banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Khi nhà nước bôi nhọ nước nhà

Cánh Cò

Báo chí chính thống nổi lên các bài viết theo đơn đặt hàng của Tuyên giáo vài ngày trước khi vụ án Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh mở ra, trong đó dựa vào cáo buộc vi phạm điều 258 cho rằng anh Ba sàm đã bôi nhọ nhà nước bằng những bài viết nhận định bi quan làm nản lòng người dân gây hình ảnh xấu cho chế độ.
Và khi phiên tòa mở ra, trớ trêu thay chính nhà nước mới là người bôi nhọ nước nhà. Một câu trả lời đầy cảm hứng cho ai có ý định chuẩn bị hồ sơ vào con đường phản động.

Nhà nước, một tập thể được người dân tin tưởng bầu lên làm lãnh đạo cho họ, có nghĩa rằng thay họ giải quyết, điều hành công việc của quốc gia sao cho mọi người sống và làm việc trong tinh thần trật tự và tôn trọng luật pháp. Cái nhà nước ấy ngoài việc bảo vệ lãnh thổ và ngoại giao với nước ngoài để tăng cường khả năng hòa nhập với quốc tế còn mang trọng trách làm cho dân giàu nước mạnh, mà cụ thể là phác thảo kế hoạch kinh tế, giáo dục, an sinh và hàng trăm thứ khác để người dân yên tâm sống và làm việc. Nhưng có lẽ quan trọng nhất, nhà nước phải cùng với nhân dân thượng tôn luật pháp vì nếu không thì nhà nước ấy không đủ chính danh để giữ bất cứ vai trò gì trong công việc điều hành đất nước, ngay một nhà nước cấp nhỏ nhất là cấp xã.
Từng cá nhân trong bộ máy cầm quyền được trả lương đầy đủ cho mọi đóng góp của họ qua đồng tiền thu được từ thuế, từ nhân dân, từ những nhân tố nhỏ bé của xã hội để nuôi sống họ, những con người mà Việt Nam khiêm nhượng gọi là đầy tớ của nhân dân. Vì vậy kể cả một thẩm phán, một chủ tọa phiên tòa, hay một viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng là người được dân trả lương để làm cái công việc bảo vệ pháp luật. Thẩm phán phải đủ năng lực và nhận thức để phân tích từng vụ án, con người, cũng như bằng chứng chống lại một bị cáo. Khi thẩm phán bị mua chuộc hay tệ hơn, bị ra lệnh mà không thể cưỡng lại thì cái nhà nước ấy thực sự có vấn đề. Vấn đề lớn, rất lớn, lớn hơn tham nhũng, hơn cửa quyền và hơn mọi thứ tiêu cực trong một nhà nước pháp trị.

Vì Việt Nam không là một nhà nước pháp trị nên việc ra lệnh cho thẩm phán là việc nhỏ, nhỏ nhất trong tất cả mọi tiêu cực hàng ngày.
Ra lệnh chưa chắc ăn, trong các vụ án lớn như vụ Ba sàm thu hút sự theo dõi quan sát của nước ngoài nhưng muốn cho người bị xử lãnh bản án cao nhất thì nhà nước phải cử một thẩm phán dốt nhất để điều hành phiên tòa vì nếu lỡ để một thẩm phán hay chủ tọa phiên tòa bỗng dưng nhận ra việc làm của mình là bất nhân, cãi lại lệnh trung ương rồi sau đó ra sao thì ra….thì bẽ mặt quá.
Phiên tòa của anh Ba sàm và chị Nguyễn Thị Minh Thúy là chiếc sân khấu hiện đại và bi hài nhất trong cái được gọi là nhà nước Việt Nam. Tuy nó không có nhiều khán giả nhưng những hình ảnh, lời nói, cảm xúc của từng nhân vật đã được toàn thế giới biết tới qua các đại sứ quán Úc, Hoa Kỳ, Canada, EU…vì họ được tham dự và chứng kiến từ đầu.

Đoan Trang, một nhà báo, blogger nổi tiếng trong khi phiên tòa diễn ra chị ngồi nhà vẫn bị công an tới dẫn đi. Chị viết trên facebook của mình những giòng chữ nhẹ nhàng mà thắt ruột về cái ông chủ tọa phiên tòa hôm ấy, ông Nguyễn Văn Phổ:
“Có một chi tiết mà những người không được vào dự phiên tòa “công khai” xử Anh Ba Sàm và Minh Thúy chưa biết, đó là: Hội đồng xét xử, với ngài thẩm phán Nguyễn Văn Phổ, và hai hội thẩm viên già nua, đều là những người mù tịt về CNTT, về Internet, về blog và mạng xã hội...
Họ thậm chí còn phát âm sai những từ mà ngay cả đứa trẻ cũng có thể đọc được, ví dụ gmail được các ngài đọc thành “GỜ MAI”. Còn từ “wordpress” với họ thì quả là một thử thách.
Xử một người như Nguyễn Hữu Vinh, một trí thức, một blogger đi tiên phong trong việc dùng mạng Internet để khai dân trí, mà lại dùng những thẩm phán không sử dụng mạng và không biết đọc từ “wordpress”, không đọc nổi cả từ “gmail”. Điều đó khiến tất cả những lập luận của ông Vinh và các luật sư, dù sắc sảo, dù hùng biện đến đâu, cũng thành vô nghĩa trước những bộ mặt ngớ ngẩn. Bảo mật hai lớp, quyền quản trị, chứng cứ điện tử, dữ liệu điện tử, quyền tự do thông tin, quyền riêng tư trên mạng... tất cả những cái đó có nghĩa là gì vậy?”

Trả lời cho chị Đoan Trang: Những cái đó là nhà nước đang quyết liệt bôi nhọ nước nhà.
Nhà nước, trong nhận thức của một thể chế dân chủ pháp trị là một nhóm người, một tập thể tuy nếp nghĩ và tư duy gần như khác nhau trong môi trường chính trị nhưng lại được vận hành trong khuôn phép của luật pháp. Họ được chọn lọc, tập họp lại để phục vụ người dân, cùng chịu trách nhiệm theo hệ thống và do đó, nhà nước không phải là nơi tập quyền có khả năng tự tung tự tác, xem hiến pháp chỉ là tờ giấy con con chỉ cốt khoe mẻ trong những quyết định trái khoáy, thất nhân tâm.
Vì Việt Nam là nhà nước toàn trị, tập quyền nên việc phân công một chủ tọa dốt nát điều hành phiên tòa khi cả thế giới đang theo dõi là chuyện bình thường. Trong khi bên trong như vậy thì bên ngoài một đám quân ô hợp còn dốt nát hơn bội phần được nhà nước cử ra để “điều hành” dư luận. Những tay an ninh, công an chìm nổi thậm chí cả dân phòng, côn đồ làm những việc mà chỉ cần 15 phút sau cả thế giối đều xem được trên kênh YouTube.

Vài giờ sau khi phiên tòa kết thúc, trang facebook của Người Việt Xấu Xí đưa lên một status đầy hình tượng như sau:
“Chuyện nhục quốc thể bên ngoài tòa Hà nội.
Tôi đứng trên vỉa hè cùng các phóng viên nước ngoài và bà con, chứng kiến cảnh cực kỳ ngu của đám dân phòng và công an :
- Một dân phòng khi thấy nữ phóng viên phương tây dùng I phone ghi hình thì nó cầm gậy chỉ, hua hua vào trước ống kính, mặt mũi bậm trợn : cấm chụp ảnh, cấm chụp ảnh.. ! Bọt mép văng tung tóe. Hai nữ pv nước ngoài vẫn lạnh lùng ghi hình, còn chĩa thẳng máy vào mặt tên dân phòng kia.
Cảnh đó được ghi trọn trong máy của một phóng viên khác cũng là người nước ngoài.
- Một công an bụng béo mỡ cầm cái biển cấm chụp ảnh chạy từ bên cổng tòa, mang sang đặt trước mặt nữ pv quốc tế, công an này không đeo biển tên, toàn bộ cảnh này cũng bị hai pv quốc tế ghi hình hết.
- Cảnh một tên mặt mũi ngổ ngáo, áo kẻ đứng trong đám 6 dân phòng, cứ rình huých trộm vào tay máy ảnh của ông JB Vinh và cậu pv Trung Nghĩa, sau khi bị ông Vinh tóm tay một công an áo xanh không thẻ yêu cầu tóm xem thằng đó ở đâu, là ai thì nó lủi .
Là người được chứng kiến toàn bộ cảnh đó mà thấy rát mặt, nó chỉ diễn ra trong vài chục giây, vì quá tập trung và bị hút vào kịch tính của diễn biến, hơn nữa kỹ năng , phản xạ của mình chưa chuyên nghiệp nên không kịp rút máy ra ghi lại, tiếc quá!”

Trả lời cho Người Việt Xấu Xí: nhà nước cố tình làm như vậy để bôi nhọ nước nhà thì không có gì phải tiếc. Sáng hôm nay các clip ấy đã xuất hiện đầy ở các kênh truyền thông nước ngoài, anh không cần phải ân hận.

Không cần phải sáng hôm nay, chiều ngày hôm qua vào lúc 5 giờ, bản án dành cho Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy đã phản ánh đầy đủ thái độ của nhà nước Việt Nam. Họ không những bôi nhọ nước nhà mà họ còn cực lực làm nhục cái gọi là tòa án xã hội chủ nghĩa.

Cánh Cò

http://www.rfavietnam.com


Blogger Anh Ba Sàm bị tuyên án 5 năm tù

Trà Mi - VOA

Blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thuý trong phiên xử hôm 23/3. Ảnh chụp từ trang web Vietnamnet.
Blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thuý trong phiên xử hôm 23/3. Ảnh chụp từ trang web Vietnamnet.

Một blogger được nhiều người biết tiếng, con trai một cựu Bộ trưởng, vừa bị tuyên án 5 năm tù giam vì các bài viết mà Hà Nội cho là "chống phá nhà nước".
Blogger Anh Ba Sàm, tức nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Hữu Vinh (60 tuổi), cùng người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy (35 tuổi) bị cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’, theo điều 258 Bộ Luật Hình sự.
Ông Vinh bị tuyên án 5 năm tù và bà Thúy bị kêu án 3 năm tù giam. Cả hai bị bắt giam từ tháng 5 năm 2014.

Cáo trạng nói các bài viết đăng tải trên trang Anh Ba Sàm có nội dung xuyên tạc, thể hiện quan điểm một chiều chống lại đảng cộng sản, gây ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân đối với lãnh đạo Việt Nam.
Kết thúc phiên xử, luật sư Trần Quốc Thuận, một trong những đại diện pháp lý của ông Vinh, nhận xét với VOA Việt ngữ phiên tòa hôm nay ‘rất bất bình thường’, khiến các luật sư ‘bất ngờ’. Luật sư Thuận nói:
“Các luật sư đều cho thấy rằng vụ án này vi phạm tố tụng đặc biệt nghiêm trọng, từ khâu bắt đến phê chuẩn điều tra. Như trường hợp Trung tướng Hoàng Kông Tư là Thủ trưởng cơ quan điều tra cũng là một trong những người có tên trong danh sách ‘người bị hại’ lại chủ trì cuộc điều tra này. Việc thu thập chứng cứ thì vi phạm trình tự theo các thông tư liên ngành của Tòa án, Viện Kiểm sát, Bộ Công an..v..v..đều vi phạm hết. Chứng cứ pháp lý buộc tội thì không hợp pháp, không có cơ sở để buộc tội. Tất cả việc này 7 luật sư đều trình bày, Viện Kiểm sát trình bày lại không được. Có một điều rất bất bình thường. Theo quy định, Tòa chỉ được xét xử những gì Viện Kiểm sát truy tố thôi, nhưng khi đọc bản án, các luật sư bất ngờ vì họ đưa ra một số chứng cứ buộc tội không có trong cáo trạng, không được trình bày ra trước phiên tòa. Theo quy định tố tụng, điều 222 khoản 3, việc luận án chỉ được căn cứ vào những gì trong cáo trạng và những gì đã được đưa ra tranh luận trước tòa. Ở đây, ông chủ tọa phiên tòa tự đưa ra một số ‘chứng cứ buộc tội’. Bản án được đặt trên những nền tảng như thế là không bình thường”.
Luật sư Thuận cho biết cả hai bị can Vinh và Thúy tại tòa rất bình thản, tỉnh táo, đối đáp rạch ròi, và đều tuyên bố rằng họ hoàn toàn không có tội.

Luật sư Thuận nói phiên tòa Anh Ba Sàm là một thông điệp nữa cho thế giới thấy rõ bộ mặt nhân quyền tại Việt Nam mâu thuẫn giữa lời nói và hành động như thế nào. Một điển hình cụ thể nhất, theo lời ông, nằm ở chỗ phiên tòa mà nhà nước gọi là ‘công khai’ lại có rất nhiều sự ‘ngăn chặn’. Luật sư Thuận nhận xét:
“Đây là một vụ có thể người ta dựng lên với âm mưu hại anh Nguyễn Hữu Vinh. Gọi là ‘xét xử công khai’ mà đưa vào một phòng xử rất chật, số người được vào rất ít, kể cả một số đại diện các tòa đại sứ đến xin vào dự cũng không được cho vào. Có một ông đại biểu Quốc hội của Đức từ bên đó bay sang đây xin vào dự phiên tòa cũng không được vào.”

Ông Vinh từng là một công an và là một đảng viên cộng sản, con trai của cựu Bộ trưởng Lao động Nguyễn Hữu Khiếu. Năm 1999 ông thôi việc và ra mở công ty thám tử tư.

Ông lập trang blog cá nhân Anh Ba Sàm năm 2007 trước khi mở thêm hai trang Dân quyền hồi năm 2013 và trang Chép Sử Việt vào đầu năm 2014.
Các trang blog của ông chuyên điểm tin và cung cấp đường dẫn tới các bài viết trên các trang báo ‘lề trái’ lẫn ‘lề phải’, tức báo chí chính thống của nhà nước lẫn các trang blog của các ngòi bút độc lập và các nhà hoạt động.

Nhiều người đã tập trung trước cổng tòa hôm nay hô khẩu hiệu và mang biểu ngữ bày tỏ sự ủng hộ đối với blogger Anh Ba Sàm và phản đối phiên xử mà họ cho là bất công.
Blogger Nguyễn Lân Thắng, nhà hoạt động xã hội tích cực vận động xóa bỏ điều luật 258, có mặt trong số đó. Anh mô tả không khí xung quanh tòa án trong lúc phiên xử diễn ra:
“Phiên tòa hôm nay cũng giống như các phiên tòa xử người bất đồng chính kiến trước nay. Có tình trạng ‘ngăn chặn’, dù nói ‘công khai’ mà không cho dân tham dự. Các vòng an ninh chìm nổi cũng rất nhiều. Cũng có vài người bị bắt bớ, ngăn chặn. Không khí xung quanh tòa, mọi người rất bất bình với bản án vừa mới tuyên. Ngoài ra còn có sự xuất hiện của các quan chức và các nhà ngoại giao từ sứ quán Mỹ, EU, Đức tạo ra sự chú ý rất lớn của người dân xung quanh và người đi đường.”

Ông Felix Schwarz, phụ trách Chính trị và Nhân quyền của Đại sứ quán Đức và dân biểu Đức Martin Patzelt cầm biểu ngữ kêu gọi trả tự do cho blogger Anh Ba Sàm và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bên ngoài tòa án.
Ông Felix Schwarz, phụ trách Chính trị và Nhân quyền của Đại sứ quán Đức và dân biểu Đức Martin Patzelt cầm biểu ngữ kêu gọi trả tự do cho blogger Anh Ba Sàm và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bên ngoài tòa án.

Là một blogger phản ánh thực trạng xã hội và cổ xúy cho quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Việt Nam, anh Thắng khẳng định bản án của Anh Ba Sàm và chị Thúy hôm nay sẽ có tác dụng ngược. Blogger Nguyễn Lân Thắng:
“Chúng tôi rất bất bình với cách hành xử của nhà nước Việt Nam. Họ coi chúng tôi là kẻ thù và đưa ra các hình thức trấn áp, đánh đập, và bỏ tù như bản án hôm nay. Bản án này là một trong những sự bất công mà chúng tôi đang gánh chịu và chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh nhiều hơn nữa.”

Blogger Anh Ba Sàm bị tuyên án 5 năm tù
Trong thông cáo phát hành ngay sau phiên tòa kết thúc, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH nói: ‘Bản án này hết sức đáng quan ngại vì chứng tỏ một làn sóng đàn áp mới giữa lúc các tân lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam lên nắm quyền.’
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế nói điều luật 258 là một trong những quy định mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự của Việt Nam thường được dùng để trấn áp những tiếng nói bất đồng hay những ai chỉ trích nhà nước.
Trước phiên xử hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch và Ân xá Quốc tế đã đồng thanh kêu gọi Việt Nam phóng thích hai blogger này.
Các chính phủ phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ, chỉ trích Việt Nam tống giam những người bất đồng chính kiến chỉ vì họ thể hiện quan điểm ôn hòa, một cáo giác mà Hà Nội nhất mực phủ nhận.
Việt Nam nói chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật.

http://www.voatiengviet.com


Mỹ yêu cầu trả tự do cho
blogger Anh Ba Sàm & bà Nguyễn Thị Minh Thúy