Độc quyền BOT

"sự cố" Cai Lậy & bất ổn thể chế

Nguyễn Quang Duy

Trên trang BBC Việt Ngữ tuần qua Phó giáo sư Tiến sỹ. Phạm Quý Thọ có bài viết nói về mặt nổi của tảng băng “bất ổn thể chế” trong tình hình kinh tế hiện nay.
Bài viết có nhắc đến 2 vấn đề đang được dư luận quan tâm: nợ công và BOT Cai Lậy, đáng tiếc bài chưa nối kết hai vấn đề nên chưa đưa ra được mặt chìm của tảng băng.

Nợ công và BOT
Theo PGS. TS. Phạm Quý Thọ nợ công cao và đang tăng nhanh: “…cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần chính phủ bảo lãnh trùng lấp, tổng số nợ (công) năm 2016 là $431 tỷ Mỹ Kim, lên đến 210% GDP.”
Con số $431 tỷ Mỹ Kim này chưa tính đến các khoản nợ BOT khổng lồ, lên đến 85-90% nguồn vốn đầu tư cho các dự án BOT không phải là vốn tự có của doanh nghiệp đầu tư mà là vay mượn từ ngân hàng.
BOT là những hợp đồng giữa nhà nước và nhà đầu tư. Vì thế trong trường hợp nhà nước vi phạm hợp đồng như đang xảy ra tại BOT Cai Lậy, nhà đầu tư có quyền giao BOT lại hay kiện nhà nước đòi bồi thường thiệt hại do thay đổi hợp đồng.
Trong trường hợp nhà đầu tư do quản lý kém, do ước tính sai lưu lượng xe cộ giao thông, do phải trả lãi xuất quá cao, … liên tục bị thua lỗ để có thể tiếp tục vận hành nhà nước cũng sẽ phải bảo hộ.
Trong trường hợp nhà đầu tư phá sản, nhà nước cũng phải can thiệp đứng ra điều hành BOT và gánh những khoản nợ khổng lồ mà nhà đầu tư còn thiếu ngân hàng.
BOT là tảng băng chìm của nợ công. BOT đang tạo sóng ngầm và BOT Cai Lậy là một thách thức lớn mà nhà cầm quyền cộng sản đang phải đương đầu.

Có phải BOT là một chủ trương đúng?
Điều PGS. TS. Phạm Quý Thọ cho rằng BOT là “một chủ trương đúng nhưng đã bị lạm dụng” cũng cần được xét lại.
Ở các quốc gia khác mục đích của BOT là nâng cao hiệu quả của các dự án phát triển hạ tầng giao thông. Nhà nước giao BOT cho tư nhân bỏ vốn xây dựng trước (build), vì trên thực tế tư nhân luôn phục vụ hiệu quả hơn nhà nước.
Sau khi xây dựng hạ tầng tư nhân thu phí khai thác điều hành một thời gian (operate) và sau cùng tư nhân chuyển giao (transfer) công trình lại cho nhà nước.
Việc nghiên cứu, lên kế hoạch, quyết định tiến hành các dự án BOT đều có sự tham gia đóng góp của cả chính phủ, tư nhân, truyền thông và xã hội dân sự. Mọi chi tiết dự án đều công bố một cách công khai và minh bạch. Mọi dự án đều được công khai đấu thầu. Mọi tiến trình đều được công luận giám sát chặt chẽ.
Như thế người bị thiệt hại đều được bồi thường thoả đáng và mọi người đều có quyền chọn lựa sử dụng dự án BOT hay sử dụng đường giao thông khác. Cuối cùng người sử dụng phương tiện là người trả phí. Họ chấp nhận trả cho đoạn đường giao thông mang lại nhiều tiện ích cho họ, cho gia đình và cho xã hội.
Chừng một năm về trước chính phủ Campuchia vui mừng loan báo đã chấm dứt thu phí BOT trên toàn đất nước Chùa Tháp.
Thành công của BOT tại Campuchia chứng minh cho thành quả của nền dân chủ đa đảng đang phát triển tại nước này.
Trong khi ấy tại Việt Nam BOT lại đầy rủi ro, bất trắc, thật ra là hệ quả của 1 thể chế độc đảng thiếu cạnh tranh lành mạnh mang mục đích khai thác thiếu đúng đắn.
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông Bộ Kế hoạch và Đầu tư thu phí BOT cũng là một dạng thu thuế.
Thông thường khi nhà nước làm đường thì thu thuế đưa vào ngân sách và thực hiện. Trong điều kiện ngân sách không đủ nhà nước giao cho doanh nghiệp làm tuyến đường và thu phí BOT.
Do đó chỉ trong vòng chục năm Việt Nam đã cho xây dựng 71 dự án BOT từ Bắc xuống Nam. Điều đáng quan tâm là mọi tiến trình từ ra quyết định, xây dựng, vận hành các dự án BOT đều không công khai, không minh bạch.
Vì thế lên đến 100% các dự án BOT về giao thông trên cả nước là chỉ định thầu, trong đó nhiều nhà thầu không đủ năng lực, vay vốn ngân hàng đến 90%. Họ thiếu kinh nghiệm thực tế trong việc xây dựng và vận hành BOT.
Nói cách khác BOT Việt Nam chỉ là một biến thái của hình thức quốc doanh được nhà nước ban độc quyền khai thác và được bao cấp khi thua lỗ.

BOT Cai Lậy phản kháng bất tuân dân sự
Chỉ trong một thập niên BOT thiết lập cùng khắp Việt Nam. Nhiều nơi thay vì mở ra đường mới nhà nước chỉ cho tráng nhựa lại đường cũ rồi đặt trạm thu phí. Vì thế các trạm BOT thường xuyên bị người dân phản kháng.
BOT Cai Lậy là một trường hợp cụ thể và mới nhất. Nhà nước cho lập đường tránh Cai Lậy và tráng một lớp nhựa trên Quốc Lộ 1A rồi cho đặt trạm thu phí ngay trên Quốc Lộ.
Đường tránh Cai Lậy vừa xong nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Báo Người Lao Động ghi nhận nhiều đoạn đường có dấu hiệu trồi, sụt do bị lún và nhiều ổ gà.
Phục vụ và an toàn giao thông đã kém, tất cả các xe cộ lưu thông qua Quốc Lộ 1A đều bị đóng phí.
Vì được độc quyền khai thác, nhà nước cho thu một khoản phí cao ngất trời cho mọi loại xe.
Vì thế ngay khi trạm thu phí mở cửa ngày 1-8-2017, BOT Cai Lậy đã gặp phản kháng liên tục, có tổ chức, được sự ủng hộ của dư luận, truyền thông, báo chí và của cả giới chức cầm quyền địa phương.
Sau 2 tuần lễ BOT Cai Lậy bị liên tục phản kháng, lưu thông ứ đọng, nhiều lần phải xả cửa và cuối cùng phải đóng cửa không rõ bao giờ mới mở lại.
Yêu cầu của người phản kháng là mang trạm phí vào đường tránh Cai Lậy. Cho đến nay nhà nước chỉ đồng ý giảm phí nhưng kéo dài thời gian thu.
Trong bài PGS. TS. Phạm Quý Thọ ngầm cho biết phản kháng BOT Cai Lậy cùng lúc với chiến dịch chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực lên đến cao điểm.
BOT lại là ổ của tham nhũng. Vì thế báo chí trong nước dường như được đảng Cộng sản cho phép nhanh chóng đưa hầu hết các thông tin về BOT.
Qua các thông tin chính thống dễ dàng cho chúng ta nhận ra một hình ảnh vỡ nợ đang bao trùm mạng lưới BOT. Và các khoản nợ BOT tiềm ẩn này sẽ là nỗi “bất ổn thể chế” trong những ngày sắp tới.
Cũng cần phải nói BOT chỉ là 1 trong 70 loại phí liên quan đến giao thông vận tải, các chi phí này là gánh nặng người dân phải trả cho nhà nước nó làm trì trệ sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.

Nợ công phản kháng bất tuân dân sự
Thực chất của nợ công là nợ người dân phải trả cho sự yếu kém tham nhũng của guồng máy chính trị.
$431 tỷ Mỹ Kim đồng nghĩa với người dân từ đứa bé mới sinh ra đến cụ già sắp mất mỗi người mang một khoản nợ ước chừng $ 4.300 Mỹ Kim.
Đó là khoản nợ chính thức. Còn các khoản nợ tiềm ẩn như nợ BOT, nợ nếu thua kiện ông Trịnh Vĩnh Bình… thì con số sẽ nhiều lần cao hơn.
Năm nay nhà cầm quyền cộng sản đã phải trả nợ lời ước tính lên đến $ 10 tỷ Mỹ Kim. Để có tiền trả nợ nhà cầm quyền sẽ phải tăng phí, tăng thuế nói chung là phải tăng bòn rút của người dân để trả cho các món nợ công.
Khi người dân nhận thức đang phải trả những khoản nợ ngập đầu vì sự yếu kém đầy tham nhũng của guồng máy độc quyền đảng trị thì phản kháng bất tuân dân sự sẽ liên tục nổ ra.
Khi nhà cầm quyền vỡ nợ là lúc nhà nước cộng sản cáo chung để thay bằng một nhà nước dân chủ, đa đảng, công khai và minh bạch.
Chỉ có như thế mới cứu vãn được tình trạng bế tắc của nền kinh tế Việt Nam.

Nguyễn Quang Duy


 

Nghĩ về...

Lục lâm thảo khấu ngày trước chỉ thu tiền mãi lộ chỗ đèo truông hiểm trở. Nay ra đường tám phương bốn hướng đều bị trấn lột sạch túi. Hoá ra lục lâm thảo khấu nay nở rộ như nấm sau mưa.
14/09/2017

Ông đại tá quan lớn giao thông trả lời Tuổi Trẻ về chuyện tổ chức của ông ăn tiền như cướp cạn dường như không thành thật. Ông bảo phải rút kinh nghiệm chuyện này, làm như mới nghe lần đầu trong khi cả thiên hạ đều thấy đến nỗi dân gian dùng thành ngữ "kiếm bánh mì" bày tỏ sự khinh miệt tận cùng.(nghe câu này ai cũng biết nói ai chẳng lẽ ông chưa nghe). Không biết bao nhiêu lần tôi nhìn thấy CSGT từ chỗ khuất, từ bóng đêm cầm cây matracque lao ta giữa dòng xe cộ để chặn ai đó khiến mọi người hết hồn đâm lạng quạng. Họ lao nhanh liều lĩnh không kém gì các anh hùng ôm bom ba càng lao vào chiến xa địch nghe nói có ngày trước.
08/09/2017

Sáng nay báo Tuổi Trẻ có bài phóng sự về chuyện CSGT làm tiền quanh phi trường TSN. Họ nói "làm tiền" cho nó nhẹ, thật sự là cả mấy băng cướp giao thông ngày đêm phân công tổ chức cướp công khai và thường xuyên quanh cái phi trường khốn khổ này. Lâu nay cũng thường nghe ông bạn xe ôm trong xóm nói chuyện bọn cướp này chuyên gài bẫy bắt chẹt các thứ xe vào sân bay nhưng không thể ngờ tới mức trắng trợn và bội thu khủng đến không thể tin nổi.
Thành phố bác cái quái gì mà tệ lậu quá cỡ, chính phủ "kiến tạo" ôi!!!
07/09/2017
N.A.K.

https://www.facebook.com/khiem.nguyenanh


VN thúc đẩy kinh doanh trong bất ổn thể chế

Phạm Quý Thọ - Học Viện Chính sách & Phát triển
26 tháng 8 2017

Ông Nguyễn Xuân Phúc (giữa)

Bản quyền hình ảnh AFP Image caption

Việt Nam đang phải tìm cách thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh bất ổn thể chế, theo tác giả, một nhà phân tích chính sách công từ Học viện Chính sách và Phát triển tại Hà Nội. Trong vòng chưa đầy hai năm, kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản tháng 1 năm 2016, người dân Việt Nam đã phải chứng kiến sự gia tăng của bất ổn thể chế.
Một mặt, đây là hiện tượng xảy ra do chiến dịch chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực lên đến cao điểm, hướng tới cải cách chính trị theo triết lý của đảng.
Mặt khác, nó bắt nguồn từ hậu quả nặng nề gây nên bởi sự yếu kém trong điều hành của chính phủ tiền nhiệm.
Khi mô hình tăng trưởng nóng theo chiều rộng bị gián đoạn, các điều kiện kinh tế và chính trị cũng đi xuống nhanh chóng.
Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc đang lựa chọn thúc đẩy kinh doanh với phương châm: 'Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ người dân và doanh nghiệp'.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm thế nào cải thiện tăng trưởng nhờ thúc đẩy tự do kinh doanh trở thành chính sách có hiệu quả khi rào cản lớn từ chậm cải cách thể chế, nguồn lực hạn hẹp và quan hệ quốc tế không thuận lợi?

Hậu quả của quản lý kinh tế yếu kém
Hệ thống tài chính - ngân hàng được coi mà huyết mạch của nền kinh tế.
Nợ xấu của nó trước kia được che giấu, nay được 'minh bạch' hơn về số liệu, lên đến 600.000 tỷ, chiếm 10% tổng dư nợ, khoảng 70% nằm trong bất động sản, được coi là 'cục máu đông' gây tắc nghẽn.
Hệ thống ngân hàng đang trong quá trình 'sắp xếp' và 12 đại án trong lĩnh vực này đang được Ban chỉ đạo chống tham nhũng trung ương thúc đẩy.
Vụ án ngân hàng Xây Dựng - Phạm Công Danh, ngân hàng Đại dương - Hà Văn Thắm đã và đang xét xử, mới đây Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch ngân hàng Sacombank cũng đã bị khởi tố, mở màn cho những điều tra liên quan tới Ngân hàng Nhà nước.
Dư luận đồn đoán danh sách không chỉ dừng ở 12 vụ án này.

Nợ công dâng cao
Nợ công cao và tăng nhanh là một chỉ báo bất ổn kinh tế. Số nợ báo cáo của chính phủ hiện thời sát mức trần 65% GDP được Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, theo tính toán của một số chuyên gia, chỉ tính riêng nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước năm 2016 khoảng 324 tỷ đô la, bằng 158% GDP.
Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là $431 tỷ, lên đến 210% GDP.
Các tập đoàn kinh tế nhà nước (DNNN) - từng được coi là 'quả đấm thép' đang sản xuất kinh doanh khó khăn, không ít trong số đó đã và đang trên bờ phá sản, trong đó danh sách 12 doanh nghiệp lớn, chủ yếu do bộ Công thương quản lý, được đưa vào nghị sự của Bộ Chính trị, giao cho một ủy viên, phó thủ tướng đặc trách giải quyết, song chưa có phương án khả thi, ngoài việc đưa ra lộ trình 'cổ phần hóa' các doanh nghiệp nhà nước nói chung đến năm 2020.
Trong tình thế khó khăn, nguồn thu ngân sách nhà nước từ khối DNNN đang sụt giảm mạnh, chỉ đạt 33,2% kế hoạch năm 2017, khoảng 95.000 tỷ đồng.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/7/2017 ước đạt 584.600 tỷ đồng, chỉ bằng 48.2% dự toán năm, thấp hơn mọi năm, làm lo ngại về hụt thu có thể lên tới 11%.
Chi thường xuyên lớn gấp 5 lần chi cho phát triển. Ngân sách eo hẹp làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển và cải cách thể chế.

BOT - ví dụ của sự yếu kém
Việt Nam: Nhiều dự án BOT "có vấn đề"
Quản lý kinh tế yếu kém trong hai nhiệm kỳ trước đang để lại những hậu quả nặng nề và tiếp tục có ảnh hưởng tiêu cực, lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội.
BOT là một minh chứng nổi bật. BOT - là từ viết tắt của tiếng Anh: Build-Operate-Transfer, có nghĩa: Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao.
Về bản chất là một chính sách đầu tư công, khi Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng trước (build), sau đó khai thác vận hành một thời gian (operate) và sau cùng là chuyển giao (transfer) lại cho nhà nước.
Trong tháng 8 năm nay, báo chí nhà nước đã 'bung ra' với chủ đề BOT, bắt đầu từ sự cố 'Cai Lậy'.
Các 'tài xế' thể hiện 'bất tuân dân sự', thu gom tiền lẻ, tiền xu để trả tiền vé khi qua trạm thu phí Cai Lạy tỉnh Tiền Giang nhằm phản đối việc đặt sai trạm thu phí và giá phí cao.
Hậu quả là tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, có thời điểm phải ngừng thu phí để giải tỏa. Nhờ báo chí mà chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn và thanh tra phải 'vào cuộc'.
Một chủ trương đúng nhưng đã bị lạm dụng. Kết luận của thanh tra Chính phủ cho thấy, 100% các dự án BOT về giao thông trên cả nước là chỉ định thầu, trong đó nhiều nhà thầu không đủ năng lực, vay vốn ngân hàng đến 90%.
Chỉ trong đợt kiểm toán đầu tiên 27 dự án BOT, đoàn giám sát của Quốc hội với Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu 22 dự án phải giảm thời gian thu phí tổng cộng lên đến… 100 năm. Chỉ riêng ở Tp. HCM, Thanh tra cũng đã phát hiện ra sai phạm ở 6 dự án BOT lên đến 2.200 tỷ đồng…
Các tít báo khả 'cởi mở' và đang thu hút được công luận rộng rãi: "Cai Lậy: BOT để ngỏ khả năng khởi kiện và thế lưỡng nan của Bộ Giao thông - Vận tải; Bộ đang bảo vệ lợi ích của ai trong bài toán BOT?; BOT - lợi ích nhóm; ''Ăn chặn' tiền dân!; 'BOT chứa rủi ro tham nhũng lớn nhất'; BOT và áp lực kiến tạo liêm chính…" với yêu cầu điều tra làm rõ, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Chống tham nhũng và 'nhốt quyền lực'
Chống tham nhũng, cải cách bộ máy và bàn giao thế hệ lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng là những vấn đề cải cách thể chế trọng tâm, được dư luận hết sức quan tâm.
Tham nhũng là hậu quả tất yếu của tình hình, và nguyên nhân của mọi nguyên nhân gắn với thể chế là tha hóa quyền lực.
Tham nhũng lớn và lan rộng là do quyền lực tha hóa nghiêm trọng. Đảng Cộng sản Việt Nam nhận ra thực trạng này và đang nỗ lực 'nhốt vào lồng thể chế', bắt đầu bằng chống tham nhũng.
'Chiến dịch này' được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động, bắt đầu từ Trịnh Xuân Thanh - nguyên phó chủ tịch tỉnh, người đã trốn ra nước ngoài vào tháng 4 năm 2016, được ví như 'con voi chui lọt lỗ kim', nay đã 'về nước đầu thú' vào cuối tháng 7 vừa qua.
Trong thời gian này, ngoài các Vụ án Ngân hàng nêu trên, các 'chiến hữu' cùng ông Thanh tại Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC), như Nguyễn Xuân Sơn, Vũ Đức Thuận… cũng bị bắt giam, kỷ luật nguyên Bí thư và Phó bí thư Hậu Giang, kỷ luật cách chức Bí thư Đảng đoàn và chức nguyên Bộ trưởng bộ Công thương của ông Vũ Huy Hoàng, kỷ luật các thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên phó Ban tổ chức Trung ương, cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh của ông Đinh La Thăng, miễm nhiệm chức thứ trưởng của bà Hồ Thị Kim Thoa…
Mọi vụ tham nhũng đều do chiếm đoạt tài sản công, mọi hành vi tham nhũng cuối cùng kết thúc bằng việc gia tăng tài sản bất minh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một đợt công tác lên các tỉnh miền núi phía Bắc đã cảm thán, rằng các biệt thự xa hoa của quan chức tỉnh tạo hình ảnh phản cảm khi dân còn khó khăn, thiếu đói.
Ngày 23/05/2017, Bộ Chính trị quyết định phổ biến quy định kiểm tra tài sản của 1.000 cán bộ cao cấp, kể cả ủy viên Bộ Chính trị.
Có thể thấy chiến dịch chống tham nhũng đã quyết định đi tới bước cuối cùng. Nhưng chính công tác cán bộ của đảng đang bộc lộ hạn chế, yếu kém.
...........................

http://www.bbc.com/vietnamese



 Cai Lậy căng thẳng...


 

Cầu xây ở Hải Phòng tốn trăm tỷ chưa đi đã lún

cau hai phong

Vết nứt dài tới 15 mét ở bề mặt hai đầu cầu. (Hình: Báo Người Lao Động)

HẢI PHÒNG, Việt Nam (NV) – Giải thích về hai vết nứt dài 15 mét trên mặt cầu vượt chuẩn bị khánh thành ở quận Hải An, thành phố Hải Phòng, thuộc dự án trị giá hơn 1,310 tỷ đồng (hơn $57.6 triệu), đơn vị thi công đổ lỗi do “mưa bão kết hợp với thủy triều!”
Cầu vượt chiều dài 252 mét, rộng 18.5 mét, có bốn làn xe, nằm tại ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm-Đình Vũ, quận Hải An, trên tuyến giao thông huyết mạch nối quốc lộ 5 với cảng biển Hải Phòng, được đầu tư xây dựng riêng hơn 300 tỷ đồng (khoảng $13.1 triệu), trong dự án trị giá hơn 1,310 tỷ đồng, thuộc dự án đầu tư nâng cấp đường 356 đoạn 2A, do Sở Giao Thông-Vận Tải thành phố Hải Phòng làm chủ đầu tư, khởi công ngày đầu Tháng Ba 2017, dự trù hoàn thành sau sáu tháng.

Theo báo Người Lao Động, trên cầu vượt đơn vị thi công đã hoàn thành xong các hạng mục: mặt cầu được trải thảm nhựa, kẻ làn phân đường… chỉ chờ ngày khánh thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trên mặt cầu lại xuất hiện hai vết nứt, mỗi vết nứt kéo dài khoảng 15 mét cùng một làn ở hai phía đầu cầu. Ông Lưu Quang Bôn, phó tổng giám đốc Tổng Công Ty Bạch Đằng, nhà thầu xây dựng giải thích: “Toàn bộ kết cấu chính của cầu này an tâm tuyệt đối. Còn hai vết nứt này là do trong quá trình hoàn thiện chờ bàn giao thì gặp ảnh hưởng của thời tiết mưa bão. Thủy triều, kết hợp với áp thấp nhiệt đới, mưa gió, hai bên cầu lại đào nền móng sâu thi công đường gom nên có thể gây ra rạn nứt trên mặt cầu, không ảnh hưởng gì cả”!!!
Trong khi đó, cùng ngày, ông Vũ Duy Tùng, giám đốc Sở Giao Thông-Vận Tải thành phố Hải Phòng, chủ đầu tư dự án cũng cho rằng, kiểm tra thực tế cho thấy, các vết nứt do lún sụt phần cốt nền; còn kết cấu chính của cầu chưa bị ảnh hưởng. “Để khắc phục, Sở Giao Thông-Vận Tải đã yêu cầu nhà thầu xử lý các vết nứt, đồng thời khảo sát lại địa chất cũng như kết cấu đường dẫn công trình, cả phần chính của cầu để bảo đảm khi đưa vào sử dụng, xe cộ lớn qua lại an toàn. Về phương án xử lý, nhà thầu phải chờ ý kiến của bên thiết kế,” ông Tùng nói. (Tr.N)
October 3, 2017

https://www.nguoi-viet.com

 

Đăng ngày 04 tháng 10.2017