Đọc thơ «Tha hương»

của Phương Du Nguyễn Bá Hậu


Trần Văn Cảnh

 

 C:\Users\Public\Pictures\Hinh tac gia CLBVHVN\IMG_6118.JPG

Chào đời năm Giáp Tý, 1924. Sống thời «Niên ấu tại Phương Canh», một làng thuộc tỉnh Hà Đông, bác sĩ Nguyễn Bá Hậu đã ra «Thăng-Long nơi đèn sách» để học tập và đã tốt nghiệp y khoa bác sĩ vào năm 1951 ở Hà Nội. Ông đã phục vụ trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ 1951 đến 1956, ba năm đầu, 1951-1954 ở Hà Nội và hai năm sau, 1954-1956 ở Sài Gòn. Rồi ở đây, ông mở phòng khám bệnh tư, từ năm 1956 đến năm 1970. Trong thời gian này, Bác sĩ Nguyễn Bá Hậu đã có dịp đi tu nghiệp thêm về khoa châm cứu ở Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, và Trung Hoa lục địa.
Nhờ vậy, chẳng những ông đã tu bổ thêm được nhiều kiến thức nghề nghiệp mà ông đam mê, mà còn am hiểu tình thế quốc giaIMG_6114 và quốc tế hơn. Cho nên, năm 1971, « vì thời cuộc ra đi », ông đã mang gia đình di cư sang Pháp, cư ngụ tại thành phố Jouy-en-Josas, gần Versailles và mở phòng khám bệnh tư tại thành phố Montrouge, ngoại ô phía nam Paris.
Chính trong hoàn cảnh di cư, lưu lạc xứ người này, ở thành phố Jouy-en-Josas, mà ông đã sáng tác thơ, như ông viết trong bài thơ đầu của tập Tha Hương : « Đương hành nghề y –sĩ, Vì thời cuộc ra đi. Mưu sinh trên đất Pháp, Không sao lãng văn thi. Du-y nơi cư ngụ. Lắm lúc sống trong mơ, Thả hồn theo mây gió, Vui sống với nàng thơ ». Bác sĩ Nguyễn Bá Hậu lấy bút hiệu là Phương Du để ghi nhớ sinh quán ở làng Phương Canh và nơi ở hiện nay là Jouy-en-Josas.
Phương Du đã xuất bản bốn tập thơ : «Tha Hương», (TH) 1986 ; «Tình thương», (TT) 1991, «Tình thương II», (TT2) 1993 và «Hoa Tâm, Thi Văn Nhạc» (HT) 2002. Tập thơ thứ tư này đã được tái bản phong phú hơn vào năm 2008. Như vậy toàn tập của thơ Phương Du đã được thực hiện qua bốn thi phẩm, và xoay quanh ba đề tài chính : «Tha Hương», «Tình Thương» và «Hoa Tâm».
Tha Hương là chủ đề thứ nhất của thơ Phương du, được trình bày trong thi phẩm Tha Hương, xuất bản năm 1986, khổ A5, dầy 156 trang.
Từ bài thơ đầu tiên mở đầu đến bài thơ cuối cùng kết luận, có 138 bài thơ, trình bày trong ba phần : 1- Sáng tác của Phương Du với 93 bài thơ đủ loại ; 2- Thơ xướng họa với 33 bài thơ, trong đó 21 bài của Phương Du, và 12 bài của những thi sĩ khác ; 3- Thơ Phương Du dịch với 12 bài, trong đó 6 bài từ chữ Hán và 5 bài từ chữ Pháp và 1 bài thơ cuối cùng.
Tập thơ «THA HƯƠNG» của Phương Du dày 156 trang. Bố cục và tổ chức trình bày văn bản đã được thể hiện một cách rất nghiêm chỉnh, theo những nguyên tắc viết luận văn phổ thông, viết tiểu luận thạc sĩ hay viết luận án tiến sĩ.
Bố cục này gồm ba nhóm yếu tố. Thứ nhất là nhóm những yếu tố tiền đề, với «Những lời kính tặng» đầy tình quê hương gia đình, xác định rõ rệt nguồn gốc của mình : «Kính tặng quê hương Việt Nam yêu dấu. Kính tặng hương hồn Nghiêm-đường và Từ-mẫu», với «Lời cám ơn» các bạn hữu, với «Lời tựa» của giáo sư Nguyển Đình Hòa và với một bài kiểu như lời phi lộ «Sau khi đọc bản thảo Tha Hương» của giáo sư Bùi Văn Tuyền.
Thứ hai là nhóm những yếu tố chính đề, với «Lời mở» để nói về điều mình sẽ nói bằng cách giới thiệu ý hướng, đề tài và dàn bài ; với «Thân bài» để nói về những điều mình muốn nói là «tâm tình và cảnh sống tha hương ở Paris ; Và với «Lời kết» để tóm tắt những điều đã nói và kết thúc mở hướng.
Thứ ba là nhóm những yếu tố hậu đề, với bản «Mục lục», ghi rõ rệt tên của tất cả những bài thơ trong thi tập và với một tranh vẽ ở trang cuối cùng, trang 155. Đó là bức tranh vẽ về nơi hành hương Medjugorje ở Nam Tư. Ở giữa hình và chiếm chỗ cao nhất có tượng Đức Kitô chịu nạn trên thập giá, dựng trên đỉnh núi Crnica ; Thấp hơn vài ly về phía trái có Đức Mẹ Maria ban ơn ; Thấp hơn đến dăm bảy phân về phía phải, là ngôi thánh đường. Bên dưới đề câu : «Chúa xưa rao giảng tình thương, Mẹ nay soi sáng con đường thờ Cha». Phong cảnh này do họa sĩ Vĩnh Ấn phác họa trong một cuộc hành hương cùng đi trong đoàn hành hương Việt Nam. Phải chăng đây là đích điểm, và là kết cục của cuốn sách và của cuộc đời tha hương, tha hương theo nghĩa thế gian, và tha hương theo nghĩa đời đời kiếp người ? Hay đây là lời mở ra dẫn vào hai đề tài thứ hai, và thứ ba là «Tình thương» và «Hoa Tâm» ?
Giới thiệu tất cả những yếu tố của tập sách như vậy, sau đây chúng ta sẽ đi vào ba yếu tố chính đề căn bản của tập thơ.


1. Lời mở của thi tập với bài thơ «Thay lời tự tự"

Chào đời năm Giáp-Tý.
Niên ấu tại Phương-Canh.
Thăng-Long nơi đèn sách.
Giáp-Ngọ tới Nam Thành.
Đương hành nghề y–sĩ,
Vì thời cuộc ra đi.
Mưu sinh trên đất Pháp,
Không sao lãng văn thi.
Du-y nơi cư ngụ.
Lắm lúc sống trong mơ,
Thả hồn theo mây gió,
Vui sống với nàng thơ.
Với nghề tuy bận rộn,
Nhưng vẫn quá say mê
Vun bồi văn chương Việt,
Và hoài niệm làng quê.
Nhiêu khi lòng se lại,
Nghĩ tới cảnh đau thương
của đồng bào trong nước,
Quằn quại với tai ương.
Ngày xuân nhè nhẹ đến,
Hy vọng lại chứa chan :
Tất cả con dân Việt
Sớm thoát cảnh lầm than.
Gian-lao nơi đất khách,
Phiêu bạt khắp năm châu,
Nhưng không quên hồn nước
Ngày về chẳng xa đâu.
Vài bài thơ thô thiển
Gửi tặng bạn bốn phương
Đọc chơi khi nhàn rỗi
Để tưởng nhớ quê hương.
(Thay lời tự tự, TH, tr. 9)

Bài thơ ngũ ngôn này quả là «Lời mở» của thi tập. Chẳng những thế, bài thơ này còn có thể được coi như «Lời mở» của toàn thể bốn thi tập của Phương Du. Lý do vì trong đó những yếu tố căn bản về chính đề đã được giới thiệu rõ rệt. Hoàn cảnh nào viết ? Thưa trong hoàn cảnh ra đi đến nước Pháp. Viết gì và về gì ? Thưa viết thơ và về tha hương ? Mục đích để làm gì ? Thưa để «Không xao lãng văn thi», «Vui sống với nàng thơ», «Vun bồi văn chương Việt», để dẫu có «Gian lao nơi đất khách, Phiêu bạt khắp năm châu», «Nhưngkhông quên hồn nước» và để «Gửi tặng bạn bốn phương, Đọc chơi khi nhàn rỗi, Để tưởng nhớ quê hương». Qua những đề tài nào ? Thưa qua hai phần chính của tha hương : tâm tình của người tha hương và cảnh sống trên đất tha hương.

2. Nội dung của thi tập «THA HƯƠNG» với 138 bài thơ
Đặt tên cho thi phẩm thứ nhất là «Tha Hương», có phải Phương Du muốn nói về một nơi sống và cảnh sống «tha hương» của mình ?
Nói đến tha hương là nói đến làng xóm, xứ sở của người khác, không phải của mình. Làng xóm này không phải là bản quán, chỗ đất nguyên tịch của mình, không phải là nơi mình quen biết, cũng không phải là bản quốc, nước của mình, quê hương của mình.
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh định nghĩa tha thương là «Đất khách quê người». Tha hương là một nơi sống và lối sống của người khác. Nó khác với nơi sống và cách sống quen thuộc của mình. Nơi tha hương thì không có hương âm, tiếng nói quen thuộc của mình, không có hương ẩm, với những lễ làng quen thuộc, với những dịp gặp gỡ ăn uống giữa những người thân quen. Nơi tha hương có lẽ cũng có những hương đảng, người cùng làng và những hương hào, người hào mục trong làng, những hương lân, hàng xóm láng diềng ; nhưng không phải là những người của quê hương mình, mà là của tha hương.
Có một điều đặc biệt là nơi sống và lối sống tha hương của Phương Du không phải là cái tha hương của những người bình thường. Cái tha hương của Phương Du không phải là một nơi sống và lối sống bó buộc, cùng túng ; nhưng là một tha hương tự do chọn lựa, một chọn lựa tốt đẹp và thuận lợi.
Cụ thể thì cái tha hương của Phương Du gồm hai địa điểm sống thường ngày. Một nơi là chỗ làm nghiệp vụ bác sĩ tổng quát và có chuyên ngành châm cứu ở Montrouge, một thị trấn ngoại ô phía Nam, sát cạnh Paris. Một nơi là chỗ ở của gia đình, ở Jouy-en-Josas, một thị trấn ngoại ô xa về phía Đông Nam, cách Điện Versailles khoảng 4 cây số, và cách Paris, khoảng 19 cây số. Cả hai thị trấn Montrouge và Jouy–en-Josas đều là những nơi có đời sống phồn thịnh, khá giả.
Nhưng Jouy-en-Josas là thị trấn xanh và nên thơ hơn, với một diện tích khoảng 500km2, mà hơn một nửa là rừng cây xanh tốt, có nhiều cung điện, từng là nơi sống của những nhân vật lịch sử, như Victor Hugo, Léon Blum, và hiện là nơi có nhhững trường học danh tiếng, như Cao đẳng Thương Mại HEC, Viện Quốc Gia Nghiên Cứu Canh Nông INRA. Cái tha hương ở đây có cái nét độc đáo là cái tha hương của những người thành đạt. Có lẽ thành phố này đã là một môi trường thiên nhiên thuận lợi, gợi hứng và biến đổi bác sĩ y khoa Nguyễn Bá Hậu thành thi sĩ Phương Du, như lời ông tâm tình trong đoạn đầu bài thơ đầu sách vừa trích trên đây.
Và cụ thể nữa, Thơ Tha Hương của Phương Du là thơ đi tìm cái chân trong hai lãnh vực : cái chân của tâm tình tha hương và cái thật của cảnh sống tha hương.

2.1. Tâm tình tha hương
Như tên đã được đặt cho thi phẩm, 138 bài thơ đều rõ rệt hoặc bàng bạc, gần xa đề cập đến một hay nhiều khía cạnh của đời sống và lối sống «THA HƯƠNG», mà khía cạnh thường thấy nhất, ray riết và tha thiết nhất, cũng như mạnh mẽ và tràn ngập nhất, là tâm sự người tha hương. Đây là khía cạnh «chân» thứ nhất, là nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào trong nhiều thể loại thơ khác nhau, nhưng với thể nào mặc lòng, thì văn phong cũng rất «chân», theo nghĩa «chân tình», «chân thật» và «chân chính».
Tâm sự người tha hương mạnh nhất có lẽ là tâm tình «hoài», hoài hương và hoài cố hương. Tâm tình hoài hương trong thơ Phương Du là một tâm tình tự nhiên bột phát của người tha hương, là nội dung chính của thi phẩm «Tha hương», mà Phương Du gọi là «hoài niệm làng quê», «tưởng nhớ quê hương».
Trong khắp tập thơ, lướt qua mục lục, đâu đâu thơ của Phương Du cũng ẩn nấp tâm tình hoài hương : Hoài hương trong thơ sáng tác : Thu xa quê, Thu mong chờ, Nhớ quê, Làng tôi, Đông xưa đông nay, Hận ly hương, Đất nước tôi, Việt nam đau thương, Tâm trạng kẻ tha hương, Thu xưa thu nay, Nhớ Tổng Thống, Buồn thế sự, Sầu chia ly, Nhớ thu xưa, Xuân tha hương, Gửi hương hồn anh. Hoài hương trong thơ xướng họa : Bài họa sống cảnh di cư, Kỷ niệm lục tuần, Bài họa Tết tha hương, Việt nam sầu thương, Cuộc sống tha hương, Tết thời nay, Thuyền nhân, Thuyền nhân ngoài biển cả, Đất nước ngày nay, Buốn quốc sự. Và hoài hương cả trong thơ dịch : Khúc hát Lương châu, Phong kiều dạ bạc, Sơn phòng xuân sự, Đề tích sở kiến xứ, Nhạc thu, Cố hương, Lẻ loi, Đêm đại dương, Tri ân Hội Y Sĩ Thế Giới.
Thành ra, đối với kẻ tha hương, cảnh, vật, người, …nơi, chốn, …lúc, giờ, mùa, … cái gì nơi tha hương cũng có thể là dịp, là hoàn cảnh, là đối tượng, là lý do, là tác nhân gợi lên tâm tình hoài cố hương : «Nhắc tới làm chi tiếng cố hương, Tim ta rung động chốn tha phương. Từ xa vang dội vào tâm khảm, Như tiếng chân đi, tiếng bạn vàng. Non cao mây phủ lúc thu sang, Đồi cỏ bình minh ướt đẫm sương, Rặng liễu xén tròn thơ thướt lá, Chiều tà tháp cổ rạng tươi vàng…Ánh lửa bùng lên rọi sáng lều, Mái nhà tuôn khói khách mơ theo, Vô tri vật ! có hồn chăng tá ? Lưu luyến hồn ta gợi mến yêu». (Cố hương, TH, tr.144-145).
Như vậy, hoài hương không phải là cảm xúc về cảnh thực đang có trước mặt, nhưng là một cảm xúc mà cảnh hiện thực nơi tha hương gợi ra, bùng lên trong tâm tư người tha hương viễn xứ. Nó là một cảm xúc vì và về một cái gì thiếu thốn, nhưng đậm kỷ niệm xưa : «Xuân phong từng lớp dạt dào, Nhậm ngùi chạnh nhớ ngày nào xuân xưa : Nửa đêm tiếng pháo giao thừa, Cây nêu, cung, khánh ngăn ngừa quỉ ma. Đền, chùa tấp nập vào ra, Tiếng chuông, tiếng mõ vang xa xóm làng» (Nhớ xuân xưa, TH, tr.89). Sự thiếu thốn ở đây không phải vì không có, nhưng là sự có lại ở một nơi khác. Hoài hương là hoài niệm về một quê hương có đấy nhưng biệt ly, xa cách : «Chia ly đau xót cuộc đời, Người đi người ở buồn ơi là buồn ! Xa nhà lìa nước rời non, Thuyền nhân lòng dạ héo hon rã rời» (Sầu chia ly, TH, tr.82). Hay có đấy, nhưng đã đổi khác rồi : «Thu xưa đời sống thần tiên, Thu nay thiên hạ buồn phiền lo âu. Người đi phiêu bạt năm châu, Còn người ở lại khóc sầu chia ly» (Nhớ thu xưa, TH, tr. 83.
Tâm tình hoài hương lại càng thiết tha, khi những cảnh thân thương của kỷ niệm thiếu thời lại rõ rệt hiện ra trong tâm tư, với rặng bàng, cây gạo, cây sung, …với những cảnh sống thanh bình vui vẻ của đầu xuân, của ngày mùa. Tâm tư hoài hương lại càng xoắn xít hơn nữa khi lòng quặn đau, không chỉ vì vắng bóng, xa xôi cách trở, nhưng vì đã đổi khác, không còn thanh bình vui vẻ nữa, nhưng đầy lăm le lo sợ, đầy nguy hiểm chiến tranh nổ bùng. Ở điểm này, bài thơ «Nhớ quê» là một tuyệt phẩm về tha hương nhớ quê, nhớ và vẽ lại đầy đủ bức tranh quê thanh bình thủa xưa, nhưng cũng rớm đau, chạnh buồn, vì lo sợ chiến tranh ngày nay:

«Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Sống trong hoàn cảnh Việt kiều,
Lòng ta phảng phất trăm điều nhớ nhung.
Rặng bàng, cây gạo, cây sung,
Bụi tre khóm trúc, cây tùng cây giang.
Cây đa cổ thụ đầu làng,
Tháp chùa cao vút giữa hàng cau thanh.
Bao nhiêu kỷ niệm ngày xanh,
In sâu vào óc những hình cố hương :
Thầy đồ kiêm cả thầy lang,
Sáng ngày mang sách cầm nang gõ đầu,
Bắt trò phải đọc lầu lầu,
Những trang chữ hán ngõ hầu tiến thân.
Ngày rằm mùng một đầu xuân,
Ông sư bà vãi lầm rầm tụng kinh.
Dân làng hội họp bên đình,
Trai thanh gái lịch rập rình ghẹo nhau.
Các bà bỏm bẻm nhai trầu,
xum xoe thằng mõ theo hầu các ông.
Ngày mùa vui vẻ trong đồng,
kẻ cầy, người cấy, kẻ trồng người câu.
Mục đồng chễm chệ lưng trâu,
Chiều tà về xóm gọi nhau ời ời.
Mấy cô tát nước yêu đời,
Mặt trời gác núi tươi cười về thôn.
Xa xa vọng tiếng ốc dồn,
Chuông chùa thánh thót thả hồn theo mây.
Buồn thay hoàn cảnh ngày nay,
Chỉ lo cùng sợ suốt ngày suốt năm.
Hòa bình viễn ảnh tối tăm,
Chiến tranh nguyên tử lăm lăm nở bùng».
(Nhớ quê, TH, tr.28-29)

«Hoài» ở đây đã nhuốm mầu và trở thành «Thương», thương cố hương, thương cố quốc, thương cố quận. Tâm tình thương cố hương, «thương đồng bào trong nước, quằn quại với tai ương» là tâm tình thứ hai của người tha hương, gắn liền với tâm tình hoài hương. Cái thương thứ nhất là thương buồn : «Buồn thay nước Việt ngày nay, Bất đồng chính kiến là rày xéo nhau. Trong khi các nước Tây Âu, Sống trong dị biệt tránh sầu nội tranh. Tự do kinh tế đua ganh, Mọi ngành đều tiến tiến nhanh kịp thời. Dân ta đói khổ ngập trời. Thiếu ăn thiếu mặc cuộc đời lầm than». (Ba mươi tháng tư, TH, tr.73). Từ thương buồn tới thương cảm, thương tủi : «Dân khổ cực thiếu ngô thiếu gạo, Đảng độc tài vô đạo vô luân. Thương thay muôn vạn thuyền nhân, chịu bao đau khổ vì cần tự do. Người ở lại âu lo nạn đói….Ăn thì đói, ốm đau thiếu thuốc. Thật tủi buồn cho quốc dân ta. Dưới thời xã hội cộng hòa, Không ngờ lại khổ hơn là thời xua». (Cảm nghĩ Đông Nhâm Tuất, TH, tr. 68-69). Tâm tư người tha hương, thương nước, thương dân thành ra não nuột, pha trộn nỗi hận buồn. Hận buồn vì nhân dân ngèo khổ lầm than; Hận buồn vì độc tài, đảng trị; Hận buồn vì không có tự do, dân chủ ; Hận buồn vì con người không còn nhân cách; Hận buồn vì cái gì cũng bị cưỡng bách, từ vật chất đến tinh thần; Hận buồn và oán trách, đành «Phiêu lưu sinh sồng quê người».

«Việt Nam xã hội cộng hòa,
Nhân dân ngèo khổ thật là lầm than.
Nhiều người chán đảng cả gan,
Trùng dương rẽ sóng vượt màn Mác-Lê.
Ôi độc tài! ôi đảng trị!
Nhân dân ta toàn bị những đau thương.
Mười lăm năm nội chiến do Bác chủ trương,
Nay tuy thống nhất, vẫn khổ trăm đường,
đời càng đen tối.
Gấm vóc giang sơn đang đỏ ối,
Tiên rồng nòi giống hết xanh tươi.
Tự do, dân chủ hết thời.
Với cộng sản, con người không còn nhân cách.
Từ vật chất đến tinh thần đều bị cưỡng bách.
Nên nhiều người oán trách ra khơi.
Phiêu lưu sinh sống quê người.
(Việt Nam đau thương, TH, tr. 48).

Dính liền với chữ «Hoài» và chữ «Thương» là chữ «Vọng», vọng hết chiến tranh, vọng phú cường, vọng hồi hương. Tâm tình vọng gắn liền với tâm tình thương. Bao nhiêu điều thương tiếc là bấy nhiêu điều hy vọng, mong ước. Nếu thương cho quê hương tràn ngập trong chiến tranh, hận thù, đau khổ, thì vọng sẽ là hết chiến tranh, giảm hận thù, bớt đau khổ. Đó là một niềm ước mong mạnh mẽ không chỉ cho người ở lại, mà cả cho người tha hương : «Máu chảy, thịt rơi, ruột rã rời. Đấu tranh chém giết mãi không ngơi. Hòa bình, hạnh phúc bao giờ đến» (Thú xoa mùa đông, TH, tr. 71) ? Đó cũng là điều rõ rệt «Ước vọng ngày xuân» : «Năm Hổ cầu mong hết chiến tranh. Khắp nơi mọi chốn hưởng thanh bình, Tiên rồng nòi giống thêm tươi đẹp, gấm vóc giang sơn lại tốt xanh. Tranh đấu, hận thù không khuyến khích, Khoan dung bác ái được đua ganh. Mậu thân, Ất mão bao đau khổ, Năm Hổ cầu mong hết chiến tranh». (Xuân Bính Dần, TH, tr. 10).
Nếu thương cho quê hương bị chính sách Mác Lê bạo tàn, nước kém mở mang, dân nghèo nàn, thì vọng sẽ là một nước Việt phú cường, thịnh vượng : «Nay thời chính sách bạo tàn, Nặng phần đảng trị, nhẹ phần lợi dân. Cho nên nước quá nghèo nàn, Kinh tài suy xụp lần lần thảm thương. Ngày nào nước Việt phú cường, Đề huề mạnh tiến trên đường thịnh hưng. (Ba mươi tháng tư, TH, tr. 74).
Nhưng điều mong ước lớn nhất cho người tha hương, biệt ly, có lẽ là ngày trở về, ngày vui xưa : «Người đi bèo dạt mây trôi, Khiến người ở lại bồi hồi nhớ thương…
Chia ly lòng quá mông lung,
Vì đâu lại xẩy ra khung cảnh này?
Trời cao biển rộng đất dầy,
Bao giờ lại thấy những ngày vui xưa»?
(Sầu chia ly, TH, tr. 82).
Diễn tả tâm tình vọng của người tha hương một cách đầy đủ nhất có lẽ là tuyệt phẩm đầy cung giọng Việt Nam «Bài hát xẩm» sau đây:

Non nước ơi !
Kể từ khi ta dấn thân ra đi lưu lạc chốn quê người,
Sầu chia ly sao chưa cạn
Mà cuộc đời buồn bã cứ qua trôi.
Hôm nay đây, lòng dạ quá bồi hồi,
Trèo lên con rồng sắt,
Ta ngồi, lướt thẳng về viếng quê hương
Non nước ơi!
Dân tình ta trông thật là đói rách, thảm thương:
Ăn chẳng đủ no, mặc không đủ ấm,
Đau yếu thời thường chẳng có thuốc thang.
Vật giá càng ngày nó lại càng tăng,
Làm cho dân chúng ngỡ ngàng, kêu than
Đời sống mỗi ngày một quá gian nan.
Non nước ơi!
Chẳng lẽ nào ta chịu mãi cảnh lầm than :
Thực dân rồi cộng phỉ,
Họ làm nát tan nòi giống Tiên Rồng.
Tình thương, than ôi không có dưới chế độ cộng đồng !
Hàng vạn người tránh nạn quỉ hồng,
Đã phải đau lòng, lữ thứ tha hương.
Non nước ơi !
Nhìn nước người,
Tự do và dân chủ, văn minh tiến bộ khôn lường,
Nông công giầu mạnh, kỹ nghệ thịnh cường,
Dân chúng no nê.
Trông lại nước ta, than ôi là thoái hóa!
Cộng phỉ tham nhũng trăm bề,
Chuyên môn dao búa,
Họ chẳng biết gì về tế thế kinh bang.
Nước non oi!
Luồng gió tự do,
Mai đây thổi tới, sẽ quét sạch phỉ phường,
Tha hương ta lại lên đường trở về kiến thiết quê cha.
Cùng nhau tô điểm sơn hà;
Toàn dân đoàn kết,
Sẽ hưởng an hoà, yên sống vui tươi.
Non nước ơi!
Tương lai rồi sẽ sáng ngời.
(Bài Hát Xẩm, TT, tr. 138-139).

2.2. Cảnh sống tha hương
Bên cạnh và song song với ba tâm sự tha hương, còn có những sinh hoạt hằng ngày của cuộc sống, rút tâm trí kẻ tha hương ra khỏi thế giới tâm tư, mà đi vào thực tế sinh hoạt hằng ngày, tách nhà thơ ra khỏi những tình cảm bi, hoài, vọng của người tha hương, mà đưa thi sĩ vào cái chân thực của đời sống hiện tại nơi quê người, đất khách. Cái chất liệu «chân» của nhà thơ không chỉ là chân chủ quan của tình cảm, mà còn là chân khách quan của thực tại, một thực tại bao gồm những cảnh sống khác nhau. Có lẽ ở đây, cái tinh thần khoa học khách quan của nhà khoa học bác sĩ Nguyễn Bá Hậu đã ảnh hưởng nhiều trên thi sĩ Phương Du. Sống tha hương, mà không bị tha hóa. Sống tha hương, mà vẫn «không quên hồn nước», vẫngiữ được căn tính, bản ngã thực của mình.
Cảnh sống gia đình hoà thuận êm ấm. Tha hương thực tế một mặt là sống trên đất khách quê người, mình có cảm giác bị tha hóa. Nhưng mặt khác mình vẫn là mình, nhà mình vẫn là của mình, gia đình mình vẫn là lãnh địa riêng của mình, với lối sống cá biệt riêng của mình. Xuân Tân Dậu, 10 năm sau khi đến Pháp, từ nhà nhìn ra vườn xuân của mình, trong niềm hạnh phúc, nhà thơ tha hương của chúng ta đã an bình bầy tỏ : «Ước gì cảnh đẹp bao quanh, Ngôi nhà tôi ở tốt xanh lâu dài, Giúp cho cuộc sống Hậu lai, Tiếng tăm, Hạnh Phúc không phai không mờ» (Vườn Xuân, TH, tr.11). Niềm tự hào không chỉ là cảnh đẹp bao quanh, nhưng là «nhà tôi», hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng, không chì là cái nhà của tôi, mà còn là «nhà tôi», là «em tôi», là «vợ hiền» của tôi nữa :
«Ba chục năm vàng sống cạnh em,
Đời tuy vất vả vẫn êm đềm.
Hai trai một gái vui đầm ấm,
Cháu nội, dâu hiền ấm cúng thêm.
Em là sao sáng dẫn đường anh,
Trong việc mưu sinh để tiến hành.
Khăn gói ly hương năm bảy mốt,
Gia đình sớm tránh họa tương tranh
Tha hương khởi thủy phận long đong,
Sống cảnh phiêu lưu nát cõi lòng.
Tằn tiện mua nhà tiền trả góp,
Nợ nay trang trải cũng gần xong.
Em thường lui tới Mẹ Maria,
Khấn nguyện Mẹ Hường rọi bước đi.
Tháng tháng hành hương sang nước Ý,
Cầu xin thế giới hết phân ly.
(Tặng Em, TH, tr. 93)
Cảnh sống nghề nghiệp thành đạt. Cảnh sống tha hương cụ thể nhất có lẽ là cảnh sống nghề nghiệp, nhất là khi nghề nghiệp này đã gắn liền với cuộc đời, trở thành đời tôi, dẫu có mỏi mệt, cũng luôn mải mê, ham thích : «Phần ba thế kỷ sống xa quê, Từ Á sang Âu phụng sự nghề. Thuở trước, bệnh tình dân Việt sợ, Giờ đây, thân chủ bạn Tây chê. Chương trình y dược từng ham thích, Học thuyết âm dương lại mải mê. Thiết, vọng, vấn, văn rồi chẩn đoán, Châm hoài, cứu mãi, mỏi tay ghê. (Đời tôi, TH, tr. 13)
Y khoa châm cứu là một nghề rất bận rộn, nhưng cũng mang lại nhiều say mê và niềm vui khi đạt những kết quả kỳ lạ.
«Từ sáng tới chiều mải cứu châm,
Sau khi tìm hiểu mạch nhu trầm.
Say mê điều trị nhiều căn bệnh,
Y học Tây phương chẳng để tâm.
Nhiều bệnh cứu châm khỏi rất nhanh,
Chữa không cần thuốc lại mau lành.
Đông y trị pháp kỳ lạ thật,
Biển Thước, Hoa Đà quá nổi danh»
(Nghề tôi, TH, tr. 30-31)
Nghề không chỉ bận để thực hành, mà còn bận để học hỏi, trao đổi, lưu truyền. Bác sĩ Nguyễn Bá Hậu, vì yêu nghề châm cứu, đã để tâm và dành nhiều thời giờ vào việc nghiên cứu và dự hội thảo quốc tế, để nghe chia sẻ và chia sẻ, phổ biến những kỹ thuật thực hành. Yêu nghề thành yêu phát triển nghề và tận tụy với những khách hàng và với những người cùng nghề. Và nhà thơ Phương Du đã ghi lại cái sinh hoạt vừa thích thú «xả hơi», vừa lôi cuốn «chăm chú», vừa thúc đẩy «hăng hái» này. «Nhâm Tuất đầu xuân viếng Mỹ chơi, Y khoa hội thảo, chốn xa vời, Hàng trăm thính giả nghe châm chú, Mấy chục danh sư nói xả hơi. Lên tiếng trình bày kỳ-huyệt-vị, Dang tay chỉ dẫn chính-kinh-ngôi.Đăng đàn giảng dạy lòng hăng hái, Phổ biến khoa châm tới mọi ngưới». (Dự hội nghị Nữu Ước, TH, tr. 50)
Cảnh sống ăn ở hàng ngày, mà việc «cơm áo gạo tiền» là một nỗi lo âu, phải chạy ngược xuôi, cũng là một cảnh sống thực khác, gắn liền với cảnh sống nghề nghiệp : «Ta nhớ đông xưa thuở thiếu thời, Hay cùng bè bạn họp vui chơi. Đông nay ta thấy bâng khuâng quá ! Mỗi kẻ mưu sinh một góc trời. Mỗi kẻ mưu sinh một góc trời, Với bao gánh nặng vác trên vai : Nuôi con dưỡng cháu hầu cha mẹ, Thuế má nợ nần trả mãi thôi. Thuế má nợ nần trả mãi thôi. Xưa vô tư lự dễ vui cười, Giờ đây lắm mối lo ấu đến, Lo kiếm ra tiền chạy ngược xuôi…. (Đông xưa, đông nay, TH, tr.37)
Kiếm tiền là một lo âu, tiêu tiền lại là một loay hoay khác. Chi tiêu phải cân nhắc, tính toán, nhất là khi phải chi tiêu lớn và cho những việc quan trọng, như mua nhà trả góp : «Ta là kẻ mua nhà trả góp, Phải lo tiền để nộp nhà băng. Chi tiêu sẽ bớt lố lăng, Sống đời tằn tiện khỏi tăng nợ nần. Nhà để ở ta cần phải có. Túi không tiền bị bó buộc vay. Nhiều năm cặm cụi loay hoay, Ba mươi cuối tháng phải xoay ra tiền…. (Mua nhà trả góp, TH, tr. 75).
Cảnh sống bạn bè văn hóa thi nhạc vui tươi. Trong công việc hằng ngày, không chỉ có «cơm áo gạo tiền» của thế giới vật chất kinh tế, làm ăn, sinh sống. Thế giới văn hóa xã hội, gặp gỡ, giải trí hơn, say mê hơn, với một giọng thơ vừa «diễu cợt», vừa «chân chất» hơn: «Giải trí gì bằng mã chược chơi ? Nhiều pha kỳ thú sướng quên đời. Đỏ đen cao thấp tùy hôm cả. Thua được hên xui có bữa thôi. Chì mó suốt ngày vui thích quá, Xuyên phình đôi lúc khoái mê tơi. Phát sồi bạch bản đều ưa hết. Xoa mãi sờ hoài chẳng muốn thôi» (Xoa mã chược, TH, tr. 21).
Trong thế giới văn hóa, ngoài những công việc giải trí, còn những công việc văn nghệ, văn chương, văn học. Những công việc chia sẻ giữa những bạn bè cũng là một thế giới hiện thực mà lời thơ mô tả cái chất «chân» có phần thích thú hơn, nhẹ nhàng, thanh thoát và êm đềm hơn. «Nhà tôi trúc mọc đầu vườn, Trên khu đồi vắng xanh rờn cỏ cây. Những ngày gió thổi hây hây, Ong bay bướm lượn vui vày vờn hoa. Những ngày nắng ấm chan hòa, Oanh ca yến hót quanh nhà mừng xuân. Hè về bóng ngả đầy sân, Anh em bạn hữu quây quần vui chơi. Chuyện trò nhàn ngắm hoa tươi, Bình thơ nghe nhạc quên đời cạnh tranh. (Nhà tôi, TH, tr.23).
Với những thành viên của Balê thi xã và của Câu lạc bộ Văn hóa Việt nam Paris, phòng mạch của bác sĩ Nguyễn Bá Hậu đã nhiều lần, nhất là vào những dịp minh niên, biến thành nơi trình diễn văn nghệ, với ca hát, ngâm thơ, xướng họa, hay phòng họp thuyết trình, trao đổi về văn hóa, khoa học, mà nhà thơ Phương Du và gia đình niềm nở tiếp đón mọi người. Nhà thơ Hương Bình Cao Văn Chiểu đã ghi lại một kỷ niệm trong những kỷ niệm rất đẹp ấy:

«Khai bút chào xuân vịnh thủy tiên,
Quây quần hội hữu đón minh niên.
Phương Du hội chủ lời trang trọng,
Thi bá Đào nương gợi xéo xiên.
Song Thái, Bằng Vân câu trác tuyệt,
Liên Trang, Bình Lãnh tứ hồn nhiên.
Thi ca ngâm vịnh mừng năm mới.
Tâm trí thanh tân giải hận phiền»
(Hương Bình Cao Văn Chiểu : Hội thơ đầu xuân, TH, tr. 123).
Trong bốn tập thơ của mình, Phương Du đã ghi lại 132 bài thơ xướng họa : 33 bài trong Tha Hương. 40 bài trong Tình Thương. 25 bài trong Tình thương 2 và 32 bài trong Hoa Tâm. Nhiều lần Phương Du đã làm «Thơ phóng sự» ghi lại những hội ngộ «thi nhạc» ấy, mà tiêu biểu nhất là hai bài sau đây.
Một bài ghi lại sinh hoạt

«Một chiều thi nhạc» :
«Chiều nay thi nhạc giao duyên,
Đàn ca quên tạm ưu phiền tha hương.
Tao nhân nào quản dặm trường,
Cùng nhau xum họp văn chương luận bàn.
Chiều nay mặc khách hân hoan,
Vịnh ngâm, xướng họa, muôn phần vui tươi.
Vướn thơ năng tưới, năng bồi,
Cây xanh, lá thắm, nảy chồi, đâm bông.
Chiều nay men tỏa đầy phòng,
Giọng ngâm ấm áp sưởi lòng thi nhân.
Êm đềm, truyền cảm, nhẹ nhàng,
Hồn thơ diễn tả rõ ràng từng câu.
Chiều nay bên cõi trời Âu,
Tiếng hò, điệu hát, tăng màu vườn thơ.
Phỉ lòng mặc khách mong chờ,
Giao duyên thi nhạc, giấc mơ trong đời»
(Chiều thi nhạc, HT, tr. 65).

Một bài tổng kết 20 năm thi nhạc vào năm Quý Mùi 2003:

Hai chục năm qua mỗi dịp xuân,
Ba lê mặc khách họp quây quần
Chung lưng vun bón vườn thơ Việt,
Gọt rũa từng câu, xướng họa vần.
Tạm gác ngoài tai những chuyện đời,
Ưu tư, phiền muộn, mặc đầy vơi.
Thả hồn bay bổngtheo mây gió,
Cùng với Nàng Thơ xướng họa chơi.
Viễn ảnh chiến tranh luống ngậm ngùi,
Bao người lâm nạn mất niềm vui.
Thi nhân coi nhẹ trò chanh chấp,
Chú trọng chia đau, xẻ ngọt bùi.
Bao kẻ cầm quyền sính chiến chinh,
Tác phong, tác quái, thích hư vinh.
Nguyệ cầu Thượng Đế xin soi sang
Cho họ thay tâm tạo thái bình.
Chân thành cảm tạ các thi nhân,
Đã đến Hồng Sơn (Montrouge) trả nợ vần.
Nhân dịp xuân sang mừng chúc bạn
Tràn đầy sáng tác, hưởng nhiều ân.
(Thi hội xuân Quý Mùi, HT, tr. 77)

Cảnh sống thế giới du lịch sống động. Với quyết tâm «Không sao lãng văn thi», «Vui sống với nàng thơ», «Vun bồi văn chương Việt», để «Không quên hồn nước», và «Tưởng nhớ quê hương», sinh hoạt văn hóa thi văn đã là sinh hoạt đặc biệt ưu đãi và quan trọng của Phương Du và đã dẫn ông đến một sinh hoạt khác, cũng thích thú và quan trọng không kém, đó là sinh hoạt du lịch hoàn cầu sống động để gặp gỡ bạn bè, khám phá cảnh đẹp, người tài.
13 bài thơ đã được viết về đề tài này, trong bốn tập thơ của Phương Du. 11 trên 13 bài đã được viết trong tập thơ Tha Hương về những cảnh du lịch khác nhau : Vịnh thác Niagara, Mỹ du ký (Nữu ước, Kansas, Houston, Texas, California, Mount Vermon, Arlington cemetery, sông Potonac, Virginia), Đông du (Hoa Trung), Bãi biển hè (Saint Tropez) Dự hội nghị Nữu Ước, Tháp Effel, Non nước Salzbourg (Cộng Hòa Áo), Kinh thành Vienne, Vịnh Hạ Long, Leo đèo Ngoạn Mục. Trong tập Tình Thương, chỉ có 1 bài về Du hành Canada (Montréal). Trong tập Hoa Tâm cũng chỉ có 1 bài về Tháp World Trade Center. Sau đây, xin mời độc giả làm một cuộc Mỹ Du, qua vài đoạn trích từ bài “Mỹ Du Ký”, và thưởng thức lời thơ lục bát bình dân, lối tả đơn sơ, nhẹ nhàng, sống động và đầy tình đất, tình người của Phương Du:

Bao năm vất vả đấu tranh,
Hè này ta rảnh du hành Mỹ chơi.
Cưỡi con rồng sắt lưng trời,
Vượt non, vượt biển xa vời lướt trôi.
Xuyên mây, nhả khói tơi bời,
Ào ào rẽ gió, xé trời ầm vang
….
Đương trong giấc điệp triền miên,
Bỗng rồng ngừng lướt ta liền tỉnh ra.
Là ta đã đến sơn hà,
Mỹ châu Nữu Ước ta đà đặt chân.
Thoạt tiên ta đến trung phần,
Thăm con, thăm cháu ở gần Kan-sa.
Thăm vài thị trấn gần xa,
Thăm mồ da đỏ, thăm nhà Ai –dăng.
….
Chặng nhì ta xuống Hiu-Tan,
Thăm giàn hỏa tiễn, phi đoàn không gian.
Ở đây đông đảo Việt Nam.
Mọi người vui vẻ chăm làm đua ganh.
Trời tuy nóng bức hoành hành,
Nhưng nhờ máy lạnh, hạ thành ra đông.
Tếch-xa đồng cỏ mênh mông,
Nhiều mì, nhiều lúa, nhiều bông, nhiều dầu.
Là nơi nổi tiếng từ lâu,
Về ngành điện tử đứng đầu vẻ vang.
Rồi ta tiếp tục lên đàng,
Bay qua sa mạc, bay sang tây miền.
Ca-li giải đất thần tiên,
Nắng tươi, gió mát triền miên tứ thời.
Công viên du khách ngập trời,
Dọc đường xa lộ xe hơi quá nhiều.
Khen thay di tản Việt-Kiều,
Tới đây lập nghiệp được nhiều thành công.
…..
Nghẹn ngào ly biệt miền tây,
Anh em thơ thẩn giơ tay vẫy chào.
Lại con rồng sắt ngày nào,
Đưa ta đến gặp kiều bào miền đông.
Thăm đồi lịch sử Véec-nông,
Thăm tòa Bạch Ốc, Linh-tông mộ sầu,
Bâng khuâng ta đứng trên cầu,
Sông Pô-tô-mắc xem tầu lướt trôi.
Lặng lờ dòng nước chia đôi,
Bên là thành phố, bên là Gi-na.
Hỏi thăm bè bạn gần xa,
Đều là hạnh phúc làm ta vui mừng.
Bõ công di chuyển ngàn trùng,
Ta về sẽ hẹn trùng phùng mai đây.
Ngẫm xem con tạo vần xoay,
Nay đây, mai đó, sum vầy lại xa.
Ơn trời rộng lượng bao la,
Ở cho có đức là ta toại nguyền.
(Mỹ du ký, TH, tr. 16-18)

Cảnh sống tâm linh hành hương cầu nguyện. 12 bài thơ đã được Phương Du viết về đề tài này. Trong tập Tha Hương có 5 bài : Hành hương San Damiano (Nơi Đức Mẹ hiện ra nhiều lần ở Bắc Ý), Hành hương San Damiano lần thứ 2, Hành hương Lamã, Hành hương Medjugorje (nơi Đức Mẹ đã hiện ra hơn 1000 lần từ 1981, ở Nam Tư), Hành hương Lộ Đức.
6 bài được viết trong Tình Thương là : Thánh đường Montmartre, Hành hương La Salette, Hành hương Jérusalem, Hành hương Fatima, Hành hương Boitsfort (nơi Chúa hiện ra với ông André, ngoại ô Bruxelles), Hành hương Carthage (Một tỉnh nhỏ ở Missouri, Mỹ, nơi hành hương hàng năm của người Việt Nam). Và 1 bài trong Tình thương 2 về Medjugorje. Trong tập thơ Hoa Tâm, 3 bài về hành hương đã được trình bày, nhưng đều là những bài lấy lại trong tập Tha Hương.
Tâm tình mở rộng về tâm linh, vãn cảnh, hành hương, cầu nguyện. Trong cảnh sống này, thơ phong của Phương Du không khác xa thơ phong du lịch thế giới sống động bao xa. Cũng bình dân, nhẹ nhàng, đơn sơ, sống động và đầy tình cảm. Nhưng thơ phong du lịch nhuộm mầu tình đất, tình người. Còn thơ phong hành hương thắm sắc tin cậy, nguyện cầu, xin ơn.

Đoàn người già trẻ vui mừng,
Xuyên sơn vượt biển băng rừng hành hương.
Ngày đêm giong ruổi dặm trường,
Sau hai ngày tới Thánh Đường Mét-Dư.
Trong vùng đồi núi Nam Tư,
Nơi đây Mẹ hiện đã từ ba năm.
Chiều chiều mẹ đoái xuống thăm,
Mấy em sơn cước đăm đăm bái chờ.
Trong gian phòng cạnh bàn thờ,
Mẹ khuyên đừng có hững hờ lời răn :
Hãm mình, cầu nguyên, ăn năn,
Phải hoà hợp lại, đừng hằn thù nhau.
Đừng làm Chúa phải buồn rầu,
Đừng nghe ác quỷ mắc sầu chiến tranh.
Chúng con xin Mẹ ơn lành,
Xin cho nhân loại thoát vành quỷ ma.
Tình thương Mẹ quá bao la,
Chúng con xin Mẹ ban hoa Hoà Bình.
(Hành hương Medjugorje, TH, tr. 98)

«Tha Hương» là tập thơ thứ nhất của Phương Du. Đó là một tập thơ, trong đó Phương Du đi tìm cái «Chân» của «Tâm Tình tha hương» và cái «Thật» của «Cảnh sống tha hương». Tâm tình tha hương cảm xúc với ba chân tình đậm là «hoài, thương và vọng» cố hương Việt Nam. Cảnh sống tha hương ghi nhận năm cảnh sống thực là gia đình hoà thuận êm ấm, nghề nghiệp thành đạt, bạn bè văn hóa thi nhạc vui tươi, thế giới du lịch sống động và tâm linh hành hương nguyện cầu. Tâm tình và cảnh sống tha hương, đó là hai khía cạnh nổi bật về nội dung “Tha Hương” chính thức đã được loan báo ở «Lời mở» của thi tập «Tha Hương».
Thực ra trong thi tập Tha Hương, một số không nhỏ những bài thơ đã vượt ra khỏi nội dung tha hương, để vươn lên hay nói trước về «cái tốt», «cái thiện», là đề tài chính của hai thi tập «Tình thương» và «Tình thương II». Không những thế, mà nhiều bài thơ ở tập «Tha Hương» còn đề cập cả đến «cái đẹp», «cái mỹ», là đề tài chính của thi tập thứ tư «Hoa tâm».
Và ngược lại, nhiều bài thơ về «tâm tình và cảnh sống tha hương» đã được tiếp tục trong ba tập thơ «Tình Thương», «Tình Thương II» và «Hoa Tâm».

3. Lời kết của thi tập với bài thơ «Tri ân Hội Y sĩ thế giới» và bài thơ «Cảnh già»
Theo sổ mục lục tập thơ «Tha Hương» in trong bốn trang 150-153, thì bài thơ cuối cùng là «Tri ân Hội Y-sĩ Thế Giới», trình bày ở trang 147 và bản dịch sang thơ Pháp ngữ với đầu đề “Aux Médecins du Monde hommage & Reconnaissance” ở trang 148.
Bài thơ này rõ rệt là lời kết của thi tập, mở ra một đường mới, đường Tình Thương. Nó ghi nhận những quyết chí, những hy sinh, những cứu vớt mà những đoàn y sĩ của hội “Y-sĩ Thế Giới” Pháp đã dành cho những thuyền nhân Việt Nam vượt biển đi tìm tự do, và đã tiếp nhận họ trên lãnh thổ Pháp, chính thức từ năm 1979, và trước đó, từ năm 1975.
Không nói hết ra, nhưng ngầm ý, Phương Du muốn cám ơn cả xã hội Pháp, từ những người bình dân, đến những đại trí thức Jean-Paul Sartre, Raymond Aron, Michel Foucault, André Glucksmann, và những nhân vật quốc gia, như Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing, Đức Hồng y François Marty, nhà chính trị Michel Rocard, ca sĩ kiêm diễn viên Yves Montand…

”Tri ân nghĩa cử từ bi,
Cứu người vận hạn, chẳng gì đẹp hơn”.
Tri ân Hội “Y sĩ thế giới”
Quý trọng thay !những đoàn y –sĩ,
Bỏ phồn hoa quyết chí ra khơi,
Hy sinh đến chốn xa vời,
Biển sâu Nam Hải vớt người trầm luân.
Họ tìm cứu thuyền nhân lâm nạn,
Vì tự do mạnh dạn ly hương,
Trốn đi nguy hiểm trăm đường :
Công an rình rập, đại dương song ngầm.
Vừa thoát khỏi gong cùm đảng bác,
Phải đương đầu hải tặc quỷ xanh,
Giết người, cướp của, bạo hành
Thuyền nhân bao kẻ bỏ mình ngoài khơi.
Để bày tỏ long người vượt biển,
Vài vần thơ gởi đến lương y,
Tri ân nghĩa cử từ bi,
Cứu người vận hạn, chẳng gì đẹp hơn.
(Tri ân Hội “Y sĩ thế giới”, TH, tr. 147)
Thực ra, sau bài thơ «Tri ân hội Y-sĩ Thế giới» còn có bài thơ «Cảnh già». Bài thơ này, dẫu không được ghi trong sổ mục lục của tập thơ, nhưng thực sự là bài thơ cuối cùng của tập thơ, được ghi ở trang 149. Cảnh già là lối mở thứ hai của tập thơ Tha Hương, dẫn vào ý tưởng nhân sinh của Việt Nam «Sinh ký, tử qui», dẫn vào tâm linh, có thề được coi như lời kết chẳng những của thi tập «Tha Hương», mà còn là của cả toàn thể bốn thi tập của Phương Du. «Cảnh già» là điểm tới, là kết cục, là lúc «sửa soạn ngày mai về với Chúa» và đường vào tâm linh theo «Những điều Mẹ dạy gắng làm theo».
«Cảnh già»
Càng già, thể xác lại càng teo,
Tuổi trẻ ngày xanh đã lướt vèo.
Mắt kém, lưng còng, tai nghễnh ngãng,
Răng long, đầu bạc, má nhăn nheo.
Chân tay lẩy bẩy nên lười bước,
Gân cốt lung lay hóa ngại leo.
Sửa soạn ngày mai về nước Chúa,
Những điều Mẹ dạy gắng làm theo.
(Cảnh già, TH, tr. 149)

 

VÀI CẢM NHẬN VỀ THƠ PHƯƠNG DU

Đọc hết 138 bài thơ trong thi tập «Tha Hương», một sự kiện khách quan ai cũng nhận thấy là, về thể thơ, Phương Du là một nhà thơ đa dạng, làm đủ mọi thể thơ, từ đường thi, thất ngôn, ngũ ngôn, tứ tuyệt, qua lục bát, song thất lục bát, ca trù, hát xẩm, đến thơ mới, thơ tự do.
Hầu như hết mọi thể thơ đều đã được xử dụng trong tập thơ Tha Hương. Trên tổng số 138 bài thơ, thơ Đường, với thất ngôn bát cú, ngũ ngôn và tứ tuyệt, gồm 86 bài, chiếm tỷ số 62%. Thơ Việt Nam, gồm 52 bài, chiếm tỷ số 38%, trong đó có 35 bài thơ lục bát, chiếm 25%; 10 bài song thất lục bát, chiếm 8% và 7 bài hát nói, chiếm 5%.
Trong bài viết này, theo nội dung cảm xúc, nhận định và tư tưởng của Phương Du, dẫu không chủ ý, cùng với những câu trích rải rắc, chúng tôi cũng đã trích hầu như trọn vẹn 13 bài thơ, trong đó nhiều thể thơ đã được nhận ra : 7 bài là đường thi thất ngôn hay ngũ ngôn, 3 bài lục bát, 1 bài song thất lục bát, 1 bài hát nói, và 1 bài hát xẩm.
Cái đa dạng về hình thức thể loại thơ dẫn theo cái phong phú về ý tưởng. Qua một chủ đề nội dung là Tha Hương, Phương Du đã đề cập đến rất nhiều khía cạnh của nó : từ những cái chân của cảm tình chủ quan với quê hương, quốc gia, đất nước, đến những cái thật của cảnh sống khách quan, từ những sinh hoạt thực tại cá nhân gia đình, nghề nghiệp, qua những sinh hoạt thực tế xã hội, bạn bè, du lịch thế giới, đến hành hương tâm linh, cầu nguyện. Từ những nhận định về nếp sống, về tình đời, đến những suy tư về tình thương, về cái hay, cái tốt của tình thương, của tình người. Từ những khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, qua những chiêm ngưỡng và tuân giữ nếp sống nhân nghĩa truyền thống đến những học hiểu, thán phục và ca ngợi những cái đẹp của các giáo lý Khổng, Lão, Phật, Chúa, Mẹ.
Cái đẹp đầu tiên và chính yếu, căn bản của thơ Phương Du là cái đẹp nội tại, đẹp từ trong cái nội dung, cái tâm tình hoài hương, thương dân, thương nước, ước vọng thanh bình, phú cường cho quốc gia, dân tộc. Cái đẹp này là một sự cảm xúc, rung động chân thực, bột phát và tức khắc của một tâm hồn Việt Nam chân nhất, đơn sơ, trào ra mỗi khi «chiều đến, ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ» ! Cái đẹp này là sự thương mến cảm thông «Dân ta đói khổ ngập trời, Thiếu ăn thiếu mặc cuộc đời lầm than» ! Cái đẹp này là lòng ước vọng, mong sao «Ngày nào nước Việt phú cường, Đề huề mạnh tiến trên đường thịnh hưng».
Sống «Tha Hương», chẳng những không bị tha hóa, mà vẫn giữ được bản tính của mình, nếp sống gia đình truyền thống của mình, chung thủy, thuận hoà, từ hiếu. Chẳng những không bị thất truyền, mà còn phát triển và thành đạt được trong nghề của mình. Duy trì và thăng tiến được liên lạc bạn bè của mình, trung tín, lễ nghĩa. «Không quên hồn nước», không quên tiếng việt của mình, mà còn làm cho trong sáng hơn, phong phú hơn, vui tươi hơn trong giao thiệp hằng ngày và trong thi ca xướng họa. Không bị cô đơn, mà hoà đồng, kiêm ái, tứ hải giai huynh đệ ; mà giữ gìn truyền thống nhân ái «thương người như thể thương thân». Không bị tha hóa, vong thân, cũng chẳng bị đồng hóa, mà vẫn giữ được căn tính của mình, chủ thể tính của mình.
Cái đẹp này là cái đẹp được thấy «Cháu nội, dâu hiền ấm cúng thêm». Được chứng kiến «Nhiều bệnh cứu châm khỏi rất nhanh». Được tham dự «Hai chục năm qua mỗi dịp xuân, Ba lê mặc khách họp quây quần, Chung lưng vun bón vườn thơ Việt, Gọt rũa từng câu, xướng họa vần». Được «Bao năm vất vả đấu tranh, Hè này ta rảnh du hành Mỹ chơi». Được «Ơn trời rộng lượng bao la, Ở cho có đức là ta toại nguyền. Và được «Sửa soạn ngày mai về nước Chúa, Những điều Mẹ dạy gắng làm theo».
Đây là cái đẹp chủ thể làm chủ động, vừa biết vượt trên thực tại vật chất để rung cảm với những tâm tình bột phát, những cảm xúc thiên nhiên, thoát tục, tâm linh, vừa biết đi vào thực tại, để ghi nhận những dữ liệu thực tế, thẩm lượng, định giá, hầu thực hiện sáng tạo. Cái đẹp này bao hàm một cái gì là chân, là thật, gói ghém một cái gì vừa tốt, vừa thiện và đưa tới một cái gì vừa cao, vừa siêu, vừa cao cả, vừa tâm linh. Đẹp, Tốt, Thật ; Mỹ, Thiện, Chân là ba cực ôm quấn vào nhau của một vòng tròn Thái Cực đồ «Thơ Phương Du».
Về nội dung mới này, ta có thể bảo rằng Phương Du là một trong những người đã khai phá ra một thế hệ mới trên thi đàn văn học Việt Nam cho thời hậu chiến. Khác với thơ thời tiền chiến 1930-1945 và thơ thời chiến 1945-1975, thơ thời hậu chiến 1975-2015 nở rộ ra ở hải ngoại với dòng thơ THA HƯƠNG. Chính Phương Du đã là người đầu tiên ấn hành 4 thi phẩm : «Tha Hương» vào năm 1986, «Tình Thương» vào năm 1991, «Tình thương II» vào năm 1993 và «Hoa Tâm» vào năm 2002 và tái bản năm 2008. Trong tất cả bốn thi phẩm này, ngay cả trong ba tập thơ về chủ đề Tình Thương và Hoa Tâm, đều tràn trề những bài thơ, những lời thơ Tha Hương.
Sau đó, dần dà, những đề tài về «lưu vong», «lưu dân xa xứ» đã được một số tuyển tập thơ hải ngoại giới thiệu và phổ biến. Năm 2003 tuyển tập Một phần tư (1975-2000) thế kỷ Thi Ca Việt Nam Hải Ngoại đã được Võ Đức Trung [1] xuất bản ở Pháp. Cùng năm 2003 một tuyển tập thơ hải ngoại khác, tên là Lưu Dân Thi Thoại, đã được Diên Nghị & Song Nhị [2] cho xuất bản ở Mỹ. Tuyển tập thứ ba đã được Nguyễn Thùy [3] biên soạn dưới tựa đề Khung trời hướng vọng và xuất bản ở Pháp năm 2005. Tuyển tập thứ tư dưới tựa đề Kỷ yếu 20 năm văn học Cội Nguồn 1993-2013 đã được cơ sở Thi Văn Cội Nguồn [4] xuất bản ở Mỹ vào năm 2013.
Nhiều ý ắt phải nhiều lời. Lời của Phương Du rất bình dân, giản dị, nhưng cũng rất phong phú, rất tự nhiên và chân thật, và cũng rất dồi dào âm sắc và nhạc tính ; chân thật và truyền cảm về ghi nhận, sắc sảo phân biệt tốt xấu về phê phán, súc tích phong phú về sáng tạo đẹp tươi ; trong sáng và dễ hiểu về tâm linh.
Ngoài cái đẹp về ý, thơ của Phương Du còn có cái đẹp về lời thơ. Nét đặc sắc và độc đáo về lời đẹp của thơ Phương Du là lời của ông có nhiều chất dân gian, bình dân. Những đề tài của 138 bài thơ trong «Tha Hương» đều có chất dân gian. Vì hầu hết các đề tài này đều là những đề tài gắn liền đến cuộc sống và lời nói hằng ngày của người bình dân. Đời tôi, Nhà tôi, Nghề tôi, Làng tôi, Đất Nước Tôi. Vườn Xuân, Vui Xuân, Chào Hè, Bãi biển Hè, Thu Về, Thu Xa Quê, Thu Xưa Thu Nay, Đông Về, Đông xưa Đông nay. Nhớ Quê, Hận Ly hương, Nhớ Bạn, Buồn Thế Sự, Sầu Chia Ly,…
Đề tài gắn liền đến cuộc sống dân gian, bình dân đã vậy, mà ngữ liệu, ngôn từ xử dụng, đều rất gần với tục ngữ, ca dao, là thứ ngôn ngữ thường ngày của dân gian, quần chúng, bình dân.
Để chứng tỏ và thưởng thức nét đẹp của lời thơ có nhiều chất dân gian, bình dân và phong phú này của lời thơ Phương Du, và đồng thời để chấm dứt bài «Đọc Thơ Tha Hương của Phương Du» này, xin mời độc giả đọc bài «Làng tôi», mà tôi nghĩ rằng Phương Du rất ưa thích. Lý do vì trong lá thơ Phương Du vừa gửi cho tôi ngày 14.01.2016, ông đề nghị với tôi rằng : «Bài lục bát nhan đề «Làng Tôi» ở trong Tha Hương, trang 35, tôi muốn đổi vài chữ và thêm hai câu ở cuối bài, để đưa vào hình ảnh rất đẹp của làng Việt Nam ta». Xin mời Độc giả đọc bài thơ đã phổ biến từ năm 1986, mà nay, 2016, đúng 30 năm sau, đã được tác giả đọc lại và thêm vào đó hai chữ ở câu thứ tám «Ưa nuôi gà vịt, thích trồng bưởi cam» và hai câu mới cuối cùng ở cuối bài «Là nơi hè sáng tinh sương, Trông như xanh tổ ánh dương chan hòa».

Làng tôi ở tỉnh Hà Đông,
Thôn trên xóm dưới, ruộng đồng bao quanh.
Làng tôi có lũy tre xanh,
Con ngòi nước chảy long lanh dưới cầu.
Làng tôi dân chúng không giầu,
Cấy cầy mùa hạ, làm mầu mùa đông.
Làng tôi đa số tiểu nông,
Ưa nuôi gà vịt, thích trồng bưởi cam.
Làng tôi có gió nồm nam,
Chiều hè đàn trẻ mê ham thả diều.
Làng tôi có tiếng chuông chiều,
Ngân dài một điệulàm xiêu tâm hồn.
Làng tôi có tiếng ốc dồn,
Giục dân về xóm, hoàng hôn xuống dần.
Làng tôi chùa đẹp bội phần,
Hồ sen bán nguyệt, nằm gần tháp chuông.
Làng tôi có lắm chim muông,
Sáng kêu ríu rít như tuồng gọi nhau.
Làng tôi san sát vườn cau,
Ông già bà lão ăn trầu nhuộm răng.
Làng tôi có hội hoa đăng,
Trai thanh gái lịch tung tăng sân đình.
Bao nhiêu cảnh vật hữu tình,
In sâu vào óc những hình ảnh quê.
Nay tuy bận rộn trăm bề,
Nhưng luôn tưởng nhớ hướng về cố hương.
Là nơi hè sáng tinh sương,
Trông như xanh tổ ánh dương chan hòa.
(Làng tôi, TH, tr. 35, cập nhật theo thư ngày 14.01.2016)

Paris, tháng 02 năm 2016
Gs Trần Văn Cảnh

Phụ chú:
(1). Võ Đức Trung (với sự cộng tác của Đỗ Bình và Nguyễn Thùy): Một phần tư (1975-2000) thế kỷ Thi Ca Việt Nam Hải Ngoại 2 (toàn bộ có 7 tập) ; Hallennes-Lez-Haubourdin (Miền Bắc nước Pháp) : Nhóm Văn Hóa Pháp Việt ; 2003 ; 372 trang. «Toàn Bộ Tập Hợp Thi Ca này nhằm mục đích duy nhất bảo tồn và lưu trữ cho mai sau một sinh hoạt tinh thần tuyệt vời và phong phú của người Việt Nam hải ngoại, những người đã đành lòng phải xa rời cái «Khung Văn Hóa» để mang chở nơi mình cái «Hồn Văn Hóa» âm ỉ đêm ngày ray rứt thân phận lưu vong, xem như một «gia tài Văn Hóa Việt Nam» đích thực vậy». Tập 2 này tuyển thơ của 30 thi sĩ Việt Nam hải ngoại.
(2). Diên Nghị & Song Nhị : Lưu Dân Thi Thoại, bút luận 25 năm thơ hải ngoại (1975-2000) ; San Jose : Cơ sở Thi văn Cội Nguốn ; 2003 ; 584 trang. «Luận giải về 48 nhà thơ được chọn lọc và giới thiệu một số bài thơ của họ, Lưu Dân Thi Thoại là tác phẩm kết tụ từ những trăn trở, thao thức, là tiếng nói của hàng triệu người con lưu dân Việt, là nhịp cảm xúc của thi ca, vọng về từ nghìn trùng cách trở đại dương của những người con, lưu dân xa xứ».
(3). Nguyễn Thùy : Khung trời hướng vọng ; Paris : Nắng Mới ; 2005 ; 564 trang. Là một tâm tình «Hướng vọng về Khung trời» cố hương chuẩn bị cho một «Ngày về» đem sức, đem khả năng cùng đồng bào trong nước xây dựng lại đất nước thực sự an lành tươi sáng sau bao tháng ngày bi thảm. Là một tập khảo luận thơ của 16 tác giả, đã phục vụ trong Quân đội miền Nam, đại diện cho người Việt Nam hải ngoại đã trưởng thành trên «Mẹ Đất» quê hương và trên «Mẹ Đất» của miền khách địa, lúc nào cũng vọng hoài «Cha Trời» cố quận.
(4). Cơ sở Thi Văn Cội Nguồn: Kỷ yếu 20 năm văn học Cội Nguồn 1993-2013 ; San Jose : Cơ sở Thi văn Cội Nguốn; 2013 ; 646 trang. Đây là một kỷ yếu ghi lại dấu mốc 20 năm sinh hoạt văn chương và văn học của các văn thi sĩ và thân hữu của Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn. Bốn phần đã được trình bày : 1- Quan điểm, nhận định, phê bình (12 bài); 2- Sáng tác, văn thơ (28 tác giả và giới thiệu một số sáng tác văn thơ của họ) ; 3- Tản văn (10 tác giả và giới thiệu một vài tản văn (và thơ) của họ ; 4- Hình ảnh (sinh hoạt Cội Nguồn).

 

Đăng ngày 19 tháng 10.2016