Timothy Snyder

«Chúng ta đang ở thế giới của Hitler»

La seule écologie saine consistait à éliminer l’ennemi politique. La seule politique saine à en purifier la terre.
Muốn có một môi trường trong sạch, phải dẹp bỏ kẻ thủ chánh trị. Muốn có một nền chánh trị trong sáng, hãy rửa sạch môi trường. (A. Hitler, Mein Kampf)

Phan Văn Song

Cùng vài anh em giáo chức chung nghành Kinh tế Chánh trị Lịch sử Thế giới chúng tôi thường rút bài học của lịch sử cận đại về hai con quỷ Đen Độc tài Dân tộc quá khích NaZi-Phátxít đại diện bởi chủ nghĩa NaZi của tên đồ tể Hitler với Cuốn sách Mein Kampf và con Quỷ Đỏ Độc tài Cộng sản Quốc tế đại diện bởi những tên đồ tể Lenine, Staline, Mao Tzedong và thằng học trò bán nước Hồ Chí Minh với cuốn sách Tư Bản Luận-Le Capital của tên lý thuyết gia điên rồ Karl Marx để bàn chánh trị học, suy nghiệm cái ưu tư và lo sợ của chúng tôi đối với những diễn biến chánh trị ngày nay. Chúng tôi thường lo lắng khi nhận xét những sự phát triển quá nhanh của kỹ thuật khoa học, của hệ thống giao thông thương mãi, của kỹ thuật truyền thông tin học đã gạt qua bên lề hơn một nửa nhơn loại, tạo những hố sâu giữa những giai cấp trong xã hội, tạo sự bất mãn, ghen tỵ, tạo những cuồng tín, chẵng những giữa các quốc gia khác tôn giáo, khác văn hóa, khác văn minh, tổ chức xã hội, mà ngay cả trong xã hội của một quốc gia. Và do đó, sẽ tạo ra những bạo loạn do sự đụng độ của những «quá khích». Và con Quỷ Đen, đang lợi dụng những xảo thuật tuyên truyền, dùng những chiêu bài «dân túy» để trở lại, sau một thời ngự trị của con Quỷ Đỏ.
Tháng qua, tôi nhận được cuốn sách «Terre noire, L’Holocauste, et pourquoi il peut se répéter» tác giả Timothy Snyder, do dịch giả Pierre-Emmanuel Dauzat chuyển ngữ từ Anh ngữ Huê kỳ. (Nhà sách Gallimard 600 trang 24 €) do vợ tôi tặng. Đọc ngấu nghiến, tuy sách rất dầy, 600 trang. Quá đã! Thật đúng những gì tôi cảm nghĩ. Bèn cổ võ bạn bè mua và chia sẻ.
Tuần qua, một anh bạn, gởi đến tôi lời bình luận của François-Guillaume Lorrain đăng trên mục Postillon của tuần báo Le Point-số 15 tháng 9 2016. Xin dược phỏng dịch. 
Cũng xin giới thiệu, tác giả Timothy Snyder, người Mỹ. Hiên là giáo sư Sử Thế giới, chuyên về Trung và Đông Âu châu tại Đại học Yale (Huê kỳ.)

 

1. Tác Phẩm «Terre noire» hay Quỷ Đen sẽ trở về
Trong tác phẩm «Vùng đất máu - Terre de sang», sáng tác năm 2012, kể những tộc ác xảy ra tại Đông Âu giữa những năm 1932 và 1945, Timothy Snyder đã đột phá đập vỡ bức tường giáo điều nói về Shoah - cuộc diệt chủng dân Do thái. Nhà trí thức khoa bảng Huê kỳ chuyên môn về lịch sử cận đại Đông Âu nầy đã dám đánh thẳng vào hai thành trì «đố kỵ, điều cấm-tabou» của lịch sử về Shoah. 
Đố kỵ thứ nhứt, là bức tường che chở sự liên hệ của Shoah - Nạn diệt chủng dân Do Thái với lịch sử Đảng Cộng sản Nga. 
Điều cấm thứ hai, là ông đã dám nhấn mạnh sự cấu kết giữa Moscou-Mạc Tư Khoa và Berlin-Bá Linh để phá vỡ các cuộc thành hình các Nhà Nước Dân tộc thuộc vùng gồm các Nhà Nước các quốc gia dân tộc Baltes, Ba Lan, Ukraine, Biélorussie - BêLa Nga…. Ông luôn luôn đưa cái nhìn so sánh, giữa hai chánh sách Nazi và Cộng sản đối với các Dân tộc vùng Đông Âu và với dân tộc Do thái.
Và sau cùng, Timothy Snyder đặt toàn bộ câu chuyện của ông trên một vùng rộng lớn, với một cái nhìn toàn bộ, bao quát, cho những cuộc tàn sát của thế kỷ thứ XX, trong khi các nhà viết sử Âu châu chỉ biết đưa địa điểm Auschwig là trung tâm điểm của cuộc diệt chủng dân Do thái. Cho nên năm 2012, năm ra mắt sách, tác phẩm «Vùng đất máu-Terre de sang» nếu tập trung được nhiều nồng nhiệt chào đón, nhưng đổi lại cũng tạo lắm người nghiến răng giận dỗi!
Tháng qua, tác phẩm «Vùng đất đen, l’Holocauste và lý do nào nó sẽ tái diễn – Terre Noire, L’Holocauste et pourquoi il peut se répéter» (Nhà sách Gallimard) cũng sẽ gặp những sự kiện như tác phẩm vừa nêu trên của ông vậy.
Tác phẩm sau cũng nói rõ cái nhìn của ông đối với Shoah- diệt chủng dân Do thái, đã được nói qua trong «Vùng đất máu» rồi: Nazi và Cộng sản càng tiêu diệt (xâm chiếm) các Nhà Nước Dân tộc, dân Do thái càng đi đến diệt chủng: Croatie, Quốc gia Baltes, Ba lan, Hòa Lan, Hung của thời 1944. Trái lại, tại các quốc gia chư hầu của Nazi, chưa bị xâm chiếm hẳn, dân Do thái có tý hy vọng sống tạm: Pháp, Bulgarie, Roumanie… Ấy là nhờ hệ thống Nhà Nước Quốc gia còn sót lại, tạo một bảo đảm tối thiểu cho dân Do thái. Tác giả Snyder đặt nặng quan niệm Nhà Nước làm trung tâm của dàn bài, vì tác giả nhận xét rằng Hitler, chối bỏ hẳn vai trò vai trò của chánh trị, Hitler không nói đến vai trò của Nhà Nước, chỉ nói đến Thiên nhiên-La nature. Với Thiên nhiên, Hitler chú trọng đến sự Đấu tranh Sanh tồn của Chủng tộc và sự Giữ gìn Chủng tộc thôi. Tác giả Snyder với tác phẩm nấy, quan niệm rằng, có một thế giới hitler riêng biệt, có một suy nghĩ hoàn toàn hitler trong một vũ trụ hoàn toàn hitler, rất môi trường – trong nghĩa đen hoàn toàn, dù rằng chúng ta cảm nhận «từ» nầy một cách khác. Và trong môi trường hoàn toàn hitler ấy, trong sạch ấy, không có sắc dân Do thái, vì sắc dân Do thái sẽ làm ô uế môi trường ấy đi!
Nếu với sách trước, «Vùng đất máu», Snyder có một cái nhìn địa lý chánh trị, lần nầy, với tác phẩm «Vùng đất đen» Snyder có cái nhìn tổng quát hơn, một cái nhìn «môi trường địa lý chánh trị - géo-écologique». Từ khuynh hướng sanh tồn, «đi tìm đất sống» (khuynh hướng địa dư đến 1941), đến khuynh hướng chủng tộc (từ năm 1941 trở đi) Hitler chẳng chốc, với cái ám ảnh phục hận «trả thù dân tộc - kết quả của việc Đức thua trận sau thế chiến 1», chuyển thành một lý thuyết «đấu tranh sanh tồn của chủng tộc Đức» chống «cái chủng tộc cần phải loại bỏ, dân Do thái». Nhà Nước, vốn là một quan niệm Do thái, chỉ vì dân Do thái mơ có một Nhà Nước. Dẹp Do thái! Phải dẹp Nhà Nước!

Snyder, nhấn mạnh hai quan điểm rõ ràng của cái suy nghĩ của Hitler: đấu tranh sống còn và dẹp bỏ Nhà Nước. Tác giả làm một bản thống kê những thiên tai và từ đó luận rằng một tai họa kiểu hitler có thể xảy ra cho ngày nay: nạn đói và chiến tranh ở Phi châu, sự phá hoại và đấu tranh sống còn của những Nhà Nước ở Cận và Trung Đông, đã tạo nên Nhà Nước Daesh, Hồi Giáo quá khích, những xâm phạm và tranh giành đất đai ở Phi Châu giữa Tàu và Ấn, chánh sách bành trướng của Nga ở Âu Châu… Tiếp tục so sánh thời nay và thời của Hitler, tác giả dắt chúng ta vượt không gian, địa dư, vượt ký ức, chỉ so sánh thời gian thôi… và Snyder kết luận «Chúng ta đang sống trong thế giới của Hitler và chúng ta cũng đang chia sẻ những lo lắng của Hitler: giữa thời của hắn và thời của chúng ta ngày nay, không bao nhiêu thay đổi khác biệt!».

Snyder chỉ cho chúng ta thấy những hiện tượng có thể biến chúng ta thành một Hitler, với một Holocauste lúc nào cũng có thể xảy ra được ở ngày nay. Giải thuyết một thế giới thiếu nước, thiếu lương thực, thiếu nhiên liệu… thiên nhiên sẽ là nơi để chúng ta giành giựt đất đai, nơi để đấu tranh? Những lo lắng của COP21, về thiên nhiên, môi trường, những cuộc tỵ nạn tương lai do môi trường, do nước dâng, do ảnh hưởng nhà kiếng… Nhiều sắc dân khác, nhiều chủng tộc khác sẽ thay thế dân Do thái làm vật tế thần cho một Holocauste tương lai. Những người di dân sẽ làm ô uế môi trường của dân bản xứ.
Mein Kampf và COP21 lo lắng như nhau? Dân tộc sanh tồn, Chủng tộc sanh tồn… Dị chủng do di dân? Dị chủng hay dị văn hoá? Choc- đụng chạm văn hóa? Choc chủng tộc? Choc tôn giáo? Hỏi là trả lời.
Và Snyder kết luận: «Ráng đi tìm hiểu bài học Holocauste thời Hitler là cái dịp may cuối cùng của chúng ta để cứu nhơn loại!»

2. Vài trích dẫn của «Vùng đất đen,…» 
A. Thế giới của Hitler cần một loại dân Do Thái 
Hitler từng viết: «Thiên nhiên không có biên giới chánh trị. Thiên nhiên đặt những sanh vật sống cạnh nhau và ngắm xem chúng hắn tranh giành đề sanh tồn» … «Kẻ yếu bao giờ cũng bị kẻ mạnh cai trị…vì thế giới không có chổ cho những tên yếu kém» … Chỉ có một mệnh lệnh của Đấng Tối cao: «Phải bảo vệ chủng tộc!» … Hitler chấp nhận nhơn loại chia thành nhiều chủng tộc, nhưng Hitler cho rằng dân Do thái không phải là một chủng tộc: Do thái chỉ là một loại «không chủng tộc – non race»! «Vì các chủng tộc đều biết đấu tranh, đi tìm sanh tồn, đi tìm đất sống, nhưng dân Do thái không làm như vậy, nó sống bám vào chủng tộc khác, đó là một hướng sống «phản thiên nhiên.»

B. Để một dân tộc sanh tồn, một Holocauste đôi khi cần thiết
Dù thế giới vẫn đủ nước uống, vẫn đủ lương thực, các quốc gia tiến triển giàu có vẫn phải lo lắng tiếp vận nuôi sống dân của họ. Các lãnh đạo tương lai các quốc gia tiên tiến cũng phải tiếp tục lựa chọn giữa chánh trị và khoa học. Xưa kia Hitler đã chứng minh, đã nhập chánh trị vào khoa học, dùng khoa học phục vụ chánh sách chánh trị sẽ mở một lý thuyết để giải quyết những đại họa có thể xảy đến cho tương lai của đất nước. Trong một kịch bản phải cần một cuộc tàn sát toàn bộ như một Holocauste chẳng hạn, các nhà lãnh đạo có thể sử dụng hay đưa ý kiến tạo một sự sợ hãi do sự thiếu thốn, tạo điều kiện lo âu để tiên liệu những vấn đề thiếu thốn do môi trường hay môi sanh, bằng chỉ điểm hẳn một nhóm người làm vật tế thần, trách nhiệm vô tình hay cố ý của mọi tai họa hay xáo trộn của tổ chức xã hội đang sống. Năm xưa Nazi, chỉ cần vài cuộc biểu diễn rầm rộ điển hình, một bộ máy tuyên truyền hữu hiệu, và một chánh sách quyết tâm, là có thể tạo ngay một cách sống và một cách suy nghĩ.
Thế giới ngày nay đang trên đà thay đổi nhanh lại càng chứng minh rõ ràng hơn cái nhìn đại họa kiểu Hitler, từ đời sống, môi trường sống, đến không gian sống và cả thời gian sống. Nhiệt độ quả đất sẽ hâm nóng thêm 4 độ C như tiên liệu đã sẽ là một cuộc thay đổi lớn cho dân chúng trên thế giới rồi!

Thay lời kết:
Ngày nay, vì sự sống còn Hán tộc, con quỷ đỏ Tàu đang biến thành con quỷ đen 
Đối diện với một lô khủng hoảng, một lô thiên tai, đại họa, như những hạn hán kéo dài hằng năm, các nhà lãnh đạo tương lai Beijing sẽ có những giải pháp vào những năm 2030 cũng chẳng khác gì những giải pháp của các nhà lãnh đạo Berlin năm 1930. Toàn cầu hóa đang giúp các lãnh đạo Tàu trong khu vực ngoại thương cũng sẽ giúp đỡ Nhà Nước Tàu kiểm soát không gian môi trường lương thực để nuôi sống dân Tàu. Vì vậy cũng chẳng nên ngạc nhiên khi ngày nay, Tàu đang xem Phi Châu là một mảnh vườn lớn và một kho lương thực lớn và Đông Nam Á trong ấy có cả Việt Nam là những đất khai thác trồng trọt, những kho lương thực, tiếp liệu nuôi dân Tàu .

Hồi Nhơn Sơn cuối tháng 11.2016
Phan Văn Song

 

Đăng ngày 26 tháng 11.2016