“Tôi thề sẽ không bao giờ im lặng khi nào và chỗ nào con người phải cam chịu đau đớn và tủi nhục. Chúng ta phải chọn một bên. Thái độ trung lập giúp kẻ đàn áp chứ không bao giờ giúp nạn nhân. Thái độ yên lặng khuyến khích kẻ khủng bố chứ không khích lệ gì người bị khủng bố …” [Elie Wiesel, sống sót nạn Holocaust, trích trong bài diễn văn nhận giải Nobel về Hòa bình, 10 tháng Chạp, 1986]
Cộng sản VN tiếp tục đàn áp tôn giáo
Phản đối việc giải tỏa Chùa Liên Trì
của Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam
Quang cảnh đầy tình thương này có thể sẽ không còn nữa
TĂNG ĐOÀN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH
Chùa Giác Hoa, 15/7 Nơ Trang Long,
Phường 7, Q. Bình Thạnh,
TP Sài Gòn
Phật lịch 2559
Số:01/VT/HĐĐH
BẢN LÊN TIẾNG
Của TĂNG ĐOÀN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
Phản đối việc giải tỏa chùa Liên Trì, Thủ Thiêm, Sài gòn của Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam
Chùa Liên Trì, Thủ Thiêm, Sài Gòn là cơ sở của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, do Hòa thượng Thích Không Tánh đảm nhận chức vụ Trú trì kiêm Chánh Đại Diện Quận, từ năm 1968, có trách nhiệm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cho Tăng, Tín đồ Phật giáo tại địa phương.
Địa phận Thủ Thiên bị Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam giải tỏa một phần để lập khu dân cư Đô Thị mới. Hiện nay, chỉ còn lại ngôi chùa Liên Trì của Phật giáo, nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá của Công giáo là chưa bị giải tỏa.
Đây là các cơ sở tôn giáo tại Việt Nam cần được duy trì tại các khu dân cư để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của dân chúng trong một quốc gia mà hầu hết người dân đều có tín ngưỡng.
Không biết vì lý do gì, Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tại đây quyết tìm cách giải tỏa chùa Liên Trì để đưa Hòa thượng Thích Không Tánh và chư Tăng chùa Liên Trì ra khỏi địa phận Thủ Thiêm cho bằng được?
Theo Thư Khẩn Báo của chùa Liên Trì, ngày 06.01.2016:
“…Gần đây, ông Chủ tịch Mặt trận có đến nói với mấy người dân oan tạm trú tại chùa Liên Trì: Ra giêng sẽ cưỡng chế, di dời chùa Liên Trì xuống Cát Lái, trả mặt bằng chùa Liên Trì để nhà nước xây dựng Đô Thị Mới Thủ Thiêm.
Ngoài ra, nhà nước còn họp tổ dân phố ở Cát Lái thông báo cho biết sẽ dời chùa Liên Trì về một ngôi nhà tole một mái không để bảng tên chùa (chiều dài khoảng 25m, chiều rộng khoảng 4,5m ngăn làm 6 phòng) mới xây ở đây…. “
Ngoài chức vụ Chánh Đại Diện Phật giáo địa phương, Hòa thượng Thích Không Tánh hiện còn giữ chức vụ Tổng Ủy Viên Tổng Vụ Từ Thiện – Xã Hội. Tại chùa Liên Trì, Hòa thượng thường tổ chức phát quà cho người nghèo, các cháu nhỏ bị bệnh Ung bướu hằng năm trong các dịp lễ, tết. Nhất là mấy năm gần đây, Hòa thượng lại tổ chức biếu quà cho các Anh Em Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa.
Và quan trọng nhất, có lẽ chùa Liên Trì là nơi trú ngụ của Dân oan các tỉnh Miền Tây, và nơi qui tụ hội họp của các vị đại diện các tôn giáo, các tổ chức Xã hội Dân Sự độc lập, đấu tranh vận động tự do dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam nên Hòa thượng Thích Không Tánh và chùa Liên Trì là cái gai trong mắt Nhà cầm quyền Việt Nam. Vì vậy, chùa Liên Trì phải bị giải tỏa và Hòa thượng Thích Không Tánh phải bị đưa đến một nơi xa xôi cách trở để Hòa thượng không thể tiếp tục thực hiện các công việc từ thiện – xã hội được nữa.
Đây là hành động vi phạm nhân quyền, nhất là quyền tự do tôn giáo của Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
Tăng Đoàn GHPGVNTN cực lực phản đối việc đàn áp tự do, dân chủ, nhân quyền của Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
Yêu cầu Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hãy tôn trọng các Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam đã ký kết thực hiện.
Làm tại Tổ Đình Thập Tháp, ngày 12 tháng 01 năm 2016.
Thành viên Hội Đồng Điều Hành Trung Ương và Địa phương
Tăng Đoàn GHPGVNTN
Đồng ký tên:
1- Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh
2- Hòa Thượng Thích Diệu Trí
3- Hòa Thượng Thích Diệu Tánh
4- Hòa Thượng Thích Viên Định
5- Hòa Thượng Thích Không Tánh
6- Hòa Thượng Thích Tánh Đạt
7- Hòa Thượng Thích Chí Thắng
8- Hòa Thượng Thích Tâm Trí
9- Hòa Thượng Thích Chơn Niệm
10- Hòa Thượng Thích Thiện Tánh
11- Hòa Thượng Thích Chơn Phương
12- Hòa Thượng Thích Như Tấn
13- Hòa Thượng Thích Thiện Tường
14- Hòa Thượng Thích Khế Viên
15- Thượng Tọa Thích Viên Hỷ
16-Thích Minh Chơn
17- Thích Từ Giáo
18- Thích Viên Hải
19- Hòa thượng Thích Thanh Tịnh
20- Thượng Tọa Thích Viên Đức
21- Thượng Tọa Thích Thiện Phúc
22- Thượng Tọa Thích Vĩnh Phước
23- Đại Đức Thích Phước Khánh
24- Sư cô Thích Nữ Đồng Tâm
Đơn Yêu Cầu của HT. Thích Không Tánh
về việc Giải tỏa Chùa Liên Trì
HT. Thích Không Tánh (thứ 4 từ phải sang)
TĂNG ĐOÀN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
Chùa Liên Trì, 153 Lương Đình Của,
Phường An Khánh, Q.2,
Tp. Saigòn
ĐƠN YÊU CẦU
Đồng kính gởi:
– Ông Nguyễn Hoài Nam – Chủ tịch UBND Quận 2
– Ông Lê Hoàn Quân – Chủ tịch UBND Tp. HCM
Chúng tôi là trụ trì Chùa Liên Trì, tọa lạc tại số 153 đường Lương Đình Của, phường An Khánh, Quận 2, trình bày quý cơ quan việc sau:
Chúng tôi có nhận được Quyết định số 1509/QĐ-UBND ngày 08/04/2015 của UBND quận 2 về việc: “Thu hồi và bãi bỏ Quyết định số 3794/QĐ-UBND ngày 03/09/2014 của UBND quận 2 về phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cơ sở thừa tự Chùa Liên Trì” và thông báo số 279/TB-UBND ngày 08/04/2015 của UBND quận 2 về việc: “Bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái bố trí để thu hồi đất đối với cơ sở thờ tự chùa Liên Trì trong khu đô thị mới Thủ Thiêm”.
Về việc này, trước đây chúng tôi đã có văn bản gởi UBND quận 2 nêu rõ quan điểm của chúng tôi như sau:
1. Chùa Liên Trì là cơ sở Phật giáo nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho đồng bào Phật tử tại Thủ Thiêm hơn nửa thế kỷ qua. Trong lịch sử xây dựng đất nước, người Phật tử luôn gắn bó cùng quê hương dân tộc. Ở đâu có dân cư sinh sống thì ở đó có cơ sở tôn giáo phục vụ đời sống tín ngưỡng tinh thần cho người dân. Nhu cầu tín ngưỡng tâm linh là điều không thể thiếu trong đời sống cộng đồng dân cư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, vì vậy sự bảo tồn, tôn tạo Chùa Liên Trì là duy trì nếp sống văn hóa, đạo đức, phong tục tập quán lâu đời của người dân Việt nơi đây.
2. Theo các Công ước quốc tế về quyền con người và ngay cả Hiến pháp Việt Nam cũng thừa nhận quyền tư tôn giáo, tự do thờ phượng phải được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy chúng tôi yêu cầu UBND quận 2 tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của chúng tôi mà không di dời, giải tỏa Chùa Liên Trì.
3. Yêu cầu công khai quy hoạch cho chúng tôi biết Chùa Liên Trì có ảnh hưởng tới nhu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng của quốc gia hay không? Nếu có ảnh hưởng, chúng tôi đồng ý xê dịch qua chút ít để khỏi tầm ảnh hưởng và đề nghị UBND quận 2 xây dựng lại ngôi chùa Liên Trì như hiện nay chứ chúng tôi không thể nhận tiền bồi thường và nền đất tái bố trí của UBND quận 2 đã đưa ra trong Thông báo số 279/TB-UBND.
4. Nếu UBND quận 2 không đồng ý yêu cầu chính đáng trên mà nhất quyết cưỡng chế triệt hạ Chùa Liên Trì thì chúng tôi đành làm dân oan đòi công lý chứ không thể chấp nhận phương án áp đặt độc đoán của UBND quận 2 được.
Kính mong quý Ủy ban tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng nhân quyền của người dân mà xem xét, giải quyết thỏa đáng theo nhu cầu của chúng tôi và cư dân Phật tử lâu đời ở Thủ Thiêm.
Trân trọng cảm ơn.
Chùa Liên Trì, ngày 15 tháng 05 năm 2015
Trù trì Chùa Liên Trì
(đã ấn, ký)
Tỳ kheo Thích Không Tánh
Thế danh Phan Ngọc Ẩn
Kính trình:
-Trưởng lão Hòa thượng Thượng Thủ và
-HT. Viện trưởng TĐGHPGVNTN
Để “kính thẩm tường”.
________________
Chùa Liên Trì trong chính sách đàn áp tôn giáo
của cộng sản Việt Nam
Chúng tôi cung cấp chi tiết thông tin về chùa Liên Trì như bằng chứng vi phạm nhân quyền trắng trợn của chính phủ Việt Nam cho công luận am tường.
Ngôi chùa với diện tích khoảng 800m vuông do Thượng tọa Thích Không Tánh tiếp quản và sử dụng vào năm 1969. Sau năm 1975, Thầy Không Tánh nhiều lần xin phép chính quyền địa phương tu sửa ngôi chùa, phục vụ cho việc cư trú của chư Tăng nhưng bị chính quyền bác bỏ. Vị trụ trì thường thổ lộ: “Hồi mới tiếp quản, Liên Trì chỉ nhỏ như mái đình thôi, nhưng sau này, nhờ Phật tử cúng dường nên có chỉnh sửa đôi chút cho khang trang. Sau năm 1975, Thầy muốn tu bổ chánh điện, sửa lại tượng Phật cho trang nghiêm, xây thêm Tăng xá cho Tăng chúng ở nhưng bị chính quyền cản trở, nhiều lần ra quyết định phạt vi phạm hành chính vì xây dựng trái phép”.
Xin được nói thêm, Thượng tọa Thích Không Tánh – thế danh là Phan Ngọc Ấn, là tu sĩ thuộc Giáo hội Phật giáo Thống Nhất. Năm 1976, ông bị chính quyền Cộng sản Việt Nam kết án 10 năm tù giam vì viết đơn kêu gọi nhà nước Việt Nam không ép buộc tu sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Năm 1987, ông được thả sau khi mãn hạn tù. Đến năm 1992 ông bị chính quyền TP kết án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế vì tham gia các hoạt động khôi phục Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cùng với vị Cố Tăng thống Hòa thượng Thích Huyền Quang.
Tháng 10 năm 1993, ông được trả tự do về sinh hoạt tại chùa Liên Trì. Tháng 11 năm 1994, công an TP ra lệnh bắt giam vị Tỳ kheo này khi ông tham gia cứu trợ nạn nhân lũ lụt ở Đồng bằng Sông Cửu Long cùng với ngài Viện trưởng viện Hóa đạo Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Ngày 14/8/1995 Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án Thầy 5 năm tù giam, với tội danh: Phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước.
Sau khi mãn hạn tù, Thầy Thích Không Tánh quay về sống tại Chùa Liên Trì và tiếp tục các hoạt động đòi quyền Tự do Tôn giáo cũng như Nhân quyền cho Việt Nam.
Cuộc đời của vị chân tu hiếm có này gắn liền với sự hy sinh vì đạo pháp và dân tộc được minh chứng qua những năm tháng ngục tù. Chính quyền Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ thủ đoạn, âm mưu nhằm triệt hạ uy tín của Thầy. Kế hoạch sử dụng các nữ nhân viên an ninh quấy rối và vu cáo Ngài đã vấp phải sự phẫn uất của cộng đồng Phật tử và nhiều thành phần dân chúng.
Với các hoạt động tích cực để xây dựng và phát triển đạo pháp, Vị tu sĩ Phật giáo này trở thành mối nguy và là trở lực không nhỏ cho kế hoạch xóa bỏ tôn giáo nói chung và triệt tiêu Phật giáo nói riêng của đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 3/9/2014 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 2, TP HCM là ông Nguyễn Cư ký Quyết Định “phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại Cơ sở thờ tự Chùa Liên Trì trong khu quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm”.
Bản Quyết Định quy định mức bồi thường thiệt hại cho chùa Liên Trì với mức giá 5 tỷ bốn trăm triệu đồng. Điều bất thường là nội dung của văn bản không nêu ra điều khoản nào về việc hỗ trợ di dời tái định cư sau khi ngôi chùa bị giải tỏa. Với quyết định bất thường trên, Chùa Liên Trì – cơ sở tôn giáo quan trọng của Tăng Đoàn phải đối diện với nguy cơ bị xóa sổ vì không có nơi tái định cư để xây dựng.
Tưởng cũng nên nói thêm, khu vực bán đảo này từng là nơi sinh sống của 15 ngàn hộ dân. Tuy nhiên, việc chính quyền quận 2 cưỡng chế giải tỏa không đúng luật khiến cho 11 ngàn hộ dân phải đâm đơn khiếu kiện. Việc di dời mà không bố trí khu tái định cư hoàn toàn trái với thông lệ từ trước đến nay
Quyết Định di dời do chủ tịch UBND Quận 2 ký sẽ được giao cho các cơ quan: Chánh văn phòng UBND Quận, Chủ tịch Hội đồng bồi thường, các sở ban ngành cấp Quận và địa phương chịu trách nhiệm giám sát thực hiện.
Ngoài ra, văn bản thu hồi đất thờ tự Chùa Liên Trì được gửi kèm với bản Phụ Lục do Hội đồng bồi thường Khu đô thị mới Thủ Thiêm soạn thảo trong đó có các điều khoản mang tính đe dọa cưỡng hành.
Thầy Không Tánh với tư cách trụ trì của ngôi chùa đã gửi một bản kháng thư yêu cầu UBND quận và UBND TP rút lại Quyết Định giải tỏa chùa Liên Trì. Thầy khẳng định: “Chúng tôi tuyệt đối không nhận tiền bồi thường. Trong trường hợp Nhà nước Việt Nam muốn xóa sổ, hủy diệt cơ sở tôn giáo Chùa Liên Trì thì hãy gửi Quyết Định cưỡng chế theo đúng trình tự luật pháp để các tôn giáo hiệp thông, cầu nguyện”
“Điều Thầy lo lắng nhất hiện nay, khi chính quyền giải tỏa san lấp mặt bằng rồi, không biết Tượng Phật sẽ đặt ở đâu, các hủ linh cốt không biết bỏ đâu, hàng trăm vong linh không có chỗ nương náu”
Tính đến thời điểm này, chính quyền TP chưa có văn bản chính thức để phản hồi kháng thư của Thầy Không Tánh. Theo thông báo trong Phụ Lục của Ủy ban bồi thường, ngày 30/9 sắp tới, chính quyền sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế để thu hồi đất.
Chúng tôi thực sự quan ngại trước quyết tâm xóa bỏ Chùa Liên Trì của chính quyền sở tại. Được biết, chùa Liên Trì là nơi diễn ra các cuộc họp của các tổ chức xã hội dân sự trong nước. Thượng tọa Thích Không Tánh thường tổ chức các buổi phát quà tri ân các Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, phát quà cho các bệnh nhân ung bướu, và là nơi nương tựa của nhiều bà con dân oan.
Hiện nay, chỉ còn 3 cơ sở tôn giáo chưa bị thu hồi đó là chùa Liên Trì, Nhà thờ Thủ Thiêm, và nhà thờ Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm. Chúng tôi được biết, chính quyền địa phương đang ra sức loại bỏ các cơ sở tôn giáo này.
Quyết định thu hồi đất đối với chùa Liên Trì – Cơ sở tôn giáo thuộc Tăng Đoàn Phật giáo Thống nhất đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ các tổ chức tôn giáo, các Hội đoàn dân sự cũng như Phật giáo đồ tại Quốc nội và Hải ngoại.
Trong nước, Hội đồng Liên Tôn ra Tuyên bố phản đối việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam triệt hạ chùa Liên Trì. Các chức sắc tôn giáo của 5 tôn giáo lớn tại Việt Nam là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hòa Hảo, Cao Đài đồng lên tiếng phản đối Quyết Định Vi Hiến của chính quyền.
Đã có nhiều nỗ lực trong cuộc vận động lấy chữ ký ủng hộ chùa Liên Trì, và chiến dịch này đang có nhiều tiến triển tích cực.
Những hình ảnh hiện nay về chùa Liên Trì có thể sẽ là những hình ảnh cuối cùng mà chúng ta nhìn thấy. Ngày 30/9 tới đây, nơi đây có thể biến thành một bãi đất hoang tàn, những thứ còn sót lại chỉ là tượng Phật đổ nát, tro cốt vung vãi trong cảnh đìu hiu, các vong linh tảng mát khắp nơi không chỗ nương nhờ. Tiếng chuông chùa từ nay vắng bặt để thay vào đó là các lời xưng tụng Chủ nghĩa Duy vật khoa học. Đời sống tâm linh của cư dân ở đây sẽ mất dần nhường chỗ cho những tranh giật hỗn độn theo lối tư duy vật chất quyết định ý thức.
Tiếp theo sau Liên Trì sẽ là cơ sở tôn giáo nào nữa?
Sài Gòn 26/9/2014
Huỳnh Trọng Hiếu
danlambaovn.blogspot.com
_________________
Huế: Công an cộng sản VN đánh đập
quý thầy Đan viện Thiên An
Huyền Trang
Lực lượng công quyền vác các thân gỗ thông mang về Ủy ban để "điều tra"
Huyền Trang (GNsP) - Gần 200 công an, dân phòng, Hội phụ nữ của xã, huyện, tỉnh gây khó khăn, đánh đập một số đan sĩ của Đan viện Thiên An, tỉnh Thừa Thiên Huế, vào chiều ngày 02.01.2016.
Quý Đan sĩ bị đạp vào mặt, vào người và bị lăng mạ
"Họ đánh đập, dọa, cấm không cho các đan sĩ quay phim chụp ảnh. Hai thầy bị đánh, một thầy bị đạp vào người và mặt túi bụi, một thầy khác chụp hình cũng bị đánh và họ đòi lấy cái máy ảnh, nhiều thầy bị xô đẩy ngã xuống đất. Những người xem ra có trách nhiệm hô hào mọi người giữ bình tĩnh, đừng gây ẩu đả nhưng lực lượng công an cứ đánh đập các thầy". Cộng tác viên GNsP thuật lại.
“Các bà trong Hội phụ nữ chửi mắng, lăng mạ quý thầy với những câu nói khó nghe, thô lỗ như: "Tụi mày mà quay phim thì tao sẽ cởi đồ ra cho chúng mày xem"... Những lúc đó, quý thầy chỉ biết im lặng và cầu nguyện, và một thầy duy nhất đứng ra trao đổi với nhà cầm quyền một cách ôn hòa”. CTV GNsP nói tiếp.
Gần 200 công an, dân phòng, Hội phụ nữ của xã, huyện, tỉnh gây khó khăn, đánh đập một số đan sĩ của Đan viện Thiên An, tỉnh Thừa Thiên Huế, vào chiều ngày 02.01.2016.
Những người xem ra có trách nhiệm hô hào mọi người giữ bình tĩnh,đừng gây ẩu đả nhưng lực lượng công an cứ đánh đập quý đan sĩ
Đồi thông và đồi cam thuộc nội vi cấm của Đan viện, bất chấp điều đó lực lượng công quyền ngang nhiên vào các khu vực này phá rối.
Quý đan sĩ cưa, chặt thông trái phép?
Bên phía nhà cầm quyền nói rằng, họ thấy một số cây thông trong khu rừng đặc dụng bị cưa, đốn, chặt một cách trái phép mà những cây thông này lại nằm trong khu vực của Đan viện Thiên An, cho nên họ xuống lập biên bản, tịch thu các cây thông này về điều tra. Họ yêu cầu các đan sĩ ký vào các biên bản nhưng các đan sĩ cương quyết không ký bất kỳ một văn bản nào của họ.
Những cây thông bị cưa, chặt nằm trong khu vực đồi thông thuộc quyền sở hữu Đan viện Thiên An và nằm sát bên cạnh vườn cam. Mỗi lần thông đến mùa phấn thì bụi phấn thông bay vào vườn cam, sẽ ảnh hưởng đến cây cam, nên quý đan sĩ đã chặt một số cây thông gần khu vực vườn cam… Khu vực đồi thông và vườn cam thuộc quyền sở hữu của Đan viện Thiên An và thuộc nội vi của Đan viện, cấm người ngoài không được ra vào các khu vực này. Do đó, quý thầy Đan viện mời lực lượng công quyền vào phòng khách làm việc nhưng họ từ chối.
Mục đích nhà cầm quyền muốn vào khu vực nội vi của Đan viện để theo dõi các sinh hoạt tôn giáo của Đan viện. Trước đây, nhiều lần, họ đã xin quý đan sĩ cho vào các khu vực này nhưng quý đan sĩ không đồng ý, thỉnh thoảng họ đã lén lẻn vào bên trong, bị các thầy phát hiện và mời ra ngoài. Sự việc một số cây thông bị đốn, chặt chỉ là cái cớ để họ vào bên trong nội vi của Đan viện.
Những cây thông bị đốn, chặt được lực lượng công an chở về Ủy ban và củi khô của Đan viện được tích trữ nhiều năm tháng qua cũng bị họ "hôi của" đầy hai xe chở về.
Lực lượng công quyền vác các thân gỗ thông mang về Ủy ban để "điều tra"
Củi khô của Đan viện được tích trữ nhiều năm tháng qua cũng bị họ ‘hôi của’ đầy hai xe chở về 20 giờ cùng ngày 02.01.2016, có khoảng 10 công an lởn vởn trong khu vực đồi thông, họ rọi đèn pin vào trong vườn…
Tham vọng CSVN chiếm 107 ha đất rừng của Đan viện Thiên An
Được biết, Đan viện Thiên An có khoảng 107 ha đất rừng thông, do không quản lý hết nên quý đan sĩ giao rừng thông cho nhà cầm quyền quản lý nhưng không giao đất, tuy nhiên họ đã lật lọng với lòng tham muốn ‘cướp’ đất của đan viện.
Trước đây, vào tháng 11.2014, 63 hécta đất của Đan viện bị nhà cầm quyền ‘cướp’ để làm khu du lịch hồ Thủy Tiên. Nhiều tờ báo trong nước cho biết, khu du lịch hồ Thủy Tiên ‘đã trở nên hoang phế, xuống cấp chỉ sau một vài năm đi vào hoạt động’.
Tham vọng chiếm trọn đồi thông của của Đan Viện Thiên An với diện tích gần 107 ha đất rừng là đang trở thành hiện thực.
Huyền Trang
http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog
Khu vui chơi giải trí Hồ Thủy Tiên
xây trên đất ăn cướp bị điêu tàn đổ vỡ
GNsP (13.01.2016) – Sài gòn – Những ngày gần đây, địa danh Hồ Thủy Tiên ở Thừa Thiên – Huế bỗng dưng “nổi như cồn” khi được một tờ báo Mỹ nhắc tới với cụm từ “không dành cho kẻ yếu tim”. Số là hôm 04-01-2016 báo mạng Huffington Post của Hoa Kỳ đã đăng tải bài viết về Trung tâm vui chơi giải trí Thiên An-Thủy Tiên (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) với tựa đề “Công viên nước bỏ hoang ấy tại Việt Nam không dành cho kẻ yếu tim”. (This abandoned waterpark in Vietnam is not for the faint of heart. http://www.huffingtonpost.com/entry/ho-thuy-tien-vietnam-abandoned-water park_ 567318c4e4b0dfd4bcc10c26).
Tác giả lấy lại các hình chụp trong bài của những du khách Âu Mỹ từng đến Trung tâm vui chơi giải trí Hồ Thủy Tiên trước đó, để cho thấy tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và hoang vu đến rợn người của một công trình mà người ta đã đầu tư vào đó 70 tỷ đồng VN. (Xem: Abandoned water park & aquarium, Vietnam của Ryan Mcgrath, February 10, 2015Http://ryanmcg.co.uk/index. php/2015/ 02/10/abandoned-water-park-aquarium-vietnam/. We found an abandoned water park in Vietnam… Exploration time! của Nassim Ait-Kaci December 2015,http://imgur.com/gallery/kLZ6i. We fed the abandoned crocodiles of Ho Thuy Tien của Courtney LambertJune 26, 2015 http://agperhaps.com/2015/06/26/we-fed-the-abandoned-croco diles-of-ho-thuy-tien/). Nhiều trang blog đã dịch các bài này sang Việt ngữ.
Ngay lập tức, nhiều tờ báo trong nước như Tuổi Trẻ, Việt Báo, Giao Báo cử phóng viên đến hiện trường để làm sáng tỏ thêm vụ việc. (Thu hồi dự án “khu du lịch rùng rợn” Hồ Thủy Tiên. Tuổi Trẻ Online 08-01-2016. http://dulich.tuoitre.vn/tin/20160108/thu-hoi-du-an-khu-du-lich-rung-ron-ho-thuy-tien/1034896.html. Khu du lịch sinh thái hồ Thủy Tiên lên báo Mỹ vì quá ‘kinh dị’. Việt Báo 09-01-2016.http://vietbao.vn/Kinh-te/Khu-du-lich-sinh-thai-ho-Thuy-Tien-len-bao-My-vi-qua-kinh-di/22283512/87/.Công viên nước kinh dị lên báo Mỹ: Đề nghị thu hồi trước khi báo đăng. Giao Báo 09-01-2016.http://giaobao.com/xa-hoi/cong-vien-nuoc-kinh-di-len-bao-my-de-nghi-thu-hoi-truoc-khi-bao-dang/335705.html. Công viên Việt bỏ hoang lên báo Mỹ vì quá “kinh dị”. Việt Báo 10-01-2016.http://vietbao.vn/Kinh-te/Cong-vien-Viet-bo-hoang-len-bao-My-vi-qua-kinh-di/ 150617478/87/). Thật ra, chuyện khu vui chơi giải trí Hồ Thủy Tiên bị bỏ hoang đã được đề cập từ lâu. Báo mạng Kiến Thức ra ngày 39-09-2014 là một ví dụ. (http://kienthuc.net.vn/tien-vang/canh-hoang-phe-ron-nguoi-tai-du-an-70-ti-o-hue-394820.html#p-3)
Trong bài dưới đây, chúng tôi xin phép lấy lại các bức ảnh từ những bài báo đó. Chân thành cảm ơn các phóng viên và nhiếp ảnh viên.
1. NGUỒN GỐC ĐẤT ĐAI CỦA KHU VUI CHƠI GIẢI TRÍ HỒ THỦY TIÊN
Khu vui chơi giải trí Hồ Thủy Tiên được xây dựng trên phần lớn diện tích đất đai (107 ha) của đan viện Thiên An, một dòng tu Công giáo đã hiện diện tại xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế ngay từ năm 1940 và đã sở hữu tài sản một cách hợp luật. (xem bản đồ bên dưới).
Theo Đề nghị ngày 22-11-1999 của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (với ông Hồ Xuân Mãn bí thư cùng ông Nguyễn Xuân Lý chủ tịch), ngày 24-12-1999, Thủ tướng Chính phủ Cộng sản ra Quyết định 1230/QĐ-TTg, thu hồi 495.929m2 (50 ha) đất giao cho Công ty Du lịch Cố Đô-Huế xây dựng trung tâm vui chơi giải trí Hồ Thủy Tiên. Để trấn an trung ương, ngày 20-02-2001, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế lại gởi một báo cáo mật mang số 24/BC-UB vu khống rằng đất đai đan viện thuộc một trong 4 dạng tài sản phải thu hồi: Tập đoàn thống trị tay sai của đế quốc Mỹ; Tư sản mại bản quan liêu quân phiệt phát xít, Địa chủ phong kiến phản động, Hình thức bóc lột thực dân mới.
Do báo cáo mật đầy thâm độc này, ngày 06-06-2002, Tổng Thanh tra Nhà nước ban hành Quyết định 577/QĐ-XKT để lấy sạch đất đai của dòng Thiên An, chỉ chừa lại cho đan viện 54.862m² đất (5 ha rưỡi) gồm: nguyện đường, tu viện và vườn cam (xem bản đồ bên dưới).
Chiếm đoạt đã bất công, khởi công xây dựng cũng bất minh. Ngày 26-03-2001 Công ty Du lịch Cố Đô làm lễ động thổ khu vui chơi giải trí, dưới sự bảo vệ của rất nhiều công an hình sự và công an chìm đi xe U-oát (UAZ) và xe mô-tô đến.
Ngày 07-06-2004, tờ Việt Báo đưa tin: “Khánh thành khu giải trí Thiên An – Thủy Tiên. Hôm qua (6-6), tại Huế đã tổ chức lễ khánh thành khu vui chơi giải trí Thiên An – Thủy Tiên giai đoạn 1. Công trình này tọa lạc tại hồ Thủy Tiên, giữa đồi Thiên An – một rừng thông rộng lớn, nằm cách trung tâm TP Huế chừng 4km – do Công ty du lịch Cố Đô làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí khoảng 38 tỉ đồng.
Bắt đầu thi công từ tháng 3-2001, giai đoạn 1 này bao gồm các hạng mục chính như: nhà thủy cung, hệ thống cầu đường, cổng chào, đường dạo, dải cây xanh, quảng trường, sân khấu ngoài trời, hệ thống phục vụ các trò chơi trên nước… Khu vui chơi này sẽ trở thành điểm giải trí quan trọng phục vụ du khách trong dịp Festival Huế 2004”.
Ban đầu, vé vào cổng và vào Thủy cung (công trình chính, còn gọi là Nhà rồng) mỗi nơi 50.000 đồng (thời giá 2004). (Các hạng mục khác như công viên nước, khán đài nhạc nước và khu trò chơi thì thu phí riêng). Khi thấy ít khách vãng lai, ban quản lý giảm xuống còn 15.000 đồng nhưng chẳng mấy ai thèm đến. Người dân ở Thừa Thiên-Huế biết rằng đến vui chơi giải trí ở đó là đồng lõa với tội ác: tội cướp giật đất đai của những người tu hành và tội phá tan bầu khí thiêng liêng thanh thoát của một tu viện. Lý do nữa là trước khi có khu vui chơi, ai nấy đều có thể tự do và miễn phí đến bên hồ Thủy Tiên để hóng mát, du ngoạn, cắm trại. Nếu thích thì tản bộ vào rừng thông dày đặc tươi tốt do các tu sĩ tạo lập từ năm 1940 để hít thở không khí trong lành của một môi trường sinh thái vốn được mệnh danh là bộ phổi của thành phố Huế.
Thế là Trung tâm vui chơi giải trí Thiên An-Thủy Tiên, sau khi hoạt động được vài năm, đã lâm vào tình trạng ế ẩm và lỗ lã. Mọi công trình đều xuống cấp một cách nghiêm trọng. Đúng là quả báo nhãn tiền. Thiên bất dung gian.
2. NHỮNG HÌNH ẢNH HOANG TÀN CỦA KHU VUI CHƠI GIẢI TRÍ
Sơ đồ mô hình khu vui chơi giải trí Thiên An – Thủy Tiên vỡ vụn.
a- Cổng vào:
Cổng vào trước đây (trên) và hiện giờ (dưới)
b- Thủy cung (công trình chính, nằm giữa hồ Thủy Tiên)
Một công trình trang trí hình rồng xinh đẹp (trên) mà nay giống hệt như phim trườmg sản xuất phim kinh dị (dưới).
Bên trong Thủy cung:
- Lồng nuôi cá sấu
Thủy cung từng có khu nuôi cá sấu với 3 con (con nặng nhất là 45kg và con nhẹ nhất là 35kg). Khi bị bỏ hoang, ba con cá sấu vẫn ở chỗ cũ nên người dân phải ghi chữ để cảnh báo khách du lịch.Được biết, hai con đã chết, còn con to nhất (trong hình) đã được chuyển đi nuôi chỗ khác.
– Bể cá cảnh
Bể cá cảnh trước đây (trên) và hiện giờ (dưới)
Có thể nhận ra sự xuống cấp nặng nề của công trình khi đi vào bên trong, với những mảng trần bong tróc loang lổ, các trang thiết bị rỉ sét và không thể sử dụng, các phòng ốc đầy rác rưởi bụi bặm… Còn bên ngoài thì cỏ cây mọc một cách hoang dại.
c- Khán đài/Sân khấu nhạc nước:
Khán đài nhạc nước cũng là một công trình hoành tránh, một thời lung linh sóng nhạc với những màn biểu diện sôi động của các ca sĩ, nhưng bây giờ cũng hiu quạnh và không kém phần kinh dị.
Lối vào khán đài nhạc nước đổ nát, cỏ rêu bao phủ, hoang tàn và lạnh lẽo.
d- Công viên nước
Khu “Công viên nước” từng được đầu tư tốn kém và hiện đại bao nhiêu, giờ thì hoang phế, cỏ mọc, rêu phong bấy nhiêu. Nhiều máng trượt bỏ hoang lâu ngày đã bị bao phủ bởi rêu xanh và mạng nhện.
e- Vườn tượng
Khoảng năm 2006, nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức một trại sáng tác tại khu vui chơi giải trí, mời gọi một số điêu khắc gia trong và ngoài nước đến đây để làm nên một vườn tượng nghệ thuật. Các nghệ sĩ tạo hình ấy nay sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy tác phẩm của họ trong khung cảnh dưới đây?
f- Bãi cỏ quanh hồ
Trước khi có Khu vui chơi giải trí, bãi cỏ rộng lớn này là nơi lý tưởng để dân thành phố Huế đến du ngoạn, đóng trại một cách tự do và miễn phí, nhất là vào Thứ bảy và Chúa nhật. Sau khi công trình hoàn thành, việc ấy hoàn toàn chấm dứt, hay nếu muốn thì phải trả tiền. Nay làm chủ bãi cỏ và các con đường là đàn bò của dân địa phương và của nhân viên bảo vệ.
g- Khu biệt thự trong rừng thông cạnh hồ
Người ta cũng đã quy hoạch một khu biệt thự giữa đồi thông (y như tại Đà Lạt) rồi bán cho những ai thừa tiền lắm của. Và kết quả là những hình ảnh dưới đây:
Các biệt thự trên đồi thông gần hồ chỉ là những bộ khung vô hồn. Một trong những ngôi biệt thự xây rồi bỏ hoang giữa đồi thông
Thay cho lời kết:
Theo tờ Giao Báo (xem trên), từ năm 2008, sau khi thấy việc kinh doanh thua lỗ, công trình bắt đầu bệ rạc, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chuyển giao toàn bộ Khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên sang cho Tập đoàn Thương mại Đầu tư Xây dựng HACO Hà Nội. Tập đoàn này thành lập Công ty TNHH Haco Huế với hy vọng tái khôi phục cơ sở và hoạt động.
Thế nhưng, từ đó đến nay, mọi sự vẫn dậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là các công trình xây dựng ngày càng hoang tàn. Theo báo Tuổi Trẻ (xem trên), lý do là vì công ty Haco Huế hiện nợ hai ngân hàng 38 tỷ đồng, trong đó gần 20 tỷ đồng tiền lãi từ dự án nói trên. Khoản nợ trên được công ty dùng các hạng mục đã đầu tư trên đất để thế chấp. Ngoài ra công ty này còn nợ tiền thuế đất khoảng 8 tỷ đồng.
Tiếc đứt ruột vì 70 tỷ đi đong do sự trừng phạt của Ông Trời giáng xuống tội cướp đất của đan viện Thiên An, nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn quyết tâm gỡ gạc. Dựa trên Quyết định đầy tính cưỡng đoạt của Tổng Thanh tra Nhà nước ngày 06-06-2002 (xem trên), tháng 10-2014, khu vui chơi giải trí được phê duyệt thành Khu Du lịch Sinh thái cao cấp, gồm trung tâm hội nghị, nhà hàng, khu dịch vụ spa, khu nghỉ dưỡng lưu trú (biệt thự), khu biểu diễn nghệ thuật, khu vui chơi giải trí và cắm trại ngoài trời trên khu vực rộng 63,38ha. (http://baothuathienhue.vn/ ?gd=6&cn= 277&newsid=32-0-50069).
Mới đây, công ty Haco Huế cho biết không có khả năng triển khai dự án, và đề nghị tỉnh kêu gọi nhà đầu tư khác cũng như xem xét hoàn trả lại chi phí đã bỏ ra xây dựng tại đây. Ngày 08-01-2016, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết các ban ngành trực thuộc đã có văn bản đề nghị tỉnh thu hồi đất, đề xuất phương án xử lý các tài sản trên đất đối với khu vui chơi giải trí Hồ Thủy Tiên. Văn bản này cũng đồng thời đề nghị giao Sở Kế hoạch-Đầu tư Thừa Thiên – Huế tổ chức xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực nhảy vào dự án mới.
Tiến hành việc này không phải dễ, vì cái gai cần phải nhổ vẫn là đan viện Thiên An. Nên vào đêm 17-05-2015, nhà cầm quyền đã cho người tháo dỡ tượng Chúa Chịu Nạn trong khu vườn tràm phía sau Đan viện. Sau khi đập vỡ tượng, họ vứt ở khe Độn Dài, cách Đan viện khoảng 1 Km.
Ngày 08-10-2015, nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế huy động khoảng 100 công an mặc thường phục lẫn sắc phục cùng quần chúng tự phát đến ‘bảo kê’ cho công ty lâm nghiệp Tiền Phong và công ty Haco Huế dứt khoát lấy khu đất đồi Đức Mẹ. Theo trang mạng Tin Mừng Cho Người Nghèo, đồi này (30 ha) đã được nhà cầm quyền bán cho một công ty Tàu Đài Loan để xây dựng một loạt biệt thự nghỉ dưỡng. Nghe tin dữ, các đan sĩ từ tu viện tràn xuống. Nhà cầm quyền yêu cầu đan viện dẹp bỏ mái tôn che mưa nắng cho tượng Đức Mẹ và di dời tượng, lấy cớ đó là làm sai pháp luật. Nhưng các vị này cương quyết giữ vững lập trường, không tháo gỡ cũng chẳng di dời.
Ngày 06-11-2015, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, công ty TNHH Lâm nghiệp Tiền Phong và công ty TNHH Dịch vụ Vân Hải đã gởi đến Đan viện Thiên An bản hợp đồng mà họ đã ký kết với nhau, và thông báo cho Đan viện biết công ty Vân Hải có nhiệm vụ bảo vệ rừng, đất rừng, và sẽ tháo dỡ – di dời mái che tượng Đức Mẹ trên đồi Đức Mẹ của Đan viện.
Ngày 25-11-2015, công ty Vân Hải tiếp tục gởi giấy thông báo cho Đan viện và yêu cầu Đan viện phải tự tháo dỡ mái che tượng Đức Mẹ ở trên đồi Đức Mẹ Thiên An trước ngày 08-12-2015, nếu Đan viện không tự tháo dỡ thì công ty sẽ tháo dỡ. Thế nhưng, các đan sĩ đã không chấp hành yêu cầu ngang ngược và phi lý đó.
Điên tiết lên, chiều ngày 02-01-2016, gần 200 công an, dân phòng, thành viên hội phụ nữ xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã đến Đan viện Thiên An. Họ kéo nhau tới vườn cam của Đan viện, vừa tịch thu những cây thông mà các đan sĩ đã đốn vì sợ bụi phấn thông ảnh hưởng đến việc cam ra quả, lấy cớ rừng thông mà các đan sĩ đã gầy dựng từ năm 1940 là sở hữu nhà nước, vừa chửi bới, đánh đập các đan sĩ, với mục đích khiêu khích họ trả đũa bằng bạo hành, để có cớ khép tội. Nhưng các đan sĩ vẫn ôn hòa nhẫn nhịn nên âm mưu bất thành.
Sáng ngày 07-012016, lại có hơn 50 công an sắc phục và thường phục ngang nhiên vào khu vực đồi thông và đồi cam thuộc nội vi Đan viện mà không có phép. Vài người đóng giả thành các đan sĩ đang cưa chặt cây thông, để công an quay phim và chụp hình theo kiểu “tái dựng hiện trường” khi chuẩn bị các vụ án hình sự (nhưng thông thường thì chính các bị can phải diễn lại). Công an nói với các đan sĩ rằng họ sẽ khởi tố những người đã chặt phá các cây thông này một cách trái phép. Trong khi đồi thông và đồi cam thuộc quyền sở hữu của Đan viện Thiên An từ năm 1940 và chính tay các đan sĩ đã trồng.
Nếu dự án mới (Khu du lịch sinh thái cao cấp) được tiến hành, thì phần lớn rừng thông Thiên An –bộ phổi của thành phố Huế- bị tàn phá. Ngoài ra, vì nó bao quanh đan viện, nên các đan sĩ sẽ hoàn toàn mất đi bầu khí thanh tĩnh để tu trì, và như thế sẽ phải tính chuyện di dời vào rừng sâu. Nhà nước ta sẽ ẵm trọn 107 hecta và thi nhau chia chác. Nhưng như cổ nhân đã nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Mà mưu sự này lại là mưu đồ thâm độc: cướp của, hại người, xúc phạm tu sĩ, chà đạp chốn thiêng, thì mong gì thành sự!
Bài học khu vui chơi giải trí Hồ Thủy Tiên đã quá nhãn tiền. Những kẻ vô thần có bao giờ nghĩ tới điều này không nhỉ?
Phóng viên FNA tường trình từ Huế ngày 12-01-2016.
Đăng ngày 19 tháng 01.2016