banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Quên sao được ngày 30-4-1975

Phan Đức Minh  

Ngày Quốc Hận 30 tháng 4 lại đến. Chúng ta  hãy cùng nhau nhìn lại, dù chỉ là thoáng qua, những diễn tiến đưa đến biến cố lịch sử đau thương, một mất mát lớn lao ở mức độ kinh hoàng cho Nam Việt Nam, cho chúng ta,  không thể nào nói lên hết  bằng vài ba trang giấy ….

* Ngày 6–1–1975: Tỉnh Phước Long và Thị Xã Phước Bình, cách Sài Gòn 60 dặm về  phía Bắc, rơi vào tay quân cộng sản Bắc Việt. Sau vụ ” Mùa Hè đỏ lửa” từ vùng địa đầu giới tuyến Quảng Trị, năm 1972 thì Phước Bình là thị trấn đầu tiên của Nam Việt Nam bị quân cộng sản đánh chiếm. Không Quân Việt Nam Cộng Hoà thiệt hại 20 máy bay trong công cuộc bảo vệ Tỉnh Phước Long. Nhiều máy bay bị bắn hạ bằng hoả tiễn SA-7 của Liên Sô ( The South Vietnamese Air Force loses 20 planes defending the province, many to SA-7 missiles made by the Soviet Union ).
Sự thiếu vắng phản ứng quân sự của Hoa Kỳ càng xúi giục cộng sản làm tới vì các chiến lược gia của cộng sản biết rằng đã đến lúc Hoa Kỳ phải rời bỏ Việt Nam. Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẫn và Bộ Chính Trị của Đảng cộng sản quyết định tăng cường các cuộc tấn công trên toàn lãnh thổ Nam Việt Nam để phát động một cuộc Tổng nổi dậy vào năm 1976. Cộng sản chỉ dám mong điều đó xảy ra vào năm 1976 mà thôi.

* Ngày 28-1-1975: Tổng Thống Hoa Kỳ, Gerald Ford, yêu cầu Quốc Hội tăng thêm  quân viện cho Nam Việt Nam và Kampuchia với ngân khoản 522 triệu Mỹ Kim vì lúc này Tổng Thống Ford được biết quân cộng sản Bắc Việt đã có mặt tại Nam Việt Nam tới mức 289.000 người. Xe tăng, trọng pháo, hoả lực phòng không, do Liên Sô và Trung Quốc chi viện rất hùng hậu. Để giữ vững “một tiền đồn chống cộng” ở Đông Nam Á Châu thì ngân khoản 522 triệu đô la có là bao so với những năm trước đó là vài tỉ đô la 1 năm. Thế nhưng  cũng không xong.  Người ta đã phải bỏ cuộc mà ra đi cho rồi…

* Ngày 5-2-1975:  Đại Tướng Bắc Việt Văn Tiến Dũng  vào Nam để chỉ huy quân đội cộng sản.   

* Ngày 10-3-1975: Quân Bắc Việt, với những Sư Đoàn thiện chiến, với phương tiện chiến  tranh hiện đại cuả Liên Sô và Trung Quốc, tấn công Ban Mê Thuột  từ ngày 10-3. Ba ngày sau, quân cộng sản tràn ngập thị trấn này, trong khi những trận đánh lớn khác bùng nổ trên mặt trận Cao Nguyên Trung Phần.

* Ngày 14–3–1975: Sau khi họp bàn với một số Tướng Lãnh và nhân vật thân cận (?), Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân, bỏ vùng cao nguyên Trung Phần và các Tỉnh phiá Bắc của Nam Việt Nam. Các Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 2, Phạm Văn Phú, và Quân Đoàn I, Ngô Quang Trưởng, ngỡ ngàng, sửng sốt, không biết tại sao lại bỏ những vùng đất quan trọng, cửa ngõ, quyết định sự sống chết của Nam Việt Nam vào lúc này, chưa đánh nhau chi cả, trong khi các lực lượng chiến đấu của 2 Quân Đoàn ( Army Corps ) Việt Nam Cộng Hoà rất hùng mạnh, sẵn sàng đọ sức với quân đội cộng sản. Mất Ban Mê Thuột đâu có nghĩa là phải mất luôn cả Quân Khu I và Quân Khu 2 ! Ông Thiệu làm như thế để gây áp lực với chính phủ Mỹ: phải quyết tâm tăng cường viện trợ mọi mặt cho Nam Việt Nam, nếu không thì ”Tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á Châu cuả Mỹ  là Nam Việt Nam sẽ sụp đổ". Ông Thiệu không hiểu rõ về người bạn đồng minh khổng lồ của mình!
Tại sao?
– Bởi vì người Mỹ đã tìm cách tháo lui khỏi cái ”Vũng lầy Việt Nam”  để ra đi một cách ít phũ phàng, ít mất mặt chừng nào hay chừng đó, sau khi  ông Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của Tổng Thống Mỹ, Henry Kissinger, đã cố dọn đường, mở lối cho Tổng Thống Richard Nixon sang Trung Cộng nói khéo với Mao Trạch Đông vào năm 1972, qua sự giàn xếp của Tổng Thống Hồi Quốc Yahya Khan. Mao Trạch Đông với sức mạnh đàn anh, từng viện trợ, cố vấn tích cực cho cộng sản Hà Nội, đã ép cộng sản Hà Nội bớt ương ngạnh, ngưng chơi trội và bắt bí Mỹ ở Hội Nghị Paris, diễn ra tại Salle de Conférence Kléber. Trong vụ này, Mỹ được chút lợi lộc là ký được cái ”Hiệp Định Ngưng Bắn – Agreement of Cease-Fire” để tháo lui có văn bản đàng hoàng, mà phe cộng sản coi như mớ giấy lộn, chẳng có giá trị gì cả, để tránh cái cảnh quân Mỹ tháo lui bỏ chạy vô tổ chức, nhưng trong đó Mỹ phải bấm bụng làm lơ, không được nói năng chi tới cái chuyện quân Bắc Việt đã vào Nam cả mấy chục Sư Đoàn (Divisions) rồi.

Tội vạ đổ lên đầu người bạn đồng minh Việt Nam Cộng Hoà hết cả. Phái đoàn Việt Nam Cộng Hoà phản đối mấy cũng hoài hơi mà thôi vì ”Xếp” đã chơi đòn ”tháu cáy” rồi thì ráng mà chịu cho quen. Dân nhược tiểu chơi với anh bạn khổng lồ là vậy!

Việc Mỹ làm cú đi đêm (Furtive Conspiracy) liên kết với Trung Cộng để chống Liên Sô thì kể như 2 bên cùng có lợi, nhưng riêng phần Trung Cộng thì lời to: Trung Cộng nhẩy vào ngồi cái ghế ”Hội viên thường trực – Permanent Member” cuả Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, với quyền phủ quyết (Veto) đáng giá cả… tỉ tỉ Mỹ Kim, đánh văng Ông Quốc Dân Đảng Trung Hoa ra Đài Loan mà chơi, mặc dầu Trung Cộng đánh thắng và đã kiểm soát lục địa Trung Hoa từ năm 1949.  Thêm cái lợi nữa là chính quyền Nixon phải lén lút, dấu diếm  bán vũ khí tối tân cho Trung Cộng để chống Liên Sô mà không được cho ai biết hết, nhất là Liên Sô, kể cả Quốc Hội, Dân Chúng và Báo Chí Mỹ nữa. Đó! Mỹ đã tìm cách tháo lui bằng mọi giá, với thế bị đánh bại rồi thì Ông Thiệu có bỏ 2 Quân Khu 1 và 2, chớ Ông Thiệu có bỏ luôn cả Quân Khu 3, Quân Khu 4 và Biệt Khu Thủ Đô, bỏ hết miền Nam Việt Nam chăng nữa thì Mỹ cũng chẳng bao giờ dại dột quay đầu trở lại để cứu Nam Việt Nam nữa. Nếu nói là cứu thì cứu hết sức từ 1965 đến 1973, với 58 ngàn quân nhân Mỹ hy sinh, mấy ngàn người mất tích, hàng trăm ngàn bị thương, hàng triệu người đau khổ, tiền bạc tốn kém biết bao nhiêu tỉ, mà đâu có cứu nổi! Nay trong lúc đã tan hàng, bỏ chạy thì còn cứu cái nỗi gì nữa đây? Rút mau chừng nào hay chùng đó!    

Đại quân cộng sản đã từng chiếm đóng thành phố Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968, đã từng đánh chiếm Quảng Trị và kiểm soát hoàn toàn Thị Trấn An Lộc trong Mùa Hè đỏ lửa 1972 mà có Quân Khu nào bị mất, phải bỏ chạy đâu? Trái lại, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã phản công một cách vô cùng anh dũng, để giành lại những địa điểm chiến lược đã rơi vào tay giặc. Thế thì tại sao mới mất có Ban Mê Thuột  mà phải bỏ Quân Khu I, trong khi Danh Tướng Ngô Quang Trưởng cuả Muà Hè Đỏ Lửa 1972, từng được thế giới biết đến và kính phục, luôn luôn nắm vững tình hình Quân Khu của Ông, trong khi Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Khu 2, phải lớn tiếng cự lại Tổng Thống Thiệu trong hệ thống liên lạc Vô tuyến Siêu Tần Số, dù Ông biết rằng làm như thế là có thể mất lon, phải ra trước Toà Án Quân Sự Mặt Trận. Tướng Phú đang sẵn sàng chờ địch tiến đánh Pleiku, vì Tướng Phú biết rằng: đánh thì chưa chắc đã chết, nhưng tự dưng bỏ chạy thì chắc chắn cả lính lẫn dân đều phải chết bi thảm trong cảnh hỗn loạn, dưới những làn mưa bão pháo binh, hoả tiễn cuả cộng sản, tự do hoành hành mà không gặp sức chống trả. Năm ngày sau, khi quân đội và dân chúng đang tháo chạy một cách thê thảm, hỗn loạn thì Ông Thiệu lại ra lệnh cho Tướng Ngô Quang Trưởng là phải ”Tử thủ thành phố Huế” (… five days later, Thieu orders Hue held at all costs…)… Tướng Ngô Quang Trưởng trả lời là: không thể nào làm được vì trước đó 5 ngày, Ông Thiệu đã hạ lệnh rút bỏ Quân Khu I, quân đội và cả triệu dân chúng hỗn loạn rút chạy suốt 5 ngày rồi, làm sao mà trở lại vị trí cũ, tổ chức, phối trí lực lượng để mà ”tử thủ Huế!”.

Tướng Ngô Quang Trưởng
 
* Ngày 24–3–1975: Thấy tình thế thuận lợi, cộng sản Hà Nội quyết định chính thức mở màn “Chiến dịch Hồ Chí Minh“. Hà Nội giao cho Tướng Văn Tiến Dũng một ”thời khoá biểu” phải kịp thời đánh chiếm hoàn toàn Nam Việt Nam trước khi mùa mưa bắt đầu vào tháng 5. Muốn vậy, quân Bắc Việt phải vào chiếm Sài Gòn chậm nhất là tuần lễ cuối cùng của tháng 4, trước khi quân đội miền Nam có thể tái phối trí lực lượng hầu bảo vệ Sài Gòn và Quân Khu 4 ở miền Tây.

* Ngày 25–3–1975: Vào lúc này, dân chúng đông tới hàng triệu người. Họ không quên cảnh cộng sản tàn sát tập thể dân chúng cũng như viên chức chính quyền, nhân vật Đảng Phái vào dịp Tết Mậu Thân 1968 nên đã kéo nhau tràn xuống thành phố Đà Nẵng, lúc đó đang bị quân cộng sản tấn công từ xa bằng hoả tiễn 122 ly cuả Trung Cộng và đại bác 130 ly cuả Liên Sô. Ông Thiệu còn ra lệnh: Không giữ được Huế thì cũng phải cố mà giữ lấy vùng duyên hải Đà Nẵng, coi như vị trí chiến lược làm đầu cầu cho quân đội Mỹ đổ bộ lên, một khi chính quyền Mỹ quyết định trở lại cứu vớt Việt Nam Cộng Hòa, đương đầu với cuộc xâm lăng đại quy mô của cộng sản. Tới lúc này mà còn hy vọng Mỹ trở lại cứu Việt Nam Cộng Hòa  thì làm sao cho Tướng Ngô Quang Trưởng tuân lệnh được đây!
Hạ Viện Hoa Kỳ đã biểu quyết dự luật cấm các hoạt động quân sự của Hoa kỳ trên toàn lãnh thổ Đông  Nam Á Châu. Dự luật này được lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua ngày 21–9–1973. Kế theo đó, ngày 12–10–1973, lưỡng Viện lại thông qua dự luật hạn chế quyền của Tổng Thống Mỹ trong việc đưa quân đội Hoa Kỳ ra ngoại quốc (sau bài học cay đắng tại Việt Nam).

* Ngày 29–3–1975: Cộng sản chiếm thành phố Đà Nẵng, đang rối loạn, mà chẳng tốn 1 viên đạn nào. Dân chúng tìm mọi cách thoát khỏi vùng này bằng mọi giá, chấp nhận chết chóc, đau đớn chia lìa trong máu và nước mắt… Kẻ viết bài này kẹt lại Đà Nẵng, rồi cùng bạn bè đi tù cải tạo vì trước đó phi đạo Đà Nẵng bị hỏa tiễn Trung Cộng cày nát, không sử dụng được nữa, trực thăng không  có, tầu Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa từ trong Nam kéo ra bãi biển Mỹ Khê, Quận 3 Đà Nẵng cứu nạn, nhưng đủ thứ người trốn chạy cộng sản giành nhau leo lên tầu bằng đủ mọi cách đã gây nên cảnh kinh hoàng, người già, trẻ con rơi xuống biển như những chiếc lá mùa thu. Kẻ này phải vỗ vai Đại Úy Từ Khánh Sinh, Quản Đốc Quân Lao Đà Nẵng, cựu Đại Đội Trưởng nhẩy dù: “Không đi bằng cách này được! Mấy đứa trẻ này sẽ chết hết!“ Đại Úy Sinh kiếm được tay Nghĩa Quân, đàn em, hắn lôi cái thuyền nhỏ xíu dìm dưới nước lên và tính chuyện ra khơi, lên tàu Mỹ. Ngay tức khắc, hàng chục mũi súng AK của du kích địa phương đã chĩa vào cái thuyền: thuyền ra là bắn hết! Cả 2 chúng tôi cùng đi tù cải tạo với nhau nơi rừng sâu, núi thẳm ghê người!

Riêng phần mình, kẻ viết… làm luôn một lèo đi tù cải tạo 12 năm, 16 ngày, qua 5 trại tù… trong khi bạn bè cùng cảnh ngộ thuờng chỉ bị giam giữ 5,7,9 năm là ra về… Thật là kinh khủng! Tôi đã từng sống trong nhà tù của Pháp, từng đi thanh tra trại tù của Việt Nam Cộng Hòa, coi trại tù của Mỹ qua truyền hình, báo in, báo điện tử, nhưng chưa thấy có thứ trại tù nào ghê gớm, kinh khủng, ác ôn, tàn bạo như nhà tù của cộng sản…    
Điều an ủi cho kẻ này là trước đó chỉ non một ngày, nhân danh Sĩ Quan cấp chức cao nhất của 2 Tòa Án Quân Sự Mặt Trận Quân Khu I và Toà án Quân Sự Thường Trực Đà Nẵng còn có mặt, tôi đã ra lệnh mở cửa nhà tù, phóng thích vô điều kiện tất cả  hơn 700 quân phạm, bất kể Sĩ Quan hay Binh Sĩ, tiểu hay đại hình, xếp hàng, cứ 10 người một chạy ra khỏi Quân Lao, về lo chuyện gia đình trước họa cộng sản đang tràn đến… Ai cũng có thân nhân, gia đình, ai cũng là người cả!

* Ngày 6 đến 15–4–1975:  2 Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh V.N. Cộng Hòa  cùng với 1 Lữ Đoàn nhẩy dù được đổ xuống phi trường Phan Rang vào ngày 6 để hy vọng đánh trận phản công. Cộng sản thấy hơi khó ăn vì ngán quân nhẩy dù nên để cho tình hình yên tĩnh 3 ngày. Thế là Lữ Đoàn nhẩy dù được bốc đi Xuân Lộc là nơi đang có trận đánh lớn giữa Sư Đoàn 18 Bộ Binh VN Cộng Hoà dưới quyền chỉ huy cuả Tướng Lê Minh Đảo với 2 Sư Đoàn quân Bắc Việt. Thay thế cho Lữ Đoàn nhẩy dù thiện chiến, người ta đưa tới đó 1 đơn vị Biệt Động Quân. Lập tức quân cộng sản cho xe tăng T-54 của Liên Sô ào ạt tiến vào, chọc thủng phòng tuyến Phan Rang và chiếm đóng vùng này không khó khăn.

* Ngày 7–4–1975: Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính Trị cộng sản Hà Nội, tới Tổng Hành Dinh quân cộng sản ở Miền Nam, đóng tại Lộc Ninh để xem xét tình hình và quyết định kế hoạch cho giai đoạn chót cuả cuộc đánh chiếm miền Nam. Lúc này, cộng sản đã kiểm soát được 2/3 lãnh thổ Nam Việt Nam.

* Ngày 8 đến 21–4-1975: Sư Đoàn 18 Bộ Binh VN Cộng Hoà do Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy, chống giữ oanh liệt trước sức tấn công vũ bão cuả 2 Sư Đoàn cộng sản nhằm tiến chiếm Sài Gòn bằng cách phá vỡ phòng tuyến cuối cùng này. Một Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Lữ Đoàn nhẩy dù từ Phan Rang được đưa vào tăng viện. Tướng cộng sản Văn Tiến Dũng phải tung vào mặt trận này 2 Sư Đoàn nữa là 4 Sư Đoàn tất cả để hòng dứt điểm càng sớm càng tốt.  
Đánh chiếm miền Nam mùa xuân năm 1975, đây là mặt trận duy nhất quân cộng sản gặp sức chiến đấu dũng mãnh, oanh liệt cuả quân đội VN Cộng Hoà. Cộng sản phải dùng số quân 4 đánh 1 trong lúc thế mạnh mọi mặt đang ở phía chính họ.
Tướng Homer Smith, tùy viên Quốc Phòng Mỹ tại Sài Gòn, ngày 13, đã gửi 1 bức điện văn cho Tướng George S. Brown, Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu Hoa Kỳ ca ngợi ý chí và tinh thần chiến đấu can đảm, dũng mãnh tuyệt vời của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, dù những bất lợi đang đè nặng tên vai họ. Tướng Smith, sau khi theo dõi cuộc chiến đấu tại Xuân Lộc, đã nói: “Sự dũng cảm và chiến đấu anh hùng của quân chính phủ Miền Nam, kể cả Địa Phương Quân Tỉnh Long Khánh đã chứng tỏ họ chiến đấu giỏi hơn đối phương của họ rất nhiều…”  Nếu Ông Nguyễn Văn Thiệu không ra lệnh bỏ 2 Quân Khu 1 và 2 ngay từ lúc chưa đánh nhau chi cả thì quân đội miền Nam Việt Nam sẽ có biết bao nhiêu trận đánh oanh liệt như thế này, và nếu chính quyền Mỹ không cố ý bỏ chạy khỏi Việt Nam thì làm sao cộng sản chiếm nổi Nam Việt Nam một cách dễ dàng như đã xẩy ra để cho quân đội và dân chúng miền Nam phải  lâm cảnh khốn cùng như đã thấy trên khắp mọi ngả đường đất nước…    
Cuối cùng phòng tuyến Xuân Lộc chỉ rơi vào tay quân cộng sản, đông đảo và hỏa lực mạnh gấp 4 lần, vào ngày 21–4–1975, khi Tướng Tư Lệnh Quân Khu 3 Việt Nam Cộng Hòa không muốn hy sinh trong thế tuyệt vọng cả 1 Sư Đoàn 18 Bộ Binh anh dũng thiện chiến trong hoàn cảnh bất lợi về tất cả mọi mặt nên đã ra lệnh cho Sư Đoàn này rút khỏi phòng tuyến đang trấn giữ…


 Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy trận đánh Xuân Lộc

* Ngày 21 đến 25–4–1975: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu  bị áp lực từ nhiều phía phải tuyên bố từ chức, chuyển giao quyền hành cho Phó tổng Thống Nguyễn Văn Hương  để ra ngoại quốc,bỏ lại đằng sau:Quê Hương, Chiến Hữu và Đồng Bào của Ông, là những gì thiêng liêng mà Ông đã từng long trọng tuyên đọc lời thề khi nhậm chức Tổng Thống, cũng như trong các dịp Quốc Lễ  là sẽ sống chết bảo vệ đến hơi thở cuối cùng…

* Ngày 23–4–1975: Tại Hoa kỳ, (Gerald Rudolph Ford – Ảnh bên phải ) – Tổng thống thứ 38 – Ông Tổng Thống duy nhất của Hoa Kỳ làm Tổng Thống mà không hề được dân chúng, cử tri bầu vào chức vụ Tổng Thống hay Phó Tổng Thống, dù là chỉ 1 phiếu) nói ”Chiến tranh Việt Nam kể như chấm dứt”. Dư luận hiểu rằng Chính quyền Mỹ lúc đó đã buông tay và… tháo chạy bằng mọi giá, trong khi Liên Sô và Trung Cộng hồ hởi, phấn khởi là đã hoàn thành nhiệm vụ ”Dứt điểm tiền đồn chống cộng cuả Mỹ tại Á Châu“.

* Ngày 28–4–1975: Bị áp lực nặng nề cũng từ nhiều phiá, Tổng Thống Trần Văn Hương phải trao quyền hành cho Tướng 4 sao Dương Văn Minh, người đã đóng vai chính trong vụ đảo chính lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm  tháng 11 năm 1963, để cho chính quyền Mỹ đổ quân tác chiến vào Nam Việt Nam và lãnh đạo cuộc chiến tranh ở đây theo kiểu “chiến tranh nhà giàu cuả Mỹ” nhưng hoàn toàn vô hiệu đối với kiểu “chiến tranh nhân dân – People’s War” không có mục tiêu, không trận tuyến, lẫn lộn với nhân dân của cộng sản.
Cộng sản không mạnh bằng Mỹ về vũ khí chiến tranh nhưng với tinh thần cuồng tín, liều mạng và hầu như luôn giữ thế tấn công trên các mặt trận, trong khi Mỹ quá mạnh nhưng luôn ở trong thế thụ động với các mục tiêu, đồn bót rõ ràng nên thế thuận lợi lại luôn nghiêng về phía cộng sản.

Có những chiến lược gia danh tiếng của thế giới đã nêu câu hỏi: Mỹ có muốn và dám thắng trong cuộc chiến tranh này không? – Nếu muốn và dám thắng, không e sợ Liên Sô và Trung Cộng, thì tại sao không giành lấy thế tấn công từ tay cộng sản? Tại sao không vừa phòng thủ ở miền Nam và đồng thời dư sức tấn công ồ ạt ra vùng hậu phương Bắc Việt của cộng sản? Sức mạnh không quân, hải quân vô địch của Mỹ, cùng các loại hỏa tiễn tối tân yểm trợ cho một lực lượng lục quân, gồm bộ binh, nhẩy dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, thiết giáp, pháo binh  chọn lọc của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa là dư sức đánh phá tan hoang các căn cứ quân sự, cơ sở chính quyền, kho tàng… không phải toàn bộ thì cũng là khắp vùng phía Nam Bắc Việt, cái hậu phương đang nuôi sống lực lượng cộng sản đã tràn vào miền Nam, tiếp tế nguồn sức mạnh tinh thần cho đạo quân xâm lược này. Miền Bắc bị bỏ trống gần như hoàn toàn, giao cho bộ đội  “chủ lực miền – regional forces“  trấn giữ. Mất hậu phương miền Bắc, cơ quan lãnh đạo cộng sản cùng với dân chúng miền Bắc không ngờ, lâm cảnh rối loạn hơn cả miền Nam thì lúc đó Liên Sô, là chính yếu, và Trung Quốc liệu có cứu nổi miền Bắc hay không?
Thêm nữa, sau này, nhiều cựu phi công Mỹ đã từng lái phản lực cơ chiến đấu, viết sách, viết trên báo chí để chia sẻ nỗi đau buồn là: họ như đã bị trói tay sau lưng khi chiến đấu tại Việt Nam, không được phép thắng trận: họ thấy rõ xe cộ của cộng sản từng đoàn trên đường mòn Hồ Chí Minh, chuyên chở quân lính, vũ khí nặng, tiếp tế quân nhu thiết yếu cho chiến trường miền Nam, mà không được phép tấn công tiêu diệt, để cho cộng sản dễ dàng tiếp tế sức mạnh vào miền Nam, tiêu diệt chính quân đội Hoa Kỳ và bạn đồng minh Việt Nam Cộng Hòa… Năm 2000, trở về thăm quê hương, phố phường, làng xóm cũ ở miền Bắc 1 lần duy nhất, kể từ khi bắt đầu xa cách, tháng 11 năm 1946, kẻ viết có nhiều dịp trò chuyện tâm tình với người thân ruột  thịt đã và đang giữ những chức vụ quan trọng trong Đảng, về chính trị, quân sự cộng sản thì được hiểu  một sự thật là: sự đánh phá của không quân Hoa Kỳ và Nam Việt Nam chỉ mới xẩy ra trong thời gian ngắn  và ở mức độ như vậy, để làm áp lực bắt cộng sản Hà Nội giữ thái độ đàng hoàng, nghiêm chỉnh trong cuộc “Hòa đàm ở Paris“  mà hàng ngũ lãnh đạo cộng sản cấp Trung ương, thành thị đã rối tinh, rối mù, chưa có định hướng rõ ràng để bảo vệ an toàn lãnh thổ cũng như dân chúng hoảng loạn, bất ngờ, rất nguy hại cho cuộc chiến đấu trường kỳ đã tăng tới điểm cao nhất, có thể nổ tung lên bất cứ lúc nào. Nếu việc tấn công bằng không lực Mỹ và Nam Việt Nam chỉ ở cường độ đó nhưng kéo dài liên tục 1 tháng nữa thì không  ai biết được cục diện của miền Bắc sẽ đi đến đâu…

Trở lại vấn đề, tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống theo đúng với sự sắp xếp cuả Hà Nội, qua trung gian cuả người em ruột Dương Văn Nhựt, Sĩ Quan cao cấp cuả cộng sản, đã có liên lạc với Dương Văn Minh từ hồi Tướng Minh được Ông Diệm cho thăng Trung Tướng sau khi Tướng Minh đánh tan các lực lượng giáo phái vũ trang ở miền Tây. Chuyện đó bại lộ. Tướng Minh, vì có công trạng, và Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, người bà con, cùng quê quán xin cho, nên được 2 Ông Diệm, Nhu tha tội, chỉ bị mất chức cầm quân, ngồi ghế Tổng Thanh Tra hữu danh nhưng vô thực.
Tổng Thống… ”đầu hàng“ Dương Văn Minh luôn luôn phải nhận lệnh qua điện thoại với Ông Thích Trí Quang, một nhân vật trong hàng lãnh đạo tôn giáo, người gốc Bắc Việt, đã được cộng sản sử dụng vào vị trí “chuyên viên tôn giáo vận tử năm 1946“, 2 lần bị Tây bắt từ hồi chiến tranh Việt-Pháp vì tình nghi hoạt động cho Việt Minh cộng sản, người đã lãnh đạo dân chúng đấu tranh tôn giáo lật đổ Ông Ngô Đình Diệm  (Thich Tri Quang, a politically sophisticated Monk of North Vietnamese origin, twice arrested by French on suspicion of Vietminh connections , stirs the people against Ngo Dinh Diem…) đấu tranh tôn giáo chống chính quyền  Thiệu – Kỳ – Có hồi 1966 ở Miền Trung Việt Nam. Cuối cùng Ông bị Tướng Không Quân Nguyễn Cao Kỳ, với cương vi Thủ Tướng, cùng một tôn giáo với Ông, cho quân đội và quân cảnh từ trong Nam ra dẹp tan, bắt Ông Thích Trí Quang cùng nhóm thân cận, nhốt lại, dẹp yên chuyện đấu tranh rối loạn lung tung, làm nát bét xã hội miền Nam, hoàn toàn chỉ có lợi cho cộng sản.

Tướng Dương Văn Minh, một Tướng đánh giặc giỏi nhưng hoàn toàn không biết gì về chính trị, lại nhẩy ra làm Tổng Thống trong giai đoạn nước sắp mất, với 1 cổ 2 tròng, nhận lệnh từ 2 nơi (cả ông Thích Trí Quang lẫn đại diện cộng sản Hà Nội đều hứa hẹn với Ông những điều tốt đẹp) thì làm được cái gì đây?
Ông Minh làm Tổng Thống chỉ làm được có mỗi một việc: theo lệnh của cộng sản, đã chiếm xong dinh Độc Lập, lên tiếng tuyên bố «đầu hàng vô điều kiện” mà thôi. Ôi! Giây phút xót xa, đau đớn cho biết bao nhiêu tâm hồn, nhất là những người quốc gia đã bao năm quyết tâm chống cộng sản Hà Nội để giữ vững Nam Việt Nam. Kẻ viết bài này cùng nhiều Sĩ Quan thân thiết xung quanh, hai tay ôm lấy mặt, nén chặt trong lòng, trong tim cho tiếng khóc đau xót khỏi bật ra, trong lúc đang bị tạm giam tại trại tập trung Vĩnh-Điện, Quảng Nam cùng với hàng chục ngàn người trong hoàn cảnh tan hàng, thua trận, bị cầm tù một cách đau buồn và tủi nhục. Năm 1951, với tuổi 20, đang đi kháng chiến chống Pháp, mình bị Tây bắt ở Huyện Tiên Hưng, Thái Bình lần thứ 2, đem về tập trung ở sân vận động tĩnh Thái Bình, rồi đưa về giam ở Nhà Máy Rượu, thành phố Nam Định mà có sao đâu, coi là chuyện thường vì đấu tranh cho đại cuộc là như thế, không thấy đau buồn tủi nhục bằng hơn 20 năm chống cộng sản, bị cộng sản cầm tù, đưa đi cải tạo, rồi phải theo lệnh bộ đội cộng sản, dí súng vào sau lưng, bắt vỗ tay hoan hô khi nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng…  Thế là nước mất, nhà tan, đau buồn, uất hận vì… mất hết! mất hết! mất cả thể xác lẫn tâm hồn…

* Xin trở lại: rạng sáng Ngày 30 tháng 4, quân cộng sản tiến vào Sài Gòn, vẫn còn gặp vài ổ kháng cự lẻ tẻ. Dương Văn Minh cứ yên trí theo bài bản đã nhận được từ “cấp trên” qua điện thoại, ra đón tiếp quân “giải phóng” và sau đó “xin bàn giao chính quyền“. Viên Đại Tá chỉ huy quân cộng sản lúc đó quát vào mặt Dương Văn Minh  “Các anh còn cái gì nữa vào lúc này mà đòi bàn giao? Chỉ có chấp nhận đầu hàng vô điều kiện mà thôi!” Đại Tá cộng sản Bùi Tín (sau này bỏ đi Pháp) lúc đó giữ vai Chính Ủy bên cạnh viên Đại Tá Chỉ huy quân giải phóng, vào Dinh Độc Lập.
Bùi Tín khôn ngoan, nhỏ nhẹ hơn nên nói "Chúng tôi chấp nhận việc đầu hàng của các Ông. Các Ông không có chi phải sợ cả. Người Mỹ là kẻ xâm lăng đã bị đánh bại. Nếu các bạn là những người yêu nước thì hãy coi giờ  phút này là niềm vui chung của dân tộc, và trên đất nước của chúng ta, chiến tranh đã chấm dứt".


Dương Văn Minh bị dẫn giải đến dài phát thanh để tuyên bố đầu hàng

Buổi sáng hôm đó, cộng sản bắt Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trước quân cộng sản. Chiến tranh đã chấm dứt, đất nước đã thống nhất nhưng dân chúng miền Nam không vui mừng, sung sướng, hạnh phúc mà lại xô nhau chạy đi mọi ngả, tìm cách thoát chạy khỏi chính quê hương, đất nước của mình để tránh họa cộng sản, bất kể mọi gian nguy, bị giết chóc, cướp bóc, hải tặc hãm hiếp, quăng xác xuống biển…  
Chính quyền mới truy lùng, tiêu diệt, bắt bớ những kẻ đã phục vụ cho chế độ cũ, nhân vật Đảng Phái chính trị, tống họ vào những trại tập trung cải tạo ở các vùng rừng núi âm u, hiểm hóc, cách biệt hẳn với xã hội loài người. Nam Bộ là cái túi đựng người quá đông đảo mà lại không có rừng núi thích hợp cho việc thiết lập các trại cải tạo, vừa an toàn lại tiện cho việc khai thác có lợi nhiều cho nên cộng sản mới phải đưa số đông ”kẻ thù” của họ ra Bắc, tống lên các trại cải tạo vùng Thượng Du Bắc Việt.


Xe tăng cộng sản ủi sập cổng dinh Độc Lập

Cán bộ cộng sản từ lớn đến nhỏ, ngơ ngáo nhìn Sài Gòn và Nam Việt Nam trong cảnh xác sơ, buồn thảm nhưng vẫn không làm mất, không che dấu được sự phồn thịnh, phát triển quá cao so với “thiên đàng hay địa ngục Bắc Bộ“. Cộng sản lớn nhỏ thi nhau vơ vét tài sản của kẻ bỏ chạy, của nhân dân Miền Nam “tay sai Mỹ Ngụy” đem về Bắc như những chiến lợi phẩm cuả một cuộc chiến thắng oai hùng… Sau này, có cơ hội tiếp xúc với người thân ở Bắc Việt Nam, từng giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền cộng sản thời gian này, kẻ viết được biết mật lệnh của cộng sản Hà Nội lúc đó có những điểm rất kinh khủng: bắt nhốt hết mọi kẻ có khả năng chống cự, nổi dậy sau này, tịch thâu mọi loại vũ khí có tầm sát hại tập thể hay cá nhân, khi có dấu hiệu hay mầm mống biến động thì tất cả những kẻ ít nguy hiểm nhất cũng phải tập trung cải tạo. Vì thế khi Trung Cộng tràn vào đánh phá 6 Tỉnh miền Bắc Việt Nam ngày 27-2–1979 để “dậy cho cộng sản Hà Nội một bài học“  thì ngay ngày hôm sau, tất cả mọi Sĩ Quan đã giải ngủ lâu hay mau, không đi cải tạo sau 30–4–1975, cũng phải nhốt đầu lại hết. Cán bộ, nhất là công an phải tìm cách dụ dỗ vợ con, làm áp lực để phá tan các gia đình sĩ quan đã đi cải tạo để lấy hết, vét hết, không cho lực lượng sĩ quan khi trở về, còn có thể làm chi được nữa, chỉ còn lo miếng cơm ăn cũng không nổi…

Thân phận cuả một Đất Nước nhỏ bé đã có “ngàn năm nô lệ giặc Tàu, trăm năm đô hộ giặc Tây“ nhưng cũng có 900 năm độc lập, tự chủ, sau trận đánh thắng lẫy lừng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, đánh bại đạo quân xâm lược khổng lồ cuả nhà Nam Hán, lúc này lại như thế đó!    

Đất nước Việt Nam cuối cùng chỉ là bãi chiến trường để 2 phe đối nghịch ý thức hệ quốc tế tiêu thụ vũ khí chiến tranh và thử nghiệm chính sách cuả mình: một bên là chính sách ngăn chặn(containment policy) của Mỹ chống lại Chủ nghiã bành trướng (expansionism) của phong trào cộng sản quốc tế.

Có bao giờ những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ dám nghĩ rằng: Một ngày nào đó Hoa Kỳ phải chịu sự thua trận đầu tiên trong lịch sử, với cái giá quá cao, thê thảm như vậy không? Thê thảm đến nỗi Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, Graham Martin, suýt nữa thì không kịp ôm lá cờ “Bách chiến bách thắng” chui vào phi cơ trực thăng để tháo chạy hay không?

* The first time in the American History, the unvanquisable armed forces of the United States lost ignominiously the war in Vietnam battle field…..”
(Cuộc di tản vội vàng diễn ra trên nóc tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn)

Thật là đau đớn! Tuy nhiên, ở đây kẻ viết cũng xin nói lên lời ghi ơn ông Đại Sứ Martin đã cương quyết và khéo léo chống lại kế hoạch của Hoa Thịnh Đốn lúc đó muốn di tản 6, 7 ngàn người Mỹ, bị kẹt lại ở Sài Gòn vào lúc quân cộng sản đã chuẩn bị vào làm chủ vùng đất này, theo phương cách: đưa Thủy Quân Lục Chiến Mỹ vào Sài Gòn giữ vòng đai an ninh quanh khu vực Tòa Đại Sứ để phi cơ trực thăng từ Hạm Đội Thái Bình Dương liên tục bốc người Mỹ và một số nhân viên làm việc cho Tòa Đại Sứ và các cơ sở phụ thuộc của Mỹ mà thôi, không cho dân chúng Sài Gòn, Nam Việt Nam dính ké vào vụ di tản kinh hoàng này. Ông Đại Sứ khôn ngoan và ít nhiều nhân đạo Martin đã chống lại quyết định của Hoa thịnh Đốn với lý luận: Sĩ Quan, quân lính Nam Việt Nam còn đông đảo tại Sài Gòn và vùng phụ cận với tâm trạng  tức giận lẫn bàng hoàng, họ còn đủ các loại vũ khí lớn nhỏ trong tay.

Nếu người Mỹ di tản theo cách ích kỷ và tàn nhẫn đó thì những chiếc trực thăng cất cánh bay lên lập tức sẽ bị bắn hạ như trái cây chín rụng và cuộc chiến đẫm máu, tàn khốc giữa những chiến binh Nam Việt Nam còn lại và thủy quân lục chiến Mỹ bắt buộc phải xẩy ra, Sài Gòn và dân chúng vô tội sẽ lãnh nhiều hậu quả không cách nào lường trước được.

Giới truyền thông cuả Mỹ, trước và sau ngày Miền Nam sụp đổ, đa số đã sa vào mê hồn trận của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản, bị ảnh hưởng của phong trào phản chiến do Đảng Cộng sản cò con ở Mỹ chủ trương và lãnh đạo, đánh giá Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa qua hình ảnh những ngày rút quân, bỏ chạy tán loạn do lệnh của  ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Báo chí và nhiều nhân vật chính quyền Mỹ bị mặc cảm lần đầu tiên thua trận, mặc dầu là quân đội hùng mạnh, vượt trội về mọi mặt hỏa lực, phương tiện chiến tranh, nhưng lâm vào cái thế khó khăn, rối loạn khi phải đối đầu với cái thứ chiến tranh không trận tuyến rõ ràng, quân địch lẫn lộn với dân chúng, mục tiêu tìm chẳng ra… (…It was the first war  the United  States lost, though because of  superior US firepower and mobility it won virtually every battle… For the soldiers who fought it, it was a war maddeningly without front lines, against an enemy  who often wore civilian clothes, and had no clear objectives  other than the “body count“… ) cho nên đã không tiếc lời đổ hết mọi tội lên đầu Quân Đội VN Cộng Hòa là thiếu tinh thần chiến đấu. Họ đâu có biết Quân Đội VN Cộng Hòa chiến đấu trong hoàn cảnh khắc nghiệt ra sao, chiến đấu không ngưng nghỉ, phương tiện thiếu thốn chớ đâu có được chiến đấu trong hoàn cảnh ”nhà giầu” như quân đội Mỹ ở Việt Nam lúc đó, được bảo vệ, yểm trợ một cách gần như tuyệt đối. Họ đâu có biết chính quyền của Ông Johnson ở Hoa Thịnh Đốn đổ quân vào Việt nam, hòng tiêu diệt cộng sản ở đây trong vòng 3 năm, nhưng lại làm cái việc kỳ quái, mà chỉ có giới tài phiệt Mỹ mới hiểu được  là “… Johnson’s administration made agreements to sell or give the Soviet Union and her commuinist satellites hundreds of millions of dollars worth of food, electronics computers, chemical plants, oil refinery equipment, airborne radar apparatus, jet aircraft engines, machine tools for an $800-million auto assembly plant and military rifles…”  
Đó! Bán hoặc cho cộng sản Liên Sô và các nước cộng sản chư hầu thực phẩm, máy điện toán, dụng cụ, hoá chất, động cơ máy bay phản lực, máy Radar, nhà máy chế tạo xe cộ, súng đạn, để rồi tất cả những thứ đó lại đổ lên quân cảng Hải Phòng, đem vào chiến trường Miền Nam để giết lính Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà! Chỉ có Trời mới hiểu nổi!

Ở đây, kẻ viết chỉ muốn nói lên một điều: Quân Đội VN Cộng Hòa nói chung, đã chiến đấu rất anh dũng, kiên cường, bất chấp mọi trở ngại, khó khăn, thiếu thốn. Miền Nam sụp đổ, nhiều Tướng lãnh: Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng v.v… và nhiều Sĩ Quan cao cấp khác đã tự sát trong khung cảnh vô cùng oanh liệt, chưa từng có trong quân  đội một quốc gia nào trên thế giới. Họ không chịu đầu hàng hay để bị bắt làm tù binh. Hàng triệu quân nhân, viên chức chính phủ, nhân vật Đảng Phái chính trị bị nhốt vào các trại tù cải tạo khổng lồ nơi rừng thiêng, nước độc, dân chúng ồ ạt bỏ nước ra đi, bỏ hết tài sản, không kể sống chết, thảm hoạ kinh hoàng trên biển cả v.v… là những vấn đề vượt quá khả năng và tầm tay cuả người Việt Miền Nam chúng ta.  Chỉ có các Đấng Thiêng liêng, chỉ có Lịch Sử mới hiểu được mà thôi!

Điều đáng mừng cho chúng ta là càng ngày, dân chúng Hoa Kỳ cũng như thế giới loài người càng hiểu ra sự thật của cuộc chiến tranh Việt Nam (mà có những nhà chính trị, Giáo Sư Đại Học lẩm cẩm kêu là cuộc nội chiến, tức là người Việt Nam đánh lộn với nhau) một Bài Học Đắt Giá, quý báu cho người Việt Nam, cho siêu cường quốc Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia nhược tiểu khác trên thế giới. Nước nhỏ yếu mà chỉ biết trông cậy, giao tất cả vận mạng dân tộc mình vào tay một nước lớn mạnh khác lo hộ hoàn toàn thì nhiều chuyện nguy hiểm bắt buộc sẽ phải đến. Nước lớn, dù là Đệ Nhất Siêu Cường Quốc mà thiếu chung thủy, coi thường Đồng Minh, bạn bè, phản bội dễ dàng những người đã từng sống chết với mình trên cùng một chiến tuyến, coi thường Liên Hiệp Quốc là cơ quan quốc tế có thẩm quyền cao nhất để giải quyết những khó khăn, tháo gỡ những rắc rối, tranh chấp điên khùng của loài người ngày nay có nhiều tham lam, ích kỷ, ưa dùng bạo lực, ít biết đến giá trị của hòa bình… thì không được đồng minh, bạn bè chân thành kính nể, rồi không lúc này thì cũng lúc khác sẽ bị những thế lực thù địch khác, mà tất nhiên có nhiều kẻ thù lớn nhỏ, tìm cơ hội đánh cho những đòn chí mạng, thảm khốc, kinh hoàng, loài người xưa nay chưa từng thấy, chưa dám nghĩ đến, nhất là trong một thế giới ngày nay khoa học, kinh tế, vũ khí chiến tranh, quyền lợi, tôn giáo xung đột, phát triển mau hơn, mạnh hơn so với mức độ hòa giải,  tuy có, nhưng vô cùng khó khăn và chậm chạp.
Cho đến ít lâu sau, tháng 3–2006, một số các nhân vật chính trị, các Giáo Sư Sử Học, Chính Trị Học mới tụ họp nhau lại ở Boston để tìm ra phần nào những sai lầm, thiếu sót của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, như đã nói sơ lược ở trên, trong khuôn khổ hạn hẹp của một bài báo, không phải là 1 cuốn sách, hầu cải thiện tình trạng bế tắc, hiểm nghèo, sa lầy của cuộc chiến tranh tại Iraq giữa một Siêu Cường Quốc (Superpower) hàng đầu của thế giới loài người với một quốc gia nhỏ bé, tầm thường, đã bị thương nặng trong cuộc chinh phạt thần tốc (lighting-speed expedition) của lực lượng Đồng Minh, Dân Chủ, Tự Do mà chính yếu là Hoa Kỳ, vào năm 1991 trong vụ trừng phạt Iraq xâm lăng Kuwait, cái mỏ dầu hỏa béo bở của vùng Trung Đông…     
Chúng ta có quyền hi vọng ở tương lai: thế hệ trẻ Việt Nam, những người yêu nước trong cũng như ngoài nước, với trình độ kiến thức, hiểu biết rộng rãi về ”Tiến trình cuả nhân loại – Process of Human Society” , hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, nhất là với niềm tự hào cuả một Dân tộc tuy nhỏ bé, gần như suốt đời này qua đời khác, luôn luôn bị xâm lăng, thống trị dã man, tàn bạo, nhưng không bao giờ đánh mất Niềm Tin vào Tổ Quốc, từng có những trang sử oanh liệt cuả Ngô Quyền, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung Nguyễn Huệ v.v… sẽ mãi mãi muôn đời có mặt trong Cộng Đồng Thế giới Tự Do, Tiến bộ và thật sự Văn minh.  

*

Tài liệu tiết lộ sau này để đọc thêm:       
                                               
HENRY KISSINGER: LỖI LẦM TRONG CUỘC CHIẾN VIỆT NAM LÀ DO NGƯỜI MỸ GÂY RA

Ngày 2 tháng 10 năm 2010
(AP) – Tiến Sĩ Henry Kissinger, từng giữ các chức vụ cố vấn an ninh quốc gia và Ngoại Trưởng Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Richard Nixon, là nhân vật nòng cốt trong việc chính sách của Washington vào những năm cuối của cuộc chiến Việt Nam, tuyên bố rằng những lỗi lầm trong cuộc chiến ấy là do chính người Mỹ gây ra.           
Ông Kissinger đưa ra nhận định này tại hội thảo về chiến lược và lịch sử cận đại của Hoa Kỳ tổ chức hôm thứ  Tư 29-9-2010 tại trụ sở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở thủ đô Washington. Theo ông thì người Mỹ muốn thương thuyết hầu chấm dứt cuộc chiến đó, nhưng phía Hà Nội thì nhất định phải đạt chiến thắng. Cộng Sản Việt Nam ấp ủ, tiến hành mục tiêu đó để thống nhất hai miền Nam Bắc từ khi họ đánh đuổi người Pháp ra khỏi Đông Dương vào năm 1954. Trước khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc hồi năm 1975, ông Kissinger cũng ca ngợi phía Hà Nội là khôn khéo nên đã thành công trong việc đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên qua những lời nhận lỗi cho rằng thất bại hoàn toàn về phía Hoa Kỳ, ông đã làm lu mờ những chiến công mà từ phía đối thủ Bắc Việt, luôn cho đó là một chiến thắng “thần thánh” giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước về một mối.

Dư luận vẫn chưa quên lời phát biểu của ông Kissinger sau ngày 30 tháng tư, 1975, khi nói rằng “thời gian sẽ trả lời ai thắng ai”.                                                                

    
Đại Tướng Mỹ xin lỗi Quân Lực Việt Nam cộng Hoà:
”Chúng Ta Không Thua Ở VN, Nhưng Chúng Ta Đã Không Giữ Lời Cam Kết Với QLVNCH, Đồng Minh Của Chúng Ta, Thay Mặt Cho Quân Đội Hoa Kỳ, Tôi Xin Lỗi Các Bạn Cựu Quân Nhân QLVNCH, Vì Chúng Tôi Đã Bỏ Rơi Các Bạn“


Tài liệu tham khảo:
- The Death of a Nation. – John A. Stormer. – Liberty Bell Press. – Missouri – 1978.
- The World Almanac of The Vietnam War -John S. Bowman (General Editor). – Bison Books Corp,    NewYork.-1985.

- Vietnam – The History & The Tactics.- Ashley Brown & Adrian Gilbert.- Orbis Publishing Limited, London –1982.
- Kennedy. – Theodore Sorensen. – Harper & Row . New York – 1965.
- Henry Kissinger’s Diplomacy. – Simon & Schuster .-   New York, 1994.
- A Book of U.S. Presidents – George Sullivan – Scholastic Incorporation, New York – 1984.

April 10, 2023
San Diego, California                 
Phan Đức Minh  

https://haingoaiphiemdam.com





Vận động Ngoại giao cuối cùng

trước ngày 30-4-1975  

Trần Gia Phụng

Trong cuộc chiến 1954-1975 giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Bắc Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Việt Nam, khi tình hình càng ngày càng căng thẳng và bất lợi cho Nam Việt Nam, thì Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, một nước cộng sản, mở cuộc vận động ngoại giao nhằm tránh sự sụp đổ của Nam Việt Nam. Đây là một diễn biến khá bất thường, nên để tìm hiểu việc nầy, xin quay trở lại chủ trương ngoại giao của CHND Trung Hoa từ năm 1954 về vấn đề Đông Dương.
 
Nguyên sau hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chia hai Việt Nam ở vĩ tuyến 17, nhà cầm quyền CHND Trung Hoa chẳng những bang giao với nhà cầm quyền cộng sản ở Bắc Việt Nam, mà còn đề nghị bang giao với chế độ tương lai thân tây phương ở Nam Việt Nam.Tuy nhiên Nam Việt Nam đã từ chối.(Stanley Karnov, Vietnam A History, New York: The Viking Press, 1983, tr.204.Nguyễn Văn Duệ, Nhớ lại những ngày ở cạnh tổng thống Ngô Đình Diệm, California, 2003, tt.33-34.)   
Sự kiện nầy cho thấy tuy Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng chủ trương mở rộng ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt học thuyết hay chủ nghĩa chính trị, dù cộng sản hay tư bản, miễn sao có lợi cho CHND Trung Hoa.

Ngày 8-3-1965, ở Nam Việt Nam, thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Đà Nẵng để giúp quân đội Nam Việt Nam chống quân đội cộng sản từ bắc vào nam.
Hai tháng sau (5-1965) CHND Trung Hoa bắt đầu gởi quân qua giúp Bắc Việt Nam, nói rằng để giúp Bắc Việt Nam xây dựng hạ tầng cơ sở, đường sá, thiết lộ, cầu cống.Số quân nầy tăng dần lên tối đa trên 310,000 quân. Quân đội CHND Trung Hoa chẳng những chỉ giúp Bắc Việt Nam, mà còn để bảo vệ mặt nam CHND Trung Hoa. Lực lượng CHND Trung Hoa đóng rải rác khắp các tỉnh thành ở phía bắc sông Hồng.


Vị trí đóng quân của quân đội CHND Trung Hoa ở Bắc Việt Nam
Chú thích: PLA = People Liberation
Army = Nhân Dân Giải Phóng Quân.
Nguồn: Xiaobing Li, A History of the Modern Chinese Army,
The University Press of Kentucky, 2007, tr.2
 
Trong nội bộ khối cộng sản quốc tế, sau khi Stalin chết năm 1953, hai bên CHND Trung Hoa và Liên Xô bắt đầu tranh chấp nhau, rồi sau đó vào tháng 3-1969, quân đội hai nước thực sự đánh nhau tại vùng sông Ussuri (Ô Tô Lý), một phụ lưu của sông Amur, ở biên giới phía đông bắc Trung Hoa, nên hai bên càng thêm đố kỵ nhau.


 
Trong khi tranh chấp với CHND Trung Hoa, Liên Xô tăng viện mạnh mẽ cho Bắc Việt Nam vừa để Bắc Việt Nam cầm chân Hoa Kỳ tại Á Châu, vừa để lôi cuốn Bắc Việt Nam về phía Liên Xô trong khối cộng sản quốc tế.
Điều nầy khiến cho CHND Trung Hoa quan ngại rằng một khi Bắc Việt Nam chiến thắng Nam Việt Nam, làm chủ toàn bộ Việt Nam, thì đảng cộng sản Việt Nam sẽ rảnh tay phía nam, có thể liên kết với Liên Xô chống CHND Trung Hoa.
Trong trường hợp Bắc Việt Nam thành công ở Việt Nam, CHND Trung Hoa có thể sẽ lâm vào thế hai đầu gặp địch: Liên Xô ở phía bắc, cộng sản Việt Nam ở phía nam. Vì vậy CHND Trung Hoa ra sức vận động nhằm giữ cho Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Việt Nam khỏi sụp đổ, để cầm chân Bắc Việt Nam. Đồng thời CHND Trung Hoa bắt đầu thay đổi thái độ đối với Hoa Kỳ. (George J.Veith, sđd.tt.555-556.)
 
Về phía Hoa Kỳ, vào cuối thập niên 60, học thuyết địa lý chính trị (geopolitics) mới thịnh hành, cho rằng Bắc Việt Nam không nguy hiểm đối với Hoa Kỳ bằng Liên Xô và CHND Trung Hoa, là hai nước cộng sản thủ đắc võ khí nguyên tử, có thể bất ngờ tấn công hủy diệt Hoa Kỳ. Học thuyết nầy khuyến khích Hoa Kỳ hòa hoãn với Liên Xô và CHND Trung Hoa, đồng thời rút quân ra khỏi Nam Việt Nam để tránh khiêu khích CHND Trung Hoa.
Thêm vào đó, lúc bấy giờ lại diễn ra những cuộc biểu tình phản chiến, chống chiến tranh Việt Nam rầm rộ khắp thế giới và tại nội địa Hoa Kỳ. Sự kiện nầy ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào đầu tháng 11-1968. Trong cuộc bầu cử năm nầy, dân chúng Hoa Kỳ chọn Richard Nixon làm tổng thống. Khi tranh cử, Nixon hứa hẹn với dân chúng sẽ đem lại “hòa bình trong danh dự” cho Hoa Kỳ.
 
Như thế, trước đây tuy đối địch nhau, nhưng nay Hoa Kỳ và CHND Trung Hoa đều có nhu cầu xích lại gần nhau. Dấu hiệu thân thiện công khai đầu tiên của cả hai bên là: CHND Trung Hoa mời đoàn tuyển thủ bóng bàn Hoa Kỳ sang thi đấu giao hữu tại Bắc Kinh ngày 14-4-1971; và cũng trong ngày nầy, Hoa Kỳ quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận CHND Trung Hoa, mà Hoa Kỳ đã thiết lập từ năm 1949.
 
Cũng trong năm 1971, trong một cuộc tiếp tân tại tòa đại sứ Miến Điện ở Paris, đại diện của thủ tướng CHND Trung Hoa gặp gỡ và đàm đạo với tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong, một thành viên trong phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa đang tham dự hội nghị Paris. Ông Phong đã từng cầm đầu phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc họp tại Paris ngày 18-1-1969 giữa bốn bên Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, để bàn về thủ tục hội nghị Paris sắp bắt đầu.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong không công bố nội dung cuộc gặp gỡ với đại diện của CHND Trung Hoa. Về sau, ông cho biết sơ lược rằng đại diện của CHND Trung Hoa tỏ ý tìm cách liên lạc với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhưng tổng thống Thiệu không trả lời. (George J.Veith: “China and the Fall of South Vietnam: the Last Great Secret of the Vietnam War”. Internet: 9-2-2022: History and Public Policy Program.)
 
Vào đầu năm 1972, khi gặp Alexander Haig (lúc đó là Deputy National Security Advisor của tổng thống Hoa Kỳ) đến Bắc Kinh để bàn thảo chương trình thăm viếng CHND Trung Hoa của tổng thống Richard Nixon, thủ tướng CHND Trung Hoa là Châu Ân Lai đã dặn dò Haig rằng: “Do not lose in Vietnam.” (“Đừng để thua ở Việt Nam.”)  Theo Haig, CHND Trung Hoa quan ngại rằng Hoa Kỳ rút lui khỏi Đông Nam Á là điều nguy hiểm cho CHND Trung Hoa. (George J.Veith, sđd. tr.557.)
Ngoài ra, cựu phó tổng thống Việt Nam Cộng Hòa là Nguyễn Cao Kỳ (nhiệm kỳ 1967-1971), còn cho biết rằng CHND Trung Hoa đã cử đại diện tiếp xúc với ông tại Sài Gòn vào cuối năm 1972, đề nghị ông Kỳ đảo chánh lật đổ tổng thống Thiệu, rồi tuyên bố Nam Viêt Nam trung lập, không theo Hoa Kỳ, cũng không theo Liên Xô, thì CHND Trung Hoa sẽ ủng hộ ông Kỳ giữ cho Việt Nam Cộng Hòa khỏi sụp đổ. Tuy nhiên ông Kỳ đã từ chối đề nghị nầy. (George J. Veith, sđd. tr.557.)
 
Sau trận Hoàng Sa ngày 19-1-1974, khi trả tù binh Việt Nam Cộng Hòa về nước, CHND Trung Hoa đề nghị với Việt Nam Cộng Hòa mở một cuộc họp giữa hai bên. Việt Nam Cộng Hòa không trả lời. Vào mùa hè năm đó (1974), CHND Trung Hoa nhờ người nói chuyện lần nữa với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng người nầy lại trình bày với đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn là Graham Martin, và đại sứ Martin cũng im lặng luôn. (George J. Veith, sđd. tr.557.)
 
Tất cả những sự kiện trên đây cho thấy ngay từ trước hiệp định Paris (27-01-1973) và trước khi CHND Trung Hoa rút hết quân ra khỏi Bắc Việt Nam (1973), CHND Trung Hoa muốn duy trì nguyên trạng miền Nam Việt Nam, không để Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.
Xin đừng quên lúc đó người Việt gốc Hoa chẳng những tập trung khá đông ở Chợ Lớn (Sài Gòn), Biên Hòa, mà còn sống rải rác tại các thành phố dọc duyên hải Nam Việt Nam và các thành phố miền tây nam Việt Nam, qua tận Cambodia, hoạt động thương mại rất nhộn nhịp.
 
Bên cạnh những vận động của CHND Trung Hoa, một người Pháp cũng góp sức nhằm duy trì Nam Việt Nam tránh sụp đổ năm 1975 là Paul Vanuxem.
Paul Vanuxem đã từng tham chiến ở Việt Nam trước năm 1954 khi còn cấp bậc đại tá. Về Pháp, ông thăng dần lên cấp trung tướng, rồi xuất ngũ vào giữa thập niên 60 và hoạt động trong ngành báo chí. Tháng 4-1975, Paul Vanuxem đến Nam Việt Nam với tư cách là đặc phái viên của tuần báo Carrefour.
Sáng ngày 30-4-1975, Paul Vanuxem đến dinh Độc Lập, gặp cựu đại tướng Dương Văn Minh, vừa nhận chức tổng thống chiều ngày 28-4-1975. Hai bên có thể đã từng quen biết nhau từ thời còn là sĩ quan trong quân đội Liên Hiệp Pháp trước 1954. Trong lúc Paul Vanuxem và Dương Văn Minh đàm luận, có ba người chứng kiến là Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Võ Diệp và Lý Quý Chung.
 
Nguyễn Hữu Hạnh nguyên là chuẩn tướng quân lực Việt Nam Cộng Hòa, giải ngũ tháng 4-1974, được tân tổng thống Dương Văn Minh giao chức phó tổng tham mưu trưởng quân đội. Sau ngày 30-4-1975, người ta mới biết Nguyễn Hữu Hạnh là kẻ “nằm vùng”, bí mật hợp tác với cộng sản khi còn tại ngũ. Trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình PBS (Hoa Kỳ) năm 1981, Nguyễn Hữu Hạnh tiết lộ chi tiết cuộc gặp gỡ trên đây giữa hai cựu tướng Pháp-Việt. (George J. Veith, Drawn Swords in a Distant Land, New York: Encounter Books, 2021, tr.559.) (PBS = Public Broadcasting Service - Series Vietnam: A Television History.)
 
Nguyễn Võ Diệp đã từng giữ chức tổng trưởng bộ thương mại và kinh tế chính phủ Nguyễn Bá Cẩn ngày 14-4-1975, tức chính phủ cuối cùng thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
 
Lý Quý Chung là dân biểu nền Đệ Nhị Cộng Hòa, được cựu đại tướng Dương Văn Minh mời làm tổng trưởng thông tin. Lý Quý Chung cho biết: Trong cuộc nói chuyện tại dinh Độc Lập ngày 30-4-1975, khi Paul Vanuxem đưa ra đề nghị với cựu đại tướng Dương Văn Minh hãy kêu gọi CHND Trung Hoa giúp đỡ để cứu vãn tình hình, thì cựu đại tướng Minh cười lớn và trả lời Vanuxem rằng: “Tôi xin cảm ơn các ý định tốt đẹp của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã phục vụ như kẻ tay sai của Pháp, rồi kẻ tay sai của Mỹ. Đủ rồi, tôi không muốn làm tay sai lần nữa...” (“ I thank you for your good intentions, but during my life I have already served as a lackey for the French and then as a lackey for the Americans. That is enough, I do not want to be a lackey again…” (George J. Veith, sđd. tr.560.) [Lý Quý Chung sau năm 1975 là nhà báo Chánh Trinh, chuyên viết về thể thao.]
 
Chính phủ Pháp không lên tiếng về việc nầy vì nguyên tắc ngoại giao quốc tế là không can thiệp vào nội tình nước khác. Trong khi đó, theo gia đình Paul Vanuxem, không thể có chuyện chính phủ Pháp giao cho ông việc liên lạc với cựu đại tướng Dương Văn Minh, vì Paul Vanuxem từng bị chính phủ Pháp khiển trách do ông đã liên hệ đến biến động ngày 21-4-1961 về vấn đề Algérie. Hơn nữa, vào năm 1975, chính phủ Pháp có sẵn tòa đại sứ tại Sài Gòn, thì chính phủ Pháp đâu cần đến Vanuxem. (George J.Veith, “China and the Fall of South Vietnam: the Last Great Secret of the Vietnam War”. Internet: 9-2-2022.)
 
Ngang đây, một câu hỏi được đặt ra là nếu Paul Vanuxem tự mình đứng ra vận động, thì ông vận động để làm gì? Vận động cho ai? Thêm nữa, trước khi đề nghị với cựu đại tướng Minh kêu gọi CHND Trung Hoa giúp đỡ, phải chăng Paul Vanuxem đã liên lạc trước với các giới chức CHND Trung Hoa nên ông mới biết dự tính của nước nầy, hay Vanuxem chỉ tiên đoán ý định của CHND Trung Hoa? Vẫn chưa có câu trả lời.
Lúc đó, Pháp còn nhiều quyền lợi ở Nam Việt Nam, nhứt là việc giao thương và các đồn điền Pháp ở Nam Việt Nam. Việt Nam còn được Pháp sắp vào nhóm “francophonie” (cộng đồng Pháp ngữ).
 
Vào năm 1975, sau khi quân đội Bắc Việt Nam chiếm quân khu I ngày 29-3-1975, chiếm quân khu II ngày 18-4-1975, và tiến xuống phía nam, đe dọa Sài Gòn, thì đại sứ Pháp là Jean Marie Mérillon cố gắng thuyết phục đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin áp lực tổng thống Thiệu từ chức. (Chính Đạo, 55 ngày đêm: Cuộc sụp đổ của VNCH, Houston, Nxb Văn Hóa, 1999, tt. 309-312.)
Lúc đó tại Sài Gòn lan truyền những tin đồn rằng cộng sản sẵn sàng thương thuyết nếu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra đi, nhưng tin tình báo của Hoa Kỳ từ Tây Ninh ngày 8-4 cho biết Bắc Việt Nam quyết đánh sập Việt Nam Cộng Hòa dầu tổng thống Thiệu từ chức. (Thomas L. Ahern Jr., CIA and the Generals,1998, Center for the Study of Intelligence, tr. 175.)
 
Cuối cùng, do tình hình biến chuyển mau lẹ, Graham Martin gởi điện văn tối mật ngày 17-4 về Washington DC, xin chính phủ Hoa Kỳ cho ông thuyết phục tổng thống Thiệu từ chức. Ông được ngoại trưởng lúc đó là Henry Kissinger đồng ý. (Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L.Schecter, Hồ sơ mật dinh Độc Lập, Los Angeles: C&K Promotions, INC. 1987, tt. 554-556.)
 
Tối thứ Bảy 19-4-1975, Graham Martin cử Charles Timmes, một nhân viên CIA (Central Intelligence Agency) trong phái bộ DAO (Decentralized Autonomous Organization) đến thuyết phục tổng thống Thiệu từ chức.
 
Hôm sau, 20-4-1975, đích thân đại sứ Martin đến gặp tổng thống Thiệu. Đại sứ Hoa Kỳ nói với tổng thống Thiệu rằng ông không yêu cầu tổng thống từ chức, nhưng chỉ còn một ít thời gian để tránh việc cộng sản tấn công Sài Gòn, nếu tổng thống không từ chức thì các tướng lãnh sẽ có thể yêu cầu điều đó. (Thomas L.Ahern, Jr., sđd. tr. 189.)
 
Cuối cùng, tối 21-4-1975, tại phủ tổng thống (dinh Độc Lập), tổng thống Nguyễn Văn Thiệu loan báo quyết định từ chức và theo hiến định, giao quyền cho phó tổng thống Trần Văn Hương.
 
Trước khi nhận chức, giáo sư Trần Văn Hương mời cựu đại tướng Dương Văn Minh cộng tác và làm thủ tướng chính phủ, nhưng cựu đại tướng Minh từ chối và nói rằng: “Thầy [chỉ ông Hương] đã hy sinh đến mức này, thôi xin thầy ráng hy sinh một bước nữa mà thầy trao trọn quyền cho tôi.” (Nguyên văn lời trong diễn văn nhận chức của tổng thống Trần Văn Hương.) (Internet).  
Giáo sư Trần Văn Hương cho rằng làm như thế là trái với hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa, nên ông không đồng ý đề nghị của cựu đại tướng Minh.
 
Sau khi ông Hương nhận chức ngày 21-4-1975, CHND Trung Hoa cử đại diện đến gặp và đề nghị tiếp viện cho Việt Nam Cộng Hòa, nhưng ông Hương từ chối. Ông nói với giới thân cận: “Cho Trung Cộng vào, chiến cuộc tiếp diễn trên lãnh thổ ta, ngay cả nếu chiến thắng thì khi nào mới đuổi Trung Cộng ra được...” (Đoàn Kim Định ghi lại trong “Lời tâm sự thay cho lời tựa” thi tập Bó Hoa Cuối Mùa của Trần Văn Hương, tái bản tại Hoa Kỳ, 2023, trang X.)
Tân tổng thống Hương mời gặp một người bạn cũ để tham khảo ý kiến là tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong. (Đã viết về hoạt động của ông Phong ở trên.) Khi gặp nhau, tiến sĩ Phong nói với tổng thống Hương rằng nếu ông Hương còn cầm quyền, thì chắc chắn Bắc Việt Nam sẽ không thương thuyết với Nam Việt Nam. (George J.Veith, “China and the Fall of South Vietnam…” Internet: 9-2-2022.)  
Sau cuộc gặp gỡ nầy, tổng thống Hương quyết định từ chức chiều 28-4-1975 và giao cho quốc hội tùy nghi quyết định người thay thế. Tuy không được hiến pháp quy định, nhưng do thời cuộc đột biến cấp bách, cuối cùng quốc hội suy cử cựu đại tướng Dương Văn Minh lên thay.
 
Lúc đó, Pháp đề nghị thêm rằng cựu đại tướng Minh nên liên lạc với Cộng Hòa Lâm Thời Miền Nam Việt Nam để thành lập một chính phủ liên hiệp do cựu đại tướng Minh đứng đầu để thương thuyết với Bắc Việt Nam, nhưng cựu đại tướng Minh không theo kế sách nầy. (George J.Veith, bài đã dẫn: “China and the Fall of South Vietnam...”)

Vì quá cấp bách, không vận động đủ nhân sự, nên khi nhận chức chiều 28-4-1975, chính phủ của tân tổng thống Dương Văn Minh chỉ gồm bốn thành viên là Dương Văn Minh (tổng thống), Nguyễn Văn Huyền (phó tổng thống), Vũ Văn Mẫu (thủ tướng), Lý Quý Chung (tổng trưởng thông tin).
Hôm sau bổ sung thêm các ông Hồ Văn Minh (phó thủ tướng), Bùi Tường Huân (tổng trưởng quốc phòng), Nguyễn Võ Diệu (tổng trưởng kinh tế), trung tướng Vĩnh Lộc (tổng tham mưu trưởng quân đội), Nguyễn Hữu Hạnh (phó tổng tham mưu trưởng quân đội), Triệu Quốc Mạnh (giám đốc nha Cảnh sát Đô thành). (Lý Quý Chung, Hồi ký không tên, Nxb.Trẻ, 2004, ch.12.)
 
Điều đáng chú ý là tại Hà Nội, cuộc họp của bộ chính trị đảng Lao Động từ 30-9 đến 8-10-1974 đưa ra kế hoạch quân sự tại miền Nam năm 1975 là tiếp tục lấn đất giành dân, chỉ sử dụng 10% võ khí dự trữ; đến cuối năm 1976, khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ thì sẽ tổng tấn công để chiếm toàn bộ Nam Việt Nam. (Viện Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác Lênin, Lịch sử đảng Cộng Sản Việt Nam, tập II (1954-1975), Nxb.Chính Trị Quốc Gia, 1995, tr.648.)  Như thế có nghĩa là Bắc Việt Nam chưa dự tính đánh chiếm Nam Việt Nam trong năm 1975, nhưng do hoàn cảnh thuận lợi, Bắc Việt Nam mới thay đổi kế hoạch.
Nguyên vào lúc đó, tại Hoa Kỳ, quốc hội thông qua “tu chính án Jackson-Vanik”, sửa đổi điều 301 của “Đạo luật Thương mại năm 1974”, đưa ra những điều kiện khó khăn, nhằm hạn chế việc giao thương với các nước cộng sản, mà chính yếu là Liên Xô và CHND Trung Hoa, và được tổng thống Gerald Ford ban hành ngày 3-1-1975. (Wikipedia).
 
Để trả đũa Hoa Kỳ, Liên Xô gởi đại tướng Viktor Kulikov, thứ trưởng bộ Quốc phòng, đến Hà Nội ngày 22-12-1974, nói là để chào mừng lễ kỷ niệm 30 năm thành lập quân đội Bắc Việt Nam (1944-1974), nhưng thực tế là để nghiên cứu tình hình tại chỗ, tìm cách chống lại Hoa Kỳ.
Khi Viktor Kulikov về nước, Liên Xô tăng viện gấp bốn lần cho Bắc Việt Nam. (Henry Kissinger, Years of Renewal, New York: Simon & Schuster, 1999, tt. 27-28, 481. Trần Đông Phong, Việt Nam Cộng Hòa, 10 ngày cuối cùng, Fountain Valley, CA: Nxb.Nam Việt, 2006, tt.29-30.) Nhờ số viện trợ lớn lao của Liên Xô, Bắc Việt Nam tung quân tấn công mạnh mẽ ở Nam Việt Nam từ đầu năm 1975.
 
Trong khi đó, quốc hội Hoa Kỳ cắt gỉảm tất cả những chi phí quân sự ở Đông Dương từ tháng 01-1973. (Richard Nixon, No more Vietnam, London: W.H.Allen, 1986, tt.169-170.) Viện trợ Hoa Kỳ giúp Việt Nam Cộng Hòa xuống đến độ chỉ đủ cung ứng một nửa nhu cầu của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. (Cao Văn Viên, Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa (Nguyên bản: The Final Collapse, Nguyễn Kỳ Phong dịch, Vietnambibliography, 2003, tr. 83-85.) Quân đội Việt Nam Cộng Hòa thiếu phương tiện chiến đấu, nhứt là xăng dầu, đạn dược… nên cuối cùng đành phải buông súng.
 
Tóm lại, trước ngày 30-4-1975, hai nước CHND Trung Hoa và Pháp vì những quyền lợi riêng tư, đã mở những cuộc vận động ngoại giao quốc tế để tránh sự sụp đổ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Việt Nam. Tuy nhiên, những cố gắng của hai nước nầy đã quá trễ, nên cuối cùng đều thất bại.
Hy vọng trong tương lai sẽ còn có nhiều tài liệu khác dần dần được bạch hóa, để có thể làm sáng tỏ hơn nữa lịch sử hiện đại của đất nước chúng ta.
 
Trần Gia Phụng
(California, 26-3-2023)

 

 Đăng ngày 29 tháng 04.2023