banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Nhân vụ Giáo xứ Thị Nghè bị cướp đất
Thử nhìn lại lịch sử...

Nguyễn Đức Cung

Ngày 12 tháng Tám năm 2020, Nhóm PV Vietcatholic đã cho công bố trên cơ quan trang mạng này bài viết có tên “SOS Giáo Xứ Thị Nghè (Sài Gòn) kêu cứu về tài sản bị chiếm đoạt” với những chứng minh cụ thể về tư liệu, luận chứng và nhiều chữ ký của các Linh mục, các Giáo hạt, Hội đồng mục Vụ, và hàng ngũ giáo dân tố giác việc nhà cầm quyền Cộng Sản đã ngụy tạo văn bản nhằm cướp đoạt hai cơ sở trường Phước An vốn là tài sản của người giáo dân trong hai trăm năm qua. Trong Thư ngỏ của Văn phòng Giáo xứ Thị Nghè, Giáo xứ đã vạch rõ rằng “ Với văn bản ngụy tạo, vô giá trị về mặt pháp lý này, chính quyền đang sử dụng để tuyên truyền nhằm đánh lừa, làm cho dư luận hiểu sai sự thật, theo hướng có lợi cho hành động chiếm đoạt sai trái đất trường Phước An của Giáo xứ.” (Trích Thư Ngỏ của Văn Phòng Giáo xứ Thị Nghè).

Trong hai năm gần đây đã xẩy ra một số sự việc liên quan đến nạn cướp đất tại Sài Gòn nơi mà đất đai đã trở thành “tuyệt đại vô giá” mà giới quan phương CS nghĩ rằng phải chăng đây là buổi chợ chiều của chế độ nên ra tay càng nhanh, lợi nhuận càng vững chắc nên đã diễn ra các việc như cướp đất dân oan ở Thủ Thiêm vốn chưa được giải quyết ổn thỏa (giới quan phương theo chiến thuật “mềm nắn rắn buông” đối với Dòng Mến Thánh Giá ở đây với 145 năm lịch sử), vườn rau Lộc Hưng của đồng bào giáo dân Miền Bắc di cư năm 1954, và nay họ lại lần phăng tới những nơi có thể kiếm ăn được đó là các cơ sở dòng tu, trường học, bệnh xá… của Công Giáo bị ép cho CS mượn sau ngày 30-4-1975, chẳng hạn vụ chiếm đất Dòng Thiên An Huế đang sôi động trở lại. Đây cũng là lúc để giới quan phương nhiều nơi “test” xem thử cái lò của TBT Nguyễn Phú Trọng nóng lên ở mức độ nào khi đảng CS đang có những nỗ lực nhằm chuẩn bị cho Đại hội XIII sắp tới và cùng lúc lại xảy ra vụ việc Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội bị đình chỉ công tác tạm thời trong thời gian 90 ngày. Nhân dân VN đang chờ xem cái gì xảy ra thì việc Giáo xứ Thị Nghè bị chiếm đất xuất hiện…

1. Thị Nghè trong chiều dài lịch sử
Theo nguyên tắc lập cư, nghĩa là chọn chỗ ở của tiền nhân, Việt Nam có câu “ Nhất cận thị, nhị cận giang,” có nghĩa là: Thứ nhất gần chợ, thứ hai gần sông. Gần chợ thì mua sắm, may mặc, ăn uống dễ dàng; gần sông thì đi lại nhanh chóng, vận chuẩn thuận tiện bao gồm các mục tiêu có tính cách kinh tế. Quan điểm sinh hoạt ấy cũng có lẽ nghiệm đúng khi nhìn vào các đợt Nam tiến của nước ta trước đây dưới thời các chúa Nguyễn. Tuy nhiên cũng nên thêm vào đây yếu tố quân sự, vì đôi khi tiền nhân chúng ta cũng lợi dụng vị trí của sông ngòi, kênh rạch làm yếu tố che chắn để phòng ngự đối phương hay giặc cướp hoặc ứng dụng vào kỹ thuật tác chiến.

Trên bước đường Nam tiến, tổ tiên chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề định canh, định cư đem từ miền Bắc và miền Trung vào kể từ đầu thế kỷ XI với Lý Thường Kiệt (1075), với Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558), nhất là với Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh cuối thế kỷ XVII và đám quan binh theo ông trong nhiều giai đoạn lịch sử hoành tráng mở rộng cương vực đất nước tại miền Nam rộng rãi bao la nhiều sông rạch, đầm lầy chằng chịt mà chỉ có những con người can đảm, trì chí, mưu lược mới có thể thực hiện nổi.
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai vào Gia Định Đồng Nai thì vào.
(Nguyễn Đức Cung, Quảng Bình chín trăm năm nhìn lại 1075-1975, Nhà xb. Nhật Lệ, 2006, trang 400).

Danh xưng “Thị Nghè” vốn được dùng để chỉ một con rạch gọi là “Rạch Bà Nghè”, một chiếc cầu, một con sông hay một vùng đất và tên chữ Hán là Bình Trị Giang căn cứ theo tài liệu của Trương Vĩnh Ký hay Petrus Ký (1837-1898) một nhà bác học Công Giáo (Nguyễn Đình Đầu, Petrus Ký nỗi oan thế kỷ, Nhã Nam & Nhà xuất bản Tri Thức, 2016, tr. 75). Trong tư liệu này, Trương Vĩnh Ký còn cho biết chi tiết thêm: “Trên rạch Tắt Cầu Sơn có hai chiếc cầu bắc qua, cầu thứ nhất là cầu Sơn và cầu thứ hai là cầu Lầu (cầu này cao và có mái che). Còn tên Thị Nghè hay Bà Nghè đặt cho cầu thứ nhất và con rạch Thị Nghè, thì nguyên nhân như sau: Con gái Vân Trường Hầu (Nguyễn Cửu Vân) có chồng làm lại mục trong chính quyền tỉnh thành với tước vị ông Nghè (tú tài hay cử nhân, muốn cho chồng qua rạch đi làm mỗi ngày được dễ dàng, đã cho kiến tạo một chiếc cầu mệnh danh tên bà, hay đúng hơn, tước vị bà, tức Thị Nghè hay Bà Nghè (bà tú). Con rạch cũng mang tên đó.” (trang 182). Một tài liệu khác cho biết Bà Nghè này có tên là Nguyễn Thị Khánh (Trung tâm Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM, Lược Sử 300 Năm Sài Gòn (1698-1998), Nhà xb. Trẻ, 1999, tr. 36).

Lại mục là gì ? “Gọi chung giới thư ký tại các cơ quan. Các thư lại, thông lại, đề lại, là những người giúp việc cho các quan tại các bộ, nha, phủ, huyện đều gọi chung là lại mục. - Phủ lại mục : Thư ký tại các phủ, trật chánh cửu phẩm (9/1). - Huyện lại mục: Thư ký tại các huyện, trật tòng cửu phẩm (9/2)” (Võ Hương-An, Từ Điển Nhà Nguyễn, Nam Việt xuất bản, 2012, tr. 324). Trần Thanh Tâm trong Quan Chức Nhà Nguyễn cho biết thêm “Viên chức này có hàm Chánh cửu phẩm Văn ban. Sau này, ở huyện nhỏ, được coi như Phó huyện. Trước ở huyện có chức Đề Lại, đến năm Minh Mệnh thứ 5, đổi Đề Lại làm Lại Mục.” (Nhà xb. Thuận Hóa, 2000, tr. 184).

Lần theo gia phả của Nguyễn Cửu Vân, bố của bà Thị Nghè, Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán Nhà Nguyễn biên soạn có ghi về vị danh tướng này như sau: “ Con của Nguyễn Cửu Dực làm đến cai cơ, năm Ất Dậu đời Hiển Tông, Chân Lập có nổi loạn, Vân đem quân dẹp yên được, đóng quân ở  Vũng Cù, khai khẩn ruộng đất làm gương cho quân và dân, năm Tân Mão, thăng phó dinh Trấn Biên. Khi Vân ở biên thùy, người Chân Lạp theo phục, rất có công trong việc mở mang miền Nam. Con cả của Vân là Triêm, làm phó tướng, nối cha làm lưu thủ Trấn Biên, người Chân Lạp xâm nhiễu biên giới. Triêm làm giám quân dẹp yên…” (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1997, tr. 218). Qua đó chúng ta biết bà Thị Nghè là em của tướng Nguyễn Cửu Triêm mà có tư liệu cho biết người Lào sợ Nguyễn Cửu Triêm như cọp.
Dòng họ Nguyễn Cửu Vân vốn xuất phát từ Nguyễn Cửu Kiều gốc huyện Tống Sơn, Thanh Hóa, bất phục họ Trịnh nên bỏ trốn vào miền Nam năm 1623, theo giúp chúa Nguyễn định cư ở Thuận Hóa, được vua nhà Nguyễn ban cho 4 chữ Nhất Gia Trung Nghĩa. Sử liệu không nêu rõ bà Nguyễn Thị Khánh thứ bậc như thế nào trong dòng họ vì ngày xưa theo chế độ “trọng nam khinh nữ” nên chỉ ghi “Bà Nghè” hay “Thị Nghè” mà thôi. Nói chung dòng họ Nguyễn Cửu Văn có rất nhiều công trạng trong việc mở mang Miền Nam, xây dựng đất nước. Con rạch Thị Nghè theo sử liệu Tây phương còn có tên là Arroyo de l’Avalenche là tên của chiến hạm Avalenche trong cuộc tấn công thành Sài Gòn ngày 16-2-1859.
Năm 1705, Nguyễn Cửu Vân nhận lệnh chúa Nguyễn đem quân lên Nam Vang đánh quân Xiêm thì con của ông là bà Nguyễn Thị Khánh (Thị Nghè) có thể chưa sinh ra hay còn thơ ấu. Như vậy danh tính bà đặt cho con rạch hay chiếc cầu tính đến nay cũng đã non bốn thế kỷ, và vùng Thị Nghè trải qua bao lớp sóng phế hưng từ khi Sài Gòn còn là vùng trú đóng của vị Phó vương Cao Miên trước năm 1698 khi Nguyễn Hữu Cảnh kêu gọi dân vùng Ngũ Quảng tức Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên) Quảng Nam, Quảng Ngãi vào khai khẩn Miền Nam mà dân theo ông gọi chung một tên là “dân Hai Huyện” trực thuộc phủ Gia Định từ xưa (Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang Miền Nam, Nhà xuất bản Xuân Thu, không có năm in, trang 23).

Viết về tỉnh Gia Định, Trịnh Hoài Đức đã cho chúng ta một hình ảnh rất quen thuộc mà vùng đất Thị Nghè cũng có những nét điển hình: “Đất Gia Định nhiều sông kinh, cù lao, bãi cát, nên trong 10 người đã có 9 người biết nghề lội bơi, chèo thuyền, lại ưa ăn mắm, ngày ăn ba bữa cơm mà ít khi ăn cháo.” (trang 12) Và ở trang 15: “Ở Gia Định chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở hoặc để đi chợ, hay để đi thăm người thân thích, hoặc chở gạo củi đi buôn bán, rất tiện lợi,  mà ghe thuyền chật sông đêm ngày qua lại, sỏng xuồng liên tiếp cho nên nhiều khi đụng chạm nhau bị hư hại rồi sinh ra kiện cáo, hai  bên đều đổ lỗi cho nhau, ai được ai mất, vẫn khó xử đoán cho đắc tình.” (Bản dịch của Tu Trai Nguyễn-Tạo, Nha Văn Hóa Phủ Quốc Vụ Khanh, Sài Gòn, 1972).

Sông Thị Nghè tuy trên thực tế chỉ là một con rạch nhưng có vị trí chiến lược thuận lợi cho sự di chuyển và huấn luyện, phòng thủ của hải quân cho nên chính chúa Nguyễn Ánh sử dụng làm vị trí để đóng binh qua đoạn sử sau đây của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường : “Nguyễn Ánh đóng binh ở rạch Thị nghè trong khi Phạm văn Sâm dàn binh từ chợ Điều khiển đến chợ Khung dung chống cự. Ánh sai Võ Tánh đi vòng phía nam đồng Tập trận thẳng tới bến Nghé để chận đường lui quân. Hai bên giáp công, Sâm địch không nổi phải bỏ chạy. Quân Ánh ca khúc khải hoàn vào Sài gòn ngày Đinh dậu tháng 8 Mậu thân (7-9-1788.) (Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử Nội chiến ở Việt nam từ 1771 đến 1802, Nhà xb. Văn Sử Học, 1973, trang 194)

Một nhà văn Miền Nam, cụ Vương Hồng Sển cho biết: “Sông Thị Nghè giáp với rạch Bến Nghé. Chỗ giáp nước là một cái thoi loi gie ra ngoài sông, phong cảnh rất đẹp, gió mát từ Ô Cấp thổi vào tư mùa. Người Pháp dựng tại đây một cột cờ tên gọi “cờ Thủ Ngữ” (mât des signaux). Sau đây vì có quán rượu trứ danh chiêu mộ anh hùng mặc khách rất đông nên bợm rượu bèn đặt tên rất khôi hài là “Mũi đất bọn tán dóc” (Pointe des Blagueurs). (Truy ra dưới thời Nam triều, chỗ này gọi là “trạm Gia Tân”:
Gia Tân nền tạm thuở xưa,
Ngày nay có dựng cột cờ gần bên”.
(Vương Hồng Sển, Sài Gòn Năm Xưa, trang 102).

Nói chung Thị Nghè không chỉ là con rạch, con sông mà còn chỉ một vùng đất rộng nằm về phía đông của thành Sài Gòn cũng gọi là Quy Thành hay Bát Giác Thành do Olivier de Puymanuel theo lệnh của Nguyễn Ánh xây ngày 4 tháng 2 năm Canh tuất (1790) tại chỗ gò cao thôn Tân-khai thuộc huyện Bình Dương (Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí, bản dịch Tu-Trai Nguyễn Tạo, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa xuất bản, 1972, tập hạ, trang 74).
Vùng đất này là nơi định cư của người Việt, người Cao Miên, người Tàu trong nhiều thế kỷ trước đây thuộc nhiều tôn giáo trong đó có người giáo dân Công Giáo Việt Nam từ miền Trung tiến vào để tránh các cuộc bắt đạo của vua chúa Triều Nguyễn, tìm đất đai xây dựng lại sống gần bốn thế kỷ nay.

Xét theo quan điểm chiến lược ngày xưa, vị trí Sài Gòn có được thế hiểm yếu, kiên cố. Học giả Vương Hồng Sển trong Sài Gòn Năm Xưa, có viết: “Nhờ đó ở trên gò trên nổng, cao hơn mặt biển trên mười thước có hơn, Sài Gòn thêm có sẵn hai hào thiên nhiên che chở là sông Thị Nghè và sông Bến Nghé. Tuy vậy năm 1859, rạch Thị Nghè không đủ sức ngăn tàu sắt của Đề đốc Rigault de Genouilly và đã để cho tàu Pháp xáp cận thành…; nhưng bình nhựt nếu có phòng bị thả chông, nhận chìm xác ghe xác thuyền chở đá chẹn ở lòng sông cho thật nhiều, thì đủ ngăn sức giặc đường thủy một thời gian.” (trang 70).
Chỉ một danh xưng Thị Nghè hay Bình Trị mà cũng đã đủ sức lôi kéo nhiều sự kiện có liên quan đến sinh hoạt quân sự, chính trị, kinh tế trong bốn trăm năm về trước của cha ông chúng ta, thí dụ chúa Nguyễn Ánh đã cho lập cơ sở đào tạo thủy quân ở vàm sông Bình Trị tức rạch Thị Nghè, phía bắc Quy Thành, chuyên lo đóng tàu, trại xưởng kéo dài đến ba dặm. Rồi nữa đến các chiến lũy và đây là công trình của Nguyễn Cửu Đàm, anh của bà Thị Nghè. Cả bốn chiến lũy có tên lũy Trảo Trảo (xây năm 1790 ở huyện Bình An, lũy Sông Ký (tổng Long Thành, 1777), lũy Bình Lý (tổng Bình Dương,) lũy Bán Bích do Điều Khiển Nguyễn Cửu Đàm cho xây. Lũy đắp từ chùa Cây Mai vòng qua đồng Tập Trận tới kênh Nhiêu Lộc, theo đường sông xuống rạch Thị Nghè và chấm dứt ở cầu Cao Miên (cầu Bông) (Lược Sử 300 Năm Sài Gòn, trang 30).
Kế hoạch thoát nước cho vùng cư dân mới sài Gòn cũng được viện dẫn đến con rạch và vùng đất mang tên Thị Nghè. Cũng tư liệu vừa dẫn ở trên cho biết: “Bấy giờ trong thành phố còn nhiều kinh rạch và ao tù, ảnh hưởng xấu tới môi trường. Do đó, năm 1867, Thiếu tá kỹ sư Bovet, với tư cách là hội viên hội đồng thành phố, đề xuất kế hoạch đào ba con đường thoát lưu để tống nước ra song. Đó là kinh Gallimard đào từ giữa thành phố, song song với đường Isabelle II (Lê Thánh Tông) để nước chảy ra rạch Thị Nghè, kinh Lớn (Grand Canal) nối sông Sài Gòn với kinh Gallimard, kinh Arroyo phía cuối đường Pellerin, nối một đầu với kinh Gallimard và đầu kia ra rạch Bến Nghé. Hai mươi năm sau, vì nhà cửa, dân số tăng nhanh, các con kinh này trở nên vô dụng, chẳng những không thoát được nước, mà còn làm mất vệ sinh, mùi hôi thối không chịu được vào mùa nắng khi triều xuống, chúng đều lần lượt bị lấp bằng và biến thành đường.” (Lược sử 300 Năm Sài Gòn, trang 90).

Nói chung vùng Thị Nghè là một chiến trường khốc liệt từng chứng kiến cuộc đọ sức của nhiều thế lực quân sự giữa người Việt với người Cao Miên, giữa Nguyễn Ánh với quân Tây Sơn, giữa quân Pháp xâm lược và người Việt Nam kiên cường bất khuất và nay nữa ít nhiều đang còn diễn ra trận chiến giữa công lý và cường quyền thể hiện qua việc giáo xứ Thị Nghè bị chiếm đoạt đất đai tài sản.
Thêm nữa, vùng đất lịch sử Thị Nghè thuộc tỉnh Gia Định lại cũng là nơi trú chân hoặc nương náu của các vị Thừa sai Công Giáo suốt hơn bốn trăm năm qua với những cơ sở tinh thần cũng như vật chất còn tồn tại cho đến ngày nay.    

2. Dấu tích đạo Công Giáo trên vùng đất Thị Nghè
Một đại thần của Nguyễn Ánh, người Minh Hương, Trịnh Hoài Đức (1765-1825) đã ghi lại trong tác phẩm nổi tiếng của ông, cũng không quên tình cảnh người Công Giáo bị cấm đạo như sau: “Mùa thu năm Kỷ-mão (1699) tra bắt đạo Hòa-lang (tức đạo Thiên Chúa ở Tây-dương) phàm những người thuộc về dân nước ta thì bắt bỏ đạo trở lại như người thường, đốt những sách đạo và lấy những chỗ nhà tu đạo làm nhà thường dân ở, còn người Tây-dương thì đuổi về nước của họ. (Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí, tập trung, trang 12).

Theo cuốn Niên giám 2016 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, “Từ giữa thế kỷ XVII, đã có những giáo dân sống tại vùng đất Giáo phận Sài Gòn. Khi chúa Nguyễn cấm đạo, một số tín hữu di tản vào Nam để làm ăn sinh sống, họ hợp thành những cộng đoàn tín hữu đầu tiên, tập trung tại Chợ Quán, Gia Định, Lái Thiêu… Ngày 9/9/1659, ĐGH Alexandre VII thiết lập hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong. Trải dài 185 năm trước ngày thành lập Giáo phận Tây Đàng Trong, giáo dân tại đây được sự hướng dẫn của 10 Giám mục Đại diện Tông tòa, cùng với 8 giám mục phó. Năm 1698, khi chúa Nguyễn cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Sài Gòn, có thêm nhiều tín hữu di cư vào Nam. Năm 1722, thừa sai José Garcia dòng Phanxicô đã lập thêm nhiều họ đạo mới từ Sài Gòn đến Lái Thiêu, Mỹ Tho và Hà Tiên… Đức cha Guillaume Piguel nhiều lần lui tới các vùng Chợ Quán và Đồng Nai để ban bí tích Thêm Sức. Trên địa bàn sau này là Giáo phận Tây Đàng Trong, năm 1747, tổng số giáo dân mới khoảng 5.500 người. Đến cuối thế kỷ, số tín hữu đã là 87.297 sinh sống trong 1.024 giáo điểm. Những cơ sở tôn giáo được thiết lập thời Giáo phận Đàng Trong còn tồn tại đến nay là họ đạo Chợ Quán (1720), họ đạo Chí Hòa (1771), Thị Nghè (1790), dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum (1800), dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (1840) (Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Niên Giám 2016, Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2017, trang 818-819.)

Trong cuốn Lược Sử 300 Năm Sài Gòn Thành Phố Hồ Chí Minh (1698-1998), Trung Tâm Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn TP HCM dựa theo sách Sài Gòn Năm Xưa của Vương Hồng Sển tham chiếu từ các tài liệu trong sách Indochine Moderne của hai ông Testeron và Percheron cho chúng ta những con số cụ thể như sau: “Số người theo đạo Thiên Chúa tại Sài Gòn và vùng phụ cận gồm xóm Thị Nghè, xóm Chợ Quán, và Xóm Chiếu, tính vào ngày Sài Gòn bị binh Pháp chiếm (11-2-1859) có 27.000 tín đồ. Lúc đó chưa có giáo khu Sài Gòn biệt lập. Trong số 27.000 tín đồ này có 5.000 tín đồ từ Đà Nẵng theo tàu chiến của Pháp đổ bộ lên vùng Khánh Hội và lập thành làng Tam Hội thuộc họ xóm Chiếu.”
Có một vài điểm cần nói rõ do đoạn văn ở trên gợi ý. Về thời điểm binh lính Pháp dưới quyền điều động của Đề đốc Rigault de Genouilly tấn công thành Sài Gòn là ngày 16 và 17 tháng 2 năm 1859 chứ không phải 11-2-1859.
Về việc “5.000 tín đồ từ Đà Nẵng theo tàu chiến Pháp đổ bộ lên vùng Khánh Hội và lập thành làng Tam Hội thuộc họ Xóm Chiếu”  dính líu tới công cuộc Nam tiến nói chung mà có sử liệu cho rằng đó là do Đức Giám Mục Lefèbvre tên Việt là Ngãi, Giám Mục Giáo Phận Tây Đàng Trong thực hiện.

Viết về một số các gia đình trong cuộc Nam tiến, Tiến Sĩ Li Tana có những lưu ý khá đặc biệt như sau:
“Không có mấy gia đình đã thẳng từ phía bắc đi sâu xuống phía nam. Trường hợp điển hình của cuộc di dân có lẽ là gia đình của Đoàn Hữu Trưng (người cầm đầu cuộc nổi dậy năm 1866) thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Theo gia phả của dòng họ này thì tổ tiên của họ hồi đầu vào thời nhà Lê đã từ Thanh Hóa hay Nghệ An đi xuống phía nam. Thoạt tiên, họ tới Quảng Bình và thành lập một làng có tên là Chuồn và dừng lại ở đây một “thời gian dài”. Đoạn họ đi tiếp xuống phía nam tới Thừa Thiên. Ngôi làng họ lập nên ở đây có tên là Chuồn Ngọn và làng Chuồn ở Quảng Bình được đặt tên lại là Chuồn gốc. (Danh nhân Bình trị Thiên, quyển 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1986, trg. 128-129). (Li Tana, The Inner Region: A Social and Economic History of Nguyen Vietnam in seventeeth and eighteenth centuries, bản dịch của Nguyễn Nghị có tựa đề Xứ Đàng Trong, Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17 và 18, Nxb. Trẻ, 1999, trang 33).

Có nhiều lý do khiến dân chúng Việt Nam thuộc đủ mọi thành phần có mặt trong các cuộc Nam tiến như Li Tana phân tích dưới đây:
“Miền nam luôn là mảnh đất của những giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn, là một ngõ thoát đối với người Việt thời bấy giờ. Qua việc so sánh Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên và Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện Sơ Tập, chúng ta có thể thấy rằng các thành phần nòng cốt của chính quyền chúa Nguyễn phần lớn xuất thân từ Thanh Hóa, trái lại, các thành phần nòng cốt của chính quyền Gia Long lại là những người thuộc các gia đình đi từ miền Trung xuống phía nam. Ngay cả hoàng tộc Lê, một gia đình có lẽ không đuổi theo giấc mộng nói trên, cũng đã tham dự vào cuộc Nam tiến này mà không hay. Vào năm 1833, sau cuộc nổi dậy của Lê Duy Lương, Minh Mạng truyền đưa họ từ Thanh Hóa tới Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, tới sống tại một nơi lưu đày hiu quạnh, ở đó họ còn bị cấm không được liên lạc với nhau. Nhà ngữ học Việt Nam Lê Ngọc Trụ, chẳng hạn, thuộc dòng họ đã bị chỉ định nơi cư trú này.” (Li Tana, Sách đã dẫn, trang 34).

Một nhà Việt Nam học nổi tiếng, Linh Mục Léopold-Michel Cadière (1869-1955) giáo dân Việt Nam thường gọi là Cố Cả, đã viết về người dân Quảng Bình mà tổ tiên họ vốn là những người nghe lời kêu gọi của Nguyễn Hữu Cảnh trong cuộc Nam tiến năm 1698, như sau: “Tôi ở Quảng Bình hơn bảy năm, đã đi khắp tỉnh này nhiều lần từ nam chí bắc, tôi đã nghiên cứu lịch sử nơi này. Tôi thương mến người dân nơi đây vốn có những phong tục phần nào thô phác như tiếng nói của họ. Chắc chắn mọi người sẽ tha thứ cho tôi khi tôi đã chỉ ra các vùng đất rất ích lợi cho tôi về phương diện sử học.” (Les lieux historiques du Quang-Binh, BEFEO, No 3, 1903, trang 204-205).

Về cá tính của những người dân Ngũ Quảng đã có mặt khắp nơi trong miền Lục Tỉnh (dĩ nhiên kể cả vùng đất Thị Nghè mà con cháu của họ hiện đang có mặt nơi đây), sử gia Trần Văn Giàu đã viết những dòng lột tả được bản sắc của họ như sau: “Quá nhiều rừng rú bưng biền, đường bộ ít, sông ngòi chằng chịt, người bất tuân luật pháp triều đình dễ đi lại ẩn náu ngay sát nách thành Gia Định, đừng nói đâu xa. Vả chăng, ông bà người dân lục tỉnh đã vào sinh sống ở đây, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” trước khi chúa Nguyễn đưa quan quân vào đặt bộ máy cai trị, còn cha anh họ thì đã từng ủng hộ vua Tây Sơn Nguyễn Huệ bốn lần vào Nam đánh chúa Nguyễn đến không còn manh giáp. Họ tiếp nối tinh thần của cha ông thì có lạ gì? Làng ấp của họ không tập trung như ở Trung, Bắc mà rải dài theo sông rạch, mỗi nhà là một vuông tre, sự ràng buộc giữa dân với quan, cả giữa dân với dân, cũng đều không chặt chẽ. Họ nguyên là con em hoặc chính họ là dân “tứ chiếng” từ những tỉnh, phủ, xã khác nhau, chủ yếu từ những vùng đã nổi tiếng hay cãi, hay co, vũ dũng có thừa, mạnh ai nấy vượt biển băng ngàn đến tập họp trên đồng bằng cực kỳ trù phú này, đem theo mình nhiều chất phiêu lưu mạo hiểm tự do mà ít chất thuần phục quyền uy phong kiến, càng ít sự ràng buộc lễ giáo đạo đức Khổng Mạnh; nhưng giữa họ với nhau, tình huynh đệ giang hồ nghĩa hiệp là một thực tế lắm khi cao cả, chớ có khinh thường. Người dân đồng bằng sông Cửu Long - Đồng Nai vốn chân thật, trung tín, cởi mở, bộc trực, tình cảm (lắm khi có tính chất nguyên thủy), xử sự với người ngay một cách không suy tính thiệt hơn. Họ cũng đòi hỏi kẻ khác phải như vậy đối với họ.” (Trần văn Giàu, Xưa & Nay, 10/97, Nam Bộ Xưa & Nay, Nhà xb TP. Hồ Chí Minh - Tạp chí Xưa & Nay, trang 160).
Câu nói được sử gia Trần Văn Giàu nhắc đến trong bài viết của ông nói lên cách thức người dân Nam Bộ làm ăn trên vùng đất mới đó là : “Nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền” chẳng những tổng kết sự làm ăn, mà còn chỉ lối thoát cho nông dân: không ruộng thì làm vườn, thiếu vườn thì đào đìa nuôi cá; làm vườn hơn làm ruộng, đào đìa nuôi cá hơn làm vườn, bề nào cũng có cách sống được. Những người tự mình đem cha mẹ vợ con vào sinh cơ lập nghiệp thì trở thành trung nông với năm mười mẫu, ba bảy con trâu là thường sự.” (Tài liệu đã dẫn, trang 160).

Trong tác phẩm Giám Mục Người Nước Ngoài Qua Chặng Đường 1659-1975 Với Các Giáo Phận Việt Nam, của Lê Ngọc Bích (chủ biên), Lê Đình Bảng và Lê Thiện Sĩ, người ta đọc thấy những dòng viết về các vị Thừa sai ngoại quốc như sau: “Mỗi khi đi qua các vùng, miền đạo, bước chân ta chạm vào từng di sản như còn ấm hơi thở, máu thịt của các ngài. Công trình gieo vãi hạt giống Tin Mừng vẫn không ngừng đơm hoa kết trái: trong nề nếp nghi thức, lễ lạy, kinh nguyện của phụng tự; trong hồn xác của lời lẽ có dung chứa gợi mở của ngôn ngữ văn tự; trong quy hoạch, bài trí của kiến trúc, sinh hoạt; trong hiện vật, chuyện kể, trong nghề nghiệp, thời vụ mùa màng; và cả trong vòng đời sinh ký tử quy “Hic jacet. R.I.P”; từ Kẻ Chợ (Thăng Long), Kẻ Sặt, Châu Lào, Trà Lũ, Kiên Lao, Kẻ Nê, Cửa Bạng, Thần Phù, Kẻ Vân, Cửa Nam, Xứ Xoài, Xã Đoài (Đàng Ngoài) đến Phú Xuân, Phường Đúc, Dương Sơn, Gò Thị, Phú Yên, Trạm Gò, Đồng Dài, Hải Phố, Phan Rí, La Gi, Gia Định, Cần Giờ, Tân Triều, Cái Mơn, Cái Nhum, Ba Giồng, Lái Thiêu, Di Linh, Đầu Nước, Hà Tiên (Đàng Trong)…
Ơi, miền đất mở trong vùng tâm bão
Di sản đức tin – văn hóa – con người
Mỗi bậc tầng đều ngồn ngộn sinh sôi
Mỗi bước chân như chạm vào tâm thức.

Thì ra, các ngài đã lìa bỏ tất cả những gì ràng buộc thân yêu nhất của mình – quê hương, gia đình, phong tục, văn hóa, ngôn ngữ - để học ăn, học nói, học gói, học mở, để đồng sinh đồng tử với người tín hữu Việt Nam.” (Nhà xb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, trang 22).
Vùng đất Thị Nghè là nơi bước chân các vị Thừa sai như Giám Mục Bá Đa Lộc (Pigneaux de Béhaine), Giám Mục Lefèbvre, Giám Mục Taberd, Giám Mục Cassaigne… và biết bao vị Thừa sai khác đã đặt chân tới, đã sống và đã chết tại đây. Các ngài đã để lại biết bao công trình về tôn giáo, xã hội, văn hóa, lịch sử, hy sinh cho người giáo dân Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Đạo Công giáo được phát triển bành trướng ở đâu thì cơ sở thánh đường, trường học, nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà dục anh được xây dựng nơi đó. Tác giả Nguyên Hương Nguyễn Cúc cho biết: “Bên kia rạch Thị Nghè, gần nhà Dưỡng Lão ngày trước có nghĩa địa thuộc họ đạo Thị Nghè, gọi là Đất Thánh. Đất ‘thánh vì đây là nghĩa địa của người Công Giáo. Gia Định có đất thánh “ta”, Sài gòn có đất thánh Tây (nghĩa địa đô thành sau này) tĩnh từ “Tây” do dân chúng đặt thêm. Sàigòn thuộc địa Tây Ta phân biệt rõ ràng!” (Nguyên Hương Nguyễn Cúc, Saigon 300 Năm Cũ, Tiếng Sông Hương xb., 1999, trang 210).
“Vì sự vinh quang cao cả của Thiên Chúa” (Ad majorem gloriam Dei), đó là câu trích trong linh đạo của đấng sáng lập Dòng Tên, Thánh I-nha-xi-ô Loyola cũng đã được nhiều vị Thừa sai áp dụng cho đường lối làm việc của mình. Sau đây xin đọc tiếp những lời tường thuật về một tấm gương thừa sai sáng chói tinh thần hy sinh cao cả của một vị Giám Mục thuộc giáo phận Tây Đàng Trong ở đó có giáo xứ Thị Nghè vốn là một trong những địa điểm thường trú của ngài:
“Một tội nhân mang án tử hình của triều đình Huế, một giáo sĩ trọn đời với lý tưởng rao giảng tin lành đến mọi người, mọi dân tộc: Giám mục Dominique Lefèbvre.
Bị biệt giam tại lao Trấn phủ Huế chờ ngày lãnh án tử hình may nhờ đô đốc Cécille, chỉ huy hạm đội Pháp tại Biển Trung Hoa, kịp thời can thiệp. Mùa hè năm 1845 giám mục Lefèbvre được vua Thiệu Trị trả tự do, cho người dẫn độ về Tân Gia Ba.
Gần một năm sau, ngày 23-5-1846 cũng lại vị giáo sĩ ấy từ Tân Gia Ba bằng ghe buồm mong manh vượt biển trở lại Nam Kỳ. Vừa cặp bến Cần Giờ liền bị bắt giải ra Huế, lại bị kết án tử hình. May mắn hơn, lần này được lệnh ân xá và áp tải trở về Tân Gia Ba tháng 2 năm 1847; lại trở qua Gia Định lần nữa, vào giữa năm 1847. Định mệnh an bài linh mục D. Lefèbvre với giáo hữu Sài gòn. Trong cơn bắt đạo nguy khốn nhất vào thời điểm khó khăn nhất của giáo hội Đàng Trong, người tử tù trước đây là Dominique Lefèbvre theo lệnh bề trên nhận lãnh trách nhiệm giám mục đại diện Tông Tòa địa phận Sài gòn (1852-1865) vừa tách khỏi địa phận Nam Đàng Trong.
Gọi địa phận cho đầy đủ nghi thức trang trọng một tổ chức trần thế như chúng ta quan niệm ngày nay, thực ra một cộng đồng giáo hữu mấy ngàn người phiêu bạt đó đây vì lệnh cấm đạo khắc nghiệt kéo dài triền miên. Khi trốn tránh ngược xuôi Khánh Hội, Thủ Thiêm, Thị Nghè, Chợ Quán, khi bồng bềnh bèo trôi nước lũ hết Thủ Thiêm đến Xóm Củi, Tân Triều qua Đất Đỏ… Không có thánh đường, nhà nguyện, nhà cha sở; 19 linh mục trong đó có ba linh mục thừa sai Pháp ẩn náu khắp nơi, hoàn cảnh sống chết còn bấp bênh nguy hiểm hơn giáo hữu nhiều bề. Tòa Giám Mục lưu động là một chiếc ghe nhỏ do một người giáo dân lèo lái cũng nổi trôi phiêu dạt nay đây mai đó. Thầy trò ẩn hiện ngày đêm bất thường tùy theo cường độ tăng giảm việc bắt đạo tại các địa phương.

Tình hình tạm lắng dịu năm 1861-1862, đoàn chiên lạc lõng tan tác khắp nơi nay gọi nhau về Khánh Hội – Tân Thuận. Không bao lâu sau, một số đông quay về Chợ Sỏi, vùng định cư mới do nhà nước tân trào chỉ định. Dưới bóng cây thánh giá che chở an lành, gia đình thôn xóm đoàn tụ với tiếng cầu kinh, tiếng chuông thánh đường sớm hôm vọng lại. Các họ đạo Thị Nghè, Chợ Quán, Cầu Kho, Xóm Chiếu rồi Tân Định, Chợ Đũi, Chợ Đệm, Cầu Ngang lần hồi mở mang thân hòa hội ngộ.” (Nguyên Hương Nguyễn Cúc, Sđd, trang 358).
Đức Cha Lefèbvre bắt kịp thời cơ khi việc cấm đạo lắng dịu lại đôi chút. Cuối năm 186o ngài cho đạt Tòa Giám mục tại ngôi nhà Tân Xá gần rạch Thị Nghè (trong Thảo Cầm viên ngày nay), lập chủng viện Thị Nghè năm 1861 sau chuyển qua Xóm Chiếu, xây cất nhà thờ Sài Gòn bằng gỗ, xây cất cơ sở nhà dòng Thánh Phaolồ, lập cô nhi viện Sainte Enfance ở Mỹ Tho, lập dòng kín Cát Minh tại Sài Gòn ngày 8-10-1861. Tâm hồn Ngài rất mực công chính, ghét những cảnh đồi bại do các đồng hương Pháp trong quân đội viễn chinh đồn trú ở Sài Gòn gây nên. Nhìn những cảnh sống xấu xa, sa đọa trong một vài giáo xứ, thí dụ Xóm Chiếu, Đức Cha than thở: “Roi đòn gươm giáo có thể nghiền nát thân thể nhưng làm cho tâm hồn mạnh mẽ và trong sạch, thời kỳ ấy đã nung đúc các thiếu nữ Việt Nam trở nên anh hùng tử đạo chứ đâu làm cho họ trở thành những gái điếm như lúc họ núp dưới bóng cờ tam tài của quân đội Pháp”. (Lê Ngọc Bích, Lê Đình Bảng, Lê Thiện Sĩ, Sách đã dẫn, trang 119).

Một trong những văn sĩ Công Giáo nổi tiếng, Tertullien (155-222) gốc người Phi châu, trong tác phẩm lừng danh “Hộ Giáo” (Apologeticus) “đã tố cáo thái độ bất công của nhiều chính quyền đối với đạo Công Giáo đã giải thích và bảo vệ các giáo lý và tập tục của người Công Giáo…Nhà văn này từng nói rằng ‘chúng tôi càng được nhân lên gấp bội mỗi lần một người trong chúng tôi bị đốn ngã. Máu của người Công Giáo là hạt giống luôn nẩy sinh người có đạo’ [semen est sanguis christianorum]” (Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Great Christian Thinkers from the early Church through the Middle Ages, Fortress Press, Minneapolis, 2011, trang 26).

Dưới ngòi bút của một sử gia Công Giáo hiện còn sống ở Sài Gòn, Linh mục Vinh sơn Bùi Đức Sinh O.P., M.A., cuộc đời của một vị thánh tử đạo thuộc giáo xứ Thị Nghè, Thánh Phaolô Lê Văn Lộc (1830-1859) Linh mục, được ghi lại như sau:
“Khi Pháp quân tiến đánh đất Sài Gòn, các quan lùng bắt các linh mục và giáo dân, tập trung tất cả trong thành. Số tập trung có linh mục trẻ tuổi tên Phaolô Lộc, người bị bắt ở Thị Nghè ngày 13.12.1858. Lê Văn Lộc sinh năm 1830 tại làng An Nhơn, tỉnh Gia Định, trong một gia đình đạo đức. Mồ côi cha mẹ từ năm 10 tuổi, cậu Lộc được cha sở nhận nuôi và cho theo học chủng viện Cái Nhum 2 năm. Năm 1843, Đức cha Lefèbvre Ngãi gởi cậu sang Pénang học thần học. Cậu được các giáo sư viết thư về Đức giám mục địa phận, khen là “người có tương lai đầy hứa hẹn”.
Trở về nước, thày Phaolô tận tụy giảng dạy giáo lý và phụ trách việc huấn luyện các chủng sinh. Ngày 7.2.1857, thày được Đức cha Ngãi truyền chức linh mục và bổ nhiệm làm giám đốc Tiểu chủng viện Thánh Giuse Thị Nghè. Ngoài việc chăm sóc, giảng dạy các chủng sinh, cha Lộc vẫn cố gắng thu xếp những giờ làm công tác mục vụ, bác ái. Trong tình thế khó khăn thời vua Tự Đức, nhiều quan chức ác cảm với đạo Chúa, cha Lộc vẫn hăng say làm việc, duy trì chủng viện. Những cuộc binh biến ở Cửa Hàn hồi giữa năm 1858, khiến cuộc bách hại lên cơn sốt, chủng viện Thị Nghè phải giải tán, cha con ngậm ngùi chia tay. Tuy nhiên, cha Lộc vẫn cố nán lại Sài Gòn nay đây mai đó, sống giữa các chủng sinh tản mác bơ vơ. Cuối năm 1858, cha Lộc đến tạm trú ở nhà một cựu chủng sinh (thày giáo Ngôn). Dẫu khó khăn nguy hiểm, cha tìm cách tiếp tế cho các chủng sinh bị lưu lạc. Việc đó đưa cha vào vòng lao lý: một phụ nữ ngoại giáo nhận diện cha, đi trình báo quan. Lính liền đến bao vây, lục xét và bắt được cha. Khi bị bắt, cha Lộc khéo léo đối đáp, nên các quan đối xử với cha cách tử tế, còn có ý định tha nếu cha chối đạo. Trước ngày Pháp quân chiếm Sài Gòn (18.2.1859), các quan cấp tốc tâu vua xin trảm quyết đạo trưởng Lê Văn Lộc. Ngày 13.2.1859, cha Phaolô Lê Văn Lộc bị điệu đến Tràng Thi (góc đường Hai Bà Trưng - Hồng Thập Tự sau này), và bị hành quyết tại đó. Phải chờ đến đêm, giáo hữu mới lén lút đưa thi hài vị tử đạo (còn bị trói ở cột) về mai táng ở Chợ Quán, sau được cải lên đưa về nữ tu viện dòng Thánh Phaolô Sài Gòn. Hiện nay hài cốt đấng tử đạo được tôn kính trong vương cung thánh đường Sài Gòn.” (Bùi Đức Sinh, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong Lịch sử Giáo hội Công Giáo, San Jose, California, USA, 2010, trang 266-268).

Lời kết
Trong sách I Vua của bộ Cựu Ước được kể như là một cuốn sách lịch sử có thuật lại câu chuyện “Vườn nho của ông Na-vốt”. Ông Na-vốt có một vườn nho ở cạnh vườn rau của vua A-kháp. Vua này nằng nặc đòi ông Na-Vốt nhượng lại vườn nho cho mình nhưng Na-vốt không chịu, ông trả lời vua: “Xin ĐỨC CHÚA đừng để tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho ngài.” Hoàng hậu I-de-ven, vợ vua A-kháp lập mưu chiếm cho được vườn nho bằng cách sai hai tên vô lại vu cáo Na-vốt tội nguyền rủa ĐỨC CHÚA và đức vua. Na-Vốt bị ném đá chết và vườn nho thuộc về nhà vua. ĐỨC CHÚA gửi ngôn sứ Ê-li-a đến gặp vua A-kháp và lên án: “Tại chính nơi chó đã liếm máu Na-vốt, thì chó cũng sẽ liếm máu ngươi.” ĐỨC CHÚA cũng tuyên án phạt I-de-ven rằng: “Chó sẽ ăn thịt I-de-ven trong cánh đồng Gít-rơ-en. Kẻ nào thuộc về A-kháp mà chết trong thành thì sẽ bị chó ăn thịt, người chết ngoài đồng sẽ bị chim trời rỉa thây.” Sách I Vua sau đó kể tiếp khi A-kháp chết “Họ đưa vua về Sa-ma-ri và chôn cất vua tại đó. Người ta xối nước rửa xe, cạnh hồ nước ở Sa-ma-ri; chó liếm máu vua và gái điếm tắm rửa và gái điếm tắm trong hồ ấy, đúng như lời ĐỨC CHÚA đã phán.” (Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước Và Tân Ước, Nhà xb. TP. HCM, 1999, trang 398-401). Cái chết của Hoàng hậu I-de-ven còn rùng rợn vì bà bị quăng từ trên lầu xuống đất, được đem chôn nhưng chỉ tìm thấy cái sọ, hai chân và hai bàn tay của bà. Họ về báo tin cho ông Giê-hu. Ông nói : “Đây là lời ĐỨC CHÚA đã dùng tôi trung Người là ông Ê-li-a, người Tít-be, mà phán: “Trong thửa đất Gít-rơ-en, chó sẽ ăn thịt I-de-ven. Xác I-de-ven sẽ ra như phân trên mặt đồng ruộng, trong thửa đất Gít-rơ-en, khiến người ta không thể nói được: Đó là I-de-ven!” ( Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Sách đã dẫn, trang 414).

Đối với việc Giáo xứ Thị Nghè bị cướp đất qua vụ hai cơ sở Trường Phước An, cũng như vườn nho Na-vốt là của tổ tiên ông nên ông không được nhượng lại cho nhà vua, nên nhà vua phải dùng bạo lực và quyền hạn mà cướp cho được. Kết quả là cái chết nhãn tiền của A-kháp và I-de-ven, vợ ông. Đất đai của Trường Phước An cũng là của tổ tiên những giáo dân Giáo xứ Thị Nghè đã đổ xương máu, mồ hôi nước mắt trong gần bốn trăm năm mới có, đó là  sở hữu của Nhà Chung, thử hỏi ai mà có quyền nhượng lại ? Những kẻ đang manh tâm muốn dùng bạo lực để cướp đất đai Giáo xứ Thị Nghè cùng các nơi khác, hãy học lấy bài học đó.

Philadelphia - August 18-2020
Nguyễn Đức Cung

 

 

Đăng ngày 08 tháng 09.2020