banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Bầu cử hay khủng hoảng dân chủ ở Mỹ?

Nguyễn Quang Duy

Đại Hội đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa đã kết thúc, cuộc đua giành chức Tổng thống chính thức bắt đầu và rõ ràng hai bên có hai cách tranh cử đối nghịch nhau.
Một bên coi ông Trump là độc tài, gia đình trị, không biết điều hành để nước Mỹ chìm trong “thời kỳ đen tối” và chỉ có ông Biden mới có thể “cứu nguy dân tộc”.
Phía bên kia cho rằng ông Biden 47 năm làm “tan hoang nước Mỹ” nay lại theo chủ nghĩa xã hội nên cần có ông Trump mới có thể làm cho “nước Mỹ hùng cường trở lại”.
Một nước Mỹ phân đôi như thế, kẻ bênh người chống, chẳng ai nghe ai, phải chăng nền dân chủ của Mỹ đang lâm vào khủng hoảng và nước Mỹ không còn là tấm gương cho thế giới tự do?

Ông Biden với chính sách “4 không”
Đại Hội đảng Dân chủ nổi bật nhất là có 3 cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Bill Clinton, Barack Obama và 2 cựu Đệ Nhất phu nhân Hillary Clinton và Michelle Obama đăng đàn phát biểu.
Các cựu Tổng Thống vì đã trải qua những khó khăn trong việc điều hành một nước Mỹ dân chủ, đa nguyên và đa sắc tộc nên thường rất cẩn thận với lời ăn tiếng nói, khác hẳn với lần này.
Nổi bật chính là các bà Kamala Harris, Nancy Pelosi, Hillary Clinton và Michelle Obama với những lời “đanh thép” công kích ông Trump.

Nhìn chung, 4 ngày Đại Hội rất ít nói về chính sách đảng Dân Chủ mà chỉ tập trung vào việc ca ngợi ông Biden và đả kích ông Trump.
Đảng Dân Chủ bày quân theo kiểu cờ tướng, quân tướng tới lui trong khung thành chật hẹp nhưng được sỹ, tượng, xe, pháo, mã và chốt tận tình bảo vệ.
Bởi thế ngay sau Đại Hội ba bà Kamala Harris, Nancy Pelosi và Hillary Clinton đã cho báo chí biết chính sách 4 không cho ông Biden là (1) không trả lời phỏng vấn; (2) không rời hầm trú ẩn; (3) không tranh luận với ông Trump; và (4) không chấp nhận thua cuộc.
Các cuộc thăm dò cử tri trước đây cho thấy ông Biden sẽ thắng cuộc nên chính sách 4 không có lẽ dựa trên thế cờ “bất chiến tự nhiên thành”.
Nhưng gió đã đổi chiều, ông Biden đã bắt đầu chiến dịch tranh cử, nhiều người mong đợi 3 cuộc “đấu võ mồm” sắp tới giữa ông và ông Trump.+

Ông Trump với bộ phim 4 tập…
Ông Trump đột nhiên xuất hiện ở Đại Hội đảng Cộng Hòa, khi các đại biểu reo hò “4 năm nữa, 4 năm nữa,…”, ông nói ngay “các bạn nên nói 12 năm nữa, 12 năm nữa, để bọn họ tức điên lên,…”, chọc tức đối phương là sở trường của ông Trump.
Bốn ngày Đại hội Đảng Cộng hòa gồm 4 tập với 4 chủ đề rõ ràng, ông Trump có bài phát biểu cả 4 ngày.
Ngày đầu tiên là “Vùng đất hứa” (Land of Promise), rồi “Vùng đất cơ hội” (Land of Opportunity), “Vùng đất của những anh hùng” (Land of Heroes), đến ngày cuối cùng là “Vùng đất vĩ đại” (Land of Greatness).

Ngày đầu tiên, Thượng Nghị sĩ Tim Scott một người Mỹ gốc nô lệ da đen cho biết: người Mỹ da đen có bầu cho đảng Cộng Hòa thì vẫn là người da đen, đừng nghe những gì Biden nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Biden đã làm cho cộng đồng người Mỹ da đen suốt 47 năm qua.
Nữ tướng của ông Trump cũng dữ dằn không kém, đặc biệt là bà Kimberly Guifoyle đã công kích tài lãnh đạo của ông chồng cũ Thống Đốc tiểu bang California Gavin Newsom và đảng Dân Chủ đã biến California này từ một nơi “đáng sống” thành một nơi “chán sống” dung túng tội phạm, đương nhiên ông Newsom từ chối trả lời phỏng vấn báo chí.

Bộ phim tuyệt vời hay toàn hào quang giả tạo tùy người xem, nhưng đa dạng, sống động và có nhiều người tham dự.
Nội dung bộ phim nói rõ ông Trump là người của quần chúng bình dân, nói là làm, mang lại công ăn việc làm, an ninh cho nước Mỹ và hòa bình, tự do cho thế giới.
Ông Trump y như ông vua trong ván cờ Tây bên cạnh có hoàng hậu, xe, mã, tượng và chốt có thể xông pha khắp nơi trên bàn cờ thậm chí sang cả thành địch.
Cờ Tây không có quân pháo nhưng tài pháo thì ông Trump “tuyệt vời”, ngay trong Đại Hội đảng Dân Chủ, ông tới tấp pháo đối thủ, báo chí lại bị ông thu hút mới chết.
Trên 1 ván cờ mà một phía chơi theo luật Đông một phía chơi theo luật Tây, nên quân đội đã phải chính thức tuyên bố không muốn làm “trọng tài” phân xử.

Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ
Gia đình ông Trump, kể cả bà Kimberly Guifoyle bạn gái của con trai trưởng ông Trump, đều xuất hiện trong bộ phim nên có người cho rằng đó là độc tài gia đình trị.
Nhưng phía ủng hộ lại cho rằng ông thành công trong việc “tề gia”, gia đình ông hiểu, ủng hộ và đang cùng ông tranh cử.
Đại Hội lần này ông Trump không bị đánh từ trong đảng Cộng Hòa đánh ra như lần Đại Hội 2016, nghĩa là ông đã “trị” được đảng Cộng Hòa, nhưng dư luận lại cho rằng đảng Cộng Hòa nay đã thành đảng Trump, sẽ bàn ở phần sau.
Vừa xong Đại Hội ông Trump đã bay từ tiểu bang này sang tiểu bang khác để vận động xin cho ông thắng cử để 4 năm tới tiếp tục “mệnh Trời”.

Các cuộc thăm dò cử tri sau Đại Hội cho thấy gió đang đổi chiều, ông Trump có nhiều cơ hội đắc cử nhiệm kỳ 2, cuộc tranh cử mỗi lúc một nóng hơn.

Phạm luật hay phạm lệ…
Nhiều chuyện trước nay chưa từng xảy ra như: (1) ông Ngoại trưởng Mike Pompeo từ thành phố Jesusralem có bài phát biểu; (2) Lễ tuyên thệ quốc tịch được Tổng thống Trump tổ chức trong Tòa Bạch Ốc; và (3) Đại Hội tổ chức tại Tòa Bạch Ốc.
Lời qua tiếng lại nhưng các việc trên có vi phạm vào luật pháp nước Mỹ, hay chỉ là những lệ bất thành văn do những người đi trước đặt ra?

Biểu tình phản đối…
Đêm thứ năm 27/8/2020, những người tham dự buổi đề cử ông Trump khi ra về đã phải nhờ đến cảnh sát bảo vệ vì bị những những người biểu tình bên ngoài Tòa Bạch Ốc tấn công.
Nhưng so với Đại Hội Đảng Dân chủ tổ chức tại Chicago ngày 26/8/1968 với hàng nghìn người biểu tình chống chiến tranh Việt Nam đã tràn vào Hội trường phản đối ứng cử viên tổng thống Hubert Humphrey, thì cuộc biểu tình tại Tòa Bạch Ốc không có gì là lạ.

Ông Luther King ‘Tôi có một giấc mơ’
Ngày 28/8/2020 hằng ngàn người xuống đường tuần hành tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn đánh dấu 57 năm ngày Mục sư Martin Luther King đọc bài diễn văn ‘Tôi có một giấc mơ’ mở đầu cho phong trào dân quyền.
Đã 57 năm trôi qua với bao đời Tổng thống thuộc đảng Dân Chủ và với 47 năm hoạt động chính trị ông Biden đã làm gì để giấc mơ đó trở thành hiện thực?
Nhiều cuộc biểu tình tại các tiểu bang thành trì của đảng Dân Chủ đã biến thành bạo loạn, đốt nhà, cướp của, giết người, gây rối trị an, phá hoại di tích lịch sử, đòi xóa bỏ văn hóa, đốt cờ… đến bây giờ ông Biden mới nhìn nhận “bạo loạn không phải là biểu tình” (rioting is not protesting) nhưng lại đổ cho ông Trump làm tình trạng tồi tệ hơn.

Luật pháp và trật tự đã trở thành đề tài được cử tri quan tâm vào bậc nhất, riêng người Mỹ da đen lên đến 81% muốn chính phủ giữ nguyên hay gia tăng lực lượng cảnh sát giữ gìn an ninh công cộng.

Tầng lớp lao động…
Ngay sau Đại Hội đảng Cộng Hòa, ngày 28/8/2020, ông Trump nhận được một bức thư từ 6 thị trưởng đảng Dân Chủ tại vùng Iron Range, tiểu bang Minnesota.
Họ cho biết vùng này là thành trì của đảng Dân chủ trong nhiều thập kỷ, nhưng tầng lớp lao động đã bị cả hai đảng bỏ rơi, hầm mỏ và nhà máy bị đóng cửa, công nhân mất việc, nhiều người đã phải tha hương cầu thực, nhưng nhờ có các chính sách của Tổng thống Trump nên khu vực đã bắt đầu hồi phục.
Đại diện cư dân vùng Iron Range, các Thị trưởng chứng thực Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence được tiếp tục ở lại Tòa Bạch Ốc thêm bốn năm.
Ông Trump đã thắng cử, và có thể sẽ tiếp tục thắng cử, là nhờ tầng lớp lao động bình dân ủng hộ và bầu cho ông.
Các khuynh hướng và các tầng lớp mà đảng Cộng Hòa đại diện nay đã khác hẳn, nên mới có người gọi là đảng Trump, và bởi thế mới có quá nhiều xáo trộn, thậm chí đảo ngược, trong cả hai cuộc bầu cử Tổng thống 2016 và 2020.

Tả hữu lung tung…
Báo chí truyền thông cánh tả đúng nghĩa phải có khuynh hướng xã hội đưa các thông tin phục vụ tầng lớp lao động, còn truyền thông cánh hữu theo khuynh hướng tự do.
Báo chí Mỹ ngày nay tả hữu lung tung, nhưng có thể thấy được phân thành cánh theo đảng Dân Chủ và cánh theo đảng Cộng Hòa.
Thông tin chủ yếu phục vụ độc giả thiên về một đảng, nên thật khó để nhận rõ được những gì đang xảy ra trên đất Mỹ, có hai nước Mỹ một của Cộng Hòa và một của Dân chủ.
Cả hai bên đều muốn “thống nhất” nước Mỹ làm một, do đó trên các diễn đàn thường xảy ra chuyện ông nói gà bà bảo vịt, một bên vỗ tay bên kia “xì”…

Giấc mơ thế giới tự do…
Trong Đại Hội đảng Cộng hòa luật sư nhân quyền mù người Trung Hoa đang sống lưu vong ở Mỹ Trần Quang Thành phát biểu như sau:
“Hoa Kỳ cần phải sử dụng các giá trị tự do, dân chủ và pháp quyền, đồng thời tập hợp các nền dân chủ trên thế giới cùng chung tay ngăn chặn sự thống trị của đảng Cộng sản Trung Hoa.”
Nhiều diễn giả khác đã công khai chỉ trích nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh, xem đảng Cộng sản Trung Hoa như một mối đe dọa cho nội tình nước Mỹ và cho thế giới tự do.
Ngược lại, đảng Dân Chủ vẫn chỉ xem Bắc Kinh là vấn đề bang giao và thương mãi quốc tế, bởi vậy trên các diễn đàn tiếng Việt mới xuất hiện bên chống bên theo Tổng thống Trump một cách “tích cực” chưa từng thấy.

Nền dân chủ sẽ tốt hơn…
Hệ thống chính trị của Mỹ rất vững chắc, có Thượng Viện và Hạ Viện để kiểm soát Tổng thống, dầu ai thắng cử thì quyền hạn của họ do người dân quyết định bầu cho ở hai viện và cứ mỗi hai năm cử tri Mỹ lại bầu lại hai viện một lần, cho phép tăng hay giảm quyền lực của Tổng thống.
Tranh cử là chuyện thường xuyên xảy ra tại Mỹ, nhưng khi người dân quan tâm đến chính trị họ không để các chính trị gia và các nhóm lợi ích thao túng quyền lực, họ tham gia bầu cử thực hiện quyền tự do chính trị.
Cử tri thầm lặng Mỹ hiện rất muốn sử dụng lá phiếu của mình để bầu chọn 1 vị tổng thống và 2 viện quốc hội, bởi thế chưa bao giờ nước Mỹ có dân chủ hơn kỳ bầu cử lần này.

Tổng thống Trump đã tạo ra một thế giới yêu, ghét và trung dung, nhưng hầu hết đều quan tâm đến chính trị Mỹ, quan tâm đến vai trò của nước Mỹ, quan tâm đến sự thất bại của toàn cầu hóa, của nỗi đe dọa do nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh gây ra, cuộc bầu cử Mỹ lần này là cuộc bầu cử quyết định hướng đi cho toàn thế giới.

3/9/2020
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi


Liệu ông Biden có thể

chấm dứt được “thời kỳ đen tối”?

Nguyễn Quang Duy

Đại Hội đảng Dân Chủ 2020 cho thấy tính đa dạng chính trị, văn hóa, chủng tộc và những khó khăn đảng Dân Chủ đang phải đối đầu, liệu liên danh Biden – Harris có thể vượt qua các khó khăn giành thắng lợi trong kỳ bầu cử sắp tới?

Từ chính sách xã hội…
Thời Tổng thống John Kenedy là thời kỳ vàng son của đảng Dân Chủ, ông đã đưa ra những chính sách xã hội chống lại nghèo khó và bất công, thu hút được đa số cử tri lao động.
Tổng thống Lyndon Johnson tiếp tục ban hành Đạo luật Quyền Dân sự 1964, chống kỳ thị chủng tộc, giới tính… và Đạo luật Quyền Bầu cử 1965, bảo vệ quyền bầu cử của người Mỹ da đen, nên hầu hết cử tri người Mỹ da đen đều bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ.

… Sang toàn cầu hóa…
Tổng thống Bill Clinton tự nhận đã được Tổng thống Kenedy truyền cảm hứng khiến ông gia nhập đảng Dân Chủ nhưng khi cầm quyền ông lại đi theo đường lối và chiến lược của Tổng thống Ronald Reagan, ông Clinton khai sinh Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ khiến hàng hóa từ Mễ Tây Cơ đổ vào nước Mỹ làm hằng triệu công nhân lâm vào cảnh thất nghiệp, đói nghèo.
Những người lao động đã trừng phạt ông Clinton nên ngay trong cuộc bầu cử giữa kỳ 1994, đảng Dân Chủ mất cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện.
Lần đầu tiên trong vòng 40 năm đảng Cộng Hòa kiểm soát được Hạ Viện và liên tục giữ cả hai viện trong sáu năm còn lại của Tổng Thống Clinton.
Đảng Cộng Hòa nắm cả lưỡng viện nên chi phối các chính sách kinh tế và xã hội, nhờ đó kinh tế tăng trưởng mạnh nhưng các chính sách xã hội cho người lao động bị giới hạn rất nhiều.

Năm 2000, Tổng thống Clinton tin rằng khi Bắc Kinh gia nhập WTO, Trung cộng sẽ tôn trọng luật chung nên đã chấp nhận Bắc Kinh tham gia vào Tổ chức Thương Mãi Thế Giới (WTO) và mở cửa cho hàng hóa Trung cộng đổ vào nước Mỹ.
Nhưng Bắc Kinh thay vì tôn trọng luật chung lại tìm cách phá bỏ nó, khiến nước Mỹ càng ngày càng lụn bại, người lao động ngày càng khốn khổ.

Đảng Dân Chủ mất cử tri lao động nhưng bù lại đã thu hút được thành phần cấp tiến theo tự do phóng khoáng, tự do thương mãi quốc tế và cổ vũ toàn cầu hóa.
Những người cấp tiến theo khuynh hướng toàn cầu hóa có học thức nên được giữ những vai trò quan trọng trong chính trị, giáo dục và truyền thông, dần dần họ chuyển đổi cả văn hóa và tư tưởng của người Mỹ.

Toàn cầu hóa tàn phá nước Mỹ về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị, đến văn hóa, giáo dục và với tư tưởng sống chung hòa bình không cần tăng cường quân sự.

… Chính trị bản sắc bắt đầu…
Toàn cầu hóa ảnh hưởng đến từng người, từng gia đình và toàn xã hội là nguyên nhân gây phân cực nước Mỹ, trong Đại Hội đảng Dân Chủ năm 2004, ông Barack Obama có bài diễn văn tố cáo sự phân cực chính trị.
Từ đó, báo chí và truyền thông Mỹ bắt đầu bàn luận về một Tổng thống da đen đầu tiên cho nước Mỹ, và nhờ tài ăn nói ông Obama đã thắng cử Tổng thống một cách dễ dàng.

Nhưng điều hành một nước Mỹ không phải là chuyện dễ, dư âm ông Obama để lại là Obamacare, 8 năm kinh tế trì trệ và một nước Mỹ phân hóa hơn.
Với Trung cộng, ông Obama quá ôn hòa đến độ nhu nhược bị giới chức Bắc Kinh xem thường, còn hàng hóa Trung cộng tràn ngập, kỹ nghệ Mỹ hầu như phá sản, chiến lược xoay trục về Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm mục đích “bao vây” một Trung cộng đang trỗi dậy, chỉ hoàn tất trên giấy tờ.
Nhiều người Việt ủng hộ Hiệp định TPP nhưng quên rằng người Mỹ lao động đã từ chối TPP ngay từ phút đầu soạn thảo.
Bầu cử giữa kỳ 2010 đảng Dân Chủ mất Hạ viện, đến bầu cử giữa kỳ 2014 mất luôn Thượng viện, đến khi bà Hillary Clinton ra tranh cử chính bà đã phải hứa nếu thắng cử Tổng thống bà sẽ chấm dứt tham gia Hiệp Định TPP.

Sau chiến thắng của ông Obama năm 2008, báo chí truyền thông Mỹ bắt đầu nói đến chuyện một Tổng thống thuộc phái nữ, chính trị bản sắc (identity politics) dựa vào mầu da, sắc tộc, giới tính và vóc dáng bề ngoài nhằm thu hút cử tri của đảng Dân Chủ đã thay cho việc tranh cử cổ điển thuyết phục cử tri bằng chính sách và chiến lược.

Trong lần tranh cử 2016, bà Clinton gần như không đưa ra một chính sách hay chiến lược nào, người bảo thủ và lao động sợ bà Clinton sẽ tiếp nối con đường của 2 ông Clinton và Obama tiếp tục đưa nước Mỹ vào con đường lụn bại nên đã bầu cho ông Trump.

Liên danh Trump - Pence…
Ông Trump là một nhà truyền thông xuất sắc, ông liên tục nêu quan điểm chính trị để thăm dò và sửa soạn dư luận.
Ông luôn nhắc nhở mọi người những việc ông đã và đang làm, ông tạo hứng thú để mọi người tiếp tục tìm hiểu, theo dõi và ủng hộ những việc ông sẽ làm.
Trong 4 năm qua ông đã hoàn thành một phần cuộc “chiến tranh tâm lý” đánh thức cả thế giới phải nhận thức lại vai trò của nước Mỹ, nhận thức lại toàn cầu hóa, nhận thức lại tự do thương mãi quốc tế, nhận thức được mối đe dọa của Bắc Kinh.
Ông Trump thường làm những việc mà các chính trị gia ít ngờ tới như vừa rồi ông ký sắc lệnh gia hạn hỗ trợ tài chánh cho hàng chục triệu người Mỹ bị mất việc do đại dịch.

Gắn bó với ông Trump là Phó Tổng Thống Mike Pence, một người bảo thủ, ngoan đạo, điềm đạm, nhiều kinh nghiệm và uy tín, một chính trị gia gương mẫu của đảng Cộng Hòa.

Ngày 23/8/2020, ông Trump đã công bố Chương trình hành động với 50 ưu tiên hành động cho nhiệm kỳ sắp tới dưới tiêu đề: “Chiến đấu vì bạn!”.
Ngày 24/8/2020, Đại hội Đảng Cộng hòa 2020 khai mạc gợi “giấc mơ Mỹ Quốc” tương lai sẽ tươi sáng hơn quá khứ nếu đảng Cộng Hòa được tiếp tục cử tri tin cậy.

Ứng cử viên Biden…
Ông Biden là chính trị gia với gần 50 năm kinh nghiệm chính trường, ông đã nhiều lần ra tranh cử, nhưng thật lạ lần này ông gần như tránh mặt không tiếp xúc với truyền thông báo chí, đánh mất nhiều cơ hội cổ vũ cho đường lối và chiến lược của đảng Dân Chủ.
Khi ông Biden tuyên bố ứng cử viên phó tổng thống phải là một phụ nữ da màu, mà phải là trẻ để ông có thể chuyển tiếp quyền lực, rõ ràng chính trị bản sắc đã thống lĩnh đảng Dân Chủ vì có đến 90% dân số nước Mỹ là đàn ông, phụ nữ da trắng và lớn tuổi bị loại khỏi vòng tuyển cử.

Nước Úc có Đạo luật Cơ Hội Bình Đẳng (Equal Opportunity Act) tuyên bố như ông Biden chỉ chọn phụ nữ, da màu và trẻ, là tuyên bố kỳ thị giới tính, kỳ thị tuổi tác và kỳ thị chủng tộc.

Bà Kamala Harris, người được chọn đứng cùng liên danh với ông Biden, cũng là người đã từng công khai chỉ trích ông Biden là người lợi dụng phụ nữ và kỳ thị chủng tộc.

Ứng cử viên Kamala Harris…
Bà Harris là người đã được Tổng thống Obama tạo cơ hội cho phát biểu trong Đại Hội đảng Dân Chủ 2012 và bà có rất nhiều gắn bó với ông Obama.
Bà ra tranh cử Tổng thống 2020 nhưng qua tranh luận bà không đưa ra được quan điểm rõ ràng nên số người ủng hộ ít dần và bà sớm bỏ cuộc.
Bà Harris có cha gốc Jamaica và mẹ gốc Ấn Độ, nhưng nguồn gốc sẽ giúp gì cho cuộc tranh cử: (1) phụ nữ và người Mỹ da đen sẽ chọn bà hay chọn chính sách của đảng Cộng Hòa hay không đi bầu; (2) trong tình trạng Ấn Trung đang chiến tranh, người Mỹ gốc Ấn sẽ chọn bà hay chọn ông Trump; và (3) khi bà ít nói đến nguồn gốc Jamaica của cha mình, cử tri gốc Nam Mỹ sẽ nghĩ gì về bà.

Cánh tả xã hội chủ nghĩa…
Trên Twitter, Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez cho phổ biến bài cô đã phát biểu trong Đại Hội với phụ đề bằng tiếng Tây Ban Nha.
Cô kêu gọi đảng Dân Chủ chấp nhận các giải pháp nhằm chăm sóc sức khỏe, giáo dục đại học, lương đủ sống và quyền lao động cho mọi người ở Mỹ và kết thúc bằng lời đề cử Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders làm ứng cử viên tổng thống đại diện đảng Dân Chủ.
Qua đó có thể thấy cô đã không đồng ý với việc đề cử ông Biden, cũng như nói rõ quan điểm muốn thắng cử đảng Dân Chủ cần có đường lối và chính sách rõ ràng.
Đây một dấu hiệu quan trọng nó có thể quyết định kết quả cuộc bầu cử vì cô thu hút được nhiều người trẻ và người gốc Nam Mỹ cánh tả.

Ai thắng ai?
Bầu cử Tổng Thống lần trước 2020, nhiều cử tri đảng Dân chủ không đi bầu là vì chính trị bản sắc không đủ sức hấp dẫn họ và họ không biết đảng Dân Chủ sẽ đưa nước Mỹ về đâu.
Đại Hội đảng Cộng Hòa 2020 cũng đã bắt đầu, việc tranh cử càng ngày càng trở nên ráo riết, mong rằng sẽ có nhiều thông tin hơn về đường lối và chiến lược của cả hai đảng trong những ngày sắp tới.
Đảng Dân Chủ lần này không lạc quan về một “làn sóng xanh”, một chiến thắng áp đảo như hai cuộc bầu cử 2016 và giữa kỳ 2018 vừa qua.

Nếu liên danh Biden – Harris thất cử thì rõ ràng cử tri Mỹ đã chán ngấy chính trị bản sắc (identity politics) dựa vào mầu da, sắc tộc, giới tính và vóc dáng bề ngoài.
Nếu thế, đảng Dân Chủ cần vượt qua “thời kỳ đen tối”, quay trở lại cách thức tranh cử cổ điển, thuyết phục cử tri bằng chính sách và chiến lược cụ thể rõ ràng.

25/8/2020
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi



 

 

Đăng ngày 05 tháng 09.2020