoc



Mấy hôm rồi trên mạng xã hội ngập tràn những trang sách giáo khoa và sách đọc thêm cho học sinh bị phê phán quá xá. Càng đọc càng rầu cho một nền giáo dục đang xuống dốc thảm hại. Không trách xã hội loạn và lòng người hoá trí trá, lừa lọc và nhẫn tâm. Ngay từ bé đã được dạy như thế thì lớn lên phải như vậy thôi. Nhân nào thì quả đấy.
Đâu rồi những bài học đầy tính nhân văn, phù hợp lứa tuổi với ngôn ngữ thể hiện gần gũi, thân thương và dễ hiểu? Người ta bày đủ cách để kiếm tiền, kể cả làm chuyện vô lương. Một anh nguyên là giám đốc nhà xuất bản Giáo dục của nhà nước, lúc đương chức đã kiếm bộn bạc, về hưu lại tổ chức viết sách làm giàu thêm và bằng những mối quan hệ của mình, sách của anh ấy được mang vào nhà trường để bán cho học sinh. Rất tiếc, sách đầy lỗi, lỗi chuyên môn cũng có mà cũng không thiếu lỗi đạo lý, đạo đức làm người. Họ không cần biết sẽ mang lại tai hoạ cho xã hội, họ cũng không cần suy nghĩ sẽ mang đến di hại cho lớp trẻ, họ chỉ biết thu tiền. Nhóm biên soạn toàn Tiến sĩ, Giáo sư, là những người có quyền và có ghế nhưng không hiểu sao có thể soạn những cuốn sách tào lao đến thế. Thế mới biết Tiến sĩ, Giáo sư thời nay chẳng ra gì, chỉ có cái hư danh. Làm sách giáo khoa mà toàn xào nấu chuyện xưa, chuyện của các danh nhân theo ý đồ lưu manh, lừa lọc, dẫn dắt học sinh vào con đường bất lương và vô nhân.
Cũng có rất nhiều người đưa lên những bài học trong sách giáo khoa của thập niên 80 và xa hơn nữa là sách của chế độ Việt Nam Cộng Hoà hay Quốc văn giáo khoa thư để so sánh và tiếc nuối. Đọc lại để thấy ngày trước người ta rất nghiêm chỉnh và có ý thức khi biên soạn sách cho trẻ nhỏ. Những lớp người giờ tuổi bảy mươi ở miền Nam vẫn thuộc lòng những bài học đầy tính nhân văn, nhân đạo và văn minh trong sách họ đã học cách đây hơn sáu chục năm. Nhân cách của những thế hệ học sinh thời đấy được hun đúc từ những bài học đó.
Thế hệ sinh năm bảy, tám mươi của thế kỷ trước cũng không quên những bài học của họ trong những ngày cắp sách đến trường thời ấy. Tại sao có sự khác biệt giữa ngày xưa và hôm nay? Càng cải cách, càng thay đổi càng tệ hại. Chỉ vì lợi nhuận và sự ngu dốt, họ đã đầu độc và giết chết cả mấy thế hệ. Đừng trách xã hội nhiễu nhương và thiếu tình người mà nên trách những tên nhân danh giáo dục, nhân danh đương chức quyền để làm băng hoại tâm hồn của lũ trẻ qua những bài học nhố nhăng trong sách. Nhà trường giờ biến thành nơi bán chữ và trong cái chợ chữ ấy đương nhiên xuất hiện loại sách tầm phào để mọi người cùng kiếm bạc. Người ta có thể đem hình cô đào cải lương Bạch Tuyết làm bìa cho sách Toán, có ý kiến phê bình thì ông giám đốc nhà xuất bản biện hộ rằng cánh tay đưa lên của người diễn viên ấy tạo thành một góc có tính toán học, cho nên đưa hình đó làm bìa sách cũng hợp lý. He..he nghe qua chẳng thuận tai chút nào, càng nói thấy càng ngu. Dốt thế mà làm sách cho học sinh thì làm sao có sách tốt được.
Ô hô! Vì lợi ích trăm năm trồng người, mà giờ người ta đang trồng bằng những thứ gian ngoa, lượn lẹo, mưu mô qua những bài học. Thử hỏi mốt mai ta sẽ được gì? Chẳng cần đợi đến trăm năm, hoạ đã hiện ra trước mắt.
Trên mạng người ta đưa hình ảnh chứng minh, minh hoạ nhiều rồi, tui không đưa lên nữa vì càng xem càng giận.
11.10.2020
DODUYNGOC
https://www.facebook.com/doduyngoc



Thầy giáo và Thầy thuốc

Trước đây, dư luận xã hội thường cho rằng giáo dục và y tế là hai ngành có thu nhập thấp. Thầy Cô giáo phải dạy chui thêm, Bác sĩ phải mở phòng mạch để kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Nhưng với những thông tin gần đây, cho thấy rằng thật sự tình hình không phải như vậy, ít nhất là đối với một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt và các nhân viên có liên quan đến cơ sở vật chất, thiết bị và quản lý tiền bạc trong hai ngành này.
Với Giáo dục, bằng các chi thu nhập nhằng ở các trường học, quỹ phụ huynh sổ vàng đóng góp không biên nhận, chẳng hoá đơn, quỹ tu bổ, sửa sang, trang bị, quỹ bán đồng phục, phù hiệu, tập vở, ghế ngồi, nước uống v...v... Mỗi mùa tựu trường, ban giám hiệu, nhất là trường chuyên, trường điểm có tiếng tăm tha hồ mà nhận phong bì, quà cáp. Có trường chi phí vào cửa trường lên đến con số ngàn đô la một suất. Tóm lại là đủ thứ phí phụ huynh phải đóng cho nhà trường để cho con em mình được đến lớp. Ở cấp lãnh đạo Sở cũng đủ cách để kiếm chác, hệ thống trường quốc tế và trường tư thục cũng phải cúng với lãnh đạo thì mới yên thân, nếu không thanh tra, kiểm tra mệt nghỉ, hàng năm phải tổ chức nhiều chuyến đi nước ngoài cho cán bộ sở học tập, trao đổi. Quỹ nhà nước vẫn chi nhưng thực chất là các trung tâm, trường quốc tế lo hết từ A đến Z lại còn kèm quà cáp, phong bao. Rồi quỹ xây dựng các trường, quỹ từ ngân sách, quỹ hỗ trợ của quốc tế, quỹ các dự án ....Cao hơn nữa là Bộ Giáo, ở đây thì lắm tiền ghê lắm. Ngân sách dành cho Giáo dục Việt Nam là khá cao, ngốn đến 20%, ngoài ra có sự hỗ trợ quốc tế, các tổ chức giáo dục của các nước viện trợ. Các ngài lãnh đạo cứ vẽ dự án mà ra tiền. Đó là chưa kể thu lợi từ việc bán sách giáo khoa, một con số khổng lồ. Bởi thế, Bộ Giáo ta cứ cho ra đời lắm dự án, sách giáo khoa thì cứ liên tục cải tiến, hàng năm in hàng triệu bản sách, nhưng năm nào cũng báo lỗ, chương trình thi cử cũng thay đổi vào phút chót hàng năm. Thi tốt nghiệp đậu gần như 100% nhưng vẫn tổ chức thi để có dịp tiêu tiền và tư túi. Thân phận giáo viên đứng lớp với đồng lương eo hẹp, chưa kể đến việc muốn được làm nghề phải tốn tiền đút lót, muốn vào biên chế cũng phải dâng tiền và có lúc các cô giáo cũng còn phải dâng tình. Lợi nhuận bất chính thu được ban giám hiệu và những kẻ đầu sai cùng phe cánh chia chác với nhau. Người giáo viên nếu có được hưởng cũng chỉ là đồng tiền tượng trưng cho có. Nên đành phải dạy chui, mở lớp lậu để kiếm thêm để tiếp tục đứng lớp.
Bên Y tế thì con số thu lợi càng lúc càng khủng theo kết quả thanh tra được đăng trên báo chí. Bệnh viện nào cũng áp dụng mô hình xã hội hoá, tức là mở rộng cửa cho tư nhân vào trang bị máy móc, thiết bị để cùng ăn chia. Điển hình gần đây nhất là ở Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện lớn với nguồn thu khủng lên tới cả chục ngàn tỉ đồng một năm. Thế nhưng với con số thu khổng lồ đó, bệnh viện không đầu tư trở lại để nâng cấp mà hầu hết các thiết bị y tế sử dụng trong bệnh viện đều từ nguồn xã hội hoá. Mục đích là để lợi nhuận chia chác nhau một cách hợp lý. Cơ quan điều tra đã cho thấy doanh thu từ các hệ thống máy trong đề án liên doanh liên kết đặt tại Bệnh viện Bạch Mai đã được trích 2 - 7% chuyển về các khoa. Trong 25 đề án mà bệnh viện này đã triển khai, doanh thu chuyển về các khoa là 209 tỉ đồng. Riêng khoa chẩn đoán hình ảnh được nhận hơn 134 tỉ đồng. Số tiền này các khoa chi cho nhân viên và các lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện, trong đó có một số cá nhân là lãnh đạo khoa đã được chia số tiền hơn 5 tỉ đồng.
Từ đầu năm 2017, Bệnh viện Bạch Mai ký hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty BMS về việc đặt máy robot Rosa tại Khoa Phẫu thuật thần kinh, sọ não. Các bên thống nhất, robot Rosa có tổng giá trị 39 tỉ đồng, do Công ty BMS đầu tư 100% vốn khai thác theo dạng liên doanh liên kết tại Bệnh viên Bạch Mai trong thời hạn 7 năm (2017 - 2024). Hai bên thống nhất ăn chia 50 - 50 sau khi trừ đi các chi phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi vay ngân hàng, bảo hiểm. Tuy nhiên, theo trích xuất thông tin từ hải quan, máy robot Rosa được Công ty BMS nhập khẩu vào chỉ với giá gần 7,6 tỉ đồng. Cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, ước tính khoảng 10 tỉ đồng.
Với việc thổi khống giá trị máy lên gấp 4 lần giá trị thực, Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã thu của bệnh nhân số tiền cao gấp nhiều lần số tiền họ phải trả. Trong đó, một ca phẫu thuật theo thiết bị này thật sự chỉ khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên và người bệnh phải chi thành 23 triệu đồng. (Theo báo Thanh Niên)
Số tiền bất chính này cho thấy bệnh viện và doanh nghiệp thu lợi không nhỏ và sự khốn nạn, tàn nhẫn của chúng đối với bệnh nhân.
Hệ thống chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla doanh thu trong 10 năm gần 375 tỉ, Thế nhưng theo báo cáo, Bệnh viện K chỉ thu được 21 tỉ, tức mỗi năm 2,1 tỉ, trong khi thu của bệnh nhân trên 37,5 tỉ đồng một năm. Chênh đến hơn 35 tỉ một năm. Kinh chưa? Số tiền chênh lệch đó vào túi ai? Không cần nói thì ai cũng rõ.
Một dự án xã hội hóa ở Bệnh viện K cho thấy sau khi trừ các chi phí chụp CT scanner chi phí 3,5 triệu đồng/ca, nhưng bệnh viện và công ty theo báo cáo chỉ được lợi nhuận 170.000 đồng, chia 50/50 theo hợp đổng, mỗi bên chỉ được nhận trên 85.000 đồng/ca bệnh.
Con số này là rất khó tin, chẳng có người đầu tư nào bỏ tiền tỷ để chỉ thu 85.000 đồng một ca xét nghiệm, làm như thế thì lỗ hộc máu.
Nhưng không chỉ thiết bị này, mà hàng loạt thiết bị khác đầu tư theo diện xã hội hóa tại bệnh viện này cũng có khoản thu về cho bệnh viện ít đến đáng thương: hệ thống chụp CT 128 lát cắt doanh thu 10 năm là hơn 211 tỉ đồng, nhưng bệnh viện chỉ thu được trên 6 tỉ, tức mỗi năm bệnh viện thu được khoản lợi nhuận chỉ hơn 600 triệu đồng, trong khi bệnh nhân phải chi hơn 20 tỉ. (Tuổi trẻ)
Có nghĩa là họ thu tiền một đằng, nhưng báo cáo một nẻo để chia nhau.
Đến việc mua máy xét nghiệm COVID-19 trong tình hình dầu sôi lửa bỏng của đại dịch hoành hành,
giám đốc CDC Hà Nội, và đồng phạm đã ăn dày trong việc chỉ định thầu và mua máy xét nghiệm COVID-19. Cụ thể, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập.
Ở BVĐK Gia Lai đã phê duyệt dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp trang thiết bị phòng chống Covid-19. Theo đó, có 3 nhà thầu tham dự là Công ty TNHH ĐTPT Tùng Bách, Công ty cổ phần TM kỹ thuật Việt Nam và Công ty Cổ phần thiết bị y tế Medisco. Đến ngày 14.5.2020, BVĐK Gia Lai đã thực hiện mua sắm trang thiết bị chống dịch Covid-19 với tổng giá trị gần 8,6 tỉ đồng.
Song, qua tham khảo việc mua sắm từ Sở Y tế Khánh Hòa vào tháng 8.2019 đối với máy thở chức năng cao có cùng model “Carescape R860”, cùng hãng sản xuất “Healthcare (Datex Ohmeda)”, cùng xuất xứ “Mỹ”, cùng năm sản xuất 2019 thì có sự chênh lệch về giá. Sở Y tế Khánh Hòa mua máy này vào tháng 2.2019 là 789,5 triệu đồng, còn BVĐK Gia Lai mua vào tháng 4.2020 có giá 1,45 tỉ đồng. Người ta tìm đủ mọi cách để bòn rút, để ăn chặn bất cứ việc gì và bất cứ trong hoàn cảnh nào.
Chỉ mới mấy vụ phanh phui gần đây, người ta thấy các bệnh viện có số tiền thu rất lớn, tất cả mối lợi này đều từ bóp hầu bao của người bệnh mà có. Ở xứ ta, người bệnh đa số là người nghèo và rất nghèo. Những người có của và cán bộ khi bị bệnh đều đi chữa ở nước ngoài. Thế nên, người bệnh ở các bệnh viện trong nước đều là những người khó khăn, đồng tiền của họ thấm mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa. Trung lưu mắc bệnh hoá nghèo, người nghèo mang bệnh hoá mạt. Họ bán ruộng, bán vườn, bán nhà, bán trâu bò, ao cá để chữa bệnh. Có người bán máu để chữa, vợ bệnh chồng theo nuôi nhưng ngày chạy xe ôm, làm khuân vác, lượm ve chai, chỉ ăn cơm từ thiện để kiếm tiền nuôi bệnh. Biết bao hoàn cảnh đau thương và nghiệt ngã. Thế mà, các bác sĩ, các bệnh viện, các lãnh đạo lại nâng giá xét nghiệm, toa rập với các doanh nghiệp để trấn lột, bòn khố rách, bóp nặn cho hết những đồng tiền ít ỏi của người bệnh. Hãy vào các bệnh viện ở Việt Nam để nhìn thấy bao nhiêu số phận bi đát và đau thương. Để thấy những giọt nước mắt của nhiều người vét những tờ bạc cuối cùng để mong cứu sống người bệnh. Để thấy nỗi hớt hãi và tuyệt vọng của những con người chạy không đủ tiền để xét nghiệm cho người nhà vì số tiền quá lớn. Hỡi các Bác sĩ đang nhúng chàm, khi các người làm lễ tốt nghiệp, các người phải đọc lời thề Hippocrates và nguyện sẽ làm theo lời thề đó. Thế mà bây giờ các người lại vì đồng tiền mà táng tận lương tâm đến thế ư? Người mang bệnh đã là nỗi đau, lại thiếu tiền vì bị vắt kiệt thì thêm nỗi khổ. Vì kiếm lợi từ những thiết bị xét nghiệm, cho nên bệnh nhân nào vào đến viện cũng phải chịu hàng tá xét nghiệm, trong đó có nhiều xét nghiệm không cần thiết đối với căn bệnh. Xét nghiệm càng nhiều thì thu nhập càng lớn để mà chia nhau. Những đồng tiền tanh máu của bệnh nhân nghèo. Quá tàn nhẫn, vô nhân đạo. Thầy thuốc như thế có còn xứng đáng mặc chiếc áo blouse trắng nữa không? Không chỉ Bệnh viện Bạch Mai hay Bệnh viện K ở Hà Nội mà bây giờ từ Bắc chí Nam, bệnh viện nào cũng thế. Cứ thanh tra đi, sẽ thấy ngay thôi mà. Bệnh viện càng lớn, số tiền thu vào và ăn chia càng nhiều. Bệnh viện lớn ăn lớn, bệnh viện nhỏ ăn nhỏ, chỗ nào cũng kiếm cách để ăn, không từ bất cứ cách nào.
Chọn nghề Y là để cống hiến và phục vụ cho cuộc đời, giờ với việc làm vô nhân ấy, các người biến thành kẻ bóc lột xương máu của đồng bào mình. Sự việc đã phanh phui, với luật pháp những kẻ đó trở thành kẻ phạm tội, nhưng đối với bệnh nhân nghèo họ trở thành bóng ma, là quỷ dữ lột hết những tờ bạc cuối cùng của dân nghèo, đẩy họ vào sự tuyệt vọng không lối thoát.
Với tư cách và lòng tham như thế, một số người thầy giáo và người thầy thuốc đã tự mình đánh mất lòng tôn kính của xã hội, bị mọi người khinh bỉ và nguyền rủa. Ở đây tôi chỉ lên án những kẻ mang áo Thầy mà bất lương. Đội ngũ Thầy Cô giáo và các Bác sĩ, cán bộ Y tế còn hàng vạn người tốt, đang ngày đêm hết mình vì người bệnh, làm việc với lương tâm nghề nghiệp mình đã chọn. Trong mùa dịch Covid, họ là những anh hùng. Trên bục giảng vẫn còn nhiều người Thầy để ta tôn trọng.
Thế nhưng nỗi đau tận cùng này của người bệnh phải chịu đến bao giờ?
30.9.2020
DODUYNGOC



Sách giáo khoa

Khi giáo dục chỉ vì nhiệm vụ chính trị thì đương nhiên giáo dục phải đi xuống hố. Khi một thể chế chính trị đã không còn đủ sức để đưa đất nước đi lên, đã đánh mất lòng tin ở nhân dân mà anh vẫn bám lấy mục đích để phục vụ chính trị thì sẽ đưa đến những hậu quả.
Không thể tin được khi nghe những tập đoàn khai thác tài nguyên quốc gia chỉ việc đào lên đem bán mà cũng báo lỗ. Cũng như không thể tin được khi nghe nhà xuất bản Giáo dục báo lỗ vì in sách giáo khoa. Bởi lẽ bán sách là siêu lợi nhuận. Những nhà xuất bản nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân làm sách đã chứng minh điều ấy, dù số sách họ in cho mỗi đầu sách chỉ vài ngàn, họ có doanh số tuy thấp hơn nhiều so với nhà xuất bản Giáo dục, số lượng in cho mỗi đầu sách chỉ là con số quá nhỏ so với nxb GD nhưng lợi nhuận họ thu được khá cao. Trong khi đó nxb Giáo dục càng in càng báo lỗ, không hiểu nổi.
Và đây là báo cáo của giám đốc đương nhiệm:
"Trong khi đó, từ năm 2011 đến nay SGK không được điều chỉnh giá, vật tư in sách thì tăng theo mỗi năm. Điều này khiến NXB chịu lỗ từ mảng phát hành SGK mỗi năm trên dưới 40 tỉ đồng và phải bù đắp bằng các nguồn thu khác, như sách tham khảo, sách bổ trợ, cho thuê bất động sản…
Kiểm toán Nhà nước cũng đã xác nhận: Doanh thu SGK năm 2015 là 656,6 tỉ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK lỗ 43,8 tỉ đồng. Doanh thu SGK năm 2016 là 735,2 tỉ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK lỗ 43,3 tỉ đồng.
Tại báo cáo tài chính năm 2017 đã được kiểm toán độc lập, với số liệu như sau: Doanh thu SGK là 703,9 tỉ đồng, lỗ 38,14 tỉ đồng" (Trích báo)
Không thể tin nổi một nhà xuất bản in hàng năm 170 triệu cuốn sách mà lỗ gần 40 tỷ. Nếu thật sự như thế thì chứng tỏ ban lãnh đạo của nxb không đủ khả năng để ngồi trên ghế đấy. Hãy rời khỏi chức vụ đang nắm giữ để người khác có năng lực làm việc nhận trách nhiệm, không thể cứ báo lỗ năm này qua năm khác được.
In nhiều lỗ nhiều như các ông báo cáo, nhưng các ông lại in bài tập để học sinh làm trong sách giáo khoa, đưa đến tình trạng sách năm trước năm sau không dùng được. Mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng phải biến thành giấy vụn. In thì lỗ mà các ông tìm mọi cách để năm nào cũng in thêm. Mâu thuẫn thế? In nhiều lỗ nhiều thì sao in lắm vậy?
Các ông đổ thừa cho giáo viên không hướng dẫn cho học sinh. Hèn quá. Các ông in sách kiểu đấy là để làm trực tiếp vào đấy, giờ các ông lại quanh co:
"Cạnh những bài tập tự luận, các tác giả sách giáo khoa đã đưa các dạng bài tập trắc nghiệm, điền khuyết, nối… nhằm tăng cường hoạt động, kích thích tư duy học sinh.
Tuy nhiên, trong sách giáo viên đều đã có nội dung lưu ý giáo viên việc nhắc nhở học sinh không viết vào sách, hướng dẫn các em chép đề bài ra vở để làm. Việc học sinh làm bài tập luôn vào sách giáo khoa xảy ra là có thể do giáo viên chưa truyền đạt kỹ đến học sinh." (Trích báo)
Các ông cứ vin vào chuyện phục vụ chính trị để độc quyền sách giáo khoa. Nếu lỗ thế sao cứ ôm mãi chuyện độc quyền in, độc quyền bán, độc quyền thu tiền? Hãy xem tài sản của những giám đốc nxb đã về hưu, sẽ thấy ngay người ta đã làm giàu như thế nào từ sách giáo khoa.
22.9.2018
DODUYNGOC



Lại chuyện sách giáo khoa

Trước năm 1975, trong trường học ở miền Nam sách giáo khoa học cả mấy đời từ đời anh chị đến đời em, năm nào dùng cũng được. Hồi nhỏ, tui mê nhất là sách Lịch sử, vẽ minh hoạ rất đẹp dù hồi đó sách in chữ chì và hình thì làm cliché. Chỉ hai màu đen trắng nhưng rất có hồn, nhân vật thần thái, cá tính đều được bộc lộ rõ nét.
Tui còn nhớ rất rõ là hình nào cũng cái dấu Cliché Dau bên cạnh. Tui mê nhất là hình Hai Bà Trưng cỡi voi diệt quân Tô Định, hình Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt, hình Hưng Đạo Vương cỡi thuyền đuồi quân Nguyên, Mông. Nhưng  hình tui khoái nhất cho đến bây giờ vẫn còn khoái là hình Trần Bình Trọng với câu nói bất hủ: "Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc". Chính những bức hình đó khiến tui yêu và nhớ lịch sử. Mê hình vẽ, tui thường lấy đèn cẩy tô lên hình rồi lấy giấy đè lên cào cho hình hình in qua giấy. Một kiểu scan cổ điển. Đã hơn 60 năm rồi mà vẫn không quên. Lên đến Trung học đệ nhất và đệ nhị cấp thì sách giáo khoa ai muốn mua sách nào thì mua, thường thì do giáo sư phụ trách môn học hướng dẫn nhưng cũng không bắt buộc.
Các nhà làm sách tư nhân in sách thường cộng tác với các giáo sư nổi tiếng để sách bán chạy hơn. Bộ Giáo Dục có Trung tâm Học liệu, cũng có in một số sách giáo khoa theo chương trình và rất nhiều sách nghiên cứu, tham khảo có giá trị. Sách in giấy tốt, trắng phau, bìa đẹp và trang nhã. Học sinh tự chọn sách giáo khoa cho mình, nhà trường ít khi tham gia vào công việc này.
Sau năm 1975, rất nhiều năm sau đó, sách giáo khoa được cho học sinh mượn học trong năm, cuối năm lại trả. Những năm đấy, thư viện nhà trường là nơi thực hiện công việc này và đó cũng là công việc bận rộn cuối năm của giáo viên chủ nhiệm. Sách giáo khoa trong thời kỳ này in trên giấy rơm tái chế đen xì, hình ảnh lại xấu tệ, thiếu hẳn tính sư phạm dành cho sách giáo khoa. Do vậy, chẳng gây ấn tượng gì cho học sinh.
Mấy chục năm gần đây, sách giáo khoa không còn cho mượn không nữa mà bán cho học sinh. Cứ đầu năm học, mỗi học sinh lại mua một bộ sách giáo khoa . Gia đình nào có vài đứa con đi học là mỗi đầu năm học phải méo mặt. Nhà xuất bản Giáo dục, cơ quan duy nhất của nhà nước độc quyền in sách giáo khoa năm nào cũng than lỗ!!!! Tui dính với nghề làm sách từ những năm 70 của thế kỷ trước, tui hiểu rất rõ nghề này là nghề siêu lợi nhuận. Không kể đến những nhà xuất bản sách trước 75 vang bóng một thời, giờ đã tắt thở hết rồi. Tui chỉ nói đến những nhà làm sách tư nhân sau 75. Dù họ không trực tiếp điều hành một nhà xuất bản tư nhân như xưa vì luật pháp không cho phép, nhưng mặc dù họ dựa vào các nhà xuất bản nhà nước, cùng nhau liên kết, họ vẫn thu lợi nhuận rất cao. Xuất thân từ tay trắng, bây giờ tất cả đều là tỷ tỷ phú cả, dù số lượng in cho mỗi đầu sách chỉ đôi ba ngàn. Còn nhà xuất bản Giáo Dục, họ in hàng triệu bản, bao trọn từ mẫu giáo cho đến lớp 12 và cả sách hướng dẫn thi đại học. Con số lời kinh khủng, siêu lợi nhuận. Họ giàu kinh khủng, thu lợi khủng khiếp.
Bởi vậy, mỗi năm họ sửa một chút, chỉnh lý một chút, thay đổi một chút nên học sinh không thể sử dụng sách của năm trước, bắt buộc phải mua sách mới và họ ung dung đếm tiền. Một nước nghèo như xứ Việt ta, mỗi năm tốn hàng hàng ngàn, hàng trăm tỷ cho sách giáo khoa, phi lý quá. Học trò như những con chuột bạch trong phòng thí nghiệm, năm này học kiểu này, năm sau học kiểu khác. Tất cả những sự đổi thay không vì để đưa nền giáo dục khá hơn mà thật sự chỉ loanh quanh vì những đồng tiền. Hàng trăm tỷ cho dự án chỉnh lý. Hàng trăm tỷ cho dự án nghiên cứu. Hàng trăm tỷ nữa cho thay sách giáo khoa. Hàng chục tỷ cho các lớp tập huấn. Học trò và phụ huynh cứ chạy như đèn cù. Bây giờ, cha mẹ về nhà không cách gì kềm cặp, hướng dẫn con học được nữa vì nhìn vào cách đọc, cách giải, cách dạy bây giờ, cha mẹ có giỏi mấy cũng đầu hàng bởi nhìn vào lạ hoắc, mới nghe, mới thấy lần đầu, thôi thì cũng đành cho con đi học thêm ở nhà thầy cô giáo. Chứ không lẽ cha mẹ lại phải đi học lại để về dạy lại con.
Hàng năm, số sách giáo khoa năm cũ không còn giá trị lên đến hàng trăm, hàng ngàn tấn phải phế bỏ. Một sự lãng phí dến vô cùng và cũng phi lý đến vô cùng.
28.8.2018
Đỗ Duy Ngọc
https://www.facebook.com/doduyngoc



Bàn về cái thiêng liêng

Ngày nhỏ đi học lớp 1, lớp 2,… cứ mỗi lần được thầy giáo kêu lên bục xóa bảng, hoặc sai đi giặt khăn lau bảng là tôi sung sướng cả ngày hôm đó. Thầy giáo nhớ tên mình, gọi tên mình… Chao ôi là vinh hạnh, không sướng sao được. Có lần tôi đi dự đám cưới một người chị họ, gặp thầy giáo của tôi đến cùng dự đám cưới, dù là đứa trẻ vốn tính tình nhút nhát, tôi cũng rẽ đám đông đến trước mặt thầy tôi, khoanh tay lễ phép chào: Con chào thầy ạ! Thầy giáo đã xoa đầu tôi trước hai họ. Tôi hãnh diện vô cùng. Đã hơn nửa thế kỷ đi qua, vậy mà đến giờ, tôi vẫn nhớ cái buổi chiều hôm đó, nhớ như in cái cầu thang mà tôi đã vội leo lên thành cầu để tụt xuống, len đến trước mặt thầy tôi… Trong con mắt trẻ thơ của tôi lúc đó, thầy giáo thiêng liêng lắm. Thầy Mạnh Tử bên Tàu hơn hai ngàn năm trước từng nói: “Cái phong phú được gọi là cái đẹp”, “Cái cao cả được gọi là cái thiêng liêng” là gì? Vậy thầy giáo của tôi ngày ấy là một người cao cả, vì cao cả nên thầy thật thiêng liêng với học trò.
Thế mà bây giờ thằng cháu nội tôi lại bĩu môi nói với ông nội nó: Cô giáo của con mới mua xe Attila đó! Tôi hiểu nó muốn nói, vì bắt nó và bạn bè của nó phải học thêm để cô giáo thâu tiền… Xe Attila mới mua của cô giáo là tiền bố mẹ nó phải oằn lưng ra đóng góp cho con học thêm. Có lần tôi đã mắng mẹ nó, vì sao cứ phải cho con đi học thêm, trong khi nhà thì túng thiếu. Mẹ nó phân trần: Thằng T [tên thằng cháu tôi] nó bảo, nếu không đi học thêm, cô giáo sẽ tấn công nó trong lớp học. Tôi hỏi: Tấn công như thế nào? Mẹ nó trả lời: Bắt lên bảng làm toán, rồi đe nẹt, thằng T sợ lắm, khóc đòi mẹ cho đi học thêm. Vì những đứa học thêm không bị cô giáo đối xử như thế. Chữ “tấn công” là từ miệng thằng cháu nội tôi nói ra.
Cô giáo đã hết cao cả thì còn thiêng liêng cái nỗi gì? Một thế hệ con trẻ đi học không có cảm nhận về cái thiêng liêng, lại thấy thầy cô giáo của mình là những kẻ thấp hèn, khi nói đến họ nó phải bĩu môi ra thì còn gì để nói!
“Kinh khủng” hơn là một lần ngồi cà phê trước một trường đại học, tôi thấy các sinh viên “vô tư” gọi thầy giáo nó là thằng này, thằng kia. Tôi đem câu chuyện này về hỏi thằng con tôi đang theo học một lớp đại học tại chức. Nó giải thích: Sinh viên phải chung tiền cho thầy giáo mỗi lần thi cử, phải rủ thầy đi nhậu… nên nó xưng hô như thế đó ba ạ!
Chuyện về sự suy thoái của nền giáo dục Việt Nam thì còn nhiều lắm, nhưng chuyện của ngành y tế thì còn tàn nhẫn hơn. Vừa qua tại Năm Căn tỉnh Cà Mau, nhân dân đã kéo đến đập phá, đuổi đánh các thầy thuốc ở bệnh viện vì đã bỏ mặc một bệnh nhân gái 16 tuổi được chở đến cấp cứu, dù gia đình nạn nhân này đã quỳ xuống lạy, van xin các bậc lương y này cứu chữa. Các vị “từ mẫu” này phải có tiền nộp đã thì mới ra tay cứu độ! Em gái đã chết trước thềm bệnh viện, khi nhân dân phẫn nộ kéo tới thì các vị “thầy thuốc như mẹ hiền” này đã hốt hoảng cởi bỏ hết áo trắng trên người để chạy trốn như những lũ chuột bị rắn đuổi!
Có lẽ trong lịch sử ngành y tế thế giới, chưa có đâu diễn ra màn kịch kiểu này. Cả ông Marx không còn đất sống ở trời Tây, có lẽ vì thế chủ nghĩa “duy lợi” (chữ Hà Sĩ Phu) vội di trú đến những mảnh đất rừng rú còn sót lại ở Châu Á để nương thân, và Việt Nam là một trong những điểm dừng chân của nó. Tất cả được tính ra “lợi quyền”, lợi lộc, không còn cái gì là thiêng liêng nữa, dù là làm nghề thầy, thầy giáo, thầy thuốc…

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, hồi còn sống, có lần kể cho tôi nghe về tư cách người thầy thuốc. Ở Pháp, thầy thuốc chỉ được khám bệnh, cho toa (đơn)… không bao giờ được phép chìa tay ra cầm tiền của bệnh nhân. Tiền khám bệnh sẽ được người nhà của bác sĩ thu ở chỗ khác, khi bệnh nhân ra về. Ông giải thích: Nếu bác sĩ cầm tiền từ tay bệnh nhân thì về tâm lý, hình ảnh thầy thuốc “cứu nhân độ thế” hết thiêng mất rồi. Khi người bệnh đến với thầy thuốc, thì tâm trạng của họ đến với một vị cứu nhân, người đó sẽ đem hết tinh thần cao cả của người thầy thuốc để cứu họ. Chỉ riêng tâm trạng đó đã là liều thuốc tinh thần để người bệnh tự giúp mình khỏi bệnh đến 50%. Vì thế các trường đào tạo thầy thuốc ở Pháp giảng dạy rất kỹ lưỡng rằng, không để đồng tiền xuất hiện giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Dù rằng thầy thuốc vẫn cần tiền để tồn tại.
Vậy mà tôi thấy ở tỉnh X, thầy thuốc đã bán thuốc cho bệnh nhân. Thuốc còn được nghiền nát ra để bệnh nhân không biết đó là thuốc gì, mác gì, ở đâu sản xuất… để bệnh nhân không thể so đo đắt rẻ…
Chỉ có hai nghề cao quý, được ông bà ta kêu bằng “thầy”. Dắt đứa con đến cửa nhà thầy, người mẹ ngày xưa nói: Đến ăn mày thầy dăm chữ để cháu làm người!
Ôi sao mà thiêng liêng quá!
Bây giờ cả thầy giáo và thầy thuốc đều lấy học trò và bệnh nhân làm đối tượng để làm tiền thì cái thiêng liêng không cánh mà bay khỏi cái xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mất rồi! Chỉ còn lại sự dối trá vô lương đến lộng lẫy “thiêng liêng” mà thôi!
Lê Phú Khải
Nguồn: Bauxite Việt Nam

Đăng ngày 09 tháng 01.2021