Sau 41 năm cai trị đất nước theo chủ nghĩa ngoại lai, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã làm được gì cho người dân Việt?
Trẻ em Huế bỏ học,
sang Lào làm thuê để khỏi chết đói!
HUẾ (NV) - Sau vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung và do thiếu thốn, nghèo đói, nhiều trẻ em ở Thừa Thiên-Huế bỏ học, theo người lớn sang Lào làm thuê. Cái giá mà các em phải trả cho việc kiếm tiền lúc tuổi còn nhỏ chính là tương lai mù mịt bởi không được học hành và thiếu sự kèm cặp, dẫn dắt của cha mẹ, gia đình.
Một bé trai đang bán bánh bột lọc tại cây xăng thuộc huyện Phú Lộc - Huế. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Mặc dù đã ba lần liên lạc với cán bộ Sở Lao Động và thương binh xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế để tìm hiểu vấn đề trẻ em ở các xã Lộc Trì, Lộc An, Lộc Sơn, Lộc Bổn... huyện Phú Lộc bỏ học sang Lào làm thuê thì chỉ nhận đúng một câu trả lời là “hoàn toàn không có.”
Phú Lộc là một huyện nằm bên cạnh dãy núi Bạch Mã và biển Lăng Cô, có thể nói đây cũng là một trong các huyện có bề ngang hẹp nhất và chịu thiên tai nhiều nhất Việt Nam. Theo các giới chức thì “tỉ lệ trẻ em đến trường 100%,” nhưng trên thực tế thì mọi chuyện lại khác.
Cá chết thì kiếm cơm chỗ khác
Bởi chỉ trong một xã nhỏ, đã có đến ba em học sinh bỏ học theo cha sang Lào làm thuê cùng với người thân. Khi hỏi những người trong xóm cũng như hỏi cán bộ xã thì nhận được chung một câu trả lời là “mấy đứa đó nó học không nổi bỏ học để học nghề chứ có làm thuê gì đâu.” Và với cái kiểu lý luận “học không nổi thì bỏ trường đi học nghề, tốt thôi, không có gì là sai.”
Trong khi đó, nguyên nhân để dẫn đến tình trạng các em bé bỏ học theo người thân sang Lào làm ăn đều là do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, mùa màng thất bát và nhiều em trong số này có cha mẹ làm nghề đánh cá gần bờ trên biển Thuận An, phá Tam Giang. Và trong suốt hai tháng qua, nhiều gia đình rơi vào tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng nhưng lại không được nhà nước cứu trợ bởi họ không được xếp vào diện làng chài và họ cũng không sống ở khu vực sát biển.
Những ngôi nhà trở nên buồn bã sau khi trẻ em băng rừng sang Lào làm thuê. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Chúng tôi tìm đến nhà ông Sự, gia đình có sáu người thì hết bốn người đã sang Lào làm thuê, đến nhà chỉ gặp được một cụ già và một phụ nữ ở nhà. Cụ già chính là bà nội của ba đứa trẻ đã sang Lào làm thuê, còn người phụ nữ là mẹ của ba đứa trẻ kia. Khi nghe chúng tôi hỏi thăm tình hình gia đình. Người mẹ của ba đứa trẻ chép miệng: “Khó khăn quá nên phải để ổng dắt mấy đứa đi chứ không muốn như vậy đâu!”
“Ở đây người ta sang Lào làm thuê nhiều lắm. Bởi chỉ cần bắt xe lên A Lưới rồi đi đường rừng băng sang Lào, ở đó sẽ có vài người đã có kinh nghiệm đón đến chỗ làm việc. Thường thì trước khi đi làm, người bên Việt Nam sẽ liên lạc thông qua một trung gian và trả phí cho trung gian đó chừng một triệu đồng (tương đương $45).”
“Nhà tui trước giờ chưa sang bên đó làm bao giờ. Ông nhà là dân đánh bắt gần bờ, còn tui ra ngoài chợ bán cá, buôn thêm rau hành. Nhưng hai tháng nay không có cá để bán mà nếu có thì bán cũng không ai mua.Mấy đứa nhỏ lo không có tiền nộp thầy cô dạy thêm nên bỏ học. Tụi nó đi cùng ông nhà tui sang Lào làm ăn rồi. Bốn người đi nộp hết ba triệu đồng môi giới, vì bốn người nên họ giảm cho một triệu đồng. Nói là tiền môi giới nhưng trong đó gồm cả tiền xe nữa nên cũng hợp lý thôi!”
“Ở đây cũng không có nhiều gia đình có con bỏ học đi làm bên Lào lắm đâu, mấy xã Lộc Trì, Lộc An, Lộc Bổn kia mới có nhiều người đưa con sang bên Lào làm thuê. Ở bên đó chủ yếu là đi phụ hồ, trồng rau, bốc phân bò và thồ hàng. Nói chung có việc là làm, việc nào kiếm được nhiều tiền thì làm thôi. Vì làm chui nên khó nói lắm! Mấy gia đình có con đi làm thuê đều là dân chài cả, đói quá thì phải kiếm cơm thôi, có ai thương mình hơn mình đâu!”
Xúc vỏ hàu về làm vôi, một kiểu kiếm cơm qua ngày của người Phú Lộc. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Nói đến đây, người phụ nữ mẹ của ba đứa con trai và vợ của một người chồng, cả bốn người họ đang làm thuê trên đất khách... rơm rớm nước mắt.
Kiếp lao động chui
Một buổi trưa chậm chạp trôi, chúng tôi lại lòng vòng, quay xe trở ra, băng qua hầm chui Phước Tượng và Phú Gia mà trước đây là hai con đèo khá hiểm trở có độ dài bằng nửa đèo Hải Vân trên tuyến Đà Nẵng - Huế. Đến xã Lộc Trì, chúng tôi lại tiếp tục tìm hiểu về đời sống và chuyện trẻ em bỏ học sang Lào làm thuê.
Một không gian vắng lặng hiện ra trước mắt. Khi chúng tôi hỏi thăm về các gia đình có con bỏ học sang Lào làm thuê thì ai cũng lắc đầu, nói rằng làm chi có chuyện đó. Nhưng chúng tôi lại hỏi tiếp, gặp một người ngồi uống bia bên quán ven đường. Ông này ngoắc chúng tôi vào, khi chúng tôi ngồi vào bàn, ông nói: “Muốn nghe chuyện phải tốn một thùng Huda (bia Huế sản xuất)!”
Sau khi chúng tôi làm quen và mời ông một thùng Huda, ông nói: “Ở đây không ai dám nhận gia đình mình có con bỏ học sang Lào làm ăn đâu. Phải giữ kín hết, nói vậy bị người ta phạt sao! Chỉ có mọi người thông cảm cho cái nghèo của nhau mà giấu kín.”
Một ngôi nhà có trẻ em sang Lào làm thuê. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
“Chuyện bỏ học sang Lào làm ăn ở đây nhiều lắm. Có đứa báo đau ốm xin nghỉ một tháng rồi xin cả giấy tờ khám sức khỏe hoặc nhập viện gì đó để mà đi làm, xong tháng lại về, dư cũng được hai ba triệu đồng. Cứ như vậy mà đi. Có đứa đi riết thành quen, về học hành chi được nữa vì mất hết căn bản, cuối cùng bỏ học đi làm luôn!”
“Thường thì làm bên Lào, nếu người lớn kiếm cũng được từ bảy triệu đồng đến mười triệu đồng, trẻ em kiếm cũng được từ ba triệu đến năm triệu. Tụi nó kháo nhau là có đi học lên tới đại học rồi cũng thất nghiệp, đi làm thuê tứ xứ. Chi bằng bây giờ làm thuê trước, tới tuổi tốt nghiệp đại học thì cũng có số vốn mà tiếp tục làm thuê. À, ở đây có nhiều đứa học xong đại học lại sang Lào làm thuê nhiều lắm!”
Câu chuyện của người đàn ông trong quán rượu này vô hình trung lại chạm đến một vấn đề khác về giáo dục. Dường như khi người ta không còn tin vào tương lai thông qua con đường học tập nữa thì chuyện trẻ em bỏ học đi làm thuê cũng không có gì là xa lạ hay đáng ngạc nhiên nữa chăng?
Bài giảng trong thánh lễ Cầu cho Công Lý & Hòa Bình
CÔNG LÝ & HÒA BÌNH
CÔNG LÝ & HÒA BÌNH
Trong chuyến thăm vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh, chứng kiến cảnh chết chóc tràn bờ, Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt nhận định: “Tôi thấy cái chết của biển cũng như của cá nó chỉ là cái ngọn vấn đề, cái chính gây ra cái chết này là do cái chết của tâm hồn con người. Tôi thấy có ít nhất có bốn cái chết: cái chết của lương tâm, cái chết của luân lý, cái chết của lý trí, cái chết của chính trị.
Lương tâm là ơn Chúa ban cho người ta để người ta phân biệt được điều gì tốt điều gì xấu, khi làm điều tốt thì lương tâm thanh thản, an ủi còn khi làm điều xấu lương tâm cắn rứt. Nhưng khi lương tâm chết rồi nó không còn cắn rứt nữa. Cho nên khi làm điều xấu mà nó không còn cắn rứt nữa thì lương tâm đó chết rồi.Luân lý là những chuẩn mực, quy luật để hành xử cho đúng đạo lý. Khi cư xử không còn theo đạo lý nữa, không còn biết đâu là xấu – tốt thì luân lý đó chết rồi, nó không bị chi phối bởi những chuẩn mực đạo đức, không còn quy tắc đạo lý nữa.
Lý trí để giúp người ta biết phân định những giá trị cao thấp khác nhau như Đức Thánh Cha nói rằng: “thời gian lớn hơn không gian, toàn phần lớn hơn một phần”. Bây giờ người ta chọn một phần mà quên đi toàn phần thì cái đó là cái chết của lý trí không còn phân định được và chọn các giá trị thấp mà bỏ các giá trị cao.
Chính trị chính là nghệ thuật tổ chức sắp xếp để cho mọi người được hạnh phúc. Khi việc mưu cầu hạnh phúc cho con người đã chết thì biển chết, cá chết là hậu quả.” Lời nhận định của một nhà lãnh đạo tôn giáo quả thật rất sâu sắc và chí lý.
Đất nước VN đang đối phó với cái chết thể lý do nhiễm độc mà ai cũng thấy sờ sờ trước mắt, ngay trên mâm cơm nhà mình mỗi ngày. Nhưng sự nhiễm độc này chưa tàn phá và chết chóc cho bằng sự nhiễm độc trong tâm hồn mà Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp trong bài giảng ngày 13.06, lễ thánh Antôn tại Trại Gáo, Vinh đã nói: “Hôm nay người dân VN với mâm cơm đầy nghi nan, không biết đâu là thực phẩm bẩn – sạch và ranh giới giữa chúng rất mong manh. Một số người ham lợi nhuận, vì đồng tiền đã bán rẻ lương tâm, chế biến những thực phẩm bẩn đem bán trên thị trường.”
Hai vị chủ chăn cùng chung một nhận định về cái chết trong tâm hồn con người. Đây là thứ chất độc đáng sợ hơn cả! Bởi độc bên ngoài, theo thời gian người ta có thể cung chung tay loại trừ nó, nhưng độc tố hận thù trong lòng khiến người ta hại nhau, giết nhau một cách thản nhiên thì không còn thời gian để cứu vớt.
Máu độc trong tâm hồn là hậu quả một nền giáo dục độc tôn do Đảng Cộng Sản Vô Thần cai trị hơn 70 năm ngoài Miền Bắc và hơn 40 năm trong Miền Nam. Một nền giáo dục mà theo lời nhận định của Đức Cha Phaolô là “đã bị nhiễm bẩn” bởi lòng bạo lực, thù hận và ích kỷ. Bao thế hệ trẻ VN dưới mái trường XHCN đã được “dạy” cho biết về lòng thù hận đối với Mỹ, Ngụy. Tôi còn nhớ như in ngày mình được học về lòng căm thù “thằng Ngụy”. Đầu óc non nớt trẻ thơ chưa hiểu “thằng Ngụy” là thằng nào mà nó phải đáng nguyền rủa như thế! Tôi đem thắc mắc ấy về hỏi Cha tôi, vốn là một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, Cha tôi cười chua chát và chỉ vào mình:
“Là thằng này đó con!”
Những khái niệm về sự quảng đại, lòng bao dung, ơn tha thứ là những mệnh đề khó hiểu. Bởi thế, khi cá chết trắng Miền Trung, bao gia đình đớn đau tuyệt vọng, đói khát lầm than, nhiều người đến làm từ thiện thì họ lại nêu ra câu hỏi: “làm từ thiện để làm gì?”, trên một chương trình truyền hình hẳn hoi.
Sự im lặng, làm ngơ của nhà cầm quyền trước tình trạng nhiễm bẩn môi trường biển, cá chết hàng loạt hơn 70 ngày qua không phải là ngẫu nhiên. Họ thừa cơ sở dữ liệu để có thể tuyên bố nguyên nhân trong 1 ngày, nhưng cố tình che đậy. Đó chính là thứ độc hại trong tâm hồn mà CS đã chủ mưu từ khi lên cầm quyền.
Giả như tuyên bố nhanh nhà máy Formosa là thủ phạm thì chẳng khác nào thừa nhận việc làm phi nhân của mình khi vì lợi lộc của một nhóm lợi ích mà gây thiệt hại cho toàn dân. Nếu chỉ mặt Formosa cũng đồng nghĩa việc thừa nhận hối lộ, để làm ngơ cho Trung cộng hoàn toàn thao túng trên đất Việt.
Vì lẽ, Cộng sản xây dựng học thuyết không phải trên lòng yêu thương, tình đồng loại hay sự dấn thân cho lợi ích cộng đồng mà hoàn toàn ngược lại. Sức mạnh của người Cộng sản hình thành trên nền tảng của lòng ích kỉ, tính thù hận và óc vụ lợi. Lúc mới hình thành, người Cộng sản đã dựa vào hạt gạo tình thương của nhân dân để mà sống, đến khi phát triển, có chỗ dựa thì họ quay sang đề phòng nhân dân và hoàn toàn xa rời nhân dân.
Đến khi nắm quyền lực trong tay, họ tồn tại bằng cách duy trì lòng thù hận, giáo dục về lòng thù hận và phát triển lòng thù hận. Lòng thù hận luân chuyển trong lòng chế độ như một thứ máu độc, nó kích thích tính ích kỉ, sự dửng dưng và vô cảm trước nỗi đau đồng loại. Và chưa bao giờ mà thứ máu độc này lại hoành hành trên dân tộc Việt Nam như bây giờ.
Và một khi chất độc tâm hồn đã gây cái chết trong lòng người, thì mọi thứ độc tố bên ngoài chỉ còn là phụ tùy.
GNsP
ngày 22.06.2016
_________________
Đức TGM Ngô Quang Kiệt sau chuyến thăm Vũng Áng
GNsP (19.06.2016) – “Một cảnh chết chóc”, là nhận định của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt khi Ngài đến thăm Bà con Giáo dân Giáo xứ Đông Yên thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của vụ thảm họa ô nhiễm môi trường biển vào tháng 04.2016 vừa qua.
Đức Tổng Giuse đến thăm Bà con Giáo dân và Ngài trao tặng quà cho bà con những món quà Ngài đã được tặng trong dịp mừng 25 năm Linh mục của Ngài.
Sau đây xin mời quý vị lắng nghe những tâm tư, trăn trở của Đức Tổng Giuse sau chuyến viếng thăm Bà con ngư dân vùng Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Huyền Trang, GNsP: Con kính chào Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt. Kính thưa Đức Tổng, sức khỏe của Ngài dạo này thế nào ạ? Và, công việc chính của Đức Tổng ở Đan viện là gì ạ?
Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt: Chúa ban cho sức khỏe dạo này cũng khá. Công việc chính là nghỉ (Ngài cười), những giờ khác có thể đi làm vườn, giảng tĩnh tâm.
HuyềnTrang, GNsP: Kính thưa Đức Tổng Giuse, con được tin vào ngày 16.06.2016, phái đoàn của Đức Tổng đến thăm bà con ngư dân ở Vũng Áng, xin Đức Tổng có thể kể lại cho chúng con nghe về chuyến viếng thăm này ạ?
Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt: Từ lâu, tôi đã được tiếp xúc với bà con Giáo dân thuộc Giáo xứ Đông Yên ở Vũng Áng. Bà con bị giải tỏa đất để xây dựng công ty Formosa thì Giáo dân rất đau khổ và bức xúc, họ đã đi khiếu kiện ở các cấp lãnh đạo kể cả trung ương nhưng chưa có cấp thẩm quyền nào giải quyết thỏa đáng cho họ. Tôi rất là thương họ và không biết làm sao để giúp đỡ.
Tuy nhiên, trong vụ biển bị ô nhiễm, cá chết, tôi càng đau xót hơn, cho nên trong ngày Ngân khánh vừa qua có người tặng quà cho tôi thì tôi để dành tất cả những quà tặng đó cho người Vũng Áng. Hôm chuyến đi đến Vũng Áng, tôi đã đến thăm họ vì họ đã đến viếng thăm tôi nhiều lần. Tôi cũng đến tận nơi để nhìn thấy những cảnh đau khổ của những người bị ảnh hưởng trực tiếp của Formosa và cũng gửi cho họ ít quà như là dịp Lễ mừng 25 năm Linh mục của tôi.
HuyềnTrang, GNsP: Kính thưa Đức Tổng Giuse, khi Ngài đến Giáo xứ Đông Yên thì Ngài nhận xét như thế nào về tình cảnh của bà con Giáo dân ạ? Và, Đức Tổng nhận định như thế nào về thảm họa môi trường biển lần này ạ?
Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt: Tình cảnh của bà con Giáo dân quá đau khổ, xót quê hương, kể như họ rất cô đơn trên lối tối tăm thì họ bày tỏ một cảm xúc rất mãnh liệt cũng là một tình cảm quý mến. Đồng thời nói lên được một tình cảm họ được an ủi khi có người đến thăm bởi vì họ cảm thấy tủi, bị bỏ rơi, bị hắt hủi. Cho nên họ đã dành cho tôi một sự đón tiếp cảm động nhưng rất chân tình và tôi cũng hết sức cảm động khi gặp gỡ bà con Giáo dân.
Khi chứng kiến tất cả đời sống của họ cũng như đi thăm tất cả các bờ biển, tôi cảm thấy đau xót, có thể nói là một cảnh chết chóc. Tôi vào một nhà nghỉ khá lớn của Hà Tĩnh thấy khách vắng hoe, chả thấy khách đâu cả. Rồi đi ra bãi biển thấy thuyền nằm chất đống ở đó, có những con thuyền chỉ còn đậy những tấm vải y hệt như những thân thể bị liệt thì đúng là một cảnh chết chóc. Ở bờ biển không có một sinh vật nào cả, trên bãi cát không có một con dã tràng nào. Tôi thấy ở các bãi biển đều có những con vật nhỏ li ti như con dã tràng, con cua, con ốc thì bãi biển này hoàn toàn chết hết rồi, không còn một tí gì là sự sống nữa. Khi chúng tôi xuống biển, tất cả mọi người đều hết sức đề phòng để cho nước biển không được dính vào chân. Họ kéo thuyền thật cao trên bãi cát, xong rồi thì có thể bước lên bờ để chân mình khó có thể dính nước biển… Cả một sự chết chóc như vậy.
Trong làng trong xóm sự chết chóc đang dần mòn đi tại vì những người dân đánh cá đã ba tháng nay không ra biển thì chả còn thu nhập gì cả. Thành ra chúng tôi thấy sự chết dần mòn. Người ngư dân chết trực tiếp, cá chết thì người đánh cá cũng chết, những người làm nghề liên quan đến nghề cá như người bán xăng cho những tàu đánh cá cũng chết, những người làm chài lưới cũng chết, những người buôn bán hải sản cũng chết, những người chế biến hải sản cũng chết, ngành du lịch cũng chết, bao nhiêu sự chết kéo theo. Người ta đoán là có ít nhất là 5 triệu người bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết này. Hết sức là đau xót, xung quanh đó hết sức là hoang tàn, không còn sức sống, người ta ai cũng mệt mỏi, rã rời và buồn chán.
HuyềnTrang, GNsP: Kính thưa Đức Tổng Giuse, Ngài có lời khuyên nào cho những người có trách nhiệm cũng như đồng bào VN đặc biệt là bà con ngư dân ạ?
Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt: Tôi thấy cái chết của biển cũng như của cá nó chỉ là cái ngọn vấn đề, cái chính gây ra cái chết này là do cái chết của tâm hồn con người. Tôi thấy có ít nhất có bốn cái chết: cái chết của lương tâm, cái chết của luân lý, cái chết của lý trí, cái chết của chính trị.
Lương tâm là ơn Chúa ban cho người ta để người ta phân biệt được điều gì tốt điều gì xấu, khi làm điều tốt thì lương tâm thanh thản, an ủi còn khi làm điều xấu lương tâm cắn rứt. Thế thì khi lương tâm chết rồi nó không còn cắn rứt nữa. Cho nên khi làm điều xấu mà nó không còn cắn rứt nữa thì lương tâm đó chết rồi.
Luân lý là những chuẩn mực, quy luật để hành xử cho đúng đạo lý. Khi cư xử không còn theo đạo lý nữa, không còn biết điều xấu nữa thì luân lý đó chết rồi, nó không bị chi phối bởi những chuẩn mực đạo đức, không còn quy tắc đạo lý nữa.
Lý trí để giúp người ta biết phân định những giá trị cao thấp khác nhau như Đức Thánh Cha nói rằng: “thời gian lớn hơn không gian, toàn phần lớn hơn một phần”. Bây giờ người ta chọn một phần mà quên đi toàn phần thì cái đó là cái chết của lý trí không còn phân định được và chọn các giá trị thấp mà bỏ các giá trị cao.
Chính trị chính là nghệ thuật tổ chức sắp xếp để cho mọi người được hạnh phúc. Cho nên nó đã chết trong lòng con người chính là nguyên nhân làm cho biển chết, cá chết.
Thế thì bây giờ chúng ta phải làm sao cho những giá trị đó sống lại, phải làm sao cho con người sống lại cái lương tâm, cái lý trí, cái luân lý, cái chính trị thì mới có thể cứu sống được tình thế này. Có những người biết mình bị bệnh thì họ đi chữa bệnh và được khỏi bệnh, nhưng có những người bệnh mà không biết mình bệnh thì chúng ta phải xác định bệnh, làm sao cho người ta tỉnh táo để người ta sống thì mới có thể cứu được dân tộc, đất nước này. Toàn dân phải ý thức được điều đó để biết quyền được sống của mình. Chúng ta lấy bổn phận để phục vụ dân chúng như thế nào, để đem lại sự sống chứ không phải sự chết cho người khác được.
Huyền Trang, GNsP
Trả lại mâm cơm trong lành cho người dân Việt
(nguyên văn bài giảng của GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp)
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Chúng ta đang sống trong thời khắc bi thảm vì chưa bao giờ đất nước chúng ta trải qua một thảm họa môi trường biển như đã xảy ra cách đây hơn hai tháng.
Chúng ta xin thánh Antôn cho chúng ta tìm lại môi trường biển đã đánh mất đó, tìm lại nguồn biển an lành và trong sạch. Đó là một nguồn thực phẩm bổ dưỡng và lành mạnh. Đó là một môi trường của bao nhiêu ngư dân đất Việt đang sinh sống, đã sinh sống và sẽ sinh sống từ nguồn biển trong lành.
Hôm nay, môi trường đó đã bị nhiễm độc và biển đang kêu lên từ hai tháng qua, nhưng vẫn không có được một giải đáp đâu là nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường và ai là người đã gây ra thảm họa môi trường. Chúng ta phải tiếp tục can đảm yêu cầu nhà cầm quyền, những người có trách nhiệm với đất nước, với đồng bào mình, phải công bố nguyên nhân. Công bố càng sớm càng hay! Và yêu cầu ai là người đã gây tác hại cho môi trường biển phải đền bù cho ngư dân thỏa đáng.
Đặc biệt hôm nay, chúng ta về đây với những tâm tư, tình cảm và lo âu vì thảm họa môi trường đang tác hại đến quê hương chúng ta, đến đất nước, biển cả và sông ngòi và chúng ta không hiểu được hậu quả của nó sẽ kéo dài đến bao lâu. Xin thánh Antôn cho chúng ta lấy lại môi trường trong lành. Qua lời thơ của một người con Hà Tĩnh đã nêu lên những câu hỏi mà chưa có ai trả lời được. Tôi xin đọc lại bốn câu thơ sau:
“Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc rừng xanh cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…”
Trong những ngày qua, được đến thăm đồng bào ở vùng biển bị tác hại, tôi đã có cơ hội được nhìn thấy những con thuyền nằm chơ vơ trên cát nhớ biển khơi xa. Bao giờ những con thuyền đó mới được ra biển trở lại? Và bao giờ những ngư dân đánh bắt gần bờ mới có thể tiếp tục lại nghề của mình?
Kính thưa cộng đoàn,
Đức Thánh Cha cũng đã nói tác hại đến môi trường là một tội trọng, phạm đến môi trường, phạm đến con người là phạm đến chính Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta phải tiếp tục cầu xin để trả lại môi trường sinh thái an lành.
Thảm họa môi trường biển miền Trung chỉ là những giọt nước nhỏ làm tràn ly. Và qua giọt nước làm tràn ly đó, ta thấy đất nước chúng ta chưa bao giờ rơi vào tình cảnh thảm họa môi trường, không những môi trường biển, mà là môi trường nông nghiệp, môi trường rừng. Và, trên bàn ăn của người VN hôm nay, chưa bao giờ đối diện với tình cảnh thê thảm ô nhiễm như vậy.
Trong truyền thống, bàn ăn là nơi gia đình gặp gỡ nhau, tìm lại nhau sau những giờ làm việc vất vả. Trước đây, rất nhiều gia đình, dù là những bữa cơm đạm bạc, nhưng chúng ta tin rằng đó là bữa cơm an lành với những thực phẩm an lành, bổ dưỡng, giúp chúng ta lấy lại sức khỏe. Hôm nay, người dân VN với mâm cơm đầy nghi nan, không biết đâu là thực phẩm bẩn – sạch và ranh giới giữa chúng rất mong manh. Một số người ham lợi nhuận, vì đồng tiền, đã bán rẻ lương tâm, chế biến những thực phẩm bẩn đem bán trên thị trường.
Câu chuyện về vườn rau mà người ta hay kể lại là minh chứng. Cách đây không lâu, có một bài văn của một em học sinh tả về rườn rau nhà em như sau: “Nhà em có bốn luống rau. Mẹ sai em ra vườn hái rau. Em hái mỗi luống một ít. Mang về mẹ hỏi em “con hái luống nào?” Em kể lại hái mỗi luống một ít. Mẹ la lên: “Chết rồi, con phải hái luống gần bờ tường vì đó là luống rau nhà mình ăn, còn ba luống kia là rau có thuốc sâu để bán cho người ta.”
Lời mẹ dặn con sao thấy đau quá! Biết rằng ba luống rau kia có nhiễm độc tố, mà sao vẫn thản nhiên mang ra chợ bán cho người khác? Hóa ra người VN chúng ta đang giết nhau một cách thản nhiên và bình thường! Vì người trồng rau không phải chỉ ăn rau, mà bán đi để mua: thịt, nước mắm, cá, trái cây… Và những người sản xuất những thực phẩm kia cũng dùng hóa chất. Như vậy, bàn ăn của người VN hôm nay đầy nghi nan.Những món ăn ta nhìn trước mặt đầy nghi vấn, có hóa chất hay không, có yếu tố Trung Quốc hay không?
Rất mong những người Công Giáo, những người bạn của thánh Antôn, một vị thánh nhân lành, dùng cả cuộc đời để đem lại an vui cho người khác, một vị thánh rao giảng chân lý và sự thật, đòi hỏi mỗi người phải sống đúng lương tâm, đúng với giới răn của Đạo Chúa. Chúng ta phải nhất quyết không chế tạo thực phẩm bẩn. Không vì đồng tiền mang gieo cho anh chị em ta những thực phẩm bẩn.
Chính Đức Giêsu đã nói: “Chính chúng con hãy cho họ ăn!” “Cho ăn” không phải chỉ yếu tố thiêng liêng, nhưng còn là những yếu tố vật chất. Như Chúa Giêsu cho nhân loại ăn là cho chính bản thân Người, những giá trị thiêng liêng nhất thì chúng ta cũng phải trao cho anh chị em mình những thực phẩm trong lành nhất. Và nhất quyết không là người buôn bán, chế tạo, quảng bá những thực phẩm bẩn.
Như thế, khi mua hàng, chúng ta đừng thấy rẻ mà ham, vì người ta nói: “Của rẻ là của ôi.” Những hàng rẻ đến từ Trung Quốc đang là nguyên nhân thảm họa thực phẩm bẩn, thảm họa môi trường. Ngay cả mua đồ chơi cho trẻ em với hàng rẻ của Trung Quốc, vô hình trung, chúng ta gây tác hại cho con em chúng ta sau này do những hóa chất của chúng.
Kính thưa cộng đoàn,
Mâm cơm của người VN hôm nay không chỉ là mâm cơm cho thể lý. Đức Giêsu đã truyền cho chúng ta: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Ăn đây không phải chỉ về thân xác vì Chúa nói: “Con người sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn là Lời từ miệng Chúa phán ra.” “Mâm cơm” hôm nay của người VN còn rất nhiều khủng hoảng như “mâm cơm giáo dục”.Chưa bao giờ giáo dục xuống cấp như vậy. Chưa bao giờ giáo dục rơi vào hoàn cảnh dạy chữ không nỗi, huống hồ dạy người. Chưa bao giờ bạo lực học đường tràn lan và công khai như hôm nay. Chưa bao giờ con cái của các quan chức và đại gia lại bỏ nước ra đi học ở nước ngoài nhiều như vậy, để lại trường lớp cho con cái nhà nghèo.
“Mâm cơn văn hóa”, “mâm cơn nhân bản”, “mâm cơm tình người” chưa bao giờ bẩn như hôm nay, khi con người xử ác và xử tệ đến như vậy. Chưa bao giờ con người VN bạo động, nóng nảy và hung ác như vậy. Chỉ cần ra đường va chạm nhỏ cũng dẫn đến bạo động, đả thương nhau! Tình nghĩa đồng bào còn đâu! Đâu còn những giá trị văn hóa và tâm linh! Còn đâu câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”?Tại sao con người hôm nay lại xuống cấp thê thảm về giáo dục, văn hóa, và nhân bản đến như vậy?
Chúa mời gọi chúng ta hãy dọn cho anh chị em mình mâm cơm của những giá trị tâm linh, lý tưởng, “nhân linh ư vạn vật”. Con người sẽ tin vạn vật nhờ những giá trị tâm linh.
Kính thưa cộng đoàn,
Sau một thời gian dài, chúng ta sống trong một xã hội mà giá trị tâm linh xuống cấp nay đang bắt đầu khởi động bằng những lễ hội. Tuy nhiên, sau một thời gian dài bỏ quên, những lễ hội này giờ pha tạp giữa mê tín và những giá trị tâm linh đích thực.Và người ta đối xử với thần thánh theo cách người ta đối xử với nhau, hối lộ nhau, nhét tiền vào tay các vị thần để hy vọng rằng mình được ơn phúc.
Xin Chúa, qua lời cầu của thánh Antôn, cho mâm cơm tâm linh được trong lành. Chúng ta cũng hãy quyết tâm trở nên những giá trị tâm linh. Ước mong trong lời cầu xin với thánh Antôn hôm nay, chúng ta không chỉ chăm chăm chú chú cầu xin về vật chất, nhưng còn cho những giá trị tâm linh được dồi dào.
Ước mong qua lời khấn cầu của thánh Antôn, những người đã mất niềm tin vì thời cuộc, can đảm tìm lại niềm tin của mình. Ước mong những người đã bỏ niềm tin vì kinh tế, danh vọng, tiền tài đến cuối đời xin nghĩ lại: Trăm năm còn có gì đâu/ chẳng qua một nắm cỏ không xanh rì. Nếu bên kia thế giới không còn gì nữa, nếu cuộc đời chỉ dừng lại ở thế gian này thì cuối cùng được chút ít và mất biết bao nhiêu!
Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp
(Pv. GNsP ghi lại và đặt tựa bài.)
Đăng ngày 03 tháng 07.2016