banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Vì sao Quang Trung đánh trận Ngọc Hồi

chậm một ngày?

Lê Văn Lân

“…Trong kế hoạch điều quân Mãn Thanh Tôn Sĩ Nghị phòng thủ Thăng Long vừa chiếm được và dự định ngày mồng 6 Tết Kỷ Dậu sẽ bắt đầu tiến quân vào Quảng Nam (1) đánh tiêu diệt Tây Sơn Nguyễn Huệ, thì đại đồn Ngọc Hồi cũng đồng thời vừa là một căn cứ tiền tiêu, vừa là một bàn đạp xuất phát quan trọng nhất.
(1) Càn Long trong “Bài tựa” của  Bộ tranh “Bình định An Nam chiến đồ” nghi ngờ:
“Giả sử sau khi Tôn Sĩ Nghị thu phục Thăng Long, há lại có thể tức khắc đem quân tinh nhuệ vào đến Quảng Nam mà bắt Nguyễn Huệ hay sao?”.
Ngọc Hồi ở phía Nam, nằm ngay trên trục đường cái quan (Quốc lộ 1 ngày nay). Chủ tướng Mãn Thanh Tôn Sĩ Nghị tin chắc, và Quang Trung Nguyễn Huệ cũng biết rằng, một khi có giao tranh, thì Ngọc Hồi sẽ là chỗ đánh trận kịch liệt nhất.
Vì thế, ở Ngọc Hồi, trên một nền đất rộng lớ đến nay vẫn còn giữ được tên gọi là “Cánh Đồng Đồn” và “Cánh đồng Bứng” dàn ra hai bên đường cái quan, Tôn Sĩ Nghị đã cho đóng tới 3 vạn quân, cử chính phó tướng của mình là Đề đốc Hứa Thế Hanh chỉ huy, cùng với cả hai chức Tổng binh Quảng Tây là Thượng Duy Thăng, Tổng binh Quảng Đông là Trương Triều Long đến trấn giữ. Lại còn cho đóng đồn Văn Điển ở ngay phía sau để tiếp viện. Và một loạt đồn nữa, ở phía trước để che chắn (phòng thủ) theo chiều dọc: Vì vậy đang đà dồn dập tiến quân, bỗng dưng khựng lại, theo lời huênh hoang của họ Tôn: “Năm đã gần hết, việc gì phải vội vàng? Không cần đánh gấp! Giặc đang còn gầy, ta nên nuôi cho nó béo, để nó tự dẫn xác đến mà làm thịt!”.
Về phía Tây Sơn, thì như lời Quang Trung Nguyễn Huệ đã nói khi dẫn đại quân từ Phú Xuân, qua Nghệ An, Thanh Hóa, ra tới vùng đèo Tam Điệp ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15-1-1789): “Lần này ta ra thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã tính sẵn rồi. Chỉ trong vòng mươi ngày là đuổi được giặc Thanh!”.

Hướng tiến quân Tây Sơn diệt quân Thanh ở Ngọc Hồi - Đống Đa.

Theo “phương lược tiến đánh đã tính sẵn” ấy, quân Tây Sơn sẽ (đã) hành tiến tấn công theo đội hình “Bàn tay xòe”:
– Trung quân (ngón tay giữa) gồm bộ binh và tượng binh (100 thớt voi chiến) do chính Quang Trung chỉ huy, hành quân chiến đấu dọc con đường Cái quan, từ Tam Điệp thẳng tới Thăng Long, đánh vỗ mặt đạo Trung quân của địch.
– Cánh thủy quân thứ nhất (ngón đeo nhẫn) đi đường ven biển, do Đô đốc Tuyết chỉ huy, vào cửa sông Cái, đánh đạo Tả dực của quân Thanh đóng ở Hải Dương, không cho nó lên ứng cứu Trung quân.
– Cánh thủy quân thứ hai (ngón tay út), do Đô đốc Lộc chỉ huy, cũng theo đường biển, nhưng vòng xa lên mạn Lục Đầu, chẹn đường Trung quân giặc thua chạy về nước, ở Phượng Nhãn (Bắc Giang).

Đó là hai cánh quân Hữu dực của Tây Sơn. Còn đạo Tả dực thì cũng gồm hai cánh:
– Cánh kỵ binh và tượng binh (ngón tay trỏ) do Đô đốc Bảo chỉ huy, đi song song với đạo Trung quân nhưng chếch về phía Tây, theo đường đồi núi, đổ ra Đại Áng, phục binh ở phía tây Ngọc Hồi.
– Cánh Khinh binh tinh nhuệ (ngón tay cái) do Đô đốc Long chỉ huy, vòng xa hơn về mạn tây, theo con đường “Thượng đạo” (đường Hồ Chí Minh-Trường Sơn ngày nay) bất ngờ đến Khương Thượng, sát Đống Đa ở mạn tây nam Thăng Long, đánh vỗ quân Hữu dực của giặc ở đây, rồi nhanh chóng thọc dao vào sau lưng Trung quân (đại bản doanh) Tôn Sĩ Nghị.
Đúng đêm 30 Tết, triển khai thế trận, đạo trung quân Tây Sơn xuất phát từ Tam Điệp. Đánh quá nhanh, chỉ qua hai ngày mồng Một và mồng Hai Tết, tiến dọc chiều sâu chính diện 80 km, nhổ phăng các đồn tiền tiêu Gián Khẩu, Nguyệt Quyết…của địch.
Đến đêm mồng Ba Tết, đạo quân này đã tiến tới trước đồn Hà Hồi – cách Ngọc Hồi 6km, cách Thăng Long 20 km.
Chỉ chốc lát, và chỉ một cung đường ngắn ngủi nữa, đạo trung quân này đã hoàn toàn có thể tấn công Ngọc Hồi, chậm nhất là vào sáng sớm mồng Bốn Tết. Nhưng thực tế, đã không có trận đánh nào ở Ngọc Hồi trong cả ngày mồng Bốn Tết ấy. (2)

Vì sao như vậy?
Đã có nhiều cách giải thích từ trong lịch sử. Chẳng hạn như (và cả 3 vạn quân tướng giặc ở Ngọc Hồi cũng đã nghĩ thế) rằng vậy là để dứ đòn, khiến quân Thanh phải căng thẳng, mệt mỏi đối phó, trước khi trận đánh thực sự nổ ra.
Nhưng thật ra, đây chỉ là động thái chờ nhau giữa các cánh quân Tây Sơn, để phối hợp nhịp nhàng, hữu hiệu, trong một thế trận, với “phương lược tiến đánh đã tính sẵn rồi” như lời tuyên bố của Quang Trung từ trước đấy.
Bởi vì đạo trung quân do chính chủ soái Tây Sơn chỉ huy, vừa đi đường thẳng và phẳng, vừa đánh quá nhanh, cho nên phải chờ đạo Hữu dực đi đường thủy và vòng xa về phía đông. Nhất là phải chờ đạo tả dực cũng vừa phải vòng xa về mạn tây, lại vừa phải đi đường núi. Đặc biệt đối với việc đánh Ngọc Hồi, thì Quang Trung phải chờ cánh quân Đô đốc Bảo, giữ vai trò rất quan trọng là trực tiếp đến đích phối hợp tác chiến.
(2) Sử gia Lê Văn Lân đúc kết: Nhưng thực tế, đã “không có trận đánh nào ở Ngọc Hồi trong cả ngày mồng bốn Tết ấy”. Rồi ông tự hỏi: “Vì sao như vậy?”.

Câu trả lời cho ông ở phía nhà Thanh:
 Theo miêu tả của Trần Nguyên Nhiếp, một tướng lãnh cấp nhỏ [du kích đề tiêu] của nhà Thanh tham dự trực tiếp trận đánh này thi:
“…Ngày mồng 1 tháng Giêng năm Càn Long 54 [26-1-1789], quân giặc thừa lúc quân ta ăn Tết từ trong núi đột nhiên đổ ra khắp nơi, phất cờ la hét, tư thế cực kỳ hung mãnh. Quân ta vội vàng kết trận nghinh địch. Lại phái binh ra bốn ngả sắp xếp phòng ngự và tiếp ứng lẫn nhau.
Từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 4, liên tục chiến đấu suốt bốn ngày đêm. (3)
Nếu sử gia Lê Văn Lân không tin sử Tàu thì mụ sử tôi đành phải dựa vào sử Ta:
(3) Theo sử nước ta, ngày mồng 3 tháng Giêng năm Kỷ Dậu [28-1-1789], ngay từ tờ mờ sáng quân ta đã kéo đến (Hà Hồi), đốt sạch quân lương của địch. Vua Quang Trung đích thân chỉ huy, buộc khăn vàng vào cổ để tỏ cho quân sĩ biết phải liều chết chứ nhất định không chịu lùi. Suốt ngày mồng 3 tháng Giêng [28-1-1789], Trương Triều Long mấy lần đẩy lui được đạo tiền đội của Nguyễn Huệ nhưng đến tối hôm đó thì quân Nam lại tấn công. Trương Triều Long và phó tướng là Dương Hưng Long hết sức chống giữ, cầm cự liên tục một ngày một đêm để chờ viện binh, sau cùng đành phá được vòng vây bỏ chạy về Ngọc Hồi, quân ta lập tức đuổi theo.

Thảng như không xong với sử Ta, mục sử tôi đành lụi đụi trở lại với sử Tàu. (4)
(4) Cũng theo tài liệu của nhà Thanh, sang ngày mồng bốn [29-1-1789], quân Tây Sơn kéo đến như đàn ong, vây kín chung quanh doanh trại của Trương Triều Long (Hà Hồi). Buổi sáng, lực lượng Tây Sơn công hãm chủ yếu là bộ binh và các đơn vị cơ giới, đến trưa có thêm một số voi.   

***
Cho nên, rạng sáng Mồng Năm Tết, khi Quang Trung vừa tháo chiếc khăn vàng hoàng đế chít đầu, thắt vào quanh cổ để tỏ ý quyết không sống nữa nếu không thắng trận này và vừa trèo lên bành voi phất cờ lệnh cho toàn đạo Trung quân xung trận, bất chấp địa lôi, rào cản, súng đạn, hỏa mù… chống trả của giặc, sau đấy đã tràn được vào đại đồn Ngọc Hồi mà đánh giết, khiến chiến trường “máu ngập đến mắt cá chân”.
Như sự ghi chép của sử cũ thì những kẻ sống sót khi bỏ đồn chạy thục mạng về phía Thăng Long, nhưng vấp phải đội quân nghi binh Tây Sơn phục sẵn, nổi dậy giương cờ gióng trống xua đuổi, chúng đành phải dạt cả về phía tây, để ở đấy mà chịu trận đánh tiêu diệt của Đô đốc Bảo vừa kịp đến phối hợp: Dùng voi, ngựa giày xéo, giẫm đạp toàn bộ quân giặc dưới khu bùn lầy Đầm Mực.

Chiến dịch giải phóng Thăng Long vậy là kết thúc thắng lợi trọn vẹn vào ngày mồng Năm Tết. Hiện chưa thể biết rõ hết, trong ngày mồng bốn Tết trước đấy, phương thức thông tin liên lạc (5) để điều binh khiển tướng đã được vị Hoàng soái Tây Sơn Nguyễn Huệ thực hiện cụ thể như thế nào, để có thể tạo ra được sự phối hợp nhịp nhàng đến mức thần diệu (6) như vậy giữa năm cánh quân, đúng là năm ngón tay của một “Bàn tay xòe chỉ thẳng”, nhưng lại là những đơn vị lớn, hoạt động với những nhiệm vụ trọng đại khác nhau và ở xa nhau! Tuy nhiên, chắc chắn là trong một ngày đánh trận Ngọc Hồi chậm lại ấy, những công việc vô cùng cần thiết nhưng tinh tế và khó khăn, phức tạp cực kỳ như thế, đã được tổ chức thực hiện một cách tuyệt vời…”
(5) Đọc xong, mụ chữ thần người ra với “phương thức thông tin liên lạc thần diệu” ắt là cụ vua Quang Trung ta có điện thoại “Galaxy S6 Edge” cầm tay mới “thông tin” được đô đốc Bảo đang dẫn voi đi lạc ở trong rừng nên trễ một ngày!?
(6) Ông sử gia nổ như kho đạn Long Thành:”sự phối hợp nhịp nhàng đến mức thần diệu”. Nhưng tr 42 ông quên tiệt câu: “Quang Trung phải chờ cánh quân Đô đốc Bảo”.
Lại nữa, ông viết “phải chờ”…bởi theo tựa đề ông đặt Vì sao Quang Trung đánh trận Ngọc Hồi chậm một ngày? nên mụ chữ tôi hiểu là vua Quang Trung nằm khểnh trên lưng voi chờ thời ở Ngọc Hồi…một ngày. (xin lỗi viết lộn vì khi ấy…voi chưa tới kịp)

***

Gặp buổi trời đất lung liêng, mụ chữ tôi cũng nằm khểnh thông sử Việt Nam sử lược của cụ Sử thần Trần Trọng Kim (trang 399):
“…Nửa đêm ngày mồng 3 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789) quân vua Quang Trung đến làng Hà Hồi vây kín đồn giặc, rồi bắc loa lên gọi, các quân dạ rầm cả lên, có hàng muôn người. Quân canh đồn lúc bấy giờ mới biết, sợ hãi thất thố, đều xin hàng, bởi thế lấy hết được cả quân luơng và đồ khí giới.
Sáng mờ mờ ngày mồng 5, quân Tây Sơn tiến đến làng Ngọc Hồi…”.
Có thể sử gia Lê Văn Lân chỉ thấy ngày mồng 3 và ngày mồng 5, bỗng dưng mất tiêu một ngày (ngày mồng 4) nên ông hốt hỏang và hô hóan lên: “Vì sao Quang Trung đánh trận Ngọc Hồi chậm một ngày?”  Giời ạ! Ông quên béng quân ta đánh nhầu từ “nửa đêm ngày mồng 3” thì hôm sau là ngày mồng 4 chứ còn khỉ gì nữa và đánh suốt ngày đêm đến ngày mồng 5. Ông sử gia viện Quân sử Quân đội Nhân dân không chịu đọc địa lý nên không nắm bắt được là: Hà Hồi cách Ngọc Hồi 14 cây số - Ngọc Hồi cách Thăng Long 6 cây số - tức Hà Hồi cách Thăng Long 20 cây số: Thì cụ vua Quang Trung vừa đánh vừa tiến quân (tốc độ trung bình 15 cây số một ngày) từ nửa đêm mồng ba đến sáng mờ mờ mồng 5 là đúng quá rồi.
Mụ chữ tôi theo năm ngón tay dàn trậm của ông sử gia: Quân Tây Sơn bao vây Hà Hồi, tấn công Ngọc Hồi, dứt điểm bằng trận Đống Đa (làng Khương Thượng), vào Thăng Long ngày mồng 5 Tết sớm hơn vua Quang Trung dự trù 2 ngày (vua ta dự trù ngày mồng 7). Ấy vây mà lý sự gì ông sử gia lăn tăn đặt tựa đề bài khảo sử có tên rất “xung kích”: Vì sao Quang Trung đánh trận Ngọc Hồi…chậm một ngày.
       
2.2.5. Trận Ðống Đa
Quân Nam không dừng lại lập tức tiến lên đánh vào Khương Thượng (Ðống Ða), phía tây nam ngoại thành Thăng Long.
Ðồn này do Sầm Nghi Ðống và toán quân Miêu, rất thiện chiến trấn giữ.(47). Sầm Nghi Ðống chỉ huy độ 1,000 binh chống giữ rất hăng, một số lớn bị giết số còn lại đến ngày hôm sau mới ra hàng (48). Các tài liệu của Việt Nam viết rằng Sầm Nghi Ðống thắt cổ tự tử nhưng theo các quân sĩ chạy về được thì Sầm Nghi Ðống bị chém đứt một cánh tay, ngã ngựa rồi bị giết. Hài cốt của y sau được con cháu sang nhận đem về và người Trung Hoa có xây cho y một ngôi miếu ở Hà Nội, sau này gọi là ngõ Sầm công.
Nhiều người nhận lầm ngôi miếu này là ngôi đền Nguyễn Huệ dựng cho các tướng nhà Thanh (*) ở phía nam Thăng Long (49) theo yêu cầu của vua Càn Long. (50)
(*) Càn Long viết trong “Bài tựa” của bộ tranh “Bình định An Nam chiến đồ”
“…Nếu như Tôn Sĩ Nghị vâng chỉ (của ta) rút quân về sớm, thì bọn Hứa Thế Hanh và ba tướng không đến nỗi phải thiệt mạng, tướng chưa về đến đất nhà mà Thăng Long lại bị mất (…).Còn đến như Tôn Sĩ Nghị giả tỉ như cũng thiệt mạng thì tước công của y ắt sẽ được thế tập chẳng hề sai. Hai kẻ tôi thần này, Hứa Thế Hanh và y tuy sự việc của họ chẳng giống nhau, nhưng lòng dạ lại giống nhau. Còn ba tướng (**) thì (ta) lệnh cho nước phiên thuộc lập miếu thờ để đền đáp lòng trung….”.
(**) Ba tướng kia là Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thượng Duy Thanh. Riêng miếu Sầm Nghi Đống, người Trung Hoa xây ở Hà Nội, mà không do Càn Long “ra lệnh” có thể vì chức vụ thấp hơn ba tướng có tên ở trên?..

3.1. Vượt sông Nhị Hà
Sáng ngày mồng 5 Tết [30-1-1789], các cánh kỵ binh, tượng binh và thủy binh của Nam quân từ ba mặt cùng kéo đến vây Thăng Long. Trong khi các tướng liều chết chống cự, Tôn Sĩ Nghị vội vàng đem mấy trăm thân binh vượt cầu phao sông Nhị Hà chạy về bắc khiến binh lính, dân phu hoảng hốt chạy tán loạn. Các tướng lãnh thấy thế cũng không còn lòng dạ nào chiến đấu nên cũng lật đật tháo chạy. Ngay sau khi qua sông, Tôn Sĩ Nghị ra lệnh chặt cầu khiến một số đang đi trên cầu rơi xuống sông chết đuối (51). Trong số người nịch tử có một số tướng lãnh nhà Thanh, những người chưa qua được đành quay lại huyết chiến cho đến chết. (52)
Theo đúng kế hoạch của vua Quang Trung, các toán thuỷ, hải quân đã bố trí sẵn trong vịnh Bắc Việt đi theo đường sông đánh vào các lực lượng quân Thanh canh giữ các đài trạm chứa lương thực dọc từ Thăng Long lên đến Lạng Sơn.
Ðể biện minh cho việc bỏ chạy thoát thân lấy một mình, Tôn Sĩ Nghị khai rằng “tuy giết được nhiều quân giặc nhưng phải đối phó với cả hai mặt, không biết hay dở sống chết thế nào. Nếu như thần chẳng may trúng phải mũi tên hòn đạn thì e rằng sẽ nhục đến quốc thể nên phải dẫn bọn phó tướng Khánh Thành , Ðức Khắc Tinh Ngạch, tham tướng Hải Khánh dẫn hơn ba trăm quân phá vòng vây mà chạy”. (53)
Ðến ngày mồng 6 tháng 2 năm đó [2-3-1789], trong thượng dụ xin vua Càn Long thu hồi tước công của Tôn Sĩ Nghị, lại viết:
Thần Tôn Sĩ Nghị thấy Lê Duy Kỳ bỏ chạy trước, biết rằng chẳng nên ở lại Lê thành làm gì, cũng lập tức triệt binh, đem quân đến bờ phía bắc sông Thị Cầu đứng chờ đại quân. (54).
Những lời tâu của Tôn Sĩ Nghị xem ra không đúng sự thật và mâu thuẫn với các lời tường thuật của những người khác. Ngay những lời khai của quân Thanh cũng đã không giống nhau.
Trong Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược để tránh cái tiếng “chưa đánh đã chạy” Tôn Sĩ Nghị đem bản văn đó tô vẽ lại:
Nào hay càng giết địch càng đông, vây đại binh cả bốn bề. Thần cùng với đề trấn [đề đốc, tổng binh] dẫn các tướng xông thẳng vào trước địch quân. Hứa Thế Hanh nghĩ rằng thần là tổng đốc đại thần, không thể so với các trấn tướng được, nếu có điều gì sơ sẩy thì quan hệ đến quốc thể, hết sức ngăn trở. Sau đó sai phó tướng Khánh Thành hộ tống. Lại ra lệnh cho thiên tổng Tiết Trung cầm cương ngựa của thần gò lại. Thần vung roi vừa đánh vừa quát mắng, ra lệnh cho y buông ra, Tiết Trung nhất quyết không bỏ.
Thần nghĩ lại lời của Hứa Thế Hanh, quả quan hệ đến đại thể, nên dẫn bọn Khánh Thành, theo phía sau điện mà ra. (55)

Theo tài liệu của Trung Hoa thì số quân Thanh đóng ở bờ phía nam sông Phú Lương gồm ba ngàn người do tổng binh Thượng Duy Thăng, phó tướng Hình Ðôn Hành, tham tướng Vương Tuyên, thổ quan Ðiền Châu Sầm Nghi Ðống được lệnh rút về tiếp cứu đề đốc Hứa Thế Hanh. Tuy nhiên những cánh quân đó cũng đang bị vây đánh, không thể tăng viện cho nhau được. Tôn Sĩ Nghị và bọn Khánh Thành thì dẫn hơn ba trăm quân định qua cầu nổi, nhưng bị ba, bốn nghìn quân Tây Sơn truy kích, vừa lúc tổng binh Lý Hóa Long dẫn hơn hai trăm quân chạy theo đến. Tôn Sĩ Nghị liền sai y đi qua bờ bên kia đóng lại tại phía bắc để hộ vệ cho ông ta qua sông. Lý Hóa Long chạy được tới giữa cầu, quính quáng trượt chân ngã xuống sông chết đuối, bọn tuỳ tùng thấy tổng binh chết rồi càng thêm hoảng loạn. Tôn Sĩ Nghị vội vàng sai bọn Khánh Thành bảo vệ phía sau, dùng súng bắn chặn, dẫn binh theo phiệt kiều chạy qua bắc ngạn trước, sau đó chặt đứt cầu nổi khiến cho quân sĩ, phu tướng còn ở phía nam không ai qua sông được nữa, đành phải quay lại tử chiến. (56)
Một tướng cấp nhỏ là Trương Hội Nguyên bị bắt làm tù binh khi được trả về cung khai như sau:
Lần này phụng lệnh đóng quân tại phía nam Lê thành cách chừng mười dặm, ngày mồng 5 tháng Giêng, giờ Dần đánh nhau với giặc, giết được rất nhiều tặc phỉ, cho đến giờ Mùi, quân giặc càng giết càng đông, cùng xông cả lên khiến quan binh tán loạn. Hội Nguyên đem quân xung sát đến bờ sông, thấy phù kiều đứt mất rồi, không qua sông được nữa, bên mình chỉ còn độ hơn trăm binh. Hội Nguyên kêu lên rằng không lẽ bó tay chịu chết, chi bằng liều mạng đánh về phía Lê thành, giết được thêm vài đứa giặc thì có chết cũng nhắm mắt. Bọn lính nghe nói thế, ai nấy cố hết sức, theođường cũ xung sát về hướng Lê thành, bị quân giặc vây bốn bề. Hội Nguyên bị quân giặc dùng giáo đâm trúng bên yết hầu và mạng sườn, mê man ngã xuống ngựa, lại bị chém một đao ở cổ, bất tỉnh nhân sự. (57)
Ðấy là nói về những người không qua được, còn người liều mạng vượt qua thì thế nào. Theo lời Trần Nguyên Nhiếp thì:
Ðến được bờ sông, đại binh tranh nhau vượt qua. Cầu nổi làm bằng tre và gỗ bắc ngang sông đã bị đứt chìm xuống nước, lại thêm số nhân mã bị tượng trận đốt cháy chết chồng thêm lên một tầng nữa đè cầu xuống. Người đi qua chân đạp lên xác người ở bên dưới, chỉ còn đầu trồi lên phải đến ba dặm mới qua được bờ bên kia. Quần áo giày dép đều ướt sũng, yên cương, ngựa cưỡi cũng mất cả trên cầu.
Cũng ngày hôm đó, cánh quân Vân – Quí [chỉ có hơn 3000 người] đóng ở Sơn Tây của Ô Ðại Kinh kéo đến sông Phú Lương để tiếp cứu thì thấy “cầu nổi đã đứt chìm mất rồi, phía bên kia sông lửa cháy rực trời”. Tuy nhiên tiếng súng đã dứt chứng tỏ quân Thanh nếu không chết thì cũng đầu hàng. Họ Ô biết rằng đại binh đã thua không dám tham chiến vội vàng theo đường cũ chạy về nước. (58) Việc Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy mà chưa từng chạm mặt với quân Tây Sơn là chuyện do chính y thú nhận, và chính những nhà nghiên cứu Trung Hoa cũng đồng ý về điều đó. Ngoài ra còn những chi tiết tuy nhỏ bé nhưng lại đóng một vai trò quan trọng khi chúng ta tìm hiểu về bang giao Thanh – Việt thời hậu chiến. Theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị, thì:
Lê Duy Kỳ nghe tin Nguyễn tặc (tức Nguyễn Huệ) đích thân đến đánh, kinh hồn táng đởm, tay bồng con thơ, vội vàng dẫn mẹ vượt sông Phú Lương, chẳng kịp đem theo vợ, dân chúng trông thấy tình cảnh đó, cũng hoảng hốt chạy tán loạn, tin đồn lanđến quân doanh, bọn giặc cũng đã hay biết, nên chúng càng hăng tiết”.
Ý của họ Tôn muốn đổ tội cho Lê Chiêu Thống chưa đánh đã chạy làm loạn nhân tâm khiến cho bị đại bại.

Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục – Chính biên – Quyển XLVII thì:
Bấy giờ, đương ở nơi màn tướng, thình lình được tin quân giặc (quân Tây Sơn) đã tiến sát Thăng Long, Sĩ  Nghị không biết xoay trở ra sao, bèn nhổ đồn lũy, vượt qua sông chạy. Cầu gãy người chết vô số kể.
Bấy giờ nhà vua (tức Lê Chiêu Thống) đang hội kiến với Tôn Sĩ Nghị ở nơi màn tướng, có tám người theo hầu là Hoàng Ích Hiểu, Nguyễn Quốc Ðống, Lê Hân, Phạm Như Tùng, Nguyễn Viết Triệu, Phạm Ðình Thiện, Lê Văn Trương và Lê Quí Thích thì chợt được tin bại trận đưa đến. Sĩ Nghị rút chạy. Nhà vua cũng cưỡi ngựa cùng đi với Sĩ Nghị lên phía Bắc. Riêng Viết Triệu cầm cương ngựa đi theo nhà vua. Nhà vua sai bọn Hoàng Ích Hiểu gấp về nộiđiện, hộ vệ thái hậu và nguyên tử vượt qua sông. Hoàng đệ Duy Chi hộ vệ bọn hoàng phi và cung tần đến bến sông thì cầu gãy, không qua sông được, phải hướng về phía tây mà chạy trốn. (59)
Ngày mồng 9 tháng Giêng năm Kỷ Dậu [3-2-1789], Tôn Sĩ Nghị chạy được về đến Lạng Sơn qua Nam Quan trở về Quảng Tây. Suốt một tháng sau đó, quân Thanh thoát chết chạy được về theo báo cáo của quan nhà Thanh vào khoảng 8000 người, còn số tử trận và mất tích khoảng hơn 5000 tên (60). Trong khi giao tranh, số lượng dân phu chết không phải là ít nhưng vì họ chỉ là thành phần được sử dụng tạm thời nên sinh mạng của họ không ai tính tới. Thanh triều chỉ ghi số binh sĩ chính qui bị giết, còn những giáo sĩ và sử sách của ta thì ghi cả dân phu. (61)  

3.2. Tổn thất của quân Thanh
Tôn Sĩ Nghị khi về đến Quảng Tây, tự nhận mình đã không điều binh đúng phép khiến cho chiến dịch thất bại nên xin vua Càn Long cách chức trị tội nhưng chính vua Cao Tông đã phê trên tấu thư là “sao lại nói thế?” (hà xuất thử ngôn). Tôn Sĩ Nghị cũng xin một mình được bồi thường tất cả mấy chục vạn lượng bạc chi phí trong chiến dịch (62), vua Thanh cũng lại phê “việc gì đến nỗi thế?”. Tôn Sĩ Nghị trong dạ bất an nên tự ý giao lại bốn vạn lượng bạc cho Lưỡng Quảng quân doanh để đền bù phần nào tốn phí, quân trang, quân dụng,(63) vua Cao Tông tuy bất đắc dĩ chấp thuận nhưng cũng phê rằng “việc này thôi cũng được để cho khanh đỡ mất mặt và cho được thoả lòng”. (64)
Vua Thanh chỉ thu hồi lại tước công và chiếc mũ có gắn hồng bảo thạch đã ban cho Tôn Sĩ Nghị nhưng vì uy tín họ Tôn đã bị suy sụp nên không thể nào tiếp tục để cho giữ chức vụ bèn ra lệnh triệu hồi về kinh, đặt dưới quyền điều động của bộ Binh, cử Phúc Khang An làm tổng đốc Lưỡng Quảng đến Nam Quan tiếp tục giải quyết công việc.
Tổng số chi phí mà triều đình nhà Thanh đã tiêu vào cuộc chiến ở Việt Nam là 1,346,508 lượng bạc bao gồm tỉnh Quảng Tây chi ra 1,057,322 lượng và tỉnh Vân Nam chi ra 289,186 lượng.(65)  Trong những chiến dịch lớn mà vua Cao Tông tự hào, chiến dịch này là chiến dịch ít tốn phí hơn cả.
(…)
Quân Thanh trước đây đã thiết lập 17 kho lương thực dọc theo đường từ Lạng Sơn xuống Thăng Long, bố trí 5,000 quân chia thành ba toán, 2,000 người ở lại phòng thủ Lạng Sơn, 1300 người chia ra canh gác 17 kho lương thực được thành lập dọc theo tuyến đường từ Lạng Sơn đến kinh đô, 1700 người khác chia ra canh phòng các nơi hiểm yếu. (68)
Tuy nhiên, các đài trạm dọc theo đường từ Lạng Sơn đến Thăng Long quân Thanh không di tản được. Hai viên quan phụ trách đài trạm là tri huyện Lăng Vân) Viên Thiên Quì và kinh lịch Trương Thành đều tử trận. (69) Theo báo cáo của quan nhà Thanh thì chính họ đã đốt các kho lương thực và quân cụ nhưng chỉ là ngoa ngôn để che dấu việc bị quân Nam chiếm đoạt. Theo các giáo sĩ phương Tây, “chiến lợi phẩm” quân Tây Sơn thu được rất lớn.

Theo Lại Phúc Thuận thì:
Ngày mồng 5 tháng Giêng năm Càn Long thứ 54 [30-1-1789] Lê thành bị thất hãm, Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt bỏ chạy, dẫn theo 500 quân qua sông, còn bao nhiêu bỏ lại bờ phía nam sông Phú Lương cho địch giết. Ngày mồng 9 tháng Giêng [3-2-1789], Tôn Sĩ Nghị chạy được về Lạng Sơn, thu hồi tàn binh. Ngày 11 lui về đến Trấn Nam Quan. Khi trước Tôn Sĩ Nghị ở Lê thành quân số tổng cộng 5,700 người, thêm tổng binh Thượng Duy Thăng chỉ huy 3,000 người đóng ở bờ sông, tổng cộng 8,700 người, chạy về được đến Trấn Nam Quan hơn 3,000 người. Còn lại hơn 5,000, kể cả những người tử trận ở sông Thị Cầu và bệnh hoạn mà chết, thêm một số về sau chạy được trở vềcửa ải. Cuối tháng Ba, tân nhiệm Lưỡng Quảng tổng đốc là Phúc Khang An báo cáo là ở Trấn Nam Quan mỗi ngày vẫn còn 3, 4 có khi 7, 8 người qua ải, phần lớn bệnh hoạn hoặc bị trọng thương. (70)
Số quân về được Trung Hoa không phải là đi cùng Tôn Sĩ Nghị mà là quân Thanh đóng dọc theo trục lộ và nhất là 2000 quân đóng ở Lạng Sơn. Tuy về sau có nhiều đoàn quân lẻ tẻ chạy theo đường mòn, băng rừng vượt suối về lại Trung Hoa nhưng không phải đi theo Tôn Sĩ Nghị như ông ta đã báo cáo.
Cuộc chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu không phải là không đem đến những tổn thất cho quân ta. Tuy vua Quang Trung hết sức dấu kín tổn thất của bên mình nhưng quân ta cũng phải chết đến hàng vạn người và một số tướng lãnh tử trận, trong đó có cả một đô đốc được an táng rất trọng thể. Riêng trận Ngọc Hồi, theo sự ghi nhận của các giáo sĩ Tây phương đang ở Bắc Hà, bên ta thiệt hại ít ra cũng phải 8000 người.(71) Nguyễn Huệ sau khi đánh thắng quân Thanh, ông lập tức xúc tiến việc phòng thủ bằng cách bắt tất cả binh lính và dân chúng “xây một lũy đất dầy 6.6 m , cao 3.6 m chung quanh điện của Chiêu Thống”, (72) đồng thời sai Ngô Văn Sở đem truy binh đuổi theo nhưng bị địch đẩy lui. Ðây cũng là một câu hỏi cần được đặt ra vì theo các chi tiết từ sử liệu Trung Hoa, không có một trận đánh lớn nào xảy ra sau khi quân Thanh đã thua chạy và họ cũng không có đủ thời giờ hay phương tiện để ngăn chặn quân Nam. Số lượng quân Thanh đóng giữ tại các đài trạm cũng không nhiều, làm nhiệm vụ canh gác hơn là chiến đấu nên hầu như không nơi nào có điều kiện để chiến đấu mà chỉ mạnh ai nấy chạy khi nghe tin đại binh đã thua.
Nhiều chi tiết cho chúng ta một kết luận là chính vua Quang Trung không muốn đuổi tận giết tuyệt vì còn để một khoảng trống ngõ hầu tiến hành việc bang giao với nhà Thanh, một sứ mạng mà ông cho rằng quan trọng hơn một thắng lợi quân sự. Nguyễn Huệ đã có một kế hoạch “giữ thể diện” cho nhà Thanh trước khi ông tấn công nên hết sức tránh những động thái nào có vẻ như khiêu khích đối phương, và sau khi lấy lại Thăng Long rồi ông cũng cố gắng giảm thiểu việc truy sát. Theo những lời khai của tù binh và quân sĩ chạy về được, thái độ của quân Nam xem ra rất độ lượng trong việc đối xử cũng như tạo cơ hội cho họ khỏi mất mặt. Như thế, vua Quang Trung đã có một chính sách minh bạch ngay từ đầu về mục tiêu tái lập bang giao với Trung Hoa.
Dân chúng sống trong vùng biên giới ở nam Trung Hoa khi nghe tin Tôn Sĩ Nghị đại bại, e ngại một cuộc tập kích tiếp theo nên cũng hoảng vía thu dọn tài sản chạy loạn. Về việc này, sử nước ta có phóng đại ít nhiều nhưng không phải là không có. Chính trong một mật chỉ của vua Càn Long gửi Phúc Khang An cũng có đề cập đến việc cử ông ta tới làm tổng đốc Lưỡng Quảng nhằm mục đích “trấn định nội địa nhất đái nhân tâm” [để làm yên lòng người một dải biên giới] (73). Trong thời gian mấy tháng liền, vua Quang Trung đã phòng ngự cẩn mật đề phòng một cuộc đại chiến thứ hai và đến khi thấy việc thông hiếu với nhà Thanh đã hình thành, ông mới đem chiến lợi phẩm về Phú Xuân.
Tháng Chạp năm Càn Long thứ 55 (1790) truy cứu những người chết trận trong chuyến đánh An Nam gồm có: một du kích là Tiêu Ứng Ðắc, sáu đô ti là bọn Hư Văn Khôi, 9 thủ bị là bọn Phùng Thiên Dư, 14 thiên tổng là bọn Dương Phó Long, 10 bả tổng là bọn Lý Thế Tuấn, 91 ngoại uỷ là bọn Tạ Ðình Siêu, 14 ngoại uỷ ngoại ngạch là bọn Quan Tú Phương, còn lại mã binh, bộ binh, quân sĩ là 6876 người, theo lệ tế và chôn cất, thưởng tuất, tất cả đều được thờ trong Chiêu Trung Từ.
Xem như thế chúng ta thấy theo danh sách chính thức của nhà Thanh, số binh sĩ tử trận, ngoài những võ quan cao cấp như đề đốc, tổng binh ra, số quan binh trung cấp và lính thường gồm:
Đề đốc (đại tướng)                           1  (*)
Tổng binh (trung tướng)                   2  (*)
Phó tướng (thiếu tướng)                   2
Tham tướng (đại tá)                        3
Du kích (thượng tá)                          7
Đô ty (trung tá)                               6                                           
Thủ bị  (thiếu tá)                             10
Thiên tổng (đại úy)                          16
Bá tổng (trung úy)                           11
Ngoại uỷ [ngoài ngạch]                    127
Mã bộ, binh đinh                             11.582

Tổng cộng                                      11.780

(*) Theo Thánh Vũ Ký trang 188 thì: “Tôn Sĩ Nghị sau khi qua được sông Phú Lương (sông Nhị) rồi, lập tức chặt đứt cầu phao đoạn hậu, những người còn ở bờ sông phía nam như đề đốc Hứa Thế Hanh, tổng binh Trương Triều Long rơi xuống sông chết đuối”. Theo cuốn Trường Phát Di Nhân của Trung Hoa lại viết rằng “Cầu phao bị giặc chặt gãy nên một số quan binh không còn đường chạy đành lộn trở lại phía Lê thành tử chiến nên bị giặc sát hại”. Chú thích 88 của Trang Cát Phát, (1982) tr. 412.
Thêm một tướng cấp nhỏ là Trương Hội Nguyên bị bắt làm tù binh.
Ngoài ra còn khoảng gần 800 người bị bắt, tính ra quân Thanh tổn hại độ 8.000 người. Những con số trên đây không tính tới những thành phần tham chiến khác như quân Cần Vương của nhà Lê, các thổ binh, thổ hào, dân phu, và một số đông phu mỏ, Hoa kiều có thể cũng bị giết trong khi giao chiến hay bị trả thù. Theo cách tổ chức và điều động nhân sự của nhà Thanh, trong những lần viễn chinh, số lượng dân phu sử dụng thường từ 3 đến 5 lần số quân hiện dịch. Riêng cánh quân Lưỡng Quảng, số dân phu điều động lên đến khoảng một chục vạn người nhưng có mặt tại trận địa lúc đó chắc ít hơn. Nếu cho rằng số dân phu bị chết ít ra cũng phải tương đương với số quân lính thì dân phu người Thanh thiệt hại khoảng một tới hai vạn. Con số dân phu tử thương này [phần lớn là các dân tộc thiểu số sống ở nam Trung Hoa và rừng núi biên giới Hoa – Việt] nhà Thanh bỏ lơ không nhắc đến mà bên nước ta thì cũng không muốn khơi ra nên số người Trung Hoa bỏ xác lại trên đất Việt vẫn chỉ là những ước đoán. (76)

Ðáng kể nhất phải là toán thổ binh Ðiền Châu của Sầm Nghi Ðống từ Quảng Tây và quân của châu Bảo Lạc là người thiểu số của nước ta từ biên giới xuống. Theo sử nhà Thanh thì một số đông dân phu mỏ (mà họ gọi là xưởng binh) là dân Trung Hoa lén trốn sang làm việc ở nước ta đã tự nguyện đi theo đoàn quân Thanh và thành phần này bị thiệt hại khá nặng. Theo các văn thư của nhà Thanh, số xưởng dân đi theo quân Thanh có đến mấy vạn người. Thành phần này vốn dĩ sống ngoài vòng pháp luật nên khi xuống Thăng Long quen thói cường đạo, nhũng nhiễu nên khi thua trận bị dân chúng tìm giết rất nhiều. Vì quen địa thế những người sống sót đã chạy được về Tàu và được đặc ân không bị bắt tội và cho hồi tịch..
Nếu ước đoán như thế, tổng cộng số quân Thanh và đồng bọn chết trong chiến dịch này có thể lên đến trên dưới hai vạn người, mặc dù nhà Thanh chỉ đề cập đến thành phần chính qui của họ bị tổn thất [tức thành phần được hưởng tử tuất] vào khoảng trên dưới một vạn người mà thôi. Một nhân vật hoàn toàn không còn được nhắc đến sau trận đánh đầu năm Kỷ Dậu là Lê Duy Cẩn, có lẽ cũng là một nạn nhân của trận chiến. Chúng ta chỉ biết rằng trước đây vua Cao Tông đã ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị: “truyền dụ cho Lê Duy Kỳ đem Lê Duy Cẩn giải sang nội địa [Trung Hoa] để an tháp”. Tuy nhiên Lê Duy Kỳ – có lẽ một phần vì tình đồng tộc [Lê Duy Cẩn là chú Lê Duy Kỳ] đã chống chế rằng “Lê Duy Cẩn là kẻ ngu si, dễ dàng quản thúc, hiện đã bị giám sát mọi cử động không thấy có điều gì khác lạ, trong tương lai nếu có chuyện gì đáng ngờ, lúc đó giam cấm nghiêm trị cũng còn kịp”. (77)
______

Tài liệu tham khảo
(1) Ngô Thì Nhậm tác phẩm (quyển I) (2001) tr.172
(2) Tạ Quang Phát (dịch), Nhà Tây Sơn (1970) tr.130-33
(3) Là ngày 20-1-1789DL. Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê Nhất Thống Chí (2002) tr.371-2
(4) Ðặng Phương Nghi, “Vài tài liệu mới lạ …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr.195
(5) Ngô Thì Nhậm tác phẩm (quyển I) (2001). Toàn văn bản chữ Hán trang 513-517, bản dịch Mai Quốc Liên trang 172-174.
(6) Ngày 18 tháng Mười Một tôi đọc một lá thư đề ngày 20 tháng Chín củađức ông La Bartette gữi cho ông Le Breton trong đó Ðức ông cho biết rằng: Tiếm vương Phú Xuân hay Bắc vương vừa mới phong cho con trai ông làm Nam vương lúc đó mới có bảy tuổi, nhưng hoàng tử được coi như được mười hai tuổi vì theo như lời đồn, các quan muốn nịnh người cha nên tăng cho người con nhiều tuổi hơn. Ðặng Phương Nghi, “Vài tài liệu mới lạ …”,Một Vài Sử Liệu … (1992) tr.213-4
(7) KDANKL, quyển VI
(8) Ðặng Phương Nghi, “Vài tài liệu mới lạ …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr.214-6
(9) Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) tr.586
(10) Cầu nổi (phù kiều hay trúc phiệt kiều là cầu làm bằng các bè tre kết lại với nhau thả dưới nước để quân Thanh qua sông vì khi bọn họ tiến đến thì bao nhiêu thuyền bè đã bị quân Tây Sơn đem về nam cả rồi.
(11) Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ, (1995) còn ghi lại nhiều chiếu biểu quan trọng đời Lê và bang giao đời Tây Sơn, đối chiếu rất phù hợp với các tài liệu của nhà Thanh về diễn tiến nghị hoà.
(12) Tháng Hai, sau khi tình hình đã lắng xuống thì “, các tiến sĩ triều Lê như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch và bọn cống sĩ văn chức Vũ Huy Tấn, Ðoàn Nguyễn Tuấn, Ðào Xuân Lãng lần lượt về hàng. Nguyễn Quang Bình trao quan chức cho từng người, cho tham gia vào việc thảo từ lệnh bang giao.” Lịch Triều Tạp Kỷ, (1995) tr.591. Trong những chiếu biểu giao thiệp với nhà Thanh, khi liệt kê danh sách các bồi thần, tên Ngô Thì Nhậm luôn luôn được nhắc đến sau cùng theo thứ tự (hàng võ) Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Danh, Ðặng Văn Chân, Nguyễn Văn Dụng, (hàng văn) Loan Hồi Ðại [có lẽ là thư ký tiếng Mãn] Lê Xuân Tài, Ngô Thời Nhiệm nên khó có thể tin rằng ông đóng một vai trò quan trọng trong triều đình Tây Sơn như HLNTC miêu tả. Nếu quả là một nhân vật cao cấp như thế, ông chắc bị những hình phạt nặng nề hơn khi vua Gia Long thống nhất đất nước. Xem Ðại Việt Quốc Thư (1973) các tr.93, 97, 124, 127, 131, 134 … hay Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) các tr.629, 641, 644 …
(13) Theo nhận xét của họ Tôn khi đóng quân tại Thăng Long thì thành phần ủng hộ vua Lê rất yếu ớt không như lời thổi phồng của một số quan văn. Ngay khi Lê triều được tái lập, các dư đảng của chúa Trịnh lập tức nổi lên. Tài liệu sử nước ta cũng cho biết Trịnh Bồng lập tức quay lại và Lê Chiêu Thống phải phong cho ông ta làm Huệ Ðịch Công. Hoàng Xuân Hãn, “Phe Chống Ðảng Tây Sơn ở Bắc với tập Lữ Trung Ngâm”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II (1998) tr.1252
(14) Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) tr.585. Chi tiết này thực ra không đúng. Chính Tôn Sĩ Nghị muốn tiến quân trong khi Thanh triều lại chủ trương rút lui, lấy cớ là bên trong là đất Quảng Nam, không phải đất nhà Lê, nhà Thanh không việc gì phải phí hao tiền bạc, binh lương để giúp An Nam nữa.
(15) Trong tấu thư ngày mồng 9 tháng Chạp năm Mậu Thân [4-1-1789], họ Tôn có kể lại việc quân Thanh cắt thủ cấp và tai những người bị chúng giết, còn ai bị bắt thì đem ra chém ngay, mỗi ngày lên đến vài chục người mỗi nhật phọc tống sổ thập nhân tấn hệ tặc phỉ. Tuỳ đáo tuỳ tức chính pháp) KDANKL, quyển IX, tr.5
(16) Chi tiết này không chính xác, đúng là ngày 20 tháng Một năm Mậu Thân
(17) Trí quân an dân. Cứ bình thường, khi binh lính tới đâu thì dùng chữ quân là quân đội nghĩa là đóng binh các nơi để giữ yên cho dân chúng. Trong sách này, tác giả dùng chữ quân là vua, không biết có phải là một lối chơi chữ trịch thượng [ý nói phong vương cho Lê Duy Kỳ] hay vì sao chép nhầm. Theo báo cáo của Tôn Sĩ Nghị thì ngày quân Thanh vào Thăng Long là ngày 20 tháng Một.
(18) Đầu sỏ giặc gọi là nghịch, tay chân bộ hạ gọi là tặc. Do đó Trần Nguyên Nhiếp dùng chữ nghịch khi chép về Nguyễn Huệ.
(19) Theo tài liệu của Hội Truyền Giáo ở Bắc Kỳ, chúng ta biết rằng Tôn Sĩ Nghị và các tướng nhà Thanh đã có những quan điểm rất “Tàu” khi họ gửi thư cho Nguyễn Huệ ấn định sẽ giao tranh vào ngày mồng 6 AL mà các giáo sĩ cho rằng đó là một ngày tốt [theo Trung Hoa] để xuất quân nhưng Nguyễn Huệ đã tấn công ngay ngày Tết Nguyên Ðán khiến họ trở tay không kịp. Nhiều tài liệu cho thấy Tôn Sĩ Nghị đã nhận được một số thư “trần tình” của Nguyễn Huệ nên ra vẻ thiên triều khi y trả lời hãy “án binh bất động” để ra Tết y sẽ phân xử xem ai phải ai trái. Sử Trung Hoa thường nhấn mạnh đến yếu tố chủ quan khinh địch của họ Tôn như lý do chính khiến cho quân Thanh đại bại.
(20) Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) tr.586
(21) Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) tr.586
(22) Một chi tiết cũng khá quan trọng về trận đánh năm Kỷ Dậu là một câu văn viết bằng chữ Nôm tương truyền là của Nguyễn Huệ khi ra Bắc trích từ một tập hợp tài liệu nhan đề Minh Ðô Sử do Lê Trọng Hàm và một số người trong Nam Việt Ðồng Thiên Hội sưu tầm trong khoảng từ 1922 đến 1930:
Ðánh cho để dài tóc,
Ðánh cho để đen răng.
Ðánh cho nó chích luân bất phản,
Ðánh cho nó phiến giáp bất hoàn.
Ðánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Tuy nhiên chính học giả Trần Văn Giáp cũng phải than rằng vì tính chất thiếu khoa học và xuất xứ mù mờ của nó “… nhiều người quí công phu của các tác giả sách Minh đô sử, nhưng đến khi sử dụng một cách đúng đắn lại ngần ngại vô cùng”. Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm Tập 1 (in lần thứ hai). (1984) tr.187.
(32) Michael W. Charney trong Southeast Asian Warfare 1300-1900 (2004) tr.96 viết khá kỹ về chiến thuật công thành (siege warfare) trong đó những hoả khí (pyrotechnic devices) được sử dụng tại Miến Ðiện. “ … During his siege of Chiengmai in 1557, Bayin-naung’s forces used incendiary devices to set fire to the upper works of the defenses. Rockets were also let off in great numbers to aid the siege. Rockets were an unreliable resource, however, and were easily rendered useless by rain while being transported to a siege. During the Burmese attack on Syriam in 1601, Ribeyro writes that the Burmese used “bomb of fire” in their assault …” [Trong lần vây hãm Chiengmai năm 1557, lực lượng của Bayin-naung dùng hoả khí để đốt các công sự thượng tầng của phe cố thủ. Hoả tiễn được bắn rất nhiều để phụ với quan quân. Tuy nhiên tên lửa không phải là một vũ khí đáng tin cậy vì thường mất hiệu dụng khi gặp mưa trong lúc vận chuyển đến nơi công hãm. Trong lần người Miến đánh Syriam năm 1601, Ribeyro viết là phe Miến Ðiện dùng các “hoả cầu” để tấn công ...
(33) Không biết ở những đồn này súng ống được trang bị như thế nào nhưng sau trận đánh năm Kỷ Dậu – theo các giáo sĩ thì vua Quang Trung đã lấy được của địch quân “…2, 3000 cỗ đại bác và súng thần công (chiến pháo), không biết bao nhiêu là súng dài và khí giới khác nhau cùng với vôsố tiền bạc và (đại khái) tất cả những vật liệu quí giá bắt được của quân Tàu …” để đem về Phú Xuân. Tuy nhiên cũng có thể một phần khí giới là của ông đem ra Bắc.
(34) Ðối chiếu với những tài liệu rải rác, chúng ta thấy đây là một thế trận khá quen thuộc của những quốc gia dùng voi như một cánh quân tiền phong để tấn công vào một vị trí đóng quân cố định của địch. Súng đại bác loại nhỏ được chở trên lưng voi tiến trước để uy hiếp, kế đó là bộ binh, sau cùng là bộ phận chỉ huy thường đi bằng ngựa hay xe. Tuỳ theo khả năng kỹ thuật, thế trận có thể thay đổi phần nào nhưng rõ ràng sức mạnh của tượng binh, đại pháo và súng điểu thương là lực lượng chủ yếu để phá vỡ phòng tuyến của địch, thường là hàng rào đất hay tre, bên ngoài có cắm chông, hào nước và địa lôi. Trên thực tế, khi chủ tướng cưỡi voi xung trận, mặc dầu ngồi trên cao có thể tạo nên một vẻ uy nghi khác thường và cũng dễ dàng quan sát bốn bề để chỉ huy nhưng cũng lại là cái đích cho địch quân tập trung hoả lực hay cung nỏ bắn vào. Một mục tiêu to lớn với nhiều đối tượng, từ người chủ soái đến quản tượng, ngay cả bản thân con vật sẽ khó có thể chịu đựng được lâu. Trong trường hợp đó, khi tới gần nằm trong tầm đạn của địch chủ tướng thường phải xuống khỏi lưng voi, cưỡi ngựa hoặc đi bộ. Tuy nhiên, một khi quân lính không còn thấy chủ tướng trên bành chỉ huy thường có khuynh hướng hốt hoảng, dễ bỏ chạy nên việc xông xáo của Nguyễn Huệ không phải để chiến đấu mà là để trấn an các thuộc hạ. …
(35) Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) tr.587
(36) Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr.208. Tuy Nguyễn Huệ là một cấp chỉ huy can đảm thường đi đầu sống chết với thuộc hạ nhưng việc ông xông lên múa song đao chém quân Thanh không những điên cuồng mà còn dại dột và tắc trách nên chỉ là một điều tưởng tượng.
(37) Quân Cơ Xứ, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr.378.
(38) Theo tài liệu của Việt Nam, Nguyễn Huệ ra lệnh cho quân lấy ván ghép lại bên ngoài bọc rơm ướt để làm mộc chống với tên lửa che cho đại quân theo sau. Theo dã sử, quân Thanh bắn ra khiến voi của ta không tiến lên được, Nam quân phải dựng những bức tường rơm tẩm nước để tiến lên. Theo tài liệu của Trung Hoa thì “Nguyễn Huệ ra lệnh cho quân lính dùng rơm rạ kết lại thành từng bó lớn, lăn xả vào rồi quân lính núp ở sau tiến lên” Nguyên văn: (Nguyễn Văn Huệ mệnh binh đinh dĩ hoà cán khỗn trát thành thúc, loạn cổn nhi tiền, kính binh tuỳ hậu thôi tiến)
(39) Vào thời kỳ đó, thuốc súng (black powder) bao gồm 75% là potassium nitrate (saltpeter), 15% than (carbon) và 10% lưu huỳnh (sulfur), khi cháy ra rất nhiều khói. Thuốc súng mạnh hơn và không khói như các loại nitrocellulose, nitroglycerin, ballistite chỉ mới được chế tạo vào thế kỷ XIX. (Harold S. Sharp, The Invention of Gunpowder – Footnotes to World History – The Scarecrow Press, Inc. Metuchen, N.J. & London 1979) tr.117-8. Ngoài ra cũng có thể quân Thanh và quân Tây Sơn đã đốt loại khói độc (toxic smoke-bombs) tức hoả cầu (火毬) trong có chứa các loại thạch tín (arsenic tức phê sương) mà thuỷ khấu rất thường sử dụng trong các trận đánh trên biển cả.
(40) Một điểm tuy không ghi trong sử nhưng cũng đáng cho chúng ta chú ý. Ðó là trong quân của Nguyễn Huệ có một số đông dư đảng của Thiên Ðịa Hội mới thua trận ở Ðài Loan [1788] chạy ra biển làm hải khấu đã được ông thu nạp. Khi sử dụng thành phần này, Nguyễn Huệ không thể không tìm hiểu về ưu và khuyết điểm của quân Thanh và chuẩn bị những phương thức khắc chế sở trường của địch từ kinh nghiệm của họ. Với những thuộc hạ như thế, có thể nói Nguyễn Huệ biết rõ về địch hơn là địch biết về ông.
(41) More threatening to the besieged were the walking, or rolling, forts employed to move attackers closer to the walls and, if they amounted to towers, to aid them in scaling the walls or firing over them. Michael W. Charney, Southeast Asian Warfare 1300-1900 (2004) tr.98
(42) After the introduction of firearms, however, defenders, firing muskets from protected positions, could wreak terrible damage on an ememy in the open field outside fortress walls. The logical reaction was for besiegers to provide as much protection as possible for their foot soldiers. Some soldiers could find ready cover behind tree trunks or on the inner slopes of dykes, but this would obviously pin a soldier down and prevent a complete rush to the walls. Michael W. Charney, Southeast Asian Warfare 1300-1900(2004) tr.97
(43) Theo báo cáo của phía quân Thanh, trong lần tử thủ này, quân ta phải nhiều lần tiến lên đánh theo lối tràn ngập nên tổn thất cũng không nhỏ. Theo báo cáo của tù binh sau khi trở về thì “quân của Nguyễn Văn Huệ chết chất thành đống đâu phải chỉ vài ngàn mà thôi”.Trang Cát Phát: TTVC(1982) tr.379
(44) Theo Ngụy Nguyên thì những tướng lãnh này bị chết khi tranh nhau quan cầu phao vượt sông Nhị Hà nên bị chết đuối. Ngụy Nguyên cũng viết là quân Nam đánh vào Thăng Long ngày mồng một Tết khi quân Thanh đang ăn cỗ. Thực ra mãi đến mồng 5 quân Tây Sơn mới đụng độ với quân Sầm Nghi Ðống tại Ðống Ða (sau này giỗ trận Ðống Ða vào ngày mồng 5). Việc miêu tả Tôn Sĩ Nghị còn đang yến ẩm thì quân ta kéo đến cũng là hư cấu vì trong mấy ngày liền các trận đánh càng lúc càng ác liệt, càng tới gần, quân Thanh lo chống trả còn chưa xong, không thể nào vui chơi ca hát được. Cũng không có việc quân ta kéo đến nhanh quá nên địch không biết gì cả.
(45) Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr.208.
(46) Khi tướng lãnh thấy tình hình quá bi đát, phải liều chết để bảo toàn danh tiết thì sai người mang ấn tín vượt vòng vây đem về như một dấu hiệu tận trung báo quốc.
(47) Vào thời kỳ đó, những dân tộc thiểu số dọc theo biên giới Hoa – Việt được tổ chức thành những đơn vị dân quân, trang bị súng điểu thương. Sở dĩ họ được trang bị súng vì nhà Thanh cho là dùng súng không linh hoạt và uy nghi như cung nỏ họ vẫn dùng nên đem các loại súng này (lấy được khi giao tranh với người Hồi) trang bị cho các dân tộc vùng núi. Cho đến nay, nhiều sắc dân tại vùng tây nam nước Tàu vẫn còn sử dụng những loại súng cổ điển này để tự vệ và săn bắn.
(48) Theo tài liệu nhà Thanh, số quân Ðiền Châu theo Sầm Nghi Ðống sang nước ta là hơn 2000 người nhưng một số chia ra đi theo các cánh quân thiểu số ở Cao Bằng, Thái Nguyên để hỗ trợ cho Lê Duy Chỉ nên tại Ðống Ða chỉ khoảng 1000 người.
(49) Khi sứ thần nhà Thanh là Thành Lâm sang phong vương có đến tế ở ngôi đền này.
(50) Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr.209. Trong các văn bản nôm còn giữ được có một bản văn tế “cúng dàng” quân Thanh chết trận thời Tây Sơn còn lưu lại đến ngày nay có viết: “… Ðiền châu thái thú đảm đương, Liều mình tử trận chiến trường nên công” xác nhận Sầm Nghi Ðống chết trận, đúng như lời khai của quân Thanh khi được trả về. [Xem Nguyễn Thị Lâm “Một Bài Văn Tế Tướng Sĩ nhà Thanh Tử Trận” (Thông báo Hán Nôm Học 2005, tr.373-378) và “Văn cúng quân Thanh chết trận Ðống Ða: Tài liệu Nôm thời Tây Sơn” (Nghiên Cứu Lịch Sử 1997)
(51) Tài liệu của triều Nguyễn nói là cầu đứt nhưng theo chính lời tâu của Tôn Sĩ Nghị [văn thư đề ngày 15 tháng Hai năm Càn Long 54, Cung Trung Ðáng, hòm 2727, bao 226, số hiệu 56526] thì chính ông ta ra lệnh chặt cầu phao. Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược đã cố tình không đề cập đến chi tiết này mặc dù cũng dùng bản tấu thư nêu trên.
(52) Ngoại trừ Hứa Thế Hanh tử trận, các tướng lãnh khác chết ra sao không có tài liệu nào ghi chép rõ rệt. Theo Thánh Vũ Ký trang 188 thì “Tôn Sĩ Nghị sau khi qua được sông Phú Lương rồi, lập tức chặt đứt cầu phao đoạn hậu, những người còn ở bờ sông phía nam như đề đốc Hứa ThếHanh, tổng binh Trương Triều Long trở xuống và phu dịch hơn một vạn người (?) rơi xuống sông chết đuối”. Theo cuốn Trường Phát Di Nhân của Trung Hoa thì lại viết rằng “cầu phao bị giặc chặt gãy nên một số quan binh không còn đường chạy đành lộn trở lại phía Lê thành tử chiến nên bị giặc sát hại”. Chú thích 88 của Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr.412.
(53) Quân Cơ Xứ, CCBVB. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr.379.
(54) Minh Thanh sử liệu, thiên Canh, bản thứ 2, tr.108 (bản sao tấu chương Tổng đốc Lưỡng Quảng của bộ Lễ). Dẫn theo Trang Cát Phát, TTVC(1982) tr.379.
(55) KDANKL, quyển XIII, trang 3 (bản dịch Nguyễn Duy Chính)
(56) Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr.379-80
(57) Quân Cơ Xứ, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr.380.
(58) Những tài liệu mới đây cho thấy Ngụy Nguyên (Thánh Vũ Ký – Càn Long Chinh Vũ An Nam Ký) viết nhiều chỗ hoàn toàn sai sự thực. Các tướng Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long… theo Ngụy Nguyên thì chết đuối nhưng thực ra đều chết trận vì bị bỏ lại phía nam sông Nhĩ Hà không qua được sông (hoặc có thể đã chết từ trước).
(59) CM II, XLVII (1998) tr.847-8
(60) Cung Trung Ðáng, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr.380
(61) Chúng ta cũng không thể không dè dặt khi sách vở nước ta có khuynh hướng thổi phồng những gì không nắm vững, nghĩ rằng địch càng nhiều thì chiến thắng càng vinh quang mà quên đi những yếu tố thực tế như tổ chức quân sự của nhà Thanh, phương pháp điều động, tiếp liệu, trang bị của một đoàn quân chính qui.
(62) Nguyên văn ứng do kỳ nhất nhân bồi bổ. Thực ra đến 1,346,508 lượng như đã viết ở trên nhưng chắc khi đó Tôn Sĩ Nghị chưa có những con số chính thức, tưởng chỉ tốn vài chục vạn lượng.
(63) Tôn Sĩ Nghị vẫn được liệt vào hàng “thanh liêm” trong đám vây cánh của Hoà Khôn nhưng xem ra ông ta cũng không phải là “nghèo” như chúng ta tưởng.
(64) Cung Trung Ðáng, CCBVV. Tấu thư của Tôn Sĩ Nghị đề ngày 23 tháng Giêng năm Càn Long 54 [17-2-1789]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr.381
(65) Lai Phúc Thuận, QNNC (1984) tr.430
(68) Tôn Sĩ Nghị định sau khi chiếm được Thăng Long rồi sẽ đem quân đánh vào Quảng Nam nên đã dự bị thủy lục hai mặt, quân thủy nửa tháng sau sẽ qua nhưng vì thuyền lớn qua không được mà cửa sông Nhĩ Hà thì quân ta đã chặn rồi nên ra lệnh cho đóng 40 chiến thuyền, đủ sức chở 2,000 quân, lập thêm 25, 26 trạm trên bộ cách nhau chừng 8, 90 dặm, ngoài ra còn xây thêm 53 trạm lương thực từ Thăng Long vào Phú Xuân. Nưng bị thua ở Thăng Long thì những công tác này không thực hiện được.
(69) Cung Trung Ðáng, CCBVV, tấu triệp của Tôn Vĩnh Thanh đề ngày 14 tháng Giêng năm Càn Long 54. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr.380-1
(70) Lai Phúc Thuận, QNNC (1984) tr.145
(71) Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr.208
(72) Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr.209
(73) Thượng dụ gửi Phúc Khang An. KDANKL, quyển XIII, tr.29a
(76) Theo một số tài liệu, xác người Thanh được gom lại chôn tập thể thành 12 gò ở ngoại ô Thăng Long. Tuy nhiên có lẽ đây chỉ là một phần nhỏ vì dù cho mỗi gò có khoảng 200 xác thì cũng chỉ độ hơn 2000 người.
(77) Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr.375

Trích "Chuyện người ngoại sử" - Tác giả: Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Đăng ngày 20 tháng 03.2020