banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tiền dành xây tượng đài
để học sinh chịu rét


Trần Trung Đạo

Nhìn cảnh học sinh miền núi run rẩy trong cơn rét một người có lương tâm không khỏi xót xa.

Trong khi đó, theo VN Express: “Đề án Quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 được Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xây dựng, đang xin ý kiến cấp trên, có đề xuất xây thêm 14 tượng đài ở các tỉnh…. Nguồn vốn đầu tư xây dựng tượng đài bao gồm: vốn ngân sách Nhà nước Trung ương và địa phương, vốn tự có của các ngành và các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp.”
Dù vốn của nguồn nào, nói cho cùng cũng chỉ là xương máu của người dân. Đảng CSVN không làm ra được đồng nào, họ chỉ nặn ra chức tước để có lý do “lãnh lương”. Đó chẳng qua là một cách “tham nhũng hợp pháp”.
Nhật, cường quốc lớn thứ ba trên thế giới, có 13 bộ trưởng, CSVN có 22 bộ trưởng, 110 thứ trưởng, 201 phó chủ tịch UBND tỉnh.
Ngoài việc “trả lương” cho người sống, người dân Việt Nam còn phải “trả lương” cho người chết qua hình thức tượng đài.
Nhưng tại sao phải xây tượng đài lãnh tụ CS trong thế kỷ 21 này? Mời đọc để biết lịch sử và nguồn gốc của tượng đài.

LENIN VÀ CHÍNH SÁCH “TUYÊN TRUYỀN TƯỢNG ĐÀI”
Trong thời gian qua, hầu hết bài viết dù phê bình việc dựng tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La đều nhấn mạnh đến những yếu tố như tốn kém tiền bạc, nuôi sống tham nhũng, làm cho dân tình thêm đói khổ v.v... Những phê bình đó không sai nhưng chỉ là những tác hại về vật chất, các tác hại tinh thần do những tượng đài CS gây ra còn sâu xa và nguy hiểm hơn nhiều.

Tượng đài CS, một vấn nạn của các nước cựu CS
Khi người dân giành lại được quyền tự do, tượng đài cũng là nơi họ trút hết những hờn căm, phẫn uất đã bị dồn nén, chịu đựng bao nhiêu năm. Để bày tỏ thái độ dứt khoát với quá khứ, phản ứng cụ thể nhất của phong trào dân chủ cũng là giật sập tượng đài. Chỉ trong tháng 11, 1990, tại Ukraine và các quốc gia vùng Baltic, 70 tượng đài Lenin bị giật đổ. Để ngăn chận làn sóng giật sập tượng Lenin, tháng 10, 1990 Mikhail Gorbachev, lúc đó còn là Tổng Bí Thư CS Liên Xô, ra sắc lịnh ngăn cấm việc phá hủy tượng Lenin. Nhưng đã quá trễ, phong trào giật đổ tượng đài các lãnh đạo CS đã lan rộng không chỉ các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô mà ngay cả tại quê hương Nga của y.
Từ cuối năm 1989, hàng ngàn tượng đài các lãnh đạo CS tại 15 nước thuộc Liên Xô cũ, các quốc gia Đông Âu, Mông Cổ, Ghana, Ethiopia, Afghanistan đã bị giật sập, đập phá hay hủy hoại. Tuy nhiên, số lượng tượng đài các lãnh tụ CS cũng còn lại khá nhiều bởi vì kéo đổ hết là một việc khó khăn, đơn giản vì chúng quá nhiều, quá tốn kém và trong nhiều trường hợp dân chúng chẳng còn quan tâm đến những khối xi măng vô tri không làm ai sợ hãi nữa.
Hành động kéo đổ tượng Lenin tại thành phố Kharkiv, Ukraine vào tháng Chín năm ngoái, do đó, không phải là mới lạ. Tượng đài Lenin ở Kharkiv cũng không phải là tượng đầu tiên mà là tượng thứ 390 bị kéo xuống chỉ trong vòng 2 năm 2013 và 2014.
Trước đây, Ukraine đã từng là một trong vài nước đầu tiên phá đổ tượng đài Lenin vào đầu thập niên 1990. Việc kéo đổ tượng Lenin ở Ukranie lần này chỉ là cách để chứng tỏ là thái độ dứt khoát đối với Nga.
Số lượng tượng đài Lenin tại Nga còn lại nhiều nhưng không có nghĩa người dân Nga xem Lenin như là biểu tượng của ngước Nga. Dân chúng Nga yêu dân chủ kết án Lenin như một tội đồ dân tộc vì đã (1) xây dựng một chính quyền khủng bố có hệ thống để cai trị Nga suốt 74 năm; (2) tàn phá Đế Quốc Nga và giết sạch gia đình Nga Hoàng; (3) ký hiệp ước bán nước Brest-Litovsk sang nhượng đất đai của Nga cho Đức và các cường quốc Trung Âu; (4) gây ra cuộc nội chiến Nga sau khi cướp chính quyền 1917 dẫn đến cái chết của 15 triệu dân Nga vô tội; (5) tịch thu tài sản dân chúng, tàn phá nhà thờ, tu viện; (6) ký hàng loạt mật lịnh ám sát nhiều trăm ngàn người dân vô tội, nông dân có đất đai, tu sĩ và tín đồ Thiên Chúa Giáo.

Nguồn gốc của chính sách “Tuyên truyền Tượng đài”
Gần như quốc gia nào cũng có xây một số tượng đài để tưởng niệm các danh nhân, các anh hùng dân tộc của quốc gia họ như George Washington, Abraham Lincoln của Hoa Kỳ, Simon Bolivar, Manuel Carlos Piar của Venezuela, Trần Hưng Đạo, Quang Trung của Việt Nam v.v... nhưng chỉ có dưới các chế độ CS, tượng đài các lãnh đạo CS được sử dụng như một phương tiện tuyên truyền gây tác hại vô cùng độc hại, nhất là đối với các thế hệ trẻ.
Sắc lịnh “Tuyên truyền Tượng đài” do Lenin đề xướng có một tên khá dài “Về việc dời các Tượng đài được Dựng lên để Vinh danh các Nga Hoàng và Quan chức và việc Phát triển Đề án Tượng đài đã Cống hiến cho Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Nga” (On Removing Monuments Erected in Honor of Tsars and Their Servants and Developing a Project for Monuments Dedicated to the Russian Socialist Revolution) được công bố ngày 12 tháng Tư, 1918.
Chỉ trong vòng một tháng, các tượng đài vua chúa Nga bị kéo sập hay bị dời đi. Thời đó Lenin còn sống nên tượng đài được dựng lên đầu tiên là tượng đài Karl Marx do điêu khắc gia E. V. Revde đúc và đặt tại Penza. Hội đồng Ủy Viên Nhân Dân ngày 30 tháng Bảy, 1918 chấp thuận một danh sách đảng viên CS gồm 69 tên được xây tượng đài tưởng niệm. Lễ khai mạc mỗi tượng đài được tổ chức trọng thể. Sau khi Lenin chết, bộ máy tuyên truyền đảng CS tập trung vào việc biến Lenin thành bất tử qua việc đúc hàng ngàn tượng Lenin đủ kiểu và đặt tại khắp nơi.
Để gia tăng sản xuất tượng đài Nhà Máy Điêu Khắc Tượng Đài được chính thức khai mạc tại Leningrad năm 1922 để đúc tượng các “anh hùng lao động,” “anh hùng Xô Viết,” các lãnh đạo CS. Có nhiều năm nhà máy sản xuất đến 5 ngàn tượng đài CS. Trả lời phỏng vấn của báo Christian Science Monitor tháng 11, 1990, điêu khắc gia Albert Charkin, tác giả của nhiều mẫu tượng Lenin cho biết những hình ảnh Lenin đơn giản, khiêm cung, thân mật, gần gũi chỉ là những hình ảnh giả tạo.
Người đời nguyền rủa Stalin nhiều hơn Lenin nhưng quên rằng tất cả tội ác của Stalin đều phát sinh từ nền móng của cơ chế toàn trị do Lenin dựng lên, trong đó có cơ quan mật vụ Cheka khủng khiếp do hung thần Felix Dzerzhinsky lãnh đạo. Chỉ trong vòng một tháng từ tháng Chín đến tháng Mười, 1918, ước lượng đã có 10 ngàn đến 15 ngàn người bị cơ quan Cheka thủ tiêu. Danh từ “Khủng bố Đỏ” xuất hiện trong giai đoạn này.

Tượng đài các lãnh đạo CS tại 5 nước CS
Tại Bắc Hàn, toàn quốc có khoảng 34 ngàn tượng đài Kim Nhật Thành. Một tượng đài cho mỗi 3.5 kilômét và cứ 750 người dân có một tượng đài họ Kim. Không giống như một số tượng Lenin làm bằng đá, tượng cha con họ Kim đúc bằng đồng rất tốn kém. Tháng Bảy vừa qua, hai bức tượng đồng của cha con họ Kim được khánh thành một cách trọng thể tại tỉnh Pyongan. Để củng cố đặc điểm kế nghiệp, Kim Jong Un sẽ lần lượt cho thay thế tượng ông nội y đứng một mình bằng tượng của ông nội và cha y đứng cạnh nhau.
Tại Trung Cộng, theo BBC, nhiếp ảnh gia Cheng Wenjun đã đi khắp Trung Hoa lục địa để chụp hình các tượng đài Mao Trạch Đông và ông ta ghi nhận khoảng 2 ngàn tượng đài. Điều đáng lưu ý, một phần ba số tượng đài nằm trong khu vực các trường đại học. Nhân dịp kỷ niệm 120 năm sinh nhật của Mao, lãnh đạo Trung Cộng cho đúc một tượng Mao ngồi gác chân trên ghế bằng vàng và cẩm thạch, cao chỉ 80 cm, nặng 50 kilograms nhưng có giá thành lên đến 16 triệu Mỹ kim.
Tại Lào, tượng lãnh tụ CS Kaysone Phomvihane cũng có mặt trên nhiều công viên, cơ quan nhà nước. Năm 2004, Bắc Hàn đúc tặng Lào 200 tượng Kaysone Phomvihane bằng đồng để đặt tại các cơ quan đảng và nhà nước Lào.
Tại Cuba, mặc dù Fidel Castro chưa chết, tượng đài của y cùng với Che Guevara cũng đã được dựng nhiều nơi trên quốc gia hải đảo này.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Văn Hóa-Thanh Niên & Du Lịch, Việt Nam hiện có 134 tượng đài Hồ Chí Minh, trong đó gồm 103 tượng đặt tại các trụ sở cơ quan, 31 tượng được dựng tại các quảng trường. Theo kế hoạch từ nay đến 2030 sẽ xây thêm 58 tượng họ Hồ, nâng tổng số lên 192 tượng.

Tượng đài CS không phải là biểu tượng văn hóa của một dân tộc
Để binh vực việc xây tượng đài Hồ Chí Minh, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt nam, phát biểu: “Tôi cho rằng, không nên đặt vấn đề xây dựng những tượng như thế đắt hay rẻ. Trước khi phán xét phải nhìn nhận tổng thể giá trị văn hóa. Tượng đài sẽ là động lực cho sự phát triển, nên không thể nói vì còn nhiều người đói thì phải mua cơm trước. Đôi khi văn hóa cũng phải đi trước."
Ông Đào Ngọc Nghiêm không hiểu văn hóa là gì mà nói sảng, tượng đài Hồ Chí Minh không có liên hệ gì đến văn hóa Việt Nam.
Văn hóa được định nghĩa khác nhau ít nhiều tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu nhưng tựu chung là đời sống vật chất và tinh thần đặc thù của một dân tộc. Trong tuyên bố về các dạng văn hóa thế giới vào ngày 2 tháng 11, 2001, UNESCO định nghĩa văn hóa là “tập hợp của các đặc điểm cảm xúc, trí thức, vật chất, tinh thần riêng biệt của một xã hội hay một nhóm xã hội trong đó bao gồm cách sống, hệ thống các giá trị, truyền thống và niềm tin.”
Tạm gác qua chuyện đói no, chỉ bàn về văn hóa thôi thì tượng đài Hồ Chí Minh không phải là biểu tượng văn hóa hay một phần của văn hóa dân tộc Việt Nam vì hai lý do chính:
1. Tượng đài CS không mang tính văn hóa đặc thù
Với định nghĩa của UNESCO, các tượng đài CS, trong trường hợp này là tượng đài Hồ Chí Minh, không phải là biểu tượng văn hóa đặc thù của một dân tộc mà chỉ là sản phẩm tuyên truyền phát xuất từ một nguồn gốc CS do Lenin đề ra vào ngày 12 tháng Tư, 1918 tại Nga và đã được áp dụng giống nhau một cách chính xác tại hầu hết các quốc gia CS.
Lấy hình tượng các lãnh tụ CS hôn nhi đồng làm một thí dụ. Để che giấu tội ác, bộ máy tuyên truyền Liên Xô giới thiệu một Stalin hiền từ yêu nhi đồng. Ngay sau đó, Hồ Chí Minh ở Việt Nam cũng yêu nhi đồng, Mao Trạch Đông ở Trung Cộng yêu nhi đồng, Todor Zhivkov ở Bulgary yêu nhi đồng, Kim Nhật Thành ở Bắc Hàn yêu nhi đồng. Lãnh tụ khác nhưng cách thức, nội dung và mục đích đều giống hệt nhau.
2. Tượng đài CS không tồn tại với thời gian và truyền thống dân tộc
Như lịch sử thế giới cận đại chứng minh và người viết đã phân tích ở trên, tượng đài các lãnh đạo CS được dựng lên vì mục đích tuyên truyền nên phải bị phá hủy sau khi cơ chế chính trị tồn tại nhờ tuyên truyền và khủng bố sụp đổ. Như hai tác giả W. Logan và K Reeves viết trong tác phẩm biên khảo Những nơi đau nhức và nhục nhã: đương đầu với một “gia tài nan giải” (Places of pain and shame: dealing with "difficult heritage"), chế độ CS sụp đổ để lại những tượng đài như một gia tài không ai muốn nhận.
Chính sách “Tuyên truyền Tượng đài” dù đã chấm dứt trên quê hương của tác giả nó tròn một phần tư thế kỷ nhưng chất độc tư tưởng vẫn còn gieo rắc lên các thế hệ Việt Nam cho đến hôm nay.
Tiền bạc của cải dù thiếu thốn bao nhiêu cũng có ngày làm lại được, tương tự, các phương tiện khoa học kỹ thuật dù tiên tiến bao nhiêu cũng có thể học được nhưng giá trị văn hóa dân tộc rất khó phục hưng.
Cuộc tranh đấu để chống lại các tư tưởng CS ngoại lai, vong bản, vì thế, là một cuộc đấu tranh đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều hy sinh, kiên nhẫn và phải bắt đầu ngay hôm nay chứ không phải đợi đến khi chế độ CS sụp đổ.

Trần Trung Đạo
(Ảnh vietnamnet.vn và internet)

https://www.facebook.com/trantrungdao/



Chờ băng, đón tuyết...

Ngồi lai rai ở nhà bậc tiền bối; bên ngoài, gió cứ vô tư, thổi cuồn cuộn trong con ngõ toang hoác.
Tiếng TV từ xa vọng oang oang, nó được bật gần như hết cỡ bởi ông cụ nhà anh điếc; nhưng là lão thành, cụ vẫn cứ là phải xem, toàn những thứ như anh bảo, đồ “thổ tả cuốc doanh”!
Lo cho đám thân già, đến cái đoạn TV nó “phóng sự” về thời tiết, kể đến đám người đi từ 5h sáng; vượt trăm cây số, chờ đợi 5,6 tiếng vẫn cười tóe loe, nhai quà tồm tộp để hóng, thỏa mãn cho hể hả cái thú xem băng giá thì anh vểnh tai nghe chăm chú.
Lúc sau anh thở dài - những thanh âm hào hứng, hãnh diện từ TV vẫn vang vang hắt vào:
“Thực sự là rất tuyệt vời…”
“Thực sự là rất hẫng hụt vì nay hình như ấm hơn, lớp băng rụng rồi…”
“Mong sao cho nó lạnh thật lâu lâu vào…”
Người ta bảo thở dài là hay lây; mình cũng làm 1 hơi rồi thủ thỉ:
- Mùa này qua vùng cao Hà Giang hay Lai Châu, Cao Bằng thì… cũng rứa thôi; rét thế này, khổ nhất là trẻ con. Nhiều hôm trời rét cắt da, đi qua những nơi ấy vẫn thấy có trẻ con cởi truồng, xin ăn ngoài đường…
Cậu em vợ anh ngừng đũa, thảng thốt:
- Thế cha mẹ chúng đâu mà để con vậy? Trời này mà cởi truồng! Anh có nói vống lên không đấy?
Chưa kịp nói gì thì tiền bối nhìn cậu em:
- Còn hơn cả cởi truồng! Cậu ít lên nên cậu không gặp thôi… Mẹ chúng đi nương, mót dưa, mót sắn; cố cào về những luống cải rồi ra bán đường… Chỗ nào có mối, may thì rủ rau đi làm Samsung, may công nghiệp! Rét hay ấm, bố chúng nó chỉ ở nhà uống rượu, say suốt ngày… Trẻ con tự sinh tự diệt như cỏ dại; đứa lớn tự nấu cho đứa bé ăn…
Nếu là vùng biên, nhà nước cấp cho mỗi tháng mấy chục cân gạo; hết gạo thì ăn mèn mén… Đói, lạnh, hết gạo, hết ngô thì ra đường xin ăn… Hàng chục năm đã qua, với đường hướng này thì muôn đời vẫn vậy.
Cậu em anh chép miệng:
- Các bác nói mà thấy thương. Có ai chọn được nơi sinh đâu. Nhất là những đứa trẻ. Thế mà dân mình ngày càng vô tư quá nhỉ. Họ hồn nhiên mong ngóng, háo hức cầu khẩn đón rước những đợt lạnh chỉ là để phởn phờ lên ngắm tuyết rơi…
Chuyện mới đến đấy thì vợ chồng thằng con anh bế vội đứa cháu ra chen ngang:
- Vô duyên, thối não lắm cả nhà ạ. Họ còn bẻ cành cây đóng băng, định mang về cắm lọ nữa kìa…!
Đất nước tượng đài, lấy đâu ra chuyện hau háu mà tế nhị...
Tự dưng mình rùng mình. Đất này, xứ này mấy mươi năm rồi, tất cả vẫn đang được tưới cho đẫm thứ văn hóa gì vậy.
Thời tiết khắc nghiệt quá; thương cho cả vật lẫn người, mà chẳng biết làm sao…

 

 



Fb Bùi Phi Hùng
https://www.facebook.com/TinhthanTVB/

 

Đăng ngày 14 tháng 01.2021