Ngày Xuân nghe một bài hát cũ

Mùa xuân đầu tiên

Cao Ngọc Cường

Tình cờ nghe một bài hát Xuân trên làn sóng phát thanh sáng hôm nay, một buổi sáng không nắng, trời lành lạnh và nhẹ nhàng của ngày mùng bảy Tết ta. Những âm thanh những tiếng hát mùa Xuân nhưng không vui tươi như đa số các bài nhạc Xuân của miền Nam thuở ấy mà tôi vẫn thường nghe mỗi khi Tết đến Xuân về ...

“Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy
anh trở về thăm em
Bao lần ngồi thâu đêm
nghe mùa Xuân vừa đến
Em ơi hoa thắm rơi ngập đường
trời nắng xế vương vương
Lòng nhớ tới em luôn
khi chiều tàn chim gọi đàn.”

Giai điệu bài hát mùa Xuân mà tôi vừa nghe lại đầy hoài cảm da diết nhớ thương qua nhịp 4/4 Bolero dân dã rất quen thuộc của âm nhạc miền Nam xa xưa của tôi qua tiếng hát NQ & TS đã làm tôi bồi hồi nhớ lại mùa xuân đầu tiên 74 xa nhà lên trấn nhậm trên rừng núi Pleiku gió lạnh mưa mù và đó cũng là mùa xuân cuối cùng trong đời lính tráng miền Nam tự do của tôi
Mùa Xuân xưa có người lính trẻ gác giặc nơi tiền đồn, ghì báng súng ngồi mơ được phép về vui Tết cùng gia đình thân yêu

“ Người yêu ơi! Biết chăng anh về?
Người yêu ơi! Nhớ chăng lời thề
Anh say sưa nhịp bước trên hè
Anh nâng niu nụ hoa vừa hé
Đôi môi xinh người em nhỏ bé mộng mơ.”

Lời hát này tôi đã nghe biết bao lần khi xuân về trên quê người đã làm lòng tôi nao nao nhớ lại những cái Tết những mùa xuân cũ trong chiến tranh và hoà bình .
Và tôi đi tìm mới biết bài Mùa xuân đầu tiên này của Tuấn Khanh một nhạc sĩ tài danh, tác giả của những ca khúc Chiếc lá cuối cùng, Hoa soan bên thềm cũ, Quán nửa khuya, Đường xưa lối cũ, Chiều biên khu, Một chiều đông, Dưới giàn hoa cũ, Mùa Xuân đầu tiên, Nhạt nhoà, Nỗi niềm .... mà rất nhiều thế hệ người nghe nhạc yêu thích ...trong đó có tôi.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết bài Mùa Xuân đầu tiên từ những năm giữa thập niên 60 của miền Nam khói lửa chiến tranh hận thù .. một bản nhạc Xuân da diết, dịu dàng và sâu lắng như tâm tình và mơ ước hiền hòa chân thành của quân dân miền Nam ...nhất là trong lời hát kết thúc bản nhạc là tấc lòng đôn hậu của người chiến sĩ VNCH dù trong lửa đạn tử sinh vẫn luôn mong cầu
“Xin yêu thương đến vơi hận thù để tiếng hát hôm nay
Người chiến sĩ mơ say bên đàn trẻ bé thơ ngây.”

Rồi trong khi đi tìm MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN, tôi lại bắt gặp Văn Cao một nhạc sĩ tiền chiến đa tài với nhiều bài hát nổi tiếng như Buồn tàn thu, Suối mơ, Thiên thai, Đàn Chim Việt ... dù ông đã có một bài được chọn làm “quốc ca” cho chế độ nhưng sống trong lòng cộng sản ông không sáng tác được thêm bài hát nào ra hồn nữa. Cho đến mùa xuân 76, ông viết bài hát đầu tiên và cuối cùng sau 30 năm bị đảng cấm viết. Đó là bài hát trùng tên với bài Tuấn Khanh đã viết, bài “Mùa Xuân đầu tiên” theo đơn đặt hàng của báo “Sài Gòn Giải Phóng”, và ca khúc được đăng lần đầu tiên trên số báo Xuân “Sài Gòn Giải Phóng” năm 1976. Nhưng ca khúc bị đảng phê bình là "nghe mơ hồ rắc rối, kêu gọi tình thương một cách chung chung, thiếu tính giai cấp", "ủy mị, yếu đuối" và bị xem là "lạc điệu" so với những nhạc đỏ “hừng hực khí thế chiến thắng" lúc bấy giờ và không được phép phổ biến. Phải đến hơn 20 năm sau, bài Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao mới được công chúng biết và được đảng cho phép hát.

Tôi cũng đã nghe qua bài hát này nhưng không có cảm giác gì thú vị so với các nhạc phẩm tiền chiến của ông và càng không có cảm nhận tuyệt diệu như bài Mùa Xuân đầu tiên của Tuấn Khanh. Tuy rằng giai điệu valse nhịp 6/8 thanh thoát bâng khuâng sâu lắng và mơ hồ... trong bài Mùa Xuân đầu tiên của Văn Cao đọng lại như một dấu lặng lơ lửng, hoài nghi giữa mùa Xuân thống nhất đầu tiên của dân tộc:
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên.
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông”...

Một mùa xuân có “triệu người vui và cũng có cả triệu người buồn “ và vui hay buồn thì họ cũng từ từ tìm mọi cách trốn chạy khỏi cái quê hương mà Văn Cao vừa diễn tả trong
“Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu...
với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông ...
một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.”

Cả dân tộc ấy đã và đang và vẫn trôi ra biển lớn
“Từ đây người biết yêu người
Từ đây người biết thương người“

Vẫn điệu valse dìu dặt ấy sao mùa xuân đầu tiên vẫn nghe mênh mông buồn thê thiết...
Ấy vì thế mùa xuân nào lại về nơi đây, tôi vẫn hoài mong một mùa xuân đầu tiên của Tuấn Khanh để
“ nghe mùa Xuân vừa đến
Em ơi hoa thắm rơi ngập đường
trời nắng xế vương vương
Lòng nhớ tới em luôn
khi chiều tàn chim gọi đàn”.

Và mãi mãi
“Xin yêu thương đến vơi hận thù để tiếng hát hôm nay
Người chiến sĩ mơ say bên đàn trẻ bé thơ ngây”.

Xin trân trọng cám ơn nhạc sĩ Tuấn Khanh (và cũng là Ca sĩ Trần Ngọc một thời của Miền Nam Tự Do) và cả nhạc sĩ Văn Cao một thời tiền chiến tôi yêu.

Cao Ngọc Cường

 

Đăng ngày 15 tháng 02.2020