banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

19 THÁNG 1 NHỚ VỀ HOÀNG SA

Tha hương nghìn dặm sơn khê
19 tháng 1 nhớ về Hoàng Sa
Nhớ các anh: Ngụy Văn Thà
Cùng đồng đội giữ Hoàng Sa năm nào
Lửa hồng Nhật Tảo (HQ 10) tự hào
Máu xương anh đã lẫn vào biển xanh
74 tử sĩ vinh danh
Sử xanh ghi nhớ các anh muôn đời

Cao Nguyên
Đáp Đền Sông Núi

 


Chiến hạm Nhật Tảo (HQ-10) và người chỉ huy – Thiếu tá VNCH Ngụy Văn Thà
Ảnh tư liệu/ Infonet

 

Người anh hùng họ Ngụy

Người yêu nước không thể nào là ngụy
Người chết vì nước như anh không thể nào là ngụy
Nhưng anh:
Là Ngụy Văn Thà
Anh – hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo
Lao thẳng vào tàu giặc cướp
Tên anh còn mãi với Hoàng Sa
Biển vật mình thét đại bác
Giặc bủa vây chiến dịch biển người

Lửa dựng trời dìm tàu giặc
Máu anh cùng đồng đội ngời ngời
Ôm chặt tàu
Ôm chặt đảo
Anh hóa thành Tổ quốc giữa trùng khơi

Gió mùa đông bắc gào khóc
Ngụy Văn Thà
Mãi mãi neo tàu vào quần đảo
Tổ quốc ngoài Hoàng Sa
Trận chiến ba mươi phút
Tượng đài anh là phong ba
Đỉnh sóng khói hương nghi ngút
Biển để tang anh bằng sóng bạc đầu

Quần đảo nhấp nhô mộ phần liệt sĩ
Linh hồn anh hú gọi đất liền
Ngụy Văn Thà
Tên anh không phải bài ca
Tên anh là lời thề độc:
– Phải giành lại Hoàng Sa
Sóng vẫn vồ lấy đảo…

Trần Mạnh Hảo
(RFA)


Tưởng niệm Hải chiến Hoàng Sa 19/01/1974

hoang sa

DANH SÁCH 74 ANH HÙNG TỬ SĨ HY SINH TRONG TRẬN HOÀNG SA 19-1-1974

1. Trung sĩ Trần Văn Ba (HQ 10)
2. Hạ sĩ Phạm Văn Ba (HQ 10)
3. Đại úy Vũ Văn Bang (HQ 10)
4. Hạ sĩ Trần Văn Bảy (HQ 10)
5. Thượng sĩ nhất quản nội trưởng ... Châu (HQ 10)
6. Trung sĩ nhất VT Phan Tiến Chung (HQ 10)
7. Hạ sĩ Nguyễn Xuân Cường (HQ 10)
8. Hạ sĩ Trần Văn Cường (HQ 10)
9. Trung sĩ Trần Văn Đàm (HQ 10)
10. Hạ sĩ nhất vận chuyển Nguyễn Thành Danh (HQ 4)
11. Hạ sĩ vận chuyển Trương Hồng Đào (HQ 10)
12. Hạ sĩ nhất Trần Văn Định (HQ 10)
13. Trung úy Lê Văn Đơn (Người nhái)
14. Hạ sĩ Nguyễn Văn Đông (HQ 10)
15. Trung úy Phạm Văn Đồng (HQ 10)
16. Trung úy Nguyễn Văn Đồng (HQ 5)
17. Trung sĩ.... Đức (HQ 10)
18. TT1/TP Nguyễn Văn Đức (HQ 10)
19. Trung sĩ Lê Anh Dũng (HQ 10)
20. Hạ sĩ Nguyễn Văn Duyên (HQ 16)
21. Thượng sĩ Nguyễn Phú Hào (HQ 5)
22. Hạ sĩ Nguyễn Ngọc Hòa (HQ 10)
23. Hạ sĩ Nguyễn Văn Hoàng (HQ 10)
24. Trung úy Vũ Ðình Huân (HQ 10)
25. Hạ sĩ Phan Văn Hùng (HQ 10)
26. Thượng sĩ nhất Võ Thế Kiệt (HQ 10)
27. Thượng sĩ Hoàng Ngọc Lễ (HQ 10)
28. TT1/TX Phạm Văn Lèo (HQ 10)
29. Thượng sĩ nhất CK Phan Tấn Liêng (HQ 10)
30. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lợi (HQ 10)
31. TT1/CK Dương Văn Lợi (HQ 10)
32. Hạ sĩ Ðỗ Văn Long (Người nhái)
33. Trung sĩ Lai Viết Luận (HQ 10)
34. Hạ sĩ nhất Ðinh Hoàng Mai (HQ 10)
35. Hạ sĩ nhất Nguyễn Quang Mến (HQ 10)
36. Hạ sĩ nhất Trần Văn Mộng (HQ 10)
37. Trung sĩ ... Nam (HQ 10)
38. TT1/TP Nguyễn Văn Nghĩa (HQ 10)
39. Trung sĩ Ngô Văn Ơn (HQ 10)
40. Hạ sĩ Nguyễn Văn Phương (HQ 10)
41. TT1/PT Nguyễn Hữu Phương (HQ 10)
42. Thượng sị nhất Nguyễn Ðình Quang (HQ 5)
43. TT1/TP Lý Phùng Quy (HQ 10)
44. Trung sĩ Phạm Văn Quý (HQ 10)
45. Trung sĩ Huỳnh Kim Sang (HQ 10)
46. Hạ sĩ Ngô Sáu (HQ 10)
47. Trung sĩ Nguyễn Tấn Sĩ (HQ 10)
48. TT/TP Thi Văn Sinh (HQ 10)
49. Trung sĩ Vận chuyển Ngô Tấn Sơn (HQ 10)
50. Hạ sĩ nhất vận chuyển Lê Văn Tây (HQ 10)
51. Trung tá Ngụy Văn Thà (HQ 10)
52. Đại úy Huỳnh Duy Thạch (HQ 10)
53. Hạ sĩ Nguyễn Văn Thân (HQ 10)
54. TT/DT.... Thanh (HQ 10)
55. Trung úy Ngô Chí Thành (HQ 10)
56. Hạ sĩ Trần Văn Thêm (HQ 10)
57. Hạ sĩ Phan Văn Thép (HQ 10)
58. Hạ sĩ nhất vận chuyển Lương Thanh Thi (HQ 10)
59. Thượng sĩ ... Thọ (HQ 10)
60. TT1/VT Phạm Văn Thu (HQ 10)
61. TT1/DT Ðinh Văn Thục (HQ 10)
62. Trung sĩ Vương Thương (HQ 10)
63. TT Nguyễn Văn Tiến (Người nhái)
64. Thiếu tá Hạm phó Nguyễn Thành Trí (HQ 10)
65. Trung sĩ Nguyễn Thành Trọng (HQ 10)
66. Hạ sĩ vận chuyển Huỳnh Công Trứ (HQ 10)
67. Thượng sĩ Ðinh Hữu Từ (Người nhái)
68. Trung sĩ Nguyễn Văn Tuân (HQ 10)
69. TT1/CK Châu Túy Tuấn (HQ 10)
70. Biệt hải Nguyễn Văn Vượng (HQ 4)
71. Trung úy Nguyễn Phúc Xá (HQ 10)
72. Trung sĩ Nguyễn Vĩnh Xuân (HQ 10)
73. Trung sĩ Nguyễn Quang Xuân (HQ 10)
74. Trung sĩ... Xuân (HQ 16)


Khắc khoải Hoàng Sa

Sau hiệp định Paris năm 1973, cuộc chiến tranh Việt Nam hiện nguyên hình, phơi bày đầy đủ bản chất thật của cuộc nội chiến Nam – Bắc và cuộc nội chiến đó đã đến hồi quyết liệt nhất.

Ở miền Bắc, bộ máy chiến tranh lùa sinh viện trong các trường đại học, cao đẳng, vét những thanh niên mười sáu, mười bảy tuổi ở làng quê vào lính. Những sư đoàn mới nối nhau ra đời, hối hả tung vào mặt trận miền Nam. Trang bị của những người lính đi vào cuộc chiến Nam – Bắc từ chiếc mũ cối trên đầu, đôi dép cao su dưới chân đến khẩu súng AK cầm tay, chiếc bi đông nước bên sườn, cuộn bông băng sơ cứu trong ba lô đều do Tàu Cộng cung cấp để Tàu Cộng nuôi dưỡng, thúc đẩy cuộc nội chiến.
Ở miền Nam, những trung đội địa phương quân vội vã hình thành, huấn luyện sơ sài, gấp gáp đưa ra giữ quần đảo Hoàng Sa, thay cho những tiểu đoàn chính qui tinh nhuệ đang giữ Hoàng Sa được rút về đất liền, ném ra mặt trận ngăn chặn sức tiến công ngày càng mạnh của quân miền Bắc.
Đúng lúc đó, Tàu Cộng đưa hạm đội hùng mạnh nhất họ đang có ra đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Mấy trung đội địa phương quân trang bị sơ sài cùng vài chiếc tàu chiến cũ kĩ, rệu rã đang giữ Hoàng Sa làm sao đứng vững được trước bão lửa xối xả từ hạm đội Tàu Cộng.

19.1.1974. 74 người lính Việt Nam kiên cường, 74 người con yêu của Tổ quốc Việt Nam bị vùi dưới đáy biển bởi đạn pháo Tàu Cộng.
19.1.1974. Tàu Cộng chiếm trọn vẹn quần đảo Hoàng Sa, dải cát san hô hương hỏa của cha ông người Việt để lại.

42 năm sau. Những trái tim Việt Nam trong CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn hẹn nhau sớm 19.1.2016 đến tượng đài Trần Hưng Đạo bên bến Bạch Đằng.
Để tưởng niệm 74 hồn thiêng Hoàng Sa, hồn thiêng của đất Mẹ Việt Nam.
Để cùng khắc khoải gọi tên Hoàng Sa! Hoàng Sa! mà khắc ghi trong dạ Hoàng Sa mãi mãi là một phần máu thịt của đất Mẹ Việt Nam.
Nhưng từ sớm 18.1.2016 những khuôn mặt an ninh quen thuộc vẫn thường đến chốt chặn trước nhà tôi lại xuất hiện. Họ nói thẳng với tôi rằng từ nay đến ngày 28.1.2016, ngày đảng hội của họ kết thúc, tôi không được đi đâu ra khỏi nhà! Thật là ngang ngược! Ngang ngược xé bỏ luật pháp nhà nước cộng sản của chính họ. Ngang ngược tước đoạt quyền con người cơ bản của tôi. Ngang ngược vì họ chỉ biết có bạo lực. Mà bạo lực là pháp luật tối cao của mọi nhà nước độc tài.

Không đến được tượng đài Trần Hưng Đạo tưởng niệm những người con yêu của Tổ quốc Việt Nam đã bỏ mình trong cuộc chiến giữ Hoàng Sa ngày 19.1.1974, tôi đành mở bức ảnh giáp tết năm 2014 tôi đến thăm gia đình đại úy hạm phó tàu Nhật Tảo HQ10 Nguyễn Thành Trí, con tàu cùng người chỉ huy và toàn bộ thủy thủ trên tàu mãi mãi nằm lại ở Hoàng Sa từ 19.1.1974.

© Phạm Đình Trọng


Sự khác nhau giữa 3 chữ

Nghĩa Sĩ , Liệt Sĩ và Tử Sĩ

Sự khác nhau giữa 3 chữ Nghĩa Sĩ , Liệt Sĩ và Tử Sĩ

Tác giả: Nguyễn Ngọc Nhi
(18/01/2016)

Vừa qua về việc đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) cho xây bia xây tượng tại Lý Sơn ghi là "Tưởng niệm Nghĩa Sĩ Hoàng Sa", nhiều người đã tưởng nhầm rằng đó là đảng CSVN đã thực lòng muốn ghi công hay tri ơn 74 người lính Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) hy sinh ngày 19.01.1974 chống Trung Cộng xâm lược.Họ đã lầm quá lớn! Đảng CSVN luôn coi VNCH là kẻ thù và không bao giờ có chuyện hoà hợp hoà giải thật sự chứ đừng nói là tri ơn. Và đó là lý do tại sao đảng CSVN chọn chữ Nghĩa sĩ chứ không dùng Liệt sĩhay Tử sĩ. Chữ Nghĩa sĩ ở đây chỉ dùng để chỉ ngư dân bám biển theo lệnh đảng bị Trung Quốc bắn chết oan mà thôi.
Dạo một vòng Facebook thấy có nhiều người nhầm lẫn cho rằng 3 chữ Nghĩa sĩ, Liệt sĩvà Tử sĩ có cùng một nghĩa và chỉ là phân biệt Bắc Nam hay phân biệt chế độ mà sử dụng khác nhau thôi. Sự thật 3 chữ này hoàn toàn mang ý nghĩa khác nhau, và không liên quan gì đến Bắc Nam hay chế độ.
1. Nghĩa sĩ: Là những người dân bình thường, chiến đấu vì Tổ quốc mà hy sinh thì gọi là Nghĩa sĩ. Họ không là quân lính chính quy, không thuộc một quân đội nào. Lúc còn sống họ được gọi là nghĩa quân, hy sinh rồi thì gọi là nghĩa sĩ. Ví dụ như Nghĩa sĩ Cần Giuộc là những nông dân đứng lên chống Pháp bị xử tử hình.
alt
Nghĩa quân Lam Sơn

2. Liệt sĩ: Là những anh hùng trung trinh tiết liệt, là những tấm gương sáng anh dũng tuyệt vời. Họ không phải là người lính, cũng không nằm trong quân đội chính quy, nhưng thường là những chí sĩ, nhân sĩ có học thức cao, có nhân cách lớn, vì nước hy sinh thì được gọi là Liệt sĩ. Ví dụ như Liệt sĩ Nguyễn Thái Học. Cô Giang, Cô Bắc thì được gọi là Liệt nữ.

alt
Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thái Học và Liệt nữ Cô Giang

3. Tử sĩ: Là những người lính vì nước hy sinh. Tại sao không gọi người lính hy sinh vì Tổ Quốc là Liệt sĩ hay Nghĩa sĩ? Vì người lính trong quân đội là người chiến đấu chuyên nghiệp. Họ được mướn (trả lương) và được huấn luyện chính quy để chiến đấu. Vì họ được trả lương nên việc họ chiến đấu và hy sinh là Trách Nhiệm, chứ không còn là vì Nghĩa nên không gọi là Nghĩa sĩ. Người lính có thể rất anh hùng, hy sinh rất anh dũng, nhưng đã là lính chuyên nghiệp thì trước khi bước chân ra trận đã biết mình có thể mất mạng, và đó cũng là Trách Nhiệm của người lính.
Người lính đang ở trong quân ngũ thì không có quyền rút lui. Bỏ quân ngũ đi không có phép thì bị tội đào ngũ và bị xử tội (thường là xử bắn !). Vì vậy họ có hy sinh thì đó cũng là làm tròn trách nhiệm nên không được gọi là Liệt sĩ.
Vì vậy việc đảng CSVN gọi tất cả những người lính tử trận là Liệt sĩ là tầm bậy, là không đúng với ngôn ngữ chuẩn của Việt Nam. Nhưng CSVN toàn là lũ thất học ! Hồ Chí Minh viết di chúc còn sai lên sai xuống, chính tả loạn tầm bậy thì làm sao biết dùng từ cho đúng.
Hơn nữa đảng CSVN thích cái danh cái mã bên ngoài, thích sự xưng tụng thái quá cho dù chẳng hề xứng đáng, vì thế mới vỗ ngực nào là quang vinh muôn năm, nào là đời đời sống mãi , nào là bách chiến bách thắng... Chỉ là những sáo ngữ rỗng tuếch !!!
Đó là chưa kể đảng CSVN lừa dân đi chiến đấu chết thay cho chế độ. Đánh Pháp đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô Trung Quốc chứ có phải đánh cho Tổ quốc quê hương? Đánh miền Nam là mở đường cho Trung Quốc xâm lược, đầu tiên là chiếm Hoàng Sa, sau đó là chiếm Trường Sa, rồi ải Nam Quan, thác Bản Giốc và nay là chiếm cả Việt Nam. Muốn lừa thì phải tâng bốc đám dân ngu lên cho cao, tặng bằng khen huân chương từa lưa, tôn lên làm Liệt sĩ cho dân ngu thấy sướng mà liều chết cho đảng.

alt
Ải Nam Quan hùng vĩ của tổ tiên ngày xưa, nay đã thuộc về Trung Cộng

Còn VNCH hiểu rõ ý nghĩa chữ Việt, nên không bao giờ dùng chữ Liệt sĩ cho người lính chết trận. Nếu họ hy sinh anh dũng thì gọi là Anh hùng Tử sĩ chứ vẫn không dùng Liệt sĩ.

Là người Việt mà ngôn ngữ mẹ đẻ của mình còn không thông hiểu, dùng bậy dùng bạ thì hỏi sao không bị cộng sản lừa hoài, không bị cộng sản ngồi trên đầu hoài?


Xây Khu tưởng niệm "nghĩa sĩ" Hoàng Sa:

Soi đèn cho con thấy đường về

 
Hình ảnh người mẹ thắp lửa tưởng nhớ những người con đã quên mình vì Hoàng Sa  - Ảnh: TLĐLĐVN cung cấp
Hình ảnh người mẹ thắp lửa tưởng nhớ những người con đã quên mình vì Hoàng Sa - Ảnh: TLĐLĐVN cung cấp
 
“Người mẹ thắp lửa”
Ngày 17.1, tại khu vực núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức lễ đặt viên đá, khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa.
Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa có tên “Người mẹ thắp lửa” do kiến trúc sư Trần Văn Dũng, Công ty CP tư vấn đầu tư bất động sản Việt Tín thực hiện, được chọn từ 100 bản vẽ, 5 mô hình, 21 bộ thuyết minh và đĩa CD mô phỏng công trình của 21 đơn vị, tập thể và cá nhân tham gia, trong cuộc thi phác thảo đồ án thiết kế xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa cách đây một năm, do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động.
 
Kề vai sát cánh đưa Hoàng Sa về với đất mẹ
Theo bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi kiêm Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, trải qua các thời kỳ lịch sử, Lý Sơn là nơi tập trung dân binh góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngày nay, trong tâm thức của người dân Việt Nam, Lý Sơn là tuyến đầu của Tổ quốc. Vì vậy, việc Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và sâu sắc không chỉ đối với cán bộ và nhân dân Lý Sơn mà còn đối với cán bộ, nhân dân và công nhân lao động cả nước để tưởng niệm, tri ân và biết ơn những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, thể hiện đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Máu của những người con đất Việt dù trong hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự trọn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Ghi nhận công ơn to lớn này là việc làm rất cần thiết của cộng đồng và xã hội.
“Với chức trách là Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, tôi vô cùng xúc động trước tình cảm to lớn của nhân dân cả nước đang tập trung hướng về Hoàng Sa-Lý Sơn”, bà Vân bày tỏ và nói rằng từ hàng trăm năm nay, Lý Sơn luôn gắn liền với Hoàng Sa. Đã có biết bao xương máu của lớp lớp dân binh đổ xuống từ thời ra đi mở cõi, cắm mốc, dựng bia để khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Bằng chứng sinh động nhất là hiện trên đảo có các di tích gồm: Tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, đình làng An Vĩnh và An Hải là thờ tự, tưởng nhớ các vong linh của các hùng binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được bao thế hệ người dân đất đảo kế tục, gìn giữ lưu truyền từ hàng trăm năm qua.
Cũng theo bà Vân, thời gian qua, nhất là từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa của ngư dân Lý Sơn. Nhiều tàu cá bị Trung Quốc xua đuổi, thậm chí có tàu cá bị đâm chìm, cuộc sống mưu sinh bám biển, tính mạng của người dân bị đe dọa nghiêm trọng. “Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa là sự thể hiện cả nước luôn đồng hành, kề vai sát cánh trong hành trình đưa Hoàng Sa trở về với đất mẹ Việt Nam.
Đây là nguồn động viên rất lớn để bà con ngư dân Lý Sơn yên tâm tiếp tục bám biển và giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhắc nhở thế hệ mai sau về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông, đồng thời gửi thông điệp gửi đến thế giới rằng: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, bà Vân nhấn mạnh.*
Hiển Cừ
15/01/2016  - Thanh Niên Online

(VNTB) Sáng nay (17/1), tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng công trình Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” trên núi Thới Lới, đảo Lớn Lý Sơn.

Theo thông tin báo chí nhà nước, đến dự buổi lễ này có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, các Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.


VNTB –  Quảng Ngãi: Đặt đá xây dựng khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” và khắc tên 74 lính VNCH. Ảnh: Thanh Niên

Việc tổ chức Lễ đặt viên đá đầu tiên diễn ra trong bối cảnh, đường băng trái phép trên đảo đá Subi và đảo đá Vành khăn đã được Trung Quốc xây dựng hoàn tất, và theo Reuters, Phó thị trưởng của cái gọi là thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm, Feng Wenhai, tuyên bố đẩy mạnh việc quy hoạch và xây dựng một trung tâm cứu hộ hàng hải, lắp đặt cáp quang ngầm và phủ sóng wifi trong khu vực đảo này trong năm 2016.

Trong khi đó, chỉ còn một vài ngày nữa sẽ đánh dấu 41 năm ngày hải chiến Hoàng Sa. Một trận chiến giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc (19/01/1974 – 19/01/2016).

Báo Thanh Niên dẫn lời Họa sĩ Huỳnh Văn Mười – Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM về việc khắc tên tại khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa sẽ được xây dựng ở đảo Lý Sơn, ông cho biết, “từ nghĩa sĩ phải hiểu theo nghĩa rộng. Đó không hẳn chỉ là người chiến sĩ mà là bao gồm cả ngư dân, đội hùng binh, nhân viên khí tượng, chiến sĩ…”.

“Việc đưa danh sách 74 người lính Việt Nam Cộng Hòa cũng rất đáng làm và sẽ được lòng dân. Bởi việc bảo vệ Hoàng Sa không cần phân biệt chính thể, miễn là người Việt Nam thì phải đứng lên bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ Hoàng Sa. Người lính Việt Nam Cộng Hòa cũng được coi là chiến sĩ bảo vệ chủ quyền biển đảo như biết bao người dân Việt Nam từ trước đến nay”, ông Mười khẳng định. Nhiều hoạt động tưởng niệm đã được một số các tổ chức, thành viên tổ chức dân sự độc lập tiến hành. 

Trong một diễn biến khác, trên mạng xuất hiện 1 video tự quay của một thanh niên (được cho là sinh viên trường ĐH Cần Thơ) đòi xóa bỏ khu tưởng niệm Hoàng Sa bằng búa, và bom.


Ảnh: FB AnNam Dương Lâm


Ảnh: Paulus Thanh Hoang


Nam thanh niên đe dọa dùng búa và bom đánh sập khu tưởng niệm Hoàng Sa tại Quảng Ngãi vì liên quan đến 74 người lính VNCH được khắc tên. Ảnh: cắt từ videoclip

Trong video, nam thanh niên cho biết: “Nếu như tưởng niệm 74 người lính VNCH thì cháu sẽ là người mang theo búa để đập những gì liên quan đến 74 người lính đó, là người đầu tiên dùng bom để đánh sập khu tưởng niệm.”
Lý do theo người thanh niên này là vì năm 1974, “không xảy ra cái gọi là hải chiến Hoàng Sa” !!!!!!

https://anhbasam.wordpress.com/


Buổi tưởng niệm 40 năm Hải Chiến Hoàng Sa

Posted on 23/01/2014 in Tin Tức & Sinh Hoạt

January 2014 101

Chiều 19 tháng 1 năm 2014 một buổi lễ đơn giản và trang nghiêm do các trưởng LĐ Đất Việt và Toán Tráng Lam Sơn tổ chức có tính cách nội bộ với sự tham dự đông đảo các trưởng, phụ huynh và nam nữ đoàn sinh đã diễn ra tại khuôn viên núi Đức Mẹ Lộ Đức để tưởng nhớ và tri ân 74 anh hùng tử sĩ HQ/ VNCH đã hy sinh trong trận hải chiến chống quân xâm lược Trung Cộng để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Ngoài mục đích trên buổi tưởng niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa còn có ý nghĩa nhắc nhớ thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc ta. Như trong lời khai mạc buổi Lễ của LĐT:
“Đã 40 năm tính từ ngày trận hải chiến Hoàng Sa 1974 nổ ra trên biển Đông chống lại bọn giặc cướp Trung Cộng đã xua tàu ra xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bảy mươi bốn chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng chiến đấu và đã hy sinh trong một trận chiến không cân sức với kẻ thù truyền kiếp phương Bắc để bảo vệ lãnh hải tổ quốc VN. Ba mươi chín năm qua, cứ đến ngày này đồng bào và đồng đội của các anh hùng tử sĩ Hoàng Sa vẫn hằng tưởng nhớ và truy điệu anh linh các anh hùng vị quốc vong thân.
Đặc biệt năm nay 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa từ quốc nội ra hải ngoại khắp nơi đểu tưởng nhớ và tri ân 74 anh hùng đã hy sinh để bảo vệ đất nước như tiền nhân đã anh dũng phá tan bọn Nguyên Mông phương Bắc nơi cửa biển Bạch Đằng bảy thế kỷ trước trong lịch sử chống ngoại xâm của dân ta.
Xương máu các anh hùng dân tộc đã hoà tan trong lòng biển mặn Hoàng Sa nhưng anh linh các anh vẫn lung linh hiển hiện trên sóng nước biển Đông và sống mãi trong hàng triệu con tim dân Việt.
Hôm nay chúng ta hiện diện nơi đây là những hướng đạo sinh Việt Nam, là những người Việt Nam yêu quê hương tổ quốc sống nơi hải ngoại nhân 40 năm biến cố Hoàng Sa cùng hướng lòng về đất nước vể biển đảo quê hương tưởng nhớ tri ân các anh hùng tuẫn quốc trong trận hải chiến Hoàng Sa 40 năm trước và cũng để ôn lại một chương oai hùng và bi thảm trong lịch sử chống ngoại xâm cận đại của dân tộc ta”.
Sau bài văn tế Anh Hùng Hoàng Sa do Tr. Hoàng kim Châu diễn đọc là dàn đồng ca của các trưởng và phụ huynh với Bài Ca Tưởng Niệm và Bạch Đằng Giang nung sôi hào khí tiền nhân.
Buổi lễ đã kết thúc sau khi cả đoàn cùng hát chung bài Nguồn Thật và chia tay trong cái lạnh cuối đông.
Hải Âu ghi nhận
19/1/2014

http://www.liendoandatviet.org/

 

 

 

Đăng ngày 19 tháng 01.2016