"Chốn vắng" của Dương Thu Hương

Liễu Trương

Đối với một nhà văn Pháp, có tác phẩm được đưa vào bộ sách Bouquins là một vinh dự. Đối với một nhà văn từ một nước xa xôi đến, được góp mặt vào bộ sách này, vinh dự càng lớn hơn. Đó là trường hợp của nhà văn Dương Thu Hương. Năm 2008, bốn tác phẩm của bà vốn đã được dịch sang Pháp ngữ, nay được đưa vào bộ sách Bouquins: Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù, Tiểu thuyết vô đề, Chốn vắng. Tên tuổi của Dương Thu Hương đã vang dội trong nước, nay càng lẫy lừng hơn.

Tiểu sử của Dương Thu Hương là một cuộc hành trình khá sôi nổi. Bà sinh năm 1947, tại Thái Bình, lớn lên dưới chế độ Cộng sản miền Bắc. Năm 20 tuổi, đang thời chiến tranh, bà gia nhập một đoàn văn công vào Nam, đi trình diễn văn nghệ ở chiến trường Bình Trị Thiên. Năm 1975, khi miền Nam sụp đổ, lẽ ra Dương Thu Hương phải vui mừng hoan hỉ, vì bà thuộc bên thắng cuộc. Nhưng không, Dương Thu Hương thất vọng, khám phá mình bị nhiều mất mát. Trở về Hà Nội, bà theo học trường viết văn Nguyễn Du, hoạt động trong ngành điện ảnh, và bắt đầu viết truyện. Vào thời kỳ đổi mới, trong những năm 1980, Dương Thu Hương viết khỏe, truyện của bà bắt đầu lôi cuốn người đọc, như Chuyện tình kể trước lúc rạng đông (1983).

Dương Thu Hương tính tình ngang nhiên, có tiếng ăn nói táo tợn, bốp chát, chống đối thẳng thừng. Bà vốn là một đảng viên Đảng Cộng sản, tuy nhiên bà quay lại chỉ trích nặng nề chính quyền Cộng sản, và kêu gọi người dân lật đổ Đảng Cộng sản. Hai truyện dài : Bên kia bờ ảo vọng và Những thiên đường mù, nói lên lập trường chống đối của Dương Thu Hương. Và hình phạt đã đến nhanh : Dương Thu Hương bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản, năm 1989, khai trừ khỏi Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1990, và đi tù trong 8 tháng, năm 1991.
Phải nói Dương Thu Hương có duyên với nước Pháp. Năm 1994, bà sang Pháp, được Jacques Toubon, bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp, tặng Huân chương Văn hóa Nghệ thuật (Chevalier des Arts et des Lettres). Năm 2006, Dương Thu Hương được mời sang Paris, rồi sang New York dự Hội nghị Văn bút Quốc tế. Sau đó bà xin cư trú tại Pháp. Ở hải ngoại bà vẫn tiếp tục viết. Tính đến năm 2020, Dương Thu Hương là tác giả của khoảng 10 tiểu thuyết, và khoảng 10 tập truyện ngắn.

Chốn Vắng, một trong bốn tác phẩm được đưa vào bộ sách Bouquins, được tác giả viết xong năm 1998, in tại Paris năm 2009, sau khi đã được dịch sang Pháp ngữ, không có tên nhà xuất bản. Chốn Vắng là một tiểu thuyết dài 656 trang, gồm 29 chương. Để hiểu rõ Dương Thu Hương muốn nói gì qua truyện Chốn Vắng, và để theo dõi nghệ thuật tự sự của tác giả, trước tiên chúng ta cần đi vào truyện.

I.  Truyện Chốn Vắng
Truyện xảy ra vào thời hậu chiến. Mới vào truyện, người đọc gặp ngay một hoàn cảnh éo le, gay cấn, phải đi theo tác giả đến cùng để xem sự việc được giải quyết ra sao.

Ở Xóm Núi, Miên là một phụ nữ đẹp, nết na thùy mị, sống hạnh phúc với chồng con. Cơ ngơi của hai vợ chồng rất đồ sộ : một ngôi nhà cất trên một đỉnh đồi, xung quanh là vườn cây trái, xa hơn là những nương tiêu, nương cà phê. Hoan, chồng Miên, làm ăn phát đạt, có một đoàn thuyền chở hàng hóa vào bán ở Đà Nẵng, Sài Gòn.

Một hôm, Hoan đi vắng với đoàn thuyền, Miên vào rừng tìm mật ong với những người phụ nữ khác. Khi trở về, Miên ngạc nhiên thấy đông người tụ họp trước nhà và trong nhà mình, có cả ông xã trưởng. Một người đàn ông gọi tên Miên, tự xưng là Bôn, chồng của Miên. Miên sững sờ không nhận ra người đàn ông của 14 năm trước, đã từng làm chồng của Miên trong một mùa hè ngắn ngủi. Rồi Bôn nhập ngũ 5 năm, rồi có giấy báo tử gửi về. Hai năm sau, Miên chính thức làm vợ của Hoan. Người từ mặt trận trở về có quyền hưởng đặc ân của cộng đồng, có quyền đòi cái phần hạnh phúc của mình. Trong thời gian chiến đấu, Bôn nhớ thương vợ, và giờ đây cảm thấy yêu vợ say đắm. Ông xã trưởng, trước khi ra về, nghiêm nghị nói với Miên những lời đầy ẩn ý : Chính quyền cũng như đảng ủy xã không can thiệp vào chuyện riêng tư của bất cứ công dân nào. Chị và anh Hoan đều là những người lương thiện, chấp hành đúng mọi pháp luật của nhà nước. Nay do tình cảnh éo le chị phải đứng trước sự lựa chọn. Chỉ có chị mới có quyền quyết định cuối cùng. Như chị đã thấy, anh Bôn là người trực tiếp góp xương máu cho cuộc chiến tranh chống Mỹ, giải phóng đất nước. Chúng ta có được cuộc sống thanh bình thịnh vượng, đất nước được độc lập tự chủ là nhờ sự đóng góp của những chiến sĩ như anh Bôn (tr. 24). Khi mọi người ra về, chỉ còn lại Bôn và Miên, cảm thấy trong ánh mắt của Bôn nỗi say đắm, ham muốn, Miên đâm hoảng sợ và tỏ ra lạnh lùng. Còn Bôn nhớ rõ kỷ niệm đêm tân hôn, nhưng sợ hãi trước sự lạnh lùng của Miên và hoang mang nghĩ đến người chồng thứ hai của Miên. Miên để Bôn ăn tối và ngủ tạm trong nhà như một người khách. Bất ngờ bị dồn vào thế bí, và trước câu hỏi khẩn cấp của Bôn, Miên buộc phải có một quyết định ; Miên bình thản cho Bôn biết trước kia Miên là vợ của Bôn, nay Miên là vợ của Hoan, cả hai lần đều kết hôn chính thức. Bôn biết Miên có quyền lựa chọn, mặc dù làng xã, truyền thống, đạo đức bênh vực anh. Bôn thổ lộ: … tôi yêu Miên. Suốt ngần ấy năm trời tôi chẳng quên em một ngày… và tôi không hề biết chuyện báo tử (tr. 61). Miên thẫn thờ, nói sẽ làm tròn bổn phận với một người có công với đất nước. Miên cho Bôn biết sẽ sắp đặt chuyện nhà cửa xong xuôi, trong hai tuần nữa sẽ đến sống với Bôn. Miên biết rồi đây phải từ giã dinh cơ, cái nơi hạnh phúc với chồng con, để trở về căn nhà tồi tàn, mục nát của Bôn. Miên vẫn yêu Hoan, thương đứa con 5 tuổi, và không nhớ gì nhiều về Bôn. Miên bị giằng co đau đớn.
Vì gia cảnh của Bôn quá nghèo, đảng ủy cho một số trai làng đến giúp sửa lại gian nhà của Bôn, trước khi đón Miên về.

Phần Hoan, khi trở về nhà hay tin chồng cũ của Miên đã trở về, anh bàng hoàng, ngẩn ngơ. Hai vợ chồng ôm nhau khóc khi nghĩ đến chia ly. Hoan nói : Anh chẳng biết anh sẽ sống thế nào khi không có em. Hoan đau khổ, gào thét trước sự phi lý. Miên chấp nhận số phận, Hoan thì không.
Ngày Miên ra đi, Hoan nhìn theo, thấy Miên thẫn thờ đi theo Bôn như một tên tử tù. Miên để lại tất cả áo quần đẹp, đồ đạc sang trọng mà Hoan đã mua tặng Miên, chỉ đem theo vài bộ đồ cũ mốc. Hoan nhét tiền theo cho Miên. Đứa con của Miên được gửi cho một bà dì nuôi. Miên khuyên Hoan nên lấy vợ. Hoan nói cả dinh cơ là sở hữu của Miên, Hoan sẽ thuê một quản gia trông nom, rồi về thành phố buôn bán với người chị.

Miên cho phơi khô thứ cỏ thạch trinh hương để nấu nước tắm tẩy trần, khi về ở với Bôn. Căn nhà của Bôn đã được sửa sang lại, Bôn chưng hoa cho đẹp mắt. Nhưng trong nhà chỉ có 5 ký gạo nhiều sạn, không nồi niêu, bát đĩa, dầu đèn. Miên khám phá tiền Hoan cho là một số tiền lớn. Ngày đầu tiên chung sống với Bôn, Miên tỏ ra dửng dưng, sống như một người khách lạ ; biết mình không yêu Bôn, cuộc trở về này là phận sự phải chấp nhận thôi. Còn Bôn thì  Trong ánh mắt yêu đương và quỵ lụy của anh có một nỗi thiết tha rồ dại khiến chị mủi lòng (tr. 160). Bôn yêu Miên và tin tưởng sẽ có nhiều con với Miên. Nhưng khi làm tình với Miên, Bôn mới biết mình bất lực. Còn Miên sau mỗi lần chịu đựng sự chung chạ, thì vội đi tắm với thứ nước tẩy trần. Miên vẫn làm bổn phận của mình : bỏ tiền nuôi Bôn, nuôi cả người chị dâm ô của Bôn ở bên cạnh. Bôn thường nhìn Miên, nhưng đôi mắt đẹp của Miên nhìn vào khoảng trời xa xôi là một cõi xa lạ đối với Bôn. Bôn lấy làm khốn khổ, vì giải ngũ trở về với hai bàn tay trắng, phải ngả tay xin tiền vợ. Bôn cảm thấy nhục nhã vì không thể chinh phục lại được người vợ xinh đẹp mà mục đích chính của Bôn là có nhiểu con với người đó. Bôn tìm đến ông cụ Phiều, một ông lão cường tráng, sành sõi về tình dục, để ông bày cho Bôn những bí quyết chửa bệnh bất lực. Nhưng bí quyết của ông lão chưa thấy có hiệu quả. Những lúc Bôn làm tình với Miên, thì Miên bất động như khúc gỗ, gương mặt xa vắng, hướng về cõi riêng. Miên ghê tởm những nụ hôn đắm đuối, hôi hám của Bôn, đến nỗi Miên phải đẩy Bôn ra để chạy ra ngoài nôn mửa.

Bôn cũng nhớ lại quảng đời đã sống qua trong chiến tranh. Có một người mà Bôn yêu mến, đặt hết lòng tin, đó là người tiểu đội trưởng của Bôn, 23 tuổi, người Hà Nội, đã dìu dắt chỉ dẫn Bôn. Cái chết của anh ta xảy ra sau trận đánh ở ngọn đồi 327. Tiểu đoàn của Bôn chết rất nhiều. Bôn đào mộ trong rừng, chôn người tiểu đội trưởng và giữ lại cuốn nhật ký để sau này về Hà Nội trao lại cho người cô. Sau đó Bôn đi tiếp ba tiếng đồng hồ, chịu đói khát, ngủ đêm trong rừng. Nhưng không chịu nỗi cô đơn, Bôn trở lại ngôi mộ, đào mộ lên, mang theo cái xác. Tử thi đã bốc mùi, một bầy kền kền theo sát. Bôn đi rất lâu trong rừng, dừng lại để ngủ và rơi vào một giấc chiêm bao đầy bóng ma. Rồi Bôn đuối sức, bất tỉnh. Cuối cùng Bôn được lính của một đại đội khác phát hiện, họ chôn cất xác người tiểu đội trưởng và đưa Bôn vào y viện quân đoàn.
Ký ức của Bôn đưa Bôn về một kỷ niệm khác. Sau một trận dội bom, đơn vị của Bôn tan rã, Bôn là người sống sót, mò mẫm tìm đường, đi bộ nhiều ngày và lạc vào một làng Lào: Bản Kheo, được một cô gái Lào câm điếc cứu và cho ăn uống, nghỉ ngơi, cô gái tên Thoọng. Bôn được Thoọng yêu thương, được gia đình cô quý mến. Anh cảm thấy cuộc sống dễ chịu, nhận lời kết hôn với Thoọng, và tham gia vào đời sống của người dân quê Lào. Nhưng Bôn bắt đầu cảm thấy buồn nhớ quê hương Xóm Núi, nhớ Miên. Nỗi nhớ ngày càng quay quắt, một hôm Bôn kiếm cách trốn thoát và trở về.

Rời kỷ niệm, Bôn trở lại hiện tại, những nổ lực của Bôn để có con với Miên ngày càng thất bại. Xá, người bạn thân của Bôn, khuyên Bôn đi nông trường kiếm kế sinh nhai, và ở đấy có rất nhiều cô gái lỡ thì để Bôn chọn vợ. Nhưng Bôn không muốn rời Xóm Núi, lại nữa Bôn nay sức đã yếu không mong làm được những công việc nhọc nhằn. Vì Bôn muốn có con, Xá lại mách Bôn một bài thuốc kích dục, bằng cách uống cà phê đặc với chút muối trước khi gần đàn bà. Bôn vội vàng thực hành lời khuyên của Xá. Sau vụ Bôn vồ vập, Miên cảm thấy mình có thai, Miên không muốn đứa bé chịu ơn Hoan, và có ý định phá thai, nhưng lòng người mẹ không nỡ nào. Về phần Bôn khi biết Miên có thai thì tỏ ra hết lòng chiều chuộng Miên. Nhưng xảy ra một chuyện xô xát do mấy đứa con của người chị của Bôn gây nên. Miên nổi giận, đâm bụng vào một cánh cửa để làm trụy thai, Bôn khóc lóc van nài Miên để cho đứa con được sống. Một thời gian sau, Miên vào bệnh viện thành phố sinh một quái thai không đầu. Bôn rụng rời không còn hy vọng gì nữa.

Về phần Hoan, anh có những dự định lớn lao. Anh lo giảm bớt công việc kinh doanh ở thành phố, trở về Xóm Núi, bỏ tiền xây cất một trường học cho trẻ con, và xây cất một nông trại ở Suối Nhỏ hy vọng sẽ đưa Miên về đấy. Hoan xem cơ ngơi của hai người như một sở hữu của Miên. Hoan thân hành đến nhà Bôn khi Miên còn ở đấy, và với một thái độ tử tế, ôn hòa, Hoan khẳng định Hoan và Miên là vợ chồng chính thức, và mời Bôn đến ở nhà của Miên, Hoan hứa sẽ giúp đỡ Bôn. Miên trở về cơ ngơi tĩnh dưỡng và ở hẳn đấy, dần dà Bôn cũng đến cơ ngơi. Nhưng giữa Miên và Bôn có sự ngăn cách rõ ràng. Miên chỉ xem Bôn như một người anh; đời sống vật chất của Bôn được đầy đủ, có người quản gia chăm sóc Bôn. Ban ngày Hoan đến đón Miên và đứa con, chiều tối lại đưa hai mẹ con trở về nhà Miên. Chẳng bao lâu Miên có thai, trong thời kỳ này xảy ra một biến cố. Bôn vì nghĩ rằng Hoan đã phá hoại đời mình, nên tìm cách giết Hoan. Nhân mùa săn, đặc biệt có sự hiện diện của Hoan, Bôn mượn cây súng của Xá, vợ Xá linh cảm điều chẳng lành, bèn báo cho Miên. Miên chạy băng qua nông trại để báo cho Hoan biết. Chẳng may phát súng đã nổ, viên đạn trúng tay Miên, Miên bị thương ở mấy ngón tay. Miên tuyên bố với mọi người rằng lỗi tại mình, vì quá táy máy với cây súng. Nhưng Hoan biết Miên nói dối để che chở Bôn vì lòng cao thượng, và Hoan càng thầm phục Miên, càng yêu thương Miên. Miên hạ sinh một đứa con trai, Hoan vui mừng thương quý đứa con, Hoan nghĩ nó chào đời để về sau che chở bố nó.

Về phần Bôn ngày càng thẫn thờ, anh không còn ai trên đời để yêu thương, trò chuyện. Bôn ra nghĩa địa ngồi dưới mưa, trò chuyện với những bóng ma, với người tiểu đội trưởng. Không gian mở rộng quanh Bôn, không một bóng người.

II. Những con người của thời hậu chiến
1.  Người chiến sĩ từ dãy núi Trường Sơn trở về
Từ đầu đến cuối truyện, nhân vật Bôn không để người đọc dửng dưng. Những biến cố xảy ra trong cuộc đời của Bôn cho thấy anh luôn luôn là con người của thất bại, nạn nhân của bao tai họa, một con người bị thiệt thòi, mất mát những cái làm cho đời sống con người được hạnh phúc. Trước hết là tuổi trẻ của Bôn, từ một thanh niên mạnh khỏe, cường tráng, học giỏi, có ý định vào đại học, anh nhập ngũ, đi chiến đấu trong nhiều năm, lúc trở về là một thân tàn ma dại. Bôn sợ hãi cái dãy núi Trường Sơn, nó là cái nơi kinh hoàng đã tước đoạt tuổi trẻ và sinh lực của anh. Khi trở về Bôn cũng mất người vợ trẻ mà anh vô cùng thương nhớ khi xa cách. Nay vợ anh đã thuộc về người khác. Nhưng vì là một người phụ nữ có đức hạnh, biết lẽ phải, nên người đó chấp nhận trở về sống với anh, điều này không tạo hạnh phúc cho anh mà khiến anh chịu nhiều nỗi đắng cay khác: Bôn khám phá mình bất lực, không có khả năng tạo nên những đứa con mà anh mơ ước. Anh phải chịu thái độ lạnh lùng, sự ghê tởm của vợ, chịu nhiều nhục nhã. Anh lại không có đủ sức để làm việc tự nuôi sống và nuôi vợ. Anh hoàn toàn sống tùy thuộc vào một người vợ không yêu anh. Rồi người vợ, sau những cố gắng của anh, đã miễn cưỡng mang thai và sinh ra một quái vật không đầu, Bôn đã đến tận cùng nỗi đau xót, đắng cay. Bôn mất tất cả, còn chăng là cái danh hiệu chiến sĩ cứu quốc, mà đại diện của chính quyền – ông xã trưởng – đã long trọng tuyên bố trước mọi người: … anh Bôn là người trực tiếp góp xương máu, cho cuộc chiến tranh chống Mỹ, giải phóng đất nước. Chúng ta có được cuộc sống thanh bình thịnh vượng, đất nước được độc lập tự chủ là nhờ sự đóng góp của những chiến sĩ như anh Bôn. Những lời đẹp đẽ đó đem lại được gì cho Bôn, hay đó chỉ là những lời hão huyền, những lời rỗng?

Trở lại sự mất mát về tình yêu, Dương Thu Hương có cái nhìn bi quan về tình yêu: chỉ có tình yêu bị ngăn cản, hạnh phúc ngắn hạn, như trong truyện "Chuyện tình kể trước lúc rạng đông": Vũ Sinh yêu say đắm Hạnh Hoa, nhưng bị người vợ mà anh không hề yêu, lấy nhau vì áp lực của dư luận, người vợ đó gây cản trở trong nhiều năm vì ghen. Khi mọi khó khăn chấm dứt, Vũ Sinh và Hạnh Hoa được chính thức kết hôn với nhau, thì Hạnh Hoa không còn sống được bao lâu nữa. Tóm lại, Vũ Sinh và Hạnh Hoa yêu nhau trong 25 năm mà chỉ sống được với nhau 6 tháng 7 ngày.

Tình yêu và hạnh phúc của Bôn cũng ngắn hạn, Bôn và Miên yêu nhau như vợ chồng trong một mùa hè ngắn ngủi, rồi xa nhau trong mười bốn năm. Khi Bôn trở về thì tình yêu của Bôn bị hoàn cảnh cản trở. Cái giấy báo tử đã chấm dứt cuộc đời vợ chồng của Miên và Bôn. Miên vì lòng cao thượng, vì trọng bổn phận, đã chấp nhận đến sống với Bôn, nhưng Bôn thấy rõ trong những lúc làm tình, Miên lạnh lùng và tỏ ra ghê tởm, rồi sau đó vội đi tắm với thứ nước tẩy trần. Bôn cảm thấy nhục nhã nhưng vẫn quỵ luỵ, van nài Miên sinh cho đứa con. Cái thai nhi không đầu nói lên cái tai họa Bôn đem từ chiến trường về: phải chăng anh đã bị nhiễm chất độc do Mỹ thả xuống dãy núi Trường Sơn? Cái giấy báo tử và cái quái thai không đầu đều là những tai họa của chiến tranh. Chiến tranh đã làm tan nát cuộc đời của Bôn. Chiến tranh cũng đã cướp đi các bạn đồng đội của Bôn, nhất là người tiểu đội trưởng mà Bôn thương quý.
Khi cuộc sống vật chất của Bôn được Miên thu xếp ổn thỏa, cuộc sống đầy đủ này cũng chẳng đem lại được gì cho Bôn. Nỗi đau lớn nhất của Bôn, luôn ám ảnh anh, là nỗi cô đơn tuyệt vọng. Bôn không còn có ai bên cạnh để chuyện trò, thương yêu. Anh côi cút. Anh đơn chiếc tột cùng. Bôn là kẻ sống sót, nhưng như là một người đã chết, chỉ còn biết chuyện trò với người chết.

2. Cõi riêng của người phụ nữ
Miên, người phụ nữ trong truyện, cũng chịu hậu quả của chiến tranh. Cái giấy báo tử đã biến Bôn thành một bóng ma ngự trên bàn thờ để Miên cúng giỗ hàng năm. Không ngờ bóng ma hiện về bằng xương bằng thịt làm chao đảo cuộc đời của Miên, đặt Miên trước một sự chọn lựa quá nghiêm trọng, quá lớn lao. Lý do nào đã khiến Miên quyết định rời xa hạnh phúc với Hoan để trở về với Bôn? Phải chăng do áp lực của chính quyền? Do áp lực của dư luận, của xã hội? Do áp lực của đạo đức truyền thống? Miên hoang mang không thấy rõ điều gì. Hình ảnh sương mù nói lên sự mù mờ đó. Những lúc hoang mang, lạc lõng, Miên thường cảm thấy có sương mù. Sương mù ngày Miên từ biệt Hoan để ra đi: Sớm ấy sương mù… tại sao lại có một buổi sớm sương mù như thế sau những ngày hạnh phúc (tr. 452)? Sương mù khi Miên trở về cơ ngơi của mình và băn khoăn nghĩ đến Bôn: Những nỗi hoang mang vô ngôn và mù mờ vẫn theo sát chị, nó như một thứ sương mù, một đám hơi ngưng đọng trong khe núi, không thể nắm bắt, không thể xua đuổi (tr. 552). Sương mù là những lúc Miên cảm thấy bất an, tự đi tìm mình. Tâm hồn Miên trong trắng, cỏ thạch trinh hương là biểu tượng của sự trong trắng đó. Nhưng chưa đủ, người phụ nữ cần có một nơi ẩn náu, một đời sống nội tâm, một cõi riêng như tác giả đã lặp lại nhiều lần. Một cõi riêng trong tâm hồn, nơi mà Bôn không tài nào đến được, và là nơi tạo nên một sức mạnh để Miên đối phó với cuộc đời. Chính vì sống với cõi riêng mà Miên có cái nhìn xa xôi, Miên như người mộng du. Cõi riêng là kho tàng vô giá của Miên. Cuối cùng quyết định của Miên rời bỏ hạnh phúc để về sống với Bôn, nó vượt lên trên mọi áp lực của chính quyền, của dư luận, của truyền thống, quyết định về sự hy sinh lớn lao đó nó nảy sinh từ cõi riêng của Miên.

Khái niệm cõi riêng mà Dương Thu Hương đưa vào truyện là một đòi hỏi cho người phụ nữ có một đời sống nội tâm cho riêng mình, một đời sống nội tâm độc lập, không chịu ảnh hưởng, áp lực của bất cứ ai. Trong cõi riêng của mình, người phụ nữ cảm thấy mình có một đời sống tình cảm phong phú, không ai tước đoạt được cái kho tàng đó.

Tình cảm của Miên đối với Bôn trải qua hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, khi về chung sống với Bôn, Miên tỏ ra lạnh lùng, ghê tởm. Miên nghĩ thà Bôn là một hồn ma ngự trên bàn thờ còn có giá hơn là một gã quay về với đôi mắt sầu u, hai má hóp sạm đen vì chứng sốt rét kinh niên, cặp môi thâm và hơi thở bốc mùi địa ngục. Cái hồn ma xa vời kia bỗng thành kẻ háo hức dục tình… (tr. 277). Miên nhớ lúc lao vào cánh cửa để làm trụy thai, Miên tỏ ra hả hê một cách tàn nhẫn, trong khi Bôn lạy lục Miên.
Nhưng cũng có lúc Bôn làm Miên xúc động, như khi Bôn lấy trong ba lô ra cái bánh xà phòng thơm của Mỹ mà Bôn lấy được ở chiến trường và giữ trong chín năm, cái giấy bọc đã vàng ố, Bôn đưa cái bánh xà phòng cho Miên tắm, như một món quà rất quý. Một kỷ niệm khác cũng làm Miên xúc động. Miên nhớ khi còn trẻ, hai người đi chơi với nhau trên đồi, nhằm lúc Miên bất thình lình có kinh, Bôn vội xé áo sơ mi của mình và đưa cho Miên hai tay áo.

Trong giai đoạn hai, khi Miên trở về sống hẳn ở cơ ngơi của mình, thì Miên cảm thấy một nỗi bất an trong lòng. Những thù oán, căm ghét Bôn không còn nữa. Miên đâm ra lo lắng cho đời sống hằng ngày của Bôn. Lòng trắc ẩn của Miên bỗng xao động. Miên tự nhủ và tự xét mình : Ta không còn căm ghét Bôn? Bởi chính anh cũng chẳng sung sướng nỗi gì, bởi anh ấy cũng biết phận mình nhục nhã… nếu ta ở trong tình cảnh của Bôn… (tr. 554) Ta đã từng ghê sợ và căm ghét Bôn. Vì sao vậy? Ta là một người đàn bà bất công và đỏng đảnh. Liệu ta còn có thể yêu chăng? (tr. 569) Lòng trắc ẩn của Miên bùng lên mạnh mẽ: Tội nghiệp cho Bôn… Bôn lẻ loi, bần hàn. Bôn thành kẻ trắng tay. Nếu như ta cũng như Bôn, ra đi từ tuổi mười bảy rồi sau mười bốn năm trở về với chiếc ba lô giống cái bị rách của gã ăn mày? Nếu ta là Bôn, là Bôn… (tr. 573)

Qua hai giai đoạn, Miên đi từ những tình cảm tiêu cực đối với Bôn đến những tình cảm xót thương và không tránh được đau đớn khi tự đặt mình ở địa vị Bôn. Miên cũng là nạn nhân của chiến tranh, một nạn nhân gián tiếp.

III. Tự sự của Dương Thu Hương
Viết đến tác phẩm Chốn Vắng, tự sự của Dương Thu  Hương đã trở nên lão luyện. Cốt truyện có sức lôi cuốn nhờ ba yếu tố được khai thác: nhân vật, không gian và thời gian, thể hiện nghệ thuật dựng truyện của tác giả.
Cách dùng độc thoại nội tâm cho ba nhân vật chính: Miên, Bôn và Hoan, tuy không được trình bày khéo léo, để người đọc có cảm tưởng là độc thoại ở trong cái luồng vô thức của nhân vật, trái lại, độc thoại nội tâm của Dương Thu Hương được nêu lên một cách hiển nhiên, dưới hình thức chữ in nghiêng, tuy thế, hình thức độc thoại này cũng đưa người đọc vào nội giới của mỗi nhân vật để hiểu rõ tâm lý của họ.

Nhưng yếu tố tự sự quan trọng nhất trong Chốn Vắng là yếu tố không gian, không gian đa dạng cho người đọc cái cảm giác mênh mông, và đồng thời không gian cũng nói lên thời gian, đi kèm với thời gian. Không gian trong rừng của dãy Trường Sơn nói lên thời chiến đấu của Bôn, với cảnh đám cháy trên đỉnh 327 đã thiêu đốt biết bao mạng người, cảnh Bôn vác xác chết đi trong rừng có bầy kền kền đuổi theo; không gian của một bản Lào nói lên thời gian Bôn đi lạc và khám phá một thế giới khác, một dân tộc khác; không gian ở thành phố, khác hẳn Xóm Núi, với những con người thuộc giới doanh thương, người đọc theo bước chân của Hoan ra tận bờ biển, hoặc đi vào những con đường quanh co, bí ẩn dẫn đến một nhà điếm, không gian này nói lên thời kỳ Hoan sống xa Miên, tự cảm thấy lạc lõng.

Đặc biệt Dương Thu Hương miêu tả một không gian phản ánh tâm trạng của nhân vật. Chẳng hạn khi Miên và Hoan sắp xa nhau, đêm cuối cùng hai vợ chồng lên sân thượng nhìn cảnh vật xung quanh, trong thiên nhiên phảng phất một nỗi buồn báo hiệu những ngày sắp tới không có nhau: … gió như chẳng còn là gió mà chỉ là tiếng thở dài trộm lén của kẻ nghi kị và sợ hãi tất thảy nhân gian đành ngấu nghiến nỗi buồn của chính mình. Càng về khuya trăng càng sáng. Nhưng chẳng phải ánh vàng lộng lẫy mà là thứ ánh bạc trộn cùng các tia lửa dạ quang. Trăng mênh mông trùm phủ núi rừng, thôn xóm, các giải đồi hoang, các nương rẫy, tất thảy các đường nét hình khối hoà trộn thành một niềm mờ ảo, một đại dương giao hoà bóng tối, ánh trăng, lửa lân tinh thoi thóp ven rừng… (tr.105). Một thứ mờ ảo buồn như tương lai vô định của hai vợ chồng.

Một ví dụ khác cho thấy cảnh thung lũng vào mùa thu có tác dụng đến tâm trạng của Bôn: Vào những sáng thu, thung lũng nở một loài hoa li ti giống những giọt sương màu lục thẫm… Hoa nở từng chùm, đong đưa muôn ngàn giọt lục trên những tầng lá dày đặc màu cẩm thạch có ánh bạc như phủ lông nhung… Bôn không phải thi sĩ nhưng sớm nay, bất chợt bắt gặp cả thung lũng bừng lên một màu lục thẫm, màu lục trong suốt long lanh tựa ánh sáng trời ngân tụ, anh bỗng sững sờ. Đây là quê hương, vùng đất mòn nhẵn dấu chân anh, vậy sao mãi tới hôm nay anh mới nhìn thấy loài hoa kỳ lạ… Vẻ đẹp của nó khiến anh ngơ ngẩn. Anh ngồi bệt xuống cỏ, nhìn ánh nắng trôi dạt trên triền hoa, bỗng dưng muốn khóc, muốn rã rời đứt đoạn chân tay, muốn ai đó xiên một lưỡi lê qua trái tim anh để kết thúc cuộc đơn hành khốn khổ trên cõi đời… (tr. 229-230). Bôn quá khổ, muốn xa thế giới loài người, và chỉ sống trong cảnh đẹp của thiên nhiên.
Tóm lại, không gian đa dạng dồn dập khiến truyện có một chiều kích mênh mông và cốt truyện sống động.

Qua truyện Chốn Vắng, Dương Thu Hương đã đi đến tột cùng nỗi khốn khổ của con người bị chiến tranh nghiền nát; con người sống sót từ chiến trường trở về quê hương mình như một kẻ xa lạ, tuy còn sống nhưng kể như đã chết. Hai cảnh tượng mâu thuẫn vào đầu truyện và cuối truyện thể hiện cái thân phận bi đát của người từ chiến trường trở về. Truyện khởi đầu với một quang cảnh tấp nập: đám đông dân chúng ở Xóm Núi tập hợp trước nhà và trong nhà Miên với sự hiện diện của ông xã trưởng, để đón người chiến sĩ từ mặt trận trở về, người chiến sĩ được vinh danh vì đã góp xương máu đánh đuổi Mỹ, dành độc lập cho nước nhà. Vào cuối truyện, người chiến sĩ bơ vơ, côi cút trong một nghĩa địa hiu quạnh, chỉ còn biết chuyện trò với người chết. Những tai họa của chiến tranh cũng gây bao ngả nghiêng, đau xót cho người thân yêu của nạn nhân.
29-08-2022
Liễu Trương


https://lieutruongvietvadoc.wordpress.com/

 

Đăng ngày 10 tháng 04.2023