banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

MỘT KINH NGHIỆM TRAU DỒI SINH NGỮ TUYỆT VỜI

Gs Đàm Trung Pháp

Hồi còn là sinh viên ban cử nhân chuyên về Anh ngữ tại Miami University thuộc tiểu bang Ohio trong đầu thập niên 1960, tôi có cơ hội học thêm một số ngoại ngữ trong phần học trình nhiệm ý. Tiến sĩ Glen Barr là vị giáo sư tiếng Tây ban nha tôi ngưỡng mộ nhất. Ông uyên bác, hiền lành, tận tụy, rất quý mến học trò. Sau một thời gian học với ông, tôi được ông mướn làm người chấm (grader) bài tập của sinh viên theo học các lớp Tây ban nha ngữ nhập môn của ông. Mỗi cuối tuần, với nụ cười hiền hậu, ông trao tôi một món tiền căn cứ vào số bài tôi đã chấm dùm ông. Món tiền thường chỉ đủ để đưa cô bạn gái người Mỹ đi xi-nê một hai lần là cạn, nhưng tôi cảm động và hãnh diện được ông thầy học tin cậy khả năng của mình.


Một hôm tôi hỏi ông: “Tiến sĩ Barr ơi, có cách nào hấp dẫn để trau giồi tiếng Tây ban nha không? Học thuộc lòng các quy luật văn phạm và từ vựng buồn tẻ quá rồi!”. Ông gật gù, có vẻ thích thú câu hỏi của tôi, rồi ông hỏi lại tôi: “Anh có thích thơ và nhạc không?” Thấy tôi gật đầu lia lịa, ông nói tiếp: “Vậy thì hãy thử tìm đọc thơ của Gustavo Adolfo Bécquer, và nghe những bài hát do Trio los Panchos trình diễn đi!”. Ông thầy chí tình của tôi còn quả quyết là qua thơ và nhạc, tôi sẽ thích tiếng Tây ban nha hơn, biết thêm từ vựng văn học, hiểu thêm nếp sống tình cảm của người dân Tây ban nha và Mỹ châu la-tinh, và nhất là sẽ thăng hoa khả năng phát âm và khả năng nghe hiểu thứ tiếng này. Ông vỗ vai tôi, nói tiếp trước khi tôi rời văn phòng ông: “Pháp tin tôi đi, vì đó là kinh nghiệm bản thân của tôi mà!”
Lúc đó tôi đâu có biết là giáo sư Barr đã cho tôi một lời khuyên vô giá. Ông quả là một nhà giáo ngoại ngữ tinh đời mà tôi có diễm phúc được làm học trò.
Rời văn phòng ông, tôi vội ghé thư viện nhà trường để mượn một cuốn hợp tuyển dầy cộm về văn học Tây ban nha trong đó có thơ của đại danh Gustavo Adolfo Bécquer và các thi nhân lẫy lừng khác. Tôi cũng vào một tiệm âm nhạc ở ngoài phố để mua một đĩa hát của ban tam ca Trio los Panchos rất được ưa chuộng thời ấy, bìa in hình ba chàng ca sĩ tay ôm cây đàn điệu nghệ. Chỉ tiếc là cái album đĩa hát thuộc loại “long-playing” ấy của nhà sản xuất Columbia không có đính kèm bản văn (lyrics) của các bài hát, nhưng đây lại là một điều tốt cho tôi, như sẽ giải thích dưới đây.

Gustavo Adolfo Bécquer (1836-1870), một nhà thơ tài hoa nhưng mệnh yểu thuộc trào lưu hậu lãng mạn, đã chinh phục ngay được lòng mến mộ của tôi qua một số bài thơ trữ tình trong tuyển tập Rimas y leyendas của ông. Thi tuyển này gồm 98 bài --có bài rất ngắn nhưng cũng có bài khá dài, tổng cộng thành vài ngàn câu thơ trác tuyệt-- đóng vai trò quan trọng trong văn học Tây ban nha và nằm trong học trình trung học của các quốc gia nói thứ tiếng này. Sau tuyệt tác này, Bécquer được coi như người đã sáng lập ra trường phái “trữ tình mới” của văn học Tây ban nha, ảnh hưởng trực tiếp đến các đại danh thi ca như Octavio Paz và Rubén Darío. Nét trữ tình ngọt ngào của nhà thơ nổi bật trước sự bộc phát của tình yêu và nỗi cô quạnh của thiên nhiên, khiến người đọc mủi lòng và thấm thía đến nỗi phải đọc đi đọc lại đoạn thơ hay cả bài thơ liên hệ ấy cho đến khi nhập tâm mới thôi.
Nhưng “nàng thơ” lúc đó của Gustavolà ai? Đó là cô Elisa Guillén, một kiều nữ mà nhà thơ mê say nhưng duyên không thành, trước khi ông đành kết hôn với cô Casta Esteban Navarro trong một cuộc tình duyên thiếu hạnh phúc.

Trau giồi tiếng Tây ban nha qua thi tập trữ tình của Gustavo Bécquer và qua những bài hát mùi mẫn của ban tam ca Trio los Panchos bỗng chốc trở thành một niềm đam mê lớn của tôi!
Mỗi chiều sau khi xong bài vở các môn học khác, tôi ngồi rất lâu để đọc và … học thuộc lòng thơ Bécquer! Ngay bữa đầu tôi đã bị quyến rũ bởi Rima XXI, Rima XXII Rima XXIII  là ba bài thơ tình tuyệt vời mà nội dung đã khiến tôi ngồi mơ mộng, ước chi mình là người thi sĩ diễm phúc ấy! Tôi mường tượng ra chàng thi sĩ trẻ Gustavo có một cô bạn gái kháu khỉnh đang rất mến anh ta. Một hôm cô âu yếm nhìn anh ta thật lâu rồi nhõng nhẽo hỏi: “Thơ là cái chi mà anh mê nó thế hả anh?”. Sự bộc phát của tình yêu đã khiến nhà thơ thốt ra câu trả lời nổi tiếng nhất trong thi ca trữ tình thế giới: “Thơ … là em đấy!”. Thi nhân cũng chẳng để lỡ cơ hội cho tiếng lòng đang thổn thức rót thêm những lời đường mật vào tai cô bạn gái mà chàng vừa xác nhận là nguồn thơ lai láng cho mình:

¿Qué es poesía? dices mientras clavas             Thơ là chi ? Em hỏi, khi mải
en mi pupila azul.                                          nhìn sâu tận đáy mắt anh
¿Qué es poesía ? Y tú me lo preguntas ?         Thơ là chi ? Em hỏi anh như vậy?
Poesía … eres tú.                                         Thơ … chính là em đấy.
***

Por una mirada, un mundo,                            Một thế giới cho từng ánh mắt,
por una sonrisa, un cielo,                               một trời xanh mỗi lúc em cười,
por un beso … ¡ yo no sé                               mỗi nụ hôn … anh còn suy đoán
que te diera por un beso !                             biết tặng gì mỗi lượt em hôn !

Ý tứ rạt rào đam mê, ngôn ngữ bình dị như lời nói chuyện, cú pháp đơn sơ ở mức tối đa trong những câu thơ trên khiến chúng trở nên vô cùng hấp dẫn và dễ thuộc lòng. Và thuộc lòng những câu thơ mà mình tâm đắc có nhiều lợi điểm lắm. Nào là từ vựng, nào là cách chấm câu, nào là các mẫu cú pháp, tất cả đã được ghi nhớ vào trí óc để sẵn sàng mang ra sử dụng khi cần thiết. Tôi mê các câu Poesía … eres tú / por una mirada, un mundo / por una sonrisa, un cielo cho nên đã dùng chúng làm các câu mẫu để viết ra các câu tương tự như Mi musa … eres tú (Nàng Thơ của anh … là em đấy), por una caricia, un yate (một du thuyền cho mỗi vuốt ve), và por un abrazo, un castillo (một lâu đài cho từng ôm ấp). Thú thực, lúc đó đam mê tình ái của nhà thơ đã lây sang tôi, khiến thi ngữ của Bécquer thêm bội phần hấp dẫn!

Nếu so với thơ về mức hấp dẫn để thăng tiến khả năng ngoại ngữ thì nhạc “ăn đứt” thơ vì nhạc có thêm chiều (dimension) âm thanh. Mỗi bài hát, ngoài từ vựng và cú pháp gửi gấm trong những lời ca, còn là một mẫu mực cho phát âm (pronunciation) và các mô hình ngữ điệu (intonation patterns), cũng như một thực tập để nghe hiểu (listening comprehension). Ba bài hát Solamente una vez, Perfidia, và Bésame mucho do Trio los Panchos trình diễn mùi mẫn trong điệu bolero chầm chậm đã làm tôi mê ngay lúc nghe lần đầu, mặc dù chưa hiểu trọn vẹn ý nghĩa những câu hát vì tôi không có văn bản (lyrics) trước mắt. Tôi quyết định phải nghe đi nghe lại ba bài hát ấy cho đến khi thuộc lòng, rồi ngồi xuống, với cuốn tự điển Tây ban nha nho nhỏ trong tay để giúp phần tra cứu chính tả (spelling), viết ra giấy những gì tôi đã ghi trong trí nhớ. Nỗ lực ấy là một lối thực tập tự viết chính tả thú vị, và sau một hai tiếng đồng hồ, tôi đã có văn bản của ba bài ca bất hủ! Khả năng nghe hiểu (listening comprehension) cũng rõ rệt được thăng hoa khi tôi chăm chú mê say nghe những lời ca của Trio los Panchos. Âm điệu (melody) ngọt ngào êm tai hòa với nhịp điệu (rhythm) lên xuống rộn ràng của các bài hát như có ma lực giúp tôi mau chóng thuộc lòng những lời ca chứa chan cảm xúc mạnh của chúng.

Nói về cảm xúc mạnh thì ba bài hát nêu trên thuộc loại thượng thừa! Nghe xong bài Solamente una vez tôi thắc mắc hoài về người trong cuộc. Tại sao chỉ một lần yêu thôi? Lý do nào tan vỡ? Ly dị, chết chóc, hay chỉ vì người ta thay lòng đổi dạ? Đây là niềm tiếc nuối xót xa của nhân vật chính trong bài ca :
Solamente una vez                      Chỉ một lần thôi
amé en la vida ;                          tôi đã yêu trong đời ;
solamente una vez,                     chỉ một lần thôi,
y nada más.                                rồi không còn chi hết.

Chán nản trong lòng, nhưng người ấy chưa quên được nét nhiệm mầu của một tình yêu đích thực nay đã lọt khỏi vòng tay mình:
Y cuando ese milagro realiza             Và khi phép lạ ấy
el prodigio de amarse,                     mang cho tôi tình yêu bừng cháy,
hay campanas de fiesta                   bao tiếng chuông mở hội rộn ràng
que cantan en el corazón.               cùng trong tim ca hát lừng vang.

Tôi thấy tội nghiệp vô cùng cho tác giả bài hát Perfidia. Đau xót biết mấy khi có người yêu điên đảo ! Nhạc sĩ thất tình với trái tim rớm máu này thở than về một phụ nữ đã làm cho đời ông tan nát. Ông mang cả Thượng Đế, cả biển sâu ra làm nhân chứng cho mối tình thành khẩn, cho những lần than khóc, cho những chuyến đi tìm kiếm vô vọng của ông – tất cả chỉ vì sự đảo điên, đi hoang của nàng thôi :
Mujer, si puedes con dios hablar,               Em, khi được thưa cùng Thượng đế,
pregúntale si yo alguna vez                       hỏi Ngài xem anh có bao giờ
te he dejado de adorar.                           dám chểnh mảng tôn thờ em thế.
Y al mar, espejo de mi corazón,                 Hay hỏi biển thấu tim anh rõ
las veces que me ha visto llorar                  đã bao lần thấy lệ anh rơi
la perfidia de tu amor.                              vì đảo điên tình ái em thôi.
***
Te he buscado dondequiera,                      Đã tìm em bốn bể năm châu
yo no te puedo hallar.                               mà chẳng hề thấy bóng em đâu.
Y tú, quién sabe por dónde andarás,           Còn em, ai biết ở phương nào
quién sabe qué aventuras tendrás,              tháng ngày qua mạo hiểm ra sao
qué lejos estás de mí.                                khi chúng ta còn bao cách trở.

May thay, những tiếc nuối trong bài Solamente una vez và những nát lòng trong bài Perfidia được đền bù rộng rãi bằng những đam mê trong bài Bésame mucho do nữ nhạc sĩ Mễ tây cơ Consuelo Velázquez sáng tác năm 1940. Điều đáng ngạc nhiên về tác giả bài hát thúc dục hôn nhau thắm thiết nổi tiếng thế giới này là sự kiện cô ta, cho tới lúc ấy, chưa bao giờ được ai … hôn cả. Cô phải bạo phổi lắm, vì ở thời điểm đó bên Mễ tây cơ, hôn nhau say đắm theo kiểu cô ta đề nghị vào ban đêm thì chắc chắn bị coi như tội lỗi rồi ! Cả thế giới biết đến bài hát này mà dưới đây là những lời thiết tha thúc dục trong nội dung nguyên tác :
Bésame, bésame mucho,                                Hãy hôn em, hôn em cho bõ
como si fuera esta noche la última vez.             như thể đêm nay lượt cuối cùng.
Quiero tenerte muy cerca                               Em muốn anh thật gần em đó
mirarme en tus ojos                                       để soi hình trong cặp mắt anh
y verte junto a mi                                          và thấy anh quấn quýt bên em
Qué tengo miedo perderte,                            Ôi em sợ mất anh biết mấy,
perderte otra vez.                                          sợ mất anh lần nữa sau này.

Mấy chục năm đã qua đi, nhưng kỳ diệu thay những bài thơ tình trinh nguyên của Bécquer, những bài hát do Trio los Panchos trình bầy mùi mẫn mà tôi học thuộc lòng trong tuổi thanh xuân, ngày nay tôi vẫn còn nhớ rõ! Tôi cũng còn giữ thói quen đọc thơ và nghe nhạc Tây ban nha trong lúc nhàn rỗi để ôn tập khả năng thứ tiếng ấy. Thực là thú vị, mới đây tôi “google” tìm lại được bài Solamente una vez là bài hát tôi yêu mến nhất! Kỹ thuật ngày nay cho âm nhạc thêm một chiều nữa, đó là hình ảnh sống động đi kèm. Tôi nghe và xem hình hai giọng ca vàng Julio Iglesias gốc Tây ban nha và cô Thalía sắc nước hương trời, đệ nhất đào thương telenovela xứ Mễ tây cơ, song ca trong một “youtube.” Từ trước đến nay, tôi chưa thấy ai hát bài ca ấy ngọt ngào đến mê hồn như họ!
Bao kỷ niệm thời thanh xuân vụt trở lại ! Tôi thấy mắt mình cay cay khi tai nghe như vang vọng đâu đây bốn câu thơ của Rubén Darío (1867-1916) mà tôi đã thuộc lòng từ thuở xa xôi ấy:
Juventud, divino tesoro,                              Tuổi thanh xuân, kho tàng thượng đế
ya te vas para no volver!                              đã ra đi để chẳng trở về !
Cuando quiero llorar, no lloro,                        lúc muốn khóc nào đâu khóc nổi,
y a veces lloro sin querer.                             nhưng nhiều khi bất chợt lệ rơi.

ĐÀM TRUNG PHÁP
Cựu Giảng sư Anh ngữ
Đại học Sư phạm Sàigòn
 

 

Đăng ngày 27 tháng 09.2015