Giới thiệu lần đầu tiên một tiểu thuyết viết bằng chữ Nôm:


Báo ứng nhơn quả lục 報應因果綠


Nguyễn Văn Sâm

bao ung nhan qua

Trang đầu của truyện dài: Báo ứng nhân quả lục 1926
(Trang minh họa: cảnh cặp vợ chồng họ Trương cầu con với thiên đình)

Miền Nam đã có truyện ngắn bằng quốc ngữ những năm mấp mé của thế kỷ 20 , bước qua thập niên đầu của thế kỷ nầy thì tiểu thuyết bằng quốc ngữ cũng theo đó mà nở rộ phong phú. Lúc nầy ở đây chữ Nôm hoàn toàn mất vai trò, chỉ còn hiện diện ở dạng viết tay bằng những bài thơ Đường có tính cách mua vui khi trà dư tiểu hậu - trừ bộ Kim Cổ Kỳ Quan dài hơi và có tính cách tôn giáo đặc biệt thuộc về Phật Giáo Tứ Ân- lưu hành thật giới hạn với bạn bè đồng điệu do tình trạng vắng bóng của sự phát hành rộng rãi có tính cách thương mại. Trong khi đó trái ngược lại, tác phẩm bằng chữ Nôm ở miền Bắc vẫn thỉnh thoảng xuất hiện dưới hình dạng bản in khắc gỗ hoặc biếu không làm phước ở các đền chùa, từ miếu hoặc phát hành ở các nhà sách bán buôn theo dạng doanh thương. Hai hoạt động nầy kéo dài đến những năm cuối cùng của vương triều nhà Nguyễn. Những tác phẩm loại thứ nhứt hầu hết đều nói chuyện ăn hiền ở lành, khuyến thiện tu nhơn hay lời dạy của ông nầy bà nọ rất hợp với người bình dân vốn tin tưởng ở sự luân hồi và nhơn quả. Những quyển thuộc loại sau thường là truyện thơ, đa phần là khắc lại hay chỉnh sửa vài chữ từ các bản khắc xưa, việc in một tác phẩm mới được sáng tác thời nầy hầu như ở tình trạng tối thiểu.

Sách Nôm có tính cách xiển dương đạo Phật nói chung ở thế kỷ 20 không có những quyển kinh cao sâu được dịch ra từ chữ Hán hay sáng tác thẳng của các bậc cao tăng mà chỉ có những quyển sách mỏng của người hiếu đạo, thành tâm rút ruột mình khuyên lơn dân chúng sống hiền, sống phải. Cũng như những sách loại nầy ở Trung Hoa, để hổ trợ cho lời khuyên trên, người viết dựa trên nguyên lý có tính cách thuyết phục là nhân sinh có tiền kiếp, có lai sinh, những gì nhân sinh làm kiếp nầy sẽ trả ở kiếp sau và những gì nhân sinh có được hay mắc phải đều do những hành vi ở kiếp trước, nghĩa là con người sống dưới cái nghiệp quả báo điều khiển bởi luật luân hồi. Hai ý tưởng nầy từ lâu đã ăn sâu vào người dân Việt và tạo nên tín ngưỡng bình dân nằm kế bên đạo Phật được dân chúng đơn giản vấn đề bằng cách gọi đó là tư tưởng của Phật giáo bình dân, nhiều khi còn được gọi là đạo thờ ông bà vì ngoài hai nguyên lý trên còn có kèm theo những điều dạy về trung hiếu tiết nghĩa…

Muốn cho sự tin tưởng được tăng hơn người ta nghĩ đến một thứ tòa án và ngục hình dưới cõi âm. Ở đây có những vị phán quan và mười ông Diêm vương xét tội người chết về những hành vi khi còn sống để trừng phạt thiệt là đau đớn, chết đi sống lại rồi cho đầu thai làm súc sanh… hay khen thưởng, cho lên cõi Tiên thoát luật luân hồi. Các tác phẩm có nói đến sự kiện nầy tạo cho người đọc cái tâm lý sợ hãi hành vi/đời sống ác đức khiến người ta tránh điều xấu làm điều tốt, đó cũng là điều tích cực đáng ghi nhận. Con người hiền lương tốt bụng phần nào cũng nhờ chịu ảnh hưởng của những tác phẩm loại nầy.

Phải nói lại lần nữa rằng ý tưởng nhơn quả, luân hồi, Địa ngục trừng phạt, cõi Tiên thoát khỏi luân hồi lên Tiên bồng Cực Lạc không phải của riêng các tác giả thời nầy cũng không là của riêng do người Việt Nam sáng tạo. Đó là những biến tướng của văn hóa Phật giáo cộng chung với vài ý tưởng trong đạo Bà La Môn vì vậy những tác phẩm thời nầy, loại nầy ở Việt Nam dầu được viết ra dưới dạng Quốc ngữ hay chữ Nôm chỉ cần được giới thiệu trên mặt văn học là đủ.


bao ung nhan qua
(trang đầu của Tiết 1) (trang đầu của tiết 23)

Trong chiều hướng đó tôi xin giới thiệu quyển Báo Ứng Nhân Quả Lục 報應因果綠, một tác phẩm mượn ý tưởng luân hồi, hành thiện để viết thành một quyển tiểu thuyết (truyện dài). Và nó xứng đáng được giới thiệu như một tiểu thuyết dầu rằng bao lâu nay nó được xưng tụng ở một nơi có tính cách tôn giáo và được coi như một tác phẩm thuần túy của một tôn giáo.
Sách được in dưới dạng khắc in mộc bản chữ Nôm, có nhiều hình vẽ cũng khắc mộc bản- dầu thô sơ nhưng cũng giúp người đọc nắm vững cốt truyện. Bản in do Vi Thiện Đàn 爲善

Nguyễn Văn Sâm
(Cựu Giáo sư ĐHVK Sàigòn)

 

 Đăng ngày 28 tháng 02.2016