Dương Nghiễm Mậu và một thế hệ bất khuất


Lưu Hương Thủy

“Con đường văn chương của Dương Nghiễm Mậu bị cắt đứt đột ngột sau biến cố 75. Ông thôi viết và chọn cho mình một thái độ sống độc lập. Ông tự do trong khuôn khổ sống hạn hẹp mà một người công dân dưới chế độ cộng sản có thể xoay xở được. Ông tự do vì không phải cúi đầu nói ra những lời dối trá, không phải quỳ gối đưa tác phẩm mình cho bọn đao phủ băm chém. Ông tự do vì không phải thỏa hiệp với tội ác để nhận bổng lộc phận hàng thần. Dương Nghiễm Mậu lặng lẽ gác bút, lui về phía sau. Nhưng nhân cách của ông đã thúc giục một thế hệ hậu sinh lên đường, đi về phía trước”.

Bài đầu tiên vào tháng 10 năm 1970 trên bìa báo Khởi Hành ở Sài Gòn, cách đây 46 năm: “Viên Linh viết về Dương Nghiễm Mậu” với tranh vẽ chân dung hai tác giả của CHÓE. Ảnh: Viên Linh/ NV
Bài đầu tiên vào tháng 10 năm 1970 trên bìa báo Khởi Hành ở Sài Gòn, cách đây 46 năm: Viên Linh viết về Dương Nghiễm Mậu” với tranh vẽ chân dung hai tác giả của CHÓE. Ảnh: Viên Linh/ NV

Tôi rụt rè viết lên đây những dòng thương tiếc ông, khi giờ này, hầu hết các trang báo lớn từ quốc nội ra tới hải ngoại đều đã đăng lời tưởng niệm. Trong muôn vàn vòng hoa rực rỡ của những người từng là bạn vong niên của ông, của những người từng là bạn văn chương cùng chia sẻ với ông một mảnh quê hương tơi tả, của những nhà phê bình từng bỏ công sức nghiên cứu tận tường tác phẩm của ông, tôi chẳng có gì để đưa tiễn ông. Tôi chỉ thành kính đặt bên thềm nhà ông một đóa hoa vô danh, và xin cúi đầu gọi ông là “Thầy”.
Đóa hoa vô danh này của một kẻ chẳng có danh phận gì trong cõi văn chương, chỉ một ngày tình cờ lang thang trên mạng, đọc được một truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu mà cả cuộc đời thay đổi. Thứ văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa mười hai năm được (!) nhồi nhét kỹ lưỡng dưới mái trường xã hội chủ nghĩa bỗng nhiên rồi tan xác, chỉ còn lại trong đầu một lỗ trống kinh hoảng. Thằng người trong Cũng Đành hiện ra đó không phải là một con người bằng xương, bằng thịt, nhân danh giai cấp vô sản đòi quyền làm chủ vận mệnh mình. Hắn không cần được tôn trọng và ca tụng. Hắn không cần rạch ròi kêu gọi cái thiện chống lại cái ác. Hắn không đanh thép lên án xã hội bất công đẩy con người (tính bổn thiện) vào kiếp khố rách lưu manh. Hắn không xác định rõ ràng vị trí ta và địch – Không – “Ở ngoài” hay “ở trong”, cũng chẳng biết đâu là ta đâu là địch. Thằng người bị xóa dần quá khứ và đánh mất hiện tại. Hắn bị lột trần, phơi bày thân phận giun dế, bản chất khiếp nhược hèn hạ. Hắn nhầy nhụa vô liêm sỉ. Hắn bằng đất đá khô khốc trơ lì. Hắn chẳng muốn đại diện cho ai nhưng hắn là chính bản thân của mỗi người. Hắn là – tôi – trong nỗi nhục cúi đầu triền miên. Lần đầu tiên trong đời, tôi xúc động tự hỏi, có một thứ văn chương kỳ lạ như vậy sao? Dương Nghiễm Mậu là ai?
Sau này, khi tiếng Đức tôi khá lên, tôi gần như dọn nhà vô ở luôn trong thư viện. Đọc nhiều, tiếp xúc nhiều thể loại văn chương, thích ông này và mê bà nọ lung tung lang tang, nhưng cảm giác kỳ dị (kinh hoảng) như khi bị Cũng Đành bắn vào đầu đã không bao giờ trở lại. Cơn sốc đó chỉ đến một lần trong đời, làm thức tỉnh, làm thay đổi, làm phá vỡ gông xiềng. Ở thời điểm đó, hơn mười năm trước, tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu trên mạng không nhiều, chỉ đôi ba truyện ngắn đăng trên Việt Nam thư quán. Cho tới bây giờ cũng không đầy đủ. Nếu có ai hỏi, đã đọc bao nhiêu tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu rồi, tôi sẽ thong thả đưa mấy ngón tay của mình lên. Không dối trá. Tôi chịu ảnh hưởng của ông không vì số lượng, mà vì một tác động trực diện lên ý thức làm người. Ở vị thế người đọc, tôi nhìn thấy trong tác phẩm của ông thân phận bi thảm của chính bản thân mình, của đồng bào Việt Nam, của một quê hương điêu tàn. Ở vị thế người viết, tôi nhận ra trách nhiệm cầm bút của mình, nhận ra con đường đưa cuộc sống vào văn chương, đưa văn chương trở về với cuộc sống. Con đường riêng của mỗi một người đi tới tự do.
Người miền Bắc chỉ nói về ông như một tài năng lớn, vượt qua cái thời đại mà ông đang sống để tác phẩm trở thành bất tử. Người miền Nam thường nghĩ về ông vì một nhân cách lớn, vượt qua những cám dỗ của thời cuộc để thanh danh trở thành viên ngọc quý trong ngần. Là người đọc và người viết, tôi kính trọng ông vì cả hai điều. Tôi kính trọng ông vì những năm tháng cầm bút, ông đã nghiêm túc lao động tạo ra những tác phẩm mang phong cách của riêng ông, cần cù và kiên quyết tự khai phá cho mình một con đường khác biệt, ngoan cường xây dựng một chỗ đứng độc lập trên văn đàn. Tôi kính trọng ông vì những năm tháng gác bút, ông giữ được cho mình một sự im lặng kiêu hãnh. Nhưng về tình cảm, tôi vẫn không ở bên ngoài cái chung, là một người miền Nam, sự kính trọng của tôi dành cho phần thứ hai vẫn sâu nặng hơn phần thứ nhất. Một nhân cách như vậy đòi hỏi phải có một bản lãnh phi thường tránh xa những cám dỗ danh vọng và vật chất, đòi hỏi một cái nhìn trầm tĩnh sâu sắc về thời cuộc.
Một nhà văn lớn nhất thiết phải có nhân cách lớn? Hay giá trị tự thân của tác phẩm quyết định chỗ đứng của nó trên văn đàn? Điều này cần những người đàn anh của tôi phân tích. Tôi chỉ nói suy nghĩ của riêng tôi thôi, ở vị trí kẻ hậu sinh. Trong thi ca, người yêu thơ như tôi vẫn mến mộ tên tuổi Xuân Diệu qua những bài thơ tình trước 1945. Tôi ít thấy ai quan tâm tới những thứ rác rưởi Xuân Diệu tống ra trong “dòng thơ công dân”. Ta chào Vôn-ga Đông – Chào Liên Xô vĩ đại – Đồng chí Stalin – Mặt trời soi nhân loại – Ta chào mừng Đại hội – Đảng Bôn-sơ-vích thành công. Bàn tay nhớp nhúa của Xuân Diệu trong phong trào nhân văn giai phẩm cũng không hề làm vẩn đục những câu thơ tình ái run rẩy rung rinh lá. Thơ tình Xuân Diệu trên thi đàn đủ sức tỏa ánh sáng phủ lên thân phận lem luốc của tác giả, để người ta mặc nhiên yêu mến Xuân Diệu mà bỏ qua hết thảy. Trong âm nhạc chưa thấy có ai được như vậy. Tôi vẫn mê nhạc Trịnh Công Sơn nhưng không có cảm tình với thái độ thỏa hiệp vì hèn nhát, cách sống giả mù trong lạc thú của ông. Người khác có thể mê nhạc Trịnh và chấp nhận luôn con người của Trịnh, hay hơn nữa, hăng hái tìm cách biện hộ cho ông ta. Tuy nhiên công bằng mà nói, con người Trịnh Công Sơn và âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn chỉ có thể là hai thứ tách biệt trong lòng người thưởng thức.
Dương Nghiễm Mậu là một trường hợp khác biệt. Con đường văn chương của Dương Nghiễm Mậu bị cắt đứt đột ngột sau biến cố 75. Ông thôi viết và chọn cho mình một thái độ sống độc lập. Ông tự do trong khuôn khổ sống hạn hẹp mà một người công dân dưới chế độ cộng sản có thể xoay xở được. Ông tự do vì không phải cúi đầu nói ra những lời dối trá, không phải quỳ gối đưa tác phẩm mình cho bọn đao phủ băm chém. Ông tự do vì không phải thỏa hiệp với tội ác để nhận bổng lộc phận hàng thần. Dương Nghiễm Mậu lặng lẽ gác bút, lui về phía sau. Nhưng nhân cách của ông đã thúc giục một thế hệ hậu sinh lên đường, đi về phía trước.
Vâng. Tôi là một người thuộc thế hệ hậu sinh của Dương Nghiễm Mậu. Tôi nói lên điều này bao giờ cũng bằng tấm lòng thành kính dành cho một nhân cách mà tôi ngưỡng mộ. Nếu không có ông, không có những người đi trước như ông, thế hệ này, dòng văn chương này chỉ là nô lệ, là khiếp nhược cúi đầu, là một dàn đồng ca lem luốc phấn son. Nếu không có ông, không có một thế hệ đi trước vẫn âm thầm dấn thân, tôi sẽ không đủ sức cầm bút sau một ngày làm việc tả tơi, sau một tuần mệt nhoài vì mưu sinh, sau những lần phẫu thuật chết đi sống lại. Tôi sẽ không đủ nghị lực gom góp thời gian nghỉ ngơi dành hết cho văn chương, không đủ can trường dành dụm phần sức khỏe èo ọt cho việc trao dồi kiến thức văn học. Viết trong âm thầm, viết vô vụ lợi, viết khi thể xác mình đã kiệt quệ, cần có một niềm tin, một nguồn động viên để mà đi tới. Không có tấm gương trong ngần như Dương Nghiễm Mậu, không có một thế hệ nhà văn miền Nam bất khuất – không thỏa hiệp, tôi biết soi mình vào đâu để tìm lấy ngày mai. Bây giờ, ông đã vĩnh viễn lên đường đi về thế giới bên kia, những người đồng niên với ông cũng lần lượt ra đi. Tôi khóc cho ông, khóc cho một thế hệ tiền bối sinh ra trong chiến tranh, bất hạnh trong hòa bình mà vẫn giữ tròn khí tiết.
Cha tôi sanh trước Dương Nghiễm Mậu một tháng, tháng mười năm 1936, cũng vừa mới qua đời, để lại nhiều tác phẩm chưa một lần được tới tay bạn đọc. Những năm cuối đời trên giường bệnh, cha tôi viết miệt mài, viết như là trả nợ, viết để được khóc cho thân phận mình cho quê hương, viết để đừng phải âm thầm mang nỗi đau của thế hệ về thế giới bên kia. Chế độ thâm thù tàn ác này chỉ có thể bắt con người im lặng chứ không thể cấm con người viết trong im lặng và càng không thể cấm người ta lên đường trong im lặng. Hãy tin rằng, bên dưới tàn cây đại thụ im lìm đó còn có một dòng sông đang âm thầm chảy.
Tôi kính trọng tên tuổi những người đàn anh dù chưa một lần gặp mặt họ. Cõi văn chương mà tôi bước chân vào chỉ là thế giới ảo, nhưng tôi trân trọng và yêu quý nó. Đó là nơi người ta tìm đến tự do và tìm đến nhau vì một thứ văn chương vô vụ lợi, phi thỏa hiệp. Dương Nghiễm Mậu đối với tôi là con người kỳ vĩ của thế giới ảo này, dù các bạn đồng niên của tôi (Phan Nhiên Hạo, Trần Vũ, Thuận Nhiên…) không nghĩ vậy. Họ tìm đến Dương Nghiễm Mậu trong thế giới thật, bước qua rào cản của hai thế hệ để được chuyện trò với ông, để được làm bạn văn chương với ông, để nuôi dưỡng niềm tin. “Tôi tin người tốt trên đời nhiều hơn kẻ xấu.” Nhưng họ cũng gián tiếp “cảnh báo” người đọc, “ông Nghiễm” là người sống ẩn dật và rất ít giao tiếp. Không sao. Tôi là người rất sợ giao tiếp, nhất là những mối quen biết trong giới văn chương. Đôi lúc tôi mường tượng ra chuyện cầm cuốn sách đầu tay tới nhà ông để ra mắt, để lúng túng tự giới thiệu: “Con cũng viết lách chút đỉnh. Dạ, một chút đỉnh thôi.” Nhưng đó chỉ là chuyện tưởng tượng. Nó đã không xảy ra khi ông Nghiễm còn sống. Và cho tới bây giờ, tôi cũng không có cuốn sách nào trên tay, vì tôi chủ trương không in tác phẩm của mình ra giấy. Không có sách thì không là nhà văn, biết tới nhà ông Nghiễm với tư cách gì đây. Phan Nhiên Hạo động viên: “Chị muốn gặp ông Nghiễm thì tôi để giới thiệu cho.” Tôi lưỡng lự mãi, không dám. Dẫu có sách, dẫu có là nhà văn thì thân phận vô danh của mình cũng không nên làm phiền một người đã ẩn dật như ông Nghiễm. Thật là buồn tủi. Nhưng lòng kính trọng của tôi dành cho ông lớn hơn những mong muốn xã giao bình thường.
Bây giờ ông đã ra đi. Trong những người đưa tiễn ông trên cõi Da Màu hư ảo, có một nhà văn thân phận nhỏ nhoi, rưng rưng nước mắt rụt rè đặt xuống thềm nhà ông một đóa hoa mong manh.
Thưa Thầy, dù không có sách con vẫn phải tự nhận mình là nhà văn. Nếu không can đảm nhận lấy trách nhiệm, không đủ ý thức cầm bút, làm sao con có thể theo Thầy lên đường?
Berlin, tháng 8. 2016

https://anhbasam.wordpress.com


Nhà văn Dương Nghiễm Mậu

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-08-06

160803111154_duong_nghiem_mau_640x360__nocredit.jpg

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu, tên thật Phí Ích Nghiễm, một cây bút nổi trội của văn học miền Nam vừa qua đời ngày 2 tháng 8 tại Sài Gòn với số tuổi 80. Ông mất đi để lại gia tài là những cuốn sách âm thầm trên giá, vài bức tranh sơn mài chưa kịp bán và câu chuyện của những nhà văn miền Nam bị trù dập, tấn công sau năm 1975 mà ông là một chứng nhân lẫn nạn nhân.

Gác bút sau 1975
Tính tới ngày 30 tháng 4 năm 1975, số sách Dương Nghiễm Mậu đã viết khá nhiều. Ông đã cho xuất bản trên dưới 20 tác phẩm gồm truyện ngằn, bút ký, truyện dài…Bên cạnh truyện ngắn đầu tay “Rượu chưa đủ” vẫn còn được nhắc nhở mãi tới hôm nay Dương Nghiễm Mậu được giới văn nghệ sĩ miền Nam nhớ tới qua những cái tên sách như: Đêm, Đôi mắt trên trời, Ngã đạn, Địa ngục có thật, Tuổi nước độc, Cũng đành, Tiếng sáo người em út, Nhan sắc…và truyện dài Gia tài Người Mẹ, nhận giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1966.
Thế nhưng sau ngày 30 tháng 4 tới nay hơn 40 năm, Dương Nghiễm Mậu gần như không còn viết gì nữa. Ông kiếm sống bằng nghề vẽ tranh sơn mài theo kiểu thủ công mỹ nghệ và an nhiên với cuộc sống hiền lành, tự tại giữa vòng tròn yêu mến của bạn bè.
Trong lứa tuổi thanh xuân, Dương Nghiễm Mậu gia nhập giới cầm bút rất sớm, ông miệt mài làm việc chung với những tác giả nổi tiếng cùng thời với mình và tên tuổi Dương Nghiễm Mậu không xa lạ với người đọc trước năm 1975 bởi văn phong, bút pháp và không khí trong mỗi tác phẩm của ông, đã ghi lại dấu ấn của một tác giả đã tìm thấy riêng cho mình một hướng đi mới. Tuy cùng song hành với một thời kỳ văn chương bùng nở và thăng hoa viên mãn nhất nhưng Dương Nghiễm Mậu tách hẳn sang một bên, tạo cho mình một nơi chốn mà sự suy tưởng của từng nhân vật phản chiếu đầy đủ tính chất thời đại với những nghiệt ngã mà cuộc chiến Việt Nam kéo nhà văn lẫn người đọc quay cuồng vào vòng xoáy của những cuộc đổi thay chính trị lẫn xương máu của người Việt đổ ra trong chiến tranh.
Nhà thơ Du Tử Lê nhận xét về văn chương Dương Nghiễm Mậu như sau:
Với tôi, Dương Nghiễm Mậu là một nhà văn lớn của miền Nam Việt Nam. Ông lớn ở chỗ ý thức về nhân bản, về con người và về tự do. Hầu như tác phẩm nào của ông cũng đều được soi sáng giống như ngọn đuốc, như hải đăng nó chi phối cả sự nghiệp của ông.
Cuốn “Nhan sắc” ông viết cuộc đời của Từ Hải, nói cách khác là ông dùng hình thức ngoại truyện để nói về hoàn cảnh hiện tại của thời đại ông đang sống. Nói rõ hơn, ông là người thứ hai sau Khái Hưng người đã viết bộ truyện mà mọi người còn nhớ là “Tiêu sơn tráng sĩ”, lấy ngoại sử, lấy dã sử để nói về thời đại mà ông Khái Hưng đang sống. Ông Dương Nghiễm Mậu cũng vậy, củng lấy ngoại sử và chỉ khác ông Khái Hưng ở chỗ lấy nhân vật Từ Hải của Truyện Kiều để nói về hoàn cảnh 20 năm của miền Nam Việt Nam.
Đây là hai người đi vào lĩnh vực trước nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rất xa. Nhiều người không đọc hoặc là không để ý thì cho rằng ông Nguyễn Huy Thiệp là người khai phá dòng văn chương mới tức là dựa vào ngoại truyện hay dã sử để nói về thời hiện đại của tác giả nhưng điều đó không đúng, chúng ta nên trả lại sự thật là người đầu tiên đem dã sử vào văn chương là ông Khái Hưng qua mẫu chuyện Tiêu Sơn tráng sĩ. Người thứ hai cũng dùng loại ngoại truyện là ông Dương Nghiễm Mậu qua cuốn Nhan sắc mặc dù nói về nhân vật Từ Hải lấy từ Truyện Kiều của Nguyễn Du ra thì tôi cho đó là khai mở rất mới của Dương Nghiễm Mậu.
Đối với nhà văn Nguyễn Viện, thuộc thế hệ sau Dương Nghiễm Mậu, đọc truyện của ông vào những ngày mà văn học miền Nam gần như hoàn toàn bị xóa sổ lại ấn tượng với cách mà Dương Nghiễm Mậu cho nhân vật Kinh Kha buông dao trủy thủ vì chợt nhận ra rằng giết bạo chúa này sẽ có bạo chúa khác thay thế, anh cho biết:
Trong những tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu nói chung tôi đọc cũng khá nhiều nhưng ấn tượng nhất là tập truyện ngắn Nhan sắc, đặc biệt trong đó có truyện “Con trủy thủ trên đất Tần bất trắc”. Chính ngay truyện này có lần tôi gặp anh Mậu thì anh cũng có nói lý do tại sao anh viết truyện đó. Có lẽ cũng nhắc lại một chút trong bối cảnh mà sau cuộc cách mạng năm 1963 nhóm tướng lãnh đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm thì anh Mậu trước tình hình đảo chính lung tung, lộn xộn do chỉnh lý lúc đó thì anh Mậu viết truyện đó.
Khi Kinh Kha vào đất Tần lấy con dao trủy thủ nhằm giết nhà độc tài, một tên bạo chúa nhưng trước thái độ cùng lời biện hộ của Tần Thủy Hoàng thì Kinh Kha đã buông dao. Nó ám chỉ khi người ta đảo chánh một chế độ thì người ta biết phải làm cái gì và phải biết điều gì cần thay thế. Lúc ấy anh Dương Nghiễm Mậu cho rằng cái đám tướng lãnh hồi đó dường như không có sự chuẩn bị cho việc đảo chánh vì thế thái độ bảo vệ cho bạo chúa Tần Thủy Hoàng của anh Dương Nghiễm Mậu có lẽ nằm trong trường hợp đó.
Với nhà văn Phan Nhiên Hạo, được đọc Dương Nghiễm Mậu từ những tủ sách nước ngoài nhưng anh cũng sớm nhận ra được văn phong của một nhà văn tinh hoa của một thời, Phan Nhiên Hạo cho biết:
Những tác phẩm của văn chương miền Nam trong đó có tác phẩm của nhà văn Dương Nghiễm Mậu sau này thì tôi nghĩ cũng dễ tìm chứ không khó. Tại vì có nhiều sách của nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã được in lại ở hải ngoại. Internet cũng phổ biến rất nhiều tác phẩm của ông ấy trên mạng. Tôi bắt đầu đọc truyện của ông trong các tuyển tập như là “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta”….bắt đầu từ những sách được in lại tại hải ngoại tôi tìm lại những sách cũ hồi trước.
Có thể tôi đọc vài truyện ngắn của ông thì tôi nhớ nhiều nhất là truyện “Cũng đành”. Truyện viết về thân phận một người trong cuộc chiến tranh bối cảnh là thời kháng chiến trước năm 1954, tôi thấy cách viết rất hay, cái hay của truyện Dương Nghiễm Mậu là không khí u uất, buồn thảm. Chi tiết cũng hay nhưng nói chung cái hay nhất nằm ở không khí trong truyện Dương Nghiễm Mậu.

Một nhà văn dũng cảm

saigongiaitri.jpg-400.jpg
Nhà văn Dương Nghiễm Mậu và tác phẩm Tiếng sáo người em út

Theo báo chí trong nước Dương Nghiễm Mậu là một trong rất ít nhà văn miền nam có tên trong “Từ điển văn học” do nhà Thế Giới ở Hà Nội xuất bản. Cái tin này có thể đã cũ, đã không còn ai nhớ tới và nhất là những dòng chữ có tên trong “Từ điển văn học” như một lời ai điếu cho nhà văn hơn là ngợi khen một tài năng, một nhân cách sống.
Bởi trước khi được có tên trong “Từ điển văn học” thì Dương Nghiễm Mậu có tên trong danh sách của Vũ Hạnh, nhà văn có biệt danh ngự sử văn chương sau 1975, với nhãn mác “biệt kích văn nghệ” được Vũ Hạnh đeo trên ngực, Dương Nghiễm Mậu trở thành kẻ chống phá nền văn chương rực rỡ xã hội chủ nghĩa, tệ hơn, dưới ngòi bút Vũ Hạnh thì sách của Dương Nghiễm Mậu “nổi bật tính phản động tha hóa lớp trẻ hầu đưa đẩy họ vào sự chống phá cách mạng, chống lại sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của bọn đế quốc xâm lược”.
Câu chuyện xảy ra sau khi Dương Nghiễm Mậu trả nợ văn chương sau hai năm trong nhà tù Phan Đăng Lưu để trở về với đời sống bình thường gần như ẩn dật. Người yêu mến chữ nghĩa của ông tuy không còn nhiều trong nước nhưng cái lấp lánh của những tác phẩm sắc sảo, cô đọng một thời của văn học miền Nam vẫn thuyết phục được nhiều người trong đó có nhà thơ Nguyễn Quốc Thái.
Kể lại câu chuyện đốt sách bằng chữ của nhà văn Vũ Hạnh đối với Dương Nghiễm Mậu, nhà thơ Nguyễn Quốc Thái ngồi trước quan tài của Dương Nghiễm Mậu tại Sài Gòn ngậm ngùi nhớ lại:
Anh Mậu là một nhà văn dũng cảm, tôi xin nói như vậy. Sau 1975 anh giữ gìn tư cách của anh ấy đến nỗi nhiều người phải ghen tức vì cái điều đó. Cũng chính vì điều đó nên tôi trao đổi với anh Mậu và tôi xin phép anh được tái bản 4 quyển sách của anh. Lúc đó tôi làm việc cho công ty Văn hóa Phương Nam.
Bốn quyển truyện của anh Mậu được tái bản sau năm 75 khi in xong bị nhiều đao búa đánh ảnh nhưng anh ấy rất bình tĩnh và thái độ bình tĩnh của anh ấy rất đáng kính trọng trước những sự xúc phạm thô bỉ của một số người. Nói chung anh Mậu là một người bạn tốt, một người bạn tử tế một nhà văn có tài, một nhà văn dũng cảm trong hoàn cảnh nào đó. Cuốn sách do Phương Nam phát hành tuy bị cấm nhưng những người trẻ họ vẫn tìm đọc, âm thầm tìm tác phẩm của anh ấy để đọc, đó là điều mà tôi rất mừng. Cho tới ngày hôm nay thì Phương Nam định tái bản bốn cuốn đó và những cuốn khác của anh Mậu. Những người trẻ sau này họ rất qúy anh Mậu.
Bốn tập truyện ngắn ấy là Đôi Mắt Trên Trời, Cũng Đành, Nhan Sắc, và Tiếng Sáo Người Em Út.
Vũ Hạnh, nhân vật chủ chốt trong Hội đồng đánh giá Văn Học Miền Nam tại Thư Viện Quốc Gia đã dùng “Bút máu” của ông đâm thấu tim bốn tác phẩm này như ông đã từng chỉ điểm những nhà văn, nhà thơ khác sau khi miền Nam chìm sâu dưới ngọn lửa đốt sách.
Nhà văn Ngô Thế Vinh, tác giả của Vòng Đai Xanh, tác phẩm cùng chung số phận trong chiến dịch đốt sách, viết lại trong một bài về Dương Nghiễm Mậu như sau:
Tôi không thể không có ý nghĩ nếu làm một con toán cộng những năm tù đầy của mỗi văn nghệ sĩ Miền Nam, con số ấy phải vượt trên nhiều thế kỷ. Không phải chỉ có oan nghiệt giam cầm huỷ hoại những thân xác, họ còn giết chết sức sáng tạo của văn nghệ sĩ trong khoảng thời gian sung mãn nhất. Một nỗ lực hủy diệt cả một nền văn hóa đến tận gốc: trước lịch sử, ai phải nhận lãnh trách nhiệm cho những tội ác thiên thu ấy?”
Lịch sử như một vết cắt hằn sâu lên khuôn mặt văn chương sau ngày 30 tháng 4. Trong chương sách ấy, hàng chục nhà văn nổi tiếng của miền Nam kể rằng Vũ Hạnh là người hướng dẫn “cách mạng” tới từng địa chỉ của “biệt kích văn nghệ” bắt họ vào Phan Đăng Lưu để trả lời tại sao cầm bút, và tại sao lại ký vào tờ yêu cầu chính quyền Sài Gòn thả ông ta ra khỏi nhà tù miền Nam với tội danh gián điệp nằm vùng.
Trong số người biết và cùng chia sẻ với Dương Nghiễm Mậu trong tù là nữ sĩ Nhã Ca, tác giả của Giải khăn sô cho Huế, bà kể lại tính cách của Dương Nghiễm Mậu như sau:
Sau 75, năm 76 thì chúng tôi cùng đi vào tù với nhau. Đối với tôi anh Dương Nghiễm Mậu là người sống rất thanh thản dù trong hoàn cảnh nào thì anh cũng giữ được sự chững chạc, tư cách của anh, nhất là tư cách của một nhà văn. Thật ra hồi đó chồng bị bắt, tôi cũng bị bắt đôi khi cũng hay nóng giận và lúc nào anh cũng kèm sát một bên để khuyên nhủ và bảo là phải bình tĩnh, phải cố gắng là vì cô còn một bầy con cần phải chăm sóc.
Khi chúng tôi nghe tin anh mất cả vợ chồng tôi hết sức bàng hoàng, bần thần cho đến hôm nay chỉ có 3 ngày và hôm qua là ngày hỏa thiêu của anh bạn hữu bên đó có gửi qua cho chúng tôi tấm hình những giây phút cuối cùng của anh ở Sài Gòn.
Nhà văn Phan Nhiên Hạo vì yêu mến ông, đã nhiều lần ghé thăm nhà văn khi có dịp về Việt Nam, kể lại phản ứng của nhà văn sau khi bị Vũ Hạnh và vài người khác tấn công:
Thái độ của Dương Nghiễm Mậu là thái độ không có chấp cho nên ngay cả khi sách của ông được in lại nhưng bị những người ở Việt Nam như Vũ Hạnh và ông Nguyễn Hòa phê phán nặng nề ổng cũng không buồn trả lời, ổng chỉ cười thôi, tôi thấy ngay cả cái vụ đó hầu như ông chẳng quan tâm gì.
Trong bài viết về Dương Nghiêm Mậu, nhà thơ Du Tử Lê đã khẳng định bên cạnh tài năng văn chương Dương Nghiễm Mậu còn là một nhân cách, ông viết:
“Tôi cho rằng, định mệnh lớn đã đến với Dương Nghiễm Mậu, ngay tự những dòng chữ thứ nhất. Và, song sinh cùng những dòng chữ thứ nhất kia, là nhân cách Phí Ích Nghiễm.
Tôi không nghĩ người đọc, hôm nay, lịch sử văn học, ngày mai, đòi hỏi một điều gì nơi nhà văn, khác hơn giá trị nội tại của tác phẩm.
Nhưng, nếu một tài năng, như tài năng Dương Nghiễm Mậu, song sinh với một nhân cách, như nhân cách Dương Nghiễm Mậu thì, nó mặc nhiên trở thành tấm gương hai mặt, vằng vặc. Sáng.

http://www.rfa.org/vietnamese


Nhà văn Dương Nghiễm Mậu qua đời tại Sài Gòn

Duong-Nghiem-Mau
Posted by Luu HoanPho, Aug 4, 2016

Tin Việt Báo. (Westminster) .– Nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã qua đời lúc 21 giờ 35 phút tối, giờ VN, ngày 2 tháng 8 năm 2016 (nhằm ngày 30 tháng 6 năm Bính Thân) tại Sài Gòn, hưởng thọ 81 tuổi, theo tin của phu nhân nhà văn Dương Nghiễm Mậu là bà Ngọc Trang điện thư cho nhà văn Nhã Ca, Chủ Nhiệm Sáng Lập Việt Báo, hồi sáng Thứ Ba, 2-8-2016.
Theo bà Ngọc Trang, nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã vào bệnh viện 2 ngày thì mất vì nhồi máu cơ tim. Cũng theo bà Ngọc Trang, trước đó nhà văn Dương Nghiễm Mậu vẫn sống bình thường không có triệu chứng gì. Được biết nhà văn Dương Nghiễm Mậu có 2 người con trai tên Việt và Hà.
Để tưởng niệm nhà văn Dương Nghiễm Mậu, Việt Báo xin trích đăng phần đầu trong bài viết “Dương Nghiễm Mậu: con người nội soi trong bạo lực chiến tranh và thân phận nhược tiểu” của nhà phê bình văn học Thụy Khuê ở Pháp Quốc.

***

Dương Nghiễm Mậu: con người nội soi

trong bạo lực chiến tranh và thân phận nhược tiểu

Tác giả: Thụy Khuê


Duong-Nghiem-Mau-1

Hình: Nhà văn Dương Nghiễm Mậu do nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh chụp

Tiểu sử: Dương Nghiễm Mậu tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh ngày 19 tháng 11 năm 1936 tại quê nội làng Mậu Hòa (quê ngoại làng Dương Liễu), huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Từ 12 đến 18 tuổi sống ở Hà Nội. Học tiểu học ở trường Hàng Than, trung học, Chu Văn An, viết đoản văn, tùy bút cho báo trường và các báo có phụ trang văn nghệ học sinh. 1954 di cư vào Nam với gia đình, năm đầu ở Huế, năm sau ra Nha Trang, hè 1957 vào sống hẳn Sài Gòn.
Từ 1957 trở đi viết nhiều: tạp văn, tùy bút, đoản văn, truyện ngắn, truyện dài. Tiểu thuyết đầu tay Đầy tuổi tôi đăng trên tạp chí Văn Nghệ từ số 2, tháng 3/1961 (sau in thành sách đổi tên là Tuổi nước độc, Văn, 1966), truyện ngắn Cũng đành in lần đầu trên báo Tân Phong của Trương Bảo Sơn; truyện ngắn Rượu chưa đủ, trên Sáng Tạo (bộ cũ, số 28-29 tháng 1-2/1959) đã xác định phong cách văn chương Dương Nghiễm Mậu. Từ 1962, làm tạp chí Văn Nghệ với Lý Hoàng Phong, đồng thời viết cho Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Tin Sáng, Văn, Văn Học, Bách Khoa, Giao Điểm, Chính Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ, Sóng Thần… Tập truyện ngắn đầu tay Cũng đành do tạp chí Văn Nghệ xuất bản năm 1963. Truyện dài Gia tài người mẹ (Văn Nghệ, 1964), được giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc (miền Nam), 1966.
1966 nhập ngũ. Từ 1967 làm phóng viên quân đội đến 30/4/1975. Lập gia đình năm 1971, với Hồ Thị Ngọc Trang, giảng viên Anh ngữ. Sau 30/4/1975 bị bắt giam. 1977 đươc tạm tha. Từ 1977, học nghề sơn mài và sống bằng nghề này tại Sài Gòn.
Tác phẩm đã in:
Truyện ngắn: Cũng đành (Tạp chí Văn Nghệ, Sài Gòn, 1963), Đêm (Giao Điểm, 1965), Đôi mắt trên trời (Giao Điểm, 1966), Sợi tóc tìm thấy (Những tác phẩm hay, 1966), Nhan sắc (An Tiêm, 1966), Kinh cầu nguyện (Văn Xã, 1967), Ngã đạn (Tân Văn, 1970), Cái chết của… (Văn Xã, Sài Gòn, 71; An Tiêm, tái bản, Paris, 2001)…
Truyện dài: Gia tài người mẹ (Tạp chí Văn Nghệ, 1964), Đêm tóc rối (Thời Mới, 1965), Tuổi nước độc (Văn, 1966), Phấn đấu (Văn, 1966), Ngày lạ mặt ( Giao Điểm, 1967), Gào thét (Văn Uyển, 1969), Con sâu (Sống Mới, Hoa Kỳ, không đề năm)…
Những tác phẩm khác: Địa ngục có thật (bút ký, Văn Xã, 1969), Quê người ( Văn Xã, 1970), Trong hoang vu, Tên bất lực, Kẻ sống đã chết, v.v…

Duong-Nghiem-Mau-2

Từ trái, nhà văn Đỗ Quý Toàn, nhà văn Dương Nghiễm Mậu và nhà thơ Trần Dạ Từ tại Đà Lạt vào tháng 7 năm 1957. (hình nhà thơ Trần Dạ Từ cung cấp)

Mậu truyện, bối cảnh ra đời
Hơn bốn mươi năm sau khi xuất hiện, Dương Nghiễm Mậu vẫn còn là nhà văn avant-garde đối với văn học Việt Nam bởi lối suy tưởng và cách đặt vấn đề của ông vẫn giữ nguyên những mấu chốt bí mật; nhiều truyện ngắn với cấu trúc rất lạ, vẫn còn nằm trong vòng trăn trở tìm tòi của người viết hôm nay. Mỗi nhân vật của Dương Nghiễm Mậu là một trường hợp tự phân, tự hủy, bị kết án chung thân phải sống, họ thuộc thế giới những thân phận lầm lũi đau, âm thầm chết, thui chột, khô khốc một mình, không kẻ đoái hoài, không phương điều trị.
Với Dương Nghiễm Mậu, những bi đát trong cuộc hiện sinh này không chỉ là những vết thương “nhìn thấy” như cảnh cường hào đàn áp nông dân trong Tắt đèn Ngô Tất Tố, như xã hội trộm cắp sa đọa trong Bỉ vỏ Nguyên Hồng… mà còn là những vết thương không nhìn thấy trong con người. Nhưng những “nội-tâm-thương” ở Dương đã khác nhiều với vết thương nội tâm trong văn học tiền chiến, nó “trẻ” hơn, dữ dội hơn, có những đòi hỏi phức tạp hơn, mang tính bản thể hơn là tâm lý, và khác biệt hẳn những ngòi bút phân tích Khái Hưng, Nhất Linh…
Mai Thảo tinh vi nhận xét: “… Dương Nghiễm Mậu bao giờ cũng đến với tôi bằng khuôn mặt đó. Khuôn mặt một người nhắm cả hai mắt lại, cho cái nhìn trở thành cái nhìn bên trong, cái nhìn tâm hồn, và nụ cười tủm tỉm hóm hỉnh là chân dung Mậu ở tấm hình chân dung ngộ nghĩnh của Trần Cao Lĩnh.” (Mai Thảo, Con đường Dương Nghiễm Mậu, trong cuốn Chân dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam, Văn Khoa 1985, trang 89).
Mai Thảo đã nhận ra nét riêng tư nhất của Dương: một con người nhìn vào mình, nội soi mình, đó cũng là tính chất chủ yếu của văn chương Dương Nghiễm Mậu, và là điểm đầu tiên gần gũi với triết học hiện sinh.
Ở Dương Nghiễm Mậu, trong những tác phẩm hay, nhân vật không khởi đi từ một thứ bản chất có sẵn, mà tự xây dựng nên cá tính của mình qua phản ứng trước mọi tình huống. Tâm lý ít khi “bị” phân tích, hoặc tránh bị phân tích, cũng chẳng thể hiện qua hành động mà tâm lý là hành động, tâm lý nằm trong hành động. Con người có đó, trơ ra, hiện hữu. Sự hiện hữu có trước bản chất là điểm thứ nhì tương quan với triết học hiện sinh.
Với Dương, những khổ đau không còn thuần túy tinh thần nữa mà nó đã truyền sang thể xác, một sự giao thoa vật chất – tinh thần mà nhân vật nhận thức được. Sự nhận thức là nét đặc thù thứ ba đến từ ảnh hưởng triết học hiện sinh.
Điểm đặc biệt thứ tư trong Dương Nghiễm Mậu là truyện không còn “tác giả” và “nhân vật” theo nghĩa truyền thống: nhà văn chối bỏ quyền thượng đế tối cao tạo nặn ra nhân vật, bắt khoan bắt nhặt, như trong hệ thống dựng truyện cổ điển. Ở đây nhà văn chỉ có phận sự “ghi chép” những gì đã và đang xẩy ra; chữ tôi không thuộc quyền sở hữu duy nhất của nhân vật chính, mà mỗi nhân vật trong truyện đều có quyền xưng tôi như thể họ là “tác giả” của chính mình, tự xác định cái tôi hiện hữu của mình qua hành động. Nét đặc thù thứ tư này phát xuất từ ảnh hưởng giao thoa giữa triết học hiện sinh và tiểu thuyết mới, tạo ra cách viết “đa âm” với những cái tôi biệt lập như trong Gia tài người mẹ: không có “cốt truyện ” về gia đình mà mỗi nhân vật trong truyện, mỗi người con, đều có quyền đưa ra một thoại khác về sự xâu xé trong gia đình. Trong Đêm tóc rối – kẻ xưng tôi, nhân vật chính, Lễ, một kẻ mất định hướng (desaxé), không tin bất cứ gì: tình yêu, nhân nghĩa, đạo đức, hy sinh… Trong Con sâu, cũng không có cốt truyện về chiến tranh, mà năm nhân vật chính đều xưng tôi, đều là lính hoặc bạn lính, đều độc thoại nội tâm và đưa ra những cái nhìn khác nhau về hạnh phúc, về con người, về chiến tranh, về cái chết.
Nét đặc biệt thứ năm trong tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu: nhân vật của Dương thường không có tên, hoặc chỉ nêu tên một vài lần trong cả cuốn tiểu thuyết, và nơi chốn xẩy ra mọi việc cũng không rõ ở đâu. Đó là một trong những nét đặc thù của tiểu thuyết thế kỷ hai mươi, mà phong trào tiểu thuyết mới, đặc biệt Alain Robbe-Grillet chấp nhận như một thực tại không thể chối cãi được: Sự xoá tên nhân vật, xoá sổ địa danh, nói lên tính cách không tiêu biểu của nhân vật, của nơi chốn xẩy ra.
Thời đại mà một cá nhân, một gia đình, một dòng họ, có thể tiêu biểu cho nếp sống toàn xã hội như thời đại Balzac đã qua rồi.
Thời hiện đại, số phận nhân loại không còn đồng nhất với sự thăng trầm biến đổi của một vài cá nhân típ, gia đình típ, như lão Goriot, như họ Rougon-Macquart, như anh em nhà Karamazov… nữa.
Nhân vật cũng không được khắc tạc như những mẫu người “tiền chế” của thời đại như một Tố Tâm, một bà Án, một Dũng, một Loan…
Nhân vật, trong dòng mới của tiểu thuyết, không có tính cách tiêu biểu hoặc từ chối tính cách tiêu biểu cho một xã hội, một thời đại, từ chối những mẫu mực có sẵn, họ thường không có tên, hoặc nếu có cũng ít được nhắc đến, họ là những kẻ vô danh trong đời sống hàng ngày như kẻ bộ hành, người ăn mày, người bán vé xe đò… và là đối tượng của tiểu thuyết hôm nay, như K, nhân vật chính trong Lâu đài của Kafka (được coi như ông tổ của tiểu thuyết hiện đại), tên chỉ một chữ. Mấy ai còn nhớ Meursault, tên nhân vật chính trong truyện L’étranger (Người xa lạ) của Camus hay Roquentin, nhân vật chính trong La nausée (Buồn nôn) của Sartre? Cũng chẳng thể nào kể được “cốt truyện” của những tiểu thuyết này, bởi chúng là cuộc đời mà cuộc đời chỉ là một chuỗi những rời rạc, chắp nối, bất ngờ, không thể có một cốt truyện liên tục, dựng theo trật tự diễn biến của thời gian.

Duong-Nghiem-Mau-3
Thủ bút của nhà văn Dương Nghiễm Mậu viết, tháng 6 năm 1989, nơi bìa sau của tấm hình chụp chung với nhà văn Đỗ Quý Toàn và nhà thơ Trần Dạ Từ tại Đà Lạt tháng 7 năm 1957.(hình nhà thơ Trần Dạ Từ cung cấp)

Trong Buồn nôn, nhân vật chính, kẻ xưng tôi, Roquentin đến một bến cảng, đâu như tên là Bouville, tìm kiếm tư liệu để viết về hầu tước Rollebon, một quý tộc nổi tiếng cuối thế kỷ XVIII. “Cốt truyện” ấy chẳng có gì để kể, và cũng không thể kể được, vì “cả truyện” có xẩy ra “chuyện” gì đâu.
Buồn nôn, viết năm 1938, về cái “không thể kể được” ấy, là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của J.P. Sartre, cũng là tác phẩm tiên phong “hướng nội“, nhìn vào trong, tự ý thức về thân xác của mình: Roquentin có cảm giác bị cái gì ngăn cản, không thể lượm tờ giấy bẩn ở đường dù hắn rất muốn lượm. Rồi cảm giác “buồn nôn” toát ra từ bàn tay, khi hắn cầm viên sỏi. Quán cà phê làm hắn buồn nôn, mặc dù trước đó hắn rất thích không khí ồn ào của cà phê. Sự “buồn nôn” cứ từ từ dâng lên trong hắn cùng với ý thức về thân xác, về sự hiện hữu của mọi thứ xung quanh, từ tay thủ thư tự học đến cô bồ cũ, thậm chí đến cả cuộc đời hầu tước Rollebon, đề tài “nghiên cứu” của hắn, cũng trở thành vô nghĩa, cũng chả ra gì…
Tất cả mọi tồn tại, kể cả tồn tại của hắn, đều nhạt, đều “thừa” (de trop). Rút cục, có lẽ chỉ còn âm nhạc -yếu tố duy nhất không hiện hữu như mọi vật mà là hiện diện của tưởng tượng- là có thể kéo hắn ra khỏi cảm giác “buồn nôn”. Sự sáng tạo nghệ thuật, một cuốn tiểu thuyết chẳng hạn, may ra có thể giúp hắn chấp nhận sự tồn tại (l’existence).
Meursault trong Người xa lạ (1942) kể chuyện mình với một giọng thờ ơ, xa lạ, gần như lãnh đạm “sao cũng được” (ça m’est égal), từ lúc hắn được tin mẹ chết ở viện tế bần đến lúc phạm tội giết người. Trong suốt hành trình tiểu thuyết, luôn luôn Meursault lập đi lập lại “tôi không biết” (je ne sais pas) như một “bản ngã” thứ nhì. Đến nhà xác, người gác đề nghị mở quan tài cho xem mặt mẹ. Meursault từ chối, hỏi tại sao, trả lời không biết. Lang thang trên bờ biển, đánh lộn. Thành kẻ giết người. Ra toà, toà hỏi tại sao, trả lời không biết, (rồi chợt nhớ ra một chi tiết: trên bãi bể, vì nắng chói thẳng vào mắt, Meursault phải bước lên một bước để tránh ánh mặt trời, bởi cái bước “định mệnh” ấy mà gã Ả Rập tưởng hắn muốn tấn công, mới rút dao găm ra, ánh mặt trời lại dội vào dao găm làm hắn lóa mắt, sẵn súng trong túi, hắn nhả đạn), Meurseult buột miệng: Tại trời nắng! Cả tòa cười ầm. Không ai chấp nhận một lý do phi lý như vậy.
Mà sự thực là thế: không có lý do nào khác ngoài cái ngẫu nhiên, phi lý của ánh mặt trời. Meurseult là người phi lý. Người phi lý bị vây khổn bởi sự không hiểu, không thể giải thích được – bất khả tri và phi lý là thực chất của nhân sinh: Meurseult chỉ nói lên sự thực nhưng không ai tin: hắn không biết tại sao hắn lại không muốn nhìn xác mẹ và cũng không biết tại sao mình lại rút súng bắn người.
Nhưng người ta “biết cả”, người ta buộc tội hắn đã chôn mẹ với “tâm địa hung thủ” (enterré sa mère avec le cœur de criminel) và người ta vẽ chân dung hắn: một kẻ giết người với những lý do rõ ràng, nhưng hoàn toàn xa lạ, không dính dáng gì đến Meurseult. Bị xử tử qua chân dung ấy, Meurseult hoàn toàn xa lạ với thế giới “hợp lý” ấy.
Đã không biết gì về mình, hắn lại càng không biết gì về người. Đã xa lạ với chính mình, hắn lại càng xa lạ với người. Người xa lạ là bi kịch của nhân sinh, một nhân sinh không biết gì về mình, lại càng không biết gì về người khác. Tất cả đều là những kẻ xa lạ. Với mình. Với người.
Paris tháng 1- 6/2004
Đọc lại 19/12/2014
Thụy Khuê

Đăng ngày 11 tháng 08.2016